VậnTốc Trung Bình

Chuyện ngắn Vũ Quỳnhh Hương
 
Để giải quyết một cách tiêu cực cho nạn kẹt xe khủng khiếp trên xa lộ 101 mỗi chiều, nói tiêu cực vì nàng không thể chọn giờ khác, cũng không thể chọn một con đường nào khác để trở về, nàng chất trên xe, bên ghế ngồi của nàng, không biết bao nhiêu là sách báo. Từ những tờ báo Việt ngữ nàng đặt mua hàng năm, những tờ nàng nhặt ở chợ Việt Nam mỗi tuần, những tờ nàng không hiểu vì sao mình có… cho đến những tờ magazine bản xứ mà nàng cũng mua chỗ này một tờ, nhặt chỗ kia một tờ, trong giờ break ở trường, trong những lúc trốn việc ở sở, trong khi xếp hàng đợi tính tiền chợ…. Từ Time sôi sục lời hứa hẹn của những yếu nhân muốn cầm vận mệnh Hoa Kỳ, tờ Newsweek chụp thật gần hình ảnh cái xác vị nữ lãnh tụ Ấn Độ trên giàn hỏa làm máu nàng ngưng chảy lại một giây, tờ National Geographic với những bức ảnh đẹp lộng lẫy và hoang đường chở theo câu chuyện về những xứ sở xa xôi nào đó… cho đến những tờ lá cải với hàng ngàn đề tài lẩm cẩm ăn khách từ phương Đông cho tới phương Tây… How to say no to a man and how to say yes; How to meet a millionnaire; How to enlarge your breasts… v.v. và v.v. Thường thì nàng đặt tờ báo ngay trên tay lái và đọc nó vào giữa những giây phút chờ đợi dài dằng dặc lê thê trước khi có thể nhích theo được chiếc xe đi trước nàng từng bánh xe một, trong giòng xe cộ trùng điệp tại một tiểu bang có hệ thống xa lộ nổi tiếng nhất nước Hoa Kỳ. Đôi khi, dường như nàng lại còn mong cho cuộc kẹt xe kéo dài thêm chút nữa để nàng có thể đọc cho xong một đoạn văn hay, một bản tin án mạng với đầy đủ chi tiết hoặc một bài bình luận nẩy lửa nào đó. Với cách giết thời giờ ấy, nàng không bị rơi vào trạng thái nóng nẩy, bực dọc, bồn chồn giữa giòng xe cộ trườn đi từng chặng từng chặng nặng nề như một con trăn uể oải. Vận tốc tối đa được qui định trên xa lộ là 55 dặm giờ, nhưng trong những buổi chiều không thay đổi như thế, từ thứ hai cho đến thứ sáu, nàng và giòng xe chung quanh chỉ trườn đi với vận tốc khoảng từ 25 cho đến 15 dặm giờ, thứ vận tốc chậm rãi thong dong nhất mà một người văn minh có thể nhận được một cách tình cờ không lựa chọn, giữa một nhịp sống đang quay vòng với tốc độ rất nhiều lần nhanh hơn. Điều rất thường xảy ra khi nàng mải mê cúi xuống những trang báo như thế là chiếc xe phía trước nàng đã nhích đi một khoảng cách đủ để một hoặc hai chiếc khác chen vào mà nàng vẫn dậm chân tại chỗ, chiếc xe sau nàng bèn ré lên một tiếng còi nóng nẩy. Nàng vội vã đạp ga nhích theo, liếc vào kính chiếu hậu, mỉm cười rồi lại tiếp tục cúi xuống đọc báo như cũ. Không chịu được sự lơ đãng bình thản cứ tiếp tục xảy ra nhiều lần, chiếc xe sau nàng bèn đổi lane, tránh qua bên phải hoặc bên trái để liếc nhìn xem nàng đang thực sự làm gì, trước khi cố sức vượt lên trên, lên trên nữa. Nếu người lái chiếc xe sau là một người đàn bà, bất kể tuổi tác và chủng tộc, nàng sẽ nhận được một cái liếc háy rất dài; nếu là một đàn ông da trắng mặc Âu phục ba mảnh, cổ có cà-vạt với một chiếc áo treo lủng lẳng ở băng sau, nàng sẽ nhận được một nụ cười rất lịch sự; nếu không may mà kẻ lái xe lại là một tên da màu, một tên Mễ thì trường hợp xảy ra rất tệ. Có khi là những cái huýt sáo có hoặc không có kèm theo dậm chân đập tay, có khi là một cái đầu bờm xờm thò qua cửa xe đã quay hết kính xuống, hét lên, Hey, có đọc thư tình thì về nhà mà đọc chứ!

Một Kiếp Hồng Nhan

Nguyễn Đức Lập

Vào những năm khoảng cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, trên báo Sài Gòn Mới của ông bà Bút Trà có đăng một mẫu quảng cáo về một lớp dạy đờn tranh, trên đó, có hình một thiếu nữ đang ngồi đánh đờn.
Thiếu nữ nầy mặc áo dài trắng, vóc người mảnh mai, tóc dài xõa một bên bờ vai, che một phần ngực, mặt trái xoan thoáng buồn, đẹp não đẹp nùng.
Mỹ nhân trong hình đó là cô Phương Lan, cũng là người đứng ra mở lớp dạy đờn.
Thiệt ra, hình nầy, cô chụp đâu hồi còn con gái, thuở xa lắc xa lơ, chớ hồi tôi gặp cô, biết cô, cô đã ở tuổi ngoài bốn mươi, ngoại hình so với người đẹp trong ảnh, đã khác xa một trời một vực…
Dám mở lớp dạy đờn ngay giữa Sài Gòn hoa lệ, nơi qui tụ không biết bao nhiêu nhạc sĩ, nhạc công tài danh của khắp ba miền Nam, Trung, Bắc, hẳn nhiên, người phụ nữ Quảng Ngãi nầy có tài thật sự và tự tin ở khả năng của mình.

Ra Ngoài Thơ Hẹn Thơ Nghĩ Thơ

Ngu Yên

Tôi nghĩ:
Tự do cần luật lệ và phương cách sử dụng luật lệ để được tự do làm đẹp, làm hay, làm tốt đời sống và bản thân. Nếu luật lệ làm mất đi hoặc kềm hãm ý nghĩa, giá trị nêu trên, luật lệ và phương cách đó cần hủy bỏ hoặc điều chỉnh.
Trong quan niệm này, tôi nghĩ về thể thơ tự do.
Cơ bản nhất của thơ tự do là nghệ thuật xây dựng hình ảnh, ngôn ngữ và tứ thơ theo những loại nhịp điệu “thả lỏng”. Nhịp điệu “thả lỏng” là đặc điểm để phân biệt giữa thơ tự do và văn xuôi. Nhịp điệu “thả lỏng” là nhịp và điệu không nhất thiết phải tuân theo luật lệ của thơ truyền thống và thơ vần. Nó xây dựng trên: 1- Cách sắp xếp hình ảnh. 2- Cách tạo âm thanh qua âm sắc, trường độ, nồng độ, và thứ tự của chữ trong câu. 3- Cách dàn dựng câu qua các dấu văn phạm và qua cách sắp xếp vị trí của câu. 4- Cách sử dụng tứ thơ. 5- Cách sử dụng khoảng trống và khoảng trắng.
Những kỹ thuật thường thấy là phương cách xuống hàng, vắt hàng, nhảy hàng, lập lại, so sánh, và những sáng tạo riêng của mỗi nhà thơ.
Thơ tự do xuất hiện ở văn học Pháp vào khoảng 1880. Bắt nguồn từ loại thơ “nhịp điệu bất thường” được trải nghiệm trước đó. Thơ tự do phát triển mạnh vào đầu thế kỷ 20 và ngự trị cho đến nay, mặc dù có một số thể thơ khác ra đời như thơ Cụ Thể, thơ Xuôi, thơ Thị Kiến, thơ Diễn Hoạt... nhưng thơ tự do vẫn giữ vững vị trí vì đó là nhu cầu căn bản để diễn đạt thơ.
Cụm từ “thơ tự do” tự nó đã cho chúng ta ý nghĩa tổng quát, tuy nhiên, cũng như bất kỳ loại tự do gì, kể cả tự vận, cũng chỉ tương đối. Vì vậy, thơ tự do là loại thơ diễn đạt ký hiệu và ngôn ngữ bởi cảm xúc và trí tuệ không theo luật dài ngắn của câu, số hạng câu, và cách phân phối bài thơ. Âm nhạc tuy cần thiết cho dễ cảm và mỹ thuật, nhưng không bắt buộc phải có trong thơ tự do. Ngôn từ hào nhoáng, bóng bẩy, thẩm mỹ, chải chuốt, cũng không còn được quan tâm. Thơ tự do thời nay sử dụng lời lẽ bình thường, có khi tầm thường, để diễn đạt những hình ảnh và tứ thơ, kể cả những tứ thơ cao kỳ.

Ngang Lưng Đèo

Lê Thị Huệ

Xe đang nằm ụ giữa lưng chừng đèo. Đèo quốc lộ vắt vẻo ngang lưng trời, nằm trườn mình lên chập chùng cây rừng và đá núi. Con đường đèo độc nhất nối hai miền đất thượng và hạ thòng lòng một dãy xe cộ nối đuôi dài ngút mắt. Đoàn xe gồm đủ loại, xe lam, xe rau, xe nhà, xe khách, xe lính, xe công… làm thành một đường ngoằn ngoèo hỗn tạp màu sắc. Náng quá ngọ trút xuống sức nóng làm mặt đường nhựa run run.
Hai mẹ con ngồi xẹp giữa đống đồ đạc chất ngổn ngang trên xe. Nào bàn ghế, giường tủ, bao thùng, xe gắn máy, xe đạp, chuồng nuôi gia súc…đè lên nhau trên một chiếc xe mui trần.
Người mẹ cột tóc đuôi ngựa bằng giải vải hồng lấm tấm hoa được thắt thành một cái nơ, mặc áo cánh sát vai để lộ đôi tay dài nâu thon da thịt chưa nở nang hết, ngồi dựa lưng vào vách một cái chuồng gà. Cô nàng cầm chiếc nón rộng vành che cho con. Thằng bé lên bảy chui mình dưới gầm một chiếc bàn học để tránh nắng. Thỉnh thoảng ló người ra, rúc vào dưới nón mẹ.
- Nắng quá há má. Đứa bé tựa vào đầu gối của mẹ, và nói.

Buồn Đầy Mặt Trăng Tháng Tư

Luân Hoán

hôm nay mười bốn trời trong
đêm Montréal rộng thong dong mây nằm
trời xa mà ngó thật gần
ngỡ như tay vói đụng trần trời cao
tôi ngồi lặng lẽ đếm sao
nụ mờ nụ sáng đều thao thức buồn
nỗi buồn nhè nhẹ dễ thương
lẫn vào trong gió bay luồn đến tôi

Hơi Thở Việt Nam,
Chứng Nhân Của Cơn Hồng Thủy

Nguyễn Mạnh Trinh

Thơ là tiếng nói tinh khôi đãi lọc của nhân loại, một ngôn ngữ cơ động xao xuyến nhất của nội tâm con người. Từ tâm thức vùng vỡ vì nghịch cảnh lịch sử, từ tình cảm đời sống mãi dồn nén trói buộc ở Việt Nam, thơ được tôi luyện và tham dự vào đời sống văn chương. Thi sĩ có trái tim dễ rung động, dễ " khóc cười theo vận nước nổi trôi" cho nên những vần điệu chỉ là ngôn ngữ nói lên hình ảnh và biểu tượng của một thời tan vỡ và đau xót.
Ðối với thi sĩ, biểu tượng là cái áo khoác lên ý tưởng muốn diễn tả. Và dĩ nhiên cái áo khoác đó có những màu sắc khác nhau, loè loẹt rực rỡ hay đơn giản chất phác. Có người quan niệm vũ trụ của thi sĩ là vũ trụ của phóng thể, một bầu trời của riêng hắn mà trong đó hắn ngự trị, là Chúa Tể, là Thượng Ðế. Hắn sáng tạo tất cả với ý hướng biểu hiện những ước mơ chưa thực hiện. Nhưng ngược lại ở trường hợp khác, đời sống có thực đã hiện diện trong tác phẩm. Thi sĩ khai quật những chiếc quặng sự thực của đời sống, lấy trên điểm tụ những góc cạnh bắt gặp trong giây phút của đời người và như thế cũng đầy đủ để tạo ra những hình ảnh cần thiết diễn tả những biểu tượng muốn nhắc đến. Ðời sống Việt Nam có quá nhiều chi tiết độc đáo, ở thân phận dãy đầy khổ ải truân chuyên, ở cơm áo đã đưa con người trở về thời kỳ ăn lông ở lổ.

Buổi Người

Phan Ni Tấn

Cái năm tôi đi ngược Dọc Đường Số 1 (*)
Những trận mưa làm đất mốc lên buồn
Có tiếng súng lùng bùng trong họng súng
Có biến kinh chóp chép miệng người luôn

Dấu Binh Lửa (*) làm non sông xạm mặt
Mũi lưỡi lê hộc máu chảy tanh nồng
Người ngả xuống trên đèo cao dốc thẳm
Thiếu phụ cười giọt lệ nuốt vào trong

Chờ In Chin, Sắc


Hồ Đình Nghiêm

Ông nội em tuy con nhà võ nhưng không biết món Cửu Chỉ Thần Công. Bà nội em cho hay: Sở dĩ đếm lui đếm tới trên hai bàn tay của ông chỉ có chín ngón là tại vì thời trai trẻ ông mắc phải lỗi lầm với đại ca, tự cắt rời ngón út gói vuông vắn trong khăn trắng để thế một lá thư ăn năn, xin tha thứ, xin xoá bỏ giùm những vụng dại nhỡ mang.
Họ ngồi trong một quán ăn. Họ tính đi lên chùa nhờ vị sư già thông hiểu thuật tử vi tướng số định giúp cho họ ngày lành tháng tốt để an tâm in thiệp cưới tựu thành cơn mộng uyên ương liền cánh. Chỉ ngốn mới một phần ba đoạn đường thì trời đổ mưa, thứ mưa giông tuỳ tiện rơi mà chẳng cần đưa biểu hiện nhằm thông báo trước. Mây đen vụt qua, thoáng chốc trên cao biết bao thùng nước đồng loạt dội xuống, thịnh nộ, hung hãn, vuốt mặt không kịp.
Họ tạt vào quán vắng trú mưa. Mái tồn thấp nghe vũ lượng rầm rộ trong khi giữa trủng ngực người con gái, sự ướt át phập phồng từ tốn bốc hơi, khô dần sứa vải ép sát thịt da. Khi đợi thức ăn mang ra, người con gái có kể qua một chút gia phả giòng họ mình cho tình nhân nghe. Dù gì thì cô được sinh đẻ và lớn lên ở Quy Nhơn, vùng đất mà người tình cô thắc mắc: Chả rõ con gái bây chừ có còn biết “cầm đao nhảy ngựa múa roi đi quyền”?

Già Thi Sĩ

Ngu Yên

Muốn làm Thượng Đế
Phải giết Thượng Đế
Ta đang già
Chưa giết nổi thi sĩ
Nói chi chuyện đất trời
Ngồi giữa thế giới vẫn mình héo hon
Thân thế làm sao nông nỗi thế này
Thấy con ngủ say lòng hối hận
Mai nó một đời nghiệp dĩ vô lý
Ghét trời chăng?
Trời biết gì lý luận

Con Chuột Nhắt Tật Nguyền

Hoàng Chính

“Chú mua cây quạt đi chú; mua dùm con...”
Tôi trở về. Hai mươi năm sau tôi mới trở về. Chợ Bến Thành, thời trẻ chưa lần nào ghé qua. Lẩn thẩn thế nào mà lại lạc vào đây. Chắc tại nắng gắt, đôi giầy mòn gót đưa tôi trốn vào đây chăng. Ngoài kia trời trong nhưng oi. Và nắng bong da. Trong này, những chiếc quạt vắt vẻo trên trần ném chút gió ong óng vào khoảng hành lang hẹp.
“Trời nóng, chú mua dùm con cây quạt đi chú.”
Tôi cúi xuống. Một con bé loắt choắt bám lấy chân. Bàn tay chỉ còn ngón cái xùi lên như cái dùi trống, bốn ngón kia dính vào nhau chằng chịt những xớ thịt xám ngắt. Hai cái dùi trống kẹp chắc một chiếc quạt nan. Thấy tôi để ý tới, hai con mắt hạt nhãn lấp lánh những tia vui. Hai cái dùi trống cử động, chiếc quạt mở ra. Hình gì thế này. Tôi không dám nhìn vào đôi hạt nhãn long lanh. Tôi chăm chú vào tranh vẽ trên nền quạt giấy. Con bé mở rồi xếp những nan quạt một cách thiện nghệ như đang làm ảo thuật. Hình gì thế nhỉ. Những nan quạt khép mở. Hình ảnh nhập nhòe. Chùa Một Cột. Đúng là Chùa Một Cột. Vua nào đó nhà họ Lý năm xưa đã có công xây lên ngôi chùa cho hậu thế có cảnh mà vẽ vào những tranh sơn mài, lên những tà áo, vào những chiếc quạt giấy bán rong trên đường phố.

Vùng Thanh Thoát

Luân Hoán

một bữa nọ tình cờ tinh nghịch đặt
bàn tay che vừa kín cửa thiên đường
thân phát sốt theo động tiên vun mãi
trời không mưa mà tay ngấm mật hương

sự mầu nhiệm vẫn từng giây biến hoá
từ u mê bỗng linh hoạt khác thường
rồi từ đó mỗi ngày tôi mỗi đặt
bàn tay lên cõi sống văn chương

nhận rất rõ mình trưởng thành từng phút
qua khe hoa mướt ngọt tình sương
đời ghen tức lắm lần ngăn tay đặt
nên đôi khi tâm thức thiếu bình thường

Thơ hay, thơ dở,
cái hay của thơ dở và cái dở của thơ hay

Nguyễn Hưng Quốc

Trước hết, xin nói ngay, nhan đề bài viết này không được đặt ra với dụng ý khiêu khích. Cảm giác khiêu khích, nếu có, chủ yếu xuất phát từ ấn tượng nghịch lý giữa hai chữ “hay” và “dở”. Tuy nhiên, đó không phải là một nghịch lý. Theo tôi, cái hay trong thơ dở cũng như cái dở trong thơ hay là những hiện tượng phổ biến trong cả không gian lẫn thời gian. Ở đâu và thời nào cũng có. Chỉ khác ở mức độ. Có thể nói một cách vắn tắt và khái quát thế này: Bất cứ một bài thơ hay một khuynh hướng thơ nào chúng ta xem là hay hiện nay cũng từng có lúc bị xem là dở; và ngược lại, bất cứ một khuynh hướng thơ nào từng có lúc được xem là hay, đến một lúc nào đó, chỉ sản xuất ra toàn thơ dở.
Cứ nhìn vào lịch sử thơ Việt Nam, chúng ta cũng có thể thấy ngay điều đó.

Về Già

Ngu Yên


Về già
Không những giai nhân tránh xa
Văn chương cũng xa lánh
Lãng mạn khó khăn theo trời trở
Yêu đương thích, không ham
Thơ nặng củ sầu chằng chịt rễ
Không hoa chỉ tua tủa gai đời
Ý tứ thường xuyên giáp mặt chết

Chin Chin Kobakama


Bắc Phong 

Cổ Tích Nhật Bản
Bắc Phong dịch từ bản tiếng Anh Chin Chin Kobakama do Lafcadio Hearn (1850-1904) chuyển ngữ.

Người Nhật thường phủ sàn nhà bằng các tấm thảm rất đẹp, dầy và mềm được dệt bằng những sợi rơm khô. Họ xếp các tấm thảm vừa khít với nhau đến nỗi người ta chỉ có thể nhét vào khe một lá dao mỏng. Các tấm thảm được người Nhật giữ sạch và thay mỗi năm. Họ không bao giờ đi giầy trong nhà và không dùng ghế như người Anh. Họ ngồi, ăn, ngủ và đôi khi viết trên sàn. Vì vậy các tấm thảm phải được giữ thật sạch. Trẻ con Nhật được dạy dỗ, ngay từ khi biết nói, là không được làm rách hay bôi bẩn các tấm thảm.

Bài Ca Cũ Đã Năm Nào

Phan Ni Tấn

nửa đêm khuya khoắc trời mưa bất cẩn
tạt trúng hồn anh những giọt xanh xao
núp gió anh ngồi lọt trong thơ thẩn
nói lại bài ca cũ đã năm nào

nói chơi cho vui giữa dòng xao động
có anh ngồi ngoài đất nước hoài mong
kể nghe từ buồn đi ra trào lộng
thây kệ nỗi đời sắc sắc không không

Chén Rượu Mừng Xuân

Nguyễn Đức Lập

Chén rượu xoàng đây ta mời ngươi
Cháy gan cháy ruột ngửa nghiêng cười
Người đời xanh mắt thời tao loạn
Tìm kiếm chi cho chán mớ đời?

Hiền sĩ ngày xưa ngồi góc núi
Pha trà nước suối, ngâm thơ chơi
Hay say giữa chợ lan man khóc
Sụ nghiệp không đầy bát rượu vơi.

Thơ Trong Ký Ức

Nguyễn Mạnh Trinh


Ta lều cỏ thẩn thơ trang sách
nghĩa lý gì nắng giọt ngoài hiên
tâm sự như loài hoa hóa thạch
hốc núi nào đỏ máu nỗi riêng
Suy ngẫm được mấy điều to lớn
nằm gác chân đếm mỏi tháng ngày
nếu mộng mơ cứ hoài chưa trọn
thì giọt mưa làm nhớ heo may

Nẻo Quyên Ca

Chuyên ngắn Vũ Quỳnh Hương
 
Ðã từ lâu, tôi tự coi như mình không còn trẻ nữa. Ðó không phải là một cách ràng buộc mình, một cách chống chỏi với những lúc buồn phiền, hay một cách gìn giữ lòng trung trinh. Tôi chỉ giản dị tự cảm thấy mình không còn trẻ nữa.
Nói một cách khác, tôi chỉ còn đủ trẻ để tiếp tục chờ đợi Khắc chứ không còn đủ trẻ để khởi đầu một đời sống khác. Bằng cách suy nghĩ đó, tôi thôi không tự hỏi liệu nếu năm mười năm nữa tôi vẫn không gặp lại Khắc thì còn chi là cuộc đời tôi.
Có những lúc bắt gặp tôi trong cơn ủ rũ, Ý Nhi đã quanh quẩn bên tôi với vẻ bứt rứt đầy trắc ẩn. Càng về những năm sau này, những cơn ủ rũ như vậy càng thưa thớt đi nhiều, nhưng vẫn đủ để Ý Nhi bắt gặp được. Có lần, nó nói đại khái là tôi cũng cần phải sống đời của tôi, là tôi không được công bằng với chính tôi.
Ý Nhi nói tiếng Việt, nhưng tôi nghe ra trong câu nói của nó cái ngôn ngữ của một người Mỹ. Con gái tôi nói chuyện với tôi bằng thứ tiếng của người bản xứ, như nói với một người bạn gái duyên phận long đong. Tôi há miệng toan trả lời nhưng chợt nhận ra cái vẻ bè bạn đó, tôi ngừng lại, im lặng quan sát Ý Nhi.

Nụ Thơ Hàng Xóm

 Luân Hoán

khi đứng rửa chén một mình
thỉnh thoảng vô cớ thình lình liếc nghiêng
bộ bàn ghế đặt ngoài hiên
thoáng như có bóng ai yên vị ngồi

định thần nghiêng cổ trông vời
chỉ là cơn gió khẻ rời ghế không
giật mình tưởng tượng viễn vông
một con ma nữ môi hồng lén thăm

Sông Không Bến

Chuyện ngắn Lê Thị Huệ

Trong lúc lăng xăng theo làm việc ở các phòng triển lãm của Ed Nuestra ở vùng Bay thì tôi gặp nàng Huệ Lâm của tôi.
Chiến tranh Việt Nam vừa chấm dứt. Lúc ấy phong trào cứu trợ người tị nạn Đông Dương nổi mốt thời trang từ Nhật sang Âu đến Mỹ. Cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến đầu tiên được trình chiếu tanh banh trên màn ảnh truyền hình trong mọi gia đình khắp hoàn cầu. Sự phổ thông của chiến tranh trên màn ảnh nhỏ này đã mang lại một hậu qủa là khi người Mỹ rời Việt Nam để cho cọng sản nhuộm chất độc đỏ toàn cõi Việt Nam. Thì thế giới biết có một làn sóng người Việt Lào Cam Bốt đã tha nhau chạy tán loạn khắp các vùng Đông Nam Á để lánh nạn cọng sản.
Một kẻ rành rẽ về thời cuộc Việt Nam thời bấy giờ, Ed đã xông xáo đi săn hình đẹp ở các trại tỵ nạn Á Châu. Ed là một phóng viên báo chí người El Salvado làm phóng viên cho một hãng thông tấn quốc tế. Anh đã từng có mặt ở Sài Gòn và xứ Nàng Pênh để thực tập nghề nghiệp trong thời gian chiến tranh Việt Nam đang cao độ thảm sầu. Thời gian gần đây anh vác máy quay trở lại Đông Nam Á vào các trại tỵ nạn kiếm thêm những bức hình khổ nạn của cái đuôi chiến tranh Việt Nam cho trọn bộ sưu tầm ống kính đẹp.

Đêm Giao Thừa Xa Nhà

Võ Kỳ Điền 

Căn nhà chật chội ồn ào rộn rịp, hôm nay bỗng dưng lặng im rộng thinh thinh như cái chùa. Vợ chồng anh tư Trần Hưng Đạo đã về Sài Gòn hồi sáng. Thằng Dân "gì đó" cũng vậy. Đám chị Điệp, Mai, Lan cũng bồng bế, dắt díu nhau lén về Bình Dương ăn Tết. Tụi thằng Tô Tỷ, A Son với Xám Mã Chải thì về Vĩnh Châu với má nó. Còn lại ở Bạc Liêu chỉ có vợ chồng tôi với thằng Bi. Tết Kỷ Mùi sắp đến hồi nào không hay không biết. Trong đầu bây giờ chỉ có một ý nghĩ duy nhứt. Chừng nào có lịnh cho đi. Nhiều buổi tôi ngồi hằng giờ trong quán cơm ở bờ sông nhìn chiếc... BL 1648 im lìm, lặng câm, dật dờ. Chỉ cần mở đỏi, kéo neo, nổ máy quay mũi hướng ra biển lớn, phăng phăng lướt sóng là mọi chuyện êm đẹp biết bao nhiêu. Vậy mà không được. Chờ hoài, chờ hoài. Đã gần một tháng nay tôi mỏi mòn héo hắt bơ ngơ báo ngáo như người bịnh nặng. Nhiều khi ngồi chán, buồn chưn tôi đi loanh quanh dọc bờ sông nhìn dòng nước chảy. Nước thì chảy cuồn cuộn mà ghe thì vẫn không chịu trôi. Ngày mai nầy, tôi đã ba mươi tám, tuổi nửa đời người, buổi sáng đứng chải đầu trước kiếng thấy có vài sợi tóc bạc màu, giựt mình nhớ câu "Thệ giả như tư..." Chiếc ghe vẫn nằm ỳ trên bến như dề lục bình hoa tím lá xanh mắc kẹt cột cầu tàu mục nát, trên đó có con vịt đứng co một chưn, miệng kêu cạp cạp xa vắng mỏi mòn. Tôi cũng y như con vịt, lẻ loi, ngơ ngác. Nhứt là buổi chiều nay, chiều ba mươi Tết, không cửa không nhà, không bàn thờ tổ tiên hương khói, không cha mẹ anh em, bơ vơ nơi đất lạ. Cũng may là còn có vợ con. Trời đã sẩm tối, tôi và Duyên đi một vòng chợ Bạc Liêu để coi thiên hạ chuẩn bị đón xuân sang. Đường xá Bạc Liêu nhỏ hẹp ẩm thấp bùn sình. Cơ quan thủy lợi của tỉnh đắp đê, đắp đập thế nào không biết mà chỗ nào cũng ngập lụt lầy lội. Đèn đường không đủ sáng, tù mù bóng đen nhòe nhoẹt. Hai vợ chồng ẵm thằng Bi đi lơn tơn dọc theo đường Độc Lập rồi lần ra Trương Vĩnh Ký. Đêm giao thừa, chợ Bạc Liêu dọn dẹp sạch trơn. Các gian hàng đóng im ỉm, khóa kín vắng tanh trái ngược với cảnh ồn ào rộn rịp hằng ngày. Hai bên đường phố nhà nào nhà nấy sửa soạn quang đãng, cửa mở hé. Nhìn vô trong thấy đèn nến sáng trưng ấm áp. Thỉnh thoảng có từng tràng pháo nổ. Không khí như ấm lại. Trên đường đã có nhiều đứa con nít súng sính trong các bộ đồ mới xanh xanh, đỏ đỏ chạy giỡn tung tăng. Lẫn trong đó có nhiều chị bạn hàng trễ muộn gồng gánh kĩu kịt, tất tả quay về.

Em Tôi

Nguyễn Mạnh Trinh 

Tôi. Em. Âm bản nhạt nhòa
Tóc sợi một lẻ trăng tà kề đôi.
Tháng chạp. Bầm đỏ nụ môi
Máu dòng khô nỏ góc trời khuất oan
Ký ức. Thẳm. Ðáy vô can
Thơ. Vai lửa phỏng ngữ ngôn riêng dành
Hốc sọ não gọi mong manh