Thố Ti....

Cao Xuân Huy

Sinh ra ở Việt Nam, nhưng lớn lên tại Mỹ nên tiếng Mỹ là ngôn ngữ chính của tôi. Khi rời Việt Nam tôi đã biết đọc biết viết, tuy tiếng Việt khá hơn bạn bè cùng tuổi, tôi thực ra chỉ có thể nói được những điều bình thường trong sinh hoạt hằng ngày. Tôi muốn học tiếng Việt nhưng bố bận vì sinh kế, không có thì giờ dạy con.
Tôi muốn tìm hiểu văn chương Việt Nam. Bố là người viết truyện và đang làm cho một tờ báo văn chương trong cộng đồng người Việt ở đây. Bố nói văn chương Việt Nam bao la lắm, bố không biết bao nhiêu, vả lại vì ít thì giờ nên bố chọn cho tôi đọc tác phẩm của những nhà văn mà theo bố, là những khuôn mặt lớn của văn chương Việt Nam. Bố nói cứ rán đọc, bố sẽ hướng dẫn thêm.
Những quyển sách bố chọn, tôi đọc rất kỹ, kể cả lời nói đầu, lời tựa đến lời bạt, lời khép. Tôi đọc hết những sách bố đưa, dường như văn chương Việt Nam quyến rũ, nên dù vất vả tôi vẫn tìm đọc thêm những quyển trong tủ sách của bố. Những quyển này, giá trị văn chương không bằng những quyển bố chọn. Tôi hỏi bố, tại sao truyện in ra mà không cần văn chương. Bố nói ở bên này in sách dễ lắm, có tiền là có thể xuất bản một quyển sách. Khác với sinh hoạt văn học ngoại quốc, văn học của ta thiếu hẳn một ngành phê bình chuyên biệt vốn cũng là một ngành học tại các đại học ở đây.
Dựa vào những lời giải thích của bố, tôi không còn thắc mắc về những lời khen đối với tác phẩm không hay nữa. Và tôi mới hiểu tại sao, có những tác phẩm in luôn những lời khen chiếm một số trang không khiêm nhường trong quyển sách. Ðiều này làm tôi buồn.
Khi nói đến thơ, tôi mới nhận ra là bố không đưa cho tôi đọc một quyển thơ Việt Nam nào. Tôi hỏi, bố bảo thơ là tinh túy của văn chương, là cái gốc chữ nghĩa một nền văn chương. Tiếng Việt tôi chưa thông, làm sao có thể đọc thơ Việt được. Nhưng rồi bố vẫn đưa tôi một số quyển thơ và dặn chỉ nên đọc những quyển này. Ðọc xong, tôi lại lén đọc thêm vài quyển khác. Quả thật thơ khó hiểu hơn văn. Tôi lại hỏi bố.
Bố nhìn tôi lắc đầu, giải thích “Với văn xuôi, con dễ nhận ra một câu tối nghĩa, nhưng trong thơ, một câu thơ khó hiểu sẽ khiến con suy nghĩ rất nhiều, đôi khi với những nhà thơ tài hoa ta có thể không hiểu thấu lời thơ, nhưng ta cảm nhận được tình cảm của câu thơ. Còn những người làm thơ như làm vè, những câu tối nghĩa ta sẽ không hiểu, không cảm nhận được gì, mà chỉ nhức đầu thôi”. Trong giới thơ văn Việt Nam, người ta có tĩnh từ “thơ hũ nút”, “thơ xóc lọ”. Và bây giờ, thời buổi kỹ thuật tiến vượt bực, những chuyên viên xóc lọ chuyển sang nhấn nút, khi làm thơ chỉ cần bấm một macro của cái computer là có thể chạy ra một loạt những bài được program sẵn, gọi là “thơ nhấn nút”; hoặc bẻ cong bẻ queo, đảo ngược đảo xuôi chữ nghĩa, gọi là “thơ bí hiểm”.
Tôi tò mò, lấy quyển thơ mà tên tác giả đã quen thuộc với tôi.
Tác giả này tên Thố Ti. Tôi thường thấy tên ông trên một số tờ báo, và trong rất nhiều quyển sách dù ông không phải là tác giả. Vậy thì tại sao quyển thơ của ông, bố lại không cho tôi đọc.
Bài thơ nào tôi cũng thấy có những nét quen thuộc, khiến khi đọc, tôi nhớ đến những quyển thơ khác. Hình như thơ Việt Nam khác với thơ ngoại quốc, ở mỗi tác giả hay tác phẩm, thường có một không khí sáng tạo riêng. Thơ Việt Nam như mang chung một vài hình ảnh hay chữ nghĩa mà bố bảo là “nhai lại”, “sáo mòn”.
Tôi thắc mắc Thố Ti là gì, tên thật hay bút hiệu. Tôi lại hỏi. Bố bảo chữ Thố Ti này tiếng Việt không có, nó là chữ Tàu. Tôi loay hoay tìm hiểu, được biết thố là con thỏ, và ti nghĩa là mặc cảm thấp kém. Tôi không chắc lắm vì chữ Tàu, nhiều chữ tuy cùng một cách phát âm nhưng viết khác nhau nên nghĩa cũng khác. Mặc cảm thì tôi biết, còn con thỏ, thỏ với người Mỹ gợi nhớ đến sự táo bạo như những nàng bunnies của Playboy, nhưng con thỏ với người Việt Nam lại có ý là nhút nhát. “Nhút nhát và mặc cảm thấp kém.” Thế tại sao lại lấy bút hiệu này.
Tôi càng thắc mắc, ông Thố Ti này chắc phải là một khuôn mặt lớn lắm mới có thể có tên trong nhiều quyển sách. Và thơ ông có vẻ như bao trùm tất cả những quyển thơ mà tôi đã đọc. Ðiều này càng làm tôi thắc mắc hơn, tôi lại hỏi bố.
Lần này thì bố nói là không được hỏi gì nữa, hiểu biết về văn chương Việt Nam của tôi đã tạm đủ để tự tìm hiểu lấy. Tôi biết bố giận vì tôi đã cãi lời, cứ đọc những quyển sách mà bố không muốn tôi đọc. Bố nhấn mạnh “Thố Ti không phải là một cái tên riêng, mà là tên chung của nhiều người, cái ông Thố Ti này chỉ là một khuôn mặt điển hình thôi”.
Tôi ấm ức mãi trong đầu về cái tên Thố Ti này. Tên thật thì chắc không phải, vì có thấy ai họ Thố đâu, mà bút hiệu thì thật là kỳ cục. Và tại sao bố lại bảo đó là một cái tên chung của nhiều người? Trong khi có nguyên hẳn một quyển thơ mang tên ông? Nhưng rồi, chuyện ấm ức này cũng nhạt dần đi.
Cho đến một hôm, tôi thoáng thấy trong tiệm sách, quyển truyện của một nhà văn Trung Hoa, truyện Thố Ti Hoa, được dịch sang tiếng Việt là “Hoa Tầm Gửi”.

Cao Xuân Huy












.