Trí Nhớ Của Loài Chim

Hoàng Chính

  (Bản Anh ngữ The Birds' Memory được  phát thanh trên chương trình truyện ngắn quốc tế của đài BBC, London, Anh Quốc, hai ngày 23 và 25 tháng 03, 1996.)
 
 Thường thì lão vui vẻ như một gã đàn ông trong gánh xiệc. Nụ cười tuy nhăn nhúm nhưng lúc nào cũng gắn trên khuôn mặt đầy những nếp gấp của thời gian. Lão chẳng nói chuyện với ai. Một mình lão thơ thẩn ngoài công viên như một kẻ không công ăn việc làm. Chỉ có bầy chim là bu quanh lão, tíu tít như lũ con vây quanh người cha già hiền từ. Ðó là lúc lão nói chuyện huyên thuyên như người được bạc. Bây giờ, sau vài ly rượu, lão bỗng trở nên tư lự. Tôi ngồi đối diện lão, tay trái đặt hờ trên mặt chiếc bàn gỗ cũ, tay phải ngượng ngùng xoay chiếc ly sóng sánh chất rượu trong vắt như pha lê. Căn phòng chung cư chìm trong mùi thức ăn nướng thơm ngào ngạt. Mùi thịt nướng làm tôi ứ nước miếng. Và bao tử lại quặn lên những cơn co thắt không lớp lang.
          “Dường như khét rồi ông à.”
          “Cứ gọi tôi là John,” cái đầu lão gật gưỡng như thể bắt đầu nặng trên một cái cổ quá gầy guộc.”Không sao đâu.”
          Tôi liếc nhìn cái bếp nướng ở góc phòng. Căn phòng của lão cũng khá rộng. Phòng ngủ, phòng ăn nối dài với nhà bếp, phòng khách, nhà vệ sinh. Tất cả trở nên thênh thang với một lão già độc thân như lão. Chợt lão nâng ly rượu lên, đưa về phía tôi, vui vẻ, “Cạn ly đi cậu.”
          Tôi luống cuống cụng ly với lão, và uống vội một ngụm rượu rồi lọng cọng đặt chiếc ly còn quá nửa xuống bàn. Lão thì uống một hơi liên tục và khi lão bỏ ly xuống bàn, chiếc ly sạch bóng tưởng chừng như mới được lau chùi cẩn thận. Lão khà ra một cách khoan khoái. Chất rượu nồng bò rần rật trên má và hai tai tôi như những con kiến động tổ. Lão ngước lên nhìn đăm đắm vào khoảng không vuông vức của căn phòng. Mắt lão ươn ướt chất nước của cảm xúc, và cái nhìn của lão như đang dạt về một vùng ký ức nào đó xa thăm thẳm. Tôi hình dung đến những con chim vẫn bu quanh lão ngoài công viên thành phố. Hình như chỉ có những con chim mới làm cho lão trẻ lại, sinh động như một gã trai trẻ lần đầu biết yêu.
          “Ông ở đây có một mình?” Tôi ném vào khoảng không gượng gạo một câu hỏi thừa thãi.
          Lão sựng lại vài giây, gục gặc cái đầu như cố vùng vẫy ra khỏi giấc chiêm bao nặng nề, hôn ám, “Dĩ nhiên...” Lão nhìn xuống chiếc ly không trên mặt bàn, trầm ngâm, “Tôi không có ai thân thuộc ngoài lũ chim ngoài công viên. My children.” Khi nhắc đến bầy chim, giọng lão  ngậm đầy cảm xúc. Hình ảnh những con chim tíu tít bên người đàn ông, đậu trên vai, trên cánh tay, trên đầu gối, trên giầy. Ngóng chiếc cổ mềm mại, nghiêng cái đầu tròn trĩnh, ngước nhìn người đàn ông như lũ trẻ chờ một phần quà từ người cha già nhân hậu. Những tiếng lục cục tíu tít vây quanh chỗ lão ngồi. Băng ghế đã cũ mòn. Chiếc túi vải có lẽ đựng đầy bánh mì đặt trên mặt ghế đá. Những du khách lao xao với máy chụp hình và đồ kỷ niệm. Những con chim làm đẹp thành phố bằng chính sự hiện diện của chúng. Nhưng những con chim không công ăn việc làm, tối ngày chỉ ngóng chờ những miếng bánh mì vụn của khách nhàn du.
          “À, mà tôi gặp cậu coi vậy mà cũng gần một năm rồi đấy nhỉ.” Lão bỗng đổi đề tài.
          “Hình như vậy.” Tôi ngần ngừ.
          “Sao lại hình như,” lão vừa bắt bẻ, vừa nắm lấy cổ cái chai đã vơi quá nửa. “Cậu còn trẻ, trí nhớ phải tốt chứ.”
          Tôi nhìn vào mắt lão, gật gù “Ðôi khi có những chuyện phải quên...”
          “Chẳng hạn như?” Lão đặt chai rượu xuống bàn, vênh cái cằm vuông có những chân râu bạc phếch lên, khiêu khích.
          Tôi thong thả tiếp, “Chuyện buồn quá khứ chẳng hạn...”
          Lão nâng ly rượu lên môi, uống một ngụm, khà ra một cách khoan khoái, rồi ngao ngán lắc đầu, “Trí nhớ của loài người rất tệ, cậu biết không. Loài người trên mặt đất này thua xa lũ chim tôi vẫn gặp trong công viên. Loài người không học hỏi được gì từ những đau thương quá khứ. Rất đáng buồn; đáng buồn...”
         “Ô, lũ chim nhớ ông tại vì ông cho chúng ăn mỗi ngày, có gì đáng nói đâu!” Tôi hăng hái bênh vực cho cái tập thể hỗn độn mấy tỷ mạng mà mình là một thành viên. Những câu lão rì rầm với lũ chim vang vang bên tai. Tôi thường ngồi ở chiếc ghế đối diện với chỗ ngồi của lão ngoài công viên. “Con trai, đừng tham ăn chứ, còn mấy đứa em con nữa kìa. Con nhỏ này, con gái mà ham ăn. Ðàng hoàng lại coi. Ơ kìa.” Và tôi toan hỏi làm cách nào lão phân biệt chim trống với chim mái một cách dễ dàng như thế.
          Nhưng lão vẫn rì rầm những lời than van trầm thống. “Hết Auschwitz đến Treblinka, đến Hiroshima, đến the Killing field ở Kampuchea, Rwanda... bây giờ tới Bắc hàn. Loài người chẳng học hỏi được điều gì. Nothing at all!”
          Tiếng chuông báo hỏa hoạn bỗng réo lên chói tai làm tôi giật bắn người. Lão già lừng khừng đứng dậy, xách chiếc ghế kê ngay giữa căn bếp, thong thả trèo lên giật sợi dây điện dẫn vào chiếc chuông báo gắn trên trần nhà. Chuỗi âm thanh tắt ngấm.
          “Tại ông nướng đồ ăn khét quá đấy.” Tôi nói, tim vẫn chưa nguôi những nhịp đập xôn xao.
          Lão kéo chiếc ghế lại bên bàn ăn, thả những bước xiêu đổ lại bên cái bếp lò rực lửa bên trong. Lão mở hé ngăn nướng, nhìn vào. Mùi thơm bốc ra ngào ngạt. Bao tử tôi lại quặn lên vì cơn đói cùn mằn, thô lỗ. Và tôi nhớ tới những câu lão vẫn nhắc nhở bầy chim ngoài công viên thành phố. “Behave yourselves, children!” Cư xử cho phải phép nghe, các con!
          “Ðừng bao giờ khinh thường lũ chim!” Lão vẫn hậm hực bênh vực cho “bầy con” của lão. “Loài chim là những học trò giỏi. Chúng không bao giờ quên những bài đã học...”
          “Bản năng cả già John à.” Tôi ngả người ra lưng ghế, thản nhiên xóa bớt những cột điểm mà lão già đang ưu ái trao cho lũ chim thân thuộc của lão ngoài công viên. “Ðói thì tìm đến chỗ nào có đồ ăn. Ông cho lũ chim đồ ăn mỗi ngày. Bây giờ giả như ông có đánh mắng chửi rủa, chúng cũng bu lại như thường.”
          Không thèm để ý đến lời tôi nói, Lão già vẫn đắn chìm trong dòng suy tưởng và những lời sắt thép bênh vực cho lũ chim chỉ biết có mỗi một việc là bu quanh những khách nhàn du, xin xỏ những mẩu bánh mì vụn. “Bộ óc của loài chim nhỏ không bằng một đầu ngón tay cái, nhưng có lẽ quá nửa bộ óc ấy dành chỗ cho những bài học để đời...” Lão tắt bếp và lầm lũi bưng cái vỉ thịt nướng ra, đặt lên bàn ăn một cách trịnh trọng. Tôi banh mắt nhìn những miếng thịt nướng ướp gia vị bóng nhẫy dưới ánh sáng lợt lạt của con nắng xế rọi qua khung cửa sổ hẹp. “Còn loài người thì vô phương. Hàng triệu mạng người. Những cái chết không để lại một bài học sinh tử nào hết! Chỉ có bầy chim ngoài công viên là đáng nể phục. All my children!” Lão vênh cái khuôn mặt ngang dọc những vết chém của thời gian lên, nhìn sững vào khoảng không bằng cái nhìn nhuốm đầy tiếc nuối; thứ tiếc nuối của một con bệnh vừa khám phá ra rằng chứng bệnh của mình không còn thuốc chữa. Rồi lão quay đi, lầm lũi bước về phía nhà bếp. Cái dáng lủi thủi của lão lúc này trông giống hệt dáng đi của một kẻ bị phụ tình.
          “Ô! Ông làm thức ăn tuyệt vời,” tôi buột miệng kéo già John về với thực tại, mắt vẫn không rời những miếng thịt nướng còn nguyên hình dạng. “Mà... ông kiếm đâu ra gà qué gì mà nhỏ teo vậy, già John?”
          Ðang loay hoay mở những hộc tủ tìm kiếm gì đó, già John cũng cố ném cho tôi câu trả lời ngắn ngủn, “Ai nói với cậu là gà đấy?”
          “Gà con chứ còn gì nữa.”
          “Young man. Cậu còn phải học hỏi nhiều.”
          “Thì sao?”
          “Chim đấy. Chim bồ câu ngoài công viên đấy.”
          Tôi hình dung ngay ra những con chim hiền lành, vẫn thường bu quanh lão, chờ những miếng bánh mì vụn. “Thật không vậy, ông già?”
          Lão trở lại bàn ăn với chai nước sốt màu đỏ thẫm, “Nói dối cậu làm gì. Chim ngoài công viên thành phố đấy.”
          “Lũ con của ông?”
          “Ya.”
          “Incredible!”
          “Có sao?” Lão ngồi phịch xuống ghế, chớp mắt lia như vướng những hạt bụi bối rối trong mí mắt. “Mình cũng phải ăn, phải uống chứ...”
          “Tôi tưởng ông yêu lũ chim ấy hơn bất cứ thứ gì trên thế gian...”
          “Ðúng vậy. Thôi ăn đi cho nóng, young man.” Lão dùng nĩa xiên một con chim vàng hườm, bỏ vào dĩa của tôi, gật gù, “Ngon tuyệt!”
          Những thắc mắc vẫn cứ bám lấy đầu óc tôi như những sợi tơ nhện, “Làm cách nào ông bắt được?”
          Lão cắn một miếng thịt chim vàng hườm, nhai rau ráu. “Có khó gì đâu. Một ổ bánh mì. Ðều đặn mỗi ngày. Cho chúng thấy rằng mình thực sự yêu thương chúng. Cứ vậy, hiền lành như người giữ con nít ở nhà trẻ. Lũ chim xà xuống, nhìn trước nhìn sau. Nếu không có ai, túm ngay lấy một con, vặn cổ bỏ vào túi vải.”
          Lão ngưng nói, hấp tấp tuốt cái xương mỏng manh từ chiếc chân chim no tròn những thịt, bỏ xuống mặt bàn.
          “Ông không sợ người ta thấy sao, già John?”
          “Cũng sợ chứ, nhưng không đáng sợ bằng bị lũ chim nhìn thấy.”
          Tôi hình dung ra những cảnh kinh dị của người bị chim chóc tấn công, một đôi lần đã coi trong phim ảnh phương tây. Lão liếm môi gật gù một cách sảng khoái, “Một con nhìn thấy thì không sao, nhưng nhiều con nhìn thấy thì hỏng. Loài chim có thể có trí nhớ kém hơn loài người, nhưng những bài học để đòi thì chúng không bao giờ quên được. Ăn đi chứ, anh bạn trẻ. Cậu có dị ứng với bồ câu không đấy?”
          “Không có đâu,” tôi bối rối lắc đầu, tay vẫn loay hoay với cái nĩa xớ rớ trên miếng đùi chim vàng óng.
          “Vậy thì ăn đi, chim rô ti ngon hạng nhất.”
          Tôi ghim cái nĩa vào miếng thịt, run run đưa lên miệng. Phải như già John đừng gọi bầy chim bằng lũ con tôi thì hay biết mấy.
          “Làm sao già biết?”
          “Cái gì?”
          “Trí nhớ của lũ con ông?”
          “Làm sao tôi biết hở. Cái này nói cậu nghe qua rồi bỏ,” Khuôn mặt già John đỏ bừng, lắc lư như chiếc mặt nạ của một cái hình nộm đứt dây. “Ngày xưa, tôi đã từng 'hành nghề' ở nhiều công viên khác nhau. Chỉ cần một sơ sót, cậu sẽ bị lũ chim tẩy chay; thậm chí khi thấy mặt cậu, chúng còn rít lên những tiếng kêu kỳ lạ như trách móc, nguyền rủa... Thôi uống đi cậu à. Cái này, đừng nói với ai...”
          Ba hôm sau, tôi mò ra công viên tìm già John, nói chuyện gẫu cho đỡ buồn. Nhà lão không gắn điện thoại thành ra muốn gặp chỉ việc ra công viên, vào buổi sáng tinh mơ.
          Công viên vắng tanh. Những con chim tản mát trong nắng. Lão đứng trơ ra đó, chiếc túi vải đeo hờ trên chiếc vai xương xẩu. Thấy tôi, già John như người vừa tỉnh giắc chiêm bao, đon đả bước về phía tôi. Những con chim bay tứ tán khi lão đi qua chỗ chúng đậu. Những tiếng rít kỳ lạ phát ra từ những cái mỏ đen lấp lánh ánh nắng mai.
          “Tôi mất việc làm nữa rồi!” Giọng lão ảo não như không còn chút hơi hám của cuộc đời. “Cậu có biết cái công viên nào khác nữa trong thành phố này không?”
 
Thứ năm, 08, tháng 12, 94

 
Hoàng Chinh 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
.