Nhà Bè Nước Chảy Chia Hai

Nguyễn Đức Lập

Đại đa số người Việt Nam đều biết câu ca dao:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.

Nhà Bè là một quận thuộc tỉnh Gia Định, và nằm ở phía Nam Sài Gòn. Sông Đồng Nai chảy từ Phước Thành, theo hướng Bắc Nam, xuống Gia Định, đến làng Thạnh Mỹ Lợi của quận Nhà Bè, chia ra làm hai nhánh. Một nhánh là sông Nhà Bè, đổ ra cửa Soài Rạp và một nhánh là sông Lòng Tào, chảy ra cửa Cần Giờ.
Từ việc sông Đồng Nai chảy đến Nhà Bè, chia làm hai nhánh như vậy, nên mới có câu ca dao “Nhà Bè nước chảy chia hai” như đã nêu trên. Nhưng tại sao địa danh đó lại mang tên Nhà Bè?
Nhà Bè có nghĩa là cái nhà cất trên cái bè, nổi trên mặt nước.

Đường Chiêm Bái

Thi Vũ


Em đi để lại mùi hương
Bóng xa vừa khuất con đường xin theo

1. Lưng chng tri Dharamsala
Người bốc xanh vào lá. Núi dựng thẳm từng dãy chạy theo rừng tùng. Chân trời rơi thỏm vào bên kia nắng. Chiếc xe bus lầm lủi đưa chúng tôi qua các truông đèo bất tận. Mười hai giờ chạy từ thủ đô Tân Đề Li lên Dharamsala dưới nhiệt độ dương 43.
Kéo chiếc cửa gương, gió phả theo hơi nóng tràn vào. Đầu như chiếc gàu múc từ lòng thẳm giếng bao hình bóng cũ nhưng hiện tiền. Trên vùng đất này, bên chênh vênh núi dựng, tỏa xuống khắp lưu vực sông Hằng, thái tử Tất Đạt Đa từng đi qua. Bước chân Người đã viết đậm thao thức mấy nghìn năm trước. Đánh những dấu hỏi thành trời xanh, thành trăng sao xao động, thành tịnh độ mười phương.
Người tôi đầy Phật. Tuổi thơ không mất. Tuổi thơ còn mãi trong đầu và trên đường. Tôi chỉ bước lại, dẫm đúng, miết mải một hành trình.

Saigon

Song Thao

Tôi sống ở Sài Gòn 20 năm và xa Sài Gòn đã 30 năm. Mỗi khi nhớ tới quê nhà, Sài Gòn vẫn như một đốm sáng không bao giờ tắt. Có lẽ vào độ tuổi thanh niên, độ tuổi mà cuộc sống mãnh liệt nhất, tôi đã gắn bó với Sài Gòn. Biết bao chuyện để nhớ. Nhất là vào thời điểm tháng tư.
Tôi không xa Sài Gòn vào tháng 4 năm đó. Không một toan tính nào trong rất nhiều toan tính được hanh thông. Ngày quân đội cộng sản tiến vào Sài Gòn, tôi vẫn còn nguyên tại nhà. Nhà tôi ở Thị Nghè, một trong những mũi tiến công của địch quân. Chín năm trước đây, năm 2005, khi tờ Việt Mercury ở San Jose ra số đặc biệt 30 năm nhìn lại ngày mất Sài Gòn, Nguyễn Xuân Hoàng có hú tôi viết bài cho anh. Ngày đó, tôi đã ôn lại giờ phút Sài Gòn bị dày vò. “Tiếng chân người, tiếng nói xôn xao từ ngoài đường vọng vào ầm ĩ. Tôi chẳng buồn nhìn ra ngoài. Chiếc cổng sắt im lìm bỗng có tiếng gõ mạnh. Tôi mở chiếc lỗ nhỏ trên cánh cửa kín mít nhìn ra. La Phương! Tôi vội vàng mở cửa. Người ký giả kỳ cựu của làng báo Sài Gòn uể oải bước vào. Chẳng ai buồn nói. Chỉ mới mấy bữa trưc La Phương còn lạc quan vào một giải pháp trung lập. Cuộc chiến có trên 20 năm tuổi sẽ được kết thúc bằng một giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai phía. Người cựu ký giả của hãng thông tấn Pháp AFP có liên hệ nhiều với người Pháp đã khẳng định một cách lạc quan như vậy. Tình hình chính trị mấy ngày qua như càng ngày càng xấu đi. Ba Tổng Thống trong vài ngày là một chỉ dấu không tốt đẹp gì. Hy vọng đặt cả vào một Dương Văn Minh được lòng nhiều phe phái. La Phương nhún vai, lắc đầu. Moa cũng không hiểu sao nữa! Ngồi một lúc, La Phương ngơ ngẩn ra về…Nghe thấy tiếng xe tăng chạy ngoài đường, tôi vội ra coi thử xem sao. Hai chiếc đầy nhóc lính cộng sản đứng giương cao lá cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam phần phật bay theo gió đang tiến vào Saigon theo đưng Hùng Vương dẫn tới cầu Thị Nghè. Bỗng tôi nghe thấy tiếng súng ở phía cầu. Mọi người nhốn nháo. Những thanh niên đeo băng đỏ, mặt đằng đằng, chạy tới chạy lui. Khu chợ đồ Mỹ tự phát bên lề đưng như đàn kiến bị phá vỡ tổ. Chỉ một lúc, đâu lại vào đy. Người ta kháo nhau về mấy tiếng súng vừa qua. Lính giữ cầu đã nổ súng vào đoàn xe và bộ đội trên xe đã bắn lại. Xác chết còn nằm trên cầu. Những người đi coi về kể lại như kể về một chuyện xảy ra trên màn ảnh. Tôi đứng nhìn khu chợ càng ngày càng phình ra. Họ bán những đồ Mỹ hôi được bằng cách phá kho Tân Cảng ở gần đó. Đồ dùng hằng hà sa số đủ thứ. Bàn ghế, dụng cụ văn phòng, máy lạnh, quạt máy, kem đánh răng, sữa bột, bánh kẹo, đồ chơi, đồ nhà bếp… Giá cả rẻ rề. Chỉ mấy ngày trước giá đồ Mỹ còn vắt vẻo trên cao, chẳng phải ai cũng mua được. Bây giờ đồ Mỹ lê la dưi đường, giá cũng sát sạt dưi đưng. Người mua kẻ bán bận bịu như không hề biết là họ đang bị kéo đi theo một khúc quanh của lịch sử. Khúc quanh gắt dữ dằn”.

Om Sòm Trên Vách

Song Thao

Năm 1954, di cư vào Nam, gia đình tôi mua được một căn nhà nhỏ bên Vĩnh Hội. Nhà vách ván, lợp tôn, hồi đó mua khoảng 50 ngàn. Nhà nằm trên một con hẻm, cắt ngang đường Bến Vân Đồn, gần cầu Ông Lãnh. Nhà chỉ có ở một bên hẻm, bên kia là chiếc tường cao và dài suốt hẻm của một hãng làm phân bón rất lớn có tên tây mà tôi không còn nhớ. Hẻm không có tên, số nhà xuyệc (sur) vài cái chồng lên nhau trên đường Bến Vân Đồn. Dân chúng quen miệng gọi là hẻm Hãng Phân. Cái tên không chính thức bỗng một ngày đẹp trời trở thành tên chính thức.  Thành phố cho dựng bảng tên đường ở đầu đường với cái tên “Hẻm Hãng Phân” bảng xanh chữ trắng rất trang trọng. Vậy là chết con dân! Các anh chị tuổi bồ bịch bỗng rơi vào một tình trạng dở khóc dở cười. Thư từ biết để địa chỉ sao cho khỏi bốc mùi!
Hẻm không có mùi nhưng tên có mùi nằm trong khu lao động. Nhà tôi nằm giữa nhà anh Tư Xích Lô Máy và chị Ba bán trái cây ngoài chợ Cầu Ông Lãnh. Vách ván là những tấm ván mỏng dính được ghép từ khi còn tươi đã co lại dần theo thời gian. Nhưng vách vẫn kín vì những tranh ảnh dán lên trên che hết những kẽ hở. Ngày tết, nhà nào cũng làm mới vách, lấy những phụ bản mới của các báo dán lên. Ngày đó, báo xuân đua nhau in bìa và phụ bản bằng tranh ảnh màu trên giấy láng rất tiện lợi cho việc trang hoàng nhà cửa dịp tết. Đây là một tập tục được độc giả, nhất là độc giả thuộc các khu xóm lao động hoan nghênh. Ngày tết, qua chúc tết hàng xóm láng giềng, thấy nhà nào cũng đổi mới, xuân ơi là xuân!

Hanoi

Song Thao

Tôi xa Hà Nội năm tôi 16 ngơ ngác như một con ngỗng đực. Hà Nội mà tôi mang theo khi rời xa chỉ là những thứ vụn vặt cùng mằng.
Năm đó tôi đang học lớp Đệ Tứ trường Dũng Lạc, ngay bên hông nhà thờ chánh tòa mà dân Hà Nội ngày đó gọi là nhà thờ Lớn. Hà Nội của tôi nằm trên con đường từ nhà ở bên hông chợ Hôm tới trường và vùng phụ cận. Dọc đường tới trường có đường tầu điện mà chúng tôi thỉnh thoảng quá giang không mất tiền. Không phải đây là loại tầu thí mà vì chúng tôi gian! Tầu có vài toa, mỗi toa có người bán vé đi dọc trong toa. Người này cầm một tấm bảng lớn hơn tập vở trên đó có cái thanh giữ những tập vé dầy cộm. Vé nhỏ bằng hai đốt ngón tay có nhiều màu trông rất vui mắt, mỗi màu là một chặng đường. Khi mua vé, người bán sẽ xé vé đưa cho người mua, cùi vé vẫn dính vào thanh ngang. Thường thì ba mẹ tôi vẫn cho tiền mua vé tầu đi học mỗi ngày nhưng ngày đó chúng tôi đã biết quý đồng tiền nên chẳng dại gì mà đưa tiền cho người bán vé. Chúng tôi đi tầu quịt bằng cách tử tế nhất là xin những chiếc vé còn giá trị cho đoạn đường kế tiếp của những hành khách xuống tầu hoặc,bặm trợn hơn, nhảy tầu đang chạy, hay truyền từ toa tầu này qua toa khác để tránh ông soát vé. Tiền đó chúng tôi làm văn hóa bằng cách đưa cho cô hàng sách để nhận một tập giấy 32 trang, khổ sách in, truyện kiếm hiệp như Long Hình Quái Khách hoặc Hỏa Thiêu Hồng Liên Tự hoặc truyện trinh thám của Phạm Cao Củng hay truyện đường rừng của Lê Văn Trương được in cóc nhẩy vài ngày một tập, mỗi tập chỉ đúng có 32 trang. Đọc vèo một cái là xong, mong chờ từng ngày để đọc tiếp. Ngày nào cũng phải tạt qua tiệm sách, chăm chú đọc tấm bảng đen viết bằng phấn trắng thông báo truyện mới ra ngày hôm đó. Tôi khá Việt văn chắc là nhờ những tập giấy 32 trang này. Đọc xong, đóng thành tập bằng cách dùng chỉ khâu lại. Tập sách này giúp chúng tôi làm thương mại bằng cách cho bạn bè thuê. Bạn bè cùng lớp toàn những thứ đứng hàng thứ ba sau quỷ và ma nên việc buôn bán này luôn bị trục trặc gây nên những cuộc cãi vã chửi bới và có khi trầm trọng hơn phải vận dụng tới chân tay. Nhiều khi chúng tôi xa rời văn chương để dùng tiền mon men tới những tấm truyện bằng hìnhtarzan hoặc zorro,chữ thì ít, hình thì nhiều nhưng có thể dùng làm đơn vị tiền tệ trong những trận đánh quay, đánh khăng hoặc bắn bi, đánh đáo.

Hội An, Nơi Chôn Cuống Rún Thơ

Luân Hoán

Lâu năm trở lại Faifo
nghe hồn Phố Hội dạt dào cỏ cây
Chiêm, Hà, Bồ, Pháp, Tàu, Tây...
còn vương trong hạt bụi bay hững hờ
chỉ giùm ta vạt đất nào
đã chôn cuống rún trổ thơ thành chùm
...

Hội An, Hội An, với tôi là một tên gọi đằm thắm, thân quen như tên một người yêu chung tình.
Trong hơn sáu mươi năm tiêu xài cuộc sống, tôi đã trôi dạt đến nhiều nơi trên mặt đất,dòng máu trong tim tôi bây giờ không biết đã hao hụt bao nhiêu, đậm nhạt thế nào. Nhưng có một điều chắc chắn, chúng vẫn đỏ, và vẫn nồng nàn khi nghĩ về những địa danh ở quê nhà, nhất là nơi đã chôn giữ cuống rún bé nhỏ của mình.
Nhớ về Hội An, viết về Hội An, nơi chôn cuống rún tôi, không thể không lấy lòng ra để sờ mó, nhìn ngắm lại một vóc dáng, một nhan sắc của một con đất kỳ diệu thuộc xứ Quảng Nam. Thịt da của đất đá, của cỏ cây, của con người ở chốn trầm hương này đã dần dần trưởng thành từ thế kỷ 16. Khuôn mặt kinh tế, khuôn mặt văn hóa đã có thời phương phi, rạng rỡ, có thể là một vùng sống hợp chủng đầu tiên, được gọi bởi nhiều mỹ danh. Nhưng cho dù là Hải Phố,Hoài Phố, Hoa Phố, Faifoo, hay gọn nhẹ, thân mật chỉ một từ Phố, Hội An vẫn là Hội An, với cốt cách, phong thái vừa đủ để mời gọi, vừa đủ để nhớ tưởng.
Cuối năm 1999, tổ chức UNESCO đã chính thức công bố tại thành phố Marakech nước Maroc, tuyển chọn Hội An vào danh sách Những Di Sản Văn Hóa Của Nhân Loại, có là một khẳng định giá trị đích thực của Hội An?

Đọc... Chơi Vài Bài Ca Dao

Nguyễn Hưng Quốc

Ca dao, ai cũng biết là hay. Tuy nhiên, có nhiều bài ca dao chúng ta đọc đi đọc lại cả trăm lần, mơ hồ cảm nhận là chúng hay, mà chả hiểu chúng hay ở chỗ nào cả. Chỉ đến một lúc nào đó...
Ví dụ bài ca dao rất quen thuộc này:
Mình nói dối ta mình hãy còn son,
Ta đi qua ngõ thấy con mình bò.
Con mình những trấu cùng tro,
Ta đi xách nước tắm cho con mình.
Tôi thuộc bài ca dao này từ nhỏ. Nhưng chỉ gần đây, tôi mới bắt đầu loé thấy một ít cái hay của nó. Trước hết, chúng ta biết ngay bài ca dao này được làm theo thể lục bát. Bình thường, trong thơ lục bát, câu sáu chữ nằm trên câu tám chữ, lục rồi mới đến bát. Tuy nhiên, trong bài này có điểm lạ: là thơ lục bát, nhưng thay vì mở đầu bằng một câu lục thì nó lại mở đầu bằng một câu bát phá thể. Hệ quả là gì? Hệ quả là hơi thơ của câu thứ nhất dài hẳn ra. Dài và thiết tha vô hạn: tấm lòng của anh thanh niên mở ra bao la với những nguyên âm ‘o’ và nguyên âm ‘a’ rộng rãi và khép lại ở nguyên âm ‘i’ thầm thì trong chữ ‘mình’, một chữ được dùng để gọi người yêu, lặp lại đến hai lần ở câu thứ nhất. Thành ra ở đây, ngay câu thứ nhất, đã có một nghịch lý: ý câu thơ là tố cáo một sự dối trá (‘Mình nói dối ta...’) mà giọng thơ thì lại rất mực ngọt ngào và ấm áp: anh thanh niên biết mình bị lừa mà lại sẵn sàng chấp nhận bị lừa, sung sướng để chịu bị lừa.
Hay nhất trong bài ca dao vẫn là chữ ‘mình’. ‘Mình’ là cách xưng hô đầy âu yếm để gọi người mình yêu. Chữ ‘mình’ ấy lại lặp đến lại năm lần, mang hai ý nghĩa hoàn toàn khác nhau: bốn lần đầu, ‘mình’ là em, chỉ người con gái, ngôi thứ hai số ít: ‘con mình’ là con của em, là ‘your child’. Đến lần thứ năm, cũng là ‘mình’, nhưng ‘mình’ ở đây lại là ta, là chúng ta, ngôi thứ nhất số nhiều, bao gồm cả người con trai lẫn người con gái: ‘con mình’ ở câu cuối là ‘our child’. Người thanh niên chấp nhận đứa con riêng của người yêu làm con của mình.

Nghi Vấn Về Một Bài Thơ

Nguyễn Mạnh Trinh 

Có một bài thơ nổi tiếng của một nhà thơ Mễ Tây Cơ đã đoạt giải Nobel văn chương năm 1990. Octavio Paz (1914-1998) và bài thơ ”Between what I see and what I say”. Trong bài diễn văn kỷ niệm 70 năm ngày sinh của ông, nhan đề “Xa xôi hơn những ngày tháng, gần gũi hơn những tuổi tên”, là một bài viết thật nhiều cá tính riêng biệt với một phong cách suy tư sâu sắc ông viết:
“…Con người là một con vật chính trị và cũng là một con vật triết học. Bởi vậy con người cũng là một con vật thi ca, một ẩn dụ mênh mang bàng bạc. Tưởng tượng đã tạo thành những nhịp cầu bắc giữa hành động và ngưỡng mộ quan sát. Trong sự tưởng tượng ấy, cái ”nhìn” cũng như cái ”làm” được khai triển. Nhờ óc tưởng tượng, con người phóng ra những hình ảnh bản thân mình và hình ảnh thế giới, chiêm ngưỡng và tự nhìn ngắm chính mình, một hình ảnh con người được chuyển hóa, trong cảm giác của cơn khát được thể hiện. Tưởng tượng đã mời gọi chúng ta ”làm” cái mà chúng ta đã “nhìn” để hình tượng chính chúng ta. Những thời điểm sáng tạo của lịch sử đều là giây phút mà hình ảnh mơ mộng được liên tưởng và cảm nhận để hạ xuống thấp mặt đất. Chính ở sự biến hóa thành hành động nên chất sống có phong vị nồng nàn hơn.
Ngay từ khi còn trẻ tôi đã cảm nhận, như cùng biết bao người chung tuổi tác, cái tiếng gọi chia đôi bên này bên kia giữa hành động và sự quan sát để chiêm ngưỡng. Trong thế giới hiện đại nhập chung cả hai cảm giác làm một thật là khó khăn: không gian và các thiên thể hiện hữu của nó không còn là khuôn mẫu của xã hôi loài người nữa. Chúng ta là một địa cầu lang thang trong một vũ trụ cũng lang thang. Tuy nhiên tôi đã mau chóng tìm thấy được nhịp cầu nối liền hai cảm giác của hành động và quan sát để chiêm ngưỡng:...”

Đốt

Song Thao
 
Những ngày cuối tháng 5 của 43 năm trước, là mùa sách nạn của dân chúng miền Nam. Cộng sản vừa cướp được Sài Gòn đã vội ra lệnh tịch thu tất cả sách báo miền Nam mà họ gọi là “văn hóa đồi trụy và phản động”. Họ huy động từng đoàn thanh niên học sinh, mang xe ba gác đi từng nhà lục soát sách mang đi đốt giữa những bộ mặt hốt hoảng, bất lực pha lẫn ngậm ngùi của chúng ta. Một bài báo của một tác giả vô danh tôi lượm được trên internet truy niệm cho những cuốn sách vô tội bị hỏa thiêu: Bởi vì sách vở thời ấy, số phận nó như số phận người. Nó cũng phải trốn chạy, chui rúc, ẩn náu. Chúng cũng rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ, cảnh lạc đàn, cảnh tan nát, cảnh tan hoang mất còn. Vận người dân miền Nam thế nào, vận chúng như thế. Đứa may trốn thoát. Tôi có đứa cháu trai, hồi đó 6 ,7 tuổi. Khi đi di tản năm 1975, cháu chỉ mang cặp sách của cháu và nhặt một cuốn sách giáo khoa tâm lý học tôi viết thời đó. Sang sau vài năm, cháu đưa lại cho tôi. Kể cũng mừng và cũng buồn cười. Đứa yểu tử thì làm mồi cho cuộc phần thư. Đứa không may làm giấy gói sôi buổi sáng. Đứa bất hạnh làm giấy chùi đít. Đó là cuộc trốn chạy vô tiền khoáng hậu mà những kẻ đi truy lùng chỉ là các trẻ con lên 12, 13 tuổi. Các cháu ngoan bác Hồ. Họ xô những đứa trẻ con vô tội đó ra đường. Chúng quàng khăn đỏ hô hoán, reo hò như trong một vụ đi bắt trộm, hay đi bắt kẻ gian. Chúng lục soát tận tình, chúng đánh trống, chúng hát hò như một cuộc ra quân của một đoàn quân chiến thắng.Gia đình nào cũng sợ hãi cái quang cảnh đó nên kẻ mà phải hy sinh đầu tiên chính là sách vở”.
Hâu như toàn thể nhân loại văn minh coi việc đốt sách vở là một hành động man rợ. Vậy mà cuộc phần thư ác ôn này được cả hệ thống tuyên truyền của nhà nước nhảy xổ vào đành phèng la cổ võ. Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 25/5/1975 tường thuật sự việc: “Ngày 23/5/1975, trên nhiều đường phố Sài Gòn, “khí thế ra quân” của chiến dịch vô cùng sôi nổi: “Đoàn thanh niên nam nữ đi qua các đường phố và hô to nhiều khẩu hiệu đả đảo văn hóa ngoại lai đồi trụy mất gốc phản động.

Tựa Tháng Ba Gãy Súng

Hồi Ký Cao Xuân Huy


Tựa

 Tôi không phải là một nhà văn, mà tôi chỉ là một người lính, lính tác chiến đúng nghĩa của danh từ, và những điều tôi viết trong quyển sách này chỉ là một câu chuyện, câu chuyện thật một trăm phần trăm được kể lại bằng chữ. Tôi viết những điều mà những thằng lính chúng tôi đã trực tiếp tham dự nhưng không ai viết lại, trong khi nhiều người đã viết về những chuyện chiến trường thì hình như chẳng có ai dự. Trong lứa tuổi của tôi, lứa tuổi dưới mười khi theo gia đình di cư từ Bắc vào Nam, ngoại trừ những người có thân nhân ruột thịt bị giết bởi Việt Cộng, còn hầu hết, có bao nhiêu người thực sự căm thù Việt Cộng đâu, vì rõ rệt một điều là từ lứa tuổi tôi trở xuống, có đứa nào biết Việt Cộng là cái gì đâu. Cũng y như lứa tuổi dưới mười khi theo cha mẹ qua Mỹ từ năm 1975 ở đây bây giờ. Cũng thù ghét Việt Cộng vậy, nhưng chỉ là cái thù gia truyền, cha mẹ thù ghét thì mình cũng thù ghét theo thế thôi, chứ chẳng có gì là sâu đậm cả. Cho đến khi lớn lên, đầu óc đã tạm đủ để suy xét thì khổ một nỗi, hệ thống tuyên truyền của Việt Nam Cộng Hòa lại có giá trị phản tuyên truyền nhiều hơn là tuyên truyền. Cho nên khi vào quân đội, tôi tình nguyện vào đơn vị tác chiến thứ thiệt vì căm thù kẻ địch thì ít mà vì cái máu ngông nghênh của tuổi trẻ, vì bị kích thích bởi những cảm giác mạnh của chiến trường thì nhiều.
Tuy nhiên, vì ở một đơn vị thường xuyên tác chiến, cùng gian nguy, cùng sống chết với nhau nên tôi đã gắn bó với bạn bè, đồng đội trong đơn vị như với anh em ruột thịt. Tôi yêu đơn vị tôi, tôi yêu màu mũ, màu áo tôi, tôi yêu thuộc cấp tôi và tôi kính trọng thượng cấp tôi. Tôi bình thản chấp nhận mọi thói hư tật xấu của thượng cấp và thuộc cấp, và chính tôi cũng có quá nhiều thói hư tật xấu.