Chiều Thứ Sáu Câu Cá Ở Pacifica

Chuyện Ngắn Lê Thị Huệ

Mười hai giờ rưỡi thứ Sáu Mềnh shop ở Sierra Monte mua món quà cho Elena thư ký mới vào việc. Mềnh soăn soắt ghé hiệu nến thơm Flora. Chọn cặp nến mùi nguyệt quế. Biến nhanh ra khỏi hai cửa ô kiếng. Ghé ngang trường cũ chào tên đàn ông đang dạy psy. Kiếm xa lộ ra biển Paficica dang nắng tháng mười thu Cali vàng ương ương.
Đời thế thời sự sướng cũng đã chín thù lu trái đu đủ vàng.
Đờn bà tuổi năm mươi lái xe tay số. Tay số, không phải tự động nhá. Lướt lụa xa lộ 280 là cao bồi Cali. Ở Mỹ kiếm được mấy chị đàn bà America, đừng nói các chị Việt như Mềnh. Huh. Cũng hơi bị hiếm đấy. Tám mươi lăm mai tức 137/km giờ. Dọt dèo qua mặt nhóc con gái Asian chỉ biết lái Camry Lexus Mecedes Corolla chầm chậm cho đúng luật giao thông xa lô. Rờ rờ nản kể gì. Mềnh ào ào lái mấy chục dặm ra biển vắng. Một mình ngồi ngắm hoàng hôn được hông. Biết vui cái sự thanh thản dạo bộ một mình an toàn trong bóng hoàng hôn ở vùng Vịnh. Không chồng không con vướng cẳng khòeo chân cạnh hông.

50 / 50

Hoàng Chính

Thằng nhỏ quen ông già từ lúc nó bắt đầu đưa báo trên tuyến đường ngang qua khu nhà trọ cao niên.
“Ông già đi đâu thế?” Nó làm quen trước.
Ông già nheo mắt nhìn cái bóng lờ mờ. Ông nâng mắt kính lên nhìn cho rõ. Vẫn mờ. Ông tháo kính ra. Bàn tay run ngoằn ngoèo những đường gân loay hoay tìm cái gì để lau. Thằng bé nhanh nhẹn rút trong túi ra mảnh giấy lau tay đưa cho ông già.
“Giấy gì đấy?”
“Giấy chùi tay trong McDonald’s.”
“Mày giầu thế.”
“Nghèo mạt.”
“Nghèo sao có tiền đi McDonald’s?”
“Cháu đi đưa báo quảng cáo. Ghé ngang lấy mớ giấy chùi tay xài dần.”
Smart kid.” Ông già vừa lau mắt kính vào miếng giấy vừa gật gù. “Nhưng đừng làm vậy.”
Thằng bé ngó ông già, rồi nhìn theo một con sóc loay hoay cạnh gốc cây bạch dương sần sùi. “Ông già đi đâu thế?” Nó hỏi.
Ông già đeo cặp kính lên mắt. Cái mặt gầy nhom của thằng bé nhập nhòe. Mái tóc nâu bẩn, quăn và rối như tổ chim làm vội trong công viên.

Trắng Tay

Nguyễn Đức Lập

Bạn bè một lũ bốn phương
Vui sao bỗng chốc bên đường gặp nhau
Cơm hàng, cháo chợ mời chào
Đập bàn sống lại thuở hào khí xưa
Rượu tràn ly cứ rót bừa
Kề vai vỗ vế say sưa nói cười

Ong Và Người

Bắc Phong

Mikkail Zoshchenko
Bắc Phong chuyển ngữ từ bản tiếng Anh Bees and People dịch bởi Maria Gordon and Hugh McLean.

Câu chuyện xảy ra sau chuyến viếng thăm nông xã của một gã lính hồng quân. Để làm quà cho thân quyến, gã đem theo một lọ mật. Và mọi người đâm ra thích mật đến nỗi họ quyết định là nông xã phải có một tổ hợp nuôi ong lấy mật riêng.
Nhưng chẳng có ai ở đấy đang nuôi ong cả. Thành ra các xã viên phải bắt đầu từ con số không. Nghĩa là họ sẽ phải làm tổ rồi đi dọn nhà cho mấy đám ong rừng. Đến lúc bàn tới chuyện thời gian đòi hỏi để hoàn tất công việc thì họ mất hết cả nhiệt tình. Lâu quá. “Chẳng bao giờ xong việc,” họ bàn tán. “Phải chạy đây chạy đó, rồi cái điều mình thấy đầu tiên là mùa Đông. Muốn nếm mật chắc phải đợi đến sang năm. Trong khi mình thì lại cần nó ngay bây giờ.”
May thay trong đám xã viên lại có lão Ivan Panfilich, người đã từng nuôi ong lúc còn trẻ. Trông lão bây giờ vẫn còn rắn chắc dù tuổi thì đã bẩy mươi hai. Lão Panfilich phát biểu. “Nếu chúng ta muốn uống trà với mật ong năm nay, thì một người nào đó phải đi tìm nơi người ta nuôi ong rồi mua chúng nó về.” Đám xã viên đồng ý ngay. “Phải đấy, nông xã mình đâu có thiếu tiền. Mà mình phải mua ong trong lúc chúng đang làm tổ cho mật kìa. Vì nếu mình khuân cái đám ong rừng về, mật của nó nhiều khi lại chẳng thơm tho gì.”

Bài thơ 4000


Phan Ni Tấn 

tặng Phạm Ngọc Dung và con tàu Trường Xuân

Tôi có nghe lịch sử kể về một con tàu
Con tàu ấy đã ra khơi chở theo 4000 tiếng khóc
Biển mở cửa xẻ thành một vết thương rỉ máu dẫn 4000 băng qua biển động
Hàng trang là nhân sinh với hai bàn tay trắng mắt trắng hơi thở trắng
Mất trắng

Con tàu ấy đã ra khơi
Tiếng máy cũ vẫn còn sức kéo
Kéo 4000 lìa xa đất mẹ
Mẹ đứng trên bờ, bờ như mất cảng
Báo con sông cuối tháng này sóng sẽ động mạnh

Bao La Say

Hoàng Xuân Sơn

cho một miền say, lưỡng cực

Dậy. vùng tôi. như sao sa
mặt lên chín đỏ sơn hà ngũ cung
đêm qua say giữa cánh đồng
phì nhiêu em có tôi mong đợi về
một giấc ngời ôm lú mê
một nhan vóc. một ngoạn kề thiết thương
miên man tôi một đóa hường

Nhà Nằm Trong Hẻm

Song Thao

1.
Hẻm nằm trên đường Công lý. Tiếng là hẻm nhưng con hẻm này được tráng nhựa phẳng phiu, rộng dư sức cho hai chiếc xe nhỏ cỡ xe Simca 1000 của Hoàng đi ngược chiều nhau một cách thoải mái. Nhưng Hoàng vẫn đậu xe ngoài đường Công Lý. Cho chắc ăn. Cười. Hoàng khéo lo xa. Căn nhà hai tầng lầu nằm chung với những căn nhà lầu thẳng tắp dọc theo hai bên hẻm, nếu không phải là tay chơi cỡ Hoàng, thì chẳng ai biết đó là một ổ điếm. Gọi là ổ điếm nghe như có điều xúc phạm tới nơi ăn chơi bề thế và sang trọng này. Hoàng gọi đây là nhà chị Marie.
Nhà đúc bê tông, cửa sắt kín mít, lưới chống lựu đạn giăng thoai thoải từ trên lầu xuống hàng rào gạch có những thanh sắt nhọn tua tủa chĩa lên trời như một bàn chông. Trông như nhà của một ông lớn nào đó. Mà quả thực cả con hẻm này hầu như toàn là nhà các ông lớn không. Bốn tên đực áo bỏ trong quần, giày da bóng loáng, tụm nhau trước cửa. Hoàng giơ tay bấm chuông. Hai tiếng dài, ba tiếng ngắn. Nghỉ vài giây. Hai tiếng dài nữa. Đúng mật hiệu. Một đôi mắt hiện ra nơi chiếc lỗ vuông bằng bao thuốc lá vừa được kéo cạch ra. Nhận ra đúng người quen, cửa mở. Một nụ cười và một câu trách nhẹ.
"Chào các anh. Các anh kéo nhau tới như đi hành quân không bằng. Lần sau các anh nhớ tách ra, hai người vào một lần thôi. Chịu khó giúp em một chút!Cẩn thận vẫn hơn!"

Một Thời Qua Chợ Miêu Bông

Luân Hoán

Chợ Miêu Bông nằm cách quê nội tôi một dòng sông nhỏ. Đây là một ngôi chợ ở vùng quê, nhưng có chút hơi thở thị thành, nhờ không cách xa thành phố Đà Nẵng bao nhiêu, và nhờ những chuyến xe đò ngược, xuôi vẫn thường dừng ngay trước chợ. Vào đầu thập niên năm mươi, tôi có hai người bà con, thím Diên và bác Hội Du, buôn bán ở ngôi chợ này.
Chợ đông mỗi ngày một buổi, từ tinh mơ kéo dài đến khoảng hai giờ chiều. Trong thời gian tôi sống ở quê nội, nhiều lúc tôi đã theo những người con của thím và bác tôi lang thang vào ngôi chợ. Thằng Tiên, anh Thoại, anh Lữ chiều nào cũng qua giúp hai bà mẹ thu cất hàng vào khi chợ sắp tan. Trong những lần làm cái đuôi như thế, tôi có dịp ngắm và nghe những sinh hoạt náo nhiệt của chợ búa. Dĩ nhiên sự hiện diện của tôi không phải lúc nào cũng rơi vào buổi chợ tan.
Hình ảnh, âm thanh có thể khác nhau chút ít, tùy thời điểm.Nhưng đặc điểm chung chung của một ngôi chợ làng quê, tôi nghĩ ở đâu cũng bao gồm cảnh hỗn tạp, ồn ào, luộm thuộm, bẩn thỉu, mùi hôi chen với mùi thơm...Riêng với ngôi chợ Miêu Bông, tuy không phải là ngôi chợ thứ nhất tôi được biết, được gặp, nhưng đây chính là ngôi chợ tôi lui tới nhiều nhất, quan sát nghe nhìn được nhiều nhất, và có thể dễ dàng lượm ra một vài kỷ niệm xinh xinh. Với chợ Miêu Bông, tôi không có cái ngơ ngáo như ở chợ Quán Rường, chợ Được...Tôi không có cái cảm giác đi tìm một bóng hồng như ở chợ Đông Ba, chợ Sông Vệ, chợ Tam Kỳ... Tôi không có những giây phút trống rỗng, đi tìm một cốc cà phê như ở chợ Quảng Ngãi, chợ Quán Lác, chợ Tăng Nhơn Phú... Tôi không có cái nhàn du, đi ngắm mọi người mua sắm như ở chợ Bến Thành, chợ Tăng Bạt Hổ...Tôi không có cái phút đi chọn mua hàng hóa, thức ăn như ở chợ Cồn, Chợ Vườn Hoa, chợ Hàn, chợ Tân Định...Tôi không có cái nao nao đứng chụp ảnh như ở chợ Hội An, chợ Vĩnh Điện, chợ Búng...Biết bao nhiêu là chợ tôi đã được ghé qua, nhưng đậu kín nhất trong lòng tôi vẫn là chợ Miêu Bông.

Lẫn Lộn

Ngu Yên

Tôi lẫn lộn giữa tình yêu và tình ái
giữa em và các thiếu nữ diễm kiều
Tôi lộn xộn giữa thương và nhớ
giữa môi hôn và sờ mó trái tim

Đời u mê, kịch cợm và chán ngắt
nếu không ái tình
nếu không có em

Vườn Ta Còn Xanh Cỏ Hoa

Luân Hoán

thú vị với bài thơ
cùng vườn cây hoa trái
nhưng viết hơi ỡm ờ
có chăng dễ không phải ?

tự nhiên thấy thiếu nợ
cùng trái ớt quả cà
trái khổ-qua trái bí
thêm hèn mọn chúng ra

hỡi ơi hoa với trái
cho ta vui từng giờ
vun đất cùng tưới nước
chưa được đẹp dòng thơ !

Sống Và Viết Như Những Người Lưu Vong

 Nguyễn Hưng Quốc

Lưu vong, theo tôi, bao giờ cũng được mở đầu bằng một bi kịch chính trị và kết thúc bằng một bi kịch văn hoá. Càng ngày tôi càng thấm thía một điều: sống và viết ở hải ngoại không phải chỉ là sống và viết ở hải ngoại. Khi một nhà văn rời quê hương ra định cư và sáng tác ở nước ngoài, hắn không phải chỉ thay đổi một chỗ ở và một bàn viết mà còn thay đổi hẳn một thế giới với những mối quan hệ chằng chịt, phức tạp, để rồi, một cách tự giác hay không, dần dần thay đổi cách nghĩ, cách cảm, từ đó, cách viết và cuối cùng, không chóng thì chầy, thay đổi cả căn cước (identity) của chính hắn với tư cách là một nhà văn nữa.
Trước hết, trong quan hệ với đất nước, với người đang sống ở hải ngoại, quê hương chỉ còn là một nỗi nhớ mà nỗi nhớ nào thì cũng có khả năng biến mọi thứ thành quá khứ và mọi hình ảnh đều trở thành lấp lánh đẹp. Hơn nữa, nỗi nhớ nào, khi dẫn con người đi ngược chiều thời gian, cũng đều cắm neo vào một không gian nhất định: nhớ một thời, thực ra, bao giờ cũng là nhớ một nơi. Trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, chẳng hạn, không có nỗi nhớ nào lại không gắn liền với cảnh vật, với phong thổ, với các yếu tố địa lý. Trong tập Du côté de chez Swann của Marcel Proust, mặc dù nói là đi tìm thời gian đã mất (A la recherche du temps perdu), nhân vật chính chỉ loay hoay tìm kiếm mãi hình ảnh một cái làng, làng Combray. Bởi vậy, nghĩ cho cùng, văn học lưu vong nào cũng ít nhiều mang tính chất ‘miệt vườn’. Giũ bỏ tính chất ‘miệt vườn’ ấy bao giờ cũng là một thách đố lớn cần nhiều quyết tâm lớn và tài năng lớn.

Khúc Quanh Đời

Bắc Phong

bạn tôi ly dị vợ
sống lặng lẽ nhiều năm
hôm trước rủ tôi ra Starbucks
ngồi uống cà phê
tôi vừa mới bắt tay
chưa kịp cởi áo khoác
bạn đã nói đang tương tư
tôi cười bảo thế à
bạn nói: thật
nàng là người nhan sắc