Nguyễn Xuân Hoàng,
Vài Nét Về Tác Giả Và Tác Phẩm

Nguyễn Mạnh Trinh

Thời đại của Nguyễn Xuân Hoàng là một thời thế đặc biệt. Ở đó, đầy những biến cố từ thuở kháng chiến chống Pháp, đến thời đệ nhất, đệ nhị Cộng Hòa, từ những cuộc di cư đến ngày di tản, từ cuộc vượt tuyến di cư vào Nam đến vượt biển tị nạn xứ người. Những biến cố ấy tạo cho cả một thời đại những nét chung mang nhưng lại là những điều riêng biệt trong ký ức mỗi người.
Ðọc sách viết về thời kỳ ấy hay viết để kể lại, cái nét chung ấy nhiều khi chuyển thành riêng biệt. Trong văn chương, lấy cái chung làm cái riêng của mình chẳng phải là dễ dàng. Nguyễn Xuân Hoàng là một tác giả mà trong tác phẩm của mình đã mang độc giả đi qua những cảm giác tiền chế của cái chung để đi vào cái riêng của mình một cách rất nghệ thuật. Chính cái nét sống động, của những mảnh đời thật, của biến cố thực, của cảm giác thực đã làm độc giả đi vào một thế giới với sự tò mò qua nhiều câu hỏi. Nguyễn Xuân Hoàng? Trần Lâm Thăng của Người Ði Trên Mây và Bụi và Rác? Là tôi trong Tự Truyện Một người Vô Tích Sự, trong Ngôi Nhà Ngói Ðỏ?
Hay là tôi của Mang Mang với thi sĩ Hoang Vu hoặc trong câu thơ “Nha Trang Hang Ðộng Tuổi Thơ”? Nhà văn? Nhà giáo? Nhà thơ ? Nhà báo? Don Juan hết thời? Người đi trên mây?…

Thục Nữ

Luân Hoán

Em Thục Nữ đời đời là quỷ dữ
với tâm xà khẩu phật mặt mày hoa
vuốt trong mắt nanh trong môi óng ả
hồn tinh khôi em huyễn nhiệm ranh ma
thân mỏng mảnh, viện bảo trì núi lửa
giọng mượt mà, kho dự trữ kim dao
lòng bát ngát, nghĩa địa tim hóa thạch

Viết, Như Một Cách Tự Hoạ

Nguyễn Hưng Quốc

Tại sao viết?
Trả lời câu hỏi tương tự, một lần, trên tạp chí Thế Kỷ 21, tôi đặt vấn đề: tại sao người ta thích hỏi nhà văn là tại sao anh (hay chị) viết văn? Tại sao không ai hỏi cái câu hỏi tại sao ấy với những hạng người khác, với các chính khách, các bác sĩ, các luật sư, kỹ sư, hay với các nhạc sĩ, các ca sĩ, chẳng hạn? Có phải với những nghề ấy, vấn đề đã quá hiển nhiên? Đó là những nghề hoặc có tiền hoặc có danh hoặc có cả hai, đôi khi lại thêm quyền lực nữa. Người ta chỉ hỏi các nhà văn: tại sao anh/chị viết văn? Dường như người ta tò mò: Tại sao anh/chị biết, như Nguyễn Vỹ từng than, nhà văn An Nam khổ như chó, vậy mà anh/chị vẫn cứ mơ mộng làm văn sĩ? Tại sao anh/chị biết, như Nguyễn Minh Châu từng thú nhận, con đường văn chương là một con đường nhục nhằn, đau xót, đầy bất trắc,[1] vậy mà anh/chị cứ đeo đuổi mãi? Tại sao anh/chị biết, như Nguyễn Du từng ngậm ngùi, thơ văn chả có ích lợi gì, nhất sinh từ phú tri vô ích, vậy mà anh/chị cứ lầm lũi viết lách? Tại sao? Cái câu hỏi tại sao ấy, từ phía độc giả, như một sự lạ lùng; về phía nhà văn, cứ như một niềm nhức nhối.
Tại sao anh/chị viết văn? Hỏi. Ừ, thì hỏi. Nhưng hầu như người cầm bút nào cũng biết là mình bị văn chương chọn hơn là chính mình chọn văn chương. Lý do đơn giản: cái viết nào cũng khởi phát từ một cảm hứng mà cảm hứng thì lại nằm ngoài tầm kiểm soát của người cầm bút. Không có người cầm bút thực sự nào không sáng tác như một phiêu lưu. Điều này, có lẽ phần nào giải thích được hiện tượng vì sao các nhà văn hay có tật nói khoác: anh/chị ta lúc nào cũng ngạc nhiên trước tác phẩm của mình. Một kỹ sư không ngạc nhiên đến thế khi nhìn cái máy do mình chế tạo ra: anh/chị ta đã hình dung được nó từ trước, ngay trong dự án. Với nhà văn, trong công việc sáng tác, tình hình lại khác. Ngay cả khi viết xong điều đắc ý, anh/chị ta vẫn chưa chắc đã hiểu trọn những gì mình đã viết, hơn nữa, dù hiểu, vẫn bàng hoàng: anh/chị ta cần lời khen của người khác hoặc của chính mình để tự tin vào mình.


Chớp Mắt Ngoái Lại

Song Thao

Ngày cưới, Nghĩa không có được niềm vui trọn vẹn. Chẳng phải vì đám cưới có gì trục trặc. Mọi việc diễn tiến hoàn hảo đúng như dự trù của anh. Cũng chẳng phải vì anh bị ép buộc gì. Anh và Diệu yêu nhau, lấy nhau giữa sự vui mừng của cả hai gia đình. Cái khoảng hụt hẫng của anh chính là vì thiếu sự hiện diện của hai người bạn nối khố từ những ngày mài đũng quần ở trường tiểu học.
Vũ đang dạy ở trường Võ Bị Đà Lạt một hai đoan quyết thế nào cũng về. Tao mà không có mặt thì đám cưới mày đâu có thành được. Vậy mà cái lệnh cấm trại trăm phần trăm đã níu chân anh. Khoác vào người bộ đồ lính thì cuộc sống có gì là chắc chắn kể chi tới cái phép đã cầm trong tay mà giờ chót lại trở thành tờ giấy lộn. Sáng sớm ngày cưới, đoàn người đi rước dâu chưa ra khỏi cổng, một bó hoa hồng đỏ au tươi rói gửi về từ Đà Lạt đã thay Vũ nói lời chúc mừng với người bạn thiết. Kèm theo bó hoa là một cánh thiệp đẹp và trang nhã. Gửi tới hai đứa mày những lời chúc mừng đẹp đẽ nhất. Tao đã dành sẵn một phòng tại Palace cho tuần trăng mật của tụi mày. Thằng Tước có về làm phép cưới cho mày không?
"Thằng" Tước nay đã là một linh mục. Nhưng, với Vũ, bạn bè ngày cũ muốn làm gì thì làm, vẫn cứ là thằng hết. Ba thằng học chung lớp với nhau suốt năm năm tiểu học tại trường nhà thờ Hàm Long ở Hà Nội. Tại sao thân với nhau thì chỉ có trời biết. Vì trời sinh ra ba đứa tính tình khác hẳn nhau. Tước củ mĩ cù mì luôn nhường nhịn và nhỏ nhẹ với bạn bè nhưng có tính khôi hài lạnh rất tới. Nghĩa thì tròn như hòn bi chẳng có cái gai nào của cuộc đời có thể chích làm anh mưng mủ được. Vũ bộc trực chẳng có điều gì nằm ở trong bụng anh lâu quá được một phút, lại có cái miệng nói năng thẳng băng chẳng ngán thằng tây nào cả. Học ở trường đạo dĩ nhiên Hiệu Trưởng là một linh mục. Một bữa, trong giờ ra chơi, Vũ đứng há miệng nghe lén cha Hiệu Trưởng nói chuyện với bà mẹ già tới thăm ở ngoài sân. Nghe cho đã xong, Vũ hộc tốc đi tìm Nghĩa và Tước.

một đoạn trong thánh kinh

Hoàng Chính 

“Ma sơ à.”
“Gì con?”
“Ma sơ đừng đọc Thánh Kinh nữa được không?”
“Được chứ. Thôi thì dì để cuốn Kinh Thánh đây, lúc nào buồn con mở thử một trang đọc xem sao nhé. Một đoạn cũng được nữa. Nghe Tâm.”
Dì phước ra về. Cuốn Kinh Thánh nằm lại trên mặt chiếc bàn gỗ cạnh đầu giường. Cuốn sách bìa đen, cạnh giấy mạ vàng có sợi chỉ đỏ để đánh dấu đoạn đang đọc. Sợi chỉ đỏ nằm ở trang nào hắn cũng không buồn để ý tới. Dì phước dặn thì cũng cố ngoan ngoãn gật đầu cho bà vui chứ thời buổi này làm gì có ai làm phép lạ mà mơ tưởng. Ngày nào dì phước cũng lại, quanh quẩn bên những giường bệnh, giúp đỡ lặt vặt đám người đã mang bản án tử hình. Nhưng hôm nay dì phước không đến. Mà trời thì cứ mưa rả rích. Mẫu đối thoại hôm qua cứ chạy đi chạy lại trong đầu hắn như đoạn băng nhựa cũ kỹ. Ma sơ đừng đọc Thánh Kinh nữa được không? Được chứ. Thôi thì dì để cuốn Kinh Thánh đây, lúc nào buồn con mở thử một trang đọc xem sao nhé. Một đoạn cũng được nữa. Nghe Tâm. Hắn thở dài âm thầm, rồi thở dài ra tiếng cũng chẳng ai đoái hoài. Trời ơi, mưa gì mà mưa hoài. Chán bỏ mẹ! Chả lẽ mở thử cuốn sách bìa đen ấy ra, đọc một đoạn cho đỡ buồn. Hắn nhoài người ra trước, lật những trang sách, rồi mở hẳn cuốn Thánh Kinh, đặt ngửa trên mặt bàn ngủ, bên cạnh chiếc ly thuỷ tinh mẻ và cái bình thuỷ màu xanh lá mạ.

Những Thừa Số Tính Sai

Lê Giang Trần

Tôi bước đi
bằng đôi chân chập chững
hồn thơ ngây xác nhẹ thiếu cân bằng
nên vấp ngã thành quen
điều ngạc nhiên là những viên sỏi nhỏ
ám ảnh muôn đời đứa bé mới tập đi
Tôi bước đi
bằng con tim rung động
yêu đương nồng nàn và ngã quồ như không
điều ngạc nhiên là ngàn hoa vẫn nở

Cao Bá Quát,
Con Người Phẫn Nộ, Một Tuyên Ngôn Thơ

Thi Vũ

 Bãi cát dài tiếp bãi cát dài
Đi một bước lại lùi một bước
 
Phóng mắt về trước. Không gian dàn trải mênh mông. Mênh mông càng thêm mênh mông, khi mênh mông có đường nét và thể khối. Như bãi cát. Nếu không, mênh mông sẽ mù. Bãi cát tiếp bãi cát, những đường nét, thể khối có giới hạn bỗng biến thành vô tận. Đi hoài không thấy tới. Càng đi càng thụt lùi. Bởi trời đất vô cùng, lòng người giới tuyến theo từng cái chột dạ.
Tả sự mênh mông của trời đất với con người bé nhỏ như hạt sương, như cái kiến… phải khen là tài tình :
Bãi cát dài tiếp bãi cát dài
Đi một bước lại lùi một bước
Nguyên bản chữ Hán, cô đọng hơn:
Trường sa phục trường sa
Nhất bộ nhất hồi khứ
Tả cái mênh mông trời đất trong nền thi ca tiền chiến « mênh mông trời rộng nhớ sông dài », tưởng không ai hơn Huy Cận:

NỗiLiênĐenTốiVôCùng

Nh Tay Ngàn

Rồi mùa thu rủ tôi đi xa
Tôi đi xa mãi tôi rồi
Nhằm đêm hoa rụng như ánh trăng
Tan mù mù trên miệt hải ngạn
Và lớp sương mốc đổ liên hồi
Tận viễn khơi  những con thuyền sôi nỗi
Lướt qua màn đe dọa khi ly hương
Giữa tôi và Liên hôm nay
Ánh trăng  không thành như cơn huyễn mộng

Chờ Tôi Với...

Cao Xuân Huy

Tiếng rít của vỏ đạn hỏa châu phá tan cái im lặng của mặt trận, vỏ đạn rơi thẳng xuống chỗ Toàn nằm. Sợ vỏ đạn rơi xuyên qua thân thể mình, Toàn co rúm người lại, thu nhỏ thân hình. Trời lạnh, mưa mỏng hạt, ánh trăng hạ tuần nhờ nhợ lẫn vào màu cát. Toàn căng mắt nhìn, không thấy gì. Màu vàng nhợt xóa mờ đường ranh giữa trời và đất. Ánh sáng hỏa châu nhập nhòe đường nét vùng quan sát.
Tựa lưng vào thành giao thông hào, Toàn hồi hộp đợi lệnh tấn công lần chót trước giờ ngưng bắn. Ðã quá bốn giờ sáng, chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là đến giờ. Một cuộc ngưng bắn toàn diện, chính thức được hai bên thỏa thuận và quốc tế công nhận bằng hiệp định Paris, đã được thông báo, phổ biến trong toàn quân. Tám giờ sáng, đúng tám giờ sáng ngày 28 tháng 1 năm 1973, cuộc chiến kéo dài gần hai chục năm chấm dứt. Vĩnh viễn.

Ý Thức Sáng Tác Thơ Tập Một
Tìm Hiểu Bản Sắc: Thẩm Mỹ Ngôn Ngữ Thơ

Ngu Yên

Ngôn ngữ là hệ thống tượng trưng cụ thể được quy định ý nghĩa, Ngôn ngữ triết học và thi ca là ngôn ngữ mở rộng ý nghĩa từ giá trị cụ thể của ngôn từ đại diện. Ngôn ngữ thơ hướng về việc truy lùng, thể hiện ý nghĩa một cách “hay và đẹp” qua vật lý và phi vật lý của bản thân từ ngữ và phối hợp với nghệ thuật thông đạt.
Một bài thơ được xác định rõ rệt bởi thể thơ và nội dung. Thể thơ là thành phần vật lý. Nội dung là thành phần phi vật lý. Cả hai là một. Vì vậy, một bài thơ giá trị là một bài thơ hoàn tất như một từ ngữ cụ thể và ý nghĩa, hoặc chưa có hoặc mới lạ hơn trong hệ thống ngôn ngữ dân tộc.

Quan Điểm:
Một bài thơ hay, một từ ngữ mới?

Giải thích một cách tóm lược và nghịch đảo: Mỗi từ ngữ, nhất là những từ trừu tượng, đều có thể diễn giải thành một văn bản, ngắn hoặc dài tùy thuộc vào ý nghĩa quy định và ý nghĩa tượng trưng của mỗi từ. Nếu văn bản này được xây dựng qua thẩm mỹ, có khả năng trở thành bài thơ. Khái niệm này tìm thấy trong thơ Cụ Thể. Lập luận ngược lại, một bài thơ nhất quán, ý nghĩa, có khả năng trở thành một từ ngữ mang tính mỹ thuật.

Saigon

Song Thao

Tôi sống ở Sài Gòn 20 năm và xa Sài Gòn đã 30 năm. Mỗi khi nhớ tới quê nhà, Sài Gòn vẫn như một đốm sáng không bao giờ tắt. Có lẽ vào độ tuổi thanh niên, độ tuổi mà cuộc sống mãnh liệt nhất, tôi đã gắn bó với Sài Gòn. Biết bao chuyện để nhớ. Nhất là vào thời điểm tháng tư.
Tôi không xa Sài Gòn vào tháng 4 năm đó. Không một toan tính nào trong rất nhiều toan tính được hanh thông. Ngày quân đội cộng sản tiến vào Sài Gòn, tôi vẫn còn nguyên tại nhà. Nhà tôi ở Thị Nghè, một trong những mũi tiến công của địch quân. Chín năm trước đây, năm 2005, khi tờ Việt Mercury ở San Jose ra số đặc biệt 30 năm nhìn lại ngày mất Sài Gòn, Nguyễn Xuân Hoàng có hú tôi viết bài cho anh. Ngày đó, tôi đã ôn lại giờ phút Sài Gòn bị dày vò. “Tiếng chân người, tiếng nói xôn xao từ ngoài đường vọng vào ầm ĩ. Tôi chẳng buồn nhìn ra ngoài. Chiếc cổng sắt im lìm bỗng có tiếng gõ mạnh. Tôi mở chiếc lỗ nhỏ trên cánh cửa kín mít nhìn ra. La Phương! Tôi vội vàng mở cửa. Người ký giả kỳ cựu của làng báo Sài Gòn uể oải bước vào. Chẳng ai buồn nói. Chỉ mới mấy bữa trưc La Phương còn lạc quan vào một giải pháp trung lập. Cuộc chiến có trên 20 năm tuổi sẽ được kết thúc bằng một giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai phía. Người cựu ký giả của hãng thông tấn Pháp AFP có liên hệ nhiều với người Pháp đã khẳng định một cách lạc quan như vậy. Tình hình chính trị mấy ngày qua như càng ngày càng xấu đi. Ba Tổng Thống trong vài ngày là một chỉ dấu không tốt đẹp gì. Hy vọng đặt cả vào một Dương Văn Minh được lòng nhiều phe phái. La Phương nhún vai, lắc đầu. Moa cũng không hiểu sao nữa! Ngồi một lúc, La Phương ngơ ngẩn ra về…Nghe thấy tiếng xe tăng chạy ngoài đường, tôi vội ra coi thử xem sao. Hai chiếc đầy nhóc lính cộng sản đứng giương cao lá cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam phần phật bay theo gió đang tiến vào Saigon theo đưng Hùng Vương dẫn tới cầu Thị Nghè. Bỗng tôi nghe thấy tiếng súng ở phía cầu. Mọi người nhốn nháo. Những thanh niên đeo băng đỏ, mặt đằng đằng, chạy tới chạy lui. Khu chợ đồ Mỹ tự phát bên lề đưng như đàn kiến bị phá vỡ tổ. Chỉ một lúc, đâu lại vào đy. Người ta kháo nhau về mấy tiếng súng vừa qua. Lính giữ cầu đã nổ súng vào đoàn xe và bộ đội trên xe đã bắn lại. Xác chết còn nằm trên cầu. Những người đi coi về kể lại như kể về một chuyện xảy ra trên màn ảnh. Tôi đứng nhìn khu chợ càng ngày càng phình ra. Họ bán những đồ Mỹ hôi được bằng cách phá kho Tân Cảng ở gần đó. Đồ dùng hằng hà sa số đủ thứ. Bàn ghế, dụng cụ văn phòng, máy lạnh, quạt máy, kem đánh răng, sữa bột, bánh kẹo, đồ chơi, đồ nhà bếp… Giá cả rẻ rề. Chỉ mấy ngày trước giá đồ Mỹ còn vắt vẻo trên cao, chẳng phải ai cũng mua được. Bây giờ đồ Mỹ lê la dưi đường, giá cũng sát sạt dưi đưng. Người mua kẻ bán bận bịu như không hề biết là họ đang bị kéo đi theo một khúc quanh của lịch sử. Khúc quanh gắt dữ dằn”.

Nguyễn Mạnh Trinh Hỏi Chuyện Luân Hoán

 Nguyễn Mạnh Trinh thực hiện

1.Nguyễn Mạnh Trinh (NMT): Xin anh cho độc giả một vài dòng tiểu sử của mình?
Luân Hoán: Ngoài mục tình sử khá giàu có, tiểu sử tôi không có gì. Cung cấp cho anh đôi điều lý lịch căn bản: Tên thật Lê Ngọc Châu (Thời chưa đi học, gia đình gọi là thằng Huýnh ), sinh ngày 10 tháng 01 năm 1941 nhằm cuối năm Canh Thìn . Nơi sinh thị xã Hội An tỉnh Quảng Nam . Tình trạng gia đình: Một vợ, bốn con, chia điều hai gái hai trai. Tôn giáo, Ðảng phái: Không. Học vấn: lơ mơ không đến đích. Nghề nghiệp hiện tại: Không. Nơi cư ngụ hiện tại: Thành phố Montréal thuộc tỉnh Québec Canada (Kể từ 4 gời chiều ngày 28 tháng 02 năm 1985) .

2. NMT: Nếu có người gọi anh là "nhà thơ xứ Quảng " thì anh có ý nghĩ gì?
Luân Hoán: Thưa anh nếu cách đây trên 10 năm . Có người gọi tôi là "nhà thơ" thì tôi rất vui và khoái . Vì ít ra, nhờ đó, tôi biết chắc được: mình quả thật làm được thơ. Người gọi tôi lại màu mè, thòng thêm hai chữ "Xứ Quảng", thì tôi càng thú vị hơn, vì điều đó xác định rõ ràng cội nguồn, mà tôi rất vừa lòng . Với thời điểm hiện tại, có người gọi tôi là "nhà thơ xứ Quảng" qua mặt chữ in hoặc viết, đó là chuyện tự nhiên, đã quen thuộc, không tạo cho tôi ý nghĩ gì . Nhưng giả dụ, tôi đang đi chơi với anh A, chợt gặp anh B, Anh A giới thiệu : " đây Luân Hoán nhà thơ xứ Quảng " thì tôi chắc chắn sẽ mất nhiều tự nhiên và mắc cỡ nữa . Bởi tôi thấy thừa cả bốn chữ "nhà thơ xứ Quảng".