Cà Mau Ly Rượu Giã Từ

Võ Kỳ Điền

Thế rồi ngày chờ đợi cũng đã đến. Sau bữa cơm, mọi người đang lim dim trong giấc ngủ trưa thì Hủ Tiếu khệ nệ vác cái bụng nước lèo, khệnh khạng đi vào nhà mặt hí hửng báo tin lịnh trung ương đã chánh thức cho phép các ghe của tỉnh Minh Hải khởi hành. Hắn nói:
-- Ngày mai, lúc sáu giờ sáng tụi mình đi xuống Cà Mau bằng xe đò, rồi từ Cà Mau mới đi ghe ra biển. Nhớ nghe, đi xuống đó tay không, không được cầm theo gì hết. Hành lý có xe chở đi trước... nhớ sơn tên họ rõ ràng để khỏi lộn.
Như một phát pháo lịnh vừa được châm ngòi, cả nhà bừng bừng vui ngày hội lớn. Một nỗi mừng vụt đến, tôi ngây ngất bàng hoàng. Ghe đã được đi! Ghe đã được đi! Công trình của gần hai tháng trời héo hắt đợi chờ. Tôi nhìn chỗ nào cũng thấy đáng yêu hết sức. Nắng hừng hực giữa trưa, nắng long lanh ngoài ngõ, nắng xôn xao trên những lá rau muống bên kia đường, nắng chói lòa niềm vui. Mọi người lăng xăng dọn dẹp, thu xếp, chuẩn bị. Tư Trần Hưng Đạo đi chợ mua sơn để ghi tên họ trên các bao hành lý, đồ đạc anh đem theo nhiều quá, gần tới cả chục cái xách tay. Anh ngồi trong góc nhà, cầm cây cọ nhỏ chấm vô sơn vàng, cẩn thận viết từng chữ cái.
Tôi nói với anh:
-- Anh mua hộp sơn lớn quá, viết có mấy cái xách tay làm sao cho hết!
-- Tiệm không còn thứ nhỏ, thôi kệ, miễn có mà viết. Xong rồi, anh em lấy mà dùng khỏi mắc công mua nữa.
Tôi soạn lại xách tay, sắp xếp lại quần áo, cái để mặc đi đường, cái chở theo bằng xe hơi, cùng các đồ dùng cần thiết.
Duyên kế bên cũng rộn ràng:
-- Mình phải mua thêm bình nhựa đựng nước đem theo để uống đi đường, cái bình một lít của Bi nhỏ quá không đủ đâu, em cũng phải mua thêm một cái nồi để nấu nướng...

Thiếu Nữ Chờ Trăng Lên

Lê Thị Huệ 

Ban đầu chúng tôi nằm cạnh nhau . Tôi tựa đầu lên chiếc gối lam nhìn ra bầu trời phía Tây Bắc ngang vòm cửa sổ. Bầu trời đục mây, những đám mây xám di chuyển nhanh và gần qua chóp những cao ốc; những cao ốc dựng ngược, đâm thẳng lên trời, án ngữ gần hết diện tích cửa sổ phòng. Lấm tấm trên mặt diện tích ấy là những vệt sáng vừa thắp. Những chấm sáng hòa với một thứ màu dị hợm của hoàng hôn úa đọng lung linh lên màu hồng máu trên cánh cửa kính. Chiếc đầu rồng của một cao ốc phố T. lộ ra chút vòm sững phía tay phải cửa sổ, trông xa và mờ đi vì sức ép của những khối hình thẳng dựng ngược và vì những tảng mây xám xiên ngang. Trời đang giữa mùa thu, tuy mới bốn giờ chiều nhưng không gian u ám. Tin từ máy phát thanh cho biết mây đang kéo mưa về. Người ta tiên đoán cơn mưa sẽ xuất hiện vào đầu đêm nay, sẽ tạnh, và sau đấy trời sẽ trong sáng.
Hai chúng tôi vừa trải qua một ngày la cà ngoài phố, di chuyển đến mấy địa điểm để tìm những thứ mà khách sạn không có. W tìm quyển báo thể thao có bài phê bình sốt dẻo về trận banh chiều naỵ Chàng cũng hối hả tìm mua ít dao cạo râu, một khẩu súng săn làm quà sinh nhật cho bố chàng. Tôi rủ W đến rạp A xem phim G, cuốn phim được giải điện ảnh năm vừa quạ Phim mô tả đời sống của một người đàn ông tranh đấu cho lý tưởng bằng phương thức bất bạo động. Rồi tạt qua phố T mua một ít bánh dẻo và bánh nướng.

Địa Chấn Ở Cali

Vũ Quỳnh Hương

Nàng đang ngủ giấc ngủ đầy ánh sáng
giấc ngủ đầy thinh âm
khi địa cầu cựa mình lên tiếng than dài
mặt đất vỡ ra những vùng đầy bóng tối
những giòng sông vặn mình bối rối
những chiếc cầu xô lệch đến chân mây
khói tím bay mù qua đầu núi
núi bàng hoàng với hỏi vầng trăng
cố nhớ lại mình bao nhiêu tuổi

Con Tàu Chở Đất Nước Tôi

Phan Ni Tấn

Con tàu chở đất ra khỏi nước
Lá mục khóc buồn cạnh bờ sông
Nhiều đêm nằm vắt ngang nỗi nhớ
Vẫn thấy người đi vớt biển Đông

Con tàu chở nước ra khỏi đất
Nghe buồn như tiếng máu chảy khô
Đời biết bao lần thôi lỗi hẹn
Giọt lệ trào ra nuốt ngược vô

Con tàu chở gió xa bờ cát
Thổi giọt trời mưa ướt bóng người
Chèo chưa qua hết thời của biển
Đã nghe hốc mắt ứa ngậm ngùi

Hội An, Nơi Chôn Cuống Rún Thơ

Luân Hoán

Lâu năm trở lại Faifo
nghe hồn Phố Hội dạt dào cỏ cây
Chiêm, Hà, Bồ, Pháp, Tàu, Tây...
còn vương trong hạt bụi bay hững hờ
chỉ giùm ta vạt đất nào
đã chôn cuống rún trổ thơ thành chùm
...

Hội An, Hội An, với tôi là một tên gọi đằm thắm, thân quen như tên một người yêu chung tình.
Trong hơn sáu mươi năm tiêu xài cuộc sống, tôi đã trôi dạt đến nhiều nơi trên mặt đất,dòng máu trong tim tôi bây giờ không biết đã hao hụt bao nhiêu, đậm nhạt thế nào. Nhưng có một điều chắc chắn, chúng vẫn đỏ, và vẫn nồng nàn khi nghĩ về những địa danh ở quê nhà, nhất là nơi đã chôn giữ cuống rún bé nhỏ của mình.
Nhớ về Hội An, viết về Hội An, nơi chôn cuống rún tôi, không thể không lấy lòng ra để sờ mó, nhìn ngắm lại một vóc dáng, một nhan sắc của một con đất kỳ diệu thuộc xứ Quảng Nam. Thịt da của đất đá, của cỏ cây, của con người ở chốn trầm hương này đã dần dần trưởng thành từ thế kỷ 16. Khuôn mặt kinh tế, khuôn mặt văn hóa đã có thời phương phi, rạng rỡ, có thể là một vùng sống hợp chủng đầu tiên, được gọi bởi nhiều mỹ danh. Nhưng cho dù là Hải Phố,Hoài Phố, Hoa Phố, Faifoo, hay gọn nhẹ, thân mật chỉ một từ Phố, Hội An vẫn là Hội An, với cốt cách, phong thái vừa đủ để mời gọi, vừa đủ để nhớ tưởng.
Cuối năm 1999, tổ chức UNESCO đã chính thức công bố tại thành phố Marakech nước Maroc, tuyển chọn Hội An vào danh sách Những Di Sản Văn Hóa Của Nhân Loại, có là một khẳng định giá trị đích thực của Hội An?

Cầu Tre Lắt Lẻo..

Hoàng Chính.
 
Người hành khất già ngồi bên bờ đất, co ro như một con mèo thiếu ăn. Những nếp da nhăn nheo đùn đầy lên hai đuôi mắt. Hai gò má nhô cao như hai ngọn đồi chênh vênh dòm xuống hai triền thung lũng sâu và hẹp, thuôn thuôn và gặp nhau ở chiếc cằm vênh vẹo như một mảnh bom nhặt được trong thời chiến. Ðôi mắt đục lờ những vẩy cá trắng màu mỡ đông trong những ngày đông giá, nhìn vào thăm thẳm của hư không ở đâu đó phía trước.Toàn thân người hành khất như một đống xương khô bọc ngoài bởi lớp da nhăn nheo khô khốc. Ðống xương bất động như một mô đất, một gốc cây bỏ quên bên lề đường, chỉ có cái miệng và những ngón tay là còn thở ra làn hơi của đời sống. Cái miệng meo méo, nhăn nheo những vết hằn khốn khó; cái miệng hát ra những lời vọng cổ buồn tái buồn tê. Và hai tay ôm hờ hững cần cây đàn guitar cũ kỹ mốc ngời bụi đường. Những ngón tay xương xẩu gỡ ra từ cần cây tây ban cầm những mảnh âm thanh rụng rời cảm xúc. Người hành khất già mê man với tiếng ca trầm buồn như gã phù thủy bị mê hoặc bởi những câu thần chú của chính mình.
          "Ði chưa thầy."
          Con nhỏ học trò thúc cùi chỏ vào cạnh sườn hắn, nhắc nhở, làm hắn bừng tỉnh.
          "Ông già ca hay quá."
          "Bài Xuân này con không về đó, thày biết hôn?"
          Con bé cố không đọc tên bản nhạc thành "Xuân này con hỏng dìa," làm hắn buồn cười.

ơhT

Ngu Yên 1.
Em bé mù hỏi: Mặt trăng?
Tôi nói: Ánh trăng đẹp nhưng người dẫm lên

Em hỏi: Mặt Trời?
Tôi nói: Ánh nắng sáng nhưng tim núp trong ngực tối

Em hỏi: Tấm lòng?
Tôi nói: Không có

2.
Tôi là người lớn mù
Mở mắt càng to càng không thấy

Vặn Mình

Hoàng Xuân Sơn

cứ vặn vẹo        nhé
tang tình
bóng thì đứng thẳng
mà hình thì
        x
           i
                ê
                       u
đêm hôm
cơn mộng rất thiều
âm âm hố nhạc
dỗ        điều thuơng tâm
mình đứng.  đi
lúc mình nằm

Đọc... Chơi Vài Bài Ca Dao

Nguyễn Hưng Quốc

Ca dao, ai cũng biết là hay. Tuy nhiên, có nhiều bài ca dao chúng ta đọc đi đọc lại cả trăm lần, mơ hồ cảm nhận là chúng hay, mà chả hiểu chúng hay ở chỗ nào cả. Chỉ đến một lúc nào đó...
Ví dụ bài ca dao rất quen thuộc này:
Mình nói dối ta mình hãy còn son,
Ta đi qua ngõ thấy con mình bò.
Con mình những trấu cùng tro,
Ta đi xách nước tắm cho con mình.
Tôi thuộc bài ca dao này từ nhỏ. Nhưng chỉ gần đây, tôi mới bắt đầu loé thấy một ít cái hay của nó. Trước hết, chúng ta biết ngay bài ca dao này được làm theo thể lục bát. Bình thường, trong thơ lục bát, câu sáu chữ nằm trên câu tám chữ, lục rồi mới đến bát. Tuy nhiên, trong bài này có điểm lạ: là thơ lục bát, nhưng thay vì mở đầu bằng một câu lục thì nó lại mở đầu bằng một câu bát phá thể. Hệ quả là gì? Hệ quả là hơi thơ của câu thứ nhất dài hẳn ra. Dài và thiết tha vô hạn: tấm lòng của anh thanh niên mở ra bao la với những nguyên âm ‘o’ và nguyên âm ‘a’ rộng rãi và khép lại ở nguyên âm ‘i’ thầm thì trong chữ ‘mình’, một chữ được dùng để gọi người yêu, lặp lại đến hai lần ở câu thứ nhất. Thành ra ở đây, ngay câu thứ nhất, đã có một nghịch lý: ý câu thơ là tố cáo một sự dối trá (‘Mình nói dối ta...’) mà giọng thơ thì lại rất mực ngọt ngào và ấm áp: anh thanh niên biết mình bị lừa mà lại sẵn sàng chấp nhận bị lừa, sung sướng để chịu bị lừa.
Hay nhất trong bài ca dao vẫn là chữ ‘mình’. ‘Mình’ là cách xưng hô đầy âu yếm để gọi người mình yêu. Chữ ‘mình’ ấy lại lặp đến lại năm lần, mang hai ý nghĩa hoàn toàn khác nhau: bốn lần đầu, ‘mình’ là em, chỉ người con gái, ngôi thứ hai số ít: ‘con mình’ là con của em, là ‘your child’. Đến lần thứ năm, cũng là ‘mình’, nhưng ‘mình’ ở đây lại là ta, là chúng ta, ngôi thứ nhất số nhiều, bao gồm cả người con trai lẫn người con gái: ‘con mình’ ở câu cuối là ‘our child’. Người thanh niên chấp nhận đứa con riêng của người yêu làm con của mình.

Ẩn Giữa Trời Xanh

Phan Ni Tấn

Buổi sáng thức dậy
Nghe người gọi đò đưa xuống phố
Tiếng gọi đò đưa làm ướt đẫm hồn tôi

Ai người buôn tràm ra chợ sớm
Xin nhắn giùm tôi đệ ở thành
Mai mốt có về sơn cốc cũ
Nói thầy tôi ẩn giữa trời xanh

Đường vô chỗ tôi qua nhiều chuyến
Chuyến đò chuyến bắc chuyến gian nan
Trăm phương ai biết phương nào đến
Chỗ tôi ẩn giữa nước mây ngàn

Vải Bao cát

Cao Xuân Huy

Toàn mơ màng, suy nghĩ. Đã nhiều lần anh chàng tự nhủ, ừ, tại sao lại không, tại sao lại không nghĩ nhỉ. Không có gì quý hơn độc lập tự do, thì tại sao lại không tận hưởng cái quyền độc lập và tự do không giới hạn này, nghĩ. Nghĩ thế, Toàn cứ một mình tiếp tục ung dung suy nghĩ, đố đứa nào báo cáo, chúng mày có giỏi thì kiểm thảo xem. Nghĩ, miên man hết chuyện này sang chuyện khác. Chuyện giày cao gót, chuyện giày saut, chuyện dép râu, rồi thì chuyện củ sắn củ khoai… Kể cả chuyện một mai anh trở về dang dở đời em…
Ấy thế mà, cái phần gia tài duy nhất ấy rồi cũng cạn dần theo năm tháng. Toàn bây giờ như phiến đá, như cây rừng. Thôi ngủ yên đi con, ngủ cho qua cơn mộng dữ này. Đừng vui, đừng buồn, đừng hy vọng thì lấy gì mà tuyệt vọng.
“Toàn, mày tiếc bữa ăn sáng phải không?”
Lại cái thằng Phương lý tài, Toàn dấm dẳn:
“Tiếc cái con củ cải tao ấy, càng đỡ phải nhịn đi cầu.”
“Không tiếc thì tại sao lại cứ thừ người ra như vậy?”
“Thừ với thiếc cái mẹ gì. Có bốn cái khoái trên đời…”
“Áp-phe thì phải vậy chứ. Muốn được cái nọ thì phải bỏ cái kia. Bỏ cái khoái thứ nhất đổi lấy cái thứ ba, lời thêm được cái thứ tư, cái đỡ phải nhịn… còn than gì nữa?”
“Cái khoản thứ ba ấy à, cái khoản này, mẹ, ’nhìn’ còn không có, có chi ‘chi’. Tao với cái khoản ấy đã ly tán từ cơn gió bụi này rồi.”
“’Ly tán’? Sắp ‘tha hương ngộ cố tri’ chứ.”
“Ừ thì ‘ngộ cố tri’.”
Không muốn nói chuyện thêm với Phương, Toàn quay đi. Nhưng cái vụ “ngộ cố tri” cứ lẩn quẩn trong đầu.
Đã bao năm rồi không thấy nó,
Mà ta vẫn sống, có lạ không?

Pháo Nổ Biên Giới

Võ Kỳ Điền

Khoảng mùng sáu Tết mấy em về Bình Dương và vài gia đình về Sài Gòn ăn Tết cũng đã lục tục trở xuống. Nhà đã đông đúc, ấm cúng trở lại phảng phất đâu đây cái không khí mùa xuân nơi quê cũ. Các đòn bánh tét, đầu heo, tôm khô, củ kiệu ở nhà gởi xuống ăn hết ngay ngày hôm sau. Ăn lại các món quen thuộc gia đình nhứt là bánh tét, nhớ thương má tôi hết sức. Bà đã trên bảy mươi rồi mà vẫn còn bận bịu, lận đận vì con. Bây giờ suốt ngày chờ đợi tin con cháu chừng nào đi được, để yên tâm mà mừng. Ôi! Tình cha mẹ thương con nói sao cho hết.
Vẫn chưa có lịnh cho đi.
Bạc Liêu tháng giêng trời nắng gắt, lại ở gần biển nên nhiều gió cát. Đêm đêm giấc ngủ chập chờn, bứt rứt. Cái nóng của thời tiết cộng thêm cái nóng chờ đợi nó làm ai nấy đâm cau có, gắt gỏng. Tôi ngày nào cũng thả rểu ở chợ Bạc Liêu đứng hàng giờ dưới gốc cây sao già xem biểu diễn quảng cáo Sơn đông hoặc đi ăn hàng ở các quán nước. Gần nhà trọ có một nhà hàng cũ bị trưng thu biến thành cửa hàng ăn uống quốc doanh, bán giá chính thức. Một tô hủ tiếu giá một đồng, ba mươi xu một chả giò làm theo lối Tàu, hai mươi lăm xu một chai xá xị ướp đá lạnh. Tụi con nít trong nhà, thằng Lĩnh mập, Chí ròm, Xuân Lan, Trung, Dung là những khách hàng quen thuộc của tiệm nầy. Một ngày tụi nó chạy đi chạy về mua xá xị, nước cam con cọp không biết bao nhiêu bận. Uống hoài nên miệng đứa nào cũng đầy râu xanh, râu đỏ. Tối tối nhiều đứa đái dầm, cả sàn ướt chèm nhẹp, bị mẹ đánh khóc um sùm giữa khuya.