Thố Ti....

Cao Xuân Huy

Sinh ra ở Việt Nam, nhưng lớn lên tại Mỹ nên tiếng Mỹ là ngôn ngữ chính của tôi. Khi rời Việt Nam tôi đã biết đọc biết viết, tuy tiếng Việt khá hơn bạn bè cùng tuổi, tôi thực ra chỉ có thể nói được những điều bình thường trong sinh hoạt hằng ngày. Tôi muốn học tiếng Việt nhưng bố bận vì sinh kế, không có thì giờ dạy con.
Tôi muốn tìm hiểu văn chương Việt Nam. Bố là người viết truyện và đang làm cho một tờ báo văn chương trong cộng đồng người Việt ở đây. Bố nói văn chương Việt Nam bao la lắm, bố không biết bao nhiêu, vả lại vì ít thì giờ nên bố chọn cho tôi đọc tác phẩm của những nhà văn mà theo bố, là những khuôn mặt lớn của văn chương Việt Nam. Bố nói cứ rán đọc, bố sẽ hướng dẫn thêm.
Những quyển sách bố chọn, tôi đọc rất kỹ, kể cả lời nói đầu, lời tựa đến lời bạt, lời khép. Tôi đọc hết những sách bố đưa, dường như văn chương Việt Nam quyến rũ, nên dù vất vả tôi vẫn tìm đọc thêm những quyển trong tủ sách của bố. Những quyển này, giá trị văn chương không bằng những quyển bố chọn. Tôi hỏi bố, tại sao truyện in ra mà không cần văn chương. Bố nói ở bên này in sách dễ lắm, có tiền là có thể xuất bản một quyển sách. Khác với sinh hoạt văn học ngoại quốc, văn học của ta thiếu hẳn một ngành phê bình chuyên biệt vốn cũng là một ngành học tại các đại học ở đây.

Chờ Tôi Với...

Cao Xuân Huy

Tiếng rít của vỏ đạn hỏa châu phá tan cái im lặng của mặt trận, vỏ đạn rơi thẳng xuống chỗ Toàn nằm. Sợ vỏ đạn rơi xuyên qua thân thể mình, Toàn co rúm người lại, thu nhỏ thân hình. Trời lạnh, mưa mỏng hạt, ánh trăng hạ tuần nhờ nhợ lẫn vào màu cát. Toàn căng mắt nhìn, không thấy gì. Màu vàng nhợt xóa mờ đường ranh giữa trời và đất. Ánh sáng hỏa châu nhập nhòe đường nét vùng quan sát.
Tựa lưng vào thành giao thông hào, Toàn hồi hộp đợi lệnh tấn công lần chót trước giờ ngưng bắn. Ðã quá bốn giờ sáng, chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là đến giờ. Một cuộc ngưng bắn toàn diện, chính thức được hai bên thỏa thuận và quốc tế công nhận bằng hiệp định Paris, đã được thông báo, phổ biến trong toàn quân. Tám giờ sáng, đúng tám giờ sáng ngày 28 tháng 1 năm 1973, cuộc chiến kéo dài gần hai chục năm chấm dứt. Vĩnh viễn.

Thời "Giải Phóng": Trả Lại Tiền

Cao Xuân Huy

Cơn thèm đàn bà bắt gã đạp xe loanh quanh trong thành phố.
Đường Hồng Thập Tự lác đác chị em ta đứng thập thò dưới các gốc cây.
“Xe qua lại nhiều quá, không được.”
Gã đảo một vòng công viên trước cổng Dinh Độc Lập. Tối. Mỗi gốc cây đều thấp thoáng bóng người. Vài tay cũng đạp xe rảo rảo giống gã.
“Được rồi.”
Gã tấp vào một gốc cây. Một ả ló ra kéo tay gã:
“Dzô sát trong đây.”
“Nhiêu?”
“Hai chục.”
“Không có đủ.”
“Dzậy có nhiêu?”

Vải Bao cát

Cao Xuân Huy

Toàn mơ màng, suy nghĩ. Đã nhiều lần anh chàng tự nhủ, ừ, tại sao lại không, tại sao lại không nghĩ nhỉ. Không có gì quý hơn độc lập tự do, thì tại sao lại không tận hưởng cái quyền độc lập và tự do không giới hạn này, nghĩ. Nghĩ thế, Toàn cứ một mình tiếp tục ung dung suy nghĩ, đố đứa nào báo cáo, chúng mày có giỏi thì kiểm thảo xem. Nghĩ, miên man hết chuyện này sang chuyện khác. Chuyện giày cao gót, chuyện giày saut, chuyện dép râu, rồi thì chuyện củ sắn củ khoai… Kể cả chuyện một mai anh trở về dang dở đời em…
Ấy thế mà, cái phần gia tài duy nhất ấy rồi cũng cạn dần theo năm tháng. Toàn bây giờ như phiến đá, như cây rừng. Thôi ngủ yên đi con, ngủ cho qua cơn mộng dữ này. Đừng vui, đừng buồn, đừng hy vọng thì lấy gì mà tuyệt vọng.
“Toàn, mày tiếc bữa ăn sáng phải không?”
Lại cái thằng Phương lý tài, Toàn dấm dẳn:
“Tiếc cái con củ cải tao ấy, càng đỡ phải nhịn đi cầu.”
“Không tiếc thì tại sao lại cứ thừ người ra như vậy?”
“Thừ với thiếc cái mẹ gì. Có bốn cái khoái trên đời…”
“Áp-phe thì phải vậy chứ. Muốn được cái nọ thì phải bỏ cái kia. Bỏ cái khoái thứ nhất đổi lấy cái thứ ba, lời thêm được cái thứ tư, cái đỡ phải nhịn… còn than gì nữa?”
“Cái khoản thứ ba ấy à, cái khoản này, mẹ, ’nhìn’ còn không có, có chi ‘chi’. Tao với cái khoản ấy đã ly tán từ cơn gió bụi này rồi.”
“’Ly tán’? Sắp ‘tha hương ngộ cố tri’ chứ.”
“Ừ thì ‘ngộ cố tri’.”
Không muốn nói chuyện thêm với Phương, Toàn quay đi. Nhưng cái vụ “ngộ cố tri” cứ lẩn quẩn trong đầu.
Đã bao năm rồi không thấy nó,
Mà ta vẫn sống, có lạ không?

Sơ nét về Cao Xuân Huy

Tên thật Cao Xuân Huy sinh ngày 14 tháng bảy năm 1947 tại Bắc Ninh, quê nội Bắc Ninh, quê ngoại Hà Nam, Bắc Việt
Theo mẹ di cư vào Nam tháng 10 1954
Tháng hai, năm 1968, nhập ngũ, vào binh chủng Thuỷ Quân Lục Chiến,Việt Nam Cộng Hòa.
 - Tháng ba 1975 bị bắt, đi tù
-  Tháng chín 1979 được thả.
-  Tháng mười hai 1982 vượt biển.
- Tháng mười 1983 đến Hoa Kỳ.
- Từ tháng mười một 1989 đến tháng sáu 1992 làm Tổng thư ký tạp chí Văn Học.
- Từ tháng tư 1993 đến tháng mười 1994 lại làm Tổng thư ký tạp chí Văn Học.
- Từ tháng chín 2004 đến tháng hai 2008 làm Chủ biên tạp chí Văn Học.

Miếng ăn

Cao Xuân Huy
Tôi đã giữ được bao nhiêu năm, nhưng rồi cuối cùng, vẫn bị vướng vào một điều nhục nhã: miếng ăn.
Tôi là một thằng vô sản chuyên chính, vì cả ba bốn năm nay tôi luôn luôn là con bà phước, không bao giờ tôi có quà cáp, đồ ăn thức uống gì được gửi đến hoặc được đem đến tiếp tế từ những người thân ở ngoài đời.
Ngoài tiêu chuẩn ăn uống hằng ngày của trại cấp phát, tôi phải tự “mưu sinh” để được bồi dưỡng bằng những con cóc, con nhái, con rắn, con chuột ở ngoài ruộng, ngoài bìa rừng trong những lúc đi lao động, chỉ có những con vật nào không nhúc nhích hoặc nằm ngửa mới thoát khỏi cái mồm của tôi, hoặc tôi đã tự “cải thiện” bằng rau má, rau tàu bay, cây và bắp chuối rừng… Tóm lại, vừa tiêu chuẩn của trại, vừa kiếm chác thêm, tôi đã cầm cự được với cái đói trong nhiều năm nay.
Nhưng, nếu sự đói khổ, thiếu thốn được chia sẻ, phân phối đồng đều cho mọi người trong cùng một hoàn cảnh, tức là mọi thằng tù đều vô sản như nhau, không có cách biệt nào của kẻ thiếu người thừa, thì sự thiếu thốn được cảm thấy nhẹ hơn, ít hơn. Ðằng này, tuy cùng một hoàn cảnh tù tội như nhau nhưng có những thằng vô sản như tôi, mà cũng lại có những thằng tư bản, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm luôn luôn đầy đủ, đầy đủ đến độ thừa thãi, thì sự thiếu thốn của những thằng vô sản không thể nào cảm thấy nhẹ nhàng, dễ khắc phục được. Hằng ngày nhìn người khác ăn uống thoải mái, mức độ thèm thuồng của tôi được tăng lên theo cấp số nhân, quay quắt hơn, bất ổn hơn.

Tựa Tháng Ba Gãy Súng

Hồi Ký Cao Xuân Huy


Tựa

 Tôi không phải là một nhà văn, mà tôi chỉ là một người lính, lính tác chiến đúng nghĩa của danh từ, và những điều tôi viết trong quyển sách này chỉ là một câu chuyện, câu chuyện thật một trăm phần trăm được kể lại bằng chữ. Tôi viết những điều mà những thằng lính chúng tôi đã trực tiếp tham dự nhưng không ai viết lại, trong khi nhiều người đã viết về những chuyện chiến trường thì hình như chẳng có ai dự. Trong lứa tuổi của tôi, lứa tuổi dưới mười khi theo gia đình di cư từ Bắc vào Nam, ngoại trừ những người có thân nhân ruột thịt bị giết bởi Việt Cộng, còn hầu hết, có bao nhiêu người thực sự căm thù Việt Cộng đâu, vì rõ rệt một điều là từ lứa tuổi tôi trở xuống, có đứa nào biết Việt Cộng là cái gì đâu. Cũng y như lứa tuổi dưới mười khi theo cha mẹ qua Mỹ từ năm 1975 ở đây bây giờ. Cũng thù ghét Việt Cộng vậy, nhưng chỉ là cái thù gia truyền, cha mẹ thù ghét thì mình cũng thù ghét theo thế thôi, chứ chẳng có gì là sâu đậm cả. Cho đến khi lớn lên, đầu óc đã tạm đủ để suy xét thì khổ một nỗi, hệ thống tuyên truyền của Việt Nam Cộng Hòa lại có giá trị phản tuyên truyền nhiều hơn là tuyên truyền. Cho nên khi vào quân đội, tôi tình nguyện vào đơn vị tác chiến thứ thiệt vì căm thù kẻ địch thì ít mà vì cái máu ngông nghênh của tuổi trẻ, vì bị kích thích bởi những cảm giác mạnh của chiến trường thì nhiều.
Tuy nhiên, vì ở một đơn vị thường xuyên tác chiến, cùng gian nguy, cùng sống chết với nhau nên tôi đã gắn bó với bạn bè, đồng đội trong đơn vị như với anh em ruột thịt. Tôi yêu đơn vị tôi, tôi yêu màu mũ, màu áo tôi, tôi yêu thuộc cấp tôi và tôi kính trọng thượng cấp tôi. Tôi bình thản chấp nhận mọi thói hư tật xấu của thượng cấp và thuộc cấp, và chính tôi cũng có quá nhiều thói hư tật xấu.

Những trang văn xuôi lương thiện
và giản dị về con người ( từ Tháng Ba Gãy Súng)

Nguyễn Xuân Hoàng


Cuối tháng Giêng 85, cùng với một số đồng bào may mắn muộn màng khác ở đảo Bataan, chúng tôi có tên trong danh sách rời trại tị nạn Phi Luật Tân, lên đường đi định cư ở một thành phố miền đông bắc Hoa Kì, nơi tôi sẽ được gặp lại cô em út sau mười năm xa cách.
Cảnh vật mùa Ðông ở Springfield đẹp mà buồn. Cây cối trụi lá trơ cành khẳng khiu in mờ nhạt trên một bầu trời xám xịt. Mặt đất phủ đầy tuyết trắng lạnh giá. Tuy vậy, tôi còn nhớ rõ trong lòng tôi tràn ngập một niềm hạnh phúc ấm áp. Giờ đây khi bước sang mùa Ðông thứ hai, tôi nghiệm thêm một điều là không phải bao giờ tuyết cũng trắng sạch, cũng đẹp đẽ và cũng thú vị như cái cảm giác tôi đã có trong những ngày đầu. Dù sao, đó sẽ lại là một chuyện khác.
Tôi muốn nói, chính trong những tháng ngày thong thả tạm thời này, tôi có một niềm vui sướng là được đọc những trang viết đầu tay của một tác giả mà tôi chưa hề quen biết: Tháng Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy.
Tháng Ba Gãy Súng. Hình như tên gọi của truyện kể là điều trước tiên lôi cuốn tôi. Tựa đề của một cuốn sách vốn đơn giản. Tháng Ba Gãy Súng là sự đơn giản quyến rũ. Tháng Ba là tháng thọ nạn của miền Trung, khi cơn lốc đỏ từ miền Bắc lao xuống. Phải một thời gian sau nữa nó mới đổ ập tới Sài Gòn yêu dấu cái Tháng Tư Ðen hãi hùng và thống khổ. Cao Xuân Huy đặt câu hỏi: Ai đã bẻ gãy súng của quân đội ta, những người lính dũng cảm, có thừa mưu trí và kinh nghiệm chiến trường? Ai đã làm cho người lính chúng ta bó tay, khi súng còn đó mà đạn đã hết ở trong nòng?

Tháng Ba Gãy Súng: Chương Một

Hồi Ký Cao Xuân Huy

    

Một

Tôi và thằng bạn lang thang khắp các quán nhậu, quán bia ôm trong thời gian thành phố đang xôn xao về chuyện mất Ban Mê Thuột. Vừa mới xong vụ Phước Long thương khó, bây giờ lại đến Ban Mê Thuột “khó thương”. Không biết lần này những nơi ăn chơi của trai thanh gái lịch Sài Gòn có bị đóng cửa ba ngày như lần trước không? Nhưng cả chuyện mất Ban Mê Thuột lẫn chuyện đóng cửa những nơi du hí chẳng ăn nhậu gì đến bọn tôi cả. Cho dù tất cả những quán bia ôm bị đóng cửa, bọn tôi vẫn có thể lê la những quán cóc lề đường. Hơn nữa, lúc này đã vào nửa cuối tháng lương mà ngày vui chắc chắn sẽ còn rất dài nên chuyện ngồi quán cóc lại là điều hợp lý và hợp tiền. Thành ra với bọn tôi, nhậu cái gì cũng là nhậu. Chúng tôi cần nhậu và sau đó xuống xóm tìm chị em ta, thật giản dị và dễ tính. Quán cóc và các xóm chị em ta bảo đảm là không bị ảnh hưởng một tí gì về chuyện thành phố phải để tang cho một địa danh nào đó vừa mất.
Tôi cũng vậy. Phước Long mất; Ban Mê Thuột mất; Pleiku, Kontum đang chuẩn bị mất tôi xem như “nơ pa”, bởi vì tôi sống và lớn lên ở Sài Gòn nên tôi đã thừa hưởng trọn vẹn cái thói thản nhiên, cái tính phớt tỉnh Ăng Lê hơn người Ăng Lê của dân Sài Gòn. Thành thử một địa danh nào đó dù lớn dù nhỏ, vừa mất đi hay vừa chiếm lại được nếu không ăn nhậu gì đến chuyện làm ăn của mình, chuyện mất mát người thân của mình hay ảnh hưởng đến chuyện ăn chơi của mình thì dĩ nhiên không phải là chuyện của mình. Tiếng súng ở ngoài tầm tai của mọi người mà. “Tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn và tôi vẫn thở…”.
Tôi đã trú đóng một thời gian ở Ban Mê Thuột, cũng có một ít kỷ niệm lăng nhăng về tình cảm ở Ban Mê Thuột. Nhưng tôi không có tài sản, tôi không có thân nhân đang ở hay đang đánh đấm ở Ban Mê Thuột, và những nơi ăn chơi của tôi ở Sài Gòn không bị ảnh hưởng bởi chuyện mất Ban Mê Thuột, nên một năm mười hai tháng, chỉ có mấy ngày là được ăn nhậu thoải mái, không phải lo bất cứ chuyện gì, vậy thì tại sao tôi phải bận tâm về những chuyện không phải của mình? Mất hay không mất Ban Mê Thuột thì đã sao?

Ngu Như Lợn

Cao Xuân Huy

Lý lịch của Mạnh chuột đọc được trên tờ trích ngang:
- Họ và tên: Nguyễn Đức Mạnh
- Cấp chức sau cùng: Y Sĩ Đại Úy, Đại Đội Phó Quân Y
- Đơn vị sau cùng: Sư Đoàn Nhảy Dù
Mạnh chuột không loắt choắt như cái biệt danh “chuột” mà anh em cùng trại đã đặt, mà Mạnh chuột to lớn, vẻ to lớn của một võ sĩ hạng trung đã đấu nhiều trận trên võ đài. Không to lớn thì sức mấy mà đi được lính Nhảy Dù.
Mồm miệng Mạnh chuột cũng không chu ra như cái biệt danh lạ lùng, giống như những đồng nghiệp “lương y” đang làm cán bộ, mà phải công nhận một cách “lô gích” là Mạnh chuột đẹp trai. Không đẹp trai, sáng sủa sức mấy mà học giỏi. Bác sĩ mà. Đã là bác sĩ thì tự động phải đẹp trai. Không tin, cứ hỏi các cô thì biết. Cái khoản học giỏi, anh em trong trại không ai thắc mắc, vì ở đây, chỉ cần sức khỏe chứ không ai cần học thức. Nhưng… cán bộ đồng nghiệp thắc mắc.
Một hôm, không hiểu vì hay phát biểu linh tinh, hay vì cái vẻ ngoại hình làm ngứa mắt cán bộ đồng nghiệp trong ban y tế trại, Mạnh chuột bị gọi lên chất vấn để bổ túc thêm cho bản lý lịch.
“Anh học đến đâu?”
“Bác sĩ.”
“Chúng tôi biết anh là bác sĩ rồi, nhưng anh học đến đâu?”
“Bác sĩ y khoa.”
“Này, tôi không đùa đấy nhé. Anh là bác sĩ thì chúng tôi biết rồi, nhưng anh học đến lớp mấy?”
Mạnh chuột ngớ ra. Cán bộ y tế vừa để khoe và cũng vừa để giải thích thật cặn kẽ cho tên bác sĩ Ngụy ngu dốt này hiểu câu hỏi:

Tháng Ba Gãy Súng: Chương Hai

Cao Xuân Huy

 

Hai

Ðến sáng, tức là ngày 20 tháng Ba, tiểu đoàn gọi tôi về để gắn lon. Tôi mượn bộ quần áo “ngựa” của trung sĩ nhất Ðăng, thường vụ đại đội, may đè tên tôi lên bảng tên, rồi đi theo toán lính đi lãnh tiếp tế băng qua làng Ðồng Lâm ra đến quốc lộ. Tôi lội bộ về tiểu đoàn.
Tôi và thiếu úy Ðiểu, phụ tá ban Ba tiểu đoàn được gắn lon cùng một lúc. Thật khôi hài khi Ðại bàng 816, tức Hitler, tức tiểu đoàn trưởng, gắn lon trung úy lên vai Ðiểu, ông khích lệ khuyên nhủ đủ điều, lại còn bắt tay và vỗ vai thân mật nữa. Còn tôi, hình như độc nhất vô nhị trong lịch sử gắn lon của quân đội, ông vừa gắn lon lên vai tôi vừa chửi. Tôi phải đứng nghiêm, tay phải đưa lên trán trong tư thế chào, Hitler vừa gắn lon vào vai tôi vừa nói:
“Ðụ mẹ ông, đồng ý là ông cũng có công nhưng đâu phải công của mình ông. Ông làm cái gì giờ này mới ra tới?”
Tiểu đoàn trưởng đã cấm tất cả các sĩ quan trong tiểu đoàn khi hết phép không được ra trình diện hậu cứ ở Vũng Tàu, vì như vậy là câu thêm giờ ở Sài Gòn. Ông chỉ chấp nhận cho hạ sĩ quan và binh sĩ được câu thêm vài ngày theo kiểu này, còn sĩ quan bắt buộc phải trình diện thẳng Bộ tư lệnh ở Sài Gòn, để ngày hôm trước hết phép, ngày hôm sau đã phải có mặt ở hành quân.
Không ngờ bị hài tội trong lúc này, bí quá tôi nói đại:
“Tôi ra hỏi vợ ở Bà Rịa, thiếu tá.”
“Vợ con cái con cặc! Ðụ mẹ ông!”

Tháng Ba Gãy Súng: Chương Ba

Hồi Ký Cao Xuân Huy

 

Ba

Huế đang là một thành phố chết và đang là một thành phố bị bỏ ngỏ. Cả thành phố chỉ còn lại vài ba ngọn đèn đường, cái sáng cái tối, đạn pháo Việt Cộng nã đều vào cầu Trường Tiền và khách sạn Hương Giang, đó đây người ta đang đạp xe ba bánh, xe xích lô đi hôi của.
Ði lối cầu mới thì được an toàn, nhưng tôi sẽ đi lối cầu Trường Tiền mặc dù cầu này đang bị pháo. Một chút lãng mạn trong người tôi nổi dậy, chẳng gì cũng chỉ còn là lần chót. Ngay đầu cầu, một chiếc M-48 nằm chình ình, máy vẫn còn nổ mà không có người. Lên đến giữa cầu, tôi nói với mấy thằng lính đệ tử.
“Quay lại nhìn Huế lần chót bay, chắc chắn là mình sẽ không đánh ra tới đây để lấy lại đâu.”
Một nỗi buồn dâng lên trong tôi, không khóc nhưng mắt tôi đoanh tròng. Bao nhiêu gian truân, bao nhiêu xương máu, bao nhiêu xác người, bao nhiêu mồ hôi nước mắt của bạn bè, của anh em đồng đội tôi đã đổ xuống cho cái vùng địa đầu nghiệt ngã này. Bản thân tôi cũng đã hai lần đổ máu ở nơi này, bây giờ bỗng chốc bỏ đi, hỏi ai là người không tức tưởi. Ðù má những thằng chịu trách nhiệm trong vụ bỏ Huế này, lịch sử sẽ bôi tro trát trấu vào mặt chúng! Những ai đã từng tuyên bố, từng hô hào tử thủ Huế giờ này ở đâu? Khốn nỗi, những thằng đánh trận mà luôn luôn đi đàng sau và luôn luôn bỏ chạy trước lại là những thằng có quyền, có quyền mà hèn nhát, đốn mạt nên bây giờ bao nhiêu người khốn đốn, rút chạy như một lũ thua trận. Nhưng thực sự chúng tôi đã đánh nhau đâu để bị gọi là thua! Ðồ tiếp liệu trong thành Mang Cá dư sức cung cấp cho lữ đoàn tôi ít nhất là ba tháng, tại sao không cho chúng tôi vào thành Nội? Ờ mà tử thủ làm chó gì, bao nhiêu thằng xếp cút mẹ nó hết rồi, vợ đẹp con khôn và tiền bạc bao năm ăn bẩn không lẽ lại vứt bỏ. Vậy thì tội chó gì mình lại nghĩ đến chuyện ở lại đánh nhau để chết oan mạng, cùng lắm được vài giọt nước mắt cá sấu, một cái huy chương không giá trị, những lời ca tụng giả dối, ngoài cửa mồm thôi chứ có mẹ gì nữa đâu. Ðồ chó má!

Tháng Ba Gãy Súng: Chương Bốn

Hồi Ký Cao Xuân Huy

 

Bốn

Phản ứng đầu tiên của tôi khi tỉnh dậy là đưa tay sờ lên đầu, chỗ để đội mũ còn nguyên nhưng cái mũ sắt đã văng đâu mất. Biết chắc là mình còn sống, tôi cố gắng trấn tĩnh nhưng trong người vẫn thảng thốt làm sao ấy. Kết quả của viên đạn làm bay mũ sắt trên đầu tôi đã làm tôi không còn suy nghĩ gì nữa, ý nghĩ muốn chết ngay lập tức đã không còn, mở đường máu hay không mở đường máu không còn là vấn đề. Ðầu óc tôi hoàn toàn đờ đẫn, trống rỗng. Giờ này có lẽ cũng một, hai giờ khuya gì rồi. Vấn đề của tôi lúc này là ngủ. Ngồi dựa lưng vào vách giao thông hào, tôi ngủ một giấc. Giấc ngủ dĩ nhiên rất mệt mỏi và chập chờn trong tiếng súng.
Không rõ tôi ngủ như vậy trong thời gian bao lâu. Bưởi đánh thức tôi dậy:
“Ông thầy, tiểu đoàn 7 lên trám bớt tuyến cho mình. 369 nói ông thầy rút ngắn tuyến lại.”
Tiểu đoàn 7 là đơn vị được vận chuyển bằng xe từ Quảng Trị vào nên đạn dược còn đầy đủ và sức khỏe chưa bết bát như chúng tôi. Sau khi bắt tay nhau và sắp xếp xong khu vực phòng thủ, tôi bèn làm một bài ca con cá kiếm chút đạn, và đồng thời tôi vững tin hơn rất nhiều vì phòng tuyến không còn quá rộng so với khả năng phòng thủ của chúng tôi trong lúc này. Tuy nhiên tôi lại bị ám ảnh trở lại bởi cái lệnh mở đường máu.
Gần sáng 26. Biển yên gió lặng, trời sáng nhờ nhờ vì sương mù. Tôi nhận lệnh cho tải thương binh ra sát bờ biển để đợi tàu vào bốc. Trung úy Xuân đã biến mất cùng tên lính mang máy. Tôi nói với cô gái Huế học Văn Khoa và vợ chồng người lính cao bồi của trung úy Xuân còn nằm lại:
“Có tàu vào tải thương, mấy người ra bờ biển đi theo đám thương binh lên tàu, trời còn tối, đi từ đây xuống mé nước không nguy hiểm bao nhiêu đâu.”
Họ dắt nhau chạy băng từ mô cát này đến mô cát khác và biến mất trong màn sương

Tháng Ba Gãy Súng: Chương Năm

Hồi Ký Cao Xuân Huy

 

Năm

Lên đến trên tàu, không khí quá nặng nề ngột ngạt. Không phải nặng nề ngột ngạt vì số người trên tàu quá đông, mà vì cả tàu đang bị bao trùm bằng mùi giết chóc, căng thẳng.
Huy mập nhét vào tay tôi khẩu súng ngắn, dặn dò:
“Súng tôi lên đạn sẵn, ông giữ cẩn thận.”
“Còn gì nữa để mà phải thủ súng lên đạn sẵn?”
“Thì ông cứ giữ đề phòng. Biết đâu có lúc phải xài tới.”
Chưa kịp tìm chỗ ngồi, tôi nghe một tiếng súng nổ.
Hai người lính Thủy Quân Lục Chiến cúi xuống khiêng xác một người lính Bộ Binh vừa bị bắn chết ném xuống biển. Một người lính Thủy Quân Lục Chiến khác đang gí súng vào đầu một trung úy Bộ Binh ra lệnh:
“Ðụ mẹ, có xuống không?”
“Tôi lạy anh, anh cho tôi đi theo với.”
“Ðụ mẹ, tao đếm tới ba, không nhảy xuống biển tao bắn.”
“Tôi lạy anh mà, tôi đâu có gia đình ở ngoài này.”
“Ðụ mẹ, một.”
“Tôi lạy anh mà, anh đừng bắt tôi ở lại, anh muốn lạy bao nhiêu cái tôi cũng lạy hết. Tôi lạy anh, tôi lạy anh.”
“Ðụ mẹ, hai.”
“Trời đất, mình đồng đội với nhau mà, anh không thương gì tôi hết. Tôi lạy anh mà.”
“Ðụ mẹ, ba.”
Tiếng ba vừa dứt, tiếng súng nổ.
Người trung úy Bộ Binh ngã bật ngửa ra, mặt còn giữ nguyên nét kinh hoàng. Viên đạn M-16 chui vào từ đỉnh đầu. Xác của anh ta được hai người lính Thủy Quân Lục Chiến khác khiêng ném xuống biển.

Tháng Ba Gãy Súng: Chương Sáu

Hồi Ký Cao Xuân Huy

 

 Sáu (Hết)

Trời đã tối, tiếng súng bắn đi đã êm, chỉ còn những tiếng súng Việt Cộng bắn chúng tôi. Tiếng chân người chạy mỗi lúc một nhiều về hướng nam.
Khải máy và Phước râu chạy đến chỗ tôi. Khải máy la lên:
“Trời ơi ông thầy, người ta chạy hết rồi, ông còn nằm đó mà “moi lỗ”!”
“Còn phải đợi thằng Bưởi nữa chứ.”
“Ðợi gì nữa mà đợi. Có thể nó đã chết rồi, cũng có thể nó đã chạy rồi.”
Tôi quay sang cô gái:
“Thôi, chạy đi cô em.”
Cô gái nhìn tôi, lắc đầu.
Tôi đứng dậy, chạy theo Khải máy và Phước râu.
Chúng tôi chạy lom khom qua hết những cái gọ nằm rải rác trên bờ, nhập vào dòng người đang chạy sát mé nước.
Chạy thì cứ chạy, không lẽ mọi người đã chạy mà mình lại không chạy, nhưng thực sự tôi không hiểu là chạy để làm gì, và chạy đi đâu, chạy về hướng nam tức là chạy về phía cửa Tư Hiền. Tôi chẳng buồn nghĩ là chạy về đó rồi sẽ làm gì, và mình có chạy nổi về đó hay không.
Phước râu đề nghị:
“Hồi nãy tụi nó tự tử nhiều quá, hay là mình tự tử luôn đi ông thầy.”
Khải máy góp ý:
“Có lý đó ông thầy. Mình chạy như vầy để làm cái gì?”
“Không, tụi mày ngu thấy mẹ. Người ta cắt đất để giao cho Việt Cộng. Tụi mình dở nên mình bị kẹt. Nếu bị bắt cũng chừng vài tháng chứ mấy, khi nào được trao trả về, đụ mẹ, đánh lại.”

Cao Xuân Huy, tác giả và tác phẩm

* Nguyễn Mạnh Trính

Viết về chiến tranh, có lẽ là một đề tài lớn của không những văn học Việt Nam và cả văn học thế giới nữa. Những tác phầm như Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh của E.M. Remarques hay Chiến Tranh và Hòa Bình là những danh tác mà ở đó chiến tranh đã được nhìn ngắm với con mắt của tâm hồn vĩ đại của nhân loại. Ở chiến tranh Việt Nam, cũng có nhiều nhà văn viết về chiến tranh có chất lửa và biểu hiện được một phần tâm tư của thời đại. Cao Xuân Huy là một trong những nhà văn đã viết lên những trang sách trung thực viết về cuộc chiến mà ông tham dự. Tản mạn về chân dung và tác phẩm Cao Xuân Huy có lẽ là một đề tài thú vị, nói về một tác giả mà tôi nghĩ gần gũi với chúng ta, những người tị nạn đã trải qua một thời thế có một không hai của lịch sử Việt Nam.

Ở thời điểm cuối tháng ba năm 1975, lịch sử Việt nam bắt đầu những khúc quanh mới. Và ở không gian thời gian này tạo thành nhiều lý do để chúng ta nói chuyện về Cao Xuân Huy. Tháng Ba Gãy Súng là một cuốn hồi ký ghi chép lại những diễn biến của mặt trận Thừa Thiên Huế mà tác giả là người kể chuyện lại. Cuốn sách đã được tái bản đến mười lần và có mặt trên 58 thư viện lớn trên toàn thế giới.

Nhưng, khi tôi đọc một đoạn trên mạng Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia thì tôi lại thấy một sự kiện lạ.

Theo đó thì ông Cao Xuân Kiên nêu lên một câu hỏi ”Theo tôi, chú tôi, Cao Xuân Huy, là một nhà tư tưởng lớn và có vị trí quan trọng trong nền tảng văn hóa Việt Nam. Ông Cao Xuân Huy (nhà văn-Tháng Ba Gãy Súng) cũng là một người có tiếng hiện nay. Làm sao để có cả hai trong Wiki?

Và ông Nguyễn Hữu Dụng, người phụ trách trang định hướng của Wiki trả lời :