Nguyễn Mạnh Trinh
Có
một bài thơ nổi tiếng của một nhà thơ Mễ Tây Cơ đã đoạt giải Nobel
văn chương năm 1990. Octavio Paz (1914-1998) và bài thơ ”Between
what I see and what I say”. Trong bài diễn văn kỷ niệm 70 năm ngày
sinh của ông, nhan đề “Xa xôi hơn những ngày tháng, gần gũi hơn
những tuổi tên”, là một bài viết thật nhiều cá tính riêng biệt với
một phong cách suy tư sâu sắc ông viết:
“…Con người là một con vật chính trị và cũng là một con vật triết
học. Bởi vậy con người cũng là một con vật thi ca, một ẩn dụ mênh
mang bàng bạc. Tưởng tượng đã tạo thành những nhịp cầu bắc giữa hành
động và ngưỡng mộ quan sát. Trong sự tưởng tượng ấy, cái ”nhìn” cũng
như cái ”làm” được khai triển. Nhờ óc tưởng tượng, con người phóng
ra những hình ảnh bản thân mình và hình ảnh thế giới, chiêm ngưỡng
và tự nhìn ngắm chính mình, một hình ảnh con người được chuyển hóa,
trong cảm giác của cơn khát được thể hiện. Tưởng tượng đã mời gọi
chúng ta ”làm” cái mà chúng ta đã “nhìn” để hình tượng chính chúng
ta. Những thời điểm sáng tạo của lịch sử đều là giây phút mà hình
ảnh mơ mộng được liên tưởng và cảm nhận để hạ xuống thấp mặt đất.
Chính ở sự biến hóa thành hành động nên chất sống có phong vị nồng
nàn hơn.
Ngay từ khi còn trẻ tôi đã cảm nhận, như cùng biết bao người chung
tuổi tác, cái tiếng gọi chia đôi bên này bên kia giữa hành động và
sự quan sát để chiêm ngưỡng. Trong thế giới hiện đại nhập chung cả
hai cảm giác làm một thật là khó khăn: không gian và các thiên thể
hiện hữu của nó không còn là khuôn mẫu của xã hôi loài người nữa.
Chúng ta là một địa cầu lang thang trong một vũ trụ cũng lang thang.
Tuy nhiên tôi đã mau chóng tìm thấy được nhịp cầu nối liền hai cảm
giác của hành động và quan sát để chiêm ngưỡng:...”
Đó là đoạn văn (mà tôi lược dịch) viết về bài thơ mà tác giả Octavio
Paz đã trích dẫn toàn vẹn trong bài diễn văn đầy chất văn chương kể
trên.
Octavio Paz (1914-1998) là một nhà văn, một thi sĩ, một nhà ngoại
giao, là người nhận giải Neustadt International Prize năm 1982 và
giải Nobel văn chương năm 1990. Hàn Lâm Viện Thụy Điển đã vinh danh
ông ”vì những tác phẩm viết say sưa với chân trời rộng mở mênh mông
đầy tính chất tạo dựng những khoái lạc thông tuệ cùng với nét nhân
bản toàn vẹn”.
Ông là một khuôn mặt tiêu biểu cho dòng văn học Châu Mỹ La Tinh tác
giả của 5 tập thơ lớn của thế kỷ 20 và 23 tập tiểu luận văn học nghệ
thuật nêu ra 5 chương trình nghiên cứu giá trị. Năm 1994, tại xứ sở
của ông, ông được tôn vinh bằng một Lễ mừng Thọ ông 70 tuổi được cả
chính phủ và quốc gia tổ chức kéo dài cả 5 ngày với những cuộc gặp
gỡ trao đổi văn chương nghệ thuật kèm theo những chúc mừng nồng
nhiệt của cả quốc gia dành cho ông. Chính trong buổi lễ này ông đã
đọc một bản tham luận văn chương nổi tiếng được in lại trong tuyển
tập
El Paso có bài thơ nổi tiếng kể trên.
Và cũng chính bài thơ của Octavio Paz này mà nguyên tác Anh ngữ
“Between what I see and what I say” được in trong tập “A Tree
Within” với lời đề tặng Roman Jakobson:
1.
Between what I see and what I say
between what I say and what I keep silent
Between what I keep silent and what I dream
Between what I dream and what I forget:
Poetry.
It slips
Beetween yes and no,
says
what I keep silent,
keeps silent
what I say,
dreams
what I forget
it is not speech:
It is an act
of speech
Poetry
speaks and listens:
It is real.
And as soon as I say
It is real,
It vanishes.
Is it then more real?
2.
Tangible idea,
intangible
word:
poetry
Comes and goes
Between what is
And what is not.
It weaves
and unweaves reflections.
Poetry
Scatters eyes on a page
Scatters words on your eyes
Eyes speak,
words look,
looks think.
To hear
thoughts,
see
what we say,
touch
The body of an idea.
Eyes close,
the words open.”
Sở dĩ tôi trích dẫn nguyên vẹn bài thơ Anh ngữ này để so sánh với
một bài thơ Việt ngữ khác, mà nhiều tài liệu cho rằng của nhà thơ
Tuệ Sỹ sao giống bài thơ Anh ngữ trên như hai giọt nước. Bài ”Giữa
điều tôi nhìn thấy và điều tôi nói ra”:
“1.
giữa điều tôi nhìn thấy và điều tôi nói ra.
Giữa điều tôi nói ra và tôi thinh lặng
Giữa điều tôi thinh lặng và điều tôi mơ mộng.
Giữa điều tôi mơ mộng và điều tôi quên lãng:
Là thơ
thơ trượt qua
giữa có và không
thơ nói
điều mà tôi thinh lặng
thơ thinh lặng
điều mà tôi nói
thơ mơ mộng
điều tôi lãng quên
thơ không là lời nói:
thơ là hành động
hành động của lời nói
thơ nói ra và lắng nghe:
thơ hiện ra thực sự
và ngay khi tôi nói là thơ hiện ra thực sự
thì thơ tan biến tức thì.
Có phải là thơ còn thực sự hơn nữa chăng?
2.
ý tưởng hữu hình
chữ thì vô hình
thơ
đến rồi đi
giữa cái hiện tiền
và cái không hiện hữu
thơ đan dệt
và tháo gỡ những suy tưởng
thơ tung rãi mắt nhìn lên trang giấy
tung rãi chữ vào trong mắt
mắt nói
chữ nhìn
cái nhìn suy tưởng những đôi mắt nhắm lại
chữ thì mở ra”
Tự nhiên tôi thấy có nhiều nghi vấn từ xuất xứ bài thơ. Tôi chỉ đọc
bài thơ Việt ngữ ở trên internet qua những công trình sưu tập chứ
chưa được đọc trên văn bản giấy in.Thành ra có thắc mắc là có phải
bài thơ ấy là của Tuệ Sỹ không? Thế mà, bài thơ ấy lại được nhiều
tác giả trích dẫn và là một phần nào để nói về và giới thiệu về chân
dung một thi sĩ mang tên Tuệ Sỹ. Tôi thấy phân vân. Bài thơ Anh ngữ
thì chắc chắn là của Octavio Paz rồi nhưng còn bản Việt ngữ thì sao?
Trong cảm nhận của riêng tôi, một người có thể tự thú là yêu thơ Tuệ
Sỹ mở ra những câu hỏi về xuất xứ bài thơ này. Và nếu có sự sai lạc
sẽ gây ra những ngộ nhận đáng tiếc và đánh giá sai lạc về chân dung
Tuệ Sỹ.
Vâng. Tôi rất yêu thơ Tuệ Sỹ. Không phải riêng tôi mà còn nhiều tác
giả khác cũng có chung sự yêu thích ấy.
Như nhà thơ Bùi Giáng đã viết về thơ ông:
“… Thi nhân đã mấy phen ngồi ngắm trăng tàn. Ngồi trên một đỉnh đá?
Bốn bề rừng thiêng giăng rộng ngút ngàn màu trăng xanh tiếp giáp với
chân trời xa xôi đại hải?
Đỉnh đá và hạt muối là hai chốn kết tụ tinh thể của núi và biển.
Đỉnh đá quy tụ về mọi hướng màu trời mây rừng rú. Hạt muối chứa chất
cái lượng hải hàm của trùng dương. Đó là cái bất tận của tâm tình
đứng sững tại giữa tuế nguyệt phiêu du... Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã
trùm lấp hết chân trời mới cũ từ Đường thi Trung Hoa đến siêu thực
Tây phương…”
Hay trong tập “Đi Vào Cõi Thơ”, Bùi Giáng phác họa:
“Tuệ Sĩ một vị sư. Ông viết văn nghiêm túc những sở tri của ông về
Phật Giáo quả thật quảng bác vô cùng. Thấy ông trẻ người khắc khổ,
không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u...
giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
suối nguồn xa
nguồn nước
xuôi ngàn
Bài thơ dừng lại. Dư âm bất tuyệt kéo dài trong đêm lữ thứ khép mình
trong bốn bức tường vôi nhạt nhòa ủ rũ ngục tù…”
Như nhà thơ Phạm Công Thiện:
“Đặc tính thứ hai trong thơ Tuệ Sỹ là trừu tượng hóa bản thân cụ
thể, trừu tượng hóa cá tính. Tôi dùng mấy chữ trừu tượng ở đây trong
ý nghĩa đẹp nhất và thơ mộng nhất như nhà thơ vĩ đaị Paul Valery đã
“trừu tượng hóa” nhân vật tản văn thường mang tên là “Monsier
Teste”. Tuệ Sỹ không hề đọc Valery mà thường đọc đi đọc lại một nhà
thơ trái ngược hẳn với Valery là Heine. Điệu thơ Đường Tống cũng đã
được dấu kín lặng lẽ trong thơ Tuệ Sỹ mặc dù Tuệ Sỹ đã thuộc nằm
lòng cả thế giới Tống Đường. Nói rằng thơ của Tuệ Sỹ hay hoặc không
hay thì lố bịch. Chỉ có thể nói rằng thơ của Tuệ Sỹ đáng được chúng
ta đọc đi đọc lại nhiều lần và suy nghĩ lan man hoặc cảm nhận tùy
hứng. Ít nhất có một người làm thơ đáng cho ta đọc giữa ”sống chết
với điêu tàn vờ vĩnh” để cho chúng ta còn có được một buổi sáng
“nghe chim trời đổi giọng”. Đặc tính thứ ba và cuối cùng của thơ Tuệ
Sỹ chính là tiếng thơ đổi giọng của một loài chim đi từ cõi xa xưa
của vô biên tế kiếp trong lòng sâu thẳm của Tính Mệnh Quê Hương”
Tuệ Sỹ là một nhà thơ đích thực. Ông viết về Thơ, luận về Thơ với
tâm hồn mênh mông của những cánh chim bằng bay lượn tầng cao. Thơ
không phải là những suy tư phù phiếm mà Thơ đã biểu hiện dòng sống
luân lưu của trời đất. Thơ không còn quanh quẩn giữa có và không,
thực và giả mà vượt lên ở trên tâm phân biệt để thấy sự phân đôi
giửa hành động và sự “chiêm ngưỡng quan sát” của Octavio Paz đã luận
như không còn biên giới. Tuệ Sỹ đã viết:
”…Thơ phát ra từ cuộc Lữ đọa đầy, rồi trở lại đọa đầy cuộc Lữ. Cuộc
Lữ là trường thể nghiệm Lịch sử tồn sinh thảm họa của Thơ. Và Thơ mở
rộng những phương trời Lữ Thứ. Quê Hương nguyên thủy chỉ là những âm
vang của Lịch Sử vang dội ngân dài trong những phương trời viễn
mộng. Cho nên, Đất của Thơ đất Trích, là những vùng đày ải; Đường
của Thơ là Quán Trọ, là những bước đường ngược gió. Mặn nồng nơi Đất
Trích, lân la nơi Quán Trọ cuộc thể nghiệm dây dưa với hàng triệu
vấn vương và cũng là cuộc thể nghiệm cho khước từ tuyệt đối. Cho nên
lời Thơ càng lúc càng trầm trọng như viên sỏi rơi vào lòng biển bao
giờ cho tới đáy thì thôi. Biết bao giờ cho tới đáy để lấy đó làm Quê
Hương hằng cửu? Bởi cách điệu trầm trọng như thế nên thơ là phong
vận tài hoa, đẹp như những cụm mây trời trong nắng sớm…”
Có người yêu thơ và hay tập tành làm thơ, sau khi đọc tác phẩm ”Tô
Đông Pha, những phương trời viễn mộng” của một người làm thơ viết về
một người làm thơ khác (Tuệ Sỹ viết về Tô Đông Pha) đã cảm khái :
“Nghe từ thiên cổ
lời ru mênh mang
bước vào cuộc Lữ
mấy chuyến đò ngang.
Tà dương có khóc
Nắng ngả ánh vàng
Mưa bay thoảng chốc
Thiên địa hoang tàn
Một người đọc thơ
Nhìn trăng vừa khuyết
Sinh tử đâu chờ
Vòng quay nhật nguyệt.
Đi vào đất trích
Quanh quẩn nhân gian
Cho tròn vai kịch
Giây phút muộn màng
Phương trời viễn mộng
Sẵn lúc chào đời
Bốn bề gió lộng
Người ơi, Thơ ơi!!”
Viết về Tô Đông Pha, mà nghe như viết cho chính mình. Tuệ Sỹ, trong
cái quay cuồng của lịch sử, đã nhìn vào chặng lữ hành của lịch sử để
tìm vào cõi sâu kín của vòng chuyển dịch. Ông, không phải trong vai
trò thiền sư để đi tìm cái uyên áo mà, với thái độ mơ mộng lãng mạn
đi tìm cho riêng mình một cõi thơ riêng.
Khép lại những trang sách. Đọc lại những bài thơ để đi vào những cõi
thơ tuy ở trên bềnh bồng cuộc sống nhưng ở phần dưới vẫn là những
cuồng lưu chảy xiết của thân phận con người. Có một lúc, người thơ
chỉ có duy nhất một, là tượng hình của hàng trăm ngàn tâm tư biểu
hiện trong trời đất trong vũ tru của kiếp người. Thành ra cái nghi
vấn nhỏ nhoi để tìm về xuất xứ của bài thơ này của ngôn ngữ nọ của
bài viết này lại trở thành dịp may để đi tìm những cõi thơ của mênh
mông ý tưởng va bao la ngôn ngữ…
Nguyễn Mạnh Trinh