Nhân Bản Vô Tính Vị Tình?

Phan Thị Trọng Tuyến


A thousand years, a thousand more
A thousand times a million doors to eternity…
Sting

Tháng chín 2010.
Lần thứ nhì, điểm đau xuất hiện cũng bất ngờ, như lằn chớp ngoằn ngoèo trên bầu trời đêm trong sáng. Mũi kim đâm bắt đầu từ giữa ngực trái, mọc dài xuyên ngang bụng, trổ ra lưng, lan lên vai trái. Một đường đau bất ngờ, bén ngọt, rõ ràng. Và ngay lập tức, trái tim cuống quít, dồn dập nhịp đập, hỏi han và kêu cứu. Mồ hôi ướt ngực. Không khí chợt đậm đặc, ngưng đọng trước mũi. Khi mở mắt ra, đêm vẫn yên tĩnh bình thường quanh tôi, chỉ váng vất đâu đó một chút bàng hoàng, một chút hoang mang của khoảnh khắc sau ác mộng. Không, ngắn hơn ác mộng. Một cái chớp mắt kéo dài của một đoạn phim quay chậm. Một đoạn phim không đầu đuôi, điển tích, không cốt chuyện, ngụ ngôn. Vì tâm lí bất an? Chỉ là một thoáng mộng dữ?
Lần thứ ba, chấm đau vẫn bất ngờ và ngắn ngủi nhưng trí nhớ bắt đầu ghi dấu và vẽ lại trình tự thành hình. Điểm đau đột khởi, đường chém ngọt, nhịp tim hoảng loạn, thúc bách, hơi thở mất tăm, những bong bóng phổi xì hơi ngoi ngóp mang cá mắc cạn. Phải tìm cho ra điển tích, thông điệp.
Bây giờ, trong khi chờ đợi, tôi đâm ra bực bội vì đôi lúc bắt gặp mình đang nghe ngóùng, mong chờ, theo dõi bước đi của đường gươm, bực bội vì tưởng như cả tâm trí mình đều hội tụ về chỗ đau ấy.
Khi nào? Có phải sau lần đến bệnh viện thăm chú Hoá? Có phải từ hôm được tin đứa con út li dị vợ và không quyền giữ con?
Lần thứ tư, nó xông đến vào buổi sáng hôm nay. Như thường lệ vào mỗi thứ hai, tôi giữ thư viện hai giờ với cô bạn thân Simone. Đến nơi, sau khi vào phòng trong cất ví, áo khoác, tôi quay ra, tay ôm chồng sách báo mới lấy từ hộp thư đầy ứ ở tầng trệt thư viện. Chưa ngồi hẳn xuống ghế, tôi với tay bật máy tính, vừa ngẩng mặt chớp mắt cười chào Simone đang bước qua hành lang. Môi chưa kịp khép. Đôi mí chưa kịp hạ thành cái chớp mắt nhìn ra màn ảnh bật sáng. Những quyển sách, chồng báo đổ sầm rơi rụng xuống sàn gỗ. Có lẽ tôi cũng nặng nề rơi xuống ghế, chìm vào đêm. Chưa xong một cái chớp mắt.
Ánh sáng mở ra, tôi thấy ngay đôi mắt kinh hoảng Simone kề sát. Từ chỗ hành lang, nó phải bay đến đây, qua năm, bảy mét, đến là ba bốn cái chớp mắt. Simone ôm vai tôi lay mạnh, bàn tay kia xoè ra như sắp sửa tát vào mặt tôi. Sắp tát hay tát cái thứ hai, thứ ba ? Thảo nào nghe mặt nóng bừng, tôi kêu lên :
- Ê bạn !
- Thượng Đế ơi, Chúa ơi. Mày làm tao hết hồn, gì thế ? Cái gì thế ? Tao gọi bác sĩ đến nhé ?
Máy vừa bật hỏi mã số riêng. Không, hai cái chớp mắt. Tôi bật ho, hối hả hớp thật nhiều không khí, tay ôm ngực trấn an những nhịp đập đã mất nhịp. Như vậy "nó" có thật ư, Simone đang làm biên bản. Tôi thất vọng.
- Mở giùm cửa sổ đi Simone.
Cô bạn vẫn lặng yên, thêm một chút ái ngại và ngạc nhiên trong ánh mắt. Luồng sấm vô âm vô ảnh cũng qua nhanh như những lần trước. "Nó" đã đến và đã đi rồi.
- Hơi ngộp một tí thôi, Sissi. Cả tuần nghỉ lễ, không khí nơi này bị nhốt với đám sách vở, nó phản kháng. Không sao, tao hơi mệt vì thiếu ngủ.
Simone đi thụt lùi về phía cửa sổ, đôi mắt vẫn lạ lùng xanh xám. Nắng và gió ùa vào từ đôi hàng cây tiêu huyền vàng rực hai bên đường đưa ra cổng sắt thư viện cổ.
- Này, thở sâu vào đi. Tao có cảm tưởng mày vừa ngất đi, phải không?
Tôi ngồi ngay ngắn lại, gượng cười :
- Không. Chỉ hơi khó chịu chút xíu thôi. Không sao. Có lẽ cái đầu óc lì lợm của tao chống đối giờ mới mùa thu.
Simone cúi xuống nhặt nốt những tờ báo, sắp xếp trước mặt tôi, vừa thở ra vừa lắc đầu, tôi nắm tay bạn, cám ơn. Simone vẫn lắc đầu, nhưng đôi mắt xanh đã vơi đi ánh xám nâu sợ hãi :
- Như mày vừa đi đâu vắng, tại hôm qua chúng mày lại quần thảo cả đêm chứ gì ?
- Hừ, cái gì mày cũng biết thì tao còn nói năng chi nữa?
- Phải cẩn thận, bọn chúng ta hết trẻ rồi, bạn nhỏ.
Vừa nói nó vừa cười chỉ vào ngực mình.
Hai tháng trước, Simone trợt chân ngã trong bồn tắm, vú trái đập vào vòi nước, đỏ bầm một mảng to. Đến nay, thỉnh thoảng tôi thấy nó nhăn mặt, những ngón tay gõ nhịp trên bờ ngực. "Ừ vẫn như có gì kì kì, đau chẳng ra đau, ngứa không ra ngứa, lạ lắm, dù hình chụp quang tuyến X và siêu âm rất bình thườnng. Vết bầm hóa xanh rồi trở nên đen mà vẫn chưa mất hẳn, chắc tao phải đi cắt mẩu khám tế bào".
- Công chúa ơi, đừng nhắc đến tuổi tác nữa, tao hết ăn bánh sinh nhật từ mươi năm nay rồi.
Simone cười to :
- Đà điểu thân mến, thỉnh thoảng nên bớt vô tư một tí. Vì cơ thể không để mình yên đâu, cứ bật nút báo động ! Này, mọi việc cho tuần tới, bọn mình lo xong cả rồi, mày muốn về sớm thì cứ về tự nhiên. Có muốn tao gọi Nhân không?
Tôi lắc đầu, lẳng lặng giở báo, lấy phiếu ghi. Không dám hỏi Simone đã đi khám tế bào chưa. Lại nghĩ đến "nó". Từ đâu tới? Quen biết bao giờ? Có phải dấu bầm Simone ám ảnh? Báo động gì đây? Xanh đỏ?
Năm ngoái sau khi đã ngồi đọc gần hết bộ tự điển y khoa và tìm thấy vô số bệnh có thể sẽ mắc phải kể từ tuổi sáu mươi, hai đứa tôi chẳng thiết nói đến chuyêïn này nữa.
Tôi thở dài dẹp chồng sách báo, xếp trả các phiếu về chỗ cũ, rồi đứng lên. Tim phổi đã bình thường trở lại, chỉ có cái đầu chưa bình an. Tôi mang bình nước đi tưới những chậu cây trên các bệ cửa sổ. Và nghe thấy đôi mắt Simone lo lắng rà trên lưng, sau gáy. Tôi quay người lại, mỉm cười :
- Ê bạn già, Halloween 2010 của lũ cháu nhỏ nhà mày ra sao ?
- Hừ, như đám giặc chòm. Quái lắm, đứa nào cũng rất thích được sợ. Mày cảm thấy trong người thế nào, không sao thật hả? Ba con ma đến viếng buổi tối, vẫn lũ ma cũ : Franskenstein, Dracula, Satan. Suốt tuần là kẹo bánh, xi nê, và ra ngoài phố xem hội chợ. Lúc nãy quên mang theo ảnh chúng cho mày xem
- Bốn thằng cháu nội của tao cũng thế : mặt nạ Freddy, Vampire, Bin Laden, Bush Jr. Thế giới này chưa đủ điều đáng sợ?.
- Kể từ hôm nay bọn già tụi mình lại cô đơn lủi thủi…
- …dọn dẹp và bùi ngùi nhớ nhung chúng nó! Ôi vòng nhân sinh lẩn quẩn…
Hai đứa tôi nhìn nhau cười.
Simone huyên thuyên về những ẩn ức của tiềm thức, tâm lý trẻ con. Dư âm các bàn tròn năm ngoái, 2009, về vai trò Phân tâm học trong các nước Á đông, Tâm lí trẻ con thời bình thời chiến v…v... Simone hân hoan :
- Không phải vì mình già, nhưng càng ngày tao càng thích đi ngược mãi về trước, năm sau tao đề nghị mình tấn công vào thế kỉ mười tám.
Đúng rồi, ba tuần nữa, chúng tôi trình bày chủ đề triển lãm cuối năm do thư viện tổ chức "Chủ nghĩa Siêu thực trong văn chương và hội họa đầu thế kỉ 20". Suốt năm tháng nay chúng tôi chia nhau soạn thảo chương trình, sưu tầm tranh ảnh Odilon, Dali, Max Ersnt, Picabia, Marcel Duchamp, Man Ray v…v… những bài thơ của Rimbaud, Breton, Aragon, Crevel,v…v… Simone đang kết luận bài thuyết trình, nó chỉ còn phải đẻ bản tóm tắt gửi cho chàng phóng viên địa phương báo tỉnh.
Tôi tự nhủ nếu bệnh thì nhớ chỉ nên bệnh hôm nay hoặc ngày mai thôi.
Bên bàn kia Simone chăm chú gõ, kích đều đặn trước màn ảnh máy tính, tôi ngẩn ngơ nhìn những hàng chữ vô nghĩa lướt chạy trước mặt. Đúng ung thư bao tử, hay .. đau tim? Hoặc lao phổi? Những báo động của bệnh quên, bệnh lão …hóa? Đúng rồi, lão thật chứ hóa gì. Xung quanh tôi, người ta thấy tín hiệu rõ ràng hơn tôi.
Sáng nay, chưa xong bữa điểm tâm Nhân đã chẳng dặn dò đó sao :
- Trưa chờ anh ở quán X. Nhớ không?
- Nhớ ! Anh đã nhắc từ tối hôm qua.
- Anh có thể ghé qua thư viện đón em.
- Em sẽ nhớ anh đừng lo! Anh quên hôm nay em có một giờ rưỡi tập làm mĩ nhân ngư? Đi bộ chưa quá mười lăm phút từ hồ tắm đến quán ăn.
Tuần rồi về chơi cuối tuần, những đứa con cũng nhắc nhở không ngừng "mamie nhớ cái hẹn bác sĩ tháng tới?". "Mẹ đã đi lấy kết quả siêu âm chưa?". Nghỉ hưu mới hai năm nhưng tôi có cảm tưởng xã hội quay lưng lại với mình; và những người thân thích bạn bè bám sát, lôi cổ, giật tóc mai, như thể tôi sắp rơi chìm vào bể quên hồ lãng. Dĩ nhiên, hai ba tuầøn sau ngày hưu tôi không ngừng điện thoại cho bạn đồng nghiệp hoặc cho các con, hỏi han về lũ cháu, về thời tiết nơi chúng ở. Khi bắt đầu thoáng nhận nét thương hại thông cảm, lo lắng của người thân, tôi giật mình. Xuống xe lửa rồi thì vẫy tay từ biệt, thong thả đếm bước đi, gõ nhịp thở, rời bỏ hai đường rầy xưa, nhìn ngắm quang cảnh bên ngoài con đường cũ chứ có đâu quáng quàng chạy theo xe, ơi ơí đòi lên, đòi thấy lại những gì đã thấy, đã nghe?
Cái hụt hẫng, chênh vênh phải có nhưng không thể kéo dài. Dù muốn dù không. Nhưng con người thường mâu thuẫn, sang năm thứ hai, vì tôi im tiếng, thư từ điện thoại bạn bè đồng nghiệp lại tới tấp hỏi thăm.
Cũng may cho tôi, đầu năm ấy, báo chí bàn tán xôn xao chuyện một đôi vợ chồng trẻ ra toà về tội làm chết đứa con hai tháng. Họ đổ thừa nhau đã hơn một "rung lắc" cháu bé. Trong khi chờ công an điều tra định tội, ở mục thời sự xã hội, báo chí chạy tít " xin đừng lắc trẻ sơ sinh" các bác sĩ dặn dò trên đài phát thanh, truyền hình : này, xin quý vị không nên "giày vò", rung lắc, lay giũ trẻ nhỏ mới sinh, vì xương sọ cháu mềm, óc cháu lửng lơ trong dịch não vân vân và vân vân.
Tôi bèn gửi message năn nỉ ": xin đừng lay giũ những bà già vừa về hưu, xương họ dòn, óc họ nhũn và sắp sửa bời rời tan rã vì những nhớ nhung. Và biết đâu đấy, Alzheimer đang bắt đầu ? "
Tuy một rừng thư từ phản đối bay về nhưng mọi dặn dò trở nên kín đáo, tế nhị khôi hài hơn. Tôi được yên thân, ít ra đến hôm nay. Triệu chứng gì khiến tôi lại được/bị những nhắc nhở mới ?
Một lát sau, tôi tắt máy, đứng lên, nói với bạn như nói với mình :
- Thôi, tao đi đây, Sissi. Tuần sau nhá. Đừng lo lắng, thế nào rồi cũng xong.
Tôi tự dặn nhớ tuần sau rủ Simone cùng đi ăn. Ôi, Simone. Thấy mặt nhau từ lúc đưa lũ con lần lượt hết học mẫu giáo, qua trung học rồi cùng đưa chúng đi thi Tú Tài. Nhưng chỉ chào hỏi, nói chuyện nắng mưa tuyết gió trong một khoảng thời gian dài.
Rồi bẵng dấu nhau cho đến khi tôi về hưu, bắt đầu lui tới thư viện làng, tình cờ gặp lại Simone. Thế là rủ nhau cùng vài người làng khác, thay phiên làm thần giữ cửa kho tàng khi ông quản thủ thư viện từ chức dọn nhà đi nơi khác.
Mới hay rằng khi đứa con gái út Simone vừa vào lớp mười, Robert xin li dị, rời tỉnh vào miền Nam với vợ mới. Con bé năm sau trốn học về với bố ; Simone bỏ việc, bán nhà, đi lang thang khắp thế giới, sinh sống bằng cách bán phim tài liệu đủ loại thực hiện trong những chuyến đi. Afghanistan là trạm cuối, Simone làm phóng viên chiến trường, kiêm giáo sư Anh văn cho một số moudjahidins ở vài chục cây số phía bắc Kaboul; cũng đến ba bốn năm sau đó, lúc Liên bang Xô Viết tan rã, quân Nga rút chạy khỏi A Phú Hãn, Simone mới quay về chốn cũ. Lập gia đình mới, việc làm mới. Về hưu. Simone ít khi tự động nhắc đến những chuyến đi.
Thật khó tưởng tượng một Simone lịch lãm, hiền lành, nhỏ thó như một phụ nữ phương Đông, trong hơn mười năm, một người, một camera, (đôi khi) một ngựa ( 4x4,4WDR Dodge, LandRover…thuê), len lỏi qua vùng Amazone hay ỳ ạch dắt lừa vượt đồi núi Paropamisus. Khi tôi ngạc nhiên :
- A phú Hãn có biên giới chung với nước Tàu ư?
Lập tức Simone say sưa nói về xứ sở lắm núi, ít người và nhiều bộ tộc này, một chiếc lá sồi, đầu cuống lá là một mẩu biên giới với Tàu, vùng Wakhan, qua ngõ ấy Thành Cát Tư Hãn đã kéo quân sang chinh phục…
- Hãy nói về những tượng Phật đứng ở Bamiyan. Simone đã nhìn thấy nó hai mươi năm trước khi đám "sinh viên" thần học phá tan tành? Một hòa điệu nghệ thuật Ấn, Hi lạp? Lạ nhỉ?
Thế là Simone đưa cho xem tranh ảnh, phim đã quay, nói thêm : đám "sinh viên" ấy cũng thiêu huỷ một thư viện toàn sách cổ quý giá. Simone kể chuyện Alexandre đại đế và bước đường chinh phục khác của vua chúa Thổ Nhĩ Kỳ, Á Rậïp, Ba Tư, Ấn Độ... rồi kết luận về văn minh cosmopolite quá sớm này :
- Những cuộc sống chung bó buộc, những hòa điệu nghệ thuật miễn cưỡng hay áp đặt luôn luôn có tính cách giai đoạn. Ở tại một ngã tư, ngã sáu của nhiều nềân văn minh như A Phú Hãn có phải là một điều tốt? Nhưng họ nào được quyền chọn lựa?
Mới biết Simone gắn bó vô cùng với đất nước xa xôi ấy.
Khởi từ cuộc khủng bố tại New York, khi hai chiếc boeing cắt đôi hai toà cao ốc, hàng nghìn tấn sắt thép và hàng nghìn người cháy vụn thành than, tiếp nối bằng các cuộc khủng bố trả đũa. Trận chiến bất ngờ và không tương xứng. Cũng như những cái chết, đều đau đớn, bất ngờ và không cùng giá trị. Cả trái đất bằng cách này hay cách khác đều tự ý/bị lôi vào cuộc chiến quái dị.
Khi nhìn nhiều đường phố Kaboul đổ nát, những đống vụn chạy dài mút mắt, xen kẻ, chen lấn với các mảng tường gạch còn sót lại, thấp cao lô nhô vươn những đỉnh nhọn tả tơi, tôi tưởng như không có khoảng cách vài ngàn năm giữa các dấu (chân) ấn đại đế (quốc) A lịch Sơn, Gengis Khan, Timur Lang và…Bush Jr.
- Bush Jr?
- Rửa hận là ra tay khi lửa giận còn nghi ngút. Và ông ta xua voi ngay vào cửa hàng đồ sứ, phải dày nát con chuột! Vốn liếng cửa hàng là của người khác.
- Bên xứ tao người ta gọi đấy là giết ruồi bằng dao (mổ) trâu! Nhưng thử hỏi, hàng ngàn người chết một cách khủng khiếp trong chốc lát, trận tấn công xảy ra trước tối hậu thư tuyên chiến -không -gửi, phải đánh nhau với kẻ dấu mặt quả là khó khăn. Tao không muốn thủ vai ông tân Tổng thống ấy.
Simone chiếu phim ảnh vùng núi non Hindu Kush hùng vĩ, say mê nhắc nhở một tối ở Mazar, trong ánh đèn dầu lửa ăn bánh mì với thịt cừu nướng, uống trà. Hai mươi năm sau, chỉ nghe kể, tôi tưởng chừng như cũng ngửi được mùi hương đêm sa mạc, mùi dầu, bánh, nghe được tiếng cười lanh lảnh của những người đàn bà pachtounes đã tháo bỏ burka, loay hoay bên bếp lò tandur. Và ông chồng râu ria chiều dài đúng chuẩn mực sách thánh, nói về những cơn mưa chờ đợi, về mùa khoai sắp tới, về cô vợ trẻ sắp cưới.
Sự đụng độ giữa các nền văn minh và tôn giáo? Thánh chiến ư? Như thể sự ngu dốt, tài nguyên, mỏ dầu, quyền lợi kinh tế được xếp vào hàng thứ yếu!.
Tôi vẫn nghĩ đến Simone khi vào tới thương xá trung tâm thành phố. Simone ơi, cám ơn. Nhưng nếu Nhân li dị, chắc tao đi xa nhất là …đến nhà các con tao, Sissi ạ!
Khu thương mại này, giữa khách thập phương vẫn còn bóng dáng (công an) đồng phục, nai nịch súng ống qua lại tuần tra, lăm le đe dọa bọn khủng bố. Lại nhớ đến cuộc thế chiến kì quái vẫn âm ỷ kéo dài suốt mấy năm qua.
Đến nơi hẹn tôi nhìn đồng hồ mới hay trễ mươi phút. Nhân mất vẻ bồn chồn, mỉm cười khi thấy tôi. Vẫn nụ cười bốn mươi năm cũ Chúng tôi vẫn còn trong thiên niên kỉ trước.
Bụng Nhân bắt đầu to, nhưng rượu Nhân càng năm càng đượm. Tôi nhớ đến nỗi lo của mình. Và quyết định quên "nó" đi. Chỉ nên biết thời gian hiện tại và Nhân. Dù khung cảnh hiện tại không ngừng nhắc nhở quá khứ và đe dọa tương lai, trong mọi thành phố, thiên hạ vẫn tiếp tục dập dìu, yên lặng sản xuất và tiêu thụ.
Ô, hay là mười năm kinh khủng này đã đem "nó" đến cho tôi ? Cộng với mấy mươi năm thở hít không khí bụi bặm xăng dầu nhiều CO 2 hơn O 2, ăn bò điên bảy món với tôm tép cá gà nuôi bằng bột thịt/xương/da thú (điên +bệnh) với khoai, bắp đổi giống ogm ?
Thế mà thân xác lẫn tâm hồn chỉ chao đảo vài chớp mắtû. Thì hãy còn may mắn lắm !
- Hôm nay em bơi được mấy vòng hồ ?
- Chết, em quên ra hồ bơi !
Tôi đã mất ba giờ đồng hồ đi hết năm tầng thương xá và mười năm thế chiến ?
Nhân an ủi :
- Khủng hoảng giữa gánh đời em ạ, như crise existentielle de la cinquantaine, đừng nhìn lại phía sau !
Tôi trợn mắt :
- Lão nịnh thần! Em hãy còn khá tỉnh táo nhớ rằng mình được quà sinh nhật sáu mươi tám tuổi vào đầu năm nay. Tuổi thọ cho thế kỉ này là một trăm. Vốn liếng còn lại…chưa biết sẽ tan biến vào đâu. Và em nhớ rằng chúng ta sắp về Hà Nội. Người ta đã xây Loa thành, đã tái khơi Giếng ngọc (theo sơ đồ người xưa để lại, s'il vous plait! ). Xem lễ hội một nghìn năm Thăng Long và mừng anh thất thập cổ lai hi, hỡi phu quân yêu dấu! Anh yêu em thật không?
Nhân tươi cười xoay qua kể chuyện hôm nay trong phòng thí nghiệm. Như không nghe một chút ngậm ngùi trong hai tiếng thất thập. Không, tôi vẫn nhớ rằng lão phu quân yêu dấu phải cày bừa thêm hai năm nữa. Sau hai năm đó chúng tôi sẽ không còn phải hẹn nhau buổi trưa ở quán X. vào ngày lẻ, quán Y vào ngày chẵn và chương trình tự do tự biên tự diễn vào hai ngày cuối tuần. Chẵn, lẻ cho đỡ phải suy nghĩ chứ không vì một bệnh A. khởi đầu, débutante? A như aluminium, A như ảo ảnh. A là không dám khai. Dù đọc gần hết bộ tự điển y khoa.
Hai đứa con than thở rồi đây cha mẹ không nghỉ ngơi được chỉ vì trót mua ngôi nhà ven biển Long Hải và một villa với vườn cây trái tại Bình Dương, cha mẹ sẽ về đấy chỉ sáu tháng mùa đông và bọn chúng sang lắm cũng chỉ có thể kéo về mỗi năm nhiều nhất một lần. Thật vậy, cùng với vài bạn bè thân, chúng tôi quyết định việc ấy vài năm trước khi Thăng Long nghìn tuổi. Thấy "người ta" mừng vạn niên mình cũng đâm nghĩ đến tương lai. Muốn hậu vận ấm áp ? Thì phải tự lực cày bừa, không có fmi hay nhà nước cho vay không lãi.
Hai con sẽ tặng cha mẹ chuyến về quê hương, quà kỉ niệm bốn mươi lăm năm đời chung. Nhân vuốt tay tôi :
- Còn non nửa thế kỉ trước mặt.
Tôi lắc đầu chịu thua. Nhân muốn cuộc tình trăm năm hay cuộc đời trăm năm không già nua, bệnh hoạn? Bao nhiêu lần, tuy buồn vui theo Nhân khi chàng hân hoan báo tin thành công hay thất bại trong những thử nghiệm mới trong việc làm, tôi vẫn bâng khuâng xao xuyến. Nhân ơi, anh tiếp tay tạo hóa hay muốn thay tạo hóa?
Gần nửa thế kỉ trước, đêm tân hôn cùng ngồi đọc lại những lời chúc mừng nhận được, tôi than bạn bè từ chương ước lệ ; ngược lại, Nhân bảo chàng yêu lắm những ước vọng hàm hồ "trăm năm hạnh phúc" và "bách niên giai lão", "yêu nhau đến đầu bạc răng long". Trước mấy lời chúc "thương mãi ngàn năm", chàng chảy tan thành nước. Và từ đó trong Nhân nẩy mầm ý tưởng điên cuồng. Yêu nhau một nghìn năm. Nhân ơi là Nhân!
Kinh hãi, tôi bèn hòa đồng hiện thực, tôn giáo và hoài nghi chủ nghĩa :
- Mấy thằng cha bạn anh thiếu suy nghĩ, không có một chút ý niệm về tâm lí, về thời gian và tính chất hữu hạn con người. Nhưng không sao, không sao đâu anh : đầu thai trên dưới mươi lần thì đủ một thiên niên. Nhưng chắc mình sẽ lạc nhau mất! Chưa tính đến chuyện lỡ ra hai đứa mình cùng đầu thai làm trai hoặc gái cả thì sao?
- Anh vẫn cưới em như thường, trăm năm nữa chẳng còn nơi nào trên thế giới cấm đám cưới đồng tính. Vấn đề là nhận nhau ra trong mỗi kiếp! Khó lắm.
- Thật ra người xưa phán rằng đôi lứa thương hoài một ngàn năm khi nào lấy nhau chẳng đặng kìa, anh ơi. Lấy được nhau rồi thì vài năm là chán ngấy nhau. Người xưa khôn lắm, anh.
- Chờ xem! Vấn đề là tìm em nơi nào ở kiếp sau?
Không chán ngấy nhau ư? Tốt lắm, chỉ còn một vấn đề, vấn đề nan giải. Đi vấn kế các đấng chân tu Tây Tạng, chuyên tìm baby Đạt Lai Lạt Ma? Hẹn nhau chết cùng một lúc? Nhưng ai cho mình đầu thai cùng lúc, hả anh cực kì nan giải! Nhân có lí lắm! Làm sao, tìm thấy nhau, nhận ra nhau?
Thế rồi năm sau, để ghi dấu, Nhân đưa tôi cùng đi xâm một đóa hồng. Nhân giao hẹn mỗi năm năm xâm một đóa. Mỗi bờ vai và trên mỗi bờ mông hai đứa đã xếp hình rẽ quạt ba nụ hồng tí hon vừa hé cánh. Đúng ra, đoá hồng thứ mười trên mông trái của tôi sẽ được ghi tại Thăng Long theo dự định cuối tháng chạp năm 2010. Nhân dặn kiếp sau em phải mặc quần áo hễ không hở vai thì phải hở mông cho anh thấy được hoa hồng, nhớ đấy
Óc tưởng tượng và cõi mơ mộng của khoa học gia (điên?) luôn luôn không bờ bến? Làm sao em biết "thằng cha " nào là anh, hở Nhân. Xin hãy cho tôi chiêm ngưỡng tí mông, tí vai?
Hi vọng tôi nhớ lời dặn dò này và thực hiện cho kiếp sau, nhưng đến nay tôi buộc lòng mặc áo tắm kín mít như mấy bà già cuối thế kỉ 19 mỗi lần đi hồ bơi. Nhớ bikini quá lắm, tôi tắm (biển) đêm. Thế là rơi ngay vào bẫy của mình: Chưa hết kiếp tôi đã thấy mình giống Hoạn Thư : áo hở nhiều ngộ nhỡ gây hứng cho mấy con mụ khác, họ bắt chước xâm hồng ba nụ ở vai, mông thì anh sẽ lắm vợ nhiều nhân tình ở kiếp sau. Nhân cười dài, khoái chí. Nên tôi bi quan mở ra chân trời mới :
- Phải xâm vào gien, khắc vào ADN thì may ra ông ơi! Thôi rồi, thế nào em cũng lạc dấu anh ở kiếp thứ hai !
- ??
- Ấy là chưa nói có khi anh vào cõi Phật còn em… làm con bò, cày bừa khổ sở suốt đời hoặc làm thứ bò thịt, sống nhỡn nhơ nhiều lắm là vài ba năm trước khi thành đồ hộp hay bifteck.
- ??
- Bởi kiếp này cứ tái chanh với nhúng dấm suốt năm suốt tháng. Sống một trăm năm, thanh toán đến mấy chục con bò, mấy mươi con heo, trăm gà, nghìn cá. Em phải bị ăn thịt ở một kiếp bò, heo, gà vịt… nào đó.
- Nhưng anh cũng ăn như em kia mà. Sẽ cùng em đầu thai làm bò với cá!
Người tình chung ơi, bỏ qua vụ máu nịnh tự nhiên mà có, ngây thơ, son sắt thế kia ắt anh phải về chơi đất Bụt.
Nhân lại quên mình chuyên gia chữa trị hiếm muộn. Thụ tinh nhân tạo. Thụ tinh trong ống nghiệm, cấy thai ruột, cấy thai tặng, thai thuê v…v… Chàng đã tạo (?), đã giúp bao đời sống thành hình, góp thêm hạnh phúc cho những đôi lứa không chịu giới hạn hạnh phúc trong lứa đôi.
- Anh ơi, là hai con bò, nếu ta muốn lấy nhau, muốn sống yên ổn ắt phải xin về Ấn Độ. Là cá, muốn sống trăm năm tất phải làm cá…voi, và chớ nên được biệt phái về biển Nhật hay biển Đông hải.
Lại thêm một chướng ngại nữa.
Nhưng hai ba năm sau, Nhân quên thuyết luân hồi, không nghĩ về niết bàn, tiếp tục lao mình vào nghiên cứu và thí nghiệm. Nhất là từ thập niên 1980 rồi 1990 khi luật lệ quốc gia và quốc tế chưa rõ ràng, Nhân (bị bạn bè lôi kéo, tôi đoán thế) vào việc nhân (và tạo) bản vô tính: clonage người vô tính (phái). Thỉnh thoảng, chàng cười tình với tôi : cho anh xin tí…tế bào.
Thế là xong. Đâu đó trên trái đất này vài chục năm nay đã xuất hiện vài phó-bản (không, chính-bản)-tôi!
Trong hai thập niên, lúc ban đầu, các công việc thế thiên hành sự này tiến hành bí mật kín đáo, đa số các nhà khoa học (điên ?) đều táo bạo, say mê làm tạo hóa, nhưng một số khác, trong các nhóm Ý, Mỹ , Pháp khá duy tài và pha trộn thần bí để moi tiền, lường gạt những kẻ khát khao kéo dài hoặc kiện toàn hạnh phúc. Cho đến khi thế giới hoảng sợ vì viễn ảnh chệch hướng đạo đức đương thời, những dị chứng, những bệnh tật nan y do các nhà khoa học, luân lí vẽ ra ; rồi các hội đoàn Bảo vệ chính nghĩa, Hạnh phúc truyền thống, vân vân rục rịch xuống đường, đòi cắt giảm tài khoản nghiên cứu, đa số nước phải chính thức lập tức đình chỉ việc "chế tạo" người không thông qua phối tính này. Nhân cũng ngoan ngoãn ngưng tay. Nhưng vì từ sau năm 2005, phương pháp kĩ thuật được hoàn chỉnh đưa xác xuất thành công cao, và phí tổn thấp, cho nên dù luật lệ khe khắc, cấm đoán, trong một số quốc gia giàu, có những tỉ phú lén lút trả lương các ê kíp y khoa thực hiện việc nhân bản vô tính này. Nhằm thực hiện phần nào lí tưởng muôn đời : đổi mới con người (…thoát khỏi bệnh, lão )!. Người thường như Nhân còn muốn vợ trăm tuổi, huống hồ…

Hai đứa kèn cựa đôi co mãi rồi cũng như mọi khi. Chẳng ngã ngũ về đâu. Tôi về nhà và Nhân quay về phòng thí nghiệm.
Thuở tôi ba mươi tuổi, sinh xong thằng út, đo vòng bụng, tôi ngẩn ngơ, eo ơi bẩy chục xăng ti mét. Nhân đắm đuối : em như ngày mình gặp nhau. Tôi 40, chàng gật gù : coi hơn 30 chút xíu. Tôi 50, đi cắt mỡ bụng, mỡ đùi đem lên độn ngực, chàng bảo như Merryl Streep trong Đường đến Madison. Tới 60, căng da xong thì như Catherine Deneuve trong Place Vendome. Sáu mươi lăm, tôi uống melatonin, dhea như uống aspirine mỗi ngày thì như Brigitte Bardot …vào cuối thế kỉ 20? Anh ơi, bao giờ em được khen giống (mặt ) mẹ Teresa?
Nhân galant hay Nhân là con cháu thi sĩ nhà họ Nịnh? Nhưng tôi tự hứa từ nay sẽ không sợ tương lai, bằng cách dẹp bỏ những chiếc gương, thêm "dose" những viên thuốc dùng mỗi buổi sáng, và nhất là, nhất là phải đeo ngay trước ngực tờ giấy ghi "những việc cần làm ngay" (…trong ngày ). Nhân nghiêm mặt : em đừng nói gỡ.


Tháng 11- 2010?
Lần cuối nó tấn công tôi ngay lúc Nhân ngồi bên cạnh, khoa học gia canh đồng hồ : năm phút. Thế là suốt tuần : chụp hình, thử máu, hết xét nghiệm này đến xét nghiệm khác. Khi tôi bắt đầu quen biết hầu hết các bạn bè Nhân trong cái bêïnh viện tư đa khoa ven đô thì chàng biết nó muốn gì. Hóa ra, tôi cũng biết nó từ lâu lắm. Tôi nhẹ người, Nhân nói phải mổ sớm nghe em.

Tháng 12- 2001?
Những ngày vừa qua tôi vật vờ trôi nổi, mũi kim đau trở thành trăm ngàn đường kiếm xuyên khắp người, quanh tôi lung linh những bờ tường mờ ảo, các cửa kính di động, những trần nhà rơi sập, bên tai tôi loáng thoáng mơ hồ gần xa, thong thả hay dồn dập, tiếng bác sĩ, y tá gọi dậy, lời thì thầm, tiếng dụng cụ kim khí chạm nhau, tiếng bánh xe băng ca rinh rích; tôi ngạc nhiên, bàng hoàng khi trước mắt ẩn hiện những khuôn mặt lạ dịu dàng, thiện ý, tôi lạ lùng khi ngửi thấy mùi ether, iode thơm sạch, mùi thuốc sát trùng, alcool, và sung sướng an tâm khi nắm được bàn tay ấm và những ngón tay thon dài quen thuộc của Nhân. Cứ thế, luân phiên nét mặt Nhân, những khuôn mặt, lời nói lạ, tiêáng quen, những đứa con thân yêu, bè bạn. Luân phiên bènh bồng một phần đời bỗng khác lạ, hoang mang.
Khi tôi tỉnh lại thật sự, với khối đá tảng đè nghiến ngực, với đám mây mù trong mắt, trong óc, tôi tưởng mình vừa xa Nhân hôm qua.
Tôi hỏi :
- Còn Julien ? Tòa xử lại chưa anh?
Khuôn mặt tiều tuỵ Nhân cúi sát xuống, những râu bạc cà nhám má môi tôi, một giọt nước mắt thay câu trả lời lăn ướt mũi tôi. Tôi thầm thì :
- Em giữ lời hứa sẽ bách niên giai lão với anh …
Cô y tá vào báo tin, điều chỉnh camera, mở máy truyền hình. Những đứa con lần lượt hiện ra trên màn ảnh, hỏi thăm mẹ, đứa nào cũng khen mẹ có vẻ khoẻ hơn hôm qua. Mấy đứa cháu cũng lao nhao giơ khoe những hình vẽ, những bài thơ tặng mamie. Xung quanh ai nấy hân hoan, nên tôi phải hỏi duyên cớ, Nhân nói mổ xong tôi hôn mê hai đêâm. Trục trặc do thuốc gây mê. Nhưng qua rồi.
Simone vẫy tay :
- Có ra bài thơ siêu thực nào không?
Tôi ngâm :
- Buổi sáng dậy nhức tùm lum đủ thứ
Bớt đau vì người tư lự ngồi đây
(…).
Buổi sáng dậy mới hay đời còn đó
Bên này thương nằm ngóù những con người. *

Nhân dịch ra tiếng Pháp cho Simone, hai mắt long lanh; tôi nói yếu xìu :
- Hiện thực lắm, Simone!
Cô bạn cười, gửi tôi nụ hôn gió.

Khi lớp da nơi vết mổ ngực tôi bắt đầu có cảm giác, Nhân sửa soạn va li, thủ tục đưa tôi rời bệnh viện, Andrée ghé vội, khi ra về, đùa với tôi :
- Can đảm nhé. Về với thực tại, làm thơ vô thức không chừng dễ hơn.
Tôi miên man nhớ bạn. Hình như tôi đã lại quên điều gì đó.
- Ngày mai anh đi thăm Simone cho em, nó phải giải phẩu…
Nhân suy nghĩ vài giây, đáp dịu dàng :
- Tuần rồi Simone có ghé thăm em, bà ấy đã khỏi bệnh, chuyện giải phẩu, chimio, chiếu quang tuyến qua đã lâu, Simone hoàn toàn bình phục rồi.Hơn năm năm rồi. Em an tâm, Andrée và Simone sẽ chu tất cuộc triển lãm. Anh sẽ đi xem, thu hình Simone thuyết trình và Andrée đọc thơ.
Tôi hoang mang. Không có khoảng cách nào giữa chuyện hôm qua với chuyện năm năm về trước hay sao?.
Mãi khi nấn ná từ giã và đưa lẵng hoa làm quà cho các cô y tá, tôi bước ra ngoài, người y công da đen đội chiếc mũ len màu trắng ngưng huýt sáo mồm, cất tiếng chào, thì tôi nhớ.
Nhớ lại rồi, Simone với chiếc mũ cachemire trắng, Andrée và tôi đã chọn mua cho Simone hôm rời viện ung thư. Một Simone gầy gò, xanh tái như trở về từ thời nào xa xôi lắm. Thế nhưng vào ngày cơn đau tim tấn công tôi tại thư viện, sao Simone lại chỉ ngực nhắc chuyện làm biopsie vết thương? Thời gian như rơi chảy từ những chiếc đồng hồ mềm của Dali, thứ trí nhớ kiên trì và mềm mại. Trí nhớ khăng khăng miệt mài, sẽ dứng lại ở đâu?

Tiếng xe lăn bánh mềm xin xít trên lớp tuyết mịn dày, tôi kêu thầm trong bụng : Đài khí tượng báo tuyết hôm qua sao mình chẳng nhớ dặn dò lũ trẻ, chết, không biết sáng nay chúng nó ăn mặc ra sao ? Chúng ăn uống như thế nào trong những ngày qua ? Tôi hốt hoảng, hoang mang. Hơi thở đọng sương mù bốn bên cửa kính xe. Tôi chưa rời thư viện, còn loanh quanh khu thương xá, a, buổi chiều đầu tiên trong bệïnh viện. Bàn tay sờ soạng không tìm thấy tay Nhân khi (nên ?) giật mình bàng hoàng thức dậy giữa đêm khuya. Trên chiếc bàn đêm lạ lẫm, a đây rồi, quyển sách đọc dở dang, bức ảnh những đứa con quen thuộc, nhưng tôi đang ở đâu ?.
Khi bắt đầu quen, trí nhớ nối lại những đoạn rời. Tôi thấy lại mình trên đường từ bệnh viện về nhà. Bàn tay lạnh và bối rối xoay vần cây bút parker cũ. Mũi viết lăn tròn kêu tiếng nhẹ như lá vàng la đà trên đường sỏi thư viện. Tập vở, những trang giấy thư dày vàng nhạt to hạt. Nhớ rồi, quyển giấy thư bìa da nâu Julien tặng mẹ ghi cảm tưởng. Julien ? Còn án quyết của tòa?
Tôi lật mở từng trang, nhớ ngay điều phải hỏi :
- Đúng cái souffle au coeur hơn bốn mươi năm về trước phải không anh?
Nhân gật đầu, nét lo chợt tiêu tán. Tôi cũng phơi phới. A, tiếng thì thầm tim em và âm gào ánh mắt tình si.
Dạo ấy, Nhân theo nằn nì đòi khám tim tôi mãi :
- Thơ này, cô có cái souffle au coeur, tôi nói… thật mà!
Trước đó, vào buổi khám sức khoẻ sinh viên hàng năm, lần đầu tiên tôi gặp Nhân. Bắt người ta đứng lên, ngồi xuống, ho tới ho lui rồi còn áp tai nghe lưng, nắn bụng nữa, Nhân lại kê cái ống nghe lạnh ngắt lên phổi, lên ngực tôi, rà tới rà lui, gật gù không nói. Tôi lườm, Nhân gỡ ống nghe, lí nhí nói với tôi
- Tổng quát tốt… nhưng hình như tôi nghe một cái souffle au coeur!
Hai con mắt hắn đốt cháy đồng tử tôi xong lại chạy xuống hâm nóng bờ vai, bộ ngực trần của tôi :
- Tôi sẽ đưa giấy tái khám…Hoặc cô hỏi ý kiến bác sĩ cá nhân gia đình.
Tôi phát giận :
- Hình như? Ống nghe bị hư hoặc anh dở ẹc! Rờ đúp năm thứ nhất cho nên được xung công đi khám bệnh miễn phí, phải không?
Tôi đùng đùng ôm mớ quần áo đi ra. Nhân ngẩn ngơ không dám cản đường.
Bên ngoài, tôi thấy tôi mỉm cười bên kia ánh cửa kính ở lối ra. Người gì trông …dê nhưng có duyên lắm lắm.
Vài bữa sau, tình cờ (?! ) giáp mặt ở thư viện, Nhân níu tôi lại :
- Thơ ơi, cô đi khám tim chưa? Un souffle au…
Có duyên thật, vừa khám người ta xong lại khuyên đi bác sĩ! Tôi gạt tay Nhân, vác túi đi thẳng. Quên trả mớ sách đã quá hạn mượn.
Một lần khác, chẳng thể là tình cờ, Nhân lừng lững chận đường tôi :
- Khi trái tim thầm thì vô cớ…
Ngay trong quán ăn sinh viên, giữa một rừng người! Nhân móc túi lấy trái táo đặt vào mâm thức ăn của tôi rồi mỉm cười quay đi. Tôi ngượng với lũ bạn : anh muốn nói gì thì nói, tim tôi câm và rất khoẻ. Tôi đặt mâm xuống bàn, vớ trái táo ném trúng vào lưng Nhân. Trời ơi, bạn tôi cười nghiêng ngả, đổ cả mâm đĩa.
Có hôm thấy Nhân trờ tới bưng mâm hai con mắt ngơ ngác tìm (tôi ?)kiếm, vài đứa khua gõ dao, nĩa khiến cả quán mấy trăm đứa cùng bắt chước gõ loạn lên. Tôi muốn chui xuống bàn, con tim tôi hét to lời can gián.
Nhưng Nhân kiên trì rượt đuổi trái tim bệnh. Nhân khoe mình đã học đủ lớp (!), đang làm luận án ra trường, Nhân gửi tôi những croquis vẽ những (lời) thì thầm heart murmur. Có khi rồi sẽ qua, có khi phải giải phẩu, đôi lúc cần thay tim. Tôi vốn dốt đặc về lục phủ ngũ tạng, sau chuyện này thì biết kha khá về tim bệnh và tim si tình. Và biết tim mình đổi nhịp khi không còn ngượng ngập nghe Nhân tuyên bố “ suốt đời theo dõi tim em “.
Cho đến lúc yêu nhau nhiều và cả khi con cái lớn khôn, thỉnh thoảng, Nhân vẫn đòi nghe tim em thì thầm. Và tôi nghĩ rằng Nhân vẫn diễn tả vụng về khi chàng muốn nói điều xưa như trái đất.
Tôi kêu lên :
- Thế là bây giờ tim em có van mới rồi phải không anh? May mắn chưa, vẫn giữ được tim cũ!.
- Về lâu dài vẫn phải nghĩ đến chuyện thay tim, hay nhất là thay sớm, càng sớm càng tốt..
Đôi mày Nhân đã duỗi bỏ âu lo nhưng giọng Nhân ngập ngừng nói về những biến chứng có thể xảy ra, về những giải đáp rất khả thi. Đợi em khoẻ lại đã.

Bốn mươi lăm năm qua, tôi vẫn nhớ như in các hình vẽ ngày xưa ấy. Bốn mươi lăm năm qua, giờ đây mái tóc bồng của Nhân đã thưa và trắng xóa, mi mắt, giọng nói Nhân đã dày nặng thời gian nhưng âm vang vẫn sôi nổi, thiết tha như buổi đầu. Tôi nghĩ mình cũng như buổi ấy, nhưng không hề ôm áo bỏ đi, muốn ngưng đôi chân, nghiêng tai nghe tim gõ nhịp hát lời câm và ngắm nghía nụ cười mình rạng rỡ phản chiếu từ khung cửa kính. Nâng niu trái tim bệnh và âu yếm mãi mãi trái tim si ngày cũ.
Nhân ba mươi, Nhân bốn mươi ra sao? Nhân năm mươi, sáu mươi thế nào? Sao tôi không nhớ nữa. Không một khác biệt nào cả sao? Vô thường nào? Ở đâu?
- Cho em xin lỗi…
Không, tôi ăn năn vì thấy mình thay đổi nhiều, chỉ có Nhân bất biến, tim Nhân bất biến, tình yêu của Nhân không mòn cạn, hư hao.
Tôi nhớ đến những so sánh Nhân kê khai mỗi lần tôi than thở, lo lắng soi gương hay thẩn thờ ngồi xem chồng album, các đoạn phim kỉ niệm. Những hình ảnh xưa ấy, là ảo ảnh. Tôi hai mươi với thằng bé con bụ bẩm không có thật. Tìm lại tôi nào? Bé con nào?
A million roads a million fears
A million suns, ten million years of uncertainty…
- Cho em xin lỗi…
Nhân lặng im, ra dấu cho tôi đừng nói nữa. Chàng thì thầm :
- Anh thay đổi nhiều chứ, như em thôi. Cả hai chúng ta đều cùng thay đổi.

Thế là hoát nhiên đại ngộ!
Chú Hoá cười hiền lành ngày tôi đến thăm chú nơi bệnh viện :
- Chú ngất đi độ một giờ nhưng tốt lắm Thơ ơi. Hoát nhiên đại ngộ.
Tay lái xe đập vỡ ba lóng xương ngực, chân trái gãy đôi, ruột phải vá lại vài nơi, khi tỉnh lại chú khoe chú hoát nhiên đại ngộ.
Chú chậm rãi nói đến những lời kinh đã tụng đã nghe, so sánh các cảm tưởng nghiệm sinh trước sau tai nạn. Chú thay đổi hẳn, tôi chẳng đặng đừng nhớ đến chú những mươi năm trước, khi chú điện thoại nhắc nhở đến thời kì chú oai quyền trai trẻ. Chúng mày thì biết gì ! Chú vẫn mào đầu câu nói ấy dù tôi thuộc lòng mọi chuyện đời chú. Chú mở ra từng giai đoạn xanh, hồng, lần nào chú cũng cho là lần kể mới. Nhiều lúc tôi để mặc chú say sưa kể, trí óc tôi luôn đi trước những kỉ niệm chú (đã) đang giao phó. Chú nhiều đào đẹp, chú đánh tennis số một, chú là kinh tế gia xuất sắc trước khi bị tái ngũ, chú vua lả lướt vũ trường, chú run rẩy dưới pháo địch, chú lâm nạn thế nào, chú thoát hiểm ra sao, bạn thân người nào chết trong trận sáp lá cà ở Khe Sanh, ai mất dưới mưa bom ở Quảng Trị, ở Vĩnh Linh. Lắm khi chú chợt tỉnh, ngưng kể, mắng tôi một tràng rồi cúp máy. Vài hôm sau, chú dựng cổ tôi sáng sớm để nghe chú nói về rạng đông trên cánh đồng Chum, bên xác bạn chờ trực thăng đến bốc đi. Và một bài thơ lục bát bạn đọc cho nghe trong thời học tập cải tạo. Rồi chú phác thảo một chương trình kinh (bang) tế (thế), giáo dục thần kì cho Việt Nam cất cánh bay vào thời đại toàn cầu hóa. Lại bay! Tôi ngáp dài thì chú chửi con cháu thời bây giờ chẳng biết thiết tha với tiền đồ đất nước.
Sau lần hoát nhiên đại ngộ, quả thật mọi oán hờn tiêu tan, chú gật gù : chuyện đâu còn có đó, chú yêu tất cả mọi người, mọi thứ trên đời. Đời sống tuyệt diệu từng khoảnh khắc, chú nghe kinh, viếng chùa nhiều hơn và một bữa, chú lại điện thoại dựng cổ tôi dậy, đọc một bài chú lạ lùng ; tôi kêu, giọng hết cả ngáy ngủ :
- Chú đại ngộ thật rồi!
Chú cười lớn, rót thêm một chút bí mật vào cái đầu tôi còn ngầy ngật :
- Cái "đại ngộ" của chú chẳng đáng giá ba xu. Bây giờ chú phải "cách mạng thường trực", cứ đợi đụng xe mãi thì …chết vì tiền đóng bảo hiểm tăng!

Lâu nay không nghe tiếng cười của chú. Tôi níu lấy cơn đại ngộ của mình :
- Cho em xin lỗi…
Nhân vuốt mặt tôi. Nhân ơi, anh đã đi cùng với em, đổi thay với em. Còn em?

Tháng 12 –2010?
Nhân nhắc mãi đến những công trình đã qua khiến tôi biết Nhân chưa yên tâm. Rồi đây sẽ phải thay máy trợ tim, có khi lại phải thay van khác v..v..Nhưng tốt nhất là thay tim. Hơn một lần tôi kinh hoàng nghĩ tới những tôi khác. Những tôi mười tuổi, hai mươi, ba mươi tuổi nào đó lớn lên ra sao ở những nơi chốn khác nhau? Tôi /"họ" ấy, giữ được gì của những hạt nhân tế bào xưa ? Có đóa hồng nào trên vai? Biết chi, nhớ gì về tiếng thì thầm xưa, về ước hẹn nghìn năm ? Trái tim mới ấy biết nhận ra Nhân không? Có người yêu chưa? Đã/Sắp hẹn hò trăm năm với ai? Bố mẹ ra sao ? Tuổi thơ và thời thanh niên mang màu gì ?
Nhân sợ mười năm sau tôi có thể "đi xa" bất cứ lúc nào, thể lực còn kém cỏi hơn nữa, làm sao chịu đựng nổi chuyện giải phẩu. Nhưng tôi cần biết gì về năm, mười năm tới ? Đã bao nhiêu lần, qua những mốc năm năm, mười năm, anh, và em, đã thoát hiểm. Đã sống tròn đầy. Và còn chuyến đi Thăng Long? Hiện tại gần của em đâu?

Chú Hoá đến từ giã khiến tôi không biết mình thật sự ở nơi nào. Chú về hẳn hay chỉ du lịch quê hương như những lần trước kia? Chú đến buổi sáng sớm, khoẻ mạnh, tươi tắn khiến tôi lại hoang mang. Chú đã khỏi bệnh từ bao giờ mà tôi chẳng biết. Chú nhắc Sài Gòn hai mươi triệu dân, ngoại ô về sát tận biên giới Tây Ninh, đến tận biển. Còn Huế, Thăng Long lộng lẫy cao ốc, chằng chịt chồng chéo xa lộ. Cũng ô nhiễm, cũng tai nạn xe cộ. Đầy bản sắc quốc …tế. Trăm triệu rưởi dân với bấy nhiêu diện tích cũ thì chẳng còn đất ruộng nữa cháu ạ. Làm rồng cho thuê. Bình thường hóa bắt đầu với những tim óc bình thường. Toàn cầu hóa đây rồi. Dân mình vẫn giỏi thích ứng. Không, dân ta như thiên hạ, là con người bình thường và nhu cầu bình thường. Và chú lại giảng cho một điểm nhỏ trong đại chương trình của chú.
Này, thí dụ nhá. Trồng củ từ bán năm đồng một kí cho Tàu, Tàu chưng cất thành DHEA bán cho mấy bà già Mỹ mười ngàn đô la một kí. Này nhá, tổ chức một quân đội thuần quân đội, chuyên nghiệp giữ nước, công an cảnh sát thuần công an cảnh sát, chuyên giữ an ninh xã hội chung, mặt sắt (với trộm cướp, sát nhân ) thì cứ việc mặt sắt, sợ gì ai mà phải áy náy soi gương hàng ngày, xem có thật mình mặt sắt ? Xứng đáng với lương tiền, phải đạo với công việc, canh gác cao ốc ngừa trộm cướp, làm cận vệ công tư, chả còn phải đi chẹt xe, ném đá, rình rập, nghe trộm, cướp giật lôi thôi các thư từ, bản thảo của bọn thi văn nhân điên khùng… Khi mặt sắt cũng biết làm thơ, biết viết hồi kí, khi nhà chính trị biết viết sách kể lể tâm sự u uẩn và biết rằng cả cuộc đời không phải chỉ là chiến tranh và những thằng địch, biết quỳ gối xin lỗi những oan hồn quá khứ v…v…thì ta biết rằng ta qua khỏi giai đoạn…quá độ. Thương nhân bình thường của ta sẽ biết chế tạo thẳng DHEA và bán năm nghìn đô la /đơn vị cho những người già thế giới. Nông dân biết trồng sồi, gieo mầm nấm hắc hương Tuber melanosporum bán cho các khách sành ăn quốc tế. Giáo dục thay đổi khi con cái các đỉnh cao đi học xa về, thừa kinh nghiệm chua cay, để giận dỗi, hờn trách cha ông, rằng những bằng cấp giấy và mặt nạ không đưa nổi chân ai ra khỏi thềm nhà.
Chú ơi, chú ngộ thật rồi!
Chưa lâu lắm, chú thề không trở lại quê hương khi đảng cộng sản còn cầm quyền. Đảng đã xuống trong khi tôi nằm bệnh hay tôi lại quên rằng đã có lắm đổi thay sau thế chiến thứ ba ? Hay chú ngộ thật sự ? Cộng với chẳng cộng ? Bắc với Nam. Dân tộc hay quốc tế. Nơi này và chỗ kia. Đi với về? Cùng một nghĩa như nhau?

Đành phải hỏi Nhân : chú em đâu ; chàng dịu dàng:
- Anh quên nói cho em nghe : chú về Long Hải, vào tịnh thất với ba má em. Chưa được một tháng. Chú có đến hôm em mổ. Và trước hôm chú lên máy bay. Yên tâm đi em, mình sẽ gặp lại chú với ông bà cụ.
Tôi hỏi Nhân đột ngột :
- Khi tìm ra "bản in" clone em, anh giết người ta để lấy tim họ à?
Nhân bối rối không trả lời ngay. Một lát sau mới gượng gạo :
- Nhưng chính anh tạo ra họ. Và mục đích ngày ấy là đặt giải đáp cho ngày nay.
- Anh tạo ra mạng sống ấy nên thừa quyền cướp lại Những “em” ấyï đâu có yêu cầu anh? Họ là gì của em? Con em? Bóng, hình em?
- Anh cần lấy tim họ thay cho tim em, chỉ có thế thôi!
Tôi phải tìm cách giải vây tôi :
- Những trái tim ấy bình thường không? Con cừu Dolly ngày xưa vừa già trước tuổi vừa đủ thứ bệnh tật. Và những phó bản của nó đều đa bệnh, chết sớm.
- Đó là thí nghiệm đầu tiên thành công trên thú vật, sau này các ê kíp đã hoàn toàn làm chủ các phương pháp, chế ngự được những biến cố bất ngờ về kĩ thuật. Anh đã thành công…
- Nhưng giả sử như các bản nhân clone của em giống y như …mẹ (chị?) nó thì tim chúng nó cũng biết đau bệnh, cũng thầm thì…
- Ít ra chúng sẽ sống hơn sáu mươi năm trước khi đòi thay thế!
- Nhưng anh phải giết nó lấy tim… Ai cho phép anh làm việc ấy?
- Anh làm được việc ấy, anh đã có kế hoạch từ lâu cho mọi chuyện.
- Em không muốn bị giải phẩu nữa. Hãy nghĩ xem : em đoạt tim của người ta! Nhân ơi, tim đau phải thay nhưng em không muốn anh trở thành kẻ sát nhân, dù anh muốn xem như các bản in ấy của em không phải là người đích thực. Nhưng nếu họ là …em, thì họ là người chứ, phải không?. Hay là, cứ để yên em như vậy. Tim mới thì làm sao tim ấy nhớ rằng đã yêu anh, đã chồng chất bao nhiêu hình ảnh của một thời ta yêu nhau? Em khoẻ rồi anh ơi. Lạy trời cho anh tìm không ra đứa nào cả. Hay là…khi tìm ra được, anh hãy xin cưới nó. Làm lại cuộc đời!
Nhân bật cười. Tôi biết mình ngây ngô. Hồ sơ, chương trình cũng như kết quả thí nghiệm chỉ có thể mất khi thế giới này phải bom nguyên tử hay đại hồng thuỷ bất ngờ.
- Nhưng Nhân ơi, anh không sợ khi em làm con bò, anh lại sa vào địa ngục
- Đừng nói lôi thôi, anh quên tương lai xa để chỉ nghĩ đến kiếp này.

A million rights, a million wrongs in this balance of time
But if there was a single truth, a single light...

Nhưng tôi biết mình sẽ thuyết phục được Nhân. Mười năm sắp tới này quá dài cho thân xác tôi, trí óc đã không còn nhớ nổi những gì vừa qua, không muốn biết điều sắp tới. Một trái tim mới làm chi khi tôi sẽ không nhận ra Nhân nữa? Nói gì đến những đời kiếp về sau?
Nhân ngẩn ngơ biến sắc khi tôi kêu lên :
- Anh sẽ phải thay luôn bộ óc em mới được …
- !!
- Vì óc mới biết nhớ, biết quên, trái tim chỉ biết thì thầm!
Và nhẫn tâm :
- …nếu anh đủ khả năng thay óc. Ví dù như anh thay được cả óc em và trái tim, với tim óc mới mẻ trẻ trung ấy, biết đâu em chẳng sẽ …đi yêu thằng bé phụ tá anh ?. Nhưng em biết không thể được và em không hề muốn đổi thay. Và chắc gì sau cuộc giải phẩu, em nhận biết hoàn toàn được anh, nhìn ra được con cái, bạn bè ? Làm sao anh bảo đảm cho em rằng tim óc ấy biết nhắc nhở chuyện ngày xưa, biết rung cảm đồng thời với anh khi ôn lại mỗi nơi chốn hình ảnh đã cùng trải qua Thì cuộc sống có nghĩa lí gì nữa không? Anh còn yêu em khi em không trọn vẹn em, mà là một thứ Frankenstein vá víu? Anh yêu em thật sự hay anh thử nghiệm tài năng mình?

Rồi đó, anh biết rằng em biết rồi đó, Nhân. Chất thuốc gây mê đã gây phản ứng cộng hưởng với Alzie. Thúc hối Alzie. Bạn bè anh viết tắt, nói lóng. Em hỏi Alzie là gì, anh không trả lời. Nhưng em biết rồi đó, Nhân ơi. Ngừng lại đi anh.
Có kịp thay đổi Nhân cho khoảng thời gian còn lại Chưa được tới trăm năm ; thì nghìn năm nghe xa như ở tận cùng vũ trụ, bên kia vô số thiên hà xa lạ. Yêu em làm chi cho khổ sở, lao tâm, lao lực và đến nổi phải xuống gặp… Diêm vương? Bốn mươi lăm năm qua như cái chớp mắt. Có giữ lại được gì đâu. Còn chăng một nỗi hoan lạc mơ hồ, điểm xuyết những loé chớp hào quang, không căn cứ thời gian, xuất xứ.

Tôi muốn kỉ niệm và trí nhớ tôi ngừng lại ở chuyến du lịch cuối cùng. Hoặc chuyến trăng mật đầu tiên. Hay lần xâm hoa hồng thứ nhì, thứ ba? Hai đứa đã đốt nến kỉ niệm 20 năm ngày gặp nhau ở Amsterdam hay Paris ? 30 năm yêu nhau được thổi nến tại Mũi Né hay Sapa? Đã quên mất rồi!
Nhanh lên, Nhân ơi, quá khứ, tương lai và hiện tại đã bắt đầu xóa trong em.
Nhân ơi, hôm qua anh dặn em điều gì? Quán X? Đón con ở trường nào chiều nay? Đứa nào?
Hẹn nhau tại một nơi nào đó, và gương mặt anh ra sao? Làm thế nào để nhận ra anh?
Then following this single point...this single flamme...
This single haunted memory of your face...


Phan Thị Trọng Tuyến
11- 2001

* Nguyên văn chưa bị bôi bác của Nguyễn Nam An:

Buổi sáng dậy nhức tùm lum đủ thứ
Thêm nhức nhối ngày tư lự ngồi đây
(...)
Buổi sáng dậy bên này sương đứng ngó
Bên kia thương nằm đó những con đường



















.