Cùng vào cõi thơ với Ngu Yên:
“Ý Thức Sáng Tác Thơ”

Trần Doãn Nho.

Ngu Yên làm việc không biết mệt mỏi, vừa sáng tác vừa nghiên cứu về sáng tác.
Về nghiên cứu, sau Ý Thức Về Dịch Thuật (578 trang), Ý Thức Sáng Tác Truyện Ngắn bộ 1 (86 trang) và bộ 2 (824 trang), anh vừa cho ra đời một tác phẩm mới, Ý Thức Sáng Tác Thơ, dày dặn không thua gì những tập trước, 600 trang. Đây là một tác phẩm đa dạng: vừa biên khảo, nhận định, lý luận, vừa phân tích, sáng tác, dịch thuật, và lại vừa thử nghiệm về thơ; và đa dụng: giúp độc giả tìm hiểu thêm về thơ, về cách làm thơ, cách thưởng thức thơ và có thể cả …bối rối với (quá nhiều) cách làm thơ và những bài thơ mà anh giới thiệu.
Theo tôi, tập sách vừa công phu lại vừa là một nỗ lực rất lớn của anh: cố gắng đơn giản hóa và cụ thể hóa những vấn đề trừu tượng bằng một lối viết khá trong sáng, rõ ràng, kèm theo dẫn chứng và ví dụ, để độc giả thuộc nhiều trình độ khác nhau có thể nắm bắt nội dung. Mặt khác, nó lý thuyết mà không hoàn toàn là lý thuyết; nó thực hành dù chẳng phải dễ thực hành. Nhưng chắc chắn nó cung cấp cho người đọc rất nhiều điều. Trước hết là kiến thức nhiều mặt: thi ca, triết lý, ngôn ngữ…Sau là kích thích sáng tác và kích thích đọc thơ. Trong lời đề từ, anh nhấn mạnh: cuốn sách không tìm cách trả lời cho cả người sáng tác lẫn người thưởng ngoạn về cách làm thơ cho có giá trị và cách nhận biết một bài thơ hay. Theo anh, “Cuốn sách này thành hình với mục đích minh bạch với bản thân về sáng tác thơ và những hệ lụy của nó.” Vì sao? Vì “Tôi làm thơ với cảm giác của người mặc cảm,” do đó, cách duy nhất thoát khỏi mơ hồ và mặc cảm, theo ông, là cứ “viết xuống.” Để tránh mọi sự hiểu lầm, anh còn cẩn thận nói rõ, “Nếu bạn nghĩ rằng tôi đang hướng dẫn các người khác làm thơ, đây là một suy nghĩ lầm lẫn. Tôi chỉ có ý định kể lại những tư duy và thử nghiệm trong hành trình tìm hiểu nghệ thuật sáng tác thơ.”
Trong phần I, Sáng Tạo Bằng Trải Nghiệm, trước hết, Ngu Yên đề cập đến bản tính và bản sắc của thơ. Nó cung cấp cho tôi, một kẻ làm thơ tơ-lơ-mơ, khá nhiều khái niệm thú vị. Chẳng hạn, Ngu Yên phân biệt giữa “làm mới thơ” và “làm thơ mới”. “Làm mới thơ” là sáng tác hoàn toàn mới từ hình thức đến nội dung, từ cấu trúc đến cách diễn đạt trong lúc “làm thơ mới” là sáng tác theo thi pháp mới. Từ đó, anh cho rằng “làm thơ cũ” khác với và “làm cũ thơ”. Nếu “làm thơ cũ” là sáng tác theo kiểu cũ thì “làm cũ thơ” là cố sáng tác theo kiểu mới nhưng không thành công vì thiếu cẩn thận và thiếu học thuật. Chẳng hạn, anh cho rằng “Nghệ thuật thơ là một sinh vật.” Sinh vật đó “tự sinh, tự phát, tự lập”; nó “không thể nhốt trong chuồng” và “sản xuất ra nhiều con cái.” Và con cái lớn khôn theo “thực phẩm thơ” mà nhà thơ đã cung cấp và nuôi dưỡng.”