Hộ Chiếu Của Nhà Văn

[đối thoại] 

Nguyễn Hưng Quốc

Một trong những ám ảnh lớn nhất của những người lưu vong là ý niệm về sở thuộc (sense of belonging). Với giới cầm bút, ám ảnh ấy lại càng nhiều day dứt: Không những bản thân họ mà còn cả tác phẩm của họ thuộc về đâu và sẽ đi về đâu?
Trong cuốn The Writer as Migrant (The University of Chicago Press, 2008), Ha Jin, nhà văn gốc Hoa viết bằng tiếng Anh tại Mỹ, trích dẫn một quan điểm của Nabokov mà tôi rất tâm đắc: Với một nhà văn, quốc tịch chỉ là điều thứ yếu; trong khi đó chính nghệ thuật mới là hộ chiếu thực sự của hắn.
Ha Jin dẫn ra trường hợp của hai nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn và Lâm Ngữ Đường làm ví dụ.
Solzhenitsyn bị trục xuất khỏi Liên Xô vào năm 1974 và cư ngụ tại Mỹ đến năm 1994. Năm 1985, ông nộp đơn xin vào quốc tịch Mỹ nhưng đến ngày tuyên thệ, ông lại đổi ý. Năm 1994, sau khi chế độ Cộng sản sụp đổ, ông quay về Nga sinh sống. Tất cả những sự thay đổi về địa điểm cư trú ấy có ảnh hưởng gì đến sự nghiệp viết lách của Solzhenitsyn không? Không. Solzhenitsyn từng tuyên bố: “Tất cả cuộc đời tôi đều chứa đựng trong một điều – tác phẩm.” Và tác phẩm của ông, như ông cũng từng tuyên bố, “chỉ được viết cho quê nhà”, tức nước Nga. Nhưng nước Nga của ông lúc ấy lại từ chối ông:

Nhà Văn... Không Là Ai?

Nguyễn Hưng Quốc
Liên quan đến chuyện “viết cho ai?”,[1] tôi nghĩ, có một vấn đề khác cũng cần được đặt ra: Nhà văn là ai?
Câu trả lời chắc chắn không đơn giản. Khái niệm nhà văn thay đổi theo thời gian: ngày xưa, ở Việt Nam, bất kể ở những tài năng lớn hay nhỏ, tư cách nhà văn đều bị chìm khuất, thật mờ nhạt, đằng sau tư cách của những ông quan, ông đồ, ông cử hay ông tú.[2] Khái niệm nhà văn cũng thay đổi theo thể loại: trong ý nghĩa này, nhà văn chỉ là tên gọi chung cho nhiều loại người khác nhau, từ một nhà thơ đến một nhà tiểu thuyết, một nhà tuỳ bút, một nhà viết kịch hoặc một nhà phê bình và lý luận văn học. Khái niệm nhà văn còn thay đổi theo phương pháp sáng tác người ta sử dụng: một nhà cổ điển, một nhà lãng mạn, một nhà hiện thực, một nhà siêu thực, một nhà hiện đại chủ nghĩa hoặc một nhà hậu hiện đại chủ nghĩa... Khái niệm nhà văn cũng thay đổi theo những mục tiêu mà người ta, qua động tác viết, nhắm tới: có người viết để độc giả tiêu khiển, có người viết để tuyên truyền cho một quan điểm và để kích động tâm lý của quần chúng, có người viết để thoả mãn lòng say mê đối với chữ nghĩa, cũng có người viết để chỉ gửi lòng mình vào thiên cổ, với hy vọng, may ra...
Lặn sâu vào những sự đa dạng và phức tạp ấy để tìm hiểu vấn đề “nhà văn là ai?” hẳn là một điều vô cùng thú vị.[3] Tuy nhiên, trong bài này, tôi chọn một góc độ khác không kém thú vị nhưng lại thực tế hơn: nhà văn không là ai?

Đọc Thơ Là... Đọc... Thơ

Nguyễn Hưng Quốc

Nói đọc thơ là đọc thơ, tôi muốn nhấn mạnh đến hai yếu tố: đọc và thơ.
Ðọc? Thì ai mà chẳng đọc? Nhận định có vẻ hiển nhiên ấy, thật ra, chỉ hiển nhiên, đối với người phương Tây, trong vòng mấy trăm năm trở lại đây; và riêng đối với người Việt Nam, khoảng trên dưới một thế kỷ. Trước, khi chưa có chữ viết, không ai đọc; khi chữ viết chưa phổ cập, rất hiếm người đọc. Ở Việt Nam, trong cả hàng ngàn năm, hầu hết người ta chỉ nói thơ và nghe thơ. Chữ “nói thơ” ấy rất thông dụng ở miền Nam trước kia. Nói theo kiểu “nói Lục Vân Tiên”. Nói, ở đây, không phải là ứng khẩu hay ứng tác. Mà, thật ra, là đọc. Có điều đó là cái đọc không có văn bản. Đọc từ ký ức. Và, trước đó, để thuộc lòng, người ta thường cũng không đọc. Người ta chỉ nghe ai đó đọc hay nói. Cả người dạy lẫn người học đều châu tuần chung quanh một sinh hoạt có tính chất truyền khẩu. Điều này không những đúng đối với văn học dân gian mà còn đúng với cả văn học thành văn nữa. Cái gọi là văn học thành văn của Việt Nam ngày xưa thực chất là một thứ văn học bán thành văn và bán truyền khẩu. Tác giả: Có. Tác phẩm: Có. Nhưng do tình trạng in ấn lạc hậu và nạn mù chữ cao, hầu hết các tác phẩm ấy đều chỉ được lưu truyền dưới hình thức truyền miệng. Ngay đối với những tác phẩm được xem là kiệt tác như Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng không mấy người được đọc. Phần lớn người ta chỉ nghe ai đó thuộc lòng tác phẩm đọc. Rồi người ta nhớ. Rồi người ta lại truyền tụng tiếp. Cũng bằng miệng.

Viết, Như Một Cách Tự Hoạ

Nguyễn Hưng Quốc

Tại sao viết?
Trả lời câu hỏi tương tự, một lần, trên tạp chí Thế Kỷ 21, tôi đặt vấn đề: tại sao người ta thích hỏi nhà văn là tại sao anh (hay chị) viết văn? Tại sao không ai hỏi cái câu hỏi tại sao ấy với những hạng người khác, với các chính khách, các bác sĩ, các luật sư, kỹ sư, hay với các nhạc sĩ, các ca sĩ, chẳng hạn? Có phải với những nghề ấy, vấn đề đã quá hiển nhiên? Đó là những nghề hoặc có tiền hoặc có danh hoặc có cả hai, đôi khi lại thêm quyền lực nữa. Người ta chỉ hỏi các nhà văn: tại sao anh/chị viết văn? Dường như người ta tò mò: Tại sao anh/chị biết, như Nguyễn Vỹ từng than, nhà văn An Nam khổ như chó, vậy mà anh/chị vẫn cứ mơ mộng làm văn sĩ? Tại sao anh/chị biết, như Nguyễn Minh Châu từng thú nhận, con đường văn chương là một con đường nhục nhằn, đau xót, đầy bất trắc,[1] vậy mà anh/chị cứ đeo đuổi mãi? Tại sao anh/chị biết, như Nguyễn Du từng ngậm ngùi, thơ văn chả có ích lợi gì, nhất sinh từ phú tri vô ích, vậy mà anh/chị cứ lầm lũi viết lách? Tại sao? Cái câu hỏi tại sao ấy, từ phía độc giả, như một sự lạ lùng; về phía nhà văn, cứ như một niềm nhức nhối.
Tại sao anh/chị viết văn? Hỏi. Ừ, thì hỏi. Nhưng hầu như người cầm bút nào cũng biết là mình bị văn chương chọn hơn là chính mình chọn văn chương. Lý do đơn giản: cái viết nào cũng khởi phát từ một cảm hứng mà cảm hứng thì lại nằm ngoài tầm kiểm soát của người cầm bút. Không có người cầm bút thực sự nào không sáng tác như một phiêu lưu. Điều này, có lẽ phần nào giải thích được hiện tượng vì sao các nhà văn hay có tật nói khoác: anh/chị ta lúc nào cũng ngạc nhiên trước tác phẩm của mình. Một kỹ sư không ngạc nhiên đến thế khi nhìn cái máy do mình chế tạo ra: anh/chị ta đã hình dung được nó từ trước, ngay trong dự án. Với nhà văn, trong công việc sáng tác, tình hình lại khác. Ngay cả khi viết xong điều đắc ý, anh/chị ta vẫn chưa chắc đã hiểu trọn những gì mình đã viết, hơn nữa, dù hiểu, vẫn bàng hoàng: anh/chị ta cần lời khen của người khác hoặc của chính mình để tự tin vào mình.


Văn Học Trong Một Nước Mù Chữ

Nguyễn Hưng Quốc

Đầu năm 1996, không hiểu tại sao, trong loạt sách bán giá hạ ở các hiệu sách tại Úc, có thật nhiều tiểu sử của các nhà văn. Tôi mua một đống, định về đọc nhẩn nha chơi. Không ngờ lại mê, đọc ngốn ngấu một lèo hết sạch. Tiểu sử của Jean-Paul Sartre, của Simone de Beauvoir, của Leo Tolstoy, của Fyodor Dostoievsky, của Henry Miller, v.v... Cuốn nào cũng bốn, năm trăm trang. Dày cộm. Ngồn ngộn tư liệu. Đầy ắp các chi tiết, kể cả các chi tiết thật riêng tư, tưởng chỉ có một mình người ấy biết. Đọc, rất thú. Nhưng đọc xong, tôi cứ bần thần thật lâu. Thật lâu. Mãi đến mấy năm sau, cảm giác bần thần ấy dường như vẫn chưa tan hết.
Tôi cảm thấy ganh tị với giới nghiên cứu văn học Tây phương. Hầu như ở mọi phương diện, họ đều may mắn hơn chúng ta. May mắn nhất là ở nguồn tư liệu. Ở nơi họ có cả ngọn núi, chúng ta chỉ có một hòn non bộ tí tẻo. Chung quanh mỗi nhà văn Việt Nam, trong quá khứ hay trong hiện tại, lớn thật lớn hay chỉ lớn vừa vừa, thường chỉ loe hoe một bụm tài liệu, may lắm, đủ để viết được vài trang. Số lượng những người mà tiểu sử có thể kéo dài trên 10 trang thật hoạ hoằn. Hơn 10 trang ấy cũng chỉ dừng lại ở những nét lớn, đại cương và đại khái. Và chưa chắc đã chính xác. Khác hẳn với các nhà văn, nhà thơ Tây phương. Tại sao?

Viết Văn Với… Cây Búa

Nguyễn Hưng Quốc

Trí thức là loài nhai lại. Trong giới trí thức, có hai thành phần hay nhai lại nhất: các nhà giáo và những người cầm bút. Các nhà giáo nhai lại, đã đành. Vì nghề mà cũng vì nghiệp: nhiệm vụ của họ là truyền bá những kiến thức phổ thông, làm những cái gạch nối nho nhỏ giữa các thế hệ để bảo đảm tính liên tục của văn hoá. Còn những người cầm bút, tức những nhà sáng tạo, những kẻ có lúc tự xưng là những thượng đế con con, oái oăm thay, cũng thường xuyên nhai lại. Nhai lại những kiến thức cũ. Nhai lại những cách suy nghĩ và những cách cảm xúc cũ. Nhai lại những sáo ngữ xác xơ của thời đại. Và, như là một quy luật, bất cứ cái gì bị nhai lại nhiều lần đều bị biến thành cỏ. Một thứ văn-chương-cỏ.

Thơ hay, thơ dở,
cái hay của thơ dở và cái dở của thơ hay

Nguyễn Hưng Quốc

Trước hết, xin nói ngay, nhan đề bài viết này không được đặt ra với dụng ý khiêu khích. Cảm giác khiêu khích, nếu có, chủ yếu xuất phát từ ấn tượng nghịch lý giữa hai chữ “hay” và “dở”. Tuy nhiên, đó không phải là một nghịch lý. Theo tôi, cái hay trong thơ dở cũng như cái dở trong thơ hay là những hiện tượng phổ biến trong cả không gian lẫn thời gian. Ở đâu và thời nào cũng có. Chỉ khác ở mức độ. Có thể nói một cách vắn tắt và khái quát thế này: Bất cứ một bài thơ hay một khuynh hướng thơ nào chúng ta xem là hay hiện nay cũng từng có lúc bị xem là dở; và ngược lại, bất cứ một khuynh hướng thơ nào từng có lúc được xem là hay, đến một lúc nào đó, chỉ sản xuất ra toàn thơ dở.
Cứ nhìn vào lịch sử thơ Việt Nam, chúng ta cũng có thể thấy ngay điều đó.

Kinh nghiệm viết văn: Viết và lách

Nguyễn Hưng Quốc

Lâu nay nghĩ đến chuyện viết lách là người ta nghĩ ngay đến tình trạng vừa viết vừa lách dưới chế độ cộng sản, ở đó, giới cầm bút, nói như Nguyễn Minh Châu, trong bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ” đăng trên báo Văn Nghệ tại Hà Nội số 49 & 50 (5-12-1987), “muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh”, “mỗi khi ngồi trước trang giấy là cùng một lúc phải cầm hai cây bút: một cây bút để viết cho người đọc bình thường, cho đời, một cây bút khác viết cho đạo, lo việc che chắn, viết cho lãnh đạo văn nghệ đọc.”
Nghĩ đến chuyện lách trong viết lách, chúng ta nghĩ ngay đến sự thất bại của giới cầm bút và của văn học nói chung. Của giới cầm bút: không giữ được sĩ khí. Hay nói như Nguyễn Minh Châu, trở thành hèn. Cũng trong bài viết vừa dẫn, Nguyễn Minh Châu tự sỉ vả mình và cả giới mình: “Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn.”
Cái hèn ấy không trừ ai cả, kể cả những người vốn được xem là những cây thông sừng sững trên văn đàn. Như “một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: ‘Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!’, nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng.”

Sống Và Viết Như Những Người Lưu Vong

 Nguyễn Hưng Quốc

Lưu vong, theo tôi, bao giờ cũng được mở đầu bằng một bi kịch chính trị và kết thúc bằng một bi kịch văn hoá. Càng ngày tôi càng thấm thía một điều: sống và viết ở hải ngoại không phải chỉ là sống và viết ở hải ngoại. Khi một nhà văn rời quê hương ra định cư và sáng tác ở nước ngoài, hắn không phải chỉ thay đổi một chỗ ở và một bàn viết mà còn thay đổi hẳn một thế giới với những mối quan hệ chằng chịt, phức tạp, để rồi, một cách tự giác hay không, dần dần thay đổi cách nghĩ, cách cảm, từ đó, cách viết và cuối cùng, không chóng thì chầy, thay đổi cả căn cước (identity) của chính hắn với tư cách là một nhà văn nữa.
Trước hết, trong quan hệ với đất nước, với người đang sống ở hải ngoại, quê hương chỉ còn là một nỗi nhớ mà nỗi nhớ nào thì cũng có khả năng biến mọi thứ thành quá khứ và mọi hình ảnh đều trở thành lấp lánh đẹp. Hơn nữa, nỗi nhớ nào, khi dẫn con người đi ngược chiều thời gian, cũng đều cắm neo vào một không gian nhất định: nhớ một thời, thực ra, bao giờ cũng là nhớ một nơi. Trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, chẳng hạn, không có nỗi nhớ nào lại không gắn liền với cảnh vật, với phong thổ, với các yếu tố địa lý. Trong tập Du côté de chez Swann của Marcel Proust, mặc dù nói là đi tìm thời gian đã mất (A la recherche du temps perdu), nhân vật chính chỉ loay hoay tìm kiếm mãi hình ảnh một cái làng, làng Combray. Bởi vậy, nghĩ cho cùng, văn học lưu vong nào cũng ít nhiều mang tính chất ‘miệt vườn’. Giũ bỏ tính chất ‘miệt vườn’ ấy bao giờ cũng là một thách đố lớn cần nhiều quyết tâm lớn và tài năng lớn.

Đọc... Chơi Vài Bài Ca Dao

Nguyễn Hưng Quốc

Ca dao, ai cũng biết là hay. Tuy nhiên, có nhiều bài ca dao chúng ta đọc đi đọc lại cả trăm lần, mơ hồ cảm nhận là chúng hay, mà chả hiểu chúng hay ở chỗ nào cả. Chỉ đến một lúc nào đó...
Ví dụ bài ca dao rất quen thuộc này:
Mình nói dối ta mình hãy còn son,
Ta đi qua ngõ thấy con mình bò.
Con mình những trấu cùng tro,
Ta đi xách nước tắm cho con mình.
Tôi thuộc bài ca dao này từ nhỏ. Nhưng chỉ gần đây, tôi mới bắt đầu loé thấy một ít cái hay của nó. Trước hết, chúng ta biết ngay bài ca dao này được làm theo thể lục bát. Bình thường, trong thơ lục bát, câu sáu chữ nằm trên câu tám chữ, lục rồi mới đến bát. Tuy nhiên, trong bài này có điểm lạ: là thơ lục bát, nhưng thay vì mở đầu bằng một câu lục thì nó lại mở đầu bằng một câu bát phá thể. Hệ quả là gì? Hệ quả là hơi thơ của câu thứ nhất dài hẳn ra. Dài và thiết tha vô hạn: tấm lòng của anh thanh niên mở ra bao la với những nguyên âm ‘o’ và nguyên âm ‘a’ rộng rãi và khép lại ở nguyên âm ‘i’ thầm thì trong chữ ‘mình’, một chữ được dùng để gọi người yêu, lặp lại đến hai lần ở câu thứ nhất. Thành ra ở đây, ngay câu thứ nhất, đã có một nghịch lý: ý câu thơ là tố cáo một sự dối trá (‘Mình nói dối ta...’) mà giọng thơ thì lại rất mực ngọt ngào và ấm áp: anh thanh niên biết mình bị lừa mà lại sẵn sàng chấp nhận bị lừa, sung sướng để chịu bị lừa.
Hay nhất trong bài ca dao vẫn là chữ ‘mình’. ‘Mình’ là cách xưng hô đầy âu yếm để gọi người mình yêu. Chữ ‘mình’ ấy lại lặp đến lại năm lần, mang hai ý nghĩa hoàn toàn khác nhau: bốn lần đầu, ‘mình’ là em, chỉ người con gái, ngôi thứ hai số ít: ‘con mình’ là con của em, là ‘your child’. Đến lần thứ năm, cũng là ‘mình’, nhưng ‘mình’ ở đây lại là ta, là chúng ta, ngôi thứ nhất số nhiều, bao gồm cả người con trai lẫn người con gái: ‘con mình’ ở câu cuối là ‘our child’. Người thanh niên chấp nhận đứa con riêng của người yêu làm con của mình.

'Thơ Con Cóc': Một bài thơ hay

 Nguyễn Hưng Quốc

Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi

Yêu thơ, thuộc khá nhiều thơ, tôi có thói quen hay đọc thơ, khe khẽ, một mình, nhất là vào những buổi chiều, đi làm về, nhìn nắng ngẩn ngơ vàng, lòng bỗng dưng, nói như Xuân Diệu, ‘hiu hiu khẽ buồn’. Những lúc ấy, dù không mong, thơ vẫn hiện về, thầm thì, như một lời đồng điệu. Thường là thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử và nhiều nhà thơ khác, trước năm 1945; những bài thơ ngọt ngào vô hạn, đọc lên, ngỡ có hương thơm thoang thoảng quanh mình và ngỡ lòng mình, giống như Hồ Dzếnh ngày nào, hoá thành rừng, thành mây, đầy một niềm chiều.
Thế nhưng, lạ, dễ đã mấy năm rồi, không hiểu tại sao, càng ngày tôi càng mất dần cái thói quen thơ mộng ấy. Tôi vẫn đọc thơ nhưng hầu như bài thơ nào đang đọc dở dang cũng đều bị cắt ngang bởi một bài thơ rất vô duyên: ‘Thơ con cóc’. Từ đâu đó, tận trong tiềm thức, bài ‘Thơ con cóc’ nhảy chồm ra, giành giật, chen lấn, xô đẩy, cuối cùng, thật oái oăm, bao giờ nó cũng thắng thế.

Chiến Tranh, Như Một Thi Pháp

 Nguyễn Hưng Quốc

Ðã có vô số người viết về chiến tranh Việt Nam. Hầu hết đều tập trung nhìn từ góc độ lịch sử và chính trị. Từ góc độ lịch sử, người ta xem chiến tranh như một cái gì đã kết thúc, ở đó, người ta đã biết rõ ai thắng ai bại; vấn đề chỉ còn là tìm hiểu nguyên nhân, mức độ và ý nghĩa của những sự thắng bại đó mà thôi. Từ góc độ chính trị, người ta nhìn chiến tranh Việt Nam như một cái gì đang tiếp diễn, ở thì hiện tại, ở đó, họ vẫn là chiến sĩ, đứng hẳn trong một chiến tuyến nhất định, lòng sôi sục thù hận, như cái thời trước 1975, với ngòi bút (hay bàn phím computer) trong tay, cứ nhắm thẳng quân thù mà... chửi.
Tiếc, cho đến nay, rất hiếm người nhìn chiến tranh Việt Nam từ góc độ văn hoá. Mà, theo tôi, đó mới chính là góc nhìn cần thiết và thú vị nhất, từ đó, chúng ta có thể thấy được ít nhất hai khía cạnh quan trọng của chiến tranh: một, những động lực âm thầm đằng sau các quyết định và các cách ứng xử trong chiến tranh; và hai, vô số các cuộc chiến tranh khác về cuộc chiến tranh đã kết thúc ấy: những cuộc chiến tranh trên sách báo, phim ảnh, đủ loại phương tiện truyền thông và, quan trọng hơn cả, trong chính tâm hồn những người từng tham dự, một cách trực tiếp hay gián tiếp, vào cuộc chiến tranh ấy. Khía cạnh thứ nhất chính là văn hoá chiến tranh trong khi khía cạnh thứ hai là văn hoá hậu chiến.
Trong văn hoá chiến tranh, có ba điều, theo tôi, đáng kể nhất: chủ trương phi-nhân hoá kẻ thù, mỹ học về bạo động và đạo đức học về sự phá hoại.