Hanoi

Song Thao

Tôi xa Hà Nội năm tôi 16 ngơ ngác như một con ngỗng đực. Hà Nội mà tôi mang theo khi rời xa chỉ là những thứ vụn vặt cùng mằng.
Năm đó tôi đang học lớp Đệ Tứ trường Dũng Lạc, ngay bên hông nhà thờ chánh tòa mà dân Hà Nội ngày đó gọi là nhà thờ Lớn. Hà Nội của tôi nằm trên con đường từ nhà ở bên hông chợ Hôm tới trường và vùng phụ cận. Dọc đường tới trường có đường tầu điện mà chúng tôi thỉnh thoảng quá giang không mất tiền. Không phải đây là loại tầu thí mà vì chúng tôi gian! Tầu có vài toa, mỗi toa có người bán vé đi dọc trong toa. Người này cầm một tấm bảng lớn hơn tập vở trên đó có cái thanh giữ những tập vé dầy cộm. Vé nhỏ bằng hai đốt ngón tay có nhiều màu trông rất vui mắt, mỗi màu là một chặng đường. Khi mua vé, người bán sẽ xé vé đưa cho người mua, cùi vé vẫn dính vào thanh ngang. Thường thì ba mẹ tôi vẫn cho tiền mua vé tầu đi học mỗi ngày nhưng ngày đó chúng tôi đã biết quý đồng tiền nên chẳng dại gì mà đưa tiền cho người bán vé. Chúng tôi đi tầu quịt bằng cách tử tế nhất là xin những chiếc vé còn giá trị cho đoạn đường kế tiếp của những hành khách xuống tầu hoặc,bặm trợn hơn, nhảy tầu đang chạy, hay truyền từ toa tầu này qua toa khác để tránh ông soát vé. Tiền đó chúng tôi làm văn hóa bằng cách đưa cho cô hàng sách để nhận một tập giấy 32 trang, khổ sách in, truyện kiếm hiệp như Long Hình Quái Khách hoặc Hỏa Thiêu Hồng Liên Tự hoặc truyện trinh thám của Phạm Cao Củng hay truyện đường rừng của Lê Văn Trương được in cóc nhẩy vài ngày một tập, mỗi tập chỉ đúng có 32 trang. Đọc vèo một cái là xong, mong chờ từng ngày để đọc tiếp. Ngày nào cũng phải tạt qua tiệm sách, chăm chú đọc tấm bảng đen viết bằng phấn trắng thông báo truyện mới ra ngày hôm đó. Tôi khá Việt văn chắc là nhờ những tập giấy 32 trang này. Đọc xong, đóng thành tập bằng cách dùng chỉ khâu lại. Tập sách này giúp chúng tôi làm thương mại bằng cách cho bạn bè thuê. Bạn bè cùng lớp toàn những thứ đứng hàng thứ ba sau quỷ và ma nên việc buôn bán này luôn bị trục trặc gây nên những cuộc cãi vã chửi bới và có khi trầm trọng hơn phải vận dụng tới chân tay. Nhiều khi chúng tôi xa rời văn chương để dùng tiền mon men tới những tấm truyện bằng hìnhtarzan hoặc zorro,chữ thì ít, hình thì nhiều nhưng có thể dùng làm đơn vị tiền tệ trong những trận đánh quay, đánh khăng hoặc bắn bi, đánh đáo.

Thư Không Người Nhận

Hoàng Khởi Phong 



 Để tặng một người Mỹ đã chết rất trẻ ở Việt Nam và địa chỉ người nhận là Thiên Đàng. Nơi đó, buồn thaykhông phải là địa chỉ sau cùng của mỗi “chúng ta”


Elbert thân,
Thật tình tôi không ngờ đã đứng trước cửa nhà anh, căn nhà thật xinh nổi bật trên thảm cỏ xanh, một hàng rào gỗ thấp lè tè bên những khóm hồng nở rộ. Một cây táo, trái xanh tròn, lớp da bên ngoài mịn màng như những trái vú sữa ở nước tôi. Sáng nay mẹ anh đến thăm tụi tôi tại nhà thờ, chỗ tụi tôi đang trú ngụ tạm chờ thuê nhà. Dạo đó giữa tháng 8-75, sau một tháng ở Guam, một tháng ở trại Indiana Town Gap, tiểu bang Penn, một tháng ở trường đại học Saint-Joseph, một ngôi trường nằm giữa hai thành phố Augusta và Portland của tiểu bang Maine.
Chúng tôi tới đây tạm trú trong hai lớp học của một nhà thờ nhỏ Winterport. Tôi dám chắc với anh đây là một trong những city nhỏ nhất nước Mỹ, với dân số xấp xỉ một ngàn người, và ngôi nhà thờ nhỏ đó dĩ nhiên không giàu so với các giáo xứ khác.

Minh Râu

Hồ Đình Nghiêm

Một nơi thiếu vắng mặt trời, nơi ấy đêm sẽ dài hơn ngày. Một nơi mưa về rả rích, lê thê và dầm dề, sinh hoạt nơi đó thường gián đoạn, co cụm và đình trệ. Thị trấn Sầu Đông là một trong những nơi như vậy.
Người ta rất khó lượng định chính xác chân đi thời gian và chính họ, quá đỗi ngờ vực khi ngó chăm vào mặt đồng hồ. Chỉ có nó mới đưa ra được một con số khả dĩ tin được trong khi ngoài trời cảnh quang vẫn ngần ấy một diện mạo, sáng không sáng tối chẳng tối. Những con gà trống có thể gáy sai về một bình minh chưa tới, trong khi gà mái lại lùa bầy con vào chuồng nằm dù hoàng hôn mãi còn xa tít tắp.
Sầu Đông có sông có đồi có chùa chiền miếu mạo có lắm cây cao bóng cả bao che, những nguyên cớ tác động vào tâm tình con người, dẫu không nhiều. Dù bảo rằng lý lẽ ấy sai trật thì cũng nên khách quan để chứng nhận, người dân sống trong thị trấn Sầu Đông có vẻ đa sầu đa cảm, hiền lành, hơi khép nép, không mấy ưa chuyện tranh chấp cự cãi gây sự. Họ thích màu nâu màu xám màu hoàng thổ, những hợp sắc mà ta thường nhìn nhận chúng luôn có mặt ở nơi xông đầy khói nhang để khi bước vào lòng nghe ít nhiều sự thành kính dẫn đường. Người ở Sầu Đông ưa tổ chức những buổi cúng giỗ ở ngoài trời cho các oan hồn. Thỉnh thoảng họ ra chợ mua cá về chỉ để tìm sông hồ mà phóng sinh. Họ tin, song hành với đời sống này luôn có một cảnh giới khác cộng hưởng, trong khuất mặt. Ăn hiền ở lành, khù khờ ông trời độ có thể là châm ngôn họ cố bảo tồn. Bao triều đại đã thay bao hưng phế hiện hình bao dâu bể khuynh đảo khiến tâm tính còn người tuồng sứt mẻ chợt vẹt ít nhiều. Nam phụ lão ấu luôn nhắc chuyện cũ với bao tưởng tiếc trào dâng, người nặng lòng với Sầu Đông thì luận chuyện mà chất duy tâm lai láng phủ đầy: Trước, đêm ngủ chúng tôi vẫn để cửa mở tuyệt chẳng mất một cọng rác. Trước, mùa đông có dầm dề thì đó vốn là quy luật của mùa màng đất trời tuần hoàn xúi vậy, nay thời tiết như biết khóc giùm cho con dân thấp phận bé mồm. Sầu Đông được bọn thực dân Pháp trồng cho một rừng cây thuộc dạng cao niên hiếm quý ven đô nhằm bảo hoà môi sinh và ngăn ngừa nạn bão lụt, nay cường quyền thiếu vốn học thức đã vì đồng tiền mà đốn hạ chúng đi. Nếu trời đất chẳng sầu thảm như này, cái mới là chuyện lạ!

Cho Người Tình Lỡ Vận

Nguyễn Mạnh Trinh

Mười bốn năm mảnh đời xiêu tán
gọi ta thiên cổ cũng vô cùng
qua sông bến nước còn chạng vạng
dơi bay tâm động sợi đàn rung
Thành phố cũ còn ai đưa đón
ngựa xe đánh thức nỗi niềm riêng
góc vườn xưa thuở còn bé mọn
sầu ta cỏ áy cuộc tìm quên

Tìm Hiểu Bản Sắc: Khoảng Trống Của Thơ

Ngu Yên

Khái niệm những khoảng trống trong một bài thơ đóng góp ý nghĩa, cấu trúc, thẩm mỹ và giá trị cho bài thơ đó, được hầu hết các thi sĩ và các nhà phê bình thi ca ủng hộ. Lý do căn bản giải thích vì bản sắc thơ cô đọng, thà thiếu chữ hơn thừa, thiếu ý hơn lạc nghĩa. Vì vậy những khoảng trống cũng là những thi liệu bổ túc và tương ứng để xây dựng bài thơ.
Vượt lên lý do căn bản, những khoảng trống được đưa vào nghệ thuật sáng tác, trở thành một phần thi pháp, bao gồm trong văn phạm và phong cách. Thậm chí, làm nền tảng cho một số phong trào thơ, ví dụ như thơ Cắt Vụn (Cut-Up) do nhà thơ, nhà văn, kiêm họa sĩ Brion Gysin (1916-1986) chủ xướng. Và phong trào thơ Cụ Thể vào giữa thế kỷ 20. Trước đó, cuối thế kỷ 19, thi sĩ Guillaume Apollinaire đã đưa giá trị khoảng trống vào thơ ở mức độ thẩm mỹ như hội họa, kết hợp chữ đentrên nền trắng. Bài thơ trở thành bức tranh. (Du Hành. sáng tác 1914.)

2



Miền Vĩnh Phúc

Chuyện Ngắn Vũ Quỳnh Hương
 
Thập niên 80 Văn học Di dân Việt Nam bùng lên hiện tượng nữ, và còn kéo dài đến bây giờ. Vũ Quỳnh Huơng là một trong những gương mặt chính làm nên hiện tượng ấy. Rời quê hương sau 30 tháng 4-1975, Vũ Quỳnh Hương đột ngột khám phá định mệnh của di dân Việt trên vùng đất mới. Miền Vĩnh Phúc gói trọn những kiếp người trong phòng đợi địa ngục. Những con người đáng thương và tha hóa đến phút cuối cùng. 
Xuất hiện lần đầu năm 1986 trên tập san Văn Học của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, trung thiên truyện Miền Vĩnh Phúc ngay lập tức được xem là một hạt trân châu lấp lánh trong Văn học Di dân Việt Nam ― của cả Văn học Quốc nội ―  vì góc nhìn quan sát mà Vũ Quỳnh Hương đem đến, không thể tìm thấy tại quê nhà. Dụng văn mô tả hoạt cảnh sống động, Vũ Quỳnh Hương đạt đến sự tương phản của đời sống quý giá so với phòng đợi chết âm u. Miền Vĩnh Phúc chưa hề in trong một tuyển tập hay một tập truyện nào.  [Trần Vũ]

Kinh nghiệm viết văn: Viết và lách

Nguyễn Hưng Quốc

Lâu nay nghĩ đến chuyện viết lách là người ta nghĩ ngay đến tình trạng vừa viết vừa lách dưới chế độ cộng sản, ở đó, giới cầm bút, nói như Nguyễn Minh Châu, trong bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ” đăng trên báo Văn Nghệ tại Hà Nội số 49 & 50 (5-12-1987), “muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh”, “mỗi khi ngồi trước trang giấy là cùng một lúc phải cầm hai cây bút: một cây bút để viết cho người đọc bình thường, cho đời, một cây bút khác viết cho đạo, lo việc che chắn, viết cho lãnh đạo văn nghệ đọc.”
Nghĩ đến chuyện lách trong viết lách, chúng ta nghĩ ngay đến sự thất bại của giới cầm bút và của văn học nói chung. Của giới cầm bút: không giữ được sĩ khí. Hay nói như Nguyễn Minh Châu, trở thành hèn. Cũng trong bài viết vừa dẫn, Nguyễn Minh Châu tự sỉ vả mình và cả giới mình: “Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn.”
Cái hèn ấy không trừ ai cả, kể cả những người vốn được xem là những cây thông sừng sững trên văn đàn. Như “một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: ‘Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!’, nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng.”

Làm Gì Với Thơ Hay

Ngu Yên

Con khỉ
Sau khi làm trò
Thích nghe vỗ tay
Huống chi người

Mỗi khi
Làm được thơ hay
Ngậm ngùi không biết khoe ai
Khoe với nắng

Hương Thu

Luân Hoán

mùa thu không đến tình cờ
lòng như vẫn gặp bất ngờ lạ chưa
bắt đầu từ một cơn mưa ?
bắt đầu từ ngọn gió đưa hững hờ ?

tôi đâu nhớ chắc hôm nào
mùa thu đã bước chân vào phố tôi
sáng ra mở cửa ngẩn người
một chiếc lá rụng bùi ngùi bay qua

Chiều Thứ Sáu Câu Cá Ở Pacifica

Chuyện Ngắn Lê Thị Huệ

Mười hai giờ rưỡi thứ Sáu Mềnh shop ở Sierra Monte mua món quà cho Elena thư ký mới vào việc. Mềnh soăn soắt ghé hiệu nến thơm Flora. Chọn cặp nến mùi nguyệt quế. Biến nhanh ra khỏi hai cửa ô kiếng. Ghé ngang trường cũ chào tên đàn ông đang dạy psy. Kiếm xa lộ ra biển Paficica dang nắng tháng mười thu Cali vàng ương ương.
Đời thế thời sự sướng cũng đã chín thù lu trái đu đủ vàng.
Đờn bà tuổi năm mươi lái xe tay số. Tay số, không phải tự động nhá. Lướt lụa xa lộ 280 là cao bồi Cali. Ở Mỹ kiếm được mấy chị đàn bà America, đừng nói các chị Việt như Mềnh. Huh. Cũng hơi bị hiếm đấy. Tám mươi lăm mai tức 137/km giờ. Dọt dèo qua mặt nhóc con gái Asian chỉ biết lái Camry Lexus Mecedes Corolla chầm chậm cho đúng luật giao thông xa lô. Rờ rờ nản kể gì. Mềnh ào ào lái mấy chục dặm ra biển vắng. Một mình ngồi ngắm hoàng hôn được hông. Biết vui cái sự thanh thản dạo bộ một mình an toàn trong bóng hoàng hôn ở vùng Vịnh. Không chồng không con vướng cẳng khòeo chân cạnh hông.

50 / 50

Hoàng Chính

Thằng nhỏ quen ông già từ lúc nó bắt đầu đưa báo trên tuyến đường ngang qua khu nhà trọ cao niên.
“Ông già đi đâu thế?” Nó làm quen trước.
Ông già nheo mắt nhìn cái bóng lờ mờ. Ông nâng mắt kính lên nhìn cho rõ. Vẫn mờ. Ông tháo kính ra. Bàn tay run ngoằn ngoèo những đường gân loay hoay tìm cái gì để lau. Thằng bé nhanh nhẹn rút trong túi ra mảnh giấy lau tay đưa cho ông già.
“Giấy gì đấy?”
“Giấy chùi tay trong McDonald’s.”
“Mày giầu thế.”
“Nghèo mạt.”
“Nghèo sao có tiền đi McDonald’s?”
“Cháu đi đưa báo quảng cáo. Ghé ngang lấy mớ giấy chùi tay xài dần.”
Smart kid.” Ông già vừa lau mắt kính vào miếng giấy vừa gật gù. “Nhưng đừng làm vậy.”
Thằng bé ngó ông già, rồi nhìn theo một con sóc loay hoay cạnh gốc cây bạch dương sần sùi. “Ông già đi đâu thế?” Nó hỏi.
Ông già đeo cặp kính lên mắt. Cái mặt gầy nhom của thằng bé nhập nhòe. Mái tóc nâu bẩn, quăn và rối như tổ chim làm vội trong công viên.

Trắng Tay

Nguyễn Đức Lập

Bạn bè một lũ bốn phương
Vui sao bỗng chốc bên đường gặp nhau
Cơm hàng, cháo chợ mời chào
Đập bàn sống lại thuở hào khí xưa
Rượu tràn ly cứ rót bừa
Kề vai vỗ vế say sưa nói cười