Thư Không Người Nhận

Hoàng Khởi Phong 



 Để tặng một người Mỹ đã chết rất trẻ ở Việt Nam và địa chỉ người nhận là Thiên Đàng. Nơi đó, buồn thaykhông phải là địa chỉ sau cùng của mỗi “chúng ta”


Elbert thân,
Thật tình tôi không ngờ đã đứng trước cửa nhà anh, căn nhà thật xinh nổi bật trên thảm cỏ xanh, một hàng rào gỗ thấp lè tè bên những khóm hồng nở rộ. Một cây táo, trái xanh tròn, lớp da bên ngoài mịn màng như những trái vú sữa ở nước tôi. Sáng nay mẹ anh đến thăm tụi tôi tại nhà thờ, chỗ tụi tôi đang trú ngụ tạm chờ thuê nhà. Dạo đó giữa tháng 8-75, sau một tháng ở Guam, một tháng ở trại Indiana Town Gap, tiểu bang Penn, một tháng ở trường đại học Saint-Joseph, một ngôi trường nằm giữa hai thành phố Augusta và Portland của tiểu bang Maine.
Chúng tôi tới đây tạm trú trong hai lớp học của một nhà thờ nhỏ Winterport. Tôi dám chắc với anh đây là một trong những city nhỏ nhất nước Mỹ, với dân số xấp xỉ một ngàn người, và ngôi nhà thờ nhỏ đó dĩ nhiên không giàu so với các giáo xứ khác.
Chúng tôi gồm mười lăm người tan tác, mười lăm mảnh hồn tang thương, không thân thích, không bà con ráp lại thành một đại gia đình mang chung họ Nguyễn. Ngôi nhà thờ này là địa điểm chót cùng sau các trại tị nạn kể trên. Chúng tôi có một tháng để kiếm việc, thuê nhà và dĩ nhiên tự túc. Không có phòng tắm trong lớp học của nhà thờ, chúng tôi phải đi tắm nhờ trong những ngôi nhà lân cận. Mẹ anh tới thăm chúng tôi sáng nay để ngỏ ý mời chúng đến tắm, ngỏ ý giúp chúng tôi đi xin việc làm, đưa chúng tôi đi chợ…
Tôi phải xin lỗi anh đã có ý nghĩ không tốt trong phút đầu tiên khi mẹ anh bước vào nhà. Mỗi lúc tôi nhìn nước Mỹ một khác, mỗi lúc tôi nhìn người Mỹ một thay đổi. Bởi lẽ tôi mới đến đây, đến với chua chát ngập đầu, đến với đổ vỡ, tang thương, nhục nhã, ê chề, thù hận… Trong một thời gian ngắn tôi ngã từ bất hạnh này sang bất hạnh khác, tôi bị dao động cùng cực, tôi tiếp xúc với đủ mọi hạng người. Từ người thẩm vấn làm hồ sơ tị nạn, đến người bảo trợ, từ em nhỏ đến xem chúng tôi – dĩ nhiên là đến xem – cho tới người y sĩ khám bệnh. Ở đâu đâu hầu như tôi cũng gặp người Mỹ nói tới họ là nước… Thiên đàng, về nhà, xe, hồ bơi, du thuyền và… job.
Nhiều người lớn đến thăm chúng tôi với bầy con nhỏ y như là weekend đi câu, đi xem sở thú, nhiều người giúp đỡ chúng tôi hệt như thể làm điều thiện có điều kiện, như ngầm phân bua với Thượng đế của họ: “Thượng đế ơi, ngài hãy chứng giám cho tôi có giúp đỡ những người cùng khổ, xin phò hộ tôi đừng gặp thiên tai, cho tôi được trúng mùa, bắp nhiều trái, cây sai quả, xin cho tôi không gặp tai nạn, không bị cháy nhà… Và sau cùng xin cho tôi lên nước của ngài”. Ôi cái lòng thiện này hệt như những thương gia muốn có credit tốt để lên Thiên đàng. Họ làm điều thiện không phải vì điều thiện, mà mong rằng họ sẽ không bị thiên tai, không bị cháy nhà. Nhiều em nhỏ đứng xa xa nhìn chúng tôi, hệt như một khoảng cách an toàn, khi xem sư tử trong gánh xiếc.
Bởi lẽ đó sáng nay khi mẹ anh tới đây, tôi nhìn bà ta với một chút khiếm lễ trong lòng. Con đường từ nhà thờ về nhà anh cũng không xa, mẹ anh lái xe với nhiều hờ hững. Chúng tôi không trao đổi một câu nào. Tôi chỉ biết trước đó có người cho tôi biết, bà là mẹ của một “Veteran Vietnam War”. Có tới cả triệu người Mỹ đã tham chiến ở nước tôi, nên tôi không hề nghĩ đến anh. Vả lại anh và tôi dù có nhiều kỷ niệm, nhưng mười năm đã qua, mười năm với hàng triệu người ngã xuống, mà cánh hoa tự do không thấy đâm chồi.
Rồi chúng tôi phải bỏ nước mà đi, làm những người Bohémiens bất đắc dĩ. Thỉnh thoảng tôi có nhớ tới anh, một người Mỹ trẻ tuổi đặc biệt. Thế thôi, thật tình tôi không ngờ một ngày kia tôi đã tới tắm nhờ nhà anh, một ngày kia tôi đã đến viếng nơi anh đã sinh ra, nơi anh đã lớn lên thời thơ ấu.
Vừa đẩy cửa bước vào nhà, đột nhiên tôi linh tính sẽ bắt gặp một cái gì quen thuộc ở đây, tôi rảo mắt một vòng quanh phòng khách. Một cái đàn dương cầm kiểu cổ, một tập nhạc mở sẵn, trên mặt cây dương cầm là một ảnh ba má anh. Bây giờ ít ra tôi cũng biết được phần nào vẻ thầm lặng của mẹ anh, không phải vì gốc Anh, Đông Âu gì cả. Đó là ba anh, một người không phải da trắng hoàn toàn. Ở ông là sự pha trộn giữa màu trắng và màu cà phê sữa. Vẻ còn sót lại nơi chủng tộc da màu của ông, là mái tóc quăn và đôi môi hơi dày.
Phải công nhận hồi trẻ má anh tuyệt đẹp. Một cái đẹp thầm lặng kiểu Á Đông, chứ không phô trương như phần đông phụ nữ da trắng. Ngay cả sáng nay, bà vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên, chỉ một chút son nhẹ trên môi, một mái tóc giản dị, một bàn tay không sơn móng. Mới chỉ bước vô nhà, mới chỉ linh tính bắt gặp một chút gì quen thuộc, mới thấy được một tấm ảnh, tôi cũng có thể mường tượng được phần nào những khó khăn ba má anh phải đương đầu thời son trẻ, một phần nào những bất công anh nhận trong thời thơ ấu, tất cả đã gom lại cho anh thành một người Mỹ đặc biệt.
Thật tình tôi không ngờ tôi gặp lại tôi trong căn nhà này. Một gặp gỡ lớn lao nhất từ khi tôi đến đây. Tôi đã gặp lại tôi và dĩ nhiên cả anh nữa trong một tấm ảnh chụp hơn mười năm trước. Bức ảnh này anh cho tôi một chiếc, nó đã mất đâu đó sau những thăng trầm của riêng tôi. Khi giới thiệu cho tôi bức ảnh này, mẹ anh không nhận được tôi trong hình. Chính tôi đôi lúc còn không nhận ra tôi trong gương soi, những đổi thay to lớn dường đó, những bất hạnh dồn dập như thế, và mười năm, một thời gian đằng đẵng đủ xóa đi những nét thanh xuân. Cũng nhờ tấm ảnh này, gợi nhớ tới anh. Gợi nhớ tới những ngày tháng xa xưa, tôi và anh làm chung một vài việc thiện.
Ở nước tôi, như anh đã đến, đã làm việc, và có lẽ đã biết: phó tổng thống là một chức vụ dễ làm, tư lệnh phó sư đoàn là một người ngồi chơi, thì tôi dạo đó hai mươi ba tuổi làm phó một đơn vị nhỏ có nhiều quyền uy. Tất cả tập trung vào đơn vị trưởng, tôi có một chút thoải mái cá nhân: một chiếc xe jeep và một người tài xế, rồi xê ra chỗ khác chơi, cho người ta làm việc. Tôi lang thang khắp vùng rồi tôi gặp anh cũng lang thang không kém. Tôi vốn không phải là một người có nhiều ác cảm với tha nhân. Hoàn cảnh dạy cho tôi bài học ngờ vực, bởi lẽ đó khi gặp mẹ anh, tôi nghi ngờ lòng thiện của bà.
Cũng vậy khi gặp anh, cái ý tưởng đầu tiên của tôi là đã gặp một tay tình báo hạng bét của CIA. Anh là nhân viên trong đoàn cố vấn tiểu khu. Anh lân la khắp mọi xó xỉnh, anh đánh bạn với mọi loại người. Thú thật với anh, hồi còn là một sinh viên có lần tôi biết một nhân viên CIA, anh này đội lốt một người trẻ tuổi dấn thân hoạt động trong phong trào I.V.S.
Anh tham dự cùng chúng tôi rất nhiều hoạt động xã hội. Dần dà thân thiết hơn, anh có mặt ngay cả những lần chúng tôi họp bàn chống chế độ cai trị nông cạn của chính quyền. Một phần chúng tôi tin vào nhiệt tình của tuổi trẻ, một phần nghĩ là anh không biết chúng tôi họp gì nói gì, bởi lẽ chúng tôi nói với nhau bằng tiếng Việt. Đôi lần chúng tôi chửi anh một cách thân mật anh ngớ ngẩn hỏi: “What does it means?” trong lúc chúng tôi cười vang.
Thế rồi chúng tôi bị bắt hàng loạt. Và một người trong chúng tôi tình cờ gặp anh ta sử dụng ngôn ngữ của chúng tôi, tuy không lưu loát, nhưng chắc chắn là chính xác hơn nhiều người Việt ít học. Rõ ràng anh này tri tình khi cộng tác với các cơ quan tình báo. Cũng có nhiều người vô tình hoạt động do thám mà không biết, như những tu sĩ Tin Lành, Công giáo, những thanh niên của các phong trào I.V.S và W.U.S. những nhân viên hành chánh của chúng tôi, tất cả những báo cáo công việc của họ, một bản sao được gửi cho phòng cố vấn của anh. Dưới con mắt của những tay tình báo chuyên nghiệp, đó là những dữ kiện chính xác về địa lý, nhân văn, kinh tế, về tình trạng tín ngưỡng, về nền chính trị hành chánh, về tình hình địch, về tất cả mọi khía cạnh liên quan tới từng vùng.
Bẵng đi một thời gian, đời sống cứ trôi, chúng tôi trải qua một thời kỳ xao động chính trị, bởi những cuộc chỉnh lý, bởi những cuộc xuống đường, trong khi chiến tranh bắt đầu chuyển dạng từ những hoạt động lẻ tẻ du kích, đó đây đã có một vài trận đánh lớn. Số cố vấn các anh mỗi lúc một nhiều. Họ có mặt ở mọi nơi, từ học đường, tới thôn ấp, từ các đơn vị quân đội cấp tiểu đoàn, đến các đơn vị hành chánh cấp quận. Họ góp mặt về y tế, giáo dục, cầu cống… Bây giờ tôi biết rõ khắp nơi trong xứ tôi, các anh có mặt dọ thám từ mọi xó xỉnh. Người Mỹ hô hào giúp chúng tôi chống Cộng, tiên phong trước tiên cho những người bạn tới sau, là những cố vấn đã đến dọ thám từ trong góc bếp.
Cho tới một hôm Chủ Nhật, tôi gặp anh giữa phố, anh đi bộ bên lề đường, mặt nhìn thẳng một cách chịu đựng, những đứa bé đánh giày, những đứa trẻ ăn xin ở nước tôi bủa vây chung quanh OK loạn xạ. Anh nhẫn nại gỡ tay từng đứa. Một thằng bé táo gan móc ví tiền của anh, anh bắt được quả tang ăn cắp, trong lúc anh giữ tay đứa bé, anh cúi xuống nhìn thẳng vào mắt nó, đôi mắt hơi buồn, một chút nghiêm khắc, thì cũng đúng lúc đó một đứa bé khác chớp cái kính Rayban trên túi áo anh, dông vào ngõ hẻm như một cơn lốc. Anh bỏ tay đứa bé ra, anh xốc lại quần áo, nhìn vào trong ngõ hẻm một chút, anh lặng lẽ lên xe lái đi. Tôi bắt đầu có một chút thiện cảm với anh.
Một lần khác gặp anh trên quốc lộ 14, xe anh hư, anh nhờ tôi đẩy hộ anh. Sau cùng tôi chính thức giao thiệp với anh qua một anh bạn giáo sư của trường trung học BMT.
Anh đã đến dạy sinh ngữ cho trường này. Anh có một số tặng phẩm của cơ quan “Care” gồm sách, vở, bút, thuốc đánh răng và bàn chải, một ít đồ chơi, một ít bánh kẹo, anh muốn chuyển giao tất cả đến những đứa trẻ nghèo khổ của thị xã BMT này.
Tôi từ chối phắt, cái kỹ thuật dò thám sơ đẳng này, cái mặc cảm tự tôn của những người thừa thãi, hình ảnh anh chàng trẻ tuổi ở I.V.S, rồi nhiều thứ khác nữa bỗng trở về, xua hình ảnh đẹp mà anh đã làm cho tôi có một lần thiện cảm với anh. Tôi viện dẫn lý do tôi bận. Làm sao anh có thể hiểu nổi cảm nghĩ của tôi lúc đó, tôi nghĩ anh là một tên đóng kịch tồi tệ, tôi nhìn anh soi bói. Rõ ràng anh không đo được phản ứng tự trong đáy mắt tôi.
Rồi tự nhiên anh nói đến thời thơ ấu của anh, anh nói đến cha anh, một người tranh đấu cho nhân quyền của dân da màu. Cha anh vốn là kết quả của vài lần pha trộn chủng tộc, nên vì lẽ đó những người da đen không hoàn toàn tin tưởng ở ông, còn người da trắng họ coi ông là kết quả của những chuỗi sai lầm về hôn phối. Ông vẫn lầm lũi làm việc, ông vẫn kiên trì trong lý tưởng tranh đấu chống lại làn sóng kỳ thị chủng tộc. Mẹ anh về với cha anh cùng bão tố bủa vây hai người. Về phía cha anh, cộng đồng da đen coi ông là phản bội, phía mẹ anh cũng không hơn gì, người da trắng coi bà là hiện thân của tội lỗi.
Cả hai bỏ một thành phố lớn miền Nam họ di cư về một làng nhỏ thuộc vùng đông bắc, ráp ranh Gia Nã Đại. Anh đã ra đời ở đây, thành phố “Winterport” quạnh quẽ này. Vùng New England vốn là cái nôi của nước Mỹ, vốn là nơi bảo thủ hơn hết, cái kỳ thị ở đây cũng khác hơn cái kỳ thị ở miền Nam, nơi đảng KKK với những mặt nạ trùm mặt, hoạt động như một hội kín, nửa đêm tràn vào nhà của người da màu bắn giết, đốt phá. Ở đây ba má anh chịu đựng vẻ mặt lạnh lùng của người hàng xóm, không bao giờ họ miệt thị ai ra mặt, có điều rõ ràng họ không hề thấy ba má anh, dẫu rằng đôi lúc họ cũng chào hỏi. Anh lớn lên trong bầu không khí lạnh lùng đó, nơi những đứa trẻ hồn nhiên của trường Hampden vui đùa chạy nhảy, thì anh thơ thẩn bên cội thông già.
Tất nhiên các cô giáo và các thầy giáo cũng đôi lần để ý đến sự cô quạnh của anh, song một vài giờ tìm hiểu đó, có kể gì so với cả một thời thiếu niên của anh. Anh nói tiếp là anh ghét tranh đấu, bởi tranh đấu đưa đến bạo động, đổ máu, cha anh phải chăng là một người tranh đấu cho nhân quyền? Thế mà ông đã bị đồng loại hắt hủi. Anh chọn thái độ san sẻ, chỉ cần một chút lòng nhân, người ta đã mang đến cho đồng loại thật nhiều an ủi. Vả chăng kẻ san sẻ cũng được đền bồi, bởi sự sung sướng hiện trên nét mặt những người thụ nhận. Anh ghét chiến tranh, song anh không a tòng với những người biểu tình phản chiến. Anh đón nhận những may rủi của đời sống, và cố gắng san sẻ cho người cùng khổ hơn anh.
Lần đó anh nhớ chăng tôi cười. Đây là lần đầu tiên tôi nghe và biết một “triết gia san sẻ”. Liệu nó có giống sự “san sẻ” của Liên Xô, Trung Cộng với miền Bắc Việt Nam, liệu nó có giống sự “san sẻ” của Hoa Kỳ với miền Nam Việt Nam chăng? Xưa kia người da đỏ phải chăng đã từng san sẻ thực phẩm cho người da trắng mới đến châu Mỹ này, để bây giờ Hoa Kỳ có một ngày lễ tên là “Thanksgiving”. Người da đỏ tốt thật, đã san sẻ thực phẩm, rồi cho luôn tính mạng, nhường luôn đất đai để lập cái quốc gia trù phú này.
Tuy nhiên có một điều anh thành công, qua một chút nhỏ về thân thế anh, tôi thấy lại một chút thiện cảm ban đầu. Tôi không thể sốt sắng tham dự, bởi vì tôi đã từ chối lúc đầu. Buổi sáng đó, tại nhà anh bạn giáo sư kia, anh, tôi và người chủ nhà cùng đồng ý với nhau một điểm: Thật khó có thể chuyển đến những đứa trẻ cùng khổ ở trong thị xã này. Thành phố khá đông dân, nhiều phức tạp. Vả lại chính tôi và anh bạn chủ nhà cũng không thích cái trò “san sẻ” ngay trong thành phố, nó có vẻ nặng phần trình diễn, chưa kể đến những dư luận đầy ác ý của tỉnh nhỏ có thể sẽ làm tôi choáng váng. Tại sao không đến những khu định cư: quanh thị xã BMT này biết bao ấp định cư, mà số dân chúng mỗi ấp tối đa cỡ một ngàn người, và như vậy số trẻ em cắp sách đến các lớp tiểu học trong ấp không thể vượt quá hai trăm.
Từ đó hầu như hằng tuần chúng tôi đi chơi với nhau một lần, khi thì sử dụng xe anh, thì thì ngồi chung xe tôi, cả ba lần mò trong các thôn ổ, từ những ấp định cư xa xôi như “Châu Sơn” đến các ấp gần sát phi trường Phụng Dực, từ khu “Chi Lăng” đến đồn điền cao su CHPI, ở đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những đứa bé mình trần rốn hở, vào những tháng mùa đông cuối năm, phong phanh một manh áo mỏng, ít tắm nên da dẻ cáu đen vì đất cát, mốc thếch như da trăn. Rồi xuân sang, hè tới, cái lớp da nâu mốc thếch kia mất đi, nhường chỗ cho những làn da nâu, bóng như sập gụ lên nước. Khí hậu ấm áp làm tụi nhỏ năng tắm táp nơi những dòng suối đã gột rửa cho chúng.
Tôi phải xin lỗi anh, bởi lẽ tôi vẫn giữ ý, tôi chưa hề đến Bungalow nơi anh ở, mặc dù nhiều lần anh khẩn khoản mời chào. Tôi nghĩ nếu tôi và anh bạn giáo sư kia không giúp anh, vẫn có nhiều người khác sẽ đến với anh với nhiều ẩn ý, ít nhất cũng là nhờ vả mua đồ PX, có thể to lớn hơn. Anh không biết được giá trị của một người Mỹ, nhất là một người Mỹ ở những nước như nước tôi, nơi đời sống dẫy đầy bất trắc. Thêm vào đó một điều, rõ ràng tôi biết anh làm việc thiện, song cảm nghĩ ban đầu của tôi về anh vẫn chưa biến mất hoàn toàn. Tôi đi bên cạnh anh mà vẫn dòm chừng động tĩnh.
Rồi một lần kia, anh nói với hai người chúng tôi là kể từ nay anh không thể xin tặng phẩm ở hai cơ quan “Care” và “Hồng Thập Tự” nữa, nhưng chúng ta không thể ngừng các việc làm bỏ dở, anh hiểu giá trị tiền tệ của nước tôi. Tôi và người bạn giáo sư kia thật tình lương tháng chỉ đủ ăn, đủ mặc, Anh cũng biết rõ giá trị của đồng “dollar” nhất là qua các PX, các hợp tác xã. Anh lãnh mỗi tháng bảy trăm đồng, anh quyết định dùng hai trăm cho riêng anh, ăn tại trại, ở Bungalow, không hút thuốc, ít nhu cầu anh nghĩ hai trăm với anh quả là rộng rãi. Năm trăm còn lại anh gửi hết để mua vở, bút, thuốc đánh răng, bàn chải, sà phòng loại rẻ.
Thời đó vào giữa năm 65, chưa có một PX nào trong thị xã BMT nên cứ cuối tháng anh lại nhận một xe hàng nơi phi trường nhỏ, nằm ngay đầu thị xã. Chúng tôi biết có cản anh cũng vô ích, bởi lẽ anh là người xướng ra cái triết lý “san sẻ” kỳ cục này. Chúng tôi cùng quyết định sẽ thưa dần làm việc với anh, bởi lẽ cái sự “san sẻ” này không mang lại một thay đổi nhỏ nào nơi quốc gia tôi. Một con én không thể làm nổi mùa xuân, một con chim bồ câu sao xốc vác nổi hòa bình giữa hàng triệu những cánh diều, cánh quạ. Phải cần một trăm ngàn, một triệu những chiến sĩ “san sẻ” như anh cho quốc gia này.
Mỗi thành phố phải có hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn những con người nhân đức đó thì thật sự may ra mới có thể thay đổi được bộ mặt hận thù của hai miền Nam Bắc nước tôi. Nới rộng biên giới ra khỏi quốc gia tôi, trên toàn thế giới này có hơn bốn tỷ con người, ít nhất chúng ta phải có sơ sơ một trăm triệu những chiến sĩ võ trang bằng tình thương đó. Anh bạn trẻ của tôi ơi! Anh có biết hiện giờ nhân loại có dư súng để võ trang cho cả tỷ người, Anh có biết trái bom nhỏ có sức nổ tương đương một trăm ngàn tấn thuốc nổ ở Nagasaki và Hiroshima không? Bây giờ anh có biết không, theo một bản thống kê của chính các anh, hiện nay số lượng bom nguyên tử trên toàn thế giới có thể chia đều cho mỗi người năm tấn thuốc nổ.
Từ đứa bé mới sinh ra, cho tới người già sắp chết, từ người mập phì ở quốc gia anh, đến người khẳng khiu vì thiếu ăn ở Ấn Độ, tính đổ đồng mỗi người nặng năm mươi ký lô, thế mà bây giờ người ta có những trái bom một trăm triệu tấn (100 mégaton), chỉ riêng hai nước Mỹ, Nga đã có thể cung cấp cho mỗi người, núp sau lưng năm mươi ký lô xương thịt đó là năm ngàn ký lô thuốc nổ. Rõ ràng là nhân loại đang đứng trên triền của hủy diệt. Anh bạn ơi, hẳn là anh không biết những đứa trẻ đáng thương kia nhận những món quà nhỏ từ tay chúng ta với nhiều hân hoan, nhưng có thể bố mẹ chúng đã nhìn ta ngờ vực. Rồi đêm xuống những người ở trong rừng mò mẫm vào các thôn ấp, chúng sẽ kết tội chúng ta là do thám, với đủ những danh từ tàn tệ. Anh có biết những viên thuốc “cloroquine” màu hồng để ngừa sốt rét không? Quân đội chúng tôi đã nhiều lần mang y tế về những nơi hẻo lánh, phân phát thuốc men cho dân. Nhưng những người áo đen, đi dép làm bằng vỏ xe hơi mòn đó đã bắt những con chó, cho uống một lúc ba mươi viên “cloroquine”, chập sau con chó chết, những người này nói với dân quê rằng họ đang bị đầu độc dần mòn. Ba mươi viên cloroquine thì voi cũng chết chứ huống gì chó.
Anh bạn ơi, chắc anh không để ý những thôn ấp buôn bản mà ta đến lần đầu dân tình cởi mở, hân hoan, nhưng vài tháng sau khi ta trở lại, tôi đã thấy những đôi mắt lặng lẽ, tôi đã thấy vài cử chỉ khả nghi. Bây giờ anh lại còn sử dụng cả tiền lương anh để chuốc lấy những phiền toái, tôi muốn chấm dứt ở đây, bởi lẽ cái kết quả sẽ đến với chúng ta như một định luật ắt có và đầy đủ, sau cùng chúng ta cũng “san sẻ” luôn tính mạng. Bây giờ tôi tránh đi làm việc thiện với anh ở nơi hẻo lánh. Tôi đã nói với anh nhiều lần về hoàn cảnh xung quanh. Song thật tình anh không hiểu, nguy hiểm đang rình rập quanh mình. Bây giờ tôi năng lại bungalow, thăm anh tại căn phòng nhỏ. Anh thật khác xa những tên cố vấn mà tôi đã gặp rải rác trong các đơn vị mà tôi đã phục vụ.
Phòng anh quạnh quẽ, không có hình ảnh lòe loẹt, không có hình phụ nữ khỏa thân. Tất cả đồ vật của anh gồm một cái giường nệm nhỏ, một cái giá đèn, một bàn viết, một kệ sách, một bức tranh tĩnh vật chụp lại, một dàn máy thâu băng nhỏ. Tôi bắt gặp Chopin bên cạnh Mozart, Beethoven bên cạnh Bach. Một cây đàn guitare mà cái cần gỗ bóng lên vì sử dụng nhiều. Nếu không có anh ngồi đây, tôi tưởng chừng tôi lạc bước nơi phòng của một người Á Đông, chắc chắn là một người Á Đông có tâm hồn yêu nghệ thuật thẩm mỹ.
Tại căn phòng này, nhiều lần anh nói với tôi về quốc gia anh, về sự phồn thịnh và cái mầm hỗn loạn của xã hội kỹ nghệ. Anh nói tới những căn bệnh tâm lý kỳ lạ của người da trắng. Còn tôi, tôi cho anh biết tôi có một người quen, ông này vốn là một trong những người kỳ cựu của Quốc Dân Đảng vùng thượng du Bắc Việt, hiển nhiên ông ta là một người quốc gia tích cực. Con cháu và đàn em ông vẫn mong ngày về quê cũ, họ vẫn hoạt động cho lý tưởng của họ. Họ không mấy tin tưởng ở chính quyền miền Nam, họ sửa soạn một vùng đất riêng khi miền Nam ngã quỵ…
Đoàn người lo xa này có mặt khắp nơi trong vùng, họ là những người đốn củi, họ là những người thợ rừng, họ là những tay buôn bán với người thiểu số, họ là những tay thợ săn lành nghề, và thủ lãnh của họ, người mà tôi quen khá thân cho tôi biết họ coi anh như một điệp viên hạng bét của CIA. Anh vô hại với họ, nhưng anh làm họ ngứa mắt. Ông ta còn cho tôi biết chẳng sớm thì muộn bọn Cộng Sản, bọn du kích tép riu, bọn bộ đội địa phương, có thể cả bọn chính quy Bắc Việt sẽ cắt cổ anh, như người ta cắt tiết một con heo. Lúc đó cá tính Tây phương của anh chồm dậy, anh giận run người, anh nói về lòng vô vụ lợi của anh. Anh nói lung tung.
Đợi cho anh nguôi cảm xúc tôi mới cho anh biết: Chiến tranh là một trò chơi bẩn thỉu của hai guồng máy. Những tay chơi phải chọn lựa một vị trí cho mình và tôn trọng luật chơi bẩn thỉu. Anh có thể tạo luật chơi bằng lòng “san sẻ” của riêng anh, nhưng chắc chắn các guồng máy sẽ cán bẹp cái luật chơi của tay chơi đơn lẻ, nó sẽ cán bẹp như ta di ngón chân lên một con kiến, êm ru, không một tiếng động. Anh không phải là một tay chơi nhà nghề, thôi đừng ném tiền qua cửa sổ rồi ném luôn cả sinh mạng xuống đáy vực. Dùng tiền làm một việc có ý nghĩa hơn. Mở lớp học cho mấy em đánh giày, ăn xin lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm, biết đâu chả có em ham học.
Và rồi lớp học đêm được mở ra, anh thuê một căn nhà rộng, buồn thay anh lại thuê một gã thông ngôn làm giáo viên cho những em trẻ lạc loài này. Tôi biết nhiều người thông dịch viên tư cách, họ làm việc cặm cụi với những quyển tự điển dày, song những thông ngôn thì mười anh hết năm, sáu anh đê hèn. Anh vồ đúng ngay phải một anh thông ngôn đê hèn hạng nặng. Gã dạy học thì ít, vòi tiền anh thì nhiều. Thôi thì sách vở bút mực dụng cụ văn phòng tiền điện nước ôi chao đủ thứ tiền. Cũng không thể hết được số năm trăm dollar. Dạo đó một người lính Mỹ chỉ bỏ ra hai trăm là thuê được một cô vợ và một căn nhà sáng sủa. Tôi là sĩ quan và lương tôi nếu tính theo tiền Mỹ thì cũng chỉ bốn, năm chục là cùng. Rồi lớp học là nơi tụi nhỏ vô lại tụ tập chửi thề, những đứa trẻ con nhà nghèo hiếu học rút lui, chỉ một tháng sau lớp học là chỗ người ta có thể mua bán đồ Mỹ.
Tôi không muốn dính vào anh thông ngôn này, nên lặng lẽ bảo anh đóng cửa lớp học, nếu không cứ đà này có một ngày kia anh sẽ bắt gặp bàn ghế biến mất, thay vào đó là những cái giường màn mỏng chung quanh, gã thông ngôn biến thành chủ chứa và dẫn mối là những đứa trẻ bất hạnh kia. Bây giờ người Mỹ đã thực sự tham chiến. Lính Mỹ đầy trên các ngả đường.
Lần đóng cửa lớp học này tôi thấy anh khóc, những vệt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt bất lực. Dần dà ý định trở lại với những đứa trẻ chắc nịch nơi thôn ấp xa càng ngày càng thôi thúc anh mãnh liệt. Tôi đã khẩn khoản can ngăn anh, và anh hứa với tôi sẽ đi đến những buôn bản, những thôn ấp an ninh tuyệt đối. Anh sẽ không đi quá vòng đai thị xã mười cây số. Lấy cầu mười bốn làm ranh giới về phía nam, lấy phi trường Phụng Dực làm ranh giới phía tây. Phía đông đầy rừng rậm không có một thôn ấp nào trong phạm vi mười cây số. Tôi biết anh thèm đi xa, và mong muốn được “san sẻ” tới càng nhiều nơi càng tốt. Một lần giúp anh thỏa mãn nhu cầu này, tôi đã mất cả tiếng đồng hồ để thuyết phục ông già Quốc Dân đảng kỳ cựu cùng đám con cháu, thuộc hạ của ông. Tôi và họ dẫn anh tới một ấp di cư Công giáo kề cận buôn Hô phía Bắc thị xã hơn bốn mươi cây số. Lần đó ra về anh sung sướng tràn trề.
Ấp Công giáo này đón anh với tất cả vòng tay mở rộng, không hề có những đôi mắt lạnh lùng nghi kỵ, không hề có nhũng hình bóng khả nghi. Anh đi làm chi đến tận Châu Sơn, đồng ý với anh Châu Sơn là một áp Công giáo di cư. Tại ấp an ninh tuyệt đối, dân tình cởi mở, trẻ em lễ phép, nhưng con đường từ thị xã tới Châu Sơn xa gấp ba lần mười cây số, anh phải băng qua buôn Dung, buôn này có tiếng là không hiền, anh phải băng qua những con đường mòn của xe be, anh phải đi qua một vùng tương đối thiếu an toàn. Người ta đã phục kích anh ở giữa đường đi, và những loạt đạn vô tình đã giết anh nơi khe suối.
Tôi tưởng tượng ra anh trên lộ trình. Buổi sáng Chủ Nhật đẹp trời, những con chiên ngoan đạo đang chờ anh ở nhà thờ Châu Sơn, anh thật trẻ trung, yêu đời và yêu người. Sáng rừng với tiếng chim hót líu lo, anh lên xe với niềm tin bạt núi. Sách vở, quà tặng đầy băng sau chiếc jeep, anh mỉm cười nghĩ tới những đứa trẻ đôn hậu mà anh sắp gặp. Anh miên man nghĩ và quên hai vệ đường. Cho dù anh có để ý đề phòng, anh cũng không kịp phản ứng.
Nhiều họng súng gườm sẵn, người ta ngó anh qua lỗ chiếu môn tới đỉnh đầu ruồi. Bóng anh lớn dần, lớn dần trên đường ngắm. Rồi một cái siết tay hờ hững. Anh chết tức khắc bởi những vết đạn nhỏ ở trước ngực, phá to phía sau lưng. Cái xe không người lái húc vào vách núi. Những người bắn anh bình thản ra về, họ không đốt xe, sách vở rơi đầy xung quanh xe, sà bông và kem đánh răng rải đầy mặt đất, họ muốn để y nguyên như vậy, cảnh cáo những người khác, thị uy với những người đã mở rộng vòng tay đón anh.
Tôi thương anh vô cùng và giận anh không ít. Tôi đã nói là anh không phải là một tay chơi thứ thật. Anh muốn “san sẻ” thì kiếm chỗ tương đối an toàn mà “san sẻ”. Chiến tranh là trò chơi của hai guồng máy, những bánh xe của guồng máy là những người không tim, luật chơi của những người không tim sẽ cán anh bẹp dí như một con kiến. Anh nhởn nhơ giữa “sân chơi” của hai guồng máy. Về phía những người bên kia, anh là một tên Mỹ xâm lược, với ông già Quốc Dân Đảng, người quốc gia yêu nước lại ngộ nhận anh là một tên dọ thám hạng bét. Ông đã nói cho anh biết là người ta sẽ cắt tiết anh, thế mà anh không nghe.
Đêm đó tôi ngủ tại nhà anh bạn giáo sư. Cả hai chúng tôi đều không nói, đều lầm lì, chúng tôi tự nghĩ phần nào có một chút trách nhiệm trong cái chết của anh. Bởi lẽ, nếu cứ để yên anh xoay sở giữa những tên thông ngôn vô lại, anh sẽ hệt như những người lính Mỹ trong tác phẩm “Thượng Đế Đã Chết Trong Thành Phố” của nhà văn Malaparte, của nước Ý sau đệ nhị thế chiến. Nếu như thế lòng “san sẻ” sẽ nguội dần nơi anh, chắc chắn anh sẽ bỉ thử dân Việt chúng tôi qua cung cách của những người lân cận anh.
Nào có sá kể gì, trong hơn hai trăm triệu người Mỹ có hàng triệu người đã đến nước tôi, mà rút cục các anh cũng chẳng hiểu gì ráo. Nhưng cũng không được, nếu thế anh sẽ dần dần trở thành những tên GI ngổn ngang ngoài phố, anh sẽ ngồi trên xe chạy rong mọi ngả đường. Anh liệng kẹo xuống đất cho lũ nhỏ, anh tung tiền cắc xuống mặt đường, rồi chụp hình kẻ đói tranh nhau. Bố anh, một người tranh đấu cho nhân quyền sẽ đau khổ thế nào khi biết anh làm vậy. Ôi, những đứa bé vô lại bất hạnh biết dường nào, chính chúng đã tự đạp lên nhân cách của chúng, vậy thì tại sao người khác lại chà đạp thêm lên?
Anh bạn giáo sư của tôi vốn là một tay ngoan đạo, anh ấy tự an ủi rằng anh sẽ lên Thiên Đàng. Chúa thấy anh xứng đáng nên gọi anh về nước của người. Tôi là một kẻ ngoài đạo, tôi không tin cả Chúa lẫn Phật. Nếu những vị này có thật, sao con người càng ngày càng tệ hại. Tôi còn trẻ, tôi chưa tin vào Thượng Đế, tôi ghét cái lý luận này.
Bởi tôi yêu mạng sống, nói thế không phải tôi hèn, nhưng từ lúc sinh ra, cho tới lúc lớn lên, con người đã trải qua biết bao khốn khó, bao cay đắng ê chề. Sống cho ra con người đáng sống lắm chứ. Chúa và Phật phải tuyên dương lòng nhân đức này, sao lại gọi về sớm. Thảo nào càng nhiều người sống lâu, nhân loại càng tiến xa trong vũng lầy tồi tệ. Nếu thế tại sao Chúa và Phật không gọi hết tất cả những bé sơ sinh về, ngay từ khi mới cất tiếng khóc chào đời, thì làm gì có một hài nhi tội lỗi.
Hôm sau chúng tôi tiễn anh về quê nhà, một lá cờ đầy sao phủ quan tài, mấy binh sĩ Hoa Kỳ bồng súng đi sau. Chúng tôi đứng trên bao lơn phi trường, nhìn người ta khênh anh chui vào lòng phi cơ đồ sộ. Không ngờ mười năm sau, tôi lại đứng ở ngưỡng cửa nhà anh, tôi lại ngồi nơi căn phòng khách nhỏ, một cái lò sưởi ở góc nhà, chỗ hai mươi năm trước, dĩ nhiên anh ngồi tìm một chút hơi ấm, trong lúc tuyết vần vũ bầu trời, và gió rít lên nơi những hàng thông mọc rải rác đầy vùng Bắc Mỹ.
Tôi ngắm lại bức hình kỷ niệm cũ. Dạo đó cả hai chúng ta đều còn trẻ, hai mươi ba tuổi đầu làm việc thiện với niềm tin bạt núi ở tương lai. Bức hình đã chụp chung nơi chân tượng Chúa, ngay cổng vào ấp Chi Lăng, một số trẻ em quây quần chung quanh. Chỉ trong một thoáng giây tôi thấy nước Mỹ lại thay đổi một lần. Ít ra ngoài những người Mỹ đã biểu tình, phản đối những người tị nạn Đông Dương trước Tòa Bạch Ốc, trước những công viên của các thành phố lớn. Họ mang biển đề “Only Ford want them”, những người Mỹ đã nhìn chúng tôi như một loài người từ hành tinh khác, đã dẫn con họ đến xem chúng tôi như weekend đi xem sở thú. Bên cạnh những người Mỹ làm việc thiện như một tín chỉ, đầu tư việc lên Thiên đường, ngoài những người Mỹ salesman, bán bảo hiểm, dealer xe hơi, ngoài những người Mỹ như Kissinger, Calley (*) ngoài những người Mỹ bịt mặt KKK… nước Mỹ vẫn còn những người chịu đựng một cách kiên trì như mẹ anh, tranh đấu cho nhân quyền như cha anh và lương thiện như anh.
Bây giờ anh đã chết, cha anh cũng không còn góp mặt với đời, chỉ còn một mình mẹ anh âm thầm chịu đựng những nhát búa đẽo dần mòn của thời gian, chịu đựng những kỷ niệm đầy ắp của căn nhà.
Tôi là kẻ mới tới đây, thật xa lạ với phong tục và tập quán, chúng tôi cần thiết một người bạn biết bao. Bây giờ tôi thấy tôi đã toại nguyện. Phần lớn người Mỹ khi sinh thời quá nhiều bận rộn, đôi người rảnh rang thì lại vì lý do này, lý do khác không thể kết thân. Bây giờ anh quá rảnh rang. Tôi vẫn không tin nhiều nơi Thượng đế, nhưng tôi tin chắc chắn con người có linh hồn. Bây giờ tôi chỉ có anh là người bạn duy nhất trên nước Mỹ này, đáng tiếc là anh đã chết. Điều đó có đáng gì bởi lẽ với đà sống hiện nay, thật tình con người chỉ là những thây ma còn sống động. Tôi sẽ năng viết thư tới anh, tôi cần anh để đàm đạo về đời sống này. Ta đã từng hiểu nhau, có dạo ta đã làm việc chung mỗi tối, đã từng cặm cụi bên đèn, xếp sách vở, bút mực, ống thuốc đánh răng, sà phòng vào những túi nhỏ, ta đã chung với nhau từng quãng đường. Ở đâu đó trong không gian này, những tế bào linh hồn anh sẽ nhận biết những gì tôi sẽ gửi tới anh.
Elbert thân.
Hẳn là anh ngạc nhiên khi nhận được thư này, tiếc là ta không được bắt tay. Tôi hiện trú tại nhà thờ Saint Gabriel, không xa nhà anh bao nhiêu, tháng tới tụi tôi sẽ dọn tới B1 Whiz Street, còn gần nhà anh hơn nữa. Khi nào anh về thăm má anh, về trong đêm tối, ngồi bên lò sưởi xưa, nhớ tạt qua thăm tôi, chúng ta sẽ nói với nhau bằng thần giao cách cảm.
Elbert thân. Mầm hỗn loạn chỉ có trong đời sống. Chỗ anh ở bây giờ hẳn phải là một vùng yên bình tuyệt đối, nên tôi chẳng có gì để chúc anh. Hẹn anh thư sau.
TB – Anh đã hứa với tôi một điều, không tiết lộ gì về tôi cho mẹ anh, tôi muốn sự giao thiệp giữa tôi và mẹ anh không bị những liên hệ chung, tình cảm với anh chi phối. Khi nào thuận tiện, thí dụ tôi không chịu nổi cái khí hậu khủng khiếp này, tôi sẽ phải rời đây, chừng đó có thể là lúc thuận tiện – bây giờ thì chưa.
Anh hứa với tôi điều đó nghe Elbert.

Winterport, ngày…
Elbert thân,
Khoảng hai tháng nay, từ sau lá thư đầu, tôi không có thì giờ rảnh. Vả lại tôi không thích viết thư thăm hỏi, nhất là thăm hỏi một người không còn hiện diện trên mặt đất này. Trước tiên trình bày sơ cho anh biết tình trạng hiện thời của gia đình tôi. Chúng tôi gồm mười lăm người, trong đó bà chị họ tôi và bảy đứa con, sáu gái và một trai, tất cả đều còn nhỏ, một đứa hiện ở lại trường Saint Joseph nội trú, ba đứa high school, học tại trường Hampden anh đã học xưa kia, ba đứa còn lại bé chít chiu như những con thỏ nhỏ. Ông chồng của bà chị tôi là một nha sĩ, kẹt lại trong lúc chen lấn xuống tàu. Kế đó tôi, bố mẹ, vợ con anh em chị em tôi không một người nào có mặt ở đây, toàn thể gia đình tôi gồm hơn bốn mươi người, chỉ có mình tôi là rời khỏi được Việt Nam. Kế đó là một anh bạn bác sĩ và hai người em ruột, một là sĩ quan Hải quân, một năm chót cùng trung học. Một cặp vợ chồng trẻ sinh viên. Cô em ruột bà chị họ tôi cũng kẹt chồng nơi bến tàu, và sau cùng một thanh niên độc thân, anh này là con trưởng của một gia đình mười bốn đứa em. Cũng như tôi, toàn gia đình kẹt lại ở Việt Nam.
Bây giờ tôi ở gần nhà anh lắm, từ bờ sông Penobscop nghĩa là từ nhà anh đến tôi chỉ độ nửa dặm là cùng. Chúng tôi phần lớn đã có việc làm, anh bạn bác sĩ hiện làm việc ở nhà thương tâm trí Bangor. Em anh ta, người sĩ quan Hải quân có một chân nơi tòa báo “Bangor Daily News”, dĩ nhiên là làm mấy việc vớ vẩn. Cô em bà chị tôi vừa học vừa làm tại phòng ăn sinh viên của trường college “Hudson”. Vợ chồng anh bạn sinh viên, chồng “hái táo” còn vợ thì cũng làm ba việc lặt vặt trong trường “Hudson” đó. Anh bạn độc thân còn lại có job ở một restaurant. Riêng tôi có việc ở một garage, chuyên sửa về ống khói xe hơi. Chị tôi ở nhà săn sóc toàn diện. Chị tôi không khai welfare, bởi lẽ ông cha Laplante, người đã bảo trợ chúng tôi nói rằng welfare chỉ dành cho tụi làm biếng, tụi hạ cấp. Tôi phải xin lỗi anh, ông ta có đề cập tới người da màu khi nói tới vụ welfare này. Vả lại ông còn nói chị của một bác sĩ thì không nên lãnh welfare, bởi dư luận tỉnh nhỏ vốn nhiều ác ý.
Ngoại trừ anh bạn bác sĩ thực tập trong nhà thương tâm trí, được lãnh lương cỡ sáu đồng một giờ, tất cả chúng tôi lãnh lương tối thiểu hai đồng ba một giờ, nghĩa là chúng tôi đủ sống với tài tiện tặn của chị tôi. Anh Elbert à, bây giờ tôi biết tại sao vẻ mặt nhẫn nại, đầy chịu đựng của mẹ anh. Con người đã lên được đến mặt trăng, nhưng cái tính đố kỵ, lòng ghen ghét, tập quán suy luận bởi thiên kiến sẽ vĩnh viễn còn lại với trái đất này.
Hồi này tôi bận lắm, mười lăm người có một cái xe, mua được do tiền trợ cấp một trăm đồng cho mỗi người khi rời khỏi trại. Đó là một cái xe cũ với giá năm trăm, lại có mình tôi biết lái xe. Như anh biết từ nhà anh tới Bangor đường dài mười hai dặm, chúng tôi làm việc rải rác khắp nơi trong thành phố, giờ giấc khác nhau. Mỗi buổi sáng chúng tôi dậy lúc sáu giờ, ăn điểm tâm ở nhà, rồi đi cho tới tối mịt mới về. Người lớn chịu đựng được, nhưng tụi nhỏ học ở trường Hampden sáng nào cũng ngồi chờ ở trường cả tiếng trước khi vào học, và chờ có khi hai tiếng lúc chiều về. Khoảng tháng nay anh chàng hái táo kiếm được việc khác, nhưng phải làm ca hai, nên mười hai giờ khuya tôi lại phải đón về, và như vậy một giờ mới lên giường ngủ được.
Hầu như mọi người lớn đều mất ngủ, mỗi người có một ưu tư riêng, có một cõi hồn vỡ vụn. Chúng tôi vẫn nghiến răng chịu đựng, chúng tôi cố vui. Bây giờ mùa đông đã bắt đầu về, với những cơn gió hú dài theo triền thung lũng. Màu vàng rực rỡ của mùa thu đã mất đi, bây giờ trời tối sớm, mới bốn, năm giờ chiều mà trời tối sầm, những hàng cây bắt đầu trụi lá, trơ ra những nhánh khẳng khiu vươn cao trong bầu trời xám xịt.
Nhiều lần tôi bắt gặp bà chị tôi và cô em khóc giấu, thỉnh thoảng những đứa nhỏ thấy mẹ khóc, chúng khóc theo. Mỗi người một xó, mắt đỏ hoe, căn nhà như rộng thêm ra, không còn có mái, không còn tường và nỗi buồn tưởng như bão hòa cùng trời đất. Tôi trình bày thật khéo léo cho chị tôi và cô em nghe về hoàn cảnh mỗi người. Ở đâu đó trong mỗi người chúng tôi, có một cái lò xo bị ép lại. Khi sức nén không đủ nó sẽ bung lên, nơi mỗi người, và vô tình những người khác bị ảnh hưởng. Cứ như thế có một lúc nào đó tất cả các lò xo của mỗi người sẽ bung ra, rồi không một ai đứng vững.
Từ đó chị tôi không khóc ở nhà, chiều chiều chị tôi lấy cớ đem đồ đi giặt, sấy ở một tiệm giặt cách xa bờ sông Penobscop một khúc ngắn, rồi chị tìm một tảng đá ven sông, và khóc cho tới khi trời tối mới về. Cô em tôi năng ở trường nhiều hơn, hết học thì chui vào làm việc phòng ăn, hết làm việc ở phòng ăn lại chui vào thư viện, kiếm một xó xỉnh nào đó rồi cũng khóc.
Anh Elbert à, cách đây hơn một tuần lễ, một người lính mũ xanh Mỹ tới chỗ garage tôi làm việc, sau khi biết tôi tới từ Việt Nam, anh ta cho biết anh ta cũng đã chiến đấu ở Việt nam, nơi trú đóng là Pleiku, cũng đúng vào lúc tôi đang chỉ huy một đơn vị chuyên môn nhỏ ở đấy. Rồi anh ta cho tôi xem một số hình anh đã chụp ở Việt Nam. Có một tấm hình trong đó hiện diện vài tên lính cũ của tôi, dĩ nhiên tôi đã giấu chân tướng với mẹ anh, thì tôi cũng nín khe trước mấy tấm hình không liên quan đến tôi. Anh chàng mũ xanh này, phải khác xa anh. Gã này là tay chơi thứ thiệt, lại chơi đúng luật của những guồng máy.
Cứ nghe qua gã kể về những trận đánh gã tham dự trong vùng cao nguyên, cứ nghe những tên A Sao, A Lưới, Ben Hét… là biết ngay gã là một “tay chơi của những tay chơi”. Gã mang đến cho tôi một tờ báo, trong tờ báo có một bài viết về Angola. Bài báo viết về trận chiến trộn chấu, ba bốn năm phe ở xứ này, nói tới những tay Mercenaires đơn lẻ của vùng Bắc Âu, nói tụi việc tham dự của Cuba, Nga, cũng như thái độ của nước Mỹ, và sự trợ giúp của Tây phương. Tôi thấy ngay được một điều trong bài báo, là sự cố ý vô tư của người viết, hướng dẫn dư luận Mỹ hãy ngủ yên trong sự phồn thịnh kinh tế hiện tại.
Chính ông Ford còn nói hãy quên đi Việt Nam, thì hiển nhiên nước Mỹ đã có sẵn thái độ. Nhưng “tay chơi” rõ ràng là người Mỹ, nhưng quả tình không biết một chút gì về nước Mỹ. Gã không muốn quên Việt Nam, gã bị “choc” nặng khi đọc mấy tờ báo của Cộng Sản, từ Nga, Trung Hoa, Đông Đức, Tiệp Khắc, những tờ báo chuyên về tuyên truyền này không thiếu gì ở nước Mỹ. Những bài báo này ca tụng Bắc Việt đã đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược, họ vẽ những tấm hình hí họa: một bộ đội Bắc Việt súng AK, dép Bình Trị Thiên, giẫm chân lên người một anh GI Mỹ to béo cùng với chiếc B52 khổng lồ. Gã giận điên lên vì nội dung của những bài viết, nào là nước Mỹ sau hai trăm năm lập quốc chưa hề thua một trận chiến tranh nào đã bị Bắc Việt, một địch thủ vừa nhỏ, vừa nghèo quật ngã.
Gã chửi thề như bọn vô lại ở nước tôi, gã nguyền rủa bọn chính khách ở Quốc Hội, bọn tướng lãnh ở Ngũ Giác Đài… Gã vẫn khăng khăng quân đội Mỹ đâu có bại trận, gã đâu có thua ở Khe Sanh, ở A Sao, A Lưới, ở Ben Hét, Chu Prong. Chừng như nhớ có tôi trước mặt như một tang chứng không thể chối cãi, gã nói gã đã thua ở… Quốc Hội. Câu này thì “tay chơi” có lý vô cùng.
Gã đúng là một thợ săn chuyên nghiệp, chỉ một thoáng gã đã nhìn ngay thấy nơi giương bẫy cùng sức mạnh của con thú.
Một tuần lễ sau “tay chơi” trở lại, gã đứng nhìn tôi chui đầu vào gầm xe, đang mở mấy con ốc của cái ống khói bể. Gã có vẻ băn khoăn, tay cầm một tờ “Time” cuộn tròn lại, gã đập tờ báo vào cái cản xe. Gã đi vòng vòng quanh xe. Tôi bận làm việc, vả lại tôi không nghĩ gã tìm tôi. Khi tôi làm xong, gã không kịp chờ tôi rửa tay, gã nhào tới, lật tờ báo có chỗ đánh dấu, đưa cho tôi đọc.
Thì ra lại một bài về Angola. Thái độ của nước Mỹ là phủi tay dĩ nhiên, các quốc gia khác của Tây phương cũng không muốn dính vào. Cuba có hơn mười ngàn quân tham chiến thật sự, với vũ khí dồi dào của Nga viện trợ. Tôi thấy một bản đồ của Angola với ba vùng rõ rệt, hai đầu do phe Cộng chiếm giữ. Phe thân Tây phương có một khoảng ở giữa. Hình như hai vùng đất do phe Cộng chiếm giữ có hai khuynh hướng khác nhau, một phe thân Tàu và một phe thân Nga.
Ngoài bài chính viết về tình hình chiến sự tại Angola, tờ báo có thêm một bài phụ bên cạnh, nói về các Mercenaires của Tây phương gồm một số các “tay chơi” ở các nước Anh, Đức, Bỉ, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan… Một hình chụp các “tay chơi” này lên phi cơ đi Angola. Ngoài ra nước Mỹ cũng có một văn phòng do các tư nhân mở, đăng báo cần tuyển mộ những “tay chơi” tham dự trò chơi ở Angola. Họ có phỏng vấn các tay mercenaires này và ghi lại được một số lý do tham dự. Có người nói ghét Cộng Sản, có kẻ nói yêu Tự Do, người khác vì óc phiêu lưu, có người vì được trả lương hậu. Vũ khí không đồng loạt. Tôi thấy một tương lai đen tối cho những “tay chơi” này, phần đông họ trẻ măng, cũng có vài tay nhiều tuổi.
Những “tay chơi” nhiều tuổi này mấy năm trước đã chiến đấu cho sự khai sinh quốc gia “Biafra”. Trong trận chiến tranh năm xưa họ đã tham chiến bằng những chiếc máy bay thô sơ của đệ nhất, đệ nhị thế chiến còn sót lại. Họ đã mua lại chiến cụ, vũ khí bằng giá rẻ mạt. Với một đội quân ô hợp, và bằng vũ khí đó họ chống lại một quốc gia được sự hậu thuẫn của một đế quốc. Họ bay thấp trong đêm tối, bất chợt nhào tới các phi trường rồi thả bom do họ tự chế bằng những hợp chất cháy. Họ biến cải những máy bay nhào lộn, gắn đại liên rồi chơi xả láng với những chiếc chiến đấu cơ tối tân của thời đại, đang nằm xếp hàng dài dưới đất. Những “tay chơi” này năm xưa đã lì lợm trong rừng, mỗi toán năm ba người cùng một số binh sĩ thiếu huấn luyện, thiếu ăn của tân quốc gia “Biafra” họ đột kích những đạo quân lớn. Hai năm với hàng triệu người ngã xuống, nhưng quốc gia “Biafra” cũng không được cấp giấy khai sinh, với hai triệu nhân mạng chết bởi bom đạn, bị đói ăn vì bị bao vây không có lương thực. Tôi đã được xem những tấm ảnh của những người bại trận này, cùng những trẻ em tay chân chỉ còn bằng cây sậy.
Những tay chơi còn sót lại băng rừng, vượt biên giới tới một quốc gia kế cận, rồi lần mò về lại Âu Châu. Những điều họ nói ra, làm Tây phương phải cúi gầm hổ thẹn. Bây giờ họ lại có mặt đi Angola, họ đúng là những “tay chơi” không thấm mệt.
Bây giờ Tây phương còn mải lo phát triển kinh tế, bán nhiều xe hơi, nhiều tivi, nhiều tủ lạnh, nhiều máy ảnh… trong khi khối Cộng lấn lướt ở mọi nơi. Lấn lướt từ tòa nhà Liên Hiệp Quốc tới khắp năm châu, bây giờ Tây phương vẫn còn dư vũ khí nhưng không còn nhiều can đảm, chỉ còn có những “tay chơi” để gỡ sĩ diện cho những hào quang cũ.
Chờ cho tôi đọc xong, gã cựu mũ xanh bảo tôi: “Đại úy, nếu mày chưa thấy mệt, nếu mày không sợ chiến tranh, tao muốn rủ mày đi xa”. Rồi không đợi tôi trả lời, gã đập lên vai tôi và tiếp: “Mày ở đây chui vào gầm xe một ngày tám tiếng, lãnh lương chết đói. Ở Angola ta sống lại ngày cũ, có quân lính trong tay, có súng dao quanh người, và… bọn Bắc Việt có mặt ở đó”.
Đột nhiên tôi chóng mặt vì mấy tiếng sau này. Anh Elbert à, tụi tôi thua kỳ lạ quá. Hai, ba quốc gia kế cận sụp đổ trong một tháng trời ngắn ngủi. Hệt như bị đánh bạc lận, hệt như một võ sĩ lên đài, bị bịt mắt trong hiệp sau cùng. Bọn chính khách nước anh, bọn báo chí Tây phương đầy thiên vị, bọn tay sai ở nước tôi đã âm thầm sửa soạn cái hiệp sau cùng này. Chẳng những bọn chúng đã bịt mắt chúng tôi, mà hầu như cả thế giới tự do này cũng bị chúng thổi bùa mê vào mặt.
Như tôi đã nói với anh, gã “tay chơi” này có hạng, gã đánh một đòn chí tử với tôi. Tôi thấy máu trong người tôi chảy mạnh, tôi thấy trong một chớp mắt, những người dân xứ Quảng nước tôi chết la liệt trên Đại Lộ Kinh Hoàng năm 72, tôi nghĩ đến hình ảnh sau cùng của trận chiến, những túi người khổng lồ ở Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh, hành lang máu liên tỉnh lộ 7, những chiếc bè đói khát, những chiếc bè tới bến chỉ còn toàn xác người. Trong hiệp cuối cùng của trận đánh ở nước tôi, anh võ sĩ bị bịt mắt quờ quạng, càng lùi càng hở.
Bọn toa rập bịt mắt làm như vô tư, khán giả vỗ tay reo hò tở mở. Rồi những ngày ê chề ở Guam, những ngày cay đắng ở trại Indiana Town Gap, những kẻ biểu tình với những hàng chữ “Only Ford want them”, những người Mỹ đã thăm gia đình tôi như dẫn con đi xem sở thú. Rõ ràng tôi thấy ở đây chỉ có ê chề, bây giờ bộ đội Bắc Việt có mặt ở Angola, tôi muốn gặp lại những người đã đốn ngã chúng tôi, đã đánh chúng tôi túi bụi trong lúc chúng tôi bị bịt mắt. Tôi nói với “tay chơi”:
– Tao không ở đây một mình, tao còn có bà chị và mấy cháu nhỏ quá, tuy nhiên tao cũng muốn đi xa, tao chịu không nổi cái Thiên đường Bắc Mỹ này, cái tự do quá độ là đầu mối cho hỗn loạn, là khởi đầu cho lòng ích kỷ. Tuy nhiên tao cần hai ngày để suy nghĩ trước khi quyết định.
“Tay chơi” đi ngay, gã nói với tôi là gã chờ tôi ba ngày, gã không còn nhiều thời gian, gã sợ đến nơi thì trận chiến đã ngã ngũ.
Anh Elbert à. Đó là lý do tôi muốn đàm đạo với anh, đó là nguyên nhân trực tiếp lá thư này. Tôi biết anh không đồng ý, anh là người đề xướng triết lý “san sẻ”. Anh ghét chiến tranh, nhưng cuối cùng anh đã làm được cái gì? Bọn giết anh nơi khe suối trong ngày Chủ Nhật đó, bây giờ đang có mặt ở Angola. Bây giờ là “thời của những kẻ giết người”. Tôi chỉ thấy những người dân Trung Hoa bơi qua eo biển tới Đài Loan, tìm mọi cách để sang được tô giới Hồng Kông, những người Đông Đức leo qua bức tường ô nhục, những người Cuba, Hung, Tiệp, Lỗ Ma Ni, Ba Lan tìm mọi cách để vượt khỏi những vòng đai biên giới. Tôi chưa hề thấy một người bình thường nào tìm cách lọt vào các quốc gia xã hội chủ nghĩa, chẳng có tên nào vượt biên giới tới Nga, chẳng có tên nào từ Tây Bá Linh leo tường sang phía Đông.
Từ sau cái hiệp ước Yalta bẩn thỉu, Tây Phương đã nhượng đứt Đông Âu cho nước Nga, bây giờ nhượng vùng Đông Nam Á. Phi Châu hiện đang là nơi thử lửa, nước Mỹ bịt tai, Anh, Pháp… quay mặt. Mỹ lại đương rút quân ở Phi Luật Tân, Đại Hàn, Thái Lan. Bây giờ Tây phương chỉ còn một số “tay chơi” lì lợm.
Tôi biết rồi cũng chẳng tới đâu, con số “tay chơi” này so với khối nhân lực của Nga Sô, Trung Hoa chỉ là một hạt cát trong sa mạc.Tôi chưa nói tới sự chênh lệch của vũ khí.
Anh Elbert à, bây giờ là “thời của những kẻ giết người”, chưa phải là thời của những kẻ vị tha và muốn san sẻ như anh. Nếu không chiến đấu chống lại bọn giết người thì lòng tốt không có đất đứng. Mà chiến đấu chống lại bọn giết người này, có thể một ngày kia tận thế. Bởi bây giờ người ta không còn dùng cung tên, giáo mác, bây giờ người ta nhận nút, chết hàng triệu người. Tây phương rõ ràng là sợ cuộc chiến tương lai, nhượng bộ từng vùng đất. Bây giờ mới chỉ có một nửa thế giới là nhà tù, bây giờ mới chỉ có một nửa nhân loại ngộp thở. Chẳng bao lâu nữa Mỹ, Anh, Pháp… chỉ là những ốc đảo tự do của thế giới tù ngục, rồi sau đó không xa, toàn thể nhân loại sẽ chìm trong nô lệ.
Anh Elbert à, nhân loại đã chịu hai cuộc cách mạng lớn. Cuộc cách mạng nhân quyền ở nước Pháp năm 1789, với giai cấp chính là nông dân chống lại sự bóc lột của giai cấp tăng lữ và quý tộc. Cuộc cách mạng thứ hai là cuộc cách mạng vô sản ở nước Nga, mà giai cấp chính là công nhân. Hai cuộc cách mạng không toàn hảo này đã đưa thế giới đến tình trạng hiện tại, bởi lẽ những người trí thức chưa thật sự dấn thân qua hai cuộc cách mạng đó. Vào thời đó trình độ dân trí của nhân loại chưa cao, người trí thức chỉ là những cá nhân đơn lẻ, đã góp mặt với các trào lưu cách mạng như những cố vấn, như những chuyên viên.
Khắp nơi trên thế giới, người trí thức càng ngày càng đông đảo, họ đang tập họp để làm một cuộc cách mạng mới. Tôi không biết trung tâm cách mạng tương lai ở đâu, nhưng nếu chuyện đó không xảy ra, thì tương lai nhân loại thật tình là đen tối với bọn đồ tể của thời đại mới. Phải chấp nhận đương cự chờ những luồng gió tư tưởng mới thổi mát địa cầu. Cả thế giới bây giờ là những lò lửa.
“Tay chơi” nói đúng. Thời gian quả là cấp bách. Gã tìm tôi ba ngày sau, tôi chưa giải quyết được việc gia đình, cả nhà vẫn chưa ai lấy được bằng lái xe, còn cả ngàn việc vặt cho một cuộc định cư mới, trong một xứ sở mới. Tôi khất gã thêm vài ngày nữa. Chưa biết người ta có nhận tôi không, một kẻ thất trận, một kẻ kiệt sức. “Tay chơi” không chờ được lâu, gã để lại cho tôi những chi tiết của phòng tuyển mộ. Trước khi từ biệt, gã nhìn sâu vào mắt tôi và nói: “Đại úy, nếu mày thu xếp kịp việc gia đình thì tới ngay. Ta chẳng còn bao thì giờ”. Gã siết chặt tay tôi, rồi hấp tấp bước đi. Tôi nhìn sau lưng gã. Gã ngửa mặt nhìn trời, bầu trời chớm đông buồn bã, những hàng cây trụi lá của thành phố Bangor như vươn cao.
Tự nhiên tôi nhớ tới đồn Alamo, tới Davy Crockett, và cái mũ đuôi chồn của ông ta, và James Bowie với con dao nổi tiếng. Tôi nghĩ tới những chiến sĩ vô danh, những tay súng quả cảm của hơn thế kỷ trước, đã cùng với Crockett, Bowie chiến đấu cho sự trường tồn của nước Mỹ, bảo vệ đất đai tổ quốc họ. Họ được coi là những người ái quốc, những người anh hùng, họ sống mãi với nước Mỹ. Bây giờ người ta gọi những người tình nguyện tới Biafra, Angola là những mercenaices, nghĩa là những kẻ đánh thuê, giết mướn.
Alamo là một tiền đồn của nước Mỹ, trước đây chục năm người ta gọi miền Nam Việt Nam, miền Nam Cao Ly và Đài Loan… là những pháo đài Tự Do, là những tiền đồn chống Cộng. Rồi người Mỹ đã đổi những tiền đồn này để có những thị trường đông dân, cũng như để vững tâm khai thác dầu lửa ở Trung Đông. Bây giờ tự do của một nước khác, đối với nước Mỹ đâu có quan trọng bằng dầu hỏa. Nước Mỹ có hơn một trăm triệu chiếc xe hơi, họ cần dầu hỏa là phải. Tự do của một anh đa den ở tuốt Phi Châu đâu có làm cho xe hơi chạy được, đâu có làm cho các xưởng kỹ nghệ hoạt động. “Tay chơi” vẫn lầm lũi lên đường, những chiếc xe hơi lộng lẫy vẫn lướt qua.
Trễ thật anh Elbert ạ, gần ba tháng sau gã trở về. Tôi có đọc báo để biết được số phận của Angola, biết được cái kết quả tất nhiên dành sẵn cho những “tay chơi” của thời đại mới. Nhiều người ngã gục trong rừng rậm Phi Châu, một số sống sót trở về với lòng buồn thảm. “Tay chơi” không bao giờ nói với tôi về Angola, thỉnh thoảng gã rủ tôi đi uống rượu. Chúng tôi thường ngồi ở quán bên bờ sông, nhìn tuyết rơi lặng lẽ, nhìn mặt sông đóng băng. Cuối tuần gã với tôi thường lang thang những nơi quạnh quẽ.
Cả nước Mỹ này tôi có hai người bạn. Anh thì đã yên nghỉ trong một nghĩa trang ven biển Thái Bình Dương, anh thì đã yên lặng hoàn toàn. Còn “tay chơi”, gã chẳng bao giờ mở miệng, gã không chịu nói. Anh võ trang bằng tình thương, anh góp mặt với đời quá sớm, anh sống trong “thời của những kẻ giết người”, khi cuộc cách mạng trong tương lai, cuộc cách mạng của toàn thể nhân loại chưa xảy ra, anh đã nằm xuống. Còn gã, gã võ trang bằng lòng quả cảm, gã góp mặt trễ quá, gã đã không có mặt ở Alamo, gã đã không đứng dưới cờ của miền Bắc trong thời Lincoln, nên bây giờ người ta gọi gã là mercenairy. Gã vừa sống sót trở về, câm nín, mệt mỏi và buồn thảm, gã cũng như đã chết. Cả hai người bạn của tôi đều lỡ thời với nước Mỹ này. Thời bây giờ lòng nhân đức và tính quả cảm không còn đất đứng.

Anh Elbert thân,
Từ hôm dọn sang nhà mới tụi tôi không phải đi tắm nhờ, tuy vậy hầu như mỗi cuối tuần tôi đều sang thăm mẹ anh, lần nào tôi cũng đứng tần ngần trước tấm ảnh. Mới có mười năm, mới có mười năm mà sao tôi tưởng chừng một thế kỷ đã qua. Bây giờ mùa đông đã thật sự về với những trận bão tuyết cuồng nộ. Như anh biết, tôi làm việc cho một cây xăng chuyên chữa về ống khói, những lúc không có xe để chữa, tôi ra ngoài phụ bơm xăng, cái nhiệt kế điện của nhà băng phía bên kia đường, ít khi lên khỏi số không, ngay cả những lúc có mặt trời.
Tôi rất sợ những hôm vắng khách, gió từ vùng Bắc cực thổi về, luồn qua những hàng cây trụi lá, tuyết rơi lặng lẽ trên đường, bầu trời như muốn đổ xuống, tôi muốn ngộp thở trong vòm trời này. Tôi như tê cóng không phải vì cái giá lạnh của vùng New England, lạnh của trời đất không dễ gì làm tôi quỵ.
Tôi đứng vững những ngày đầu, rồi bỗng nhiên tôi lao đao trước những cơn gió nhẹ. Những trận gió thật nhẹ, thổi những bông tuyết tụ trên các tàng cây thông rơi lả tả xuống mặt đường. Vài lần tôi bỏ việc giữa trưa, lái xe đến một chỗ nào thật vắng, dọc theo xa lộ 95, dọc theo những con đường thơ mộng, những con đường nhỏ, vào mùa thu là những rừng núi đỏ, mà “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Thế mà bây giờ là mùa đông, trời đất như để tang ai, toàn một màu trắng xóa của tuyết, một nền trời xám của mùa đông, và những hàng cây trụi lá như những bộ xương khô. Đôi lần tôi bắt gặp tôi khóc. Tôi chỉ biết mình khóc, khi những giọt nước mắt lọt qua đôi môi khô, làm lưỡi tôi mặn. Trong lúc những giọt nước mắt lăn trên gò má, tôi không hề biết tôi đang khóc.
Tôi luẩn quẩn với ngàn câu hỏi trong đầu – Tại sao tôi ở đây? Đây là đâu? Gia đình tôi đâu? Bố mẹ tôi đâu, anh em tôi đâu, vợ con tôi đâu, bằng hữu tôi đâu, nhà cửa tôi đâu?
Sức đề kháng nơi tôi mỗi ngày mỗi yếu, cái lò xo lâu ngày bị ép chặt nơi tôi sắp sửa bung ra. Bây giờ tôi uống rượu nhiều, hồi anh còn sống, chúng ta đã có lần nhậu với nhau vài ly rượu nhỏ, những ly rượu làm hồng tuổi đôi mươi, như để tự tán thưởng sau mỗi bận rộn, lần mò trong các buôn bản, thôn ấp. Bây giờ mà anh thấy tôi uống rượu chắc anh phải chạy. Mỗi lần lãnh lương hơn tám chục đồng. Tôi đưa chị tôi gần hết, giữ lại mười, mười lăm đồng để mua rượu.
Có đêm tôi uống hết gần nửa galon vang, có ngày nghỉ tôi uống nguyên một chai rượu nặng.
Bây giờ thì tôi biết chắc chắn cái câu “uống rượu tiêu sầu” là sai, càng uống tôi càng buồn thấm thía. Đến một lúc nào đó, tôi tan trong nỗi buồn mênh mông, hệt như muối tan trong nước, tới một độ nào đó thì bão hòa, đọng lại phía đáy ly. Tôi cũng vậy, mới đầu tôi định dùng rượu như một liều thuốc ngủ vô hại, rồi càng uống càng tỉnh, càng uống càng buồn. Nỗi buồn tỏa ra, bay hơi, bão hòa cùng nền trời xám, cùng hàng thông xanh, cùng màu tuyết trắng, đọng lại trên giường là… tôi, môi khô, miệng đắng, tay chân nặng, máu chảy nhanh, tim đập mạnh, và ác thay thần trí vô cùng tỉnh táo.
Tỉnh táo để thấy bà chị tôi canh chừng, săn sóc tôi một cách lặng lẽ, cô em gái ra vào lấm lét, anh bạn bác sĩ và mấy người bạn lầm lì bên cửa sổ, mấy đứa trẻ không cười. Cái khủng khiếp nhất là sau khi tỉnh dậy, trở về với thực trạng, tôi bắt gặp tôi như một người người nào đó trở về từ cõi chết. Tôi oán trời trách đất, nguyền rủa Thượng đế, nguyền rủa Chúa, Phật
.
Winterport, ngày… 
Elbert thân.
Bây giờ đã giữa tháng 11. Bangor và vùng phụ cận như mang một bộ mặt mới. Người ta sơn phết lại nhà cửa, người ta bầy biện lại cửa hàng khắp các tiệm bách hóa lớn, và cả những hiệu buôn nhỏ đều treo những bảng hạ giá. Chắc anh đã biết dân chúng đang sửa soạn ngày Tạ Ơn – dường như đã có lần tôi đề cập với anh về cái ngày lễ Thanksgiving. Tôi đã đề cập với anh tới những người đa đỏ, chủ nhân trước tiên của giải đất Bắc Mỹ này. Vài thế kỷ trước, họ là những chiến sĩ quả cảm, chất phác và đồng thời cũng là những người láng giềng đầy lòng tốt. Họ đã mở rộng vòng tay đón tiếp những người di dân tới từ Âu Châu.
Mà những đợt di dân đầu tiên này phải chăng là những người đã từ bỏ xứ sở mình vì nhiều lý do, họ là những tù nhân bị phát vãng, họ là những tay phiêu lưu mạo hiểm, những lái buôn, những người đi tìm vàng. Ngoại trừ một thiểu số rất ít ra đi vì lý tưởng tự do, hay vì nguyên nhân tín ngưỡng. Thành thật mà nói, những người đầu tiên đến đây phần lớn đều bất hảo, dưới con mắt của quốc gia họ. Thế mà những người da đỏ đã đón tiếp không nghi kỵ, đã nhường lương thực, đã chia sẻ những khốn khó ban đầu, lâu dần những người mới tới mỗi lúc mỗi đông, mỗi lúc mỗi giàu, và những người da đỏ, mỗi ngày mỗi ít đi, thực phẩm, muông thú mỗi lúc mỗi khan hiếm, càng ngày họ càng bị dồn tới những hẻm đất chết.
Bây giờ khắp nước Mỹ này còn lại được bao lăm những chủ nhân nguyên thủy. Xưa họ là những chiến sĩ quả cảm, những người láng giềng tốt. Bây giờ họ chỉ còn là một thiểu sổ rất nhỏ, và nếu muốn sống đời sống của tổ tiên họ, họ đã bị giới hạn trong những khu vực hạn chế, giờ đây quả tình họ là thành phần thiểu số buồn thảm.
Elbert thân,
Dù sao tôi cũng được một ngày nghỉ lễ “Tạ Ơn”. Đối với hơn trăm ngàn người Việt chúng tôi đến đây sau cả vài thế kỷ, có lẽ cũng có vài người “Tạ Ơn” với cả lòng thành.
Hồi mới tới Guam, tôi biết có người đã quỳ xuống và hôn lên mặt đất. Có lẽ họ sẽ là những người Việt đầu tiên hăm hở với đời sống mới, sẽ háo hức với lễ “Tạ Ơn” này, ngày đó họ cũng sẽ có “turkey” đút lò và mời hàng xóm tới dự. Lại nói tới hàng xóm, hy vọng anh còn nhớ gia đình Jay Pooler, cách nhà anh độ bốn căn, ông ta đã tới nhà tôi hôm qua để giải thích về ngày lễ này, và cũng mời tụi tôi tới dự party ở nhà ông ta trong dịp đó.
Cảnh thì giống như xưa, như những người da đỏ đón tiếp tổ tiên của ông Jay Pooler, chỉ có người và tâm trạng là khác. Chúng tôi đến đây không phải là tù nhân phát vãng, không phải là những người phiêu lưu mạo hiểm, không phải bị kỳ thị về tôn giáo, cũng không phải tới đây vì lý do kinh tế, vì miếng cơm manh áo – chúng tôi tới đây do lỗi lầm của chính chúng tôi, đã làm mất phần đất chúng tôi đã gầy dựng.
Nhiều người trong chúng tôi, nhất là những kẻ có địa vị và chức tước quai mồm ra chỉ trích người khác, để chạy tội mình. Những kẻ đó bề ngoài ra vẻ xót xa buồn tủi, nhưng chân ướt chân ráo tới đây có kẻ đã tậu được nhà, dẫu chỉ là nhà trả góp. Bên trong những ngôi nhà đó tôi biết họ sẽ là những kẻ hưởng lễ “Tạ Ơn” với cả lòng thành. Chính họ là những kẻ đã chạy tội mình và to mồm chỉ trích những người khác, đổ lỗi cho chính sách của Mỹ.
Tôi biết lỗi của cá nhân tôi, cho dù tôi chỉ là một sĩ quan nhỏ, chỉ huy một đơn vị không quá hai trăm người. Nhưng rõ ràng chính tôi, đúng chính tôi đã góp một phần nhỏ vào sự sụp đổ của chúng tôi. Tôi không oán trách người Mỹ, bởi không ai có thể trách ông hàng xóm đã ve vợ mình, nếu mình không biết cách giữ cô vợ mình. Nhưng tôi cũng không thể “Tạ Ơn” được. Bởi lẽ đó tôi cũng sẽ không thể đến nhà ông Jay Pooler, cho dù mỗi thực khách đến ăn khi ra về còn được cho quà tặng.
Elbert thân.
Bây giờ chắc nhà ông Jay Pooler đông lắm, dễ thường có cả trăm người. Trong đó thật tội nghiệp cho một vài người Việt lặng yên ngơ ngác, làm cái đích cho mọi người quan sát. Tất nhiên có nhiều bạn ông Jay Pooler vừa tội nghiệp vừa dè bỉu, khinh khi. Tôi không đến đó, vì tôi đoán được cảnh đó. Vả lại hồi xưa anh đã biết tôi không thích đám đông. Hồi này tôi thích những chỗ thật vắng, ở những chỗ vắng này tôi có thể suy nghĩ, không làm phiền ai, cũng như không ai có thể phiền trách mình. Do đó giờ này tôi ngồi đây, trong cái đồn “Fort Knox” được xây cất cách đây hai thế kỷ.
Chắc anh không lạ cái đồn bỏ hoang này, đây không phải là chỗ lưu trữ vàng cho nước Mỹ. Ngay cả người Mỹ nếu không sinh trưởng ở vùng này, chắc ít người biết đến cái đồn “Fort Knox” này. Nó đã bị bỏ hoang, và bây giờ người ta trùng tu lại để du khách đến xem một di tích lịch sử.
Đồn nằm trên một ngọn đồi, cách cửa biển của dòng sông Penobscop không xa. Cách đây hai thế kỷ, đồn binh này là một vị trí chiến lược quan trọng. Chính nơi đây các tàu buồm có thể ra vào dễ dàng, và xuôi theo dòng sông đó quân đội Anh, Pháp có thể tiến sâu vào vùng Bắc Mỹ hàng vài trăm dặm. Cách đây hai thế kỷ thì đây phải là một đồn binh quan trọng, nó có thể chứa vài trăm lính.
Cứ xem vòng đai phòng thủ, cách bố trí những khẩu trọng pháo nhìn ra cửa bể, có đến hai mươi khẩu lớn nhỏ ngay trên những bức tường đất quanh đồn. Và bốn khẩu thật lớn nằm trong bốn ụ giữa đồn. Những ổ súng vẫn còn đó, bây giờ người ta sơn trắng nên trông giống những súng giả. Nhưng chắc chắn nó là súng thật, vì bên cạnh những ổ súng này, những quả đạn thời xưa còn chất đống, có cả những cây thông nòng. Riêng bốn khẩu thật lớn nằm giữa đồn, người ta để nguyên màu đồng đen bóng loáng. Nòng súng dài thậm thượt hướng lên cao.
Bây giờ là ba giờ chiều của ngày lễ “Tạ Ơn”. Một mình tôi giữa sân đồn cũ, tôi đi về phía những căn phòng của binh sĩ trú phòng. Tất cả các phòng đều trống trơn, tôi leo lên ngồi ở thành một cửa sổ nhìn ra biển. Nước với trời trong vắt. Vài con tàu cũ buông neo nằm yên trong vịnh, không một tiếng động, ngay cả tiếng chim. Tôi ngồi yên ở đây để nghĩ về tôi, dần dần tôi không còn nghĩ tới tôi nữa.
Cặp mắt tôi chạm phải cái nghĩa địa của quân trú phòng. Nghĩa địa bị khuất do địa thế xoai xoải của ngọn đồi, bây giờ tôi mới thấy nó nằm xuôi theo con dốc về phía cửa biển. Những cây thập tự cắm ngay hàng thẳng lối. Không nhiều, chỉ độ vài chục ngôi mộ, tôi nghĩ đến cái đồn binh này, tôi nghĩ đến nước Mỹ và hai trăm năm lịch sử của nó.
Không kể tới những trận đánh thôn tính người bản xứ, những người da đỏ Commanche, Apache, Navajo, Sioux… Không kể những trận lặt vặt với người Mễ ở phía Nam, nước Mỹ có hai trận chiến tranh diễn ra tại đất nước này: Đó là trận chiến do Washington lãnh đạo chống với người Anh để đặt những viên gạch đầu tiên cho nền tự trị, và trận chiến thứ hai do Lincoln đề xướng, chống lại miền Nam ly khai để giữ cho nước Mỹ không bị chia đôi. Quả tình nước Mỹ có nhiều may mắn, ít khi bị chiến tranh tàn phá. Có lẽ vì vậy mà theo thời gian, khi dần dần nước Mỹ bành trướng, phương tiện càng dồi dào, vị trí của đồn binh này càng lúc càng ít quan trọng cho tới lúc bị bỏ hoang.
Mỹ cũng có tham dự nhiều trận chiến khác, như Thế Chiến I và Thế Chiến II. Chiến tranh Cao Ly và chiến tranh Việt Nam. Trong những trận đánh này bom đạn rơi vào đầu các dân tộc khác, để cho nước Mỹ được giàu và mạnh thêm. Tôi nhắc lại là không hề oán trách người Mỹ. Chỉ ngồi ở nơi đây, trong cái đồn cũ này tôi nghĩ tới tôi, tôi nghĩ tới cái chỗ mà tôi sẽ phải trải hết nửa đời còn lại, tôi nghĩ tới nước Mỹ giàu có, thịnh vượng. Tôi nghĩ tới chiến tranh và hòa bình. Tôi nghĩ tới tương lai của một cá nhân đơn lẻ là tôi và tương lai con người nói chung.
Bây giờ ngọn lửa chiến tranh đang bộc phát ở Phi Châu, ở Angola, ở Ethiopia, đang âm ỉ và không bao giờ tắt ở Trung Đông, và manh nha xuất hiện ở Trung Mỹ. Biết đến bao giờ nhân loại, tôi muốn nói toàn thể dân chúng trên mặt đất được hưởng những ngày yên bình thật sự, những ngày không tiếng súng. Biết đến bao giờ mọi vũ khí đều xếp lại, mọi đồn binh đều bỏ hoang như đồn “Fort Knox” này. Bây giờ mức độ chiến tranh tàn phá không có thể lường được. Cung, tên, giáo, mác, gươm đao mỗi lần đụng đến chỉ giết được một vài mạng. Bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki đã lỗi thời. Tôi e rằng “Einstein” cha đẻ của bom nguyên tử đã nói đúng, khi phát biểu: “Tôi không biết người ta sẽ dùng vũ khí nào cho thế chiến thứ ba, nhưng đến thế chiến thứ tư, thì vũ khí của con người là cái chày bằng đá”.
Chính nơi cái đồn bỏ hoang “Fort Knox” này, tôi cảm nhận được một điều. Thế giới mỗi ngày một chật, nhân loại mỗi ngày một đông và nguồn thực phẩm do bà mẹ thiên nhiên cung ứng mỗi lúc phải chia cho nhiều miệng ăn, nên cảm giác thiếu hụt mỗi lúc thêm trầm trọng. Chính do cảm giác thiếu hụt thực phẩm này đã là một nguyên cớ cho những tranh chấp giữa những con người, giữa những bộ lạc, giữa những quốc gia…
Tôi vẫn tin vào sự điều hòa của thiên nhiên, tôi vẫn tin là trái đất sẽ nuôi nổi mọi sinh vật sống trong bầu khí quyển này. Chiến tranh để giành giựt thực phẩm, tài nguyên gây ra bởi lòng tham của chính… con người, và trái đất, bà mẹ chung của mọi sinh vật nếu có bị hủy diệt, thì không phải là va vào một hành tinh nào khác, mà bởi vì chính con người đã làm hỏng môi sinh, đã tạo những đổ vỡ, những thiêu hủy cũng như những tàn sát mọi sinh vật kể cả… con người.
Dễ đã bốn giờ chiều, có một lúc tôi thoáng nghĩ đến quang cảnh nhà ông Jay Pooler và bữa tiệc đông thực khách của ông. Tôi làm sao có thể đến đó với tấm lòng dửng dưng không mặc cảm. Và tôi biết chính ông Jay Pooler, cũng như nước Mỹ cũng có mặc cảm về trận chiến ở nước tôi. Đối với nước Mỹ, không ai có thể chối cãi được một điều: Khi nước Mỹ muốn hiện diện ở Đông Nam Châu Á, họ đã làm mọi việc cần thiết, gián tiếp hất người Pháp ra khỏi Đông Dương, giúp chế độ của ông Diệm dựng lên miền Nam như một tiền đồn chống Cộng.
Khi ông Diệm ý thức được về sự trực tiếp nhúng tay của người Mỹ vào nội bộ Việt Nam, sẽ đưa miền Nam tới một trận chiến mới. Chống lại sự can thiệp ồ ạt của người Mỹ vào nội bộ Việt Nam, lại không đếm xỉa đến lòng dân, ông Diệm đã trả giá cho sự sai lầm này bằng sinh mạng của mấy anh em ông, để người Mỹ có thể gia tăng sự hiện diện của quân lực Mỹ ở Việt Nam lên đến con số hơn năm trăm ngàn người. Cũng bởi chính sách của nước Mỹ, khi đã đạt được số thỏa hiệp nào đó với Nga và Trung Hoa, nước Mỹ phải phủi tay với người bạn đồng minh nhỏ bé của mình là Nam Việt Nam.
Tôi không trách gì nước Mỹ, chính sách của nước Mỹ là hễ có lợi thì làm, những người dựng nên chính sách của nước Mỹ không có thì giờ để nghĩ đến những dân tộc khác, và lại càng không có thì giờ để so đo những gì thuộc giá trị tinh thần, vấn đề đạo đức, tín nghĩa không có trong các data của computer, thì không thể có những dữ kiện chính xác, để cân đo với những số lượng hàng hóa mà một tỷ người Trung Hoa đương khao khát. Bắt tay được với Trung Hoa, nước Mỹ còn có thể xoa tay đứng nhìn những túng lúng của Nga.
Do đó đối với chính sách của nước Mỹ, cái phần đất nhỏ bé ở cuối bán đảo Đông Dương đó là một cái mỏ đã khai thác hết quặng. Đã đến lúc dọn đồ nghề tìm một phần đất khác, một quặng mỏ khác.
Mặc cảm của ông Jay Pooler khác, ông hay hỏi tôi: Nước mày có ice cream không? Có điện thoại không? Có hamburger không? Tụi mày ăn cả châu chấu phải không? Tại sao tụi mày lại ăn thịt chó? Tôi tiếc là không đủ tiếng Mỹ để hỏi lại ông đôi điều, nhưng quả thật tôi là hiện thân của cái gì làm cho phần đông người Mỹ khó chịu.
Họ khó chịu vì nước Mỹ chưa bao giờ thất trận, thế mà nước Mỹ đã để lại cái phần đất nghèo nàn đó hơn năm mươi tám ngàn con em của họ, làm ngân sách của họ thâm thủng, bắt những tax payer chịu những khó khăn về kinh tế, đang có chiều hướng bất lợi trước sự cạnh tranh của những đế quốc kinh tế như Nhật, Đức. Không những thế lại còn rước về hơn một trăm ngàn người, như hàng trăm hàng nhân chứng của sự thất bại, phải nuôi báo cô, ăn ké quỹ an sinh xã hội, thôi thì đủ thứ phiền toái lằng nhằng. Mỗi lần thấy tôi, ông Jay Pooler cười mà như không muốn cười, ông chào tôi buổi sáng nhưng mắt ông thì nhìn theo một hướng khác.
Cái bó đuốc ở tượng Nữ Thần Tự Do, cái bó đuốc tượng trưng cho một ngọn hải đăng, soi tỏ bến bờ cho những con thuyền vô định xem chừng ra đã tắt. Nó đã tắt trước khi chúng tôi tới đây, xem chừng bài thơ lừng danh của Emma Lazaru được khắc ở chân pho tượng này, đã đến hồi phải thay thế bằng một bài thơ khác. Để tiện cho anh theo dõi cảm xúc của tôi, tôi ghi lại đoạn chót của bài thơ này:
Give me your tired, your poor,
Your huddled masses yearning to breathe free.
The wretched refuse of your teeming shore.
Send these, the homeless, tempest-tossed to me,
I lift my lamp beside the golden door!”
(Giao lại cho tôi sự mệt nhọc, nghèo khó
Hỡi những kẻ thèm khát hít thở tự do
Bị từ chối từ ở mọi bến bờ
Hãy gửi cho tôi những kẻ không nhà, những kẻ bị bão tố vùi dập đẩy đưa
Tôi sẽ giơ ngọn đuốc cao hơn bên cạnh cánh cửa bằng vàng)
Tôi vô cùng khâm phục tâm hồn vĩ đại của nhà thơ, song tôi biết chắc một điều, hơn một thế kỷ trước tình thế khác, nước Mỹ cần mọi khối óc, mọi bàn tay để khai thác cái quốc gia tân lập bao la, vĩ đại này. Mọi sự đã thay đổi, chính tác giả nếu sống ở thời điểm này, bài thơ sẽ khác. Sẽ không thể có cái giọng xác định như vậy. Chắc chắn tác giả sẽ phải nêu những nghi vấn, những câu hỏi với những người làm luật ở nước Mỹ, chắc chắn bài thơ sẽ khổ đau hơn nữa, thấm thía hơn nữa bởi vì bây giờ, những khổ đau của thế kỷ trước nhân lên mười lần, cũng chưa thể thấm được với sự chà đạp, cưỡng bức của những đợt di dân chạy trốn tổ quốc của mình rải rác trên khắp mặt địa cầu.
Anh Elbert thân,
Tôi vẫn ngồi ở thành cửa sổ của một căn phòng trong một khu thành quách cổ bị bỏ hoang đã lâu, nhưng được duy trì như một thắng cảnh cho du khách đến chiêm ngưỡng những di tích của thời Hoa Kỳ lập quốc.
Tôi cố hình dung ra người lính đã sống trong căn phòng này. Thấp thoáng qua những quyển sử tôi đã có dịp đọc, tôi hết sức khâm phục lòng quả cảm, hy sinh vô bờ của họ. Tôi nghĩ đến cuộc chiến để khai sinh ra xứ sở này, tôi nghĩ đến những trận chiến khác. Hình như loài người sinh ra để áp chế, khuynh đảo tiêu diệt lẫn nhau. Người ta tìm kiếm hòa bình trong lúc tạo dựng chiến tranh.
Mười bốn, lăm năm trước, khi còn là một sinh viên sĩ quan Thủ Đức, cái phù hiệu ở tay trái tôi có dòng chữ “Cư An, Tư Nguy”, câu này đã rút từ ý chính của một danh tướng nào đó bên La Mã hơn hai ngàn năm trước, ý của nó là muốn hòa bình phải sửa soạn chiến tranh. Chính trong cái ý niệm này, mọi quốc gia đều sửa soạn và sẵn sàng tham chiến. Nhân loại cũng ngày càng đông, càng tiến bộ và hình thái chiến tranh thay đổi. Bao đế quốc đã sụp đổ, bao quốc gia đã khai sinh, bao sắc dân đã tuyệt chủng. Làn sóng người xô qua, dạt lại giống như sóng trên mặt đại dương.
Hãy lấy lịch sử của chúng tôi làm thí dụ. Chúng tôi là hậu duệ của hai giống Việt còn sót lại của nòi Bách Việt, chạy trốn và chống trả sự tiêu diệt của nòi Hán, từ bình nguyên Dương Tử Giang, đến vùng đồng bằng Bắc Việt. Ở đây tổ tiên tôi trộn lẫn với những sắc dân địa phương, để tạo dựng nên một quốc gia khác. Chúng tôi đã từng bị nòi Hán cai trị cả ngàn năm. Để có thể sống còn với một dân tộc đông hơn mình cả trăm lần, tổ tiên chúng tôi bành trướng lãnh thổ phương Nam, do đó mà trong lòng nước tôi có một quốc gia khác bị tiêu diệt, và dấu tích của dân tộc Chiêm Thành này hiện nay còn lại là những chiếc tháp cô đơn, hoang phế dưới nắng chiều, cùng một sắc dân thiểu số ngu ngơ, sợ hãi.
Điều mâu thuẫn của con người là đồng một lúc vừa hãi sợ vừa cổ võ chiến tranh. Chính chiến tranh hủy hoại và tàn phá mọi công trình xây dựng của con người, nhưng đồng thời chiến tranh cũng là một nguyên nhân làm cho con người tiến bộ. Để phục vụ chiến tranh, con người vò đầu, bứt tóc, suy nghĩ, tìm kiếm, đào bới những kiến thức của con người, làm cho con người mỗi ngày mỗi hiểu biết hơn, thông thái hơn. Tôi vô cùng bi quan cho số phận của con người, bởi tôi thấy viễn ảnh của thế chiến thứ ba mỗi lúc mỗi gần lại.
Tôi nghĩ tới những trái bom treo trên các quỹ đạo, những dàn phóng hỏa tiễn chìm sâu trong lòng đất, những oanh tạc cơ vần vũ trên bầu trời, và những tàu ngầm nguyên tử ngang dọc dưới đáy biển. Dẫu những guồng máy chiến tranh đã đề phòng, những con người bệnh hoạn, điên loạn, không một cá nhân nào có thể một mình sử dụng những vũ khí này. Nhưng nếu cả guồng máy muốn chuyển động thì sao? Con người mới bước vào kỷ nguyên nguyên tử được nửa thế kỷ, những phát kiến mỗi lúc một nhiều, hai thế kỷ nữa tôi không hiểu tương lai con người đi về đâu? Đó là tôi chưa kể tới những hằn thù chủng tộc, những dị biệt về tôn giáo của một loạt các quốc gia khác đang mon men tới bờ của sự sử dụng vũ khí hạch tâm. Nội hai nước Nga và Mỹ đã cung ứng đủ cho cả nhân loại này đằng sau mỗi con người một sức nổ tương đương năm tấn. Nga và Mỹ có thể tự kềm chế, nhưng những hằn thù giữa Do Thái và Ả Rập, những dị biệt giữa Ấn và Hồi, tôi e rằng sẽ có lúc những quốc gia vừa kể không thể kềm chế được. Chiến tranh nguyên tử xảy ra và rồi sau đó trái đất sẽ trở thành một hành tinh chết. Cứ cái đà tiến bộ này của con người, tôi nhìn thấy cuối chặng đường hình ảnh một chiếc chày bằng đá thật lớn.
Dường như tôi thiếp đi trong những ý nghĩ cùng cực bi quan cho số phận con người. Khi tôi tỉnh lại, tôi bắt gặp một hình ảnh đẹp như thiên thần, tiếc là không có anh ở đây, tiếc là tôi không mang theo máy ảnh để ghi lại, không phải cho anh mà là cho chính tôi hình ảnh này: Một cô bé không biết từ đâu hiện ra. Tôi biết rõ tôi tới đây vào lúc ba giờ chiều của ngày Thanksgiving, bãi đậu xe trống trơn, chắc cô bé mới tới với một người nào đó cũng đang thơ thẩn trong các căn phòng hoang phế như tôi, mà nếu không có người lớn, thì chắc chắn cô bé từ trên trời rơi xuống, hay từ đất nẩy ra, hay từ biển bơi vào.
Tôi nghĩ có lẽ cô bé từ trên trời rơi xuống, cô mặc một cái váy trắng như mây trời, tóc vàng như tơ, thắt một cái nơ đỏ như nhung, cô ngồi như thế cưỡi ngựa trên cái nòng đen xì và dài thậm thượt của khẩu đại bác. Bóng cô ta in trên nền trời xanh lơ, vào đúng lúc những giọt nắng cuối cùng của ngày thoi thóp trên đỉnh núi. Những tia nắng cuối cùng này chạm trên đỉnh núi những đường hào quang rực rỡ. Bỗng cô ta đứng dậy, dang rộng hai cánh tay như thể người làm xiếc lấy thăng bằng khi đi lên dây cáp. Chỗ cô ta đứng còn cách miệng khẩu súng cỡ chừng hai thước, gió thổi thật nhẹ nhưng đủ làm cho cái váy trắng của cô ép sát vào người. Dường như áo cô ta là mây trời, tôi chắc cô ta phải đẹp lắm, phải đẹp như những thiên thần nhỏ. Tóc cô dường như không phải vàng óng như tơ, cái viền hào quang trên đỉnh núi có lẽ là viền hào quang trên đỉnh đầu cô, và anh Elbert ơi, kỳ lạ thay trên nền trời, mây từ thấp đùn lên những hình người, hằng hà sa số là người, đủ cả màu da, đủ cả chủng tộc.
Trong một thoáng giây ngắn ngủi tôi tin chắc Thượng đế có thật. Chính Thượng đế điều hòa cái luật thiên nhiên, trái đất sẽ còn, loài người dầu có tài giỏi đến đâu, khoa học có tiến bộ đến đâu cũng sẽ chỉ là con người, dẫu có tham lam, tưởng vọng đến đâu cũng vẫn chỉ là con người ti tiểu, mãi mãi chịu sự an bài của Thượng đế. Do đó loài người sẽ còn đó, mãi mãi với trái đất này, cho tới hàng tỉ năm sau, khi thái dương hệ mặt trời đã cháy hết năng lượng bên trong, thì loài người đã đủ sức để di chuyển đến hàng triệu những tinh cầu khác trong giải thiên hà.
Những tinh cầu đó giờ này còn đang ở trong những điều kiện của trái đất cách nay vài trăm triệu năm, cách đây vài tỉ năm nghĩa là từ lúc chưa có loài người. Chưa biết chừng chính anh, những tế bào linh hồn của con người anh, đang có mặt đâu đó trên những tinh cầu này, và biết đâu chừng tôi sẽ gặp lại anh một ngày không xa.
Elbert thân,
Từ lúc thấy hình ảnh cô bé đẹp như thiên thần đó, lòng tôi an bình lại. Tôi quên hết mọi điều, quên ông Jay Pooler, quên những người da đỏ, những người Chiêm Thành, quên pho tượng Nữ Thần Tự Do, quên bom nguyên tử, quên cả cái chày đá. Anh đừng phiền tôi nếu tôi quên cả anh, bởi vì tôi quên cả chính tôi.
Hẹn anh thư sau.
Thân, 5-76

Hoàng Khởi Phong
(*) Calley là tên của một Trung úy Mỹ đã gây ra vụ thảm sát Mỹ Lai.