Chờ In Chin, Sắc


Hồ Đình Nghiêm

Ông nội em tuy con nhà võ nhưng không biết món Cửu Chỉ Thần Công. Bà nội em cho hay: Sở dĩ đếm lui đếm tới trên hai bàn tay của ông chỉ có chín ngón là tại vì thời trai trẻ ông mắc phải lỗi lầm với đại ca, tự cắt rời ngón út gói vuông vắn trong khăn trắng để thế một lá thư ăn năn, xin tha thứ, xin xoá bỏ giùm những vụng dại nhỡ mang.
Họ ngồi trong một quán ăn. Họ tính đi lên chùa nhờ vị sư già thông hiểu thuật tử vi tướng số định giúp cho họ ngày lành tháng tốt để an tâm in thiệp cưới tựu thành cơn mộng uyên ương liền cánh. Chỉ ngốn mới một phần ba đoạn đường thì trời đổ mưa, thứ mưa giông tuỳ tiện rơi mà chẳng cần đưa biểu hiện nhằm thông báo trước. Mây đen vụt qua, thoáng chốc trên cao biết bao thùng nước đồng loạt dội xuống, thịnh nộ, hung hãn, vuốt mặt không kịp.
Họ tạt vào quán vắng trú mưa. Mái tồn thấp nghe vũ lượng rầm rộ trong khi giữa trủng ngực người con gái, sự ướt át phập phồng từ tốn bốc hơi, khô dần sứa vải ép sát thịt da. Khi đợi thức ăn mang ra, người con gái có kể qua một chút gia phả giòng họ mình cho tình nhân nghe. Dù gì thì cô được sinh đẻ và lớn lên ở Quy Nhơn, vùng đất mà người tình cô thắc mắc: Chả rõ con gái bây chừ có còn biết “cầm đao nhảy ngựa múa roi đi quyền”?

Minh Râu

Hồ Đình Nghiêm

Một nơi thiếu vắng mặt trời, nơi ấy đêm sẽ dài hơn ngày. Một nơi mưa về rả rích, lê thê và dầm dề, sinh hoạt nơi đó thường gián đoạn, co cụm và đình trệ. Thị trấn Sầu Đông là một trong những nơi như vậy.
Người ta rất khó lượng định chính xác chân đi thời gian và chính họ, quá đỗi ngờ vực khi ngó chăm vào mặt đồng hồ. Chỉ có nó mới đưa ra được một con số khả dĩ tin được trong khi ngoài trời cảnh quang vẫn ngần ấy một diện mạo, sáng không sáng tối chẳng tối. Những con gà trống có thể gáy sai về một bình minh chưa tới, trong khi gà mái lại lùa bầy con vào chuồng nằm dù hoàng hôn mãi còn xa tít tắp.
Sầu Đông có sông có đồi có chùa chiền miếu mạo có lắm cây cao bóng cả bao che, những nguyên cớ tác động vào tâm tình con người, dẫu không nhiều. Dù bảo rằng lý lẽ ấy sai trật thì cũng nên khách quan để chứng nhận, người dân sống trong thị trấn Sầu Đông có vẻ đa sầu đa cảm, hiền lành, hơi khép nép, không mấy ưa chuyện tranh chấp cự cãi gây sự. Họ thích màu nâu màu xám màu hoàng thổ, những hợp sắc mà ta thường nhìn nhận chúng luôn có mặt ở nơi xông đầy khói nhang để khi bước vào lòng nghe ít nhiều sự thành kính dẫn đường. Người ở Sầu Đông ưa tổ chức những buổi cúng giỗ ở ngoài trời cho các oan hồn. Thỉnh thoảng họ ra chợ mua cá về chỉ để tìm sông hồ mà phóng sinh. Họ tin, song hành với đời sống này luôn có một cảnh giới khác cộng hưởng, trong khuất mặt. Ăn hiền ở lành, khù khờ ông trời độ có thể là châm ngôn họ cố bảo tồn. Bao triều đại đã thay bao hưng phế hiện hình bao dâu bể khuynh đảo khiến tâm tính còn người tuồng sứt mẻ chợt vẹt ít nhiều. Nam phụ lão ấu luôn nhắc chuyện cũ với bao tưởng tiếc trào dâng, người nặng lòng với Sầu Đông thì luận chuyện mà chất duy tâm lai láng phủ đầy: Trước, đêm ngủ chúng tôi vẫn để cửa mở tuyệt chẳng mất một cọng rác. Trước, mùa đông có dầm dề thì đó vốn là quy luật của mùa màng đất trời tuần hoàn xúi vậy, nay thời tiết như biết khóc giùm cho con dân thấp phận bé mồm. Sầu Đông được bọn thực dân Pháp trồng cho một rừng cây thuộc dạng cao niên hiếm quý ven đô nhằm bảo hoà môi sinh và ngăn ngừa nạn bão lụt, nay cường quyền thiếu vốn học thức đã vì đồng tiền mà đốn hạ chúng đi. Nếu trời đất chẳng sầu thảm như này, cái mới là chuyện lạ!

Trăng Nhú Giữa Chiều

Hồ Đình Nghiêm

Đò trôi êm trên Thảo Giang. Những cành liễu quanh bờ ma mị thế vòng tay ôm, thu cất bao trầm mặc của nơi vốn thiếu bóng ngựa xe. Màu rêu thẩm xanh cùng lớp sương khói dâng lên, tiếng chim quạnh rớt và mặt nước gợn sóng dường đánh thức bình minh. Mặt trời dần nhú, đủ chiếu tỏ năm mạng người quá giang. Lố nhố đứng ngồi khi mũi đò vén mở đám lau sậy, xào xạc. Thân hơi xiêu đổ lúc nhìn ra bến bờ chợt hiện. Gã lái đò chống một đoạn tre, cắm vào đất mềm, tựa người vào cốt giữ cho đò thôi chòng chành. Gã thuộc hạng khó lân cận, lầm lì trong việc đưa người sang sông, tuyệt chẳng hé môi dù nửa lời.
Thảo Giang nào lớn rộng, sông nước mênh mông là bởi sự vắng tẻ tác thành ra. Ở chốn hoang dã không gian thường ẩn giấu đôi điều, một nửa của rợn cảm và nửa kia là hoang mang nghi ngại khi phát hiện. Ngồi vào lòng đò quá giang khách sang sông nhận ra phận người thật nhỏ bé. Lên được tới bờ lại choáng trước sạn đạo quanh co. Chỉ một lối đi, chận bít tầm nhìn là dáng đứng đồ sộ của toà nhà có lối kiến trúc kỳ lạ. Không hẳn là lâu đài, chẳng ra một cổ thành, hoặc nó gộp lại mọi thứ để dựng nên hình khối trông thâm u, kín cổng cao tường. Từ đây trông lui, con sông đã xoá mờ hình tích, biến thành một đường cắt chia, sắt sảo tựa thanh kiếm bén. Ẩm thấp, mát lạnh từ hướng ấy dồn thổi về, ngắt quãng theo chân đi ơ hờ của gió.
Có hai nam nhân lực lưỡng đứng vòng tay án giữa lối đi, mặt chẳng lộ thiện cảm. Một trong hai đứa cất tiếng: Theo nội quy, chúng tôi buộc phải khám xét hành trang của quý vị, bất luận người ấy là ai, xưa nay chưa hề đổi thay thủ tục. Những gì dính dáng tới kim loại đều bị thâu giữ, không hoàn trả. Năm lữ hành tự động sắp hàng một, tự động mở phơi hành lý lỏng lẻo chứa toàn tư trang đợi bàn tay kẻ lạ sờ nắn lục lạo. Bốn êm thắm cho đi chỉ đôi co lời qua tiếng lại với đứa sau cùng. Khách nhàn du phân trần:

Vấn

Hồ Đình Nghiêm thực hiện

Bắt chước nhà văn Song Thao, tôi dùng vỏn vẹn chỉ một chữ, làm tựa đề cho cuộc trao đồi này. Nhà văn Song Thao cư ngụ cùng thành phố với tôi, mặc dầu chẳng “cách hai đoạn đường dài”, mặc dù không “cách nhau một dậu mồng tơi”… nhưng gạt bỏ vấn đề địa hình nhiêu khê nọ, chúng tôi luôn gần kề trong gang tấc, bởi giản dị, chúng tôi cùng táy máy “vọc chữ” dưới ngôi nhà chung: Văn chương. Lần chuyện trò này, hình thành do hai điều: Thứ nhất, những người bạn phương xa của tôi vẫn thường dọ hỏi: Song Thao là ai? Thứ hai, cách đây mấy hôm, nhà văn chung “phường khóm” với tôi đã vừa in xong cuốn Phiếm số 9. Để câu chuyện đi gần với tinh thần “vui thôi mà” của cố thi sĩ Bùi Giáng, tôi tránh hỏi tới những vấn đề nặng nề, nghiêm trọng của tình hình đất nước. Hy vọng những người từng tủm tỉm cười khi đọc Phiếm, sẽ hay biết đôi điều về tác giả, vốn kín tiếng nhưng rất sung (hiểu ở nghĩa viết mạnh).

Hồ Đình Nghiêm (HĐN): Thưa anh Song Thao, do đâu, nguyên cớ nào anh vẫn thủy chung khi đặt tựa đề. Cô độc chỉ một chữ, không hai, chẳng ba… Nó trần trụi, nó đứng lẻ loi, nó lẻ bạn, nó mình ên. Tuồng như nó… lạnh?
Song Thao (ST): Nhà văn có khác, cảm được cái lạnh của chữ. Chữ có lạnh thật không, cũng dám lắm. Nhưng những cái tựa đứng vững chãi một mình của Phiếm là thứ nhà nòi. Hiên ngang chứ không cô đơn, lẻ bạn hay mình ên. Khi đặt cái tựa một chữ cho Phiếm, tôi thấy như mình cho chữ nghĩa một sức mạnh, như một cơn gió quất, một ngọn sóng thần. Nói nghe ghê gớm vậy chứ việc đặt những cái tựa...vạm vỡ như vậy là một sự tình cờ. Khởi đầu, tựa của Phiếm cũng khi ba chữ, khi hai chữ, khi một chữ. Sau thấy những cái tựa một chữ nghe có vẻ dứt khoát, hiên ngang hơn nên quen tay cứ một chữ mà chơi. Riết rồi bạn bè, độc giả khi gặp hỏi một cách thích thú: vẫn một chữ chứ? Thấy việc đặt những cái tít một chữ vô hình trung thành một dấu ấn của những bài Phiếm. Vậy là chơi luôn! Ngờ đâu lại có người thấy nó lạnh! Chắc người lạnh mới cảm thấy chữ lạnh chăng?

Tờ Mộng Rách Rồi truyện ngắn Hồ Đình Nghiêm

Tờ Mộng Rách Rồi 


truyện ngắn Hồ Đình Nghiêm
Tổ hợp Tân Thư - Thời Văn xuất bản 1991
Sách dầy 214 trang, gồm 12 truyện ngắn.
Bìa Khánh Trường
Phụ Bản của Đinh Cường và Võ Đình
Giá 12 Mỹ Kim



.