Cánh Cửa

Nhật Tiến

Mối liên hệ giữa Trường và Sủng, thằng công an mặt non choẹt chỉ đáng tuổi con trai của chàng, khởi sự từ hôm Trường kiếm được một mảnh nhôm lớn.
Mảnh nhôm nằm đâu đó trong bụi cỏ và bị vùi nông dưới một lớp đất bùn. Thoạt tiên, Trường tưởng đó là một miếng tôn rỉ. Nhưng nắn thử, chàng thấy nó vừa cứng, vừa nhẹ. Lúc chàng miết mạnh móng tay cái của mình xuống, Trường thấy nó để lại một vệt sáng ngời.
Thế là Trường thủ mảnh nhôm đem về trại và phác họa trong đầu đủ thứ vật dụng mà chàng có thể biến chế. Chàng nghĩ đến một cái lược cài tóc cho vợ, một cái trâm gài đầu cho đứa con gái và một cái mặt dây chuyền đeo cổ để tùy nghi.Thời giờ ở đây có thừa để Trường đủ kiên nhẫn ngồi gò những món vật dụng của mình trở thành tinh xảo. Như cái lược là một công trình tuyệt hảo của bàn tay tài hoa phối hợp với khối óc nhiều sáng tạo. Hàng răng lược đều đặn, khoảng cách cân đối, còn dẫy hoa văn khắc trên mặt lược là cả một nghệ thuật trang trí tỉ mỉ, gợi ý từ những mặt hổ phù, những nét khắc họa trang trí trên đồ gỗ, đồ khảm, đồ chén đĩa mà trước đây Trường đã có nhiều lần say sưa ngắm nghía.
Một công trình như thế, Trường đã phải dành ra cả tháng ròng rã để hoàn tất. Trong thời gian ấy, đi đâu chàng cũng mang nó theo, dắt kỹ ở lần túi trong của chiếc áo thô sơ may bằng vải bao cát. Khi đi lao động có chút thì giờ nghỉ ngơi, Trường hay đem nó ra ngắm nghía để thấy mình còn đôi chút hơi hướng nghĩ về người vợ thân yêu.

Cánh Cửa, tập truyện ngắn Nhật Tiến

Cánh Cửa
tập truyện ngắn Nhật Tiến
Thời Văn xuất bản 1990
Sách dầy 250 trang, gồm 13 truyện ngắn.
Tựa Hoàng Khởi Phong trang 9
Thay lời nói đầu của tác giả trang 19
thay lời cuối trang 239



Đọc truyện ngắn Cánh Cửa