Bùi Vĩnh Phúc
Trong khoảng mười năm nay, kể từ truyện ngắn đầu tiên, Vận Tốc Trung Bình,
của Vũ Quỳnh Hương, xuất hiện trên nguyệt san Văn (số Xuân Giáp Tý
1985), nhà văn này chỉ viết thêm hai hoặc ba chuyện ngắn khác, trong đó
có hai truyện nổi bật là Miền Vĩnh Phúc và Nẻo Quyên Ca
(đăng trên nguyệt san Văn Học, theo thứ tự, số tháng 10, 1986 và số
Xuân Tân Mùi, tháng 1&2, 1991). Ba truyện ngắn này (đặc biệt Miền Vĩnh Phúc
có thể xem là một truyện vừa, nếu in thành sách thì khoảng 70 trang) đã
để lại một ấn tượng thật đẹp về thế giới văn chương của Vũ Quỳnh
Hương trong tâm hồn người đọc. Mặc dù suốt trong mười năm, Vũ Quỳnh
Hương chỉ cho phổ biến vài truyện ngắn và truyện vừa, những câu truyện
được kể đã làm cho tác giả được nhiều người đánh giá là một nhà văn
nữ có đầy nét sáng tạo.
Ba truyện được kể ở trên đều có những nét đặc sắc của nó, nhưng Miền Vĩnh Phúc
có thể nói là tác phẩm đã ghi được những dấu ấn thật đậm nét vào trí
nhớ người đọc. Tôi sẽ nói nhiều hơn về truyện vừa này sau khi giới thiệu
Vận Tốc Trung Bình và Nẻo Quyên Ca.
Vận Tốc Trung Bình là một câu truyện của
một thiếu nữ yêu một người đàn ông trung niên, hơn nàng 15 tuổi. Người
đàn ông này sống lủi thủi với cô con gái của mình trong một thành phố
Mỹ điển hình. Người vợ còn ở Việt Nam và đã sống với một người đàn ông
khác, và đó cũng chính là lý do để người đàn ông phải dắt con ra đi.
Câu truyện rất giản dị, chỉ có vậy; nhưng cách kể lại câu truyện, cách
phân tích tâm lý của nhân vật chính một cách vừa hết sức đời thường
vừa hết sức thơ mộng, cách tác giả nhào lộn với những ý nghĩ của mình,
cách tác giả tung ném những ý nghĩ đó rồi bày chúng ra trên mặt giấy –
tất cả đã cho người đọc thấy được cái tài của nhà văn nữ này.