Niệm Khúc Súng Gươm

Nguyễn Mạnh Trinh

Nốc cạn cho say đời biệt xứ
Mềm môi chưa sạch nỗi rêu rong
Máu lửa trôi dài cơn mộng dữ
Mịt mờ nhân ảnh bạc lòng không

Đếm tuổi nhọc nhằn thêm tóc bạc
Đếm tiền chưa đủ một cuộc say
Lỡ đường đau tủi vài câu hát
Én lạc ghềnh khơi mây trắng bay

Tưởng niệm Nguyễn Đức Lập

Nguyễn Mạnh Trinh

Ngày giỗ Nguyễn Đức Lập. Tôi giở bộ di cảo “Hương Giáo Đề Thơ” ra đọc lại. Bộ sách cả ngàn trang gồm bốn quyển đồ sộ tôi đọc như để tìm một cách ứng xử với đời sống của mình. Tác giả trong ấn bản đầu tiên của Hương Giáo Đề Thơ trong Lời Tựa đã tự giới thiệu: “Là tập thư của vị thầy giáo làng gởi cho đứa học trò (Lê Văn Cui) cả đời không học hết được túi khôn của thánh hiền.” Tác giả mượn chuyện xưa để nói về thời nay để từ lịch sử nhân loại rút ra những bài học trải dài theo những kinh nghiệm xưa cũ. Hình như, trong khi khề khà bàn luận, tác giả như muốn gửi theo những tâm sự của mình, biện luận rành mạch theo kiểu nói có sách mách có chứng để gia tài văn học và lịch sử của tiền nhân thành những biểu tượng có ý nghĩa.
Có lẽ ảnh hưởng từ đời sống gia đình nên Nguyễn Đức Lập đã có phong thái văn chương như vậy. Thân phụ của anh là cụ Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy, một ký giả lão thành của làng báo Việt Nam mà nhà văn Nguyễn Vỹ trong tác phẩm Tuấn Chàng Trai nước Việt bày tỏ lòng tôn kính của lớp thanh niên trẻ đối với ông khi kể lại cuộc viếng thăm Quy nhơn năm 1924. Thân mẫu của anh là nhà văn Tùng Long một bậc từ mẫu đã suốt đời hy sinh cho con cái và là một hình ảnh bà mẹ Việt Nam sáng ngời trong văn học.

Nguyễn Xuân Hoàng,
Vài Nét Về Tác Giả Và Tác Phẩm

Nguyễn Mạnh Trinh

Thời đại của Nguyễn Xuân Hoàng là một thời thế đặc biệt. Ở đó, đầy những biến cố từ thuở kháng chiến chống Pháp, đến thời đệ nhất, đệ nhị Cộng Hòa, từ những cuộc di cư đến ngày di tản, từ cuộc vượt tuyến di cư vào Nam đến vượt biển tị nạn xứ người. Những biến cố ấy tạo cho cả một thời đại những nét chung mang nhưng lại là những điều riêng biệt trong ký ức mỗi người.
Ðọc sách viết về thời kỳ ấy hay viết để kể lại, cái nét chung ấy nhiều khi chuyển thành riêng biệt. Trong văn chương, lấy cái chung làm cái riêng của mình chẳng phải là dễ dàng. Nguyễn Xuân Hoàng là một tác giả mà trong tác phẩm của mình đã mang độc giả đi qua những cảm giác tiền chế của cái chung để đi vào cái riêng của mình một cách rất nghệ thuật. Chính cái nét sống động, của những mảnh đời thật, của biến cố thực, của cảm giác thực đã làm độc giả đi vào một thế giới với sự tò mò qua nhiều câu hỏi. Nguyễn Xuân Hoàng? Trần Lâm Thăng của Người Ði Trên Mây và Bụi và Rác? Là tôi trong Tự Truyện Một người Vô Tích Sự, trong Ngôi Nhà Ngói Ðỏ?
Hay là tôi của Mang Mang với thi sĩ Hoang Vu hoặc trong câu thơ “Nha Trang Hang Ðộng Tuổi Thơ”? Nhà văn? Nhà giáo? Nhà thơ ? Nhà báo? Don Juan hết thời? Người đi trên mây?…

Nguyễn Mạnh Trinh Hỏi Chuyện Luân Hoán

 Nguyễn Mạnh Trinh thực hiện

1.Nguyễn Mạnh Trinh (NMT): Xin anh cho độc giả một vài dòng tiểu sử của mình?
Luân Hoán: Ngoài mục tình sử khá giàu có, tiểu sử tôi không có gì. Cung cấp cho anh đôi điều lý lịch căn bản: Tên thật Lê Ngọc Châu (Thời chưa đi học, gia đình gọi là thằng Huýnh ), sinh ngày 10 tháng 01 năm 1941 nhằm cuối năm Canh Thìn . Nơi sinh thị xã Hội An tỉnh Quảng Nam . Tình trạng gia đình: Một vợ, bốn con, chia điều hai gái hai trai. Tôn giáo, Ðảng phái: Không. Học vấn: lơ mơ không đến đích. Nghề nghiệp hiện tại: Không. Nơi cư ngụ hiện tại: Thành phố Montréal thuộc tỉnh Québec Canada (Kể từ 4 gời chiều ngày 28 tháng 02 năm 1985) .

2. NMT: Nếu có người gọi anh là "nhà thơ xứ Quảng " thì anh có ý nghĩ gì?
Luân Hoán: Thưa anh nếu cách đây trên 10 năm . Có người gọi tôi là "nhà thơ" thì tôi rất vui và khoái . Vì ít ra, nhờ đó, tôi biết chắc được: mình quả thật làm được thơ. Người gọi tôi lại màu mè, thòng thêm hai chữ "Xứ Quảng", thì tôi càng thú vị hơn, vì điều đó xác định rõ ràng cội nguồn, mà tôi rất vừa lòng . Với thời điểm hiện tại, có người gọi tôi là "nhà thơ xứ Quảng" qua mặt chữ in hoặc viết, đó là chuyện tự nhiên, đã quen thuộc, không tạo cho tôi ý nghĩ gì . Nhưng giả dụ, tôi đang đi chơi với anh A, chợt gặp anh B, Anh A giới thiệu : " đây Luân Hoán nhà thơ xứ Quảng " thì tôi chắc chắn sẽ mất nhiều tự nhiên và mắc cỡ nữa . Bởi tôi thấy thừa cả bốn chữ "nhà thơ xứ Quảng".

Hơi Thở Việt Nam,
Chứng Nhân Của Cơn Hồng Thủy

Nguyễn Mạnh Trinh

Thơ là tiếng nói tinh khôi đãi lọc của nhân loại, một ngôn ngữ cơ động xao xuyến nhất của nội tâm con người. Từ tâm thức vùng vỡ vì nghịch cảnh lịch sử, từ tình cảm đời sống mãi dồn nén trói buộc ở Việt Nam, thơ được tôi luyện và tham dự vào đời sống văn chương. Thi sĩ có trái tim dễ rung động, dễ " khóc cười theo vận nước nổi trôi" cho nên những vần điệu chỉ là ngôn ngữ nói lên hình ảnh và biểu tượng của một thời tan vỡ và đau xót.
Ðối với thi sĩ, biểu tượng là cái áo khoác lên ý tưởng muốn diễn tả. Và dĩ nhiên cái áo khoác đó có những màu sắc khác nhau, loè loẹt rực rỡ hay đơn giản chất phác. Có người quan niệm vũ trụ của thi sĩ là vũ trụ của phóng thể, một bầu trời của riêng hắn mà trong đó hắn ngự trị, là Chúa Tể, là Thượng Ðế. Hắn sáng tạo tất cả với ý hướng biểu hiện những ước mơ chưa thực hiện. Nhưng ngược lại ở trường hợp khác, đời sống có thực đã hiện diện trong tác phẩm. Thi sĩ khai quật những chiếc quặng sự thực của đời sống, lấy trên điểm tụ những góc cạnh bắt gặp trong giây phút của đời người và như thế cũng đầy đủ để tạo ra những hình ảnh cần thiết diễn tả những biểu tượng muốn nhắc đến. Ðời sống Việt Nam có quá nhiều chi tiết độc đáo, ở thân phận dãy đầy khổ ải truân chuyên, ở cơm áo đã đưa con người trở về thời kỳ ăn lông ở lổ.

Thơ Trong Ký Ức

Nguyễn Mạnh Trinh


Ta lều cỏ thẩn thơ trang sách
nghĩa lý gì nắng giọt ngoài hiên
tâm sự như loài hoa hóa thạch
hốc núi nào đỏ máu nỗi riêng
Suy ngẫm được mấy điều to lớn
nằm gác chân đếm mỏi tháng ngày
nếu mộng mơ cứ hoài chưa trọn
thì giọt mưa làm nhớ heo may

Em Tôi

Nguyễn Mạnh Trinh 

Tôi. Em. Âm bản nhạt nhòa
Tóc sợi một lẻ trăng tà kề đôi.
Tháng chạp. Bầm đỏ nụ môi
Máu dòng khô nỏ góc trời khuất oan
Ký ức. Thẳm. Ðáy vô can
Thơ. Vai lửa phỏng ngữ ngôn riêng dành
Hốc sọ não gọi mong manh

Cho Người Tình Lỡ Vận

Nguyễn Mạnh Trinh

Mười bốn năm mảnh đời xiêu tán
gọi ta thiên cổ cũng vô cùng
qua sông bến nước còn chạng vạng
dơi bay tâm động sợi đàn rung
Thành phố cũ còn ai đưa đón
ngựa xe đánh thức nỗi niềm riêng
góc vườn xưa thuở còn bé mọn
sầu ta cỏ áy cuộc tìm quên

Nghi Vấn Về Một Bài Thơ

Nguyễn Mạnh Trinh 

Có một bài thơ nổi tiếng của một nhà thơ Mễ Tây Cơ đã đoạt giải Nobel văn chương năm 1990. Octavio Paz (1914-1998) và bài thơ ”Between what I see and what I say”. Trong bài diễn văn kỷ niệm 70 năm ngày sinh của ông, nhan đề “Xa xôi hơn những ngày tháng, gần gũi hơn những tuổi tên”, là một bài viết thật nhiều cá tính riêng biệt với một phong cách suy tư sâu sắc ông viết:
“…Con người là một con vật chính trị và cũng là một con vật triết học. Bởi vậy con người cũng là một con vật thi ca, một ẩn dụ mênh mang bàng bạc. Tưởng tượng đã tạo thành những nhịp cầu bắc giữa hành động và ngưỡng mộ quan sát. Trong sự tưởng tượng ấy, cái ”nhìn” cũng như cái ”làm” được khai triển. Nhờ óc tưởng tượng, con người phóng ra những hình ảnh bản thân mình và hình ảnh thế giới, chiêm ngưỡng và tự nhìn ngắm chính mình, một hình ảnh con người được chuyển hóa, trong cảm giác của cơn khát được thể hiện. Tưởng tượng đã mời gọi chúng ta ”làm” cái mà chúng ta đã “nhìn” để hình tượng chính chúng ta. Những thời điểm sáng tạo của lịch sử đều là giây phút mà hình ảnh mơ mộng được liên tưởng và cảm nhận để hạ xuống thấp mặt đất. Chính ở sự biến hóa thành hành động nên chất sống có phong vị nồng nàn hơn.
Ngay từ khi còn trẻ tôi đã cảm nhận, như cùng biết bao người chung tuổi tác, cái tiếng gọi chia đôi bên này bên kia giữa hành động và sự quan sát để chiêm ngưỡng. Trong thế giới hiện đại nhập chung cả hai cảm giác làm một thật là khó khăn: không gian và các thiên thể hiện hữu của nó không còn là khuôn mẫu của xã hôi loài người nữa. Chúng ta là một địa cầu lang thang trong một vũ trụ cũng lang thang. Tuy nhiên tôi đã mau chóng tìm thấy được nhịp cầu nối liền hai cảm giác của hành động và quan sát để chiêm ngưỡng:...”

Hoàng Anh Tuấn, nhà thơ nghệ sĩ

* Nguyễn Mạnh Trinh

Hoàng Anh Tuấn là một nhà thơ nổi tiếng từ thập niên 60. Nói đến nhà thơ này, là phác họa lại một chân dung văn nghệ sĩ của văn học Việt nam rất độc đáo và nhiều cá tính. Trong thi ca của ông, ngôn ngữ thơ đã làm sống lại những thời kỳ của kỷ niệm không phải riêng của ông mà còn của rất nhiều người trong chúng ta. Những nơi chốn, của không gian những thời gian nào xa xưa được nhắc đến như một phần cuộc đời của thi sĩ và trở thành những hằn dấu trong tâm thức chẳng thể nào phai. Nói đến Hoàng Anh Tuấn, là phải đề cập đến con người đa năng đa diện và tràn đầy nghệ sĩ tính. Và,  thơ của ông cùng với cuộc đời ông cũng trôi nổi theo từng thời kỳ của đất nước và cũng cùng chung những tâm tư của một thời đại rất đặc biệt Việt Nam.
Chân dung nghệ sĩ Hoàng Anh Tuấn là một chân dung đa diện. Có nhiều vóc dáng Hoàng Anh Tuấn. Nhà đạo diễn phim ảnh. Kịch tác gia. Ký giả. Công chức Quản Đốc Đài Phát Thanh Đà Lạt. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là vóc dáng của một thi sĩ. Và một người thi sĩ đặc biệt, đã sáng tác hàng mấy trăm bài thơ nhưng vào lúc cuối đời lại mới in tập thơ đầu tiên do ái nữ là nhà văn Hoàng Thu Thuyền góp nhặt sưu tầm các bài thơ đăng rải rác trên báo chí. Hình như ông coi công việc làm thơ như một trò chơi, viết xong là quên đi ngay không để ý tới nữa. Hoàng Anh Tuấn là đạo diễn phim ảnh. Ông tốt nghiệp trường điện ảnh khá nổi tiếng của Pháp ở Paris IDHEC nơi mà các đạo diễn nổi tiếng của Việt nam như Lê Mộng Hoàng, Lê Hoàng Hoa đã cùng học. Khi về Sài Gòn ông làm việc cho hãng phim Alpha của đạo diễn Thái Thúc Nha và sau này đã làm đạo diễn cho hai phim Xa Lộ Không Đèn và Ngàn Năm Mây Bay. Phim Ngàn Năm Mây Bay có cốt truyện từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Văn Quang.
Chân dung khác cũng khá lạ: Hoàng Anh Tuấn kịch tác gia. Ông là tác giả của nhiều kịch bản khá nổi tiếng và được trình diễn nhiều lần. Trong số đó có vở “Hà nội 48”,  hay “Ly nước lọc“. Ông có lối dựng vở khá độc đáo ảnh hưởng của lối viết thoại kịch Tây phương.

Cao Xuân Huy, tác giả và tác phẩm

* Nguyễn Mạnh Trính

Viết về chiến tranh, có lẽ là một đề tài lớn của không những văn học Việt Nam và cả văn học thế giới nữa. Những tác phầm như Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh của E.M. Remarques hay Chiến Tranh và Hòa Bình là những danh tác mà ở đó chiến tranh đã được nhìn ngắm với con mắt của tâm hồn vĩ đại của nhân loại. Ở chiến tranh Việt Nam, cũng có nhiều nhà văn viết về chiến tranh có chất lửa và biểu hiện được một phần tâm tư của thời đại. Cao Xuân Huy là một trong những nhà văn đã viết lên những trang sách trung thực viết về cuộc chiến mà ông tham dự. Tản mạn về chân dung và tác phẩm Cao Xuân Huy có lẽ là một đề tài thú vị, nói về một tác giả mà tôi nghĩ gần gũi với chúng ta, những người tị nạn đã trải qua một thời thế có một không hai của lịch sử Việt Nam.

Ở thời điểm cuối tháng ba năm 1975, lịch sử Việt nam bắt đầu những khúc quanh mới. Và ở không gian thời gian này tạo thành nhiều lý do để chúng ta nói chuyện về Cao Xuân Huy. Tháng Ba Gãy Súng là một cuốn hồi ký ghi chép lại những diễn biến của mặt trận Thừa Thiên Huế mà tác giả là người kể chuyện lại. Cuốn sách đã được tái bản đến mười lần và có mặt trên 58 thư viện lớn trên toàn thế giới.

Nhưng, khi tôi đọc một đoạn trên mạng Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia thì tôi lại thấy một sự kiện lạ.

Theo đó thì ông Cao Xuân Kiên nêu lên một câu hỏi ”Theo tôi, chú tôi, Cao Xuân Huy, là một nhà tư tưởng lớn và có vị trí quan trọng trong nền tảng văn hóa Việt Nam. Ông Cao Xuân Huy (nhà văn-Tháng Ba Gãy Súng) cũng là một người có tiếng hiện nay. Làm sao để có cả hai trong Wiki?

Và ông Nguyễn Hữu Dụng, người phụ trách trang định hướng của Wiki trả lời :