Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu

Trần Vũ

Tôi trở về ngôi nhà của gia đình sau hơn hai mươi năm xa cách. Ngôi nhà chừng như không thay đổi mấy ở mặt tiền. Vẫn ba gian tường quét vôi trắng, điểm một vài khung cửa khép hờ, một chái bếp ở hiên sau và mảnh sân con vuông vức nơi lối ra vào. Dấu tích của thời gian chỉ ẩn hiện lờ mờ từng đốm ố trên vách tường cũ, đã ngả màu cháo lòng và loang lổ đây đó như những vệt mụt nhọt thâm sâu. Ngôi nhà vẫn giữ được màu ngói đỏ mà Thầy tôi thuê người lợp trước ngày Nhật chiếm Ðông Dương. Vẫn còn nguyên một mảnh ngói mẻ nằm ở hàng ngói thứ mười từ máng xối đếm lên. Cả lớp rêu xanh rì bám vào bờ tường chạy viền theo bên hông nhà ra đến chân hàng giậu hoa dâm bụt nơi Thầy tôi đang đứng.
- Kìa cái Nụ về đấy à? Ði đâu mãi thế? Ðến gần Thầy xem, mắt Thầy lòa rồi không nom rõ...

Nhân Bản Vô Tính Vị Tình?

Phan Thị Trọng Tuyến


A thousand years, a thousand more
A thousand times a million doors to eternity…
Sting

Tháng chín 2010.
Lần thứ nhì, điểm đau xuất hiện cũng bất ngờ, như lằn chớp ngoằn ngoèo trên bầu trời đêm trong sáng. Mũi kim đâm bắt đầu từ giữa ngực trái, mọc dài xuyên ngang bụng, trổ ra lưng, lan lên vai trái. Một đường đau bất ngờ, bén ngọt, rõ ràng. Và ngay lập tức, trái tim cuống quít, dồn dập nhịp đập, hỏi han và kêu cứu. Mồ hôi ướt ngực. Không khí chợt đậm đặc, ngưng đọng trước mũi. Khi mở mắt ra, đêm vẫn yên tĩnh bình thường quanh tôi, chỉ váng vất đâu đó một chút bàng hoàng, một chút hoang mang của khoảnh khắc sau ác mộng. Không, ngắn hơn ác mộng. Một cái chớp mắt kéo dài của một đoạn phim quay chậm. Một đoạn phim không đầu đuôi, điển tích, không cốt chuyện, ngụ ngôn. Vì tâm lí bất an? Chỉ là một thoáng mộng dữ?
Lần thứ ba, chấm đau vẫn bất ngờ và ngắn ngủi nhưng trí nhớ bắt đầu ghi dấu và vẽ lại trình tự thành hình. Điểm đau đột khởi, đường chém ngọt, nhịp tim hoảng loạn, thúc bách, hơi thở mất tăm, những bong bóng phổi xì hơi ngoi ngóp mang cá mắc cạn. Phải tìm cho ra điển tích, thông điệp.
Bây giờ, trong khi chờ đợi, tôi đâm ra bực bội vì đôi lúc bắt gặp mình đang nghe ngóùng, mong chờ, theo dõi bước đi của đường gươm, bực bội vì tưởng như cả tâm trí mình đều hội tụ về chỗ đau ấy.
Khi nào? Có phải sau lần đến bệnh viện thăm chú Hoá? Có phải từ hôm được tin đứa con út li dị vợ và không quyền giữ con?

VậnTốc Trung Bình

Chuyện ngắn Vũ Quỳnhh Hương
 
Để giải quyết một cách tiêu cực cho nạn kẹt xe khủng khiếp trên xa lộ 101 mỗi chiều, nói tiêu cực vì nàng không thể chọn giờ khác, cũng không thể chọn một con đường nào khác để trở về, nàng chất trên xe, bên ghế ngồi của nàng, không biết bao nhiêu là sách báo. Từ những tờ báo Việt ngữ nàng đặt mua hàng năm, những tờ nàng nhặt ở chợ Việt Nam mỗi tuần, những tờ nàng không hiểu vì sao mình có… cho đến những tờ magazine bản xứ mà nàng cũng mua chỗ này một tờ, nhặt chỗ kia một tờ, trong giờ break ở trường, trong những lúc trốn việc ở sở, trong khi xếp hàng đợi tính tiền chợ…. Từ Time sôi sục lời hứa hẹn của những yếu nhân muốn cầm vận mệnh Hoa Kỳ, tờ Newsweek chụp thật gần hình ảnh cái xác vị nữ lãnh tụ Ấn Độ trên giàn hỏa làm máu nàng ngưng chảy lại một giây, tờ National Geographic với những bức ảnh đẹp lộng lẫy và hoang đường chở theo câu chuyện về những xứ sở xa xôi nào đó… cho đến những tờ lá cải với hàng ngàn đề tài lẩm cẩm ăn khách từ phương Đông cho tới phương Tây… How to say no to a man and how to say yes; How to meet a millionnaire; How to enlarge your breasts… v.v. và v.v. Thường thì nàng đặt tờ báo ngay trên tay lái và đọc nó vào giữa những giây phút chờ đợi dài dằng dặc lê thê trước khi có thể nhích theo được chiếc xe đi trước nàng từng bánh xe một, trong giòng xe cộ trùng điệp tại một tiểu bang có hệ thống xa lộ nổi tiếng nhất nước Hoa Kỳ. Đôi khi, dường như nàng lại còn mong cho cuộc kẹt xe kéo dài thêm chút nữa để nàng có thể đọc cho xong một đoạn văn hay, một bản tin án mạng với đầy đủ chi tiết hoặc một bài bình luận nẩy lửa nào đó. Với cách giết thời giờ ấy, nàng không bị rơi vào trạng thái nóng nẩy, bực dọc, bồn chồn giữa giòng xe cộ trườn đi từng chặng từng chặng nặng nề như một con trăn uể oải. Vận tốc tối đa được qui định trên xa lộ là 55 dặm giờ, nhưng trong những buổi chiều không thay đổi như thế, từ thứ hai cho đến thứ sáu, nàng và giòng xe chung quanh chỉ trườn đi với vận tốc khoảng từ 25 cho đến 15 dặm giờ, thứ vận tốc chậm rãi thong dong nhất mà một người văn minh có thể nhận được một cách tình cờ không lựa chọn, giữa một nhịp sống đang quay vòng với tốc độ rất nhiều lần nhanh hơn. Điều rất thường xảy ra khi nàng mải mê cúi xuống những trang báo như thế là chiếc xe phía trước nàng đã nhích đi một khoảng cách đủ để một hoặc hai chiếc khác chen vào mà nàng vẫn dậm chân tại chỗ, chiếc xe sau nàng bèn ré lên một tiếng còi nóng nẩy. Nàng vội vã đạp ga nhích theo, liếc vào kính chiếu hậu, mỉm cười rồi lại tiếp tục cúi xuống đọc báo như cũ. Không chịu được sự lơ đãng bình thản cứ tiếp tục xảy ra nhiều lần, chiếc xe sau nàng bèn đổi lane, tránh qua bên phải hoặc bên trái để liếc nhìn xem nàng đang thực sự làm gì, trước khi cố sức vượt lên trên, lên trên nữa. Nếu người lái chiếc xe sau là một người đàn bà, bất kể tuổi tác và chủng tộc, nàng sẽ nhận được một cái liếc háy rất dài; nếu là một đàn ông da trắng mặc Âu phục ba mảnh, cổ có cà-vạt với một chiếc áo treo lủng lẳng ở băng sau, nàng sẽ nhận được một nụ cười rất lịch sự; nếu không may mà kẻ lái xe lại là một tên da màu, một tên Mễ thì trường hợp xảy ra rất tệ. Có khi là những cái huýt sáo có hoặc không có kèm theo dậm chân đập tay, có khi là một cái đầu bờm xờm thò qua cửa xe đã quay hết kính xuống, hét lên, Hey, có đọc thư tình thì về nhà mà đọc chứ!

Một Kiếp Hồng Nhan

Nguyễn Đức Lập

Vào những năm khoảng cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, trên báo Sài Gòn Mới của ông bà Bút Trà có đăng một mẫu quảng cáo về một lớp dạy đờn tranh, trên đó, có hình một thiếu nữ đang ngồi đánh đờn.
Thiếu nữ nầy mặc áo dài trắng, vóc người mảnh mai, tóc dài xõa một bên bờ vai, che một phần ngực, mặt trái xoan thoáng buồn, đẹp não đẹp nùng.
Mỹ nhân trong hình đó là cô Phương Lan, cũng là người đứng ra mở lớp dạy đờn.
Thiệt ra, hình nầy, cô chụp đâu hồi còn con gái, thuở xa lắc xa lơ, chớ hồi tôi gặp cô, biết cô, cô đã ở tuổi ngoài bốn mươi, ngoại hình so với người đẹp trong ảnh, đã khác xa một trời một vực…
Dám mở lớp dạy đờn ngay giữa Sài Gòn hoa lệ, nơi qui tụ không biết bao nhiêu nhạc sĩ, nhạc công tài danh của khắp ba miền Nam, Trung, Bắc, hẳn nhiên, người phụ nữ Quảng Ngãi nầy có tài thật sự và tự tin ở khả năng của mình.

Ngang Lưng Đèo

Lê Thị Huệ

Xe đang nằm ụ giữa lưng chừng đèo. Đèo quốc lộ vắt vẻo ngang lưng trời, nằm trườn mình lên chập chùng cây rừng và đá núi. Con đường đèo độc nhất nối hai miền đất thượng và hạ thòng lòng một dãy xe cộ nối đuôi dài ngút mắt. Đoàn xe gồm đủ loại, xe lam, xe rau, xe nhà, xe khách, xe lính, xe công… làm thành một đường ngoằn ngoèo hỗn tạp màu sắc. Náng quá ngọ trút xuống sức nóng làm mặt đường nhựa run run.
Hai mẹ con ngồi xẹp giữa đống đồ đạc chất ngổn ngang trên xe. Nào bàn ghế, giường tủ, bao thùng, xe gắn máy, xe đạp, chuồng nuôi gia súc…đè lên nhau trên một chiếc xe mui trần.
Người mẹ cột tóc đuôi ngựa bằng giải vải hồng lấm tấm hoa được thắt thành một cái nơ, mặc áo cánh sát vai để lộ đôi tay dài nâu thon da thịt chưa nở nang hết, ngồi dựa lưng vào vách một cái chuồng gà. Cô nàng cầm chiếc nón rộng vành che cho con. Thằng bé lên bảy chui mình dưới gầm một chiếc bàn học để tránh nắng. Thỉnh thoảng ló người ra, rúc vào dưới nón mẹ.
- Nắng quá há má. Đứa bé tựa vào đầu gối của mẹ, và nói.

Chờ In Chin, Sắc


Hồ Đình Nghiêm

Ông nội em tuy con nhà võ nhưng không biết món Cửu Chỉ Thần Công. Bà nội em cho hay: Sở dĩ đếm lui đếm tới trên hai bàn tay của ông chỉ có chín ngón là tại vì thời trai trẻ ông mắc phải lỗi lầm với đại ca, tự cắt rời ngón út gói vuông vắn trong khăn trắng để thế một lá thư ăn năn, xin tha thứ, xin xoá bỏ giùm những vụng dại nhỡ mang.
Họ ngồi trong một quán ăn. Họ tính đi lên chùa nhờ vị sư già thông hiểu thuật tử vi tướng số định giúp cho họ ngày lành tháng tốt để an tâm in thiệp cưới tựu thành cơn mộng uyên ương liền cánh. Chỉ ngốn mới một phần ba đoạn đường thì trời đổ mưa, thứ mưa giông tuỳ tiện rơi mà chẳng cần đưa biểu hiện nhằm thông báo trước. Mây đen vụt qua, thoáng chốc trên cao biết bao thùng nước đồng loạt dội xuống, thịnh nộ, hung hãn, vuốt mặt không kịp.
Họ tạt vào quán vắng trú mưa. Mái tồn thấp nghe vũ lượng rầm rộ trong khi giữa trủng ngực người con gái, sự ướt át phập phồng từ tốn bốc hơi, khô dần sứa vải ép sát thịt da. Khi đợi thức ăn mang ra, người con gái có kể qua một chút gia phả giòng họ mình cho tình nhân nghe. Dù gì thì cô được sinh đẻ và lớn lên ở Quy Nhơn, vùng đất mà người tình cô thắc mắc: Chả rõ con gái bây chừ có còn biết “cầm đao nhảy ngựa múa roi đi quyền”?

Con Chuột Nhắt Tật Nguyền

Hoàng Chính

“Chú mua cây quạt đi chú; mua dùm con...”
Tôi trở về. Hai mươi năm sau tôi mới trở về. Chợ Bến Thành, thời trẻ chưa lần nào ghé qua. Lẩn thẩn thế nào mà lại lạc vào đây. Chắc tại nắng gắt, đôi giầy mòn gót đưa tôi trốn vào đây chăng. Ngoài kia trời trong nhưng oi. Và nắng bong da. Trong này, những chiếc quạt vắt vẻo trên trần ném chút gió ong óng vào khoảng hành lang hẹp.
“Trời nóng, chú mua dùm con cây quạt đi chú.”
Tôi cúi xuống. Một con bé loắt choắt bám lấy chân. Bàn tay chỉ còn ngón cái xùi lên như cái dùi trống, bốn ngón kia dính vào nhau chằng chịt những xớ thịt xám ngắt. Hai cái dùi trống kẹp chắc một chiếc quạt nan. Thấy tôi để ý tới, hai con mắt hạt nhãn lấp lánh những tia vui. Hai cái dùi trống cử động, chiếc quạt mở ra. Hình gì thế này. Tôi không dám nhìn vào đôi hạt nhãn long lanh. Tôi chăm chú vào tranh vẽ trên nền quạt giấy. Con bé mở rồi xếp những nan quạt một cách thiện nghệ như đang làm ảo thuật. Hình gì thế nhỉ. Những nan quạt khép mở. Hình ảnh nhập nhòe. Chùa Một Cột. Đúng là Chùa Một Cột. Vua nào đó nhà họ Lý năm xưa đã có công xây lên ngôi chùa cho hậu thế có cảnh mà vẽ vào những tranh sơn mài, lên những tà áo, vào những chiếc quạt giấy bán rong trên đường phố.

Chin Chin Kobakama


Bắc Phong 

Cổ Tích Nhật Bản
Bắc Phong dịch từ bản tiếng Anh Chin Chin Kobakama do Lafcadio Hearn (1850-1904) chuyển ngữ.

Người Nhật thường phủ sàn nhà bằng các tấm thảm rất đẹp, dầy và mềm được dệt bằng những sợi rơm khô. Họ xếp các tấm thảm vừa khít với nhau đến nỗi người ta chỉ có thể nhét vào khe một lá dao mỏng. Các tấm thảm được người Nhật giữ sạch và thay mỗi năm. Họ không bao giờ đi giầy trong nhà và không dùng ghế như người Anh. Họ ngồi, ăn, ngủ và đôi khi viết trên sàn. Vì vậy các tấm thảm phải được giữ thật sạch. Trẻ con Nhật được dạy dỗ, ngay từ khi biết nói, là không được làm rách hay bôi bẩn các tấm thảm.

Nẻo Quyên Ca

Chuyên ngắn Vũ Quỳnh Hương
 
Ðã từ lâu, tôi tự coi như mình không còn trẻ nữa. Ðó không phải là một cách ràng buộc mình, một cách chống chỏi với những lúc buồn phiền, hay một cách gìn giữ lòng trung trinh. Tôi chỉ giản dị tự cảm thấy mình không còn trẻ nữa.
Nói một cách khác, tôi chỉ còn đủ trẻ để tiếp tục chờ đợi Khắc chứ không còn đủ trẻ để khởi đầu một đời sống khác. Bằng cách suy nghĩ đó, tôi thôi không tự hỏi liệu nếu năm mười năm nữa tôi vẫn không gặp lại Khắc thì còn chi là cuộc đời tôi.
Có những lúc bắt gặp tôi trong cơn ủ rũ, Ý Nhi đã quanh quẩn bên tôi với vẻ bứt rứt đầy trắc ẩn. Càng về những năm sau này, những cơn ủ rũ như vậy càng thưa thớt đi nhiều, nhưng vẫn đủ để Ý Nhi bắt gặp được. Có lần, nó nói đại khái là tôi cũng cần phải sống đời của tôi, là tôi không được công bằng với chính tôi.
Ý Nhi nói tiếng Việt, nhưng tôi nghe ra trong câu nói của nó cái ngôn ngữ của một người Mỹ. Con gái tôi nói chuyện với tôi bằng thứ tiếng của người bản xứ, như nói với một người bạn gái duyên phận long đong. Tôi há miệng toan trả lời nhưng chợt nhận ra cái vẻ bè bạn đó, tôi ngừng lại, im lặng quan sát Ý Nhi.

Sông Không Bến

Chuyện ngắn Lê Thị Huệ

Trong lúc lăng xăng theo làm việc ở các phòng triển lãm của Ed Nuestra ở vùng Bay thì tôi gặp nàng Huệ Lâm của tôi.
Chiến tranh Việt Nam vừa chấm dứt. Lúc ấy phong trào cứu trợ người tị nạn Đông Dương nổi mốt thời trang từ Nhật sang Âu đến Mỹ. Cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến đầu tiên được trình chiếu tanh banh trên màn ảnh truyền hình trong mọi gia đình khắp hoàn cầu. Sự phổ thông của chiến tranh trên màn ảnh nhỏ này đã mang lại một hậu qủa là khi người Mỹ rời Việt Nam để cho cọng sản nhuộm chất độc đỏ toàn cõi Việt Nam. Thì thế giới biết có một làn sóng người Việt Lào Cam Bốt đã tha nhau chạy tán loạn khắp các vùng Đông Nam Á để lánh nạn cọng sản.
Một kẻ rành rẽ về thời cuộc Việt Nam thời bấy giờ, Ed đã xông xáo đi săn hình đẹp ở các trại tỵ nạn Á Châu. Ed là một phóng viên báo chí người El Salvado làm phóng viên cho một hãng thông tấn quốc tế. Anh đã từng có mặt ở Sài Gòn và xứ Nàng Pênh để thực tập nghề nghiệp trong thời gian chiến tranh Việt Nam đang cao độ thảm sầu. Thời gian gần đây anh vác máy quay trở lại Đông Nam Á vào các trại tỵ nạn kiếm thêm những bức hình khổ nạn của cái đuôi chiến tranh Việt Nam cho trọn bộ sưu tầm ống kính đẹp.

Đêm Giao Thừa Xa Nhà

Võ Kỳ Điền 

Căn nhà chật chội ồn ào rộn rịp, hôm nay bỗng dưng lặng im rộng thinh thinh như cái chùa. Vợ chồng anh tư Trần Hưng Đạo đã về Sài Gòn hồi sáng. Thằng Dân "gì đó" cũng vậy. Đám chị Điệp, Mai, Lan cũng bồng bế, dắt díu nhau lén về Bình Dương ăn Tết. Tụi thằng Tô Tỷ, A Son với Xám Mã Chải thì về Vĩnh Châu với má nó. Còn lại ở Bạc Liêu chỉ có vợ chồng tôi với thằng Bi. Tết Kỷ Mùi sắp đến hồi nào không hay không biết. Trong đầu bây giờ chỉ có một ý nghĩ duy nhứt. Chừng nào có lịnh cho đi. Nhiều buổi tôi ngồi hằng giờ trong quán cơm ở bờ sông nhìn chiếc... BL 1648 im lìm, lặng câm, dật dờ. Chỉ cần mở đỏi, kéo neo, nổ máy quay mũi hướng ra biển lớn, phăng phăng lướt sóng là mọi chuyện êm đẹp biết bao nhiêu. Vậy mà không được. Chờ hoài, chờ hoài. Đã gần một tháng nay tôi mỏi mòn héo hắt bơ ngơ báo ngáo như người bịnh nặng. Nhiều khi ngồi chán, buồn chưn tôi đi loanh quanh dọc bờ sông nhìn dòng nước chảy. Nước thì chảy cuồn cuộn mà ghe thì vẫn không chịu trôi. Ngày mai nầy, tôi đã ba mươi tám, tuổi nửa đời người, buổi sáng đứng chải đầu trước kiếng thấy có vài sợi tóc bạc màu, giựt mình nhớ câu "Thệ giả như tư..." Chiếc ghe vẫn nằm ỳ trên bến như dề lục bình hoa tím lá xanh mắc kẹt cột cầu tàu mục nát, trên đó có con vịt đứng co một chưn, miệng kêu cạp cạp xa vắng mỏi mòn. Tôi cũng y như con vịt, lẻ loi, ngơ ngác. Nhứt là buổi chiều nay, chiều ba mươi Tết, không cửa không nhà, không bàn thờ tổ tiên hương khói, không cha mẹ anh em, bơ vơ nơi đất lạ. Cũng may là còn có vợ con. Trời đã sẩm tối, tôi và Duyên đi một vòng chợ Bạc Liêu để coi thiên hạ chuẩn bị đón xuân sang. Đường xá Bạc Liêu nhỏ hẹp ẩm thấp bùn sình. Cơ quan thủy lợi của tỉnh đắp đê, đắp đập thế nào không biết mà chỗ nào cũng ngập lụt lầy lội. Đèn đường không đủ sáng, tù mù bóng đen nhòe nhoẹt. Hai vợ chồng ẵm thằng Bi đi lơn tơn dọc theo đường Độc Lập rồi lần ra Trương Vĩnh Ký. Đêm giao thừa, chợ Bạc Liêu dọn dẹp sạch trơn. Các gian hàng đóng im ỉm, khóa kín vắng tanh trái ngược với cảnh ồn ào rộn rịp hằng ngày. Hai bên đường phố nhà nào nhà nấy sửa soạn quang đãng, cửa mở hé. Nhìn vô trong thấy đèn nến sáng trưng ấm áp. Thỉnh thoảng có từng tràng pháo nổ. Không khí như ấm lại. Trên đường đã có nhiều đứa con nít súng sính trong các bộ đồ mới xanh xanh, đỏ đỏ chạy giỡn tung tăng. Lẫn trong đó có nhiều chị bạn hàng trễ muộn gồng gánh kĩu kịt, tất tả quay về.

Thời "Giải Phóng": Trả Lại Tiền

Cao Xuân Huy

Cơn thèm đàn bà bắt gã đạp xe loanh quanh trong thành phố.
Đường Hồng Thập Tự lác đác chị em ta đứng thập thò dưới các gốc cây.
“Xe qua lại nhiều quá, không được.”
Gã đảo một vòng công viên trước cổng Dinh Độc Lập. Tối. Mỗi gốc cây đều thấp thoáng bóng người. Vài tay cũng đạp xe rảo rảo giống gã.
“Được rồi.”
Gã tấp vào một gốc cây. Một ả ló ra kéo tay gã:
“Dzô sát trong đây.”
“Nhiêu?”
“Hai chục.”
“Không có đủ.”
“Dzậy có nhiêu?”

Huyễn Mộng

Hoàng Chính

1

Nàng vừa giặt áo vừa đuổi muỗi. Ngọn đèn dầu hắt chiếc bóng lẻ loi lên vách lá hông nhà. Trong bóng tối, chiếc áo đen thẫm trên tay nàng.
Để mai em à. Vừa đổ nước vào thau, người đàn ông vừa nói. Ngày đầu ở quê nhà vất vả làm gì vội.
Em muốn giặt bây giờ, sáng mai mặc. Nàng nói, tay không ngừng vò.
Còn nhiều áo khác mà. Người đàn ông buông xuôi hai tay, nước trong thùng lách tách nhỏ giọt dưới chân chàng.
Nhưng em thích mầu đỏ, mầu của sự may mắn.
Có may mắn thật không. Người đàn ông thầm nghĩ. Nhưng lại nói ra một điều hoàn toàn khác. Đúng rồi, mầu của hạnh phúc.
Nàng không nói gì. Từ lúc về tới chốn này, nàng có vẻ tư lự. Điều gì đó vướng trong tâm tư. Chàng chờ nàng nói ra như mọi khi. Nhưng nàng lặng thinh.
Cho em một phút nữa thôi. Nàng nói theo thói quen. Chàng mỉm cười trong bóng tối. Nơi đây giờ giấc đâu còn là thứ phải quan tâm.

Dủ Học Dủ Ngu

Chuyện ngắn Nguyễn Đức Lập

Nghe cái câu “Dủ học dủ ngu”, càng học càng ngu, dễ mấy ai tin được. Càng học thì phải càng khôn ra, cũng như gừng, quế, “dũ lão dũ tân”, càng già càng cay, mới phải cho chớ.
Hồi nhỏ, tôi học chữ Nho với thân phụ. Cha thì dạy nghiêm túc, nhưng thằng con thì học lơ là, lại thêm cái tánh rắn mắt, cắc cớ đã quen. Nên nhiều khi nó cố tình cắt nghĩa những câu chữ Nho học được theo ý của nó để cười chơị.
Học tới câu “Dủ học dủ ngu”, tôi đã dám ngồi xếp bằng chễm chệ, đã nói là cái tánh rắn mắc cắc cớ đã quen mà, cắt nghĩa cho thằng em tôi như vầy:
“Dủ học dủ ngu”, là “càng học càng ngu”, thành ra, trò học ít thì trò ngu ít, trò học nhiều thì trò ngu nhiều, mà trò không học thì trò không ngụ.
Thằng em gật đầu khoái trá, ai dè được mà cha tôi đứng ở sau lưng. Tôi bị 5 roi quắn đít và học 1 bài học nhớ đời : “chữ nghĩa thánh hiền không thể đem ra mà đùa giỡn được”.
Không biết ông Mai Thảo có học 1 bài học để đời như tôi vậy chăng, nhưng ông cũng nói y như vậy, chỉ có điều ông không dùng “chữ nghĩa thánh hiền”, mà ông dùng 2 chữ “văn chương”. Ông nói : “Đối với văn chương phải nghiêm túc, không đùa giỡn được”. Ông có thể lơ ngơ thất thiểu ngoài đường phố, đi bộ mà cũng bị cảnh sát công lộ phạt về tội vi phạm luật lưu thông. Ông có thể lè nhè nơi tiệc rượu khiến cho con nít giỡn mặt. Nhưng, khi viết, ông viết rất nghiêm túc, không bao giờ đùa giỡn với văn chương.

Thư Không Người Nhận

Hoàng Khởi Phong 



 Để tặng một người Mỹ đã chết rất trẻ ở Việt Nam và địa chỉ người nhận là Thiên Đàng. Nơi đó, buồn thaykhông phải là địa chỉ sau cùng của mỗi “chúng ta”


Elbert thân,
Thật tình tôi không ngờ đã đứng trước cửa nhà anh, căn nhà thật xinh nổi bật trên thảm cỏ xanh, một hàng rào gỗ thấp lè tè bên những khóm hồng nở rộ. Một cây táo, trái xanh tròn, lớp da bên ngoài mịn màng như những trái vú sữa ở nước tôi. Sáng nay mẹ anh đến thăm tụi tôi tại nhà thờ, chỗ tụi tôi đang trú ngụ tạm chờ thuê nhà. Dạo đó giữa tháng 8-75, sau một tháng ở Guam, một tháng ở trại Indiana Town Gap, tiểu bang Penn, một tháng ở trường đại học Saint-Joseph, một ngôi trường nằm giữa hai thành phố Augusta và Portland của tiểu bang Maine.
Chúng tôi tới đây tạm trú trong hai lớp học của một nhà thờ nhỏ Winterport. Tôi dám chắc với anh đây là một trong những city nhỏ nhất nước Mỹ, với dân số xấp xỉ một ngàn người, và ngôi nhà thờ nhỏ đó dĩ nhiên không giàu so với các giáo xứ khác.

Minh Râu

Hồ Đình Nghiêm

Một nơi thiếu vắng mặt trời, nơi ấy đêm sẽ dài hơn ngày. Một nơi mưa về rả rích, lê thê và dầm dề, sinh hoạt nơi đó thường gián đoạn, co cụm và đình trệ. Thị trấn Sầu Đông là một trong những nơi như vậy.
Người ta rất khó lượng định chính xác chân đi thời gian và chính họ, quá đỗi ngờ vực khi ngó chăm vào mặt đồng hồ. Chỉ có nó mới đưa ra được một con số khả dĩ tin được trong khi ngoài trời cảnh quang vẫn ngần ấy một diện mạo, sáng không sáng tối chẳng tối. Những con gà trống có thể gáy sai về một bình minh chưa tới, trong khi gà mái lại lùa bầy con vào chuồng nằm dù hoàng hôn mãi còn xa tít tắp.
Sầu Đông có sông có đồi có chùa chiền miếu mạo có lắm cây cao bóng cả bao che, những nguyên cớ tác động vào tâm tình con người, dẫu không nhiều. Dù bảo rằng lý lẽ ấy sai trật thì cũng nên khách quan để chứng nhận, người dân sống trong thị trấn Sầu Đông có vẻ đa sầu đa cảm, hiền lành, hơi khép nép, không mấy ưa chuyện tranh chấp cự cãi gây sự. Họ thích màu nâu màu xám màu hoàng thổ, những hợp sắc mà ta thường nhìn nhận chúng luôn có mặt ở nơi xông đầy khói nhang để khi bước vào lòng nghe ít nhiều sự thành kính dẫn đường. Người ở Sầu Đông ưa tổ chức những buổi cúng giỗ ở ngoài trời cho các oan hồn. Thỉnh thoảng họ ra chợ mua cá về chỉ để tìm sông hồ mà phóng sinh. Họ tin, song hành với đời sống này luôn có một cảnh giới khác cộng hưởng, trong khuất mặt. Ăn hiền ở lành, khù khờ ông trời độ có thể là châm ngôn họ cố bảo tồn. Bao triều đại đã thay bao hưng phế hiện hình bao dâu bể khuynh đảo khiến tâm tính còn người tuồng sứt mẻ chợt vẹt ít nhiều. Nam phụ lão ấu luôn nhắc chuyện cũ với bao tưởng tiếc trào dâng, người nặng lòng với Sầu Đông thì luận chuyện mà chất duy tâm lai láng phủ đầy: Trước, đêm ngủ chúng tôi vẫn để cửa mở tuyệt chẳng mất một cọng rác. Trước, mùa đông có dầm dề thì đó vốn là quy luật của mùa màng đất trời tuần hoàn xúi vậy, nay thời tiết như biết khóc giùm cho con dân thấp phận bé mồm. Sầu Đông được bọn thực dân Pháp trồng cho một rừng cây thuộc dạng cao niên hiếm quý ven đô nhằm bảo hoà môi sinh và ngăn ngừa nạn bão lụt, nay cường quyền thiếu vốn học thức đã vì đồng tiền mà đốn hạ chúng đi. Nếu trời đất chẳng sầu thảm như này, cái mới là chuyện lạ!

Miền Vĩnh Phúc

Chuyện Ngắn Vũ Quỳnh Hương
 
Thập niên 80 Văn học Di dân Việt Nam bùng lên hiện tượng nữ, và còn kéo dài đến bây giờ. Vũ Quỳnh Huơng là một trong những gương mặt chính làm nên hiện tượng ấy. Rời quê hương sau 30 tháng 4-1975, Vũ Quỳnh Hương đột ngột khám phá định mệnh của di dân Việt trên vùng đất mới. Miền Vĩnh Phúc gói trọn những kiếp người trong phòng đợi địa ngục. Những con người đáng thương và tha hóa đến phút cuối cùng. 
Xuất hiện lần đầu năm 1986 trên tập san Văn Học của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, trung thiên truyện Miền Vĩnh Phúc ngay lập tức được xem là một hạt trân châu lấp lánh trong Văn học Di dân Việt Nam ― của cả Văn học Quốc nội ―  vì góc nhìn quan sát mà Vũ Quỳnh Hương đem đến, không thể tìm thấy tại quê nhà. Dụng văn mô tả hoạt cảnh sống động, Vũ Quỳnh Hương đạt đến sự tương phản của đời sống quý giá so với phòng đợi chết âm u. Miền Vĩnh Phúc chưa hề in trong một tuyển tập hay một tập truyện nào.  [Trần Vũ]

Chiều Thứ Sáu Câu Cá Ở Pacifica

Chuyện Ngắn Lê Thị Huệ

Mười hai giờ rưỡi thứ Sáu Mềnh shop ở Sierra Monte mua món quà cho Elena thư ký mới vào việc. Mềnh soăn soắt ghé hiệu nến thơm Flora. Chọn cặp nến mùi nguyệt quế. Biến nhanh ra khỏi hai cửa ô kiếng. Ghé ngang trường cũ chào tên đàn ông đang dạy psy. Kiếm xa lộ ra biển Paficica dang nắng tháng mười thu Cali vàng ương ương.
Đời thế thời sự sướng cũng đã chín thù lu trái đu đủ vàng.
Đờn bà tuổi năm mươi lái xe tay số. Tay số, không phải tự động nhá. Lướt lụa xa lộ 280 là cao bồi Cali. Ở Mỹ kiếm được mấy chị đàn bà America, đừng nói các chị Việt như Mềnh. Huh. Cũng hơi bị hiếm đấy. Tám mươi lăm mai tức 137/km giờ. Dọt dèo qua mặt nhóc con gái Asian chỉ biết lái Camry Lexus Mecedes Corolla chầm chậm cho đúng luật giao thông xa lô. Rờ rờ nản kể gì. Mềnh ào ào lái mấy chục dặm ra biển vắng. Một mình ngồi ngắm hoàng hôn được hông. Biết vui cái sự thanh thản dạo bộ một mình an toàn trong bóng hoàng hôn ở vùng Vịnh. Không chồng không con vướng cẳng khòeo chân cạnh hông.

50 / 50

Hoàng Chính

Thằng nhỏ quen ông già từ lúc nó bắt đầu đưa báo trên tuyến đường ngang qua khu nhà trọ cao niên.
“Ông già đi đâu thế?” Nó làm quen trước.
Ông già nheo mắt nhìn cái bóng lờ mờ. Ông nâng mắt kính lên nhìn cho rõ. Vẫn mờ. Ông tháo kính ra. Bàn tay run ngoằn ngoèo những đường gân loay hoay tìm cái gì để lau. Thằng bé nhanh nhẹn rút trong túi ra mảnh giấy lau tay đưa cho ông già.
“Giấy gì đấy?”
“Giấy chùi tay trong McDonald’s.”
“Mày giầu thế.”
“Nghèo mạt.”
“Nghèo sao có tiền đi McDonald’s?”
“Cháu đi đưa báo quảng cáo. Ghé ngang lấy mớ giấy chùi tay xài dần.”
Smart kid.” Ông già vừa lau mắt kính vào miếng giấy vừa gật gù. “Nhưng đừng làm vậy.”
Thằng bé ngó ông già, rồi nhìn theo một con sóc loay hoay cạnh gốc cây bạch dương sần sùi. “Ông già đi đâu thế?” Nó hỏi.
Ông già đeo cặp kính lên mắt. Cái mặt gầy nhom của thằng bé nhập nhòe. Mái tóc nâu bẩn, quăn và rối như tổ chim làm vội trong công viên.

Ong Và Người

Bắc Phong

Mikkail Zoshchenko
Bắc Phong chuyển ngữ từ bản tiếng Anh Bees and People dịch bởi Maria Gordon and Hugh McLean.

Câu chuyện xảy ra sau chuyến viếng thăm nông xã của một gã lính hồng quân. Để làm quà cho thân quyến, gã đem theo một lọ mật. Và mọi người đâm ra thích mật đến nỗi họ quyết định là nông xã phải có một tổ hợp nuôi ong lấy mật riêng.
Nhưng chẳng có ai ở đấy đang nuôi ong cả. Thành ra các xã viên phải bắt đầu từ con số không. Nghĩa là họ sẽ phải làm tổ rồi đi dọn nhà cho mấy đám ong rừng. Đến lúc bàn tới chuyện thời gian đòi hỏi để hoàn tất công việc thì họ mất hết cả nhiệt tình. Lâu quá. “Chẳng bao giờ xong việc,” họ bàn tán. “Phải chạy đây chạy đó, rồi cái điều mình thấy đầu tiên là mùa Đông. Muốn nếm mật chắc phải đợi đến sang năm. Trong khi mình thì lại cần nó ngay bây giờ.”
May thay trong đám xã viên lại có lão Ivan Panfilich, người đã từng nuôi ong lúc còn trẻ. Trông lão bây giờ vẫn còn rắn chắc dù tuổi thì đã bẩy mươi hai. Lão Panfilich phát biểu. “Nếu chúng ta muốn uống trà với mật ong năm nay, thì một người nào đó phải đi tìm nơi người ta nuôi ong rồi mua chúng nó về.” Đám xã viên đồng ý ngay. “Phải đấy, nông xã mình đâu có thiếu tiền. Mà mình phải mua ong trong lúc chúng đang làm tổ cho mật kìa. Vì nếu mình khuân cái đám ong rừng về, mật của nó nhiều khi lại chẳng thơm tho gì.”