Hồ Đình Nghiêm
Đò trôi êm trên Thảo Giang. Những cành liễu quanh bờ ma mị thế vòng tay ôm, thu cất bao trầm mặc của nơi vốn thiếu bóng ngựa xe. Màu rêu thẩm xanh cùng lớp sương khói dâng lên, tiếng chim quạnh rớt và mặt nước gợn sóng dường đánh thức bình minh. Mặt trời dần nhú, đủ chiếu tỏ năm mạng người quá giang. Lố nhố đứng ngồi khi mũi đò vén mở đám lau sậy, xào xạc. Thân hơi xiêu đổ lúc nhìn ra bến bờ chợt hiện. Gã lái đò chống một đoạn tre, cắm vào đất mềm, tựa người vào cốt giữ cho đò thôi chòng chành. Gã thuộc hạng khó lân cận, lầm lì trong việc đưa người sang sông, tuyệt chẳng hé môi dù nửa lời.
Thảo Giang nào lớn rộng, sông nước mênh mông là bởi sự vắng tẻ tác thành ra. Ở chốn hoang dã không gian thường ẩn giấu đôi điều, một nửa của rợn cảm và nửa kia là hoang mang nghi ngại khi phát hiện. Ngồi vào lòng đò quá giang khách sang sông nhận ra phận người thật nhỏ bé. Lên được tới bờ lại choáng trước sạn đạo quanh co. Chỉ một lối đi, chận bít tầm nhìn là dáng đứng đồ sộ của toà nhà có lối kiến trúc kỳ lạ. Không hẳn là lâu đài, chẳng ra một cổ thành, hoặc nó gộp lại mọi thứ để dựng nên hình khối trông thâm u, kín cổng cao tường. Từ đây trông lui, con sông đã xoá mờ hình tích, biến thành một đường cắt chia, sắt sảo tựa thanh kiếm bén. Ẩm thấp, mát lạnh từ hướng ấy dồn thổi về, ngắt quãng theo chân đi ơ hờ của gió.
Có hai nam nhân lực lưỡng đứng vòng tay án giữa lối đi, mặt chẳng lộ thiện cảm. Một trong hai đứa cất tiếng: Theo nội quy, chúng tôi buộc phải khám xét hành trang của quý vị, bất luận người ấy là ai, xưa nay chưa hề đổi thay thủ tục. Những gì dính dáng tới kim loại đều bị thâu giữ, không hoàn trả. Năm lữ hành tự động sắp hàng một, tự động mở phơi hành lý lỏng lẻo chứa toàn tư trang đợi bàn tay kẻ lạ sờ nắn lục lạo. Bốn êm thắm cho đi chỉ đôi co lời qua tiếng lại với đứa sau cùng. Khách nhàn du phân trần:
- Túi xách này chỉ chứa toàn giấy bút, tôi vi phạm điều chi?
- Bút làm bằng sắt tựa mũi nhọn, buồn tay có thể đâm chết người, là hung khí. Bỏ bút lại, mang giấy đi có phải là thong dong nhẹ nhàng hơn không?
- Nực cười! Giấy bút phải luôn sánh đôi, như sông phải có đò, thiếu một trong hai thứ e thảy đều vô dụng.
- Nói vậy là chưa thông đạt đạo lý. Có người chỉ lo vun bồi cho khẳm đầy giấy quý mà chẳng màng tới thứ khác, mang loại giấy đó vào thân, người ta có thể đi suốt mọi chân trời góc bể.
- Cứ xem như tôi là hạng nho sinh chỉ chí thú với sách vở thánh hiền, thành phần ấy trước sau vẫn xem nhẹ thứ giấy mà các vị vừa nói. Đã là nho sinh thì chẳng thể đoạn lìa với bút mực, phương chi cây bút này do một cao nhân gửi tặng. Các vị tu luyện võ công, ắt sẽ không để ai tước đoạt đao kiếm, đúng vậy chăng? Vật bất ly thân.
- Rườm lời, khuyết điểm của bọn có ăn học là ưa lý sự cự cãi làm căng thẳng hiện trường. Muốn giữ vẹn toàn giấy bút thì hãy tìm đường khác mà đi.
Phàm kẻ có ăn học đều chẳng thể đối thoại với bọn chỉ quen bầu bạn với vũ lực, xưa nay đều vậy và bi kịch nọ vẫn chưa tìm ra lời giải. Lỡ trói gà không chặc thì kíp lui bước, hai đứa xăm trổ đầy mình kia tuy chẳng là quan nhưng miệng chúng có gang có thép, đứa có súng trong tay thì có thể thế thiên hành đạo, chẳng ngoa ngôn. Lời thật mất lòng, xem thành tâm thiện ý của đối tượng luôn chứa âm mưu bất chính. Gạn đục khơi trong, tâm huyết nọ vẫn bị xem là sự xúc phạm khó dung thứ. Đứa biết giữ thể diện là những đứa bị gạt ra khỏi dòng chảy của mưu sinh đời này. Giấy bút vô tình là con dao hai lưỡi vậy!
Đứa tự nhận là nho sinh quay đầu, đeo cái túi xách vào người bước lui lại bến sông. Nếu đó là túi thơ bầu rượu thì ta sẵn lòng rót ra chén đắng mà thù tạc cùng gã lái đò. Gã chỉ thầm lặng trong việc đưa người sang sông, lầm lì cắn răng tuồng chất chứa trong tâm nhiều vấn nạn. Tìm cho ra người để tâm sự, việc ấy dường bất khả. Ngày xưa, cảnh sông trôi nước chảy, cảnh trăng mờ bên núi luôn đánh động vào lòng người quá giang, gây cảm hoài cho cánh bèo dạt hoa trôi rồi tức cảnh sinh tình gửi xuống bờ vắng bãi quạnh bao nỗi niềm chất ngất. Ngày nay, tuyệt không nhìn ra bóng dáng “hoài cổ” kia, đã tuyệt chủng, nếu sót lại đôi ba thằng cuồng sĩ thì ắt chúng cô đơn trong định nghĩa “người âm lịch”. Qua sông chẳng luỵ đò, chỉ ngậm bồ hòn làm ngọt, chẳng dám nhìn “đểu” chỉ ngước mặt ngó mây bay vô tội vạ. Mây bay về đâu? Chim vỗ cánh tới phương nào? Người trôi sông lạc chợ thì không chừng bắt gặp cảnh sơn cùng thuỷ tận. Sao chốn này hoang lạnh đến sờn lòng!
Đò vẫn chưa di dời, gã lái đò đang khơi than bếp ấm, đút que củi gầy chỉ đủ gửi lên không chút khói xám nhạt dùng dằng lẩn trốn. Gã đổ người bên mạn đò để múc đầy nước sông chứa trong lon sắt. Rồi gã thầm lặng đưa mắt dọ hỏi đứa đứng tần ngần bên lau sậy. Và lau sậy thì muôn đời vẫn run thân. Người kia cất tiếng, giọng hụt như đã dong duỗi hết đoạn đường dài: Anh có biết một tiểu lộ nào khác chăng? Gã lái đò nhíu mày: Sao? Vừa gặp phải chướng ngại? Qua sông phải trả tiền đò, anh trở lại là muốn mua một thông tin đấy à? Có nghĩa là chẳng có gì miễn phí? Khách tần ngần bước chân lên đò, thấy nước đọng trong lòng in rõ khoảng trời xanh đang cau có. Mới hay là nước có thể len lỏi để thẩm thấu dần dà, mai kia mốt nọ ăn mục sườn đò rồi thuận theo quy luật nước chảy đá mòn, chịu cảnh phơi xác bên bãi lạnh. Đò ơ… ơi. Không một tiếng đáp trả.
Khúc gỗ mọn cháy hết bề dài mà chẳng đủ sức làm sôi lon nước. Khách mở túi xách, xé hết nửa cuốn vở rồi trao cho gã lái đò xấp giấy trắng. Chừng ấy có mua nổi một lời chỉ bày? Lửa táp giấy reo vui nhảy múa có ngọn. Nước dùng để chế trà, trà xanh đổi màu khi rót vào hai chén đất vốn chứa cơm. Uống đi. Chủ nói cùng khách. Khách bưng chén, hai tay bao bọc như muốn đón giữ hơi ấm. Tháng năm dài gầm đầu vào công việc bất đắc dĩ nầy, tôi chưa từng thấy qua một người khách lạ như anh. Qua sông mà sao chỉ mang theo giấy bút? Khách moi bọc áo ra bao thuốc: Hút đi. Những gì ít thấy thì bảo rằng lạ, những gì nhan nhãn thì nói rằng quen. Cái vụ lạ quen ấy mang đủ sự nghịch lý bên trong. Cả hai mồm đều bặp thuốc, khói thổi ra làm nhân diện kẻ này mơ hồ đối với kẻ kia. Sao cơ ạ? Kẻ bần cùng đói rách đi đầy đường khiến anh quen mắt, điều thuỷ chung nọ chẳng khiến anh dậy một cảm hoài? Chủ ngắm khách: Cho tôi hỏi ngu tí, mang thứ hành trang đó vào thành hẳn anh có dự tính? Khách tợp xong chén trà, búng điếu thuốc cụt xuống sông: Ở đây không ai, âu cũng nên giãi bày tâm sự, bạn tôi vừa mãn hạn tù, tôi muốn đến thăm hỏi, muốn vẽ lại chân dung, muốn ghi lại những năm lao lung mà bạn nếm trải, muốn chia sẻ chút đớn đau, chỉ có vậy thôi. Tuy tại ngoại nhưng vẫn bị quản thúc không cho đi xa, phần tôi mang tiếng là rộng cẳng nhưng thảng hoặc ngẫm ra mình nào khác gì kẻ bị bó chân. Anh là lái đò nhưng do đâu lại tìm ra được thứ trà xanh này, vị ngọt thanh cao uống vào nghe khinh khoái. Phải chăng việc đưa người sang sông chỉ là cách thế che dấu thân phận, hoặc mượn nó để xa lánh những luỵ phiền mãi giăng bủa hồng trần?
Chủ khách ngưng chuyện trò vì cả hai cùng nhát thấy một vị khách vừa bước lên đò. Một thiếu phụ với hành lý xem chừng nặng lệch bên vai. Mặt xanh kiểu thiếu ngủ, không trang điểm với đầu bù tóc rối. Sầu thảm, lạc hồn, lẻ loi. Chẳng ai đưa tiễn sang ngang, đi mà chừng một hoài nghi đích tới, ngồi vào lòng đò rồi bỏ mặc những sóng nước mênh mang mơn trớn mạn đò mãi một điệp khúc. Khách một nhìn khách hai, thầm lén. Đàn ông ngắm đàn bà, vụng trộm. Do có trí nhớ tốt, hoặc bởi một cánh hoa dẫu tàn úa vẫn vấn vương chút đẹp dễ mềm lòng. Cái sót lại ấy, cái chưa thể đành đoạn kia đã làm thằng đàn ông ngây người, hoài nghi về từng trang quá khứ đang lật vội.
Dự cảm rằng mình đang bị kẻ phàm phu tục tử ăn tươi nuốt sống, người đàn bà đâu mặt lại nhìn. Nhìn đểu, nhìn chăm bẳm mà không háy, chẳng nguýt, không liếc ngang nhìn dọc. Đồng tử mở lớn, con ngươi đọng lại một dấu hỏi. Con mắt ấy tuồng đã khóc nhiều. Ướt, long lanh, chực đổ lệ. Hai hàng mi không nháy. Hang cùng ngõ hẹp hay sơn cùng thuỷ tận rồi cuối cùng cũng sinh hậu vận: Đoàn tụ. Thế mới bày ra định đề: Quả đất này vốn nhỏ bé. Hoặc có ta bà nghìn cõi khi có duyên sẽ xúi hai linh hồn lạc lối chạm mặt nhau. Người đàn ông kêu: Nguyệt. Người đàn bà gọi: Tự.
Xác định ra danh tính, xướng lên trong tự tin, chẳng nhầm lẫn như đinh đóng cột; vì vậy Tự bỏ gã lái đò để lần tới ngồi gần bên Nguyệt. Soi mặt trong “đôi mắt em là một giòng sông” mà thời trai trẻ ta đã từng đắm đò nhiều phen, lóp ngóp trong hạnh phúc bị chết chìm. Tự đi đâu mà lạc loài đến chốn đây? Đi lang thang, chưa hết đường đã bít lối. Thế còn Nguyệt? Bao năm rồi sao còn mãi giữ niềm hư hao. Nguyệt qua sông, lên phố huyện, Nguyệt đi tìm tương lai. Tự còn chí thú với chữ nghĩa như xưa? Trót mang tên ấy vào thân nên nguyện vui vầy, có điều chí thú là thứ chính mình cũng phải ngờ vực. Tự cũng có nghĩa là chùa, tham sân si như mình khiến nhác vãng lai, gió thổi trên sông trước sau vẫn vậy, gợn nhăn một nỗi lòng.
Tự hỏi gã lái đò: Bao lâu thì đẩy đưa mái chèo? Chủ nhân con đò đứng lên: Nếu sợ ngày sớm nhuộm bóng chiều tà thì tôi sẵn lòng rời bến, phương chi cô này lửa đang đốt lòng mong được sang bờ, ít nhân mạng thì tự khắc đò sẽ lướt êm. Gã chưa rút lên cây sào đã nghe tiếng la lớn: Khoan, hãy đợi. Tiếng gióng lên ở đất liền, âm thanh vang động mặt sông, hốt hoảng chưa tan bất ngờ thì đứa sợ trễ đò đã đặt được chân lên khiến đò phải run thân. Gã lái đò nhíu mày khi trông ra diện mạo kẻ kia. Sao sớm quày quả nhổ neo dù người chưa khẳm đầy như thông lệ? Hắn nói. Ôi may thay, không nhanh chân đã rách việc! Muốn về chốn phồn hoa bên nọ thật lắm muộn phiền! Hắn ngồi xuống: Mọi thứ đều đổi thay, biến dạng, chỉ có con sông này vẫn cầm cự chưa đổi thành cánh đồng. “Sông kia rày đã nên đồng”, e đôi lúc được vậy mà lại hơn, đi trên mặt lộ ngẫm an toàn, đã mang mạng hoả thì ắt phải sợ phiêu bồng cùng sóng nước.
Hắn đeo chéo người cái túi vải, đặt lên đùi khi ngồi và bắt đầu trông qua hai vị khách: Tôi có ít hàng thuộc dạng đặc sản, những mong anh chị mua mở hàng giúp, giá cả dễ chịu bởi muốn vật giá trị rơi đúng vào tay chủ mới. Nói chưa dứt câu đã trao tay Nguyệt một hộp gỗ, quảng cáo: Thứ son phấn dầu thơm tinh lọc này đến từ nước lạ, e có lúc chị mượn nó mà điểm phấn tô son lại chăng? Quay sang Tự: Xuất xứ con dao này là của nước Xiêm La có thể cứa đứt những vật rắn, dắt vào lưng thế bạn đường thì đêm hôm an tâm làm kẻ dạ hành.
Nguyệt nói: Tôi không phải là hạng người mặn nồng với mỹ phẩm, mà anh Tự này cũng chẳng thiết tha gì tới hung khí vật nhọn. Hãy đưa con dao ấy cho tôi xem, được giá thì mua. Hắn lại lục soạn trong túi xách: Không ưa võ thì chắc anh thích văn, cây viết này lưỡi có bọc vàng và nó tuyệt chẳng bao giờ nghẹn mực, ròng rã đổ theo chữ cho tới hồi cạn mực mới thôi. Tự đón lấy, ngắm nghía chừng thích thú: Tôi có thể biết xuất xứ của nó chăng? Không dấu gì anh, tôi mua lại từ hai tên kiểm soát an ninh trên bờ, chúng tịch thu đồ vật của bá tánh chất đầy kho.
Cả Nguyệt lẫn Tự đều moi tiền ra cùng lần: Đấy, còn bao nhiêu trao hết cho anh, chỉ giữ lại chút bổi nhằm trả lệ phí chuyến sang sông. Được, chuyện nhỏ, cứ tiền trao cháo múc. Việc mua bán xẩy ra nhanh, tuy vậy đò cũng đi tới giữa giòng. Gã lái đò hỏi: Việc tôi từng nhờ ông tiến triển tới ngang đâu? Đứa chẳng mang dáng vẻ thương gia kia lần đi về cuối đò, ngồi xuống bên bếp lửa còn giữ nhiệt: Cập mũi vào bờ hẳn trao thông tin, có được không? Tại sao? Tại tôi ngại ông nghe đâm vụng về làm lật đò, thằng tôi mạng hoả không biết bơi, sợ giao mạng cho hà bá. Gã lái đò mặt thoáng đổi sắc, cằm bạnh, hai hàm răng đang cắn chặt như vừa nhai xong nỗi hoài nghi. Làm chủ hơi thở là nghề của chàng, bởi động tác liên hoàn khoắng mái chèo nặng rất dễ làm hao tâm tổn trí rã rời tay chân. Hít hơi sâu, hai nhịp, lại thở dài, lại chèo, lại đưa mái đẩy, dần dà ắt sẽ eo thon ngực nở. Sức lực ba người khách hợp lại chưa chắc đã sánh bằng. Cứ nói ra, lòng ta xưa nay đã quen chịu đựng với sầu não.
Trong lon bắt trên ba cục gạch còn thừa chút nước, hắn ngửa cổ uống cạn rồi nhìn mũi đò đang đi gần về đích tới. Được, điều ông dự cảm quả không sai trật, tôi bỏ công theo dõi mất ba ngày và xác tín rằng, thằng Chín làm ở ty Thương nghiệp vẫn thường mang vợ ông đi vào nhà nghỉ. Hắn có ô dù, tiền bạc rủng rỉnh nên xem thường dư luận, chỉ có vợ ông còn biết nguỵ trang, luôn thay đổi lộ trình và ưa nhắm vào tiểu lộ mà giỏi chân. Việc ông cậy nhờ tôi đã hoàn tất, phần còn lại ông nên vắt tay lên trán tìm ra một chước hay mà xử lý. Cây dao quý hiếm duy nhất tôi đã bán cho chị ấy, trong xách này chỉ còn hai lọ thuốc diệt chuột trừ rầy. Ôi chao, xin các vị nhớ cho, kẻ hèn này chẳng ưa làm tòng phạm.
Tự nhìn sâu vào mặt Nguyệt, hỏi nhỏ: Ngày xưa Nguyệt nổi tiếng là đoan trang thuỳ mị, công dung ngôn hạnh các thứ, sao giờ đây lại chọn đao gươm mà lựa mua. Đâu có ai mãi lạc hậu như anh tối ngày mơ mộng cùng giấy bút. Nguyệt đang cố vá lại vết thương trong lòng, mà cứu cánh chỉ nương nhờ vào dao bén. Nó là phương tiện duy nhất giúp Nguyệt trôi bớt phẫn hận. Nguyệt đang muốn nhìn ra cảnh máu đổ. Nếu còn giữ cho nhau chút cảm tình, Tự có vui đi theo Nguyệt một đoạn đường? Tự run tay lấy ra một điếu thuốc, cau mày đốt lửa, khói xanh vương mặt Nguyệt, lây lất một vẻ đẹp ám muộn sầu bi.
Lên bờ, chúng ta dọ tìm một nhà nghỉ, nằm bên nhau Nguyệt sẽ kể ngọn ngành về cách tàn héo một bông hoa. Tự sẽ viết được một khúc đoạn trường. Và xin tô đậm hàng chữ: Đời này ta khó thực thi lời dạy của thánh hiền, oán thù nên cởi không nên trói. Nguyệt sẽ trói Tự một đêm trong hân hoan, rồi sau đó lẩn vào dòng đời tạp nhạp để trả hận một đứa lương lẹo gian dối bạc tình mà mình lỡ dại khờ trao thân.
Tự ngó xuống mặt sông gợn sóng, khi không mà giờ này ta có được những hai cây viết, ta mà không viết ra toàn bộ những nỗi lòng Nguyệt mang thì từ nay nguyện sẽ thôi sang sông, bất kỳ một con nước nào. Nếu chữ không xô được, chẳng làm sụp đổ cái xấu xa đang làm vấy bẩn cuộc đời thì ít ra, ta nên tán dương, ngợi ca nỗi oan ức của kẻ thế cô đang cận kề bên ta. Đôi tay ta chưa từng nhúng chàm, nhưng vì tình yêu, có thể ta không ngại cho máu loang.
Đò ủi cái mũi gỗ trầy trụa, xào xạc vào bến bờ đầy sạn sỏi. Tại sao người đời ví một người đàn bà đi theo chồng bằng hai chữ sang ngang? Tại sao đàn bà tự ngờ vực, hoang mang không biết mười hai bến đậu sẽ neo thân là đục hay trong? Tự đưa tay cho Nguyệt bám để vững chãi nhảy thân lên đất liền. Bờ ẩm làm hằn dấu chân Nguyệt, móp méo. Sau gót chân Nguyệt còn đeo cứng lớp bùn tanh. Gã lái đò thu tiền mãi lộ, nói như cổ nghẹn một cục cơm: Mai này anh qua sông mà thấy thiếu bóng con đò này thì chắc đã hiểu ra nguồn cơn. Tôi cũng xin chúc anh chị an toàn trên hoạn lộ mới. Là kẻ chèo đò tôi thấu hiểu được một chuyện: Chẳng bao giờ mình cầu mong cho mặt sông được bình lặng, trôi xuôi. Sóng lên không do mình khuấy động. Vĩnh biệt.
Hồ Đình Nghiêm