Nguyễn Mạnh Trinh Hỏi Chuyện Luân Hoán

 Nguyễn Mạnh Trinh thực hiện

1.Nguyễn Mạnh Trinh (NMT): Xin anh cho độc giả một vài dòng tiểu sử của mình?
Luân Hoán: Ngoài mục tình sử khá giàu có, tiểu sử tôi không có gì. Cung cấp cho anh đôi điều lý lịch căn bản: Tên thật Lê Ngọc Châu (Thời chưa đi học, gia đình gọi là thằng Huýnh ), sinh ngày 10 tháng 01 năm 1941 nhằm cuối năm Canh Thìn . Nơi sinh thị xã Hội An tỉnh Quảng Nam . Tình trạng gia đình: Một vợ, bốn con, chia điều hai gái hai trai. Tôn giáo, Ðảng phái: Không. Học vấn: lơ mơ không đến đích. Nghề nghiệp hiện tại: Không. Nơi cư ngụ hiện tại: Thành phố Montréal thuộc tỉnh Québec Canada (Kể từ 4 gời chiều ngày 28 tháng 02 năm 1985) .

2. NMT: Nếu có người gọi anh là "nhà thơ xứ Quảng " thì anh có ý nghĩ gì?
Luân Hoán: Thưa anh nếu cách đây trên 10 năm . Có người gọi tôi là "nhà thơ" thì tôi rất vui và khoái . Vì ít ra, nhờ đó, tôi biết chắc được: mình quả thật làm được thơ. Người gọi tôi lại màu mè, thòng thêm hai chữ "Xứ Quảng", thì tôi càng thú vị hơn, vì điều đó xác định rõ ràng cội nguồn, mà tôi rất vừa lòng . Với thời điểm hiện tại, có người gọi tôi là "nhà thơ xứ Quảng" qua mặt chữ in hoặc viết, đó là chuyện tự nhiên, đã quen thuộc, không tạo cho tôi ý nghĩ gì . Nhưng giả dụ, tôi đang đi chơi với anh A, chợt gặp anh B, Anh A giới thiệu : " đây Luân Hoán nhà thơ xứ Quảng " thì tôi chắc chắn sẽ mất nhiều tự nhiên và mắc cỡ nữa . Bởi tôi thấy thừa cả bốn chữ "nhà thơ xứ Quảng".
3. NMT: Thi ca và quê hương, theo anh là một đề tài lớn và liên quan đến nhau . Bây giờ ở thời điểm này có tạo ra cho anh những rung động khi sáng tác không?
Luân Hoán: Quê hương đúng là một đề tài lớn trong thơ của tôi. Tôi có thể viết về quê hương dù đang ở bất cứ một nơi nào khác trên trái đất. Tuy nhiên sức sống và linh hồn của những dòng thơ này vẫn chỉ bất nguồn từ những rung động sống thật đã được có trong quá khứ. Viết với sự sống lại những ngày đã qua như thế, dĩ nhiên sẽ cạn và xơ cứng dần. Tôi xúc động trước những tin nghe được từ quê nhà. Nhưng không đủ rung động, khi không cảm nhận hình ảnh trực tiếp, nên tôi không mấy khi làm thơ trong trường hợp này. Ðề tài về quê hương trong thơ tôi lúc này chỉ còn thấy thoáng, mờ nhạt .

4. NMT: Anh đã sinh hoạt cả hai thời kỳ văn học : 20 năm văn học miền nam trước 1975 và 25 năm văn học hải ngoại sau 75. Anh có những nhận xét nào, những điểm tương đồng cũng như dị biệt?
Luân Hoán: Tuy có sinh hoạt cả hai thời kỳ văn học trước và sau 1975, nhưng thời điểm nào, tôi cũng ở cách xa những nơi được gọi là Thủ Ðô Văn Hóa Việt Nam. Lại là một người làm thơ tài tử, rất ít quan tâm đến những vấn đề lớn lao của Văn Học Nghệ Thuật, nên tôi không dám nói lên những nhận xét chắc chắn rất hời hợt, thiếu chính xác của mình.

5. NMT: Có người cho rằng văn học ở hải ngoại thừa kế văn học miền nam trước 75 . Anh có nghi ngờ về sự chính xác của nhận định này?
Luân Hoán: Tôi cho rằng không có sự kế thừa nào cả. Với những người viết cũ: Khi có lại tự do lẫn điều kiện, họ tiếp tục những đam mê, hoặc những nghiệp dĩ đã có. Với những người viết mới, nếu hợp với khả năng, họ tìm đến và thực hiện sở thích của mình. Mỗi tác phẩm là một túi đựng tình cảm lẫn tư tưởng của người sáng tác trong giai đoạn họ đang sống. Vịn vào giai đoạn hoài niệm để xác định là kế thừa sẽ không xác thực.

6. NMT: Riêng thi ca, anh có thấy sự kế thừa và nối tiếp qua hai thời kỳ văn học nói trên?
Luân Hoán: Với thi ca, sự tiếp nối có chăng là việc xử dụng thể loại để diển đạt . Trong những cái rọ mang tên là Thơ đó, nếu việc dàn trải tình cảm, tư tưởng mới lạ đã là điều đáng mừng. Ngay sợi giây chuyền - vàng - lục - bát cũng đã có những đánh bóng khá đẹp, vậy nên kể là một bước tiến của thi ca.

7. NMT: Trước 1975 anh xuất hiện với văn giới như thế nào? Có kỷ niệm nào đáng nhớ về những tác phẩm đầu tiên trong đời cầm bút?
Luân Hoán: Tập tành làm thơ rất sớm, nhưng mãi đến năm lên đệ ngủ, quen thân với anh Châu Văn Tùng tôi mới có dịp đọc các loại báo ấn hành tại Sàigòn . Liền đó tôi gởi thử một bài thơ đến tuần báo Tuổi Xanh và được chọn đăng. Sau Tuổi Xanh lần lượt đến Gió Mới, rồi cũng như những người ở tỉnh lẻ khác, tôi gởi đăng thơ nhiều trên các báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Ngàn Khơi, Thời Nay, Kỷ Nguyên Mới ... cuối cùng dành bài để gởi đăng ở Mai, Bách Khoa và Văn Học . Tập chí Phổ Thông của ông Nguyễn Vỹ, tôi gơỉ 2 bài hai lần khác nhau, đều không được chọn, đây là một thất bại, lúc đó tôi rất bực mình. Nhờ vào sự trong sáng, vui vui, thơ tôi có bài được ông Ðoàn Xuyên chọn in vào sách Việt Văn lớp nhất làm tôi rất vui . Ngoài bút hiệu L. H. tôi còn cho đăng thơ với tên thường dành cho phái nữ như Lê Quyên Châu, Châu Thị Ngọc Lê, Ðoàn Thị Bích Hà ... điểm này tạo được một vài kỷ niệm khá thú vị.Tập thơ đầu tay của tôi do anh Phan Kim Thịnh và tập chí Văn Học chăm sóc, in tại Sài Gòn . Sách phát hành vào những ngày cận tết. Tôi dạo phố cùng các bạn Tùng, Pháp ... đã thấy bày bán ở các hiệu sách Lam Sơn, Sông Ðà, đành phải mua 1 cuốn để dòm nhan sắc nó và mang về khoe với ông già . Ba tôi có vẽ vui nhưng tôi nghe chừng ông len lén thở ra .

8. NMT: Trước 75 có nhóm "những nhà văn nhà thơ miền trung ." trong đó có anh . Anh có thể nói qua, các anh đã sinh hoạt văn chương như thế nào trong thời kỳ ấy?
 Luân Hoán: Không biết có phải trí nhớ tôi đã sa sút hay không, mà thú thật tôi không nhớ gì đến nhóm " Những nhà văn nhà thơ miền trung" như anh nhắc. Có thể có . Nhưng tôi có sinh hoạt trong nhóm đó hay không ? thì hình như không. Dù sao, những sinh hoạt tại Quảng Nam vào các giai đoạn của thời đó, đại khái như thế này:Tại Ðà Nẵng, tiếp theo những sinh hoạt không ồn ào của các bác Thái Can, Phan Du, Nguyễn Văn Xuân, Trần Gia Thoại, Thái Trử, Vũ Hân, Hoàng Mộng Thiệp ... hai anh bạn cùng học một lớp với tôi là Lam Hồ ( tên thật Nguyễn Hữu Nuối, có nhiều chuyện ngắn đăng liên tục trên Gió Mới ) và Phan Duy Nhân ( tên thật Phan Chánh Dinh, bút hiệu khác: Dương Phù Sao ) lập ra nhóm "Cùng Ði Một Ðường". Trong nhóm này, ngoài hai bạn Hồ, Nhân còn có các anh Tô Yên Lê Văn Nghĩa ( Thiết Giáp, tử trận tại Hạ Lào) Hồ Cư, Huy Giang (tên thật Nguyễn Ðăng Trừng hiện nay là luật sư ở Sài Gòn) và hình như có cả Nguyễn Văn Phụng ( về sau tốt nghiệp Quốc Gia hành chánh). Bên cạnh nhóm Cùng Ði Một Ðường, còn có nhóm của anh Phương Tấn, qui tụ những Chu Tân, Yến Nguyên Thanh, Mặc Nai Nhân ... không rõ anh Triều Hoa Ðại lúc đó có góp mặt trong nhóm này không ? Tôi và Vương Thanh (tác giả tập chuyện Khu Rừng Mùa Xuân, Văn Học xuất bản ) không ở trong nhóm nào cả.Tại Hội An, có nhóm Sông Thu của các anh Thái Tú Hạp, Thành Tôn, Hoàng Quy và hình như về sau có cả anh Hoàng Lộc? Tại Quảng Ngãi, vào những năm 1967 - 1970, những người sinh hoạt văn học nghệ thuật mà tôi được biết, có các anh Phạm Trung Việt ( tác giả Non Nước Xứ Quảng 1, 2 ) Khắc Minh, Phan Nhự Thức, Minh Ðường, Trần Thuật Ngữ, họa sĩ Phạm Cung ... Bên cạnh những bạn ấy, còn có các anh Hà Nguyên Thạch, Vương Thanh, Ðynh Hoàng Sa, Tô Yên Lê Văn Nghĩa (gốc Ðà Nẵng vào đi lính hoặc dạy học ở đây). Họa sĩ Nghiêu Ðề và tôi cũng được chơi chung với họ. Chúng tôi không thành lập nhóm, đoàn gì cả nhưng cùng làm 1 tờ nguyện san, đó là tờ Trước Mặt tại Quảng Ngãi, khổ lớn, do Phan nhự Thức điều hành tổng quát. Báo ra được 5, 6 tháng gì đó rồi ngưng, đổi sang khổ mới như tờ Hợp Lưu hiện nay và lấy tên Tập Họp. Vấp phải điều kiện tài chánh và chuyện phát hành, chúng tôi cũng chỉ Tập Họp được vài ba tháng. Sau khi tôi rời Quảng Ngãi, các bạn ở lại nghiêng nhiều về văn hoá và trong sự ủng hộ của anh Phạm Liệu, họ đã thành lập được một mái trường, nằm bên quốc lộ một, mang tên Quảng Ngãi Nghĩa Thục. Một hội đoàn có những sinh hoạt đáng kể nhất là Hội Phát Huy Văn Hóa Miền Trung, được thành lập tại Ðà Nẵng vào khoảng năm 1970. Hội viên gồm nhiều vị bác sĩ có uy tín trong tỉnh như bác sĩ Trần Ðình Nam, bác sĩ Thái Can ( tác giả: tôi biết em đi chẳng trở về) ... Một số khoa bảng thật trẻ cũng tham gia vào hội đoàn này như B. S Nguyễn Ngọc Lang, L.S Hồ Công Lộ, Thẩm Phán Hồ Minh ... Về phía những người cầm bút có các nhà văn Nguyễn Văn Xuân, Phan Du, Duy Lam, Thái Tú Hạp ... và lần này có cả tôi xớ rớ ở trong này. Hội Phát Huy Văn Hóa Miền Trung đã tổ chức nhiều buổi thuyết trình, thảo luận về những vấn đề liên quan đến văn hóa, văn nghệ. Những cuộc triển lãm hội họa cũng được tổ chức cho các họa sĩ Lâm Quang Phước ( bỏ mình trên đường vượt biên ), Hoàng Ðăng Nhuận, Cao Bá Minh ... Riêng tôi cũng được bảo trợ một buổi ra mắt tập thơ: Rượu Hồng Ðã Rót ,vào năm 1974 tại trụ sở Bảo Trợ Nhi Đồng . (đây là buổi ra mắt sách đầu tiên và cũng là cuối cùng của tôi từ trước đến nay). Nhà thơ Thái Tú Hạp là một hội viên có nhiều sinh hoạt tích cực nhất. Số hội viên dĩ nhiên còn khá đông nhưng tôi không nhớ được hết. Nhìn chung, sinh hoạt Văn Học, Nghệ Thuật tại Ðà Nẵng, Quảng Nam rất khiêm nhường.

9. NMT: Lúc đó chiến tranh ảnh hưởng thế nào khi anh cầm bút?
Luân Hoán: Trong cuộc chiến Việt- Pháp, tôi trôi nổi cùng gia đình qua nhiều vùng núi đồi hiểm độc. Tuổi thơ đã lưng lửng những tiếng đạn bom, những hình ảnh tang thương của cuộc chiến. Ðà Nẵng, nơi tôi định cư khởi từ năm 1953 cũng chỉ là một thành phố luôn luôn có bóng dáng thần chết mai phục. Rồi những biến cố lịch sử tiếp theo, dựng tôi lớn nhanh, xô tôi vào thành phần những người trẻ tuổi sớm có nhiều ưu tư về thời thế. Theo đúng lứa tuổi, tôi bị gọi vào khóa 24 SQTBTÐ . Vào thời kỳ này, tôi không hiểu chính tôi một cách rõ ràng. Tại mặt trận, mặc dù " súng lận lưng quần cho có chuyện / mắt đầy cỏ lá, hồn đầy thơ" ... nhưng tôi luôn luôn là một người lính sáng suốt, hết sức mình. Với ba chiến thương bội tinh và nhiều huy chương khác của vài năm chiến đấu ,đủ nói lên điều này. Nhưng cũng ngay trong cuộc hành quân, thư thả được giờ nào, là tôi làm thơ lên án cuộc chiến mình đang tích cực tham dự . Tôi không làm dáng cho thơ tôi, nhưng tôi cũng không thể, không tiến chiến mục tiêu. Ðồng đội cần kề của tôi thay nhau bị bắn ngã ngay trong những giờ phút tưởng như tịnh yên, an toàn nhất . Tôi chưa hề chĩa mũi súng vào một thân xác địch quân nào. Nhưng tôi đã từng chấm tọa độ, gọi pháo binh, để rồi sau đó lục soát, bắt gặp nhiều xác người. Những " Viên Ðạn Cho Người Yêu Dấu " " Hòa Bình Ơi, Hãy Ðến " ( in chung với Phạm Thế Mỹ, Lê Vĩnh Thọ ), có lẽ đã góp một phần nhỏ xô giạt phần đất tự do miền Nam vào tay võ thần Cộng Sản, như anh Hà Thúc Sinh trong Ðại Học Máu đã tỏ ý hối tiếc. Nhưng tôi làm được những gì tốt hơn ,ngoài việc thủ vai " một sĩ quan mù, chỉ huy một trung đội điếc " thời bấy gời ?

10. NMT: Bây giờ ở tại hải ngoại, anh nhìn lại chiến tranh như thế nào? có thay đổi gì với thời kỳ trước?
Luân Hoán: Chiến tranh lúc nào cũng ghê tởm, đáng lên án . Nhưng nếu bắt buộc phải chiến đấu để bảo vệ tự do cho dân tộc, giữ vẹn lãnh thổ quốc gia khỏi rơi vào tay kẻ thù ngoại bang, tôi vẫn sẽ động viên những người thân kế tiếp tôi, tham dự tích cực.

11. NMT:  Anh có nghĩ thi ca biểu lộ dễ dàng nhất tâm tư thời đại so sánh với các bộ môn văn học khác?
Luân Hoán: Ðiều này, tôi nghĩ còn tùy ở khả năng và sở trường của mỗi tác giả . Thi ca chỉ lấn hơn vài bộ môn khác ở lợi điểm gọn nhẹ, nhưng sự cô đọng, và còn có cái sáng sủa đi kèm .

12. NMT: Anh làm thơ có dễ dàng không ? Thường thường, thói quen bao lâu anh hoàn tất một bài thơ ? Và sau đó có sửa chữa nhiều không?
Luân Hoán: Trong " Mời Em Lên Ngựa " tôi đã từng than : "ta làm thơ khá dễ dàng / cọng thêm dễ dãi ,đâm nhàm mất thôi / mở lòng định quét nước vôi / ngặc tình yêu vẫn đời đời mới tinh .".Thời gian hoàn tất một bài thơ, (với tôi , thường là một loạt, vài ba bài) quả không có thời gian nhất định. Nhưng trung bình độ 3 đến 4 tiếng đồng hồ là nhiều nhất, dĩ nhiên không kể những bài thật dài . Sau khi hoàn tất, thường chỉ thay đổi một ít chữ . Nếu phải sửa lại nhiều, tôi viết lại bài mới, có khi đổi cả thể loại .

13. NMT: Anh làm thơ là để giải bày tâm sự của chính mình ? Hoặc viết cho người khác, mà anh thương mến?
Luân Hoán: Cả hai trường hợp đều có. Nhưng viết về chính mình nhiều hơn .

14. NMT: Anh có ghi lại những biến cố đáng nhớ của đời mình bằng thi ca thí dụ như Nén Hương Cho Bàn Chân Trái?
Luân Hoán: Vâng, tôi thường thực hiện điều này.

15. NMT: Quê hương trong thơ anh cụ thể với những địa danh, cũng như danh tánh những nhân vật . Ðiều ấy có phải là sự cố tâm của anh?
Luân Hoán: Ðúng thế . Ðược gọi lại tên người, tên đất, tôi cảm thấy như sờ được, nắm được trong tay những thân thương đã cách xa. Gọi tên, dù gọi trong thơ, tôi vẫn cảm thấy được hồi đáp . Và cái khoảng cách chia xa được rút ngắn lại một cách thần diệu .

16. NMT: Chiến tranh đã lấy đi một phần thân thể của anh ? Anh có thể kể về trường hợp ấy?
Luân Hoán: Ðộ nửa giờ sau khi vượt tuyến xuất phát, tiểu đoàn chúng tôi đụng lớn từ nhiều cánh. Ðơn vị nhỏ của tôi, ngay từ phút đầu đã phải cho đi phép vĩnh viễn hai tân binh vừa bổ sung. Ba người khác “rách áo”, cũng vừa lên trực thăng . Nhưng cuối cùng, cũng như nhiều lần khác, chúng tôi tràn mục tiêu . Hai ngày truy kích tiếp theo, địa bàn mở rộng an toàn. Cuộc hành quân bước qua ngày thứ 5, chúng tôi có lệnh trở về Núi Dẹp. Khi ngang một chòm mộ mồ côi, con đất Thi Phổ của Quảng Ngãi bổng toát miệng cười, trải tôi nằm ngửa trên một thảm cỏ rất xanh. Có lẽ 4 gời chiều, trời đất mênh mang yên lặng. Tôi nhịn đau chống tay ngồi tháo giầy, cái áo giáp đè nặng trên lưng. Ba ngón chân sát cánh ngón cái bị dập nát. Với vết thương này, nếu quân y viện Việt Nam, có lẽ tôi chỉ bị mất đi nửa bàn chân. Tiếc thay vì có chút xúi cấp bậc, người đồng minh sốt sắng đưa tôi về bệnh viện dã chiến Hoa Kỳ, trên ngọn núi Ðức Phổ. Và sau đó, theo công thức ấn định, tôi bị cắt bỏ nửa phần chân dưới trong cơn mê. Kỹ thuật cưa cắt từ một phần xương thịt lành lặn, qủa đã sớm giúp vết thương liền miệng an toàn. Nằm với thương binh Mỹ từ 24 tháng chạp đến mùng ba tết, tôi được đưa về quân y viện Quảng Ngãi. Bạn văn tìm đến đủ mặt:Vương Thanh, Phan Nhự Thức. khóc như trẻ thơ . Qua một đêm, tôi được về quân y viện Duy Tân, trong tay ngoài cặp, còn có cái khăn tay của Khắc Minh buộc sẫn. Gần một tháng sau tôi nhắn tin buồn cho gia đình. Vợ tôi đang trong thời kỳ chuẩn bị sinh cháu đầu lòng, Lê Ngọc Hòa Bình. Thời gian này Lê Vĩnh Thọ, Phạm Thế Mỹ lên thăm tôi mỗi ngày . Tin tôi ngã ngựa đã được phổ biến trong bè bạn . Anh Trần Phong Giao có thư gơỉ gắm tôi cho một y sĩ. Tôi nhận được nhiều thư khuyến khích an ủi .

17. NMT: Anh có chút gì nuối tiếc về sự đóng góp xương máu ấy?
Luân Hoán: Sau 28 năm đi đứng nghiêm chỉnh, đàng hoàng, bỗng ngã ra thành một người khuyết tật . Khó có thể giữ được bình thảng, không nuối tiếc. Nhưng bất lực trước sự việc đã xảy ra, tôi đã cố gắng nguôi quên sự không may của số phận. Buồn một nỗi, cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn còn mang nặng mặc cảm xấu hổ về sự tàn phế, khi phải đi ngang qua trước những đôi mắt, mà tôi cảm thấy đang tò mò, đánh gía dồn lên thân xác mình. Vốn đã ngại đám đông, càng thêm sợ đám đông, tôi ít dám xuất hiện trong những buổi họp mặt đông đảo cũng vì điểm này .

18. NMT: Biến cố tháng 4 . 75 ảnh hưởng thế nào trong đời sống anh?
Luân Hoán: Cuộc đổi đời của dân miền Nam, đến với Ðà Nẵng sớm hơn Sàigòn một tháng . Ảnh hưởng của biến cố này đối dân chúng miền Nam thật quá lớn. Ðiều này, chúng ta đã hiểu rõ. Riêng cá nhân tôi, ở mặt tinh thần bị tổn hại nhiều nhất. Ðể thích ứng với tình thế, sau nhiều giai đoạn bầm dập, tôi thực hiện những điểm tự đề ra: ·    Học thật thuộc lý lịch của chính mình, nhất là những điểm có sự khai dối . ·    Ðóng vai một người ngây thơ, chậm chạp, hạn chế tối đa lời nói, tránh mọi va chạm linh tinh với tất cả những người chung quanh. ·    Hạn chế tối đa việc giao thiệp, ngay với những người có quen mà chưa đủ thân, tránh mặt các bạn cầm bút đã có quen hoặc chưa, từ trên núi về, hoặc ngoài miền Bắc vào ( Tôi đã bỏ lở cơ hội để được tâm sự nhiều với nhà thơ Phùng Quản, khi anh cùng Vũ Hữu Ðịnh đến thăm tôi tại nhà riêng). ·    “Nghiêm chỉnh chấp hành” những công tác bắt buộc mình phải làm, kể cả việc đi lao động, gở mìn ở vòng đại quân đoàn cũ .vv. ·    Nhịn nhường trước công an, thuế vụ và nhiều loại cán bộ khác. Dù sao tôi cũng đã may mắn hơn các bạn đồng đội khác của tôi, bởi lợi điểm: tôi đã thành phế tật, đã giải ngủ. Tôi chỉ phải tập trung cải tạo tại trại Ngô Văn Sở cũ . Và đến đợt thực thi chính sách đổi tiền một cách rầm rộ, đều khắp, tôi cũng như hầu hết viên chức cũ của ngành ngân hàng, đều được móc ra để trở về việc chuyên môn. Tôi trở lại bộ phận kế toán . Trước khi nhận việc, tôi bị gọi trình diện thủ trưởng. Lão cán bộ này, có lẽ chấp hành đúng chính sách, cho tôi xem lời phân loại trên phíếu lý lịch cá nhân của tôi . " Thành phần cặn bã của chế độ cũ " Dĩ nhiên tôi không hề buồn và xấu hổ bởi sự đánh giá trên. Nhưng tinh thần bị bao vây và khủng bố tinh tế như vậy, tôi phải biết lo sợ, đề phòng và quyết tâm trốn ra nước ngoài. Sự thiếu hụt chân đi, chân chạy của tôi là một trở ngại quá lớn trong kế hoạch vượt biên. Nhưng tôi cũng đã tổ chức, tham dự hai lần . Cả hai đều thất bại trước khi bị phát hiện. Lần đầu, trong lúc cả nhà đang đợi đến giờ ra đi, bất ngờ cách cửa nhà tôi độ 40m xảy ra một án mạng . (Mấy anh chị đi học bổ túc văn hóa ghen tương và giết nhau ). Ðường Hùng Vương, mặt tiền của nhà tôi bị phong tỏa . Lần thứ hai, ông già vợ tôi trù trừ tạm giử lại một chiếc xe đò chạy Ðà Nẵng - Quảng Ngãi . Chúng tôi trà trộn cùng hành khách đến điểm hẹn thứ nhất, bắt ngờ xe hỏng máy giữa đường, sửa mãi không được. Bỏ cuộc. Cũng may vào năm 1979 tôi nhận được giấy bảo lãnh đoàn tụ của em trai tôi ( Lê Hân ) từ Canada . Có giấy, nhưng vẫn sợ và ngại, nên mãi đến năm 1981, bắt được mối lo lót, tôi mới lập thủ tục và ra đi vào năm 1985. Xin lỗi anh và độc giả tôi đã quá dông dài ở câu trả lời này .

19. NMT: Và thi ca có phản ảnh đời anh lúc đó?
Luân Hoán: Anh cho phép tôi trích vài đoạn để thay câu trả lời :" Ngày hai bận ba đạp xe đến sở / thân hắt hiu như chiến bóng không màu / mặt ba cúi trên mặt đường nhựa nóng / tìm thử mình đã thất lạc nơi đâu / trời tháng bảy, nắng đỏ vây rực rỡ / đốt thân ba, thân nhánh củi khô cằn / chiếc xe cũ, cũng mõi, lười lăn bánh / tim trong người ba nhịp nỗi băn khoăn / sống với chết cứ hình như lẵn lộn / ở trong ba, không ranh giới rõ ràng / tuổi chưa lớn nhưng đớn đâu quá lớn / không các con chắc ba đã đầu hàng / ba tự hỏi có cần quay trở lại / điểm khởi đầu để thắp lại tương lai / tay đã yếu làm sao ghì cương nổi / trên dốc đời đang đổi xuồng tàn phai // hoặc : chúng tôi ngồi chồm hỗm / trong sân chùa Hải Châu / mắt lập bè đom đòm / nắng đổ lửa trên đầu / ... xin chân thành đăng ký : / chúng tôi thừa trái tim / ... viết rất nhiều lý lịch / để làm người tự do //.

20. NMT: Khi đề cập tới nỗi đau khổ, dù cùng cực, tôi vẫn thấy được cảm giác khác, như niền hy vọng, hoặc cảm xúc với tình người ... như vậy điều ấy có đúng với tâm trạng anh không . Hay tất cả chỉ là màu đen tối thằm?
Luân Hoán: Là một người thường được bạn bè nhận xét : " Có nụ cười mở đường, đi trước ", nên trong tôi, có lẽ nỗi bi quan thường được niền lạc quan đi kèm, tôi luôn tin tưởng có sự tốt đẹp hơn ở những chặng đời sẽ đi tới, dù có hay không, nên tin cái đã, đó là quan niệm của tôi, tâm trạng sẽ ảnh hưởng bởi quan niệm sống này .

21.NMT: Ðặc biệt, anh có làm thơ gởi tặng riêng một người nào không, ví dụ một người đẹp, một người tình chẳng hạn?
Luân Hoán: Không những không, mà có lẽ còn quá nhiều, bởi khi làm thơ tôi thường nghĩ đến một đối tượng cụ thể nào đó . Nhiều khi đề tặng một người nào đó ,mà như họ đại diện cho chính mình. Tôi cảm thấy cô độc khi mình lầm lũi trong bước chân thơ.

22.NMT: Anh nghĩ thế nào về tình yêu . Lúc trẻ và bây giờ khi đã đứng tuổi?
Luân Hoán: Chúng ta, trải qua nhiều thế hệ, đều cho rằng tình yêu là đề tài của muôn thuở, tôi cũng không có khả năng vượt khỏi . Có khác chăng thời trẻ tuổi thơ tình của tôi thường được lồng vào với những hình ảnh khác, nhiều nhất là quê hương. Càng lớn tuổi tôi càng tách rời chúng ra hơi xa một chút. Xin được đưa vài dẫn chứng .— tập Về Trời (đầu tay ) : " anh sẽ về thăm em và đất đai Ðại Lộc / ăn lòn bon, uống nước suối Hố Bông / và cầm tay cho đôi má em hồng / run nét chữ thương yêu lên đồi đá // "13 năm sau, ở Ðưa Nhau Về Ðến Ðâu : " bởi quá yêu nên ta giàu tưởng tượng / giàu tự cao, ôi một gã trai tơ / dáng dấp hào hoa không giấu nổi dại khờ / ta lúng túng đơm trăm canh ngưỡng vọng / bẵy tình ái giăng chờ và nghe ngóng / ta rình em ta rình chính cả ta / phút chốc lạnh lùng, phút chốc ba hoa ta lừa dối bởi vô cùng thành thật / ta giàu có bởi ta vừa đánh mất / trái tim hồng ký thác giữa môi em / ... đời trôi nổi những ba cay, bảy đắng / lòng vẫn xanh như cỏ dại thong dong / trái tim ta vẫn rộng rãi thư phòng / có em ngủ muôn đời trên vần điệu / ta mai mốt dù tài danh mệnh yểu / đã nhờ em tồn tại với thời gian / hỡi em yêu thăm thẳm cánh phượng hoàng / có đậu lại trong sân trường bữa ấy ... //.Năm 1997, với 56 tuổi, trong Cỏ Hoa Gối Ðầu : ... " đêm nào tôi cũng nằm mơ / không mơ chắc chắn xác xơ bất thường / mơ em nằm ngủ ở truồng / hai bàn chân nhốt phấn hương mượt mà / còn tôi ngồi ngắm cuống hoa / chờ trăng mọc trải thơ ra gối đầu / mơ hoài giản dị thế thôi / cảm ơn thi vị cuộc đời trong veo .. " //.Anh Trinh ơi, nếu trên đời quả thật có cái linh thiêng đáng tôn thờ, cái đó chắc phải là tình yêu lứa đôi, trên hết .

23. NMT: Thơ của anh có đề cập đến tình dục không? Ðề cập đến một cách mơ hồ hoặc cụ thể. Và anh nghĩ một cách chân thực về vấn đề này?
Luân Hoán: Tôi thấy không có gì đáng ngại và xấu hổ khi đề cập đến tình dục bằng ngôn ngữ thơ. Tôi đã có thực hiện điều này, cụ thể hay mơ hồ, xin anh cho bạn đọc kết luận sau khi đọc đoạn trích sau đây : " dẫu mòn mõi qua đường xưa lối cũ / vó ngựa ta còn thở vẫn còn phi / mông em nở và cập chân rất điệu / khép càn khôn vào giữa nhụy xuân thì / em kiều di-m dẫu không ngừng sáng tạo / thế trên yên dông bão tuyệt như nhau / ngã về bắc, dạt về nam cuồng nhiệt / tay cương chùng theo vận tốc chậm mau / ... vẫn đường cũ mà mỗi lần qua lại / hương trong lòng vẫn đổi mới luôn luôn ... // ( trích trong thi tập Mời Em Lên Ngựa ).

24. NMT: Anh có bao giờ đề cập đến Thiền, đến triết học trong thơ của anh?
Luân Hoán: Tôi nghĩ là không, nếu có vài nét chẳng qua là sự tình cờ .

25. NMT: Có phải vì mệt mõi trước cuộc sống nên hay suy tư về một thế giới khác, lãng mạn và nhiều thơ mộng hơn?
Luân Hoán: Có thể đúng như vậy . Tôi đã từng ví mình như đã chết viết vài bài thơ ở cõi âm .

26. NMT: Khi bắt đầu một bài thơ, anh có chọn lựa sẫn thể loại hay để tự do theo cảm hứng?
Luân Hoán: Không có chọn lựa nào trước khi viết. Trừ khi viết xong một bài nếu không ưng ý, cần sửa chửa nhiều, tôi thường bỏ và chuyển qua một thể loại khác.

27. NMT: Anh có nghĩ về việc làm mới thi ca? Thơ mới và thơ hay có gì liên hệ?
Luân Hoán: Thơ hay chính là thơ mới rồi . Tôi vẫn nghĩ nên làm Mới thi ca, nhưng làm mới như thế nào, ra sao, thì tôi đang lò dò thử nghiệm, chưa đạt kết quả nào .

28. NMT: Tôi có đọc một vài bài thơ của anh làm rất "lạ" so với thơ bình thường ký tên LH trên tạp chí thơ tại sao lại có sự kiện này?
Luân Hoán: Ðiều đó, có lẽ cũng nằm trong cố gắng như vừa nói trên.

29. NMT: Anh có nhận xét nào về sự cổ xúy cũng như cố công làm mới của nhóm chủ trương tạp chí thơ?
Luân Hoán: Tôi ngưỡng mộ các bạn thơ của tạp chí Thơ và mong mỏi họ thành công . Ðiều cần thiết là phải làm cách nào ,để cái mới đó có hồn, có vía đàng hoàng, phổ biến được đón nhận rộng rãi .

30. NMT: Anh có nghĩ thơ mà chú trọng đến kỹ thuật và hình thức quá sẽ làm loãng đi phần nội dung tích chữa?
Luân Hoán: Kỷ thuật và hình thức là những điểm tất phải có của một bài thơ, nhưng nếu chú trọng quá đáng, có lẽ loãng bớt nội dung, đó là chưa kể nếu quá màu mè, bài thơ lại dễ biến ra một họa phẩm siêu thực .

31. NMT: Chắc anh có đọc những bài thơ trong nước, bây giờ, theo anh có hiện tượng nào nổi bật, cũng như thi sĩ nào đáng đề cập?
Luân Hoán: Ðọc không được nhiều, nên vài nhận xét của tôi sau đây có thể không mấy chính xác .Thơ trong nước bây giờ một phần nào đã thoát cái công thức qui định của nhà cầm quyền . Thơ không còn mang nặng tính chất cổ động, tuyên truyền, hoặc đề cao lãnh tụ . Những người làm thơ trong nước đã nghiêng nhiều về đề tài tình yêu lứa đôi, lẫn ưu tư thân phận con người . Những nhà thơ tôi thích đọc : Bùi Chí Vinh, Ðỗ Trung Quân, Hà Nguyên Dũng ...

32. NMT: Còn ở hải ngoại, anh có nhận xét nào về thi ca hôm nay?
Luân Hoán: Tại hải ngoại . Số lương người làm thơ càng ngày càng đông . Ðề tài lẫn nội dung không có sự thay đổi đáng kể . Nhưng hình thức và cách dùng từ ngữ có nhiều cách tân, nhìn lạ mắt, khá khó đọc trước đám đông . Những nhà thơ : Trần Mộng Tú, Ðỗ KH, Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Tô Thùy Yên, Ngô Tịnh Yên, Ngu Yên, Thái Tú Hạp, Chu Vương Miện, Hoàng Xuân Sơn, Phan Ni Tấn, Chân Phương , Triều Hoa Ðại ... vẫn là những cây bút sáng giá của bộ môn thi ca .

33. NMT: Nếu so sánh anh kết luận thế nào về văn học ở trong nước và ở hài ngoại hiện tại?
Luân Hoán: Trong, lẫn ngoài, tôi thấy, cả hai đều có những đội ngủ quyết tâm cải tiến đi lên . Khác chăng là trong nước hơi vội vã, ở ngoài hơi đắn đo.

34. NMT: Và thi ca thì nhận định ra sao khi so sánh?
Luân Hoán: Tôi chỉ xin đưa ra nhận xét bên lề . Trong nước thi ca ít ra cũng còn được xem là một trong những món ăn tinh thần, còn giữ được một số độc giã . Những thi phẩm cá nhân hoặc tuyển tập liên tiếp ra đời trong một đất nước kinh tế còn yếu kém, nói lên điều này. Ðó là chưa kể giá trị của nhà thơ còn có được chút ít, qua việc nhận tiêu biểu 1 chút nhuận bút khi có thơ in trên các tạp chí . Tại hải ngoại, thi ca trở thành một loại son phấn để làm dáng cho nhiều bậc khá giả . Trọng lượng của người làm thơ có tuột dần xuống, trên kệ sách của các quán sách có vắng bóng thi ca cũng là điều hợp lý .

35. NMT: Anh có nghĩ thi ca VN sẽ có ngày chen chân trên thi đàn thế giới? hay chỉ là mộng ước thôi?
Luân Hoán: Thế hệ của chúng ta chắc chưa làm được đều này một cách vẽ vang .

36. NMT: Anh có nghĩ suy nào về giao lưu văn hóa giữa trong nước và hải ngoại? Bây giờ và tương lai?
Luân Hoán: Hiện tại vấn đề giao lưu văn hóa giữa trong và ngoại nước đang ở giai đoạn đầu, tuy không hẳn là một chiều, nhưng rõ ràng chưa cân bằng . Vui vẻ đưa tay ra trước vẫn là giải pháp tốt, tôi tin với thời gian mọi sự sẽ được cải thiện .

37. NMT: Tương lai của văn học VN hải ngoại nói chung và thi ca nói riêng hội nhập và văn chương bản xứ, thành lập một nhánh riêng, hoặc hội nhập với dòng chí nhớ quê nhà?
Luân Hoán: Tôi nghĩ, văn chương nghệ thuật hải ngoại đang và sẽ có một nhánh riêng .

38. NMT: Theo anh có sự khựng lại trong giới cầm bút hải ngoại trong thời gian gần đây?
Luân Hoán: Sự khựng lại của giới cầm bút hải ngoại tôi thấy chỉ xảy thoáng qua trong năm 1989. Hiện nay tôi rất lạc quan . Giá trị và sự vững mạnh của các tạp chí Văn Học, Văn, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21 ... đủ để thuyết phục điều này .

39. NMT: Anh có dự tính nào về sáng tác trong thời gian tới?
Luân Hoán: Còn đọc, còn cầm được cây bút là còn có dự tính . Nhưng xin anh cho tôi trốn câu trả lời này .

40. NMT: Một ngày của thi sĩ LH?
Luân Hoán: Một ngày của tôi hoàn toàn không giống nhau. Sự thay đổi và khác biệt tùy thuộc vào nhiều yếu tố : thời tiết / tình cảm gia đình / giao dịch với người chung quanh / những cao hứng bất ngờ vân vân ... Nhiều khi, sau khi mở hộp thư đã thay đổi toàn bộ chương trình đã dự tính . Dù sao tôi cũng có điểm này gần như cố định : Ngày nào tôi cũng bỏ ít nhất 10 phút để ngó trời, ngó đất, nhìn thiên hạ đi đường, tôi vốn sợ cô đơn .
 41. NMT: Anh có muốn nói gì với đọc giả?
Luân Hoán: Cám ơn và xin phép anh cho tôi tỏ lời cảm tạ chân tình đến tất cả những bạn đọc đã, đang và sẽ đến cùng thơ tôi .

 Nguyễn Mạnh Trinh thực hiện

Đọc thêm thơ Luân Hoán từ trang Vuông Chiếu














.