Còn Đó Bóng Hình

Song Thao

Nhã đã có vẻ bồn chồn không yên. Nàng rướn người lên quay qua quay lại liên hồi đôi mắt xao xác tìm kiếm. Chung quanh người nào cũng nhấp nhỏm láo liên nhìn ngược nhìn xuôi. Ai cũng muốn bắt cho được khuôn mặt người thân nổi trôi trong đám đông lổn nhổn phía dưới. Tôi kiễng chân ghé cặp mắt qua những chiếc đầu phía trước nhìn muốn xuyên thủng tấm kính trước mặt. Phía dưới xa những con người tất tả đổ xô từ hàng chục chiếc cửa được mở ra cùng một lúc dành giật một chỗ đứng xếp hàng trước những chiếc hộp kiếng vuông vứt nhốt một nhân viên Sở Di Trú ở trong. Sau những chiếc hộp này là những chiếc vòng tròn di động đội từng hàng va ly diễu hành trước những cặp mắt căng cứng của đám hành khách đang chờ lấy hành lý. Vài ông nhân viên quan thuế dẫn những chú chó đánh hơi quanh đám va ly đang chờ chủ. Tôi đảo mắt nhìn quanh một cách vô vọng. Làm sao lôi được khuôn mặt của cô cháu chưa bao giờ gặp ra khỏi đám nhân gian lố nhỏ bên dưới. Nhã ném cặp mắt lo lắng qua phía tôi:
- Làm sao mà kiếm được nó đây anh?
Tôi nhún vai chẳng biết phải làm sao. Cả chục cánh cửa phía dưới lại mở ra. Từng đoàn người lại vội vã tiến vào. Chắc chịu thua rồi. Những thân người lúc nhúc bên dưới giỡn cợt với đôi mắt đã có chiều thất vọng của tôi.
Tôi lầm bầm bên tai vợ:
- Bực mình cái con nhỏ này thiệt!

Chớp Mắt Ngoái Lại

Song Thao

Ngày cưới, Nghĩa không có được niềm vui trọn vẹn. Chẳng phải vì đám cưới có gì trục trặc. Mọi việc diễn tiến hoàn hảo đúng như dự trù của anh. Cũng chẳng phải vì anh bị ép buộc gì. Anh và Diệu yêu nhau, lấy nhau giữa sự vui mừng của cả hai gia đình. Cái khoảng hụt hẫng của anh chính là vì thiếu sự hiện diện của hai người bạn nối khố từ những ngày mài đũng quần ở trường tiểu học.
Vũ đang dạy ở trường Võ Bị Đà Lạt một hai đoan quyết thế nào cũng về. Tao mà không có mặt thì đám cưới mày đâu có thành được. Vậy mà cái lệnh cấm trại trăm phần trăm đã níu chân anh. Khoác vào người bộ đồ lính thì cuộc sống có gì là chắc chắn kể chi tới cái phép đã cầm trong tay mà giờ chót lại trở thành tờ giấy lộn. Sáng sớm ngày cưới, đoàn người đi rước dâu chưa ra khỏi cổng, một bó hoa hồng đỏ au tươi rói gửi về từ Đà Lạt đã thay Vũ nói lời chúc mừng với người bạn thiết. Kèm theo bó hoa là một cánh thiệp đẹp và trang nhã. Gửi tới hai đứa mày những lời chúc mừng đẹp đẽ nhất. Tao đã dành sẵn một phòng tại Palace cho tuần trăng mật của tụi mày. Thằng Tước có về làm phép cưới cho mày không?
"Thằng" Tước nay đã là một linh mục. Nhưng, với Vũ, bạn bè ngày cũ muốn làm gì thì làm, vẫn cứ là thằng hết. Ba thằng học chung lớp với nhau suốt năm năm tiểu học tại trường nhà thờ Hàm Long ở Hà Nội. Tại sao thân với nhau thì chỉ có trời biết. Vì trời sinh ra ba đứa tính tình khác hẳn nhau. Tước củ mĩ cù mì luôn nhường nhịn và nhỏ nhẹ với bạn bè nhưng có tính khôi hài lạnh rất tới. Nghĩa thì tròn như hòn bi chẳng có cái gai nào của cuộc đời có thể chích làm anh mưng mủ được. Vũ bộc trực chẳng có điều gì nằm ở trong bụng anh lâu quá được một phút, lại có cái miệng nói năng thẳng băng chẳng ngán thằng tây nào cả. Học ở trường đạo dĩ nhiên Hiệu Trưởng là một linh mục. Một bữa, trong giờ ra chơi, Vũ đứng há miệng nghe lén cha Hiệu Trưởng nói chuyện với bà mẹ già tới thăm ở ngoài sân. Nghe cho đã xong, Vũ hộc tốc đi tìm Nghĩa và Tước.

Saigon

Song Thao

Tôi sống ở Sài Gòn 20 năm và xa Sài Gòn đã 30 năm. Mỗi khi nhớ tới quê nhà, Sài Gòn vẫn như một đốm sáng không bao giờ tắt. Có lẽ vào độ tuổi thanh niên, độ tuổi mà cuộc sống mãnh liệt nhất, tôi đã gắn bó với Sài Gòn. Biết bao chuyện để nhớ. Nhất là vào thời điểm tháng tư.
Tôi không xa Sài Gòn vào tháng 4 năm đó. Không một toan tính nào trong rất nhiều toan tính được hanh thông. Ngày quân đội cộng sản tiến vào Sài Gòn, tôi vẫn còn nguyên tại nhà. Nhà tôi ở Thị Nghè, một trong những mũi tiến công của địch quân. Chín năm trước đây, năm 2005, khi tờ Việt Mercury ở San Jose ra số đặc biệt 30 năm nhìn lại ngày mất Sài Gòn, Nguyễn Xuân Hoàng có hú tôi viết bài cho anh. Ngày đó, tôi đã ôn lại giờ phút Sài Gòn bị dày vò. “Tiếng chân người, tiếng nói xôn xao từ ngoài đường vọng vào ầm ĩ. Tôi chẳng buồn nhìn ra ngoài. Chiếc cổng sắt im lìm bỗng có tiếng gõ mạnh. Tôi mở chiếc lỗ nhỏ trên cánh cửa kín mít nhìn ra. La Phương! Tôi vội vàng mở cửa. Người ký giả kỳ cựu của làng báo Sài Gòn uể oải bước vào. Chẳng ai buồn nói. Chỉ mới mấy bữa trưc La Phương còn lạc quan vào một giải pháp trung lập. Cuộc chiến có trên 20 năm tuổi sẽ được kết thúc bằng một giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai phía. Người cựu ký giả của hãng thông tấn Pháp AFP có liên hệ nhiều với người Pháp đã khẳng định một cách lạc quan như vậy. Tình hình chính trị mấy ngày qua như càng ngày càng xấu đi. Ba Tổng Thống trong vài ngày là một chỉ dấu không tốt đẹp gì. Hy vọng đặt cả vào một Dương Văn Minh được lòng nhiều phe phái. La Phương nhún vai, lắc đầu. Moa cũng không hiểu sao nữa! Ngồi một lúc, La Phương ngơ ngẩn ra về…Nghe thấy tiếng xe tăng chạy ngoài đường, tôi vội ra coi thử xem sao. Hai chiếc đầy nhóc lính cộng sản đứng giương cao lá cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam phần phật bay theo gió đang tiến vào Saigon theo đưng Hùng Vương dẫn tới cầu Thị Nghè. Bỗng tôi nghe thấy tiếng súng ở phía cầu. Mọi người nhốn nháo. Những thanh niên đeo băng đỏ, mặt đằng đằng, chạy tới chạy lui. Khu chợ đồ Mỹ tự phát bên lề đưng như đàn kiến bị phá vỡ tổ. Chỉ một lúc, đâu lại vào đy. Người ta kháo nhau về mấy tiếng súng vừa qua. Lính giữ cầu đã nổ súng vào đoàn xe và bộ đội trên xe đã bắn lại. Xác chết còn nằm trên cầu. Những người đi coi về kể lại như kể về một chuyện xảy ra trên màn ảnh. Tôi đứng nhìn khu chợ càng ngày càng phình ra. Họ bán những đồ Mỹ hôi được bằng cách phá kho Tân Cảng ở gần đó. Đồ dùng hằng hà sa số đủ thứ. Bàn ghế, dụng cụ văn phòng, máy lạnh, quạt máy, kem đánh răng, sữa bột, bánh kẹo, đồ chơi, đồ nhà bếp… Giá cả rẻ rề. Chỉ mấy ngày trước giá đồ Mỹ còn vắt vẻo trên cao, chẳng phải ai cũng mua được. Bây giờ đồ Mỹ lê la dưi đường, giá cũng sát sạt dưi đưng. Người mua kẻ bán bận bịu như không hề biết là họ đang bị kéo đi theo một khúc quanh của lịch sử. Khúc quanh gắt dữ dằn”.

Om Sòm Trên Vách

Song Thao

Năm 1954, di cư vào Nam, gia đình tôi mua được một căn nhà nhỏ bên Vĩnh Hội. Nhà vách ván, lợp tôn, hồi đó mua khoảng 50 ngàn. Nhà nằm trên một con hẻm, cắt ngang đường Bến Vân Đồn, gần cầu Ông Lãnh. Nhà chỉ có ở một bên hẻm, bên kia là chiếc tường cao và dài suốt hẻm của một hãng làm phân bón rất lớn có tên tây mà tôi không còn nhớ. Hẻm không có tên, số nhà xuyệc (sur) vài cái chồng lên nhau trên đường Bến Vân Đồn. Dân chúng quen miệng gọi là hẻm Hãng Phân. Cái tên không chính thức bỗng một ngày đẹp trời trở thành tên chính thức.  Thành phố cho dựng bảng tên đường ở đầu đường với cái tên “Hẻm Hãng Phân” bảng xanh chữ trắng rất trang trọng. Vậy là chết con dân! Các anh chị tuổi bồ bịch bỗng rơi vào một tình trạng dở khóc dở cười. Thư từ biết để địa chỉ sao cho khỏi bốc mùi!
Hẻm không có mùi nhưng tên có mùi nằm trong khu lao động. Nhà tôi nằm giữa nhà anh Tư Xích Lô Máy và chị Ba bán trái cây ngoài chợ Cầu Ông Lãnh. Vách ván là những tấm ván mỏng dính được ghép từ khi còn tươi đã co lại dần theo thời gian. Nhưng vách vẫn kín vì những tranh ảnh dán lên trên che hết những kẽ hở. Ngày tết, nhà nào cũng làm mới vách, lấy những phụ bản mới của các báo dán lên. Ngày đó, báo xuân đua nhau in bìa và phụ bản bằng tranh ảnh màu trên giấy láng rất tiện lợi cho việc trang hoàng nhà cửa dịp tết. Đây là một tập tục được độc giả, nhất là độc giả thuộc các khu xóm lao động hoan nghênh. Ngày tết, qua chúc tết hàng xóm láng giềng, thấy nhà nào cũng đổi mới, xuân ơi là xuân!

Hanoi

Song Thao

Tôi xa Hà Nội năm tôi 16 ngơ ngác như một con ngỗng đực. Hà Nội mà tôi mang theo khi rời xa chỉ là những thứ vụn vặt cùng mằng.
Năm đó tôi đang học lớp Đệ Tứ trường Dũng Lạc, ngay bên hông nhà thờ chánh tòa mà dân Hà Nội ngày đó gọi là nhà thờ Lớn. Hà Nội của tôi nằm trên con đường từ nhà ở bên hông chợ Hôm tới trường và vùng phụ cận. Dọc đường tới trường có đường tầu điện mà chúng tôi thỉnh thoảng quá giang không mất tiền. Không phải đây là loại tầu thí mà vì chúng tôi gian! Tầu có vài toa, mỗi toa có người bán vé đi dọc trong toa. Người này cầm một tấm bảng lớn hơn tập vở trên đó có cái thanh giữ những tập vé dầy cộm. Vé nhỏ bằng hai đốt ngón tay có nhiều màu trông rất vui mắt, mỗi màu là một chặng đường. Khi mua vé, người bán sẽ xé vé đưa cho người mua, cùi vé vẫn dính vào thanh ngang. Thường thì ba mẹ tôi vẫn cho tiền mua vé tầu đi học mỗi ngày nhưng ngày đó chúng tôi đã biết quý đồng tiền nên chẳng dại gì mà đưa tiền cho người bán vé. Chúng tôi đi tầu quịt bằng cách tử tế nhất là xin những chiếc vé còn giá trị cho đoạn đường kế tiếp của những hành khách xuống tầu hoặc,bặm trợn hơn, nhảy tầu đang chạy, hay truyền từ toa tầu này qua toa khác để tránh ông soát vé. Tiền đó chúng tôi làm văn hóa bằng cách đưa cho cô hàng sách để nhận một tập giấy 32 trang, khổ sách in, truyện kiếm hiệp như Long Hình Quái Khách hoặc Hỏa Thiêu Hồng Liên Tự hoặc truyện trinh thám của Phạm Cao Củng hay truyện đường rừng của Lê Văn Trương được in cóc nhẩy vài ngày một tập, mỗi tập chỉ đúng có 32 trang. Đọc vèo một cái là xong, mong chờ từng ngày để đọc tiếp. Ngày nào cũng phải tạt qua tiệm sách, chăm chú đọc tấm bảng đen viết bằng phấn trắng thông báo truyện mới ra ngày hôm đó. Tôi khá Việt văn chắc là nhờ những tập giấy 32 trang này. Đọc xong, đóng thành tập bằng cách dùng chỉ khâu lại. Tập sách này giúp chúng tôi làm thương mại bằng cách cho bạn bè thuê. Bạn bè cùng lớp toàn những thứ đứng hàng thứ ba sau quỷ và ma nên việc buôn bán này luôn bị trục trặc gây nên những cuộc cãi vã chửi bới và có khi trầm trọng hơn phải vận dụng tới chân tay. Nhiều khi chúng tôi xa rời văn chương để dùng tiền mon men tới những tấm truyện bằng hìnhtarzan hoặc zorro,chữ thì ít, hình thì nhiều nhưng có thể dùng làm đơn vị tiền tệ trong những trận đánh quay, đánh khăng hoặc bắn bi, đánh đáo.

Nhà Nằm Trong Hẻm

Song Thao

1.
Hẻm nằm trên đường Công lý. Tiếng là hẻm nhưng con hẻm này được tráng nhựa phẳng phiu, rộng dư sức cho hai chiếc xe nhỏ cỡ xe Simca 1000 của Hoàng đi ngược chiều nhau một cách thoải mái. Nhưng Hoàng vẫn đậu xe ngoài đường Công Lý. Cho chắc ăn. Cười. Hoàng khéo lo xa. Căn nhà hai tầng lầu nằm chung với những căn nhà lầu thẳng tắp dọc theo hai bên hẻm, nếu không phải là tay chơi cỡ Hoàng, thì chẳng ai biết đó là một ổ điếm. Gọi là ổ điếm nghe như có điều xúc phạm tới nơi ăn chơi bề thế và sang trọng này. Hoàng gọi đây là nhà chị Marie.
Nhà đúc bê tông, cửa sắt kín mít, lưới chống lựu đạn giăng thoai thoải từ trên lầu xuống hàng rào gạch có những thanh sắt nhọn tua tủa chĩa lên trời như một bàn chông. Trông như nhà của một ông lớn nào đó. Mà quả thực cả con hẻm này hầu như toàn là nhà các ông lớn không. Bốn tên đực áo bỏ trong quần, giày da bóng loáng, tụm nhau trước cửa. Hoàng giơ tay bấm chuông. Hai tiếng dài, ba tiếng ngắn. Nghỉ vài giây. Hai tiếng dài nữa. Đúng mật hiệu. Một đôi mắt hiện ra nơi chiếc lỗ vuông bằng bao thuốc lá vừa được kéo cạch ra. Nhận ra đúng người quen, cửa mở. Một nụ cười và một câu trách nhẹ.
"Chào các anh. Các anh kéo nhau tới như đi hành quân không bằng. Lần sau các anh nhớ tách ra, hai người vào một lần thôi. Chịu khó giúp em một chút!Cẩn thận vẫn hơn!"

Chân Mang Giầy Số 6

Song Thao

Hạo nằm ngửa trên cát hai tay vòng làm gối dưới đầu. Cát nhuyễn và nóng. Lưng anh ấm áp dễ chịu. Ánh nắng sỗ sàng tràn vào mắt anh. Ngực và hai chân anh râm ran như có cả một đàn kiến đang tới lui nhộn nhịp. Anh chong mắt nhìn lên. Bàu trời sà xuống thấp. Mây xanh mây trắng trộn lẫn nhau như có ai cắc cớ đổ tràn lan từng vạt sữa chua để lâu ngày. Anh thả hồn lơ lửng trên những tầng mây rắc nắng óng ánh xà cừ. Giữa khoảng không gian bao la bàu trời có vẻ thân mật gần gũi. Gần đến nỗi khuôn mặt Thùy được cài vào mây nằm gọn gàng trước mắt anh. Anh nhắm mắt muốn xua đi hình bóng đang muốn quên. Ánh nắng được lọc qua mí mắt trải ra một màu đỏ chói chang. Vòng môi Thùy nhếch thành một nụ cười thách thức như trêu chọc anh. Anh kéo chiếc khăn lông, quay người nằm úp mặt trốn chạy. Thùy vẫn tinh quái nằm trong mắt anh. Hạo tự nhủ lòng. Thùy đã là quá khứ. Bỏ vào hộp cất kỹ đi. Nhưng Thùy chẳng chịu nằm yên trong hộp. Từng lúc Thùy vẫn cứ lơ lửng lượn lờ trong anh. Xếp một mối tình như dìm một chiếc phao xuống nước. Cách gì nó cũng trồi lên được.
Tiếng con gái ồn ào cười nói bên cạnh anh. Mặt Hạo chôn chặt trong chiếc khăn tắm nhưng hai tai anh như muốn vểnh lên hết cỡ. Anh chăm chú phân biệt từng giọng nói.Cũng chẳng dễ dàng gì. Giọng nào cũng lanh chanh nhảy nhổm lên nhau lẫn lộn. Những tiếng chửi thề gối đầu nhau phát ra dẻo quẹo. Chắc toàn những chiếc miệng chửi nhau có bằng cả. Hạo nghe léo nhéo một hồi rồi mặt cát bên cạnh anh rung động những bước chân chạy thình thịch. Anh mơ màng trong cái êm ả vừa được trả lại. Cả thân người anh được thả lỏng tận hưởng những giây phút thanh thản.

Cỏ Mềm Lãng Đãng

Song Thao

Con nhỏ trông kháu khỉnh tệ. Chỉ nguyên đôi mắt đã đáng đồng tiền bát gạo rồi. Loại mắt lớn, đen nháy, làm sáng trưng cả khuôn mặt. Ngày nào như ngày nấy, con nhỏ ngồi bệt xuống sàn gạch, lưng dựa vào cánh cửa tủ, cuốn sách mở trên hai đầu gối co lên trong một thế ngồi khúm núm tội nghiệp. Khi Nghiệp đi ngang qua mặt, con nhỏ khẽ ngẩng đầu lên, mớ tóc đen ngang vai óng mượt xô đẩy nhau, đôi mắt ngước cao nhìn Nghiệp như vỡ ra ngàn tiếng reo vui
Năm học mới bắt đầu, Nghiệp lại ngày ngày ôm cặp đi dạy. Những ngày hè cố níu kéo giờ đã tan ra nhập vào mảng thời gian đã mất. Dư vị của những buổi rong chơi với nắng ấm làm bước chân anh nặng nề trên hỉnh lang dẫn tới lớp học. Hai bên tường những dãy tủ xám xanh dành cho học sinh chạy ngút ngàn trông buồn nản như những cánh cửa nhỉ tù. Nghiệp chưa bao giờ thấy thoải mái thanh thản trên dãy hỉnh lang này. Đám nam sinh chạy nhảy, đấm đá, la hét ồn ào nhộn nhịp nhức đầu nhức óc. Các nữ sinh mồm miệng tía lia, chân tay múa may lao xao như những con rối. Một vài cặp ghì nhau dựa vào cửa tủ ôm hôn tỉnh bơ như chốn không người. Chỉ có con nhỏ kháu khỉnh ngồi lặng thinh làm Nghiệp thấy thú vị. Nghiệp không biết con nhỏ học lớp nào. Anh chưa nghĩ ra cách nào để biết thêm về con nhỏ dễ thương này. Nếu ở Việt Nam thì quá dễ. Hỏi dò vài đứa học trò hoặc đánh tiếng với vài đồng nghiệp thân là ra ngay. Ở đây tự do của con người được đưa lên bàn thờ cao ngất nên thật là lố bịch khi muốn hỏi dò về đời tư của người khác dù đó chỉ là con nhỏ học trò đáng tuổi con anh. Xứ sở gì mà lạ. Tương quan xã hội được bao trùm trong cái vỏ đậm đặc dục tính. Anh nhớ hồi còn đi học mấy thằng bạn thân dắt tay nhau rong chơi phố phường tự nhiên như không. Vậy mà ở đây hai người đồng phái nắm tay nhau ngoài đường phố là nhận được ngay những ánh mắt nghi ngờ của người qua đường. Ánh mắt nào cũng mang lời kết án "bệnh hoạn" nằm phơi ra không cần dấu diếm. Hình như con ma sex đã len lỏi vào từng mạch máu li ti trong óc não mọi người. Bây giờ mà anh ra miệng hỏi thăm về con nhỏ học trò này thì hậu quả chẳng biết tới đâu.

Điên


Chân dung do Bùi Giáng tự họa, 
hiện đang được họa sĩ 
Phạm Cung lưu giữ
Song Thao

Năm 1990, nhóm Việt Thường ở Montreal có xuất bản một cuốn thơ của Bùi Giáng gồm những bài chưa được phổ biến trước đây. Hình bìa là tranh chân dung Bùi Giáng do họa sĩ Đinh Cường vẽ, mang tên “Đôi Mắt Bùi Giáng”. Nhìn vào đôi mắt như tóe lửa của chàng thi sĩ được nói tới nhiều nhất, tôi thấy rờn rợn. Tôi tìm hình chụp của Bùi Giáng và tóm được một tấm hình có đôi mắt dữ dội như trong tranh vẽ. Đôi mắt của người điên!
Nhưng Bùi Giáng có điên không? Trong bài “Thay Lời Tựa” của cuốn sách, nhóm Việt Thường có nhắc tới hai giai thoại về Bùi Giáng. Sau 1975, ông đi qua chợ vỉa hè bán phụ tùng xe đạp ở cuối đường Trương Minh Ký, nhào vào lấy một cái ghi-đông xe và bỏ đi. Bà bán hàng chạy theo la thất thanh nhờ thiên hạ bắt giùm “thằng ăn cắp”. Ông nhẩn nha quay trả lại cái ghi-đông vào chỗ cũ và từ tốn phân bua:  “Bà con coi! Mất cả nước không ai la, mất có cái ghi-đông xe mà la um sùm!”. Một giai thoại khác. Ông đang đi trên đường, thấy một phụ nữ Nga, vội chạy tới bóp vú bà này. Bà la choi chói, ông lầm bầm với người chung quanh: “Tao chỉ muốn thử xem cặp vú của nó có thể nuôi hết con dân Việt Nam không?”.
Hai hành động này có phải của người điên không? Điên chi mà khôn rứa! Hai giai thoại khác xảy ra trước năm 1975, do nhà văn Cung Tích Biền kể, lại làm chúng ta nghĩ ngợi. Vào đầu thập niên 60, Bùi Giáng dạy Việt văn tại một trường trung học ở tỉnh lỵ. Bữa giảng về Truyện Kiều, lúc nàng Kiều phải lưu lạc, ông òa khóc rồi nhảy qua cửa sổ của lớp, chạy thẳng ra bến xe, bắt xe đò về Sài Gòn. Báo hại học sinh ngồi chờ trong lớp, tưởng thầy sẽ quay lại vì sách vở, bao thuốc lá của thầy vẫn còn trên bàn. Được hỏi lý do, Bùi Giáng ngận ngùi nói: “Làm sao mà trở lại nơi em Kiều đã một lần hy sinh cho cái trò nhân gian kỳ ảo chỗ liên tồn!”.

Tuân

Song Thao

Tuân Nguyễn
Tuân Nguyễn
Mỗi khi Valentine tới, tôi thường lặng lẽời khi nhìn thấy những trái tim mang đủ sắc đỏ lung linh khắp nơi. Tình yêu lúc nào cũng có bộ mặt đỏ ké vậy sao? Cười thầm nhưng tôi lại muốn viết chút gì đó vào ngày lễ mà tất cả bàn dân thiên hạ đua nhau yêu. Năm nay cũng vậy, viết tí chút về chuyện tình cho vui, tôi nghĩ vậy và chọn vài chuyện tình để viết chơi. Chn được một vài chuyện khá hấp dẫn, tôi định viết. Nhưng tình cờ tôi vào đọc trên internet một bài viết của nhà văn Tưởng Năng Tiến viết vào năm 2010 về một người mang tên Tuân Nguyễn, tôi bỗng thấy những chuyện tình tôi đã chọn chẳng ra sao cả. Chuyện tình của Tuân Nguyễn mới…ra sao!
Tuân Nguyễn thì tôi biết, khá quen thuộc, nhưng chỉ biết bề ngoài. Bề ngoài anh chàng này thì chán chết. Anh gầy yếu đến không thể gầy yếu hơn được, cặp kính cận dày cộm uể oải rớt xuống tới chóp mũi, quần áo xốc xếch hình như anh mc cho có, dáng đi lanh chanh lúc nào cũng như vội vàng, giọng nói lắp bắp. Cái gầy của Tuân Nguyễn không phải loại gầy khơi khơi mà có tên đàng hoàng. Anh bị chứng giun móc ankylostome. Anh không phiền hà chi những con ký sinh trùng ăn bám vào anh. Anh thường khoe là bao giờ anh cũng cố gắng ăn nhiều để còn “chia phần” cho bọn ankylostome ấy, nếu không, chúng nó sẽ ăn vào thịt anh!

Đốt

Song Thao
 
Những ngày cuối tháng 5 của 43 năm trước, là mùa sách nạn của dân chúng miền Nam. Cộng sản vừa cướp được Sài Gòn đã vội ra lệnh tịch thu tất cả sách báo miền Nam mà họ gọi là “văn hóa đồi trụy và phản động”. Họ huy động từng đoàn thanh niên học sinh, mang xe ba gác đi từng nhà lục soát sách mang đi đốt giữa những bộ mặt hốt hoảng, bất lực pha lẫn ngậm ngùi của chúng ta. Một bài báo của một tác giả vô danh tôi lượm được trên internet truy niệm cho những cuốn sách vô tội bị hỏa thiêu: Bởi vì sách vở thời ấy, số phận nó như số phận người. Nó cũng phải trốn chạy, chui rúc, ẩn náu. Chúng cũng rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ, cảnh lạc đàn, cảnh tan nát, cảnh tan hoang mất còn. Vận người dân miền Nam thế nào, vận chúng như thế. Đứa may trốn thoát. Tôi có đứa cháu trai, hồi đó 6 ,7 tuổi. Khi đi di tản năm 1975, cháu chỉ mang cặp sách của cháu và nhặt một cuốn sách giáo khoa tâm lý học tôi viết thời đó. Sang sau vài năm, cháu đưa lại cho tôi. Kể cũng mừng và cũng buồn cười. Đứa yểu tử thì làm mồi cho cuộc phần thư. Đứa không may làm giấy gói sôi buổi sáng. Đứa bất hạnh làm giấy chùi đít. Đó là cuộc trốn chạy vô tiền khoáng hậu mà những kẻ đi truy lùng chỉ là các trẻ con lên 12, 13 tuổi. Các cháu ngoan bác Hồ. Họ xô những đứa trẻ con vô tội đó ra đường. Chúng quàng khăn đỏ hô hoán, reo hò như trong một vụ đi bắt trộm, hay đi bắt kẻ gian. Chúng lục soát tận tình, chúng đánh trống, chúng hát hò như một cuộc ra quân của một đoàn quân chiến thắng.Gia đình nào cũng sợ hãi cái quang cảnh đó nên kẻ mà phải hy sinh đầu tiên chính là sách vở”.
Hâu như toàn thể nhân loại văn minh coi việc đốt sách vở là một hành động man rợ. Vậy mà cuộc phần thư ác ôn này được cả hệ thống tuyên truyền của nhà nước nhảy xổ vào đành phèng la cổ võ. Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 25/5/1975 tường thuật sự việc: “Ngày 23/5/1975, trên nhiều đường phố Sài Gòn, “khí thế ra quân” của chiến dịch vô cùng sôi nổi: “Đoàn thanh niên nam nữ đi qua các đường phố và hô to nhiều khẩu hiệu đả đảo văn hóa ngoại lai đồi trụy mất gốc phản động.

SONG THAO, người bạn văn, biết sớm, gặp muộn

Luân Hoán

Để chuẩn bị di cư qua Montréal Québec Canada, năm 1984, gia đình tôi rời thành phố Đà Nẵng, vào tạm trú tại nhà người chị cả tôi, ở số 22 Lê Lợi, quận 1 Sài Gòn. Trong những ngày ngồi không chờ lên đường, tôi có ba lần tình cờ gặp mặt nhà văn Song Thao.
Lần thứ nhất. Trong đám người xô bồ Hoa, Việt, lóng ngóng tại cơ quan lo việc xuất cảnh, 1B Duy Tân, không hiểu sao, tôi đặc biệt chú ý đến một người đàn ông trạc tuổi tôi. Anh gọn gàng tươm tất, so với cái lè phè của tôi, càng nổi bật vẻ lịch sự, trang nhã của anh.
Lần thứ hai. Giữa lúc chen chúc trong hành lang của một biệt thự lộng lẫy, tại góc ngã tư Tú Xương, Trần Quý Cáp, để chờ được phái đoàn Sở Di Trú Canada phỏng vấn. Tôi chợt bắt gặp lại khuôn mặt ông chững chạc lần trước. Vẫn trang phục bảnh bao, anh đến cùng vợ và bốn con. Chúng tôi nhìn nhau, lạnh lùng, không một nụ cười xã giao. Cái hồi hộp, lo sợ lạ lùng của đám người chờ được phỏng vấn hôm đó, đã tạo ra một khung cảnh nghiêm trang đặc biệt. Gia đình nào cũng tỏ vẻ trầm lặng. Có lẽ vì cái không khí này, tôi đã bỏ ý định gặp anh để tìm thêm một vài kinh nghiệm cần thiết trước khi vào gặp giới hữu trách. Sau này, tôi được biết, lúc đó anh cũng có chú ý đến gia đình tôi và chị Song Thao, loáng thoáng nghe giọng nói của tôi, đã sớm đặt cho tôi một cái tên khá ngộ : " Cái ông Đà Nẵng ". Chúng tôi ra mắt phái đoàn Canada ở hai phòng khác nhau, và lặng lẽ ra về.
Lần thứ ba. Nắm được giấy đăng ký chuyến bay trong tay, từ 1 B Duy Tân, tôi vội vã ra về thì đụng đầu Song Thao ngay cổng vào. Anh cùng đi với một người đàn ông khác. Họ chặn tôi lại, tỏ ý muốn xem mặt mũi những mẫu giấy tờ tôi vừa được cấp phát. Tôi nôn nóng chìa cho Song Thao đọc lướt qua, rồi bỏ đi liền, không chào. Và anh, hình như cũng quên cảm ơn.

Vấn

Hồ Đình Nghiêm thực hiện

Bắt chước nhà văn Song Thao, tôi dùng vỏn vẹn chỉ một chữ, làm tựa đề cho cuộc trao đồi này. Nhà văn Song Thao cư ngụ cùng thành phố với tôi, mặc dầu chẳng “cách hai đoạn đường dài”, mặc dù không “cách nhau một dậu mồng tơi”… nhưng gạt bỏ vấn đề địa hình nhiêu khê nọ, chúng tôi luôn gần kề trong gang tấc, bởi giản dị, chúng tôi cùng táy máy “vọc chữ” dưới ngôi nhà chung: Văn chương. Lần chuyện trò này, hình thành do hai điều: Thứ nhất, những người bạn phương xa của tôi vẫn thường dọ hỏi: Song Thao là ai? Thứ hai, cách đây mấy hôm, nhà văn chung “phường khóm” với tôi đã vừa in xong cuốn Phiếm số 9. Để câu chuyện đi gần với tinh thần “vui thôi mà” của cố thi sĩ Bùi Giáng, tôi tránh hỏi tới những vấn đề nặng nề, nghiêm trọng của tình hình đất nước. Hy vọng những người từng tủm tỉm cười khi đọc Phiếm, sẽ hay biết đôi điều về tác giả, vốn kín tiếng nhưng rất sung (hiểu ở nghĩa viết mạnh).

Hồ Đình Nghiêm (HĐN): Thưa anh Song Thao, do đâu, nguyên cớ nào anh vẫn thủy chung khi đặt tựa đề. Cô độc chỉ một chữ, không hai, chẳng ba… Nó trần trụi, nó đứng lẻ loi, nó lẻ bạn, nó mình ên. Tuồng như nó… lạnh?
Song Thao (ST): Nhà văn có khác, cảm được cái lạnh của chữ. Chữ có lạnh thật không, cũng dám lắm. Nhưng những cái tựa đứng vững chãi một mình của Phiếm là thứ nhà nòi. Hiên ngang chứ không cô đơn, lẻ bạn hay mình ên. Khi đặt cái tựa một chữ cho Phiếm, tôi thấy như mình cho chữ nghĩa một sức mạnh, như một cơn gió quất, một ngọn sóng thần. Nói nghe ghê gớm vậy chứ việc đặt những cái tựa...vạm vỡ như vậy là một sự tình cờ. Khởi đầu, tựa của Phiếm cũng khi ba chữ, khi hai chữ, khi một chữ. Sau thấy những cái tựa một chữ nghe có vẻ dứt khoát, hiên ngang hơn nên quen tay cứ một chữ mà chơi. Riết rồi bạn bè, độc giả khi gặp hỏi một cách thích thú: vẫn một chữ chứ? Thấy việc đặt những cái tít một chữ vô hình trung thành một dấu ấn của những bài Phiếm. Vậy là chơi luôn! Ngờ đâu lại có người thấy nó lạnh! Chắc người lạnh mới cảm thấy chữ lạnh chăng?