Chin Chin Kobakama


Bắc Phong 

Cổ Tích Nhật Bản
Bắc Phong dịch từ bản tiếng Anh Chin Chin Kobakama do Lafcadio Hearn (1850-1904) chuyển ngữ.

Người Nhật thường phủ sàn nhà bằng các tấm thảm rất đẹp, dầy và mềm được dệt bằng những sợi rơm khô. Họ xếp các tấm thảm vừa khít với nhau đến nỗi người ta chỉ có thể nhét vào khe một lá dao mỏng. Các tấm thảm được người Nhật giữ sạch và thay mỗi năm. Họ không bao giờ đi giầy trong nhà và không dùng ghế như người Anh. Họ ngồi, ăn, ngủ và đôi khi viết trên sàn. Vì vậy các tấm thảm phải được giữ thật sạch. Trẻ con Nhật được dạy dỗ, ngay từ khi biết nói, là không được làm rách hay bôi bẩn các tấm thảm.
Các thiếu nhi Nhật rất là ngoan. Những du khách viết bài về Nhật Bản với thiện cảm thường nhận định thiếu nhi Nhật có tính vâng lời nhiều hơn trẻ cùng lứa ở Anh và ít tinh quái hơn nhiều. Các em không phá hay làm dơ đồ dùng, ngay cả đồ chơi của chính các em. Một bé gái Nhật không làm hư hại búp bê của mình. Không, bé săn sóc nó rất kỹ và giữ gìn nó ngay cả khi trở thành phụ nữ và lập gia đình. Khi trở thành người mẹ, có con gái, phụ nữ Nhật sẽ cho con gái búp bê của mình ngày xưa. Bé thơ sẽ lo cho búp bê giống như mẹ mình, và giữ nó cho đến khi trưởng thành, và cho lại con mình. Bé sẽ chơi dịu dàng với búp bê giống như bà ngoại của mình. Vì vậy, tôi – người viết câu chuyện nhỏ này cho các bạn – đã từng thấy những con búp bê hàng trăm tuổi, nhìn vẫn đẹp như lúc mới mua. Điều này cho thấy các thiếu nhi Nhật ngoan như thế nào; và bạn có thể hiểu tại sao sàn nhà người Nhật lại luôn luôn sạch sẽ, không bị rạch and phá hư bởi những trò tinh quái.
Bạn có thể hỏi tôi bộ tất cả thiếu nhi Nhật đều ngoan ngoãn như thế sao? Câu trả lời là không. Cũng có một số, một số rất ư là hư hỏng. Vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra cho những tấm thảm lót sàn những ngôi nhà của các cháu phá phách. Chẳng tệ lắm đâu – vì luôn có các tiểu thần lo cho các tấm thảm. Các vị này sẽ chọc và dọa những đứa trẻ nào làm hư hay làm dơ thảm. Tối thiểu là dọa nạt những đứa tinh quái. Tôi không chắc là các vị tiểu thần vẫn còn tồn tại ở Nhật Bản – vì những đường xe lửa mới lập và hệ thống đánh tin đã làm các tiểu thần sợ đến biến mất. Nhưng sau đây là một câu chuyện ngắn về họ.
Thuở xưa có một bé gái rất xinh nhưng cũng rất lười. Cha mẹ bé giầu nứt vách và có cả một bày tôi tớ. Những đầy tớ này rất cưng bé gái và làm hộ cho bé rất nhiều chuyện mà đáng lẽ bé phải tự làm. Có lẽ điều này làm cho bé gái trở nên lười biếng. Khi bé gái lớn lên thành một thiếu nữ, nàng cũng vẫn lười; nhưng sau khi các người hầu thay đồ và chải tóc cho nàng, nàng nhìn thật duyên dáng và chẳng ai buồn nghĩ đến những khuyết điểm của nàng.
Cuối cùng nàng được gả cho một tướng quân anh hùng và về sống với ông ta trong một ngôi nhà cũng có nuôi một ít đầy tớ. Nàng hối tiếc đã không có nhiều đầy tớ như khi còn ở nhà cha mẹ vì nàng phải làm vài công việc mà trước đó nhiều người hầu đã luôn làm cho nàng. Thật là khó khăn khi nàng phải tự mặc quần áo và giữ mình xinh đẹp gọn ghẽ để làm vui lòng chồng. Nhưng vì chồng nàng là một tướng quân, ông ta thường phải đi xa nhà với quân lính, nàng lại có thể lười biếng như mình muốn. Cha mẹ nàng đều đã già và nhân hậu nên chẳng bao giờ rầy la nàng cả.
Cứ thế, cho đến một đêm khi người chồng nàng vắng nhà, nàng bị đánh thức một những tiếng động li ti trong phòng. Dưới ánh đèn lồng nàng có thể thấy rất rõ những hình thù kỳ quái. Vật gì vậy?
Hàng trăm những gia nhân, mặc đồ như lính Nhật, nhưng cao chỉ bằng mấy đốt tay, đang nhảy múa chung quanh gối của nàng. Bọn chúng mặc cùng thứ quần áo chồng nàng mặc lúc nhàn hạ [kamishimo, áo khoác ngắn với vai vuông], tóc của chúng thắt lọn, và mỗi đứa đều đeo hai thanh gươm nhỏ. Chúng nhin nàng trong lúc nhảy múa, cười đùa và hát đi hát lại một bài hát:
“Chin-chin Kobakama,
Yomo fuké soro,
Oshizumare, Hime-gimi!
Ya ton ton!”
Nghĩa là: “chúng tôi là những Chin-chin Kobakama; tối rồi, ngủ đi, người yêu quí phái”
Ca từ có vẻ lịch sự; nhưng rồi nàng nhận ra đám đàn ông tí hon này đang giỡn ác. Họ còn làm mặt xấu trêu nàng.
Nàng cố nắm bắt vài đứa; nhưng chúng nhảy thoát lẹ làng. Nàng cố xua đuổi chúng đi, nhưng chúng lì lợm và vẫn không ngừng hát “Chin-chin Kobakama,” và chế nhạo nàng. Rồi nàng nhận ra chúng là những tiểu thần và sợ đến nỗi la không thành tiếng. Chúng nhảy vòng vòng nàng cho đến sáng rồi thình lình biến mất.
Nàng xấu hổ không nói với ai chuyện gì đã xảy ra – bởi vì, nàng là phu nhân một tướng quân, nàng không muốn người ta biết nàng đã sợ hãi như thế nào.
Đêm sau, đám nam nhân tí hon ấy lại xuất hiện và ca múa. Chúng đến những đêm kế tiếp nữa, mỗi đêm luôn luôn vào cùng một giờ mà người Nhật gọi là “Giờ Sửu”; nghĩa là khoảng 2 giờ sáng của chúng ta. Cuối cùng nàng ngã bệnh vì mất ngủ và vì sợ. Nhưng đám nam nhân tí hon đó đâu có chịu để nàng yên.
Khi chồng của nàng trở về, ông rất hối hận khi thấy nàng nằm bệnh trên giường. Lúc đầu, nàng ngại nói cho chồng biết nguyên do khiến nàng bị bệnh vì sợ ông sẽ cười chế nhạo nàng. Nhưng ông dỗ dành nàng thật dịu dàng, một hồi sau nàng mới nói cho chồng nghe chuyện gì đã xảy ra mỗi đêm.
Ông không cười chút nào mà còn nghiêm nét mặt hỏi “Mấy giờ chúng xuất hiện?”
Nàng đáp: “Luôn luôn cùng giờ – giờ Sửu.”
“Tốt lắm,” chồng nàng nói, “đêm nay ta sẽ nấp và canh chúng nó. Đừng sợ nữa.”
Thế là đêm đó, tướng quân ẩn mình sau buồng quần áo, và canh chừng qua khe hở của hai liếp cửa kéo.
Ông đợi và canh cho đến “giờ Sửu.” Rồi thì đồng loạt, đám nam nhân tí hon xuất hiện từ những khe thảm và bắt đầu ca múa:
“Chin-chin Kobakama,
Yomo fuké soro.”
Chúng nhìn thật kỳ dị và nhảy múa khôi hài đến nỗi tướng quân khó nhịn được cười. Rồi ông thấy khuôn mặt hãi hùng của vợ; ông cũng nhớ ra hầu hết ma quỉ Nhật bản đều sợ gươm. Ông bèn rút gươm, nhảy xổ ra và bắt đầu chém đám vũ công tí hon. Lập tức chúng biến thành thứ gì – các bạn biết không? Tăm xỉa răng!
Không còn đám lính tí hon nữa – chỉ còn một đống tăm vung vãi khắp sàn.
Thì ra, người vợ trẻ lười đến nỗi sau khi xỉa răng đã không vứt tăm đúng cách; ngày này qua ngày khác, sau khi dùng que tăm mới, nàng lại nhét nó vào khe thảm, để bỏ đi. Vì vậy đám tiểu thần săn sóc thảm trở nên giận dữ và hành hạ nàng.
Chồng nàng mắng nàng một trận. Nàng xấu hổ quá nên chẳng biết làm gì. Một người hầu được gọi đến gom nhặt tất cả những que tăm và đem đi đốt. Sau đó đám tiểu thần không bao giờ xuất hiện trở lại.
Có một câu chuyện khác cũng về một cô bé lười biếng, sau khi ăn mận, cô bé nhét hột giữa các khe thảm sàn nhà. Trong một thời gian khá lâu, cô bé làm điều này mà không bị ai phát giác. Nhưng cuối cùng các tiểu thần lại tức giận và trừng phạt cô.
Mỗi đêm các nàng tiên nhỏ xíu – tất cả đều mặc áo kimono đỏ, tay dài – bật dậy từ sàn nhà, cùng giờ và múa trong lúc làm mặt trêu không cho cô bé ngủ.
Mẹ của cô một đêm nọ ngồi canh, thấy và đuổi đánh các nàng. Lập tức các nàng biến thành những hột mận! Thế là bà mẹ khám phá ra tật xấu của con mình. Sau đó cô bé trở nên một cô gái đoan trang.
Cổ tích Nhật bản; Lafcadio Hearn

Bắc Phong dịch

Đọc thêm của Bắc Phong tại Sáng Tạo