Cơn Sốt

Lê Thị Huệ


Hồi chuông không bao giờ vắng mặt
Trong suốt bao nhiêu năm cùng chúng ta
Kéo còi tàu qua bao nhiêu sân ga
Đổ xuống trước mắt hai đứa bé bao nhiêu là định mệnh mê hoặc
Và chúng ta đã dốc sạch tuổi trẻ ra chọn
(Canh Thức Cùng Thơ Mộng)


Thoa chen vào cửa khi một sinh viên da mầu mở cánh cừa lớn của đại học xá. Nàng đến bên thang máy bấm nút số bảy. Chiếc thang máy không chạy. Nàng men theo những bậc thang của sáu tầng lầu đi lên. Dãy tam cấp vòng vẹo và cao hun hút. Đến lầu thứ tư, nàng thở dồn và lết từng bước một. Những sinh viên nội trú trong hall trường Columbia đi lên đi xuống thoăn thoắt, cười đùa thoải mái. Họ nở những nụ cười lớn an ủi khi thấy nàng bám tay vào cầu thang đẩy từng bước một. Lên đến lầu bảy, đôi chân mỏi quỵ, nàng ngồi bệt xuống chân cầu thang ngoài hành lang.
Bây giờ Thoa mới biết vào được phòng Ngữ không phải là chuyện dễ dàng. Chiều hôm qua khi chia tay nhau ở trạm tàu điện ngầm dưới phố, nàng lôi ra từ túi áo chàng một chiếc chìa khoá phòng. Ngữ nhìn chiếc chìa khoá trong nắm tay nàng và nói:
- Em giữ lấy cũng được. Cái chìa khóa này anh thường giấu lung tung. Thôi thì em cầm lấy cho tiện.
Giờ này ngồi trước cánh cửa lạnh lùng khép kín, Thoa mới biết rằng, cổng chính của đại học xá nơi chàng đang ở có một chìa khoá, cửa chính của mỗi lầu lại có một chìa khoá khác. Mà nàng thì chỉ có mỗi chìa khoá của riêng phòng Ngữ. Nếu không gặp lúc may mắn thì không dễ gì nàng vào được cửa phòng chàng để sử dụng cái chìa khoá riêng tư này.

Trí Nhớ Của Loài Chim

Hoàng Chính

  (Bản Anh ngữ The Birds' Memory được  phát thanh trên chương trình truyện ngắn quốc tế của đài BBC, London, Anh Quốc, hai ngày 23 và 25 tháng 03, 1996.)
 
 Thường thì lão vui vẻ như một gã đàn ông trong gánh xiệc. Nụ cười tuy nhăn nhúm nhưng lúc nào cũng gắn trên khuôn mặt đầy những nếp gấp của thời gian. Lão chẳng nói chuyện với ai. Một mình lão thơ thẩn ngoài công viên như một kẻ không công ăn việc làm. Chỉ có bầy chim là bu quanh lão, tíu tít như lũ con vây quanh người cha già hiền từ. Ðó là lúc lão nói chuyện huyên thuyên như người được bạc. Bây giờ, sau vài ly rượu, lão bỗng trở nên tư lự. Tôi ngồi đối diện lão, tay trái đặt hờ trên mặt chiếc bàn gỗ cũ, tay phải ngượng ngùng xoay chiếc ly sóng sánh chất rượu trong vắt như pha lê. Căn phòng chung cư chìm trong mùi thức ăn nướng thơm ngào ngạt. Mùi thịt nướng làm tôi ứ nước miếng. Và bao tử lại quặn lên những cơn co thắt không lớp lang.
          “Dường như khét rồi ông à.”
          “Cứ gọi tôi là John,” cái đầu lão gật gưỡng như thể bắt đầu nặng trên một cái cổ quá gầy guộc.”Không sao đâu.”
          Tôi liếc nhìn cái bếp nướng ở góc phòng. Căn phòng của lão cũng khá rộng. Phòng ngủ, phòng ăn nối dài với nhà bếp, phòng khách, nhà vệ sinh. Tất cả trở nên thênh thang với một lão già độc thân như lão. Chợt lão nâng ly rượu lên, đưa về phía tôi, vui vẻ, “Cạn ly đi cậu.”

Thố Ti....

Cao Xuân Huy

Sinh ra ở Việt Nam, nhưng lớn lên tại Mỹ nên tiếng Mỹ là ngôn ngữ chính của tôi. Khi rời Việt Nam tôi đã biết đọc biết viết, tuy tiếng Việt khá hơn bạn bè cùng tuổi, tôi thực ra chỉ có thể nói được những điều bình thường trong sinh hoạt hằng ngày. Tôi muốn học tiếng Việt nhưng bố bận vì sinh kế, không có thì giờ dạy con.
Tôi muốn tìm hiểu văn chương Việt Nam. Bố là người viết truyện và đang làm cho một tờ báo văn chương trong cộng đồng người Việt ở đây. Bố nói văn chương Việt Nam bao la lắm, bố không biết bao nhiêu, vả lại vì ít thì giờ nên bố chọn cho tôi đọc tác phẩm của những nhà văn mà theo bố, là những khuôn mặt lớn của văn chương Việt Nam. Bố nói cứ rán đọc, bố sẽ hướng dẫn thêm.
Những quyển sách bố chọn, tôi đọc rất kỹ, kể cả lời nói đầu, lời tựa đến lời bạt, lời khép. Tôi đọc hết những sách bố đưa, dường như văn chương Việt Nam quyến rũ, nên dù vất vả tôi vẫn tìm đọc thêm những quyển trong tủ sách của bố. Những quyển này, giá trị văn chương không bằng những quyển bố chọn. Tôi hỏi bố, tại sao truyện in ra mà không cần văn chương. Bố nói ở bên này in sách dễ lắm, có tiền là có thể xuất bản một quyển sách. Khác với sinh hoạt văn học ngoại quốc, văn học của ta thiếu hẳn một ngành phê bình chuyên biệt vốn cũng là một ngành học tại các đại học ở đây.

Lấy Nhau Chẳng Đặng

Phan Thị Trọng Tuyến 
 
Lợi dụng thời gian đổi diễn giả, tôi rời căn phòng họp lớn ồn ào tiếng người và nồng nực mùi khói thuốc lá để thoát ra phòng ngoài.
Ở phòng này, còn vắng vẻ và không khí còn thanh khiết. Thiên hạ và người lác đác cũng trốn ra, la cà bên những quán hàng ăn. Những tấm bảng giấy quảng cáo, mời mọc: bánh cuốn Ða Kao, thạch chè Hiển Khánh, bò viên Casino... Thì ra nhắc nhở suông chưa đủ. Khi nãy, xen kẽ với những bài hát, câu hò, ca vọng cổ, các nhà văn, nhà thơ lần lượt lên sân khấu nhắc nhở đến những buổi sáng ở Cây Quéo, những buổi trưa Bà Chiểu, những ngày mưa ở Bình Hòa, những phiên chợ ở Gò Vấp... Mọi người ngậm ngùi ôn lại hình ảnh trường xưa lớp cũ, bạn bè, lính tráng, công tư chức, kẻ mất người tù, kẻ đông người tây bây giờ. Rồi lát nữa đây, ra nhấm nháp những ềtiêu biểu cụ thể thì ai nấy có thể... yên tâm sống cho đến lần kỷ niệm sau.
Chợt có một bàn tay đặt nhẹ lên vai tôi từ phía sau lưng, một giọng nói ấm áp quen thuộc, nhưng từ lâu lắm, tôi cố tình đẩy ra bên ngoài trí nhớ.

Tiếng Đàn Của Cô Bé Hàng Xóm

 Lê Thị Huệ
Chuyện Ngắn
Tôi nghe tiếng đàn lúc cô vừa mới sơ tuổi. Tiếng đàn nhà hàng xóm ù ơ vọng sang. Văng vẳng vài nốt nhạc vừa bắt đầu vày vọc đàn. Có lẽ “Mỏm với Đá” (Mom & Dad) của cô cho cô bé học đàn. Tôi nghĩ Tàu học đàn. Người Tàu ở Hoa Kỳ vẫn rập khuôn cho con học dương cầm hay vĩ cầm hòng sau này con lập thành tích nổi trội để nộp đơn vào các đại học le lói.
Ba mẹ cô là thứ chằng ăn trăn quấn. Một ông trẻ Tàu Cholon lùn và tròn. Trán hói. Ngộ với nị lia chia. Một mẹ mụ du học sinh Méng Lèng Chai Nà (Mainland China) lấy ông Việt gốc bánh tiêu kỹ sư điện tử vùng Silicon Valley để có quốc tịch ở lại Mỹ.
Lần thứ nhất là tôi thấy cô bé từ nhà thương Kaiser về. Mẹ cô ẵm trên tay. Một bụm nơ hồng. Năm ấy hàng rào của hàng xóm bị bão Nancy quất sụm. Thợ Mễ đến sửa nên họ nhờ chồng tôi cho phép dùng sân đậu xe để tạm đống gỗ do Home Depot chuyển giao. Chồng tôi lúc đó đang ở Tokyo nên Tàu chồng phải hỏi qua tôi. Đương sự phân trần tôi mới biết gia cang. Ngôi nhà này do cha mẹ họ Đặng là chủ tiệm fastfood cho ông. Ông không phải đóng mortgage nữa. Ông mới có con gái. Tàu vợ khó chịu bắt ông phải qua hỏi nhờ chúng tôi dù theo ông thì để ngoài vỉa đường cũng được.

Còn Đó Bóng Hình

Song Thao

Nhã đã có vẻ bồn chồn không yên. Nàng rướn người lên quay qua quay lại liên hồi đôi mắt xao xác tìm kiếm. Chung quanh người nào cũng nhấp nhỏm láo liên nhìn ngược nhìn xuôi. Ai cũng muốn bắt cho được khuôn mặt người thân nổi trôi trong đám đông lổn nhổn phía dưới. Tôi kiễng chân ghé cặp mắt qua những chiếc đầu phía trước nhìn muốn xuyên thủng tấm kính trước mặt. Phía dưới xa những con người tất tả đổ xô từ hàng chục chiếc cửa được mở ra cùng một lúc dành giật một chỗ đứng xếp hàng trước những chiếc hộp kiếng vuông vứt nhốt một nhân viên Sở Di Trú ở trong. Sau những chiếc hộp này là những chiếc vòng tròn di động đội từng hàng va ly diễu hành trước những cặp mắt căng cứng của đám hành khách đang chờ lấy hành lý. Vài ông nhân viên quan thuế dẫn những chú chó đánh hơi quanh đám va ly đang chờ chủ. Tôi đảo mắt nhìn quanh một cách vô vọng. Làm sao lôi được khuôn mặt của cô cháu chưa bao giờ gặp ra khỏi đám nhân gian lố nhỏ bên dưới. Nhã ném cặp mắt lo lắng qua phía tôi:
- Làm sao mà kiếm được nó đây anh?
Tôi nhún vai chẳng biết phải làm sao. Cả chục cánh cửa phía dưới lại mở ra. Từng đoàn người lại vội vã tiến vào. Chắc chịu thua rồi. Những thân người lúc nhúc bên dưới giỡn cợt với đôi mắt đã có chiều thất vọng của tôi.
Tôi lầm bầm bên tai vợ:
- Bực mình cái con nhỏ này thiệt!

Phiên Tòa

Hoàng Chính

Thật là vớ vẩn mấy cha nội này. Mấy cha làm như thể mấy cha là cháu đích tôn của ông Khổng Tử vậy. Không đúng. Tụi nó đang bôi lọ đức Khổng Tử vì ba cái điều "Thần bất tử bất trung" ngài dạy đệ tử. Mấy cha ngu thấy mồ; mấy cha không biết áp dụng một số điều đức Khổng tử dạy học trò vào thực-tế trong nước. Chẳng hạn ngài nói "Trung thần bất sự nhị quân" thì có khác quái gì cái sự "Trung với đảng, hiếu với dân" vân vân và vân vân... mà mấy cha nội vẫn lải nhải tối ngày trong lớp học? Tụi bay ngu thấy mẹ, cỡ tao phải được gửi đi học tại trường đảng Nguyễn Ái Quốc mới phải. Tội nghiệp đất nước này đang mất dần đi những tài năng. Vậy mà mấy cha làm như thể mấy cha là cháu đích tôn của Bác không bằng. Mà có bao giờ thấy Bác ngồi làm chánh án phiên tòa nhân dân nào đâu. Cả đến mấy ông Các Mác, Lê Nin cũng chẳng bao giờ ngồi chủ tọa phiên tòa nào cả. Chỉ có mấy cha nội mới bày ra tòa nọ, tòa kia; thật cứ như bọn phong kiến dã man hay bọn tư sản giẫy chết vậy.

Mái Tóc Rượu Vang

Chuyện Ngắn Lê Thị Huệ  

Tiếng máy rầm rầm từ một nơi nào đang lăn về. Trạm xe lửa T Station. Ngứa điên người. Ly nhìn qua bên kia đường rầy. Tấm quảng cáo AT&T vĩ đại trên tường trạm có thể thấy bóng mình nhấp nhoang. Màu bầm sẫm đỏ chát không đủ gần để dội được ánh màu lên trong tấm kiếng to rộng trền tường hầm Boston phố. Thấp thoáng dáng tóc thẳng nghiêng lệch bờ vai. Ngó thì cũng thanh xuân. Nhưng như đang đội một nồi rơm rạ mọc ngàn cái nấm dại trên chân tóc. Như đang ngự trên một cánh đồng chí mén. Biết vậy thì đội mà chi. Phải nãy mang theo cái túi vàng kim Lancôme của Macy's mới tặng Lột mẹ nó xuống nhét vào túi thì yên cái đầu tôm rồi.
Mình có đang dâng sóng tình nhi nhô một cách qúa dạ thời gian không đây. Chứ hẹn ai mà phải sửa sọan điêu thế này. Nhỏ tiệm tóc đã nâng tấm gương bán buôn lên cười một nụ Leyna Nguyen đài truyền hình khen màu tóc làm cho you trẻ ra. Chắc là vì câu look young ấy. Thề. Đây là lần thứ nhất trong đời Ly mua một rượng tóc vói vươn tuổi trẻ để đi gặp một người. Cả đời Ly chả bao giờ ke cái vụ làm cho mình chẻ lợi. Ly mũi dừa có đệm chữ dọc ở phía trước, mắt mí rưỡi, môi thắm tình sầu, ngộ đời và thông minh trên những đồng nữ cần lời cố vấn của những thẩm mỹ viện. Ly yêu đời từng phút giây và cũng chán đời từng phút giây. Giờ cặp mái tóc để hòa đồng tuổi trẻ đi gặp con cháu gái. Vậy đó.

Ngựa Nản Chân Bon

Nguyễn Mộng Giác

Gió vi vu làm nền cho lời ca thánh: ...”Nhờ công ơn lân tuất của Chúa ta, Ðấng đã từ cao cho 'Mặt trời mọc' đến thăm viếng. Và soi sáng cho những ai còn ngồi trong u tối và trong bóng chết, để dắt chúng ta trên con đường an lạc. Lạy Chúa xin cho các linh hồn được yên nghỉ muôn đời và được hưởng ánh sáng nghìn thu. Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin ta thì dù có chết sẽ được sống lại, và ai sống mà tin ta thì không phải chết đời đời”.
Vị linh mục đọc kinh Lạy Cha... và rảy nước thánh lên chiếc quan tài đóng vội bằng gỗ ván thuyền. Vợ người quá cố khóc thảm thiết, và lúc bấy giờ lời cầu nguyện lại làm nền cho tiếng khóc. ”Lạy Chúa, xin thương người quá cố này là tôi tớ Chúa. Xin đừng theo việc làm mà phán xét họ, họ vốn một lòng một ý với Chúa. Lại nữa, khi còn sống họ đã ở cùng đoàn thể các tín hữu, với một lòng tin tưởng thành thực. Xin vì lòng nhân từ Chúa, cho linh hồn Giu-se họp đoàn thể cùng các Thiên Thần Chúa trên trời. Nhờ Chúa Ki Tô, Chúa chúng con. Amen”. Quả phụ nín khóc. Dường như một lúc nào đó, tạm quên đau khổ nàng lắng nghe lời ca thánh, và bất chợt nhận thấy lời nguyện chung gần gũi với nỗi lo lắng và niềm mơ ước riêng tư. Hoặc niềm đau xót đã đến chót vót, khiến nàng bàng hoàng ngơ ngác, như người đã lên đến ngọn đỉnh trời, lo âu nhìn vực thẳm quanh mình, không biết làm gì nữa giữa chốn mây khói bàng bạc và gió thổi. Vị linh mục tiến thêm một bước để làm dấu thánh giá trên quan tài... ”Lạy Chúa xin cho linh hồn Giu-se được nghỉ yên muôn đời, và được hưởng ánh sáng nghìn thu. Xin cho linh hồn Giu-se được nghỉ yên. Amen. Mong cho linh hồn này và linh hồn mọi tín hữu, nhờ lòng lân tuất Chúa được nghỉ ngơi bằng an. Amen”.

Hai Người Ðội Mũ

Hoàng Khởi Phong

Mặt trời đã khuất sau những ngọn cây sao của đường Nguyễn Kim. Hàng cây hiếm hoi còn sót lại trong thành phố, bao quanh khu vận động trường có lẽ đã được trồng từ thời Pháp thuộc. Những ngọn cây bên kia đường, ngay trước mặt tiền của sân vận động cao hơn cả khán đài trung ương. Gió chiều thổi lướt dọc trên con đường Nguyễn Kim, vắng tanh không một chiếc xe, không một bóng người.
Gió thổi những cánh hoa sao bay tan tác trên không, trước khi là đà đáp xuống các ngôi mộ của khu nghĩa trang. Nhiều bông hoa bay mãi tới cuối nghĩa trang, đâm sầm vào bức tường thấp bao quanh trước khi rơi xuống đất, hệt như hình ảnh một phi cơ Thần Phong lao thẳng xuống sàn tầu.
Trời đã bắt đầu nhá nhem tối, đột nhiên trong lòng phố vắng vang lên những tiếng động gióng một. Tiếng động gây ra bởi một chiếc nạng gõ xuống lề đường. Người chống nạng đội một chiếc mũ lưỡi trai kéo sụp xuống, anh đứng tần ngần cách bức tường bao quanh khu vực nghĩa trang, nhìn vào những ngôi mộ lô nhô trên mặt đất. Ðó đây một vài chữ thập, chữ vạn nhô hẳn lên cao khỏi những nấm mồ. Gió đột nhiên trở nên dữ dội, những cánh hoa sao bị gió hất tung lên trên không trước khi đổi hướng rơi xuống. Những cánh hoa quay vù vù trên không, trông như những người lính nhẩy dù đang lơ lửng giữa trời cao. Một cánh hoa vô tình đáp xuống nhẹ nhàng trên vành mũ lưỡi trai, khiến người cụt chân nghển cổ, ngoẹo đầu ngó lên. Hàng trăm những cánh hoa bay tan tác trong lòng con phố vắng. Anh nhớ lại lần đầu tiên phóng mình ra khỏi thân tầu. Anh đã được huấn luyện viên căn dặn: Khi phóng mình ra khỏi thân tầu, phải nhìn xuống đôi tay thu trước bụng, đếm nhẩm 331, 332, 333. Ðếm xong ngoái cổ nhìn lên, xem dù lưng có bọc hay không? Nếu không thì phải giựt dù bụng để khỏi rơi xuống đất, thành một đống bầy nhầy không hình dạng. Khi dù lưng đã mở, hai tay phải nắm chắc lấy cái đai để điều chỉnh hướng dù.

Rêu Phong Mấy Lớp

Võ Kỳ Ðiền

Ðình thụ bất tri nhơn khứ tận,
Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa.


Sáng hôm nay ông Năm nhấp nhỏm ngồi đứng không yên. Hết ngồi xuống lại đứng lên, ông bước chầm chậm lại gần cửa kiếng lớn phía sau nhà, nghiêng mình nhìn xéo qua cái hàn thử biểu để ngoài trời. Ông nhướng mắt rán nhìn cái màu đỏ của thuỷ ngân, coi nó lên xuống tới mức nào. Có thấy gì đâu, cái lằn đỏ nhỏ xíu, lờ mờ. Tức mình ông lẩm bẩm, cằn nhằn cái thằng con trai út, đã biểu gắn sát sát bên trong cho dễ đọc, để tuốt đằng xa ai mà thấy. Cái xứ gì, thiệt tình! Lạnh gì mà lạnh dữ, hổng biết xuống tới bao nhiêu độ rồi !
Nói xong ông đứng áp lại gần cánh cửa để nhìn cho rõ hơn. Cánh tay trái đụng phải khung cửa nhôm lạnh ngắt như một khối nước đá, ông rút tay về, quay lại chậm chạp từng bước, từng bước trở về ngồi trên chiếc ghế thấp. Cặp mắt hấp háy nhìn ra ngoài bầu trời xám xịt. Ông thấy cái sân cỏ xanh đã trở thành một bãi tuyết trắng mênh mông. Có chỗ phẳng phiu trắng xoá, có chỗ được xe xúc tuyết ủi gò cao lên như những đụn cát. Cây cối biến đi đâu mất tiêu hết. Mấy bụi hồng bông đỏ như nhung, mấy bụi mẫu đơn bông lớn bằng cái chén kiểu màu trắng màu hường, cái hàng rào bằng cây trắc bá diệp cao cả thước xanh um của mùa hè vừa qua, tất cả hiện giờ bị chôn vùi dưới những đống tuyết.

Tri Âm

Phạm Quốc Bảo

Nhét miếng thẻ vào lại túi áo và như một phản xạ, tôi nói:
“9.2.4.5.3.8.”
“Thank you.”
Từ phòng kiểm soát cách đến cả 400 thước, tiếng trả lời phát ra và truyền qua máy phóng thanh nghe lơ đãng vật vờ. Ðồng thời, cánh cửa sắt được điều khiển bằng vô tuyến điện tử tự động mở. Tôi bước ra khỏi cổng xưởng.
Gió ngoài bãi đậu xe ập lên người, tôi nhắm mắt lại để tận hưởng bầu không khí trống thoáng. Dường như những gai ốc đang nổi lên cùng người, tôi hứng trọn một khoái cảm gây gây. Trong khi tai tôi vẫn còn như nghe hàng dẫy máy tiện khổng lồ chạy suốt ngày đêm ầm ầm vẫn rung động cả không gian, nơi đó tôi đã chúi mũi trung bình mỗi ngày tám tiếng đồng hồ và mới rời khỏi cách chừng năm phút đây thôi. Vừa đi, tôi vung mạnh đôi tay, vặn mình trong gió, và cảm giác như mình vừa được hồi sinh.
“Làm sao đấy?”

Miss Baby Racou

Đỗ Kh.

Người con gái mặc áo tắm một mảnh màu trắng nằm duỗi người trên cát. Một tay nàng chống cằm, một chân nàng co lên đằng sau bụng sấp trên khăn tắm, bàn chân trần ưỡn cong như vẫn mang một chiếc giày cao gót tưởng tượng, trông mang máng như một tấm hình pin-up nào của bốn mươi năm về trước, hay là năm mươi năm không chừng, khi mà đảo san hô Bikini ở Nam Thái Bình Dương chưa nổi tiếng nhờ những thí nghiệm phản ứng dây chuyền hạt nhân hình nấm khổng lồ cuồn cuộn khói. Khi mà áo tắm hai mảnh nguyên tử chưa ra đời trên những bãi đá sạn của bờ Ðịa Trung bên này nước Pháp. Nàng mặc áo tắm một mảnh trắng trinh nguyên hơi làm chói mắt, dáng Marilyn, không phải, hay là dáng B.B. nũng nịu, dáng B.B. phụng phịu, nàng nhìn hắn cười duyên.
Hắn cười lại.
Kính mát Ray-Ban gọng nhựa Wayfarer, quần đùi Mỹ kẻ ca-rô, dép Bình Trị Thiên.
Bãi biển này gia đình, vào lúc trưa nghẹt người, trẻ con ôm banh nhựa chạy đuổi nhau lòng vòng, mấy bà mẹ vú sồ xề để trần nằm đọc Philippe Djian, các ông bố đồ latex đen, mặt nạ, bình dưỡng khí, chân vịt và dao găm chơi trò người nhái nhại tuồng năm nay nổi tiếng La Grande Bleue. Cát ở đây không được mịn, nước ở đây không được trong nhưng vẫn là nghỉ hè tháng tám miền Ðịa Trung, xa xa có những cao ốc nghỉ mát bình dân Merlin rẻ tiền, ngoài biển có vài du thuyền trung lưu tàng tàng, lắm cánh buồm wind-surf lật lên lật xuống và xe gắn máy thổi nước ầm ầm sùi bọt lượn lại lượn qua.

Chớp Mắt Ngoái Lại

Song Thao

Ngày cưới, Nghĩa không có được niềm vui trọn vẹn. Chẳng phải vì đám cưới có gì trục trặc. Mọi việc diễn tiến hoàn hảo đúng như dự trù của anh. Cũng chẳng phải vì anh bị ép buộc gì. Anh và Diệu yêu nhau, lấy nhau giữa sự vui mừng của cả hai gia đình. Cái khoảng hụt hẫng của anh chính là vì thiếu sự hiện diện của hai người bạn nối khố từ những ngày mài đũng quần ở trường tiểu học.
Vũ đang dạy ở trường Võ Bị Đà Lạt một hai đoan quyết thế nào cũng về. Tao mà không có mặt thì đám cưới mày đâu có thành được. Vậy mà cái lệnh cấm trại trăm phần trăm đã níu chân anh. Khoác vào người bộ đồ lính thì cuộc sống có gì là chắc chắn kể chi tới cái phép đã cầm trong tay mà giờ chót lại trở thành tờ giấy lộn. Sáng sớm ngày cưới, đoàn người đi rước dâu chưa ra khỏi cổng, một bó hoa hồng đỏ au tươi rói gửi về từ Đà Lạt đã thay Vũ nói lời chúc mừng với người bạn thiết. Kèm theo bó hoa là một cánh thiệp đẹp và trang nhã. Gửi tới hai đứa mày những lời chúc mừng đẹp đẽ nhất. Tao đã dành sẵn một phòng tại Palace cho tuần trăng mật của tụi mày. Thằng Tước có về làm phép cưới cho mày không?
"Thằng" Tước nay đã là một linh mục. Nhưng, với Vũ, bạn bè ngày cũ muốn làm gì thì làm, vẫn cứ là thằng hết. Ba thằng học chung lớp với nhau suốt năm năm tiểu học tại trường nhà thờ Hàm Long ở Hà Nội. Tại sao thân với nhau thì chỉ có trời biết. Vì trời sinh ra ba đứa tính tình khác hẳn nhau. Tước củ mĩ cù mì luôn nhường nhịn và nhỏ nhẹ với bạn bè nhưng có tính khôi hài lạnh rất tới. Nghĩa thì tròn như hòn bi chẳng có cái gai nào của cuộc đời có thể chích làm anh mưng mủ được. Vũ bộc trực chẳng có điều gì nằm ở trong bụng anh lâu quá được một phút, lại có cái miệng nói năng thẳng băng chẳng ngán thằng tây nào cả. Học ở trường đạo dĩ nhiên Hiệu Trưởng là một linh mục. Một bữa, trong giờ ra chơi, Vũ đứng há miệng nghe lén cha Hiệu Trưởng nói chuyện với bà mẹ già tới thăm ở ngoài sân. Nghe cho đã xong, Vũ hộc tốc đi tìm Nghĩa và Tước.

một đoạn trong thánh kinh

Hoàng Chính 

“Ma sơ à.”
“Gì con?”
“Ma sơ đừng đọc Thánh Kinh nữa được không?”
“Được chứ. Thôi thì dì để cuốn Kinh Thánh đây, lúc nào buồn con mở thử một trang đọc xem sao nhé. Một đoạn cũng được nữa. Nghe Tâm.”
Dì phước ra về. Cuốn Kinh Thánh nằm lại trên mặt chiếc bàn gỗ cạnh đầu giường. Cuốn sách bìa đen, cạnh giấy mạ vàng có sợi chỉ đỏ để đánh dấu đoạn đang đọc. Sợi chỉ đỏ nằm ở trang nào hắn cũng không buồn để ý tới. Dì phước dặn thì cũng cố ngoan ngoãn gật đầu cho bà vui chứ thời buổi này làm gì có ai làm phép lạ mà mơ tưởng. Ngày nào dì phước cũng lại, quanh quẩn bên những giường bệnh, giúp đỡ lặt vặt đám người đã mang bản án tử hình. Nhưng hôm nay dì phước không đến. Mà trời thì cứ mưa rả rích. Mẫu đối thoại hôm qua cứ chạy đi chạy lại trong đầu hắn như đoạn băng nhựa cũ kỹ. Ma sơ đừng đọc Thánh Kinh nữa được không? Được chứ. Thôi thì dì để cuốn Kinh Thánh đây, lúc nào buồn con mở thử một trang đọc xem sao nhé. Một đoạn cũng được nữa. Nghe Tâm. Hắn thở dài âm thầm, rồi thở dài ra tiếng cũng chẳng ai đoái hoài. Trời ơi, mưa gì mà mưa hoài. Chán bỏ mẹ! Chả lẽ mở thử cuốn sách bìa đen ấy ra, đọc một đoạn cho đỡ buồn. Hắn nhoài người ra trước, lật những trang sách, rồi mở hẳn cuốn Thánh Kinh, đặt ngửa trên mặt bàn ngủ, bên cạnh chiếc ly thuỷ tinh mẻ và cái bình thuỷ màu xanh lá mạ.

Chờ Tôi Với...

Cao Xuân Huy

Tiếng rít của vỏ đạn hỏa châu phá tan cái im lặng của mặt trận, vỏ đạn rơi thẳng xuống chỗ Toàn nằm. Sợ vỏ đạn rơi xuyên qua thân thể mình, Toàn co rúm người lại, thu nhỏ thân hình. Trời lạnh, mưa mỏng hạt, ánh trăng hạ tuần nhờ nhợ lẫn vào màu cát. Toàn căng mắt nhìn, không thấy gì. Màu vàng nhợt xóa mờ đường ranh giữa trời và đất. Ánh sáng hỏa châu nhập nhòe đường nét vùng quan sát.
Tựa lưng vào thành giao thông hào, Toàn hồi hộp đợi lệnh tấn công lần chót trước giờ ngưng bắn. Ðã quá bốn giờ sáng, chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là đến giờ. Một cuộc ngưng bắn toàn diện, chính thức được hai bên thỏa thuận và quốc tế công nhận bằng hiệp định Paris, đã được thông báo, phổ biến trong toàn quân. Tám giờ sáng, đúng tám giờ sáng ngày 28 tháng 1 năm 1973, cuộc chiến kéo dài gần hai chục năm chấm dứt. Vĩnh viễn.

Chút Gió Còn Lại

Phan Thị Trọng Tuyến

Gửi On..

Mặt trời vừa khuất, chân trời hồng rực rỡ, đoàn người tù trở về trại. Những người đàn ông ốm nhom, áo quần tả tơi, mặt mày lem nhem u ám như bóng chiều đang dâng lên hai bên con đường đất đỏ. Những bóng ma lặng lẽ, ngậm ngùi, những tiếng đếm rời rạc, mỏi mệt như lời kinh đệm cho một mộ khúc câm. Một..hai..ba...bốn...Những con người chỉ còn là những thân xác thờ thẫn rã rời, những tiếng thở dài theo con số ra khỏi nhũng buồng phổi tong teo đầy bụi đỏ. ..Bảy...tám chín...
Trời bỗng vụt tối thật nhanh, như đuổi theo số phận mịt mờ của họ. Tiếng đếm còn vang vọng nhưng người tù và tên vệ binh cuối cùng đã khuất. Tôi nấn ná lại trong vườn, giữa những rãnh đất nhỏ ướt mềm. Nước đã rút từ mấy ngày nay, những dây tiêu vàng héo còn sót lại, nhắc nhở trận lụt nhân tạo vừa qua, lại một hậu quả của "dưới làm sai chính sách trên". Mấy chục gốc tiêu chết úng trước khi cho hoa quả. Đất thơm mùi lá cỏ. Muỗi vo ve bên tai. Ve rả rích tự bao giờ. Đàn chim về tổ muộn vừa bay khuất. Ngọn lá sầu riêng, chòm lá chôm chôm đã ngả màu tím đậm. Màn đêm sắp ngự trị.

Dốc Đứng

Nguyễn Ngọc Ngạn

Chẳng bao giờ Hựu có thể mường tượng nổi cái nghèo lại ập đến với chàng một cách bất ngờ và tàn bạo như thế. Thành phố kỹ nghệ vốn có tiếng là sầm uất nhất nước, nơi chàng định cư hơn sáu năm nay, bỗng một sớm một chiều thay đổi hẳn bộ mặt. Các hãng xưởng thi nhau sa thải công nhân, sinh hoạt thương mại mọi ngành tê cứng lại, thoi thóp trong cảnh nằm chờ chết. Bao nhiêu năm qua, từ thuở Hựu còn cắp sách đến trường, đã nghe người ta nói đến chu kỳ suy thoái hoặc khủng hoảng trong nền kinh tế tư bản như một thứ qui luật tất yếu của hệ thống cung cầu tự do. Các lý thuyết gia miệt mài tìm hiểu và cắt nghĩa hiện tượng để tìm phương thức ngăn chặn, nhưng thực tế vẫn khắc nghiệt xảy đến, không cách nào tránh khỏi.
Khoảng thời gian này hai năm về trước, cuộc sống của Hựu trải rộng trước mắt, thênh thang một viễn tượng màu hồng rực rỡ. Giả như cứ trơn tru tiến bước như chàng dự phóng thì chỉ vài năm nữa, Hựu có thể an nhàn hưởng thụ, về hưu ở tuổi mới ngoài bốn mươi.

Người Đàn Bà Ở Đường Dupont

Hoàng Chính

1
Ông đi qua bà đi lại. Ơi thế giới đông người. Không có ai, không còn ai. Người đàn bà hát nghêu ngao. Mưa nắng thất thường. Gió mưa là bệnh của trời. Câu hát vang vọng ở những khúc quanh, chen lẫn những tiếng ho đứt đoạn. Âm thanh vẩn đục như nước vấy bùn. Vũng nước trâu đầm, đỏ ngầu mầu huyết đọng. Câu hát khúc khắc những tiếng ho. Anh ơi, sao thế giới đông người, em chỉ thấy riêng một mình anh.
Người đàn ông đứng sựng lại trên lề đường. Cái bóng đổ dài, đưa đẩy trên nền gạch xám. Vết nhăn hằn hai góc mắt. Nơi nào có dịp đi qua thời gian cũng bỏ lại dấu vết. Nơi đây, thời gian bỏ đầy dấu chân chim. Thời gian phũ phàng.

Ba Người Đàn Ông KV

Lê Thị Huệ


KV Thứ Nhất
 
Một người đàn ông diu dàng, hết sức dịu dàng. Ông ta làm tôi nhớ một đứa con gái làm biếng trổ mả. Một đứa con gái 28.50kg. Một đứa con gái tràn đầy mơ màng tuổi mười sáu, nhú nhít chút chít tuổi mười bảy, thòm thèm tuổi mười tám, xa ngái tuổi mười chín, và aurevoir vĩnh viễn Nói Với Tuổi Hai Mươi Nhất Hạnh. Khi tưởng tượng về thân xác và tâm hồn ông, tôi thường nghĩ về sự mảnh mai của đứa con gái Huế thập niên 1960.
Ông ta thả lềnh bềnh những bè thanh âm vào đời.  Nhân gian bấu víu, giành nhau, kiếm chút hơi hướm trinh nguyên của con gái và tiếng hát hao gầy của Nghệ Thuật. Nghệ Thuật của ông ta là cõng con gái đồng trinh lên vai và băng qua cuộc đời như một kẻ sơ tán trong một xứ sở chiến tranh điên loạn.
Nghệ thuật của ông ta là biến những người đàn ông chó sói thành những đứa con gái dẹ dàng phút giây.  
Tình yêu của ông là nụ hôn dịu dàng lên trán ấm. Nụ hôn tràn trề sung mãn năng lực tinh thần. Nụ hôn mặc khải những tình yêu mơ hồ. Hôn vào trong tim. Hôn không nước miếng. Hôn một lần sống một đời.