Tri Âm

Phạm Quốc Bảo

Nhét miếng thẻ vào lại túi áo và như một phản xạ, tôi nói:
“9.2.4.5.3.8.”
“Thank you.”
Từ phòng kiểm soát cách đến cả 400 thước, tiếng trả lời phát ra và truyền qua máy phóng thanh nghe lơ đãng vật vờ. Ðồng thời, cánh cửa sắt được điều khiển bằng vô tuyến điện tử tự động mở. Tôi bước ra khỏi cổng xưởng.
Gió ngoài bãi đậu xe ập lên người, tôi nhắm mắt lại để tận hưởng bầu không khí trống thoáng. Dường như những gai ốc đang nổi lên cùng người, tôi hứng trọn một khoái cảm gây gây. Trong khi tai tôi vẫn còn như nghe hàng dẫy máy tiện khổng lồ chạy suốt ngày đêm ầm ầm vẫn rung động cả không gian, nơi đó tôi đã chúi mũi trung bình mỗi ngày tám tiếng đồng hồ và mới rời khỏi cách chừng năm phút đây thôi. Vừa đi, tôi vung mạnh đôi tay, vặn mình trong gió, và cảm giác như mình vừa được hồi sinh.
“Làm sao đấy?”
Tôi quay sang. Cô Jane Bloomfield cũng thợ tiện, đứng cách tôi ba máy. Cô ta hỏi tôi, tay tra chìa khóa mở cửa xe. Nét mặt cô bình thản đến bất động.
“Tôi đang hạnh phúc.”
“Ồ. Chắc anh đã sẵn có chương trình giải trí cuối tuần?”
“Không hẳn.”
“Hay tối nay anh đi dự tiệc?”
“Cũng không.”
Chưa bước vào xe, cô ta nhìn sang tôi, ánh mắt chờ đợi một giải thích. Nụ cười nửa miệng của cô nhẹ nhàng cởi mở như sẵn sàng muốn cảm thông niềm hạnh phúc đó nơi tôi.
Tôi bối rối đáp cho qua:
“À... một thú nào đại khái như vậy.”
Jane nháy mắt tôi một cái, hóm hỉnh mỉm cười:
“Bí mật hả? Mong anh hưởng trọn vẹn. Cuối tuần vui nhá.”
Tôi cũng nháy mắt lại, giơ tay:
“Mong cô cũng thế.”
“Cảm ơn.”
Jane nổ máy, cho xe chồm tới vọt đi.
Tôi nhẩn nha quay kính cửa xe xuống cho thoáng. Tiếng máy nổ vẫn như xa xôi mơ hồ, lẫn trong tiếng rầm rập của dàn máy tiện còn âm hưởng bên tai. Nhìn quanh, công nhân vẫn rải rác ra khỏi cổng đến bãi đậu xe, rồi từng chiếc vội vã lăn bánh bỏ đi.
Tuần trước, một đợt không khí nóng bức tràn tới đây báo hiệu mùa hè đang đến gần. Ðứng ngoài bãi còn đỡ, chui vào trong xe chỉ muốn đi ngay để gió lùa vào cho bớt thấy ngột ngạt. Nhất là bây giờ, đúng chiều Thứ Sáu nữa. Chắc chắn bờ biển đang lồng lộng gió. Hay những drive-in theater, những vũ trường, những nhà hàng...
Cho xe rời bãi đậu, tôi gia nhập vào dòng xe cộ cuồn cuộn không dứt trên đường phố. Tiếng máy nổ, tiếng còi thúc giục, những giọng nóng nảy chửi rủa tục tĩu hỗn độn quện vào nhau... nhưng trong lòng tôi vẫn hoàn toàn trống rỗng.
*
Về đến nhà, thằng con tôi cũng vừa từ phòng tắm bước ra. Mái tóc nó còn nhẫy nước ép xuống trán hợp với đôi mắt đen nhánh long lanh một niềm thích thú tươi mát.
Nỗi vui tự dưng của trẻ thơ bao giờ cũng nhẹ nhàng xoa dịu mọi bực bội không đâu đã thường quấn quít trong tôi.
Bỗng nhiên muốn nhẩy cẫng lên như nó... nhưng tôi chỉ nói lớn hơn bình thường, khi bước vụt qua mặt con:
“Ðợi bố tí.”
Tôi vặn bông sen hết cỡ. Những tia nước phun mạnh xuống đầu cổ, ngực và lưng. Cách đấm bóp kiểu này khiến tôi đê mê sảng khoái. Sau đó, tấm khăn lông miết trên da mặt và toàn thân làm tôi có cảm tưởng thể xác mình hoàn toàn đổi mới.
Mặc quần áo bước ra, tôi rõ rệt đã trút bỏ được tất cả những gì gọi là vẩn đục trong người.
“Xin phép hai bác đi con.”
Ðang ngồi ngoài trường kỷ xem ti-vi, nghe tiếng tôi dục, Hòa ngước mắt nhìn. Tôi gật đầu để khẳng định và mỉm miệng cười khuyến khích. Nó đứng dậy, đến gần người bạn ở chung nhà, khoanh tay lí nhí:
“Xin phép bác.”
“Ừ, ngoan lắm. Cháu đi chơi với bố hả?”
Miệng Hòa mở hững hờ nhưng tôi không nghe rõ được tiếng ”vâng” của nó phát ra.
“Còn bác gái dưới bếp, con.”
“Thôi, đủ rồi. Ðể cháu nó tự nhiên.”
Hòa vẫn đứng yên như chờ đợi ở tôi. Tuy nhiên, đã có lời của anh bạn rồi, tôi không muốn ép thêm nữa.
“Cám ơn bác đi con.”
“Cám ơn bác.”
Hòa nói câu này to nhất nhưng lại thật nhanh, rồi nó chạy biến ra cửa.
“Tôi đi, anh.”
“Vâng. Hai bố con vui nhá.”
“Cám ơn anh.”
Ngồi trong xe, Hòa dè dặt lên tiếng:
“Bố coi record của third quarter chưa?”
“Rồi. Một O ba A và hai B. Tạm được. Nhưng môn P.E. vẫn B. Con thấy thế nào?”
“Hôm chạy, con hụt hơi mà vẫn thua tụi nó.”
Hòa hậm hực ra mặt.
Tôi trấn an:
“Chẳng sao. Nhưng trước khi chạy, con nên chịu khó tập thở, thật sâu thật dài mươi cái như vậy xem sao. Rồi lúc chạy con cố giữ hơi thở thật điều hòa, đừng gấp gáp. Chắc sẽ khá hơn.”
“Ðể con thử...”
Liếc sang thấy Hòa còn băn khoăn, tôi bảo:
“Bố con mình dạo phố trước nhá.” ” Dạ.”
Mắt Hòa đã ánh lên niềm vui thích. Chân tay nó bắt đầu chộn rộn. Cười thầm, tôi cho xe vào đậu trong một khu thương mại người Việt.
Năm giờ chiều Thứ Sáu, lác đác người đi mua sắm. Hai bố con tôi thả bộ, ngắm nghía các gian hàng. Những tiếng Việt lao xao chào hỏi, cười nói.
Tôi mua cho Hòa thêm một bộ quần áo thể thao, với đôi ba-ta mới khác. Hòa chọn cho Thu, em gái nó, một chiếc áo lụa, còn tôi mua thêm chiếc quần jean cho vợ tôi, tất cả để dành kỳ quà tới gửi về Việt Nam.
Từ tiệm này liên miên sang tiệm khác. Hết một khu đó cũng gần 7 giờ. Hòa đòi ăn phở.
Nó thích món tái gầu dòn như mẹ nó trước đây hồi 75 ở Sài Gòn.
Tám rưỡi, bố con tôi trở về nhà. Hòa hoàn toàn thỏa mãn với buổi chiều nay. Nó sửa soạn đi ngủ.
Tôi ngồi lại ngoài phòng khách, mắt xem một phim đang chiếu trong ti-vi, thỉnh thoảng nói vài câu với anh bạn cùng nhà.
Tự nhiên tôi lại rơi vào tình trạng trống rỗng buồn nản. Gọi điện thoại tới hai người bạn: Một đi chơi cả nhà chưa về, một đã đi ”xuê” tại nhà người bạn khác. Tôi có chợt nghĩ đến xoa mà-chược, chắc cũng vui thú anh em được đêm nay.
Nhưng khung cảnh chiếc bàn vuông với những tiếng lách cách của quân bài xem ra không quyến rũ tôi lúc này. Ngồi chết một chỗ, nghịch ngợm với những ”hoa” những ”chim”, chả giải tỏa được nỗi trống rỗng hiện giờ.
Vào phòng, nhìn Hòa ngủ say sưa, tôi lại càng cảm thấy buồn bã hơn nữa. Qua phòng khách, hững hờ chào vợ chồng anh bạn, tôi ra cửa.
Lái xe ngoài đường vắng, vẫn chưa biết mình đến một nơi nào. Bên đường, đèn màu nhấp nháy. Chính giờ này là lúc người ta mới bắt đầu đi giải trí.
Tôi tạt vào một quán bánh Pháp, nhâm nhi ly cà phê Espresso đặc quánh, mắt lơ đãng nhìn ra người lũ lượt diễu bên ngoài, tai nghe tiếng nói chuyện xôn xao quanh mình.
Một giờ ngồi gậm nhấm nỗi cô đơn mỗi lúc một mênh mang thêm, tôi bỏ đi.


Miên man lái xe vòng vòng, tôi mới chợt thấy là mình đã hết thuốc hút. Tạt qua tiệm Liquor, mua tạm một bao.
Lững thững đi ra, tôi chợt dừng lại nhìn kỹ: Một anh chàng Mỹ trắng râu tóc xồm xoàm, quần áo xốc xếch, trên lưng đeo mấy bao bị cái to cái nhỏ kềnh càng, chẳng biết từ lúc nào anh đã đứng chắn ngay trước cửa ra vào.
Chân vẫn tiếp tục đi, tôi tự nghĩ: Những trò của mấy anh loại này hiện nay xảy ra rẫy đầy khắp nơi trên nước Mỹ. Nhẹ ra thì xin điếu thuốc, nếu được cho lại xin thêm điếu nữa dắt tai để dành. Nặng hơn chút nữa là xin vài đồng bạc đổ xăng độ đường.
Thậm chí hồi tôi còn bán Donuts ở Chicago: Vừa đậu xe, một chú Mỹ đen bé con cầm ống xịt làm một đống sơn trên mặt kính chỗ ngồi lái. Còn loay hoay chưa biết tính sao thì có anh Mỹ khác lơn tơn đi lại, tay cầm giẻ và hộp acétone, hỏi liền:
“Mày có muốn mất đống sơn kia không? Hai mỹ kim. Ô kê?”
Biết làm sao khác được bấy giờ, tôi đành xùy tiền ra.
Lần khác, tôi bán trạm xăng ở Portland. Một thằng Mỹ to lớn dềnh dàng đi tới dí bó hoa héo quắt vào mũi tôi:
“Mày phải mua cái này.”
Tôi hiểu ý nghĩa ”phải mua” ở bộ mặt đe dọa với đôi mắt trợn trắng của hắn. Tự nhiên, máu ba gai lính tráng cũ nổi lên, tôi cung tay tính quại vỡ mặt hắn rồi ra sao thì ra... nhưng hình ảnh Hòa, lúc đó mới 7 tuổi, nét mặt vui tươi hớn hở hiện ra, khiến tôi cố nến giận. Ngó quanh, góc phố tấp nập người qua kẻ lại mà chả một ai thèm chú ý tới tình trạng của tôi, ngoài mấy tên đen khác đứng gần đó đang nhìn tôi cười nhăn nhở trêu ngươi. Xem cái điệu này cảnh sát có tới nơi thì tôi đã mềm xương mà tiền bạc lại bị lột sạch. Bóp bụng, tôi đành móc ra tờ năm mỹ kim đưa cho hắn.
“Chắc cái này mày cũng chả cần nữa, phải không?”
Nói xong, hắn tự động bỏ đi, tay quơ quơ bó hoa héo.
Sau lần đó, tôi thấm thía cái đơn độc của kẻ mất nước sống lang thang nơi xứ người.
Nỗi đơn độc bơ vơ này không giống với nỗi bùi ngùi cô đơn những buổi say rượu bí tỉ vì bạn bè bỏ xác sau các cuộc hành quân hồi 1975 trở về trước.
Và cuộc sống ở đây cứ đẩy tôi bước tới. Chính tôi cũng muốn luôn luôn lăn xả vào công việc mưu sinh túi bụi, hết thành phố này sang quận khác, hết tỉnh nọ sang đến tiểu bang kia để quên đi nỗi đơn độc của mình.
Có phải tôi nuối tiếc dĩ vãng không? Những năm mòn ghế học đường, những gót giầy đế vẹt biết bao nhiêu nơi trong đời lính hành quân khắp chốn? Quá khứ tôi vàng son gì đâu, với cái lon đại úy và hàng trăm đồng bạn thân cận đã ngã gục. Có chăng là hình ảnh quê hương ám ảnh với một niềm chua xót muốn chín cả tâm hồn...
Tất cả chỉ còn hình ảnh tươi mát ngây thơ của Hòa, con tôi, để tôi có một chút riêng tư níu kéo. Chứ ngoài ra, toàn là trạng thái vất vưởng trong nỗi đơn độc giữa xứ người, trống rỗng mênh mang...

 •

Hình ảnh và tâm tư hiện ra trong chớp mắt. Tôi đã dừng trước anh chàng râu tóc xồm xoàm đeo vác luộm thuộm túi bị kia. Tôi chờ đợi với tư thế sẵn sàng phòng bị. Anh ta đang nhìn tôi, nhưng thấy tôi dừng lại thì lật đật nghiêng mình ép vào bên cửa để nhường chỗ.
Tưởng mình bị cản đường phiền nhiễu gì đây, tôi hơi khựng lại, rồi mới lách mình qua.
“Anh còn nhớ thơ Hài Cú không?”
Hỏi dứt, chẳng đợi trả lời anh ta liền đọc mấy câu bằng Anh ngữ.
Thú thực, tôi chỉ mang máng biết được Hài Cú là một thể thơ đặc biệt của người Nhật thôi chứ cái hay cái đẹp ở chỗ giản dị trong sáng nội dung phong phú chứa đựng tinh thần Zen gì đó thì tôi chưa thưởng thức được. Bây giờ, bất chợt nghe đọc loại thơ này lõng bõng bằng tiếng Anh bên tai, quả tôi chả hiểu được chút nào ý nhị của bài thơ mà anh ta muốn diễn tả. Bước xuống vỉa hè, tôi quay lại. Ðôi mắt anh ta đang lóng lánh như thích thú, chờ đợi một lời ngợi khen. Tự nhiên tôi cảm thấy ngượng, gượng cười lã chã:
“Tôi là người Việt.”
“A. Việt Nam... Thơ Nguyễn Du.”
Tôi bắt đầu ngạc nhiên. Cũng không chờ phản ứng, anh ta nhíu mày như cố nhớ:
“Và cây đàn chỉ có một dây thôi. Ðàn gì...”
“Ðàn bầu. Ðộc huyền cầm.”
Buột miệng, tôi nói ngay.
“A. Ðúng đấy. Duy nhất một dây. Ðộc đáo lắm.”
Tôi hứng thú thực sự.
“Anh có rảnh không?”
“Không bận bịu gì.”
“Anh có thể đến nhà hàng nào đó chứ?”
“Không.”
Tôi hiểu ngay: Với kinh nghiệm chín năm sống trên xứ sở này, mình còn sai lạc về anh chàng đang đứng trước mặt đây.
“Tha lỗi cho tôi.”
“Chẳng sao.”
Anh ta nở nụ cười hồn nhiên. Tôi nhìn quanh. Có một công viên bên kia đường.
“Chúng ta sang bên kia được chứ?”
“Sẵn sàng.”
Vào lại quán, mua một xách sáu hộp bia cùng vài thứ nhắm như đậu phọng rang với khoai chiên ròn, tôi qua đường... và thấy anh ta đã ngồi ngay ngắn trên tấm vải nhựa đang so lại dây đàn của chiếc Tây ban cầm.
“Không có cây đàn một dây của Việt Nam ở đây. Và tôi biết, tôi cũng không đủ khả năng chơi hay như tôi đã từng được nghe. Tuyệt lắm. Nó réo rắt... âm giai theo từng cách nhấn nặng nhẹ. Người nghệ sĩ phải có trình độ thẩm âm thật chính xác và điệu nghệ vô cùng thuần thục mới lột tả được cái diệu dụng của cây đàn độc đáo đó. Hôm nay, tôi muốn bày tỏ với anh sự khâm phục của tôi đối với những nghệ sĩ Việt Nam đã sáng tạo và sử dụng cây đàn một dây đó.”
Miệng anh ta từ tốn nói, mắt nhắm hờ và tay vẫn lướt những ngón trên năm dây đàn của chiếc Tây ban cầm đang ôm chênh chếch đứng trong lòng. Rồi đột nhiên anh gảy liên tiếp lên dây trầm nhất, ngón trỏ của bàn tay trái lướt nhấn trên suốt bậc cung. Mặc dù loại dây ni-lông pha thép âm vào thùng đàn đều khác với dây và thùng của cây độc huyền, điệu láy không được sâu như Ðộc huyền cầm nhưng tôi đã nghe mang máng như tiếng cây đàn một dây được bật lên. Mắt anh ta vẫn nhắm hờ. Cặp lông mày nhíu lại. Mấy âm thanh khác thoát ra. Cặp lông mày anh ta càng ngắn lại, nhăn nhúm một nỗi bực dọc. Rồi mấy âm thanh nữa bật tiếp. Anh lắc mạnh đầu bất mãn... và anh xổ toẹt một đường từ trên xuống dưới cả năm dây khiến tôi giật mình.
Trong khi tôi còn ngơ ngác, anh mở một lon bia, ngửa cổ ực trọn. Âm thanh xổ mạnh đột nhiên ngưng ngang. Anh biến sang điệu nhạc của xứ Tây Ban Nha. Một bên gảy một bên nhấn, hai bàn tay anh điêu luyện lướt lên khắp chiều ngang và dọc của năm dây chiếc Tây ban cầm. Âm thanh dồn dập miên man, sôi sục một sức sống cuồng nhiệt, lôi cuốn tâm hồn tôi cuồn cuộn theo.
Ðoạn nhạc đó vừa chấm dứt, anh lại bước sang lãnh vực nhạc cổ điển Tây Phương. Tôi mù tịt, không biết bài bản tên là gì và của ai nữa. Chỉ nghe thấy những âm thanh lúc thánh thót như tâm hồn mình rỏ xuống từng giọt buồn mênh mang gợi nhớ, lúc reo vui nhịp chân sáo của tuổi thơ, khi thì trầm lắng mênh mang tâm sự, khi thì rầm rập bước quân hành, ầm ầm tiếng bom đạn, sát khí tấn công, chém giết, u buồn, chết chóc... rồi vang tiếng kèn chiến thắng khải hoàn, sôi nổi xây dựng và thênh thang bước chân hướng về tương lai.
Ðoạn nhạc chót trải rộng ra, âm hưởng kéo dài cho đến nét rung nhẹ cuối cùng lẫn vào tiếng côn trùng của công viên...
Tợp thêm một lon bia nữa, đưa cay một miếng khoai chiên, anh ta lên tiếng:
“Thấy thế nào?”
Cơn xúc động chưa dứt, tôi thổ lộ tâm sự luôn:
“Anh làm tôi nhớ đến cuộc sống hỗn độn vô vị của tôi bây giờ. Tôi luôn luôn bị bực dọc mơ tưởng về quá khứ của mình. Thuở nhỏ ấu thời vô tư lự xứ tôi. Những chốn thâm nghiêm lăng tẩm cung điện ở Huế, đền đài ở Hà Nội. Những hùng vĩ của Trường Sơn. Những bao la của suốt dọc dài biển Ðông. Tôi còn nhớ đến thời lính tráng xô bồ chém giết đau thương... nhưng không sao, tôi vẫn vững lòng tin là một ngày nào đó tôi sẽ trở về lại xứ sở của tôi. Ðó là mối hy vọng xác quyết trong lòng tôi lúc này.”
Anh ta ha hả cười. Cười rũ rượi. Nước mắt tràn trên má và lấp lánh đọng trên bộ râu xồm xoàm.
“Tôi có gì sái quấy phải không?”
Tôi lo ngại hỏi.
Anh ta lắc đầu, chiêu thêm một ngụm bia:
“Không. Không... Cuộc đời ở đây vô vị. Phải... Hay lắm.”
“Rồi sao?”
“Tôi muốn đề nghị điều này.”
“Nếu không ngoài khả năng tôi.”
“Chắc chắn. Nhưng anh không được chối từ.”
“Ðồng ý.”
“Anh phải mua cây đàn này với giá năm đồng!”
Vừa nói, anh ta vừa trao cho tôi cây đàn bằng cả hai tay. Tôi nhìn kỹ cây đàn. Những phần lõm trên cung bậc và mặt thùng đàn nhiều chỗ đã tróc sơn, chứng tỏ đàn được sử dụng thường xuyên và lâu đời. Tôi ái ngại, ngập ngừng lên tiếng:
“Nhưng... tôi không biết chơi đàn.”
“Ðiều ấy không quan trọng. Anh phải mua với đúng 5 đồng chẵn. Không hơn không kém. Anh mua mấy thứ này bao nhiêu?”
“Tôi chẳng nhớ nữa.”
“Có biên lai đó chứ?”
“Vứt đi rồi.”
Bỏ tôi đứng lóng ngóng, anh ta qua đường, vào tiệm Liquor rồi trở lại:
“Tất cả 4 đồng 75. Anh phải trả thêm 25 xu nữa.”
Như người máy, tôi móc túi đưa 25 xu ra. Anh ta cuốn tấm bạt ni-lông lại cột vào cạnh một túi sách, đeo tất cả lên vai. Trên miệng nở một nụ cười thật tươi tắn và với ánh mắt long lanh thích thú, anh ta nói:
“Cảm ơn anh đã cho tôi một buổi tối cuối tuần thật vui, đầy ý nghĩa. Tạm biệt.”
Bắt tay tôi xong, anh ta bỏ đi.


Phạm Quốc Bảo
29-4-84






















.