Cao Bá Quát,
Con Người Phẫn Nộ, Một Tuyên Ngôn Thơ

Thi Vũ

 Bãi cát dài tiếp bãi cát dài
Đi một bước lại lùi một bước
 
Phóng mắt về trước. Không gian dàn trải mênh mông. Mênh mông càng thêm mênh mông, khi mênh mông có đường nét và thể khối. Như bãi cát. Nếu không, mênh mông sẽ mù. Bãi cát tiếp bãi cát, những đường nét, thể khối có giới hạn bỗng biến thành vô tận. Đi hoài không thấy tới. Càng đi càng thụt lùi. Bởi trời đất vô cùng, lòng người giới tuyến theo từng cái chột dạ.
Tả sự mênh mông của trời đất với con người bé nhỏ như hạt sương, như cái kiến… phải khen là tài tình :
Bãi cát dài tiếp bãi cát dài
Đi một bước lại lùi một bước
Nguyên bản chữ Hán, cô đọng hơn:
Trường sa phục trường sa
Nhất bộ nhất hồi khứ
Tả cái mênh mông trời đất trong nền thi ca tiền chiến « mênh mông trời rộng nhớ sông dài », tưởng không ai hơn Huy Cận:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngã
Củi một cành khô lạc cuối dòng

Nhưng không gian của bốn câu thơ trên rụng xuống vũng sầu. Dù có tràng giang tới điệp điệp. Tất cả chỉ song song. Đi bên nhau vẫn không thể gặp nhau. Cụng đầu nhau vẫn cứ lại rẽ chia. Thuyền về nước lại sầu trăm ngã. Thân đời không còn là chiếc bách thời xưa nữa. Khả năng trôi nổi, dù phải lênh đênh cũng mất. Vì nay, chỉ là củi khô. Củi một cành khô lạc cuối dòng.
Dù người đứng lên thành cá thể hiện hữu. Nhưng cũng từ đó, người tách rời vũ trụ. Người tha hóa trên đường sầu, những con đường tranh chấp, chẳng thừa nhận nhau. Giảng văn, bình luận hay tới đâu, càng đẩy nỗi sầu lòng xuống xa trăm ngã cuối dòng, hay ra xa khỏi quê chung muôn thuở. Nơi mênh mông không thấy mặt người.
Với Cao Bá Quát, mênh mông thật kinh khiếp. Bãi cát dài tiếp bãi cát dài. Nhưng ở đó con người có mặt. Như một hiện hữu tồn vinh. Một hiển sinh. Tuy hiện hữu ấy đối chõi, chứ không song song: Đi một bước lại lùi một bước. Đối chõi xác định hiện hữu không chịu song song tha hóa. Hai bên gầm ghè nhau. Bãi cát tiếp bãi cát, con người cứ đi với niềm tự cảm thụt lùi. Càng tự thấy thụt lùi, càng đi tới, xem sức vóc không gian kia đẩy mình tới đâu.
Mới, và đường bệ, hai câu mở đầu bài Sa hành đoản ca (Bài hát ngắn « Đi trên bãi cát »).
Đạt tới niềm lưu luyến say lòng là thơ ca. Như bốn câu thơ của Huy Cận chẳng hạn. Thơ đi vào tinh túy thơ, mẹ đẻ ra nguồn thơ, là lý sống, là lời, nuôi đời bằng những nguồn uyên tư, triết lý. Thơ như thế, là căn nguyên cho mọi nền tảng. Ta vừa thấy qua Cao Bá Quát. Người thừa kế dòng Thơ có chất hiển sinh phát lộ từ thưở Lý, Trần, sau đó bị vùi dập. Khiến thi ca Việt nam lao lung qua ba chặng tha hóa : phong hoa tuyết nguyệt sáo rỗng, sầu đau khôn dứt, rồi gầm thét khủng bố.
Hãy thử dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Hoa v.v… những trăm bài thơ Việt đăng báo hiện nay. Ta sẽ thấy trong số lớn ấy rất nhiều từ hoa mỹ. Nhưng cái sườn ý thì không. Lại càng số không, sức mạnh xác tín và hiển sinh con người. Cần năm mười câu tả lòng nhớ mẹ, tuy chẳng nói lòng nhớ ấy ra sao. Năm mười câu ấy chưa ngang với hai chữ Mẹ ơi ! Nhớ nước cũng thế. Nhớ người yêu cũng thế. Ông Kinh Kha vì không rút kịp gươm khỏi vỏ từ trên hai chục thế kỷ trước mà lụy thân dưới tay bạo Tần. Thế mà việc phục quốc trong thi ca ngày nay rất nhiều thi sĩ vẫn còn cố theo gương Kinh Kha. Chắc phải chờ tới hai mươi thế kỷ sau, mới có thi sĩ làm thơ nhảy lên phi thuyền trong nháy mắt đáp xuống quê hương dùng giây la-de trói bạo quyền ! Kể cả rượu và sự say sưa đang đổ rất nhiều vào thơ hôm nay. Song có lẽ ít ai tả cái say như Cao Bá Quát:
Chuếnh choáng say về không đợi dắt
Mịt mù khói trúc một dòng sông
Rì rầm ghé tới hoa sen hỏi:
Hoa có hồng như mặt rượu hồng ?
Mính đính qui lai bất dụng phù
Nhất giang yên trúc chính mô hồ
Nam nam tự dữ liên hoa thuyết
Khả đắc hồng như tửu diện vô ?
(Bạc vãn túy qui)
Sen có hồng như mặt rượu hồng — khả đắc hồng như tửu diện vô ? Xưa nay, rượu vào lời ra. Lắm người hiền lành khi tỉnh. Cần rượu mới lấy dũng khí để nói, để phê bình, chửi bới ào ạt. Thiếu rượu coi như thiếu tất cả. Kể cả dũng khí. Với Cao, rượu vào hương tới. Say là người với rượu. Sắc là hoa với mặt trời. Hai bên giao cảm qua sợi gió : một làn hương. Điều làm thi nhân cách biệt với thế nhân thường tình, nhưng lại gắn bó cùng vũ trụ. Vũ trụ của những bước đi hoài không đến :
Bãi cát dài tiếp bãi cát dài
Đi một bước lại lùi một bước
Thế thì đứng lại ư ? — Không :
Mặt trời đã lặn, vẫn còn đi
Nước mắt lã chã rơi trên mặt kẻ lữ hành
Nhật nhập hành vị dĩ
Khách tử lệ giao lạc
Sao vậy ? — Vì :
Anh không học được ông Tiên có phép ngủ kỹ
Cứ trèo non lội nước mãi, bao giờ mới thôi oán than
Xưa nay hạng người danh lợi
Vẫn tất tả ngoài đường sá
Nghe gió thoảng rượu ngon, lần tới quán
Người tỉnh thường ít, kẻ say vô số
Bãi cát dài bãi cát dài biết tính sao đây ?
Quân bất học tiên gia mỹ thụy ông
Đăng sơn thiệp thủy oán hà cùng
Cổ lai danh lợi nhân
Bôn tẩu lộ đồ trung
Phong tiền tửu điếm hữu mỹ tửu
Tỉnh giả thường thiểu, túy giả đồng
Trường sa trường sa, nại cử hà ?
Ông tiên có phép ngủ kỹ là ai ? Là Hạ Hầu Ấn. Theo sách Thần tiên thập dị, khi leo núi hay lội nước, Ấn vẫn nhắm mắt ngủ say. Người bên cạnh nghe tiếng ngáy, nhưng Ấn vẫn bước đều, chẳng hề trượt hay vấp ngã. Người đời gọi là ông tiên ngủ. Có mấy ai tỉnh trong giấc ngủ như thế nơi đời này ? Chỉ thấy rất nhiều « vị tiên » thụy miên giữa ban ngày. Một biệt lệ : loài cá. Đố ai thấy một lần cá nhắm mắt ? Đôi mắt thiền ấy mở hoài như sự tỉnh thức.
Bãi cát dài tiếp bãi cát dài
Đi một bước lại lùi một bước
Bước là thời gian chuyển động. Thời gian đo đạc hữu hạn. Bãi cát là không gian. Không gian vũ trụ nở mãi không cùng. Vô cùng đẩy lui hữu hạn của thân người, quốc thổ của thời gian, về nơi u tịch vô hạn. Thời gian rụng chết bị đẩy lui từng bước trước hư vô thênh thang như sinh thức. Hư vô là sinh thức. Nơi nẩy loé sáng tạo.
Thông điệp nhận thức ấy thể hiện qua thơ, ở hai câu giáo đầu. Nhưng chắc gì đánh động được con người trầm luân ! Vì gã không biết dừng nơi chỗ cần dừng. Gã đi miết. Đi mải, khi mặt trời đã lặn. Nước mắt lã chã tuôn rơi trên bước lưu đày. Lưu đày là đi mà không thích nơi tới. Gã không là Hạ Hầu Ấn, thức ngay trong giấc ngủ. Như tim đèn, đen cháy giữa hào quang ánh sáng. Trật quỹ đạo, sai vị trí, đưa tới nỗi khổ đau máu lệ. Đi nhưng không vận chuyển, cử điệu hoạt động mà thiếu hành động giải thoát. Cứ trèo non, lội nước với sự oán than khôn dứt (đăng sơn thiệp thủy oán hà cùng). Phiêu bồng vì danh lợi :
Xưa nay hạng người danh lợi
Vẫn tất tả ngoài đường sá
Trói buộc với đam mê. Mấy ai làm chủ được đam mê như một sự tỉnh thức. Như chính lóng rượu trong veo điềm tĩnh. Rượu có bao giờ say rượu đâu ? Phần đông người uống rượu mới say :
Nghe gió thoảng rượu ngon, lần tới quán
Người tỉnh thường ít, kẻ say vô số
Cao Bá Quát không chê ai cả. Ông chỉ hỏi :
Bãi cát dài bãi cát dài biết tính sao đây ?
Truờng sa trường sa, nại cừ hà ?
Câu hỏi của thời gian đánh hỏi không gian. Làm sao cho cái không-thời giữ gìn người đừng tha hóa, đừng trật quỹ đạo hiển sinh, đừng mất thơ trong đời sống ? Rơi vào xã hội không thơ, khác chi sống đời con vật lao công tắm suốt nhân sinh trong mồ hôi và nước mắt. Không lối thoát, đường ra :
Bước đường bằng phẳng thì mờ mịt
Bước đường ghê sợ thì nhiều
Thản lộ mang mang úy lộ đa
Bao nhiêu dấu hỏi nháy đánh trong đời người hình thành ra trăm, nghìn lời giải ý thức hệ. Càng nhiều ý thức hệ, càng nhiều tranh chấp, càng thản lộ mang mang úy lộ đa.
Chỉ còn lại tiếng ca của người Thi sĩ. Tiếng ca Cao Bá Quát :
Hãy nghe ta hát khúc ca đường cùng
Phía Bắc núi Bắc núi muôn trùng
Phía Nam núi Nam sóng muôn đợt
Anh còn đứng làm chi trên bãi cát ?
Thính ngã nhất xướng cùng đồ ca
Bắc sơn chi Bắc sơn vạn điệp
Nam sơn chi Nam ba vạn cấp
Quân hồ vi hồ sa thượng lập ?
Sách Hậu Hán thư kể chuyện Pháp Chân trả lời viên thái thú mời mình vào chốn hoạn đồ rằng : « Nếu ông cứ bắt tôi ra làm quan, thì tôi sẽ đi ẩn ở phía bắc núi Bắc hoặc ở cuối làn sóng phía nam núi Nam ! ». Làm quan là đi vào phố chợ. Con người nhập thị này dễ rơi xuống chốn sa lầy, ti tiểu. Mất hẳn khí thế khai thị cho chính mình và người. Đi ẩn không là trốn lánh việc nhân sinh. Đi ẩn là từ giả cõi nhập thị, để đứng vào vị trí khai thị. Khó yên thân, nếu chỉ ẩn giữa chòm núi Bắc hay giữa chòm núi Nam. Mà phải vượt khỏi hai thái cực. Muốn theo về phương Bắc ? Phải vượt khỏi giới hạn của phương Bắc (Bắc sơn chi Bắc sơn vạn điệp). Muốn lánh mình về phương Nam ? Cũng phải vượt khỏi giới hạn của phương Nam (Nam sơn chi Nam ba vạn cấp). Tránh xa mọi thái cực.
Kinh đô ở phía Bắc, chưa phải là phương Bắc. Kinh đô ở phía Nam, chưa phải là phương Nam. Hai kinh đô đều là danh xưng. Danh hão của hư danh. Vượt quá con đường mòn ảo tượng đi tới chốn đường cùng. Kẻ giáp mặt đường cùng mới biết biến hóa. Dĩ cùng tắt thông. Thông lộ hiện ra nơi đường cùng. Đó là sinh lộ. Cho nên Cao Bá Quát thi sĩ mời ta nghe ông hát khúc ca đường cùng (thính ngã nhất xướng cùng đồ ca). Khúc ca ấy nhắn người đọc thơ, người đi tìm sự tỉnh thức, chớ có đứng lại. Đứng là tụt hậu. Cao chấm dứt bài thơ bằng câu hỏi, tự nó đã là lời đáp :
Quân hồ vi hồ sa thượng lập ?
Anh còn đứng làm chi trên bãi cát ?
Dù rằng :
Bãi cát dài tiếp bãi cát dài
Đi một bước lại lùi một bước
Trường sa phục trường sa
Nhất bộ nhất hồi khứ
Không gian tiếp nối rộng thinh tới vô cùng vũ trụ. Bước người đi như thụt lùi kia. Hai khái niệm coi như đối chõi, hóa ra chỉ là nỗi giao hoan rất niết bàn của đôi lứa nơi điểm gặp sướng điếng. Lý sống của uyên tư hiển sinh. Mà thi ca đóng vai trò thông diễn.
Anh còn đứng làm chi trên bãi cát ?
Đi chứ đừng đứng lại. Đi vào dòng vận hành, chuyển hóa những mâu thuẫn thành sinh thức khai phóng. Đó là thông điệp mà không gian và thời gian nhắc ta không ngừng suốt cuộc trăm năm.
Chấm dứt loại bình giảng cà kê dê ngỗng, ta thử đọc lại bài thơ mới nhất trong vài bài thơ tân kỳ. Bài thơ triết học nhất trong dòng triết học hiển sinh Việt Nam :
Bãi cát dài tiếp bãi cát dài
Đi một bước lại lùi một bước
Mặt trời đã lặn, vẫn còn đi
Nước mắt lã chã rơi trên mặt kẻ lữ hành
Anh không học được ông tiên có phép ngủ kỹ
Cứ trèo non lội nước mãi, bao giờ mới thôi oán than
Xưa nay hạng người danh lợi
Vẫn tất tả ngoài đường sá
Nghe gió thoảng rượu ngon, lần tới quán
Người tỉnh thường ít, kẻ say vô số
Bãi cát dài bãi cát dài biết tính sao đây ?
Bước đường bằng phẳng thì mờ mịt
bước đường ghê sợ thì nhiều
Hãy nghe ta hát khúc ca đườngcùng
Phía Bắc núi Bắc núi muôn trùng
Phía Nam núi Nam sóng muôn đợt
Anh còn đứng làm chi trên bãi cát ?
Trường sa phục trường sa
Nhất bộ nhất hồi khước
Nhật nhập hành vị dĩ
Khách tử lệ giao lạc
Quân bất học tiên gia mỹ thụy ông
Đăng sơn thiệp thủy oán hà cùng
Cổ lai danh lợi nhân
Bôn tẩu lộ đồ trung
Phong tiền tửu điếm hữu mỹ tửu
Tỉnh giả thường thiểu, túy giả đồng
Trường sa, trường sa, nại cừ hà ?
Thản lộ mang mang úy lộ đa
Thính ngã nhất xướng cùng đồ ca
Bắc sơn chi Bắc sơn vạn điệp
Nam sơn chi Nam ba vạn cấp
Quân hồ vi hồ sa thượng lập
Nhắc tới Cao Bá Quát, người ta thường nói ông ngông. Nghĩ tới Cao Bá Quát, người ta nhớ những bài thơ nôm, như Tài tử đa cùng phú. Với vài giai thoại ngạo nghễ trong lời đáp. Ít người nhớ rằng trước tác chính của ông là thơ chữ Hán : 1353 bài thơ và 21 bài văn xuôi. Phải cảm ơn nhà khảo cứu Trúc Khê đã nhắc tới thơ chữ Hán của Cao Bá Quát từ năm 1941. Gần đây có thêm tập thơ chữ Hán của nhà xuất bản Văn học (Hà nội) giới thiệu 160 bài.
Chưa ai may mắn nắm trong tay toàn bộ 1353 bài thơ và 21 bài văn xuôi để đọc, và hiểu tài thơ rất mực này. Tài tình đã được truyền tụng qua hai câu tán thưởng của quần chúng trên một thế kỷ qua :
Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường
Ba hình thức văn học chủ yếu của thời Hán là phú, tản văn và nhạc phủ. Phải chăng vì Cao viết phú và tản văn hay, nên được sánh với thời Hán ? Hay chỉ vì người viết câu tán thưởng cần đối chỉnh khi tuyên dương bốn người ?
Đọc thơ ông cảm thấy chất Đường thi : diễm lệ, bình dị, chân thành và cảm khái. Ông khuynh về tả thực theo hướng Đỗ Phủ. Thơ tươi đẹp mà không ủy mị. Hùng hồn nhưng trang nghiêm. Rất khác với lối văn bóng bẩy, hình thức chủ nghĩa, của phần lớn các bài phú thời Hán. Hoặc những bài phú các thời sau vụ vào sự trầm bỗng du dương, nhưng đã mất chất thơ bộc lộ mối chân thực của lòng (trực trần kỳ sự) như phú của Tống Ngọc và Tư Mã Tương Như.
Lẵn vào da thịt thơ ông, mới thấy Cao Bá Quát không ngông. Ông là con người phẫn nộ. Nhà thơ đúng nghĩa. Mỗi thi sĩ là một con người phẫn nộ trong đời. Nếu không, sẽ quy hàng để cho đời chà đạp, uốn nắn thành tên thợ thơ nịnh bợ. Chuyên làm em út cho những trò vô lại, cho lũ bất nhân lừa dối.
Kìa những kẻ xum xoe nịnh hót
   Chỉ ba hoa nhộn nhịp, chung cục sẽ ra sao ?
   Lấy pháp nhãn [i] ta nhìn
   Sáu khiếu cũng đều không [ii]
   Hố lửa [iii] đã bén vào sắc tướng hão huyền
   Thì bánh xe hay viên đạn cũng giống nhau thôi [iv]
   Thử phóng chân học lối vừa đi vừa hát [v]
   Ai mới thực là ông Ly Tao [vi] đây ?

(Ngày 21 tháng Giêng bị giải sang giam ở ngục Thừa Thiên)
Phiên phiên khoa tỳ tử
Hoan hoa an hữu chung ?
Tự ngã pháp nhãn quan
Lục tạc dy nhược không
Hỏa khanh trước huyễn tướng
Luân đan dữ hóa đồng
Phóng bộ học hành ngâm
Thùy thị Ly Tao ông ?
Lên chơi núi Hoành Sơn, ông phẫn nộ cho mình và người chẳng ai làm được gì kế thừa truyền thống uy liệt của cha ông xưa :
Ai tài kéo nước nghìn năm lại ?
Trăm trận còn tên một lũy6 thôi !
Anh hùng mạc vãn thiên niên quốc
Chinh chiến không tồn nhất lũy danh
(Đăng Hoành Sơn)
Được dịp ra ngoại quốc. Thấy cảnh xứ người tiến bộ, phồn thịnh, ông phẫn nộ cho sự hí hửng dốt nát của chính mình. Mà cũng là sự ngu dốt, bưng kín của giới sĩ phu và triều chính thời bấy giờ :
Đáng phàn nàn cho ta chỉ đóng cửa mà gọt giũa câu văn
Lải nhải nhai lại từng câu, từng chữ
Có khác chi con sâu đo, muốn đo cả đất trời ?
Từ khi vượt bể qua đất Ba Sơn
[vii]
Mới cảm thấy vũ trụ là bao la
Chuyện văn chương trước đây thực là trò trẻ con !
Trong thế gian có ai thật là bậc tài trai
mà lại phí cả một đời đọc mấy pho sách cũ ?
Ta ngã bế hộ điêu trùng, xỉ khẩu giảo văn tự
Hữu nhi xích hoạch lượng thiên địa
Tự tòng phiếm hải lịch Ba Sơn
Thủy giác lục hợp hà mang mang
Hướng tích văn chương đẳng nhi hý
Thế gian thùy thị chân nam tử
Uổng cá bình sinh độc thư sử ?
(Đề sát viện Bùi Công Yên đài Anh ngữ khúc hậu)
Là Phật tử, uyên thâm lẽ đạo, nhưng ông không thể không phẫn nộ khi thấy bọn thầy tu mặc áo tăng để phóng dật, vục đầu vào các món lợi dưỡng và dục trường, buôn Phật bán người:
Ai bảo kim cương thân chẳng nát
Kìa xem tượng Phật gãy tay ngồi
Thân mình chưa độ độ ai khác
Quả dâng tăng phỗng mất đi rồi
(Chế tượng Phật gãy tay)
Thùy vị kim cương bất hoại than
Ngã quan hoàn thị chiết quăng nhân
Thử thân bất độ hà thân độ ?
Hiến quả tăng chung ngộ nhĩ tần.
(Trào chiết tý Phật)
Không thể trách Cao báng Phật. Bởi người uyên thâm như ông dư biết kinh Kim Cang chống triệt để cái giả danh. Dù đó là danh Phật. Phật đã không nói đó sao : Kẻ nào thấy ta qua hình tướng, thấy ta qua âm thanh, kẻ đó làm tà đạo. Chẳng bao giờ gặp được Như Lai (Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã. Thị nhơn hành tà đạo. Bất năng kiến Như Lai).
Với triều đình hư thối, bọn quan liêu cửa quyền, Cao Bá Quát phẫn nộ phê phán qua bài « Tiễn Nguyễn Trúc Khê ra nhận chức tại phủ Thường Tín, đồng thời gửi cho ông bạn già Lê Hy Vĩnh » :

Tiểu ẩn và Ức Trai
[viii] hai nhân vật tuyệt vời !
Trượng phu sống ở đời đã không làm được việc phơi gan bẻ gãy chấn song, giữ vững cương thường
Lại nhìn bọn lang sói nghênh ngang
Đến lúc tuổi già mặc áo gấm làm ô nhục quê hương
Chẳng làm nổi việc mài mực ở mũi lá mộc, truyền hịch
định bốn phương
Chỉ cúi đầu luồn mái nhà thấp, nhụt cả khí phách
Đến lúc tuổi già gối đầu vào vợ con mà chết

Bạn về xin đến làng Nhị Khê và làng Cung Hoàng
[ix]
Bước lên nhà thờ hai cụ
Vì tôi lạy hai lạy dâng lên chén rượu
(Tiểu Ẩn, Ức Trai dĩnh song tuyệt)
Trượng phu sinh bất năng phi can chiết hạm vị thế phù cương thường
Tọa thị đương đạo kiêu sài lang
Bạch đầu trú cẩm ô cố hương !
Phục bất năng thuẫn tỵ ma mặc, phi hịch định tứ phương
Đê đầu oải ốc khí bất xương
Mộ niên tử chắm nhi nữ bàng
Quân lại, thỉnh phóng Nhị Khê dữ Cung Hoàng
Đăng nhị tẩu chi từ đường
Vị ngã tái bái khuynh tiêu tương
Hoặc trong bài « Độc thi » :
Chiếc giường không, già đời với một quyển kinh
Cứ trằn trọc với điều suy nghĩ

Loại cây bồ kết thì tốt um
Cây lan đơn độc, thơm không ai biết
Không sàng lão nhất kinh
Triển chuyền ngã sở tư
Kê kê nất bà sa
Cô lan ám kỳ hình.
Theo sứ đoàn đi Nam Dương, đôi mắt nhân đạo Cao Bá Quát nhìn thấu những cảnh bất bình xã hội. Cảnh người da đen bị nô lệ:
Lầu gác chập chùng sát với bến nước
Dưới bóng mát cây tùng, hoa lạ tốt tươi
Cổng sắt không đóng xe về cứ việc vào
Rặt những người da đen đánh xe cho người da trắng
Thơ vặt làm khi ở Hạ Châu
Lâu các trùng trùng giáp thủy tân
Tùng âm lương xứ dị hoa xuân
Thiết lý vô tỏa quy xa nhập
Cá cá ô nhân ngự bạch nhân
Một mảnh đất vừa ồn vừa thấp ở nơi thành thị
Một con người vừa già, vừa ốm giữa trời đất
Đem thân ra đời đã thành người thừa
Lánh xa phải chịu cảnh lầm than
Nhưng nạn rét, nạn lụt cứ phát sinh liên tiếp
Huống chi dân đen bị tai nạn chưa được hồi phục
Không có sách lược gì làm cho đời được thái bình
Thẹn cho nhà nho mà lại tầm thường đến thế !
Thành thị huyên ty địa
Kiền khôn lão bệnh phu
Tê cung thành nhũng thặng
Bính tích thả nê đồ
Hàn lao nãi liên phát
Tai lê huống vị tô
Thái bình vô nhất lược
Lộc lộc sỉ vi nho
(Độc dạ)
Với hai câu nhập quy định ngay con người trên mặt đất và con người giữa vũ trụ. Giữa thế kỷ XX, triết học tây phương nói nhiều tới người thừa (de trop, en trop). Điều ấy đã thể hiện qua thơ văn Cao Bá Quát từ thế kỷ XIX. Đem thân ra đời đã thành người thừa. Người thừa ấy phải nhập thị, nơi vừa ồn vừa thấp. Sự bon chen bẩn thỉu, không đạo lý nơi xã hội tha hóa này làm mòn mỏi con người như thật, con người khai thị, khiến nó già ốm giữa trời đất, tiêu hao thế tương duyên liên đới với vũ trụ. Tuy nhiên, bị thừa, bị lăng nhục, con người ấy không chạy trốn, không đồng lõa với phi lý. Nó chỉ phẫn nộ và đứng vào hàng ngũ dân đen. Xuất hay nhập đều tiêu vong. Xuất hay nhập không khởi từ ý tưởng, mà khởi từ lòng xót thương trước một xã hội tha hóa đảo điên. Nhập sẽ bị thừa. Xuất sẽ lầm than. Nhưng xuất cho ai và nhập cho ai ? Người là một thế giới người. Không ai có thể chiết riêng. Phải chung cùng đi tới trong phách lực hùng đại xô đổ sự giết người.
Chất ngông hầu như vắng bặt trong thơ chữ Hán của Cao Bá Quát. Trái lại lòng xót thương sự sống của bạn bè, gia đình, dân đen… bàng bạc mối phẫn nộ trường kỳ. Đi chơi sông Bạch đằng, Cao nhớ xưa, nhìn nay, tỏ nỗi bất bình :
Trải ba mươi tuổi chẳng nên danh
Mỏi gót chưa nguôi nỗi bất bình

Ca hết bảy bài, quay ngó lại
[x]
Mịt mùng thân thế, mắt trừng trông
Trượng phu tam thập bất thành danh
Đạp biến thiên nhai khí vị bình
Ngâm bãi thất ca cánh hồi thủ
Mang mang thân thế độc hu hành
Du Bạch Đằng giang…
Nỗi lòng này chỉ mình Cao biết lấy, giữa non sông nghìn dặm, giữa đất nước triệu người :
Hạt sen ôm tấm lòng đắng ngắt, chỉ một mình mình biết

Muốn khơi cạn dòng Tô thủy
[xi]
Rửa sạch cho đời dạ nhớp nhơ
Liên tử hữu tâm tri độc khổ
Thi chiêu bách hộc Tô giang thủy
Biến dữ nhân gian tẩy tục trường
Du mỗ cố trạch, dạ thính đàn tranh
Cao Bá Quát tự Chu Thần, hiệu Cúc Đường, biệt hiệu Mẫn Hiên. Sinh năm 1809 tại làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Em sinh đôi của Cao Bá Đạt. Ông đậu cử nhân năm 22 tuổi (1831), trượt kỳ thi hội. Cuộc đời từ nhỏ đến lúc ra làm quan đều nghèo. Được triệu vào Kinh (Huế) làm Hành tẩu bộ Lễ năm 1841. Nhân giữ chức Sơ khảo Trường thi Thừa Thiên, ông thấy có một số bài thi hay, nhưng bị lỗi phạm húy, nên lấy son hòa muội đèn chữa giúp. Việc bại lộ, bị hạ ngục xử chém. Gần ba năm bị giam cầm, tra tấn cực kỳ dã man, ông được xét lại, chỉ bị cách chức. Rồi được cử đi phục dịch (hiệu lực) đoàn sứ qua Nam Dương để lấy công chuộc tội. Khi trở về được phục chức, nhưng sau bị thải hồi. Năm 1847 lại được triệu vào Kinh giữ việc sưu tầm và sắp xếp văn thơ ở Viện Hàn Lâm.
Tính khí ngang tàng, luôn phẫn nộ trước các điều chướng tai gai mắt, lên tiếng chỉ trích. Ông bị triều đình và bọn quan lại tị hiềm, ghét bỏ. Năm 1852, bị đổi ra phủ Quốc Oai, Sơn tây làm giáo thụ. Những năm ấy gặp hạn hán, lại có nạn châu chấu, mùa màng mất sạch, nhân dân đói khổ, mà bọn quan lại chẳng làm gì cứu dân. Cao Bá Quát liên lạc với nhiều người nổi lên chống triều đình, tụ tập người Kinh người Mường tham gia khởi nghĩa. Tôn Lê Duy Cự làm minh chủ, ông làm Quốc sư, lấy tiếng phù Lê mà tranh đấu. Trên lá cờ của nghĩa quân, ông viết hai dòng chữ :
« Bình Dương, Bồ Bản vô NghiêuThuấn
Mục Dã, Minh Điều hữu Võ Thang »
(Không có những vua hiền như Nghiêu Thuấn ở Bình Dương và Bồ Bản, thì ở Mục Dã, Minh Điều phải có những người chống lại như Võ Thang). Nhưng cuộc khởi nghĩa bị dập tắt sau mấy tháng tại Mỹ Lương. Cao Bá Quát bị chết khi lâm trận cùng với 100 nghĩa quân. Tự Đức hạ lệnh chặt đầu ông đem bêu khắp các tỉnh Bắc Hà rồi bổ ra ném xuống sông.
Cao Bá Quát không là kẻ sính hò hét trên sân khấu hay sau hậu trường. Ông đem sự phẫn nộ trong thơ văn vào đời, đối kháng sự hư hèn của xã hội qua một lần khởi nghĩa. Việc không thành, nói theo thua được trên trận địa. Nhưng ông đã thắng, khi nhìn từ góc độ nhân sinh : Bọn quan lại chính trị tham nhũng, bọn nịnh hót, ti tiểu, bọn bồi bút trên văn đàn vái lạy đã thất bại trong việc lăng nhục, khuynh đảo và dìm đè một con người. Con người Cao Bá Quát.
Phải nhìn lại Con Người Phẫn nộ nầy, thì mới không thu bé kích thước Cao Bá Quát vào cái ngông rất tầm thường và vô hiệu, chỉ đáng làm trò qua vài giai thoại mua vui khi trà dư tửu hậu. Con Người Phẫn nộ ấy là một Tuyên ngôn Thơ. Cao làm thơ trên giấy, trong đầu, ngoài đời. Cao đã sống Thơ. Không thợ thơ như khá nhiều thi sĩ. Tuyên ngôn Thơ trong đời sống. Tuyên ngôn Thơ qua bài viết.
Năm 1852, bị biếm phải rời Huế đi Quốc Oai, Sơn tây làm giáo thụ. Người bạn thơ thân thiết ở chốn kinh thành là Thương Sơn Miên Thẩm (Tùng Thiện vương) nhờ ông viết tựa cho tập thơ của công. « Thương Sơn công thi tập hậu tự » (Bài tựa đề cuối tập thơ của Thương Sơn công) chính là một Tuyên ngôn Thơ. Gồm năm điểm :
1- Cái học khoa cử ở nhà trường, cũng là lối học giáo điều che mờ Tâm học của Thơ. Tức cái học người để sống người ;
2- Ba hạng nô lệ trên văn đàn và học thuật đã giết mất tinh thần khai phóng của Thơ ;
3- Thơ là tính và tình ;
4- Thơ phải đạt cái Tính linh ;
5- Thơ là sáng tạo.
Thiếu Thơ, tư tưởng không lập thành, văn hóa khó phát triển, loài người tù ngục nơi bản năng thú tính. Thơ đã sáng lên từ bình minh lịch sử loài người. Nhưng Thơ thường trực bị thảm sát bởi những kẻ sợ sự thực, sợ chân lý, sợ mất cái danh hão và lợi kỷ. Cho nên thời nào Thơ cũng bị đàn áp. Khởi đầu là bệnh giáo điều và cái học khoa cử làm quan giết Thơ. Cao Bá Quát tuyên ngôn :
« … Thơ thật là khó nói. Quốc công cũng đã biết rồi. Hiện nay cái học khoa cứ in sâu vào người ta đã mấy trăm năm, tiếng vang của Phong, Nhã [xii] hầu như tắt hẳn. Quốc triều ta trị giáo sáng sủa, các tác gia lại nối gót mà ra đời. Nhưng vì cái thói ủy mị yếu ớt còn rơi rớt lại, ít có người tự thoát ra được. »
Từ nguyên do ấy, Cao Bá Quát điểm ra ba hạng nô lệ trong tuyên ngôn ông: « Người kém thì khổ về nỗi nhân tuần, dễ dãi. Người có hào khí thì mắc vào bệnh nuốt sống bắt tươi (ý nói không tiêu hóa, người viết chú). Còn những người sức học gọi là dồi dào, hí hửng tự đắc, thì chỉ muốn vơ vét trăm nhà, thâu tóm mọi thể, thành ra mô phỏng quá nhiều mà phong cốt chưa cao, tô điểm có khéo, nhưng tinh thần còn thấp. Đúng như Khương Tây Minh [xiii] đã nói : « Rập kiểu những hơi ngân, câu rườm, cho đó là khí tượng để giả thác làm thơ Thịnh Đường. Đó là thói quen của những người say đắm vào thi thoại của các nhà, ăn món ăn của cổ nhân mà không tiêu hóa được ».
Thơ là tính và tình. Tính là bản thể của người và vũ trụ. Tình là gốc của thơ. Tình là lòng xót thương, rung cảm, khiến cho người liên đới và bảo vệ đất đai, con người trên mặt đất. Tình là hoạt dụng của thơ. Nắm được tính và tình mới có biến hóa tân kỳ cho thơ. Cao Bá Quát tuyên ngôn : « Bàn về thơ, tuy có phải chú trọng về quy cách, nhưng làm thơ thì phải gốc ở tính tình. Nếu việc nào cũng bắt chước cũ, câu nào cũng học theo người, đầu thôn tạm biệt đã hát câu « chén rượu Dương Quan » [xiv], xóm cạnh qua chơi đã ngâm câu « tiếng gà điếm cỏ » [xv]. Nắn nót những lời biên tái, loè người là tuyệt diệu Gia Châu [xvi]. Chải chuốt các thể trong cung, tự phụ là văn nòi Thiếu Bá [xvii] ».
Thơ phải đạt cái Tính linh : « Có thể nghìn bài chứa đầy bể khổ, trăm vần đã cạn ruột khô, ham được, khoe nhiều, chẳng quan hệ gì đến tính linh cả !». Thơ không là sự huyễn hóa của những giấc mộng. Dù là mộng mơ lãng mạn, hay mộng mơ cách mạng. Cả hai đều không có thực. Vốn chỉ nhắm tới một chân trời ảo tượng dưỡng nuôi bằng khái niệm chưa bao giờ thực hiện trong đời. Gốc con người ở cái xác, ở tâm, sinh, vật, lý, hóa. Nhưng có chắc rằng chỉ có thế ? Còn có gốc của cái gốc, mà ta chưa biết. Khoa học đã biết hết đâu ? Khoa học cũng sờ soạn đi tới trên những điều các thi hào phát hiện và mặc khải qua Thơ, từ khi có loài người. Cao Bá Quát gọi gốc của gốc là Tính Linh. Cõi tâm linh ấy chưa bật mở, đời càng hạ giá, người càng âm u, thơ càng sáo rỗng.
« Ví như học viết, nếu cứ theo lề lối không biết biến hóa, thì tuy có hệt được cái mặt ngoài của lối chữ Lan Đình [xviii] cũng chẳng ai thèm kể vào đâu. Tô Đông Pha bàn về cách viết, có nói : « Không học là hơn ». Ai hiểu được ý ấy, thì có thể cùng nói chuyện về việc làm thơ. »
Không học là hơn, bởi học là lệ thuộc, là nô lệ, là tín điều. Học là cột trói mình vào một hệ thống, một chủ nghĩa, một ý thức hệ. Cái học như thế giết Thơ, giết đời. Hành tinh có học bay như những phi công? Mặt trời có học sáng như người kỹ sư điện? Cây có học cách ra hoa kết trái như người trồng trọt ? — Không ! Những cái ấy đặt đúng mình vào vị trí quỹ đạo vũ trụ trên dòng Sáng tạo thường nhiên. Không học như thế là nền tảng của mọi học vấn. Hiểu được ý ấy mới có thể cùng nói chuyện về việc làm thơ.
Tức thoát ly nô lệ, đi vào dòng Sáng tạo của Người Thơ — người Giải phóng nhân sinh.
Paris, Mồng Một tháng Giêng 1991
Thi Vũ
[i] Pháp nhãn : con mắt Phật nhìn suốt thấu mọi sự mọi vật.
[ii] Sáu khiếu (lục tặc) : sáu giác quan có lổ trên thân người (như mắt, mũi, tai, v.v…). « Sáu khiếu cũng đều không » diễn tả quan niệm Phật giáo về « Pháp tính không » : mọi sự đều không theo Tính không (Śūnyatā) của Trung quán tông. Đừng hiểu theo điệu đối đãi không và có. Chẳng phải sáu khiếu, hay thân người, là không có. Sáu khiếu có, nhưng cái có ấy do tổ hợp mà thành, chứ không hiện hữu như một thực tại cố định và vĩnh viễn. Cây lúa có, nhưng nếu không có hạt lúa cộng với đất, cộng với nước, cộng với ánh sáng mặt trời, v.v… thì lúa không mọc. Lúa là không trong nghĩa ấy. Rất nhiều bài thơ chữ Hán của Cao Bá Quát chứng tỏ ông là người uyên thâm Phật học, nếu không là một Phật tử trong nghĩa đúng đắn nhất.
[iii] Hố lửa (hỏa khanh) hoặc nhà lửa (hỏa trạch) là danh từ Phật giáo, thường gặp qua nhiều Bộ kinh, như Pháp Hoa chẳng hạn. Tả sự mê muội của người đời, kinh Phật có câu : Thấy hố lửa của ba con đường ác, vẫn lũ lượt muốn vào (Tam ác hỏa khanh, lâm lâm dục nhập). Ba đường ác (tam ác đạo, cũng gọi là tam đồ) là đường ngạ quỉ, đường súc sinh, đường địa ngục. [iv] Bánh xe, viên đạn (luân, đan). Trang tử nói : « Ví bằng cánh tay ta phải hóa làm viên đạn, thì ta sẽ dùng để săn chim cú về nướng chả ăn, ví bằng xương cùng của ta hóa làm bánh xe, ta sẽ dùng thần thức làm ngựa kéo xe ấy đi chơi… !! Ý nói đời người sống chết chỉ là việc biến hóa tự nhiên, không đáng quan tâm.
[v] Đời Chiến Quốc, thi hào Khuất Nguyên tận trung với nước Sở. Nhưng Sở Hoài vương phóng trục, ông đi lang thang ở bờ sông, vừa đi vừa hát làm ra thiên Ly Tao, tập thơ nổi tiếng, tỏ lòng thương đời, lo nước của mình.
[vi] Bên sườn Đèo Ngang còn lũy cũ bằng đá gọi là thành Hời do Chiêm Thành xây thời trước, sau gọi là thành ông Ninh, vì tướng Trịnh là Trịnh Toàn (ông Ninh) có sửa lại trong cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn.
[vii] Chỉ đất Singapore, nơi Cao được phái đi hiệu lực trong một sứ đoàn.
[viii] Tức Chu Mạnh Trinh và Nguyễn Trãi.
[ix] Làng của Nguyễn Trãi và Chu Mạnh Trinh.
[x] Bảy bài ca : tức bài « Đồng cốc thất ca » của thi hào Đỗ Phủ thời Đường nói lên cảnh ngộ mình trong lúc loạn ly, làm ở huyện Đồng cốc.
[xi] Sông Tô lịch ở phía Tây nam Hà nội, thuộc địa phận huyện Từ Liêm.
[xii] Phong, Nhã, Tụng là ba thể thơ cổ nhất được tuyển vào Kinh Thi. Đời sau xem đó là mẫu mực cho thơ.
[xiii] Khương Tây Minh tên là Thần Anh, tiến sĩ đời Khang Hy nhà Thanh, nổi tiếng về thơ, văn.
[xiv] « Bôi tửu Dương Quan », thơ tiễn bạn của Vương Duy đời Đường có câu : « Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu. Tây xuất Dương Quan vô cố nhân » (Khuyên bạn cùng cạn chén rượu. Đi về phía tây ra cửa Dương Quan là không còn cố nhân nữa).
[xv] « Kê thanh mao điếm », trong bài Thương sơn tảo hành của Ôn Đình Quân thời Đường có câu : « Kê thanh mao điếm nguyệt, nhân tích bản kiều sương » (tiếng gà gáy dưới bóng trăng nơi đám cỏ tranh, vết chân người trên lớp sương mặt cầu ván gỗ).
[xvi] Gia Châu biệt hiệu của Sầm Than, một nhà thơ thời Đường, nổi tiếng về thơ biên tái.
[xvii] Thiếu Bá tên tự của Vương Xương Linh, một nhà thơ thời Đường, nổi tiếng về thơ cung đình.
[xviii] Lan Đình do bài Lan Đình thi tự của Vương Hy Chi thời Tấn. Ông nổi tiếng viết chữ đẹp, nên đời sau người ta dùng làm thiếp tập chữ, gọi là thiếp Lan Đình.

© gio-o.com 2014

Đọc thêm tại trang Gio-O












.