Viết Văn Ngoài Quê Hương

Nguyễn Mộng Giác

Chủ đề tạp chí Việt nêu ra làm cho tôi tự hỏi: "Mình bắt đầu thực sự 'sống' ngoài quê hương từ lúc nào đây?"
Trong "Lời cuối cho một bộ trường thiên" phụ lục của bộ Mùa biển động, tôi có viết: "Sau nhiều lần toan tính ra đi thất bại, đến lần thứ năm tôi mới rời khỏi quê hương. Ngày đó không bao giờ tôi quên: 29-11-1981. Khi chiếc ghe nhỏ đã ra tới ngoài khơi, nhìn vào bờ thấy ngọn hải đăng Vũng Tàu ngày càng xa, lòng tôi quặn thắt, có một phần thân thể và tâm hồn tôi đã chết. Tôi ngồi khóc lặng lẽ, quên cả nỗi sợ chết vì lúc đó sóng dữ, chiếc ghe khi bị đưa lên cao lên đầu ngọn sóng, khi bị đẩy chúi xuống lũng nước sâu. Sau năm ngày sáu đêm trôi trên mặt biển mênh mông, chúng tôi được tàu giàn khoan vớt và đưa vào đảo Kuku Nam Dương ngày 6-12-1981."
Giây phút cảm thấy đứt ruột khi ngọn hải đăng Vũng Tàu xa dần đêm hôm ấy là thời điểm bắt đầu "sống" ở hải ngoại? Năm 1989 viết những dòng chữ ấy, tôi tin như vậy. Bây giờ đọc lại, thấy mình lầm. Lúc ấy, thực ra tôi chưa ra khỏi nước. Tôi vẫn còn có thể bị một tàu công an biên phòng hoặc một tàu đánh cá quốc doanh nào đó chận bắt, dù không còn nhìn thấy ngọn hải đăng quen thuộc. Ngay cả khi đã ra hải phận quốc tế, nếu bão biển không dịu đi, chiếc ghe vượt biên mong manh vẫn có thể bị đẩy trở lại bờ. Sự sợ hãi vẫn còn đó, nó là dấu vết không thể tẩy xóa của một đặc trưng mới của dân tộc Việt Nam trong lịch sử hiện đại. Cho nên thời điểm khởi đầu cho cuộc sống mới của tôi ở hải ngoại, đúng hơn, phải là lúc chúng tôi được tàu giàn khoan của liên hiệp công ty Tây Đức-Nam Dương vớt chiều ngày 5-12-1981.

Ngựa Nản Chân Bon

Nguyễn Mộng Giác

Gió vi vu làm nền cho lời ca thánh: ...”Nhờ công ơn lân tuất của Chúa ta, Ðấng đã từ cao cho 'Mặt trời mọc' đến thăm viếng. Và soi sáng cho những ai còn ngồi trong u tối và trong bóng chết, để dắt chúng ta trên con đường an lạc. Lạy Chúa xin cho các linh hồn được yên nghỉ muôn đời và được hưởng ánh sáng nghìn thu. Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin ta thì dù có chết sẽ được sống lại, và ai sống mà tin ta thì không phải chết đời đời”.
Vị linh mục đọc kinh Lạy Cha... và rảy nước thánh lên chiếc quan tài đóng vội bằng gỗ ván thuyền. Vợ người quá cố khóc thảm thiết, và lúc bấy giờ lời cầu nguyện lại làm nền cho tiếng khóc. ”Lạy Chúa, xin thương người quá cố này là tôi tớ Chúa. Xin đừng theo việc làm mà phán xét họ, họ vốn một lòng một ý với Chúa. Lại nữa, khi còn sống họ đã ở cùng đoàn thể các tín hữu, với một lòng tin tưởng thành thực. Xin vì lòng nhân từ Chúa, cho linh hồn Giu-se họp đoàn thể cùng các Thiên Thần Chúa trên trời. Nhờ Chúa Ki Tô, Chúa chúng con. Amen”. Quả phụ nín khóc. Dường như một lúc nào đó, tạm quên đau khổ nàng lắng nghe lời ca thánh, và bất chợt nhận thấy lời nguyện chung gần gũi với nỗi lo lắng và niềm mơ ước riêng tư. Hoặc niềm đau xót đã đến chót vót, khiến nàng bàng hoàng ngơ ngác, như người đã lên đến ngọn đỉnh trời, lo âu nhìn vực thẳm quanh mình, không biết làm gì nữa giữa chốn mây khói bàng bạc và gió thổi. Vị linh mục tiến thêm một bước để làm dấu thánh giá trên quan tài... ”Lạy Chúa xin cho linh hồn Giu-se được nghỉ yên muôn đời, và được hưởng ánh sáng nghìn thu. Xin cho linh hồn Giu-se được nghỉ yên. Amen. Mong cho linh hồn này và linh hồn mọi tín hữu, nhờ lòng lân tuất Chúa được nghỉ ngơi bằng an. Amen”.