Nguyễn Đức Lập
Đại đa số người Việt Nam đều biết câu ca dao:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.
Nhà Bè là một quận thuộc tỉnh Gia Định, và nằm ở phía Nam Sài Gòn. Sông Đồng Nai chảy từ Phước Thành, theo hướng Bắc Nam, xuống Gia Định, đến làng Thạnh Mỹ Lợi của quận Nhà Bè, chia ra làm hai nhánh. Một nhánh là sông Nhà Bè, đổ ra cửa Soài Rạp và một nhánh là sông Lòng Tào, chảy ra cửa Cần Giờ.
Từ việc sông Đồng Nai chảy đến Nhà Bè, chia làm hai nhánh như vậy, nên mới có câu ca dao “Nhà Bè nước chảy chia hai” như đã nêu trên. Nhưng tại sao địa danh đó lại mang tên Nhà Bè?
Nhà Bè có nghĩa là cái nhà cất trên cái bè, nổi trên mặt nước.
“Ở sông Tam Kỳ, huyện Bình Dương, tương truyền lúc xưa, dân cư xa cách, nước sông mặn, ghe thuyền qua lại có khi phải chịu đói khát. Có ông Võ Thủ Hoằng phát tâm cứu tế, bèn đục cột tre làm bè, rồi làm nhà lên trên, trong nhà sắm đủ nồi bếp, củi cây, nước ngọt và đồ hỏa thực đầy đủ các vật, để cho người đi trên thuyền dùng. Khi hết, ông lại tiếp tế đến. Làm như vậy đã lâu năm, tài lực khánh kiệt mà ông không hề hối hận. Đến nay, cửa sông Tam Kỳ gọi là sông Nhà Bè”.
Như vậy, theo sách vở của trào đình, nhơn vật Võ Thủ Hoằng (có bản ghi là Võ Hữu Hoằng, webmaster chú) là có thật và nhờ vào công việc cứu tế từ thiện của ông, mới có một vùng đất mang tên vĩnh viễn là Nhà Bè.
Sách của trào đình là như vậy, nhưng trong nhơn gian lại có một chuyện khác, ly kỳ hấp dẫn hơn, về sự tích Nhà Bè. Đó là chuyện “Ông Thủ Huồng”.
Chuyện kể rằng:
“Thủ Huồng là một nhà giàu lớn ở Gia Định. Ruộng đất của ông “cò bay thẳng cánh, chó chạy ngay đuôi”. Gạo thóc của ông chứa đầy kho nầy lẫm kia. Vàng bạc của ông kể cũng muôn ngàn.
Tuy giàu như vậy, Thủ Huồng lại là người độc ác keo kiệt, bòn tro đãi trấu, bóc lột dân nghèo, để cho tài sản ngày càng dồi dào thêm. Điều buồn rầu của Thủ Huồng là vợ chồng ăn ở với nhau mấy chục năm mà không có con. Vợ Thủ Huồng vẫn thường khuyên lơn chồng nên bỏ bớt tánh keo kiệt, hà khắc, may ra được trời ngó lại, cho một mụn con nối dõi tông đường chăng. Nhưng, Thủ Huồng vẫn tánh nào tật nấy. Người vợ buồn rầu, ốm đau rồi chết.
Thủ Huồng mất vợ, buồn rầu, rời nhà đi lang thang dạo chơi khắp chốn.
Một hôm, Thủ Huồng tình cờ đến chợ Mạch Ma. Chợ nầy, theo truyền thuyết, chỉ họp vào ban đêm và người ở dương gian, hồn ma ở âm phủ gặp gỡ buôn bán với nhau.
Tại chợ Mạch Ma, tình cờ, Thủ Huồng được gặp hồn ma của vợ và được vợ dắt xuống âm phủ dạo chơi cho biết.
Xuống âm phủ, Thủ Huồng thấy có một cái gông rất to lớn, nặng nề, trên có hai chữ “Thủ Huồng”, để trước một cửa ngục.
Thủ Huồng ngạc nhiên, hỏi một vị quan gác ngục, thì được nghe trả lời:
- Ở dương gian có một tên độc ác keo kiệt, chuyên bòn rút bóc lột người nghèo, tên là Thủ Huồng. Cái gông nầy, để sẵn đây, chờ cho tên Thủ Huồng thác xuống, sẽ gông hắn lại, tống giam vào ngục tối.
Thủ Huồng nghe nói thất kinh, hỏi ngục quan có cách nào làm cho cái gông nầy tiêu mất đi không.
Ngục quan cho biết nếu tên Thủ Huồng nầy biết tu nhân tích đức, biết làm chuyện phước thiện, thì cái gông nầy sẽ không còn.
Thủ Huồng tỉnh ngộ, sau khi về nhà, phát tâm làm chuyện phước thiện, lo kết bè, cất nhà trên sông, để giúp đỡ người qua lại trên sông. Nơi Thủ Huồng lập nhà bè, làm việc phước thiện, nằm ở ngã ba sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.
Làm như vậy được một thời gian, Thủ Huồng lại tới chợ Mạch Ma, lại theo vợ xuống âm phủ. Tại đây, Thủ Huồng thấy cái gông, mười phần đã mất đi chín phần, chỉ còn nhỏ xíu.
Trở về, Thủ Huồng tiếp tục làm việc phước thiện, tới hết cả sản nghiệp.
Sau, Thủ Huồng chết, chẳng những không bị gông cùm trừng phạt, mà còn được cho đầu thai làm một vị hoàng tử của nhà Thanh bên Tàu. Trên bàn tay của vị hoàng tử nầy còn có tên Thủ Huồng ở Gia Định thành rõ ràng”.
Qua câu chuyện trên, người ta mới thấy đầu óc tưởng tượng phong phú của loài người. Từ một chuyện có thật, được sách vở nhà Nguyễn ghi chép đàng hoàng, trở thành một chuyện kể đầy tính cách hoang đường.
Dù sao, chuyện kể nầy cũng đạt được mục đích giáo dục, nhằm răn dạy con người không nên ăn ở keo kiệt, ác đức, hà hiếp, bóc lột người khác.
Chuyện Nhà Bè chưa dừng lại ở đây. Năm 1932, tờ Nông Cổ Mín Đàm, một tờ báo chữ Quốc Ngữ, xuất bản tại Sài Gòn, số 32, có đăng một bài vè “Thủ Huồng” bằng thể lục bát, dài 140 câu, tác giả là ông Nguyễn Liên Phong.
Nguyễn Liên Phong là một trong những nhà báo đầu tiên của Việt Nam. Ông giỏi cả chữ Hán lẫn chữ Quốc Ngữ. Ông là tác giả tập “Điếu Cổ Hạ Kim thi tập”, để nhắc nhở các nhơn vật nổi tiếng của Lục Tỉnh Nam Kỳ hồi đầu, đời Pháp thuộc. “Điếu cổ” là viếng những người đã chết, “hạ kim” là những người còn sống.
Nếu bên Tàu có nghề kể chuyện thì Lục Tỉnh Nam Kỳ của Việt Nam, có nghề nói thơ, nói vè. Ngày trước, nơi bến xe, bến đò, nơi đầu chợ, cuối chợ, có những người vừa sử dụng cây đờn cò, vừa kể một câu chuyện bằng thơ. Những người qua đường dừng lại nghe một lúc, bỏ ra một ít tiền để thưởng công cho người kể chuyện. Nhờ những người nầy mà những bài vè, bài thơ, như bài vè Thầy Thông Chánh bắn Biện Lý Tây, hay bài thơ Sáu Trọng, hay bài vè “Thủ Huồng” của ông Nguyễn Liên Phong, như đã nói trên, đã được lưu truyền khắp nơi, tới tận hang cùng ngõ hẻm.
Trở lại bài vè Thủ Huồng của Nguyễn Liên Phong. Như đã nói, bài nầy dài tới 140 câu. Chỉ xin trích vài đoạn, giới thiệu sơ qua về bài vè nầy.
Mở đầu, tác giả giới thiệu về gốc tích, thân thế của Thủ Huồng:
Gia Định có ông Thủ Huồng
Nhà nhiều vàng bạc cả muôn cả ngàn
Gốc xưa thơ lại từ hàn
Tánh người thâm hiểm xóm làng đều ghê
Tiếng vang đồn khắp tư bề
Dân cao dân chỉ thu về một tay
Giàu sang nội xứ ác tày
Không con trai gái nối rày tông môn
Xem như vậy, Thủ Huồng là người có học, làm thơ lại, lo việc giấy tờ trong phủ, trong huyện, chớ không là người vô học. Bốn chữ “dân cao dân chỉ” trong đoạn vè nầy là “máu mủ của dân”, ý nói Thủ Huồng chuyên bóc lột, hút máu, hút mủ của dân.
Sau đây là đoạn Thủ Huồng xuống âm phủ:
Bà liền dắt tới chỉ phô,
Cửa treo gông lớn, ngó vô lạnh lùng
Ông xem thấy vậy hãi hùng
Mới buông tiếng nói ngỏ cùng ngục quan:
“Gông sao lớn quá gớm gan
Nặng nề dường ấy hòng toan sự gì?”
Quan rằng: sự ấy cũng vì
Thủ Huồng gian ác Nam Kỳ tội to
Gông nầy bởi vậy dương do
Chờ người thác xuống sẵn cho gia hình…
Đoạn kết của bài vè là hai câu:
Đầu thai thái tử triều Thanh,
Trong tay có chữ Định Thành tên ông.
* * *
Nhà Bè chỉ là một quận ngoại ô của Sài Gòn, mà sự tích của địa danh nầy còn ly kỳ như vậy. Muốn hiểu rõ từng địa danh, từng nơi chốn của toàn thể đất nước, thật không dễ dàng gì. Và, càng tìm hiểu những địa danh của đất nước, càng thấy yêu quê hương và yêu tinh thần sáng tạo của người Việt mình vậy.
Nguyễn Đức Lập
.