Đường Chiêm Bái

Thi Vũ


Em đi để lại mùi hương
Bóng xa vừa khuất con đường xin theo

1. Lưng chng tri Dharamsala
Người bốc xanh vào lá. Núi dựng thẳm từng dãy chạy theo rừng tùng. Chân trời rơi thỏm vào bên kia nắng. Chiếc xe bus lầm lủi đưa chúng tôi qua các truông đèo bất tận. Mười hai giờ chạy từ thủ đô Tân Đề Li lên Dharamsala dưới nhiệt độ dương 43.
Kéo chiếc cửa gương, gió phả theo hơi nóng tràn vào. Đầu như chiếc gàu múc từ lòng thẳm giếng bao hình bóng cũ nhưng hiện tiền. Trên vùng đất này, bên chênh vênh núi dựng, tỏa xuống khắp lưu vực sông Hằng, thái tử Tất Đạt Đa từng đi qua. Bước chân Người đã viết đậm thao thức mấy nghìn năm trước. Đánh những dấu hỏi thành trời xanh, thành trăng sao xao động, thành tịnh độ mười phương.
Người tôi đầy Phật. Tuổi thơ không mất. Tuổi thơ còn mãi trong đầu và trên đường. Tôi chỉ bước lại, dẫm đúng, miết mải một hành trình.
Dharamsala, một thành phố treo. Cheo leo giữa trời và núi. Thủ đô tạm của người Tây Tạng đấu tranh. Năm giờ sáng khi xe chúc mủi từ chân đèo đâm thẳng vào mây, tôi tự cảm nơi đến của mình là đây. Một đêm thức trắng, một tháng mong ngóng chuyến đi. Chỏm núi này và thành phố đó sẽ là khúc quanh tâm hồn chăng. Có như đã thấy, đã sống không khí ấy vào một đêm huyền bí bốn mươi năm trước trong khu trường thuốc ở phương Tây. Thấy được nhận vào đáy óc chiếc mắt nhìn miền ngợi ca.
Sáu giờ sáng, xe xòa vào đám người nhộn nhàng đang rẽ bạt. Máy rù rì thoắt ngừng. Anh ét dùng chiếc khăn cáu bẩn lôi từ cổ áo đẫm mồ hôi lau mặt, tay mở cửa xe. Đoàn người thiêm thiếp trong mộng bỗng nhỏm dậy, tủa ra. Một khoảng trời xanh trên đầu, một bình bồng người và thửa đất ân cần trước tiệm Mc'Llo mở xuống như một cái duỗi chân trên hai con đường hẹp chính của thị trấn. Dưới xa rừng tùng ngan ngát, núi vây quanh chập chùng.
Đến từ phương tây, khách du chờ đợi những dãy nhà san sát cao tầng, đường sá rộng thênh xe cộ. Á châu trả lời đơn giản bằng người, hay danh xưng một thị trấn. Nơi tôi đang đứng tần ngần giờ này : McLeod Ganj. Thị trấn đỉnh cao của Dharamsala.
Nhớ năm 1969, khi qua Vạn Tượng, thủ đô nước Lào, tôi ngạc nhiên gặp một huyện thôn bé nhỏ bất ngờ. Nhỏ hay lớn nẩy sinh từ so sánh. Tôi vừa qua Nam Vang, đi Tokyo rồi quày lại Lào trên đườøng tam giác ba thủ đô. Cũng từ đó tôi hiểu thủ đô hay thị trấn có cái bên ngoài lớn bé, nhưng tự nội và thực chất vẫn là người. Người ở Lào, ở Vạn Tượng, là con người thong dong thư thái và hiền dịu nhất tôi đã gặp. Chỉ cần một cái đẩy mạnh, họ hòa tan vào không khí, vào lá nắng và rừng sâu. Những người Việt lên ở đấy lây theo tính mộc mạc chân tình. Vạn Tượng trả cảm giác tôi về với Huế. Huế lớn lao khi tôi đến ở những năm 6, 7 tuổi. Nhưng Huế bỗng nhỏ nhắn khi tôi đi xa qua những tinh cầu thị trấn khác trên mặt đất mông lung.
Ở Vạn Tượng tôi gặp lại Tôn Thất Kỳ. Anh có chiếc xe Volkswagen trắng mới toanh. Một đêm anh chở tôi đi trong bóng tối mù mịt. Chốc chốc vài ngọn đèn treo, thả lẵng sáng tiêu sắt vào trong hao hụt. Xe đổ trước một nhà sàn, tiếng Kỳ vọng kêu bà Năm. Lời đáp rạc rời : đóng cửa rồi ông ơi ! khuya rồi ! Lúc ấy Kỳ mới giải thích, mình tính dẫn cậu hút chơi một tẩu thuốc phiện. Tôi bật ngửa người chưa kịp phản ứng, thì đầu óc chợt nhớ Nguyễn Tuân. Hai chúng tôi cùng thích văn Nguyễn Tuân. Biết đâu Kỳ không muốn mở lại cánh cửa sổ còn mờ nhạt bóng một kẻ tài hoa cô lụy ?
Thời cư ngụ đường Paul Bert, vài khi ở trường về, tôi hay leo tường nhìn sang nhà hàng xóm. Một người đàn ông mặc áo the nát, gầy nhom nằm bẹp trên phản gỗ. Cạnh ông ngọn đèn dầu lạc bẩn cáu ánh khói. Ông vân vê dọc tẩu, rít hơi, rả người vào làn khói bâng quơ. Mắt lờ đờ bay bổng. Nơi căn phòng hắt hiu thinh lặng ấy, thỉnh thoảng một tiếng ho húng hắng không vượt nổi màn không gian câm lạnh nhờ nhờ. Chỉ tiếng kêu the thé một người đàn bà Bắc vọng lên nơi sân ngoài khứa cắt cõi âm âm. Người đàn ông duỗi dài thân xác mình tới vô tận thời gian trong hộp không gian cách ly. Lâu lâu thêm một hai bạn hút chen chúc vào thế giới đáy tầng, biến căn phòng thành điểm chợ của những tứ chi quờ quạng.
Mặc thế giới bên ngoài dồn dập tiếng phi cơ B.29 cùng những tin tức thế chiến hai sôi động. Tấm mành đung đưa theo tim bấc ngọn đèn dầu lạc ở cửa vào là lá chắn thế sự. Phải chăng tôi là người độc nhất có thể đưa luồng thông tin đột kích. Nhưng đôi mắt tôi lặng thinh và trí tưởng tôi mơ hồ.
Cũng tại Vạn Tượng, một ông chủ hiệu sách người Việt đã tặng tôi toàn bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ. Số là hồi đó có dịp ghé Nam Vang theo lời mời của Hoàng thân Sihanouk, mỗi đêm tôi đều mua một tờ báo Việt ngữ do nhà nước Kampuchia xuất bản. Hình như tờ báo do Hoàng thân làm chủ nhiệm chủ bút. Nhưng một bộ phận khác biên tập. Báo lạ lùng. Bài viết ở trang đầu gồm xã luận và tin tức ngày nào như ngày ấy ca ngợi tình hữu nghị Kampuchia Việt Nam. Nhưng trang hai đăng toàn những bài viết hằn học, bêu xấu tính tình gian xảo của người Việt, «cần tiêu diệt chúng như dí vào đầu kiến». Đọc xong vài số tôi không còn muốn tiếp tục thứ cơm mới chuyện cũ. Thế nhưng khi báo phát hành vào lúc nửa khuya, tối nào tôi cũng mò xuống phố mua một tờ. Lật vào trang ba đọc feuilleton Tiếu Ngạo Giang Hồ. Những chiêu thức Phong Thanh Dương dạy võ công cho Lệnh Hồ Xung lôi hút vô song. Tôi khám phá Kim Dung trong trường hợp bất ngờ như thế. Sang Vạn Tượng nghe có hiệu sách Việt, nên cố tâm đi lùng mua. Vừa kể xong cuộc khám phá ở Nam Vang, ông chủ hiệu sách người Gia Hội, liền đem bộ sách 15 cuốn tặng tôi. Nằn nỉ thế nào ông cũng không khứng nhận tiền.
Bây giờ Vạn Tượng đã xa. Chiến tranh mấy bận, hiệu sách ấy còn không và người chủ thanh nhã kia bây giờ ở đâu ? Riêng Tôn Thất Kỳ phiêu bạt tới California, ngày ngày ngồi chiêm nghiệm câu thơ «Đoạn bồng nhất phiến tây phong cấp».
Bây giờ tôi vừa đến Dharamsala. Một đoạn đường mới. Một cuộc đời khác.
Khách sạn Tibet nơi tôi cư ngụ có bảng yết trong mỗi phòng như sau : « Khi đi vắng hoặc ban đêm, xin quý khách nhớ đóng cửa sổ. Vùng này có nhiều khỉ». Gay cấn ở chỗ trời oi bức trên 40 độ, không có máy điều hòa, lại phải đóng kín cửa khi ngủ ư ? Một anh bạn ngoại quốc than với tôi rằng hoa trái anh mua ăn chưa xong đã mất. Tôi liền chỉ tấm bảng, anh ồ một tiếng mừng rỡ : May thật, tôi cứ nghi nghi ngờ ngờ, chả lẽ người dọn phòng lấy chăng ? May thật !
Khỉ ở với người. Và người tin người. Bài học thứ nhất ở Dharamsala.
Thị trấn ở đây đông đúc người Âu Mỹ. Nhưng ít xi lô xi la như các nơi. Họ có mặt như một sự khước từ đời sống Tây phương. Ăn chay, đi chân đất, mình quấn mảnh lungi hay sa-rông, tay chống gậy đi rừng. Hành trang là gió và bụi với bị vải nhẹ thênh. Gái trai già trẻ, họ kéo nhau ngồi la liệt chuyện vãn lúc đêm về suốt con đường Baghsu. Họ tụ tập về đây học Phật, chờ nghe Đức Dalai Lama ban những thời pháp thường niên. Có người mới đến, người đã ở một, hai năm.
Trái đất bé nhỏ, hôm ở Tân Đề Li gặp một chị nữ người Pháp, sạch sẽ, tinh khôi, ngơ ngác hỏi đường. Chị tâm sự cả đời chưa bước ra khỏi ngỏ. Đây là lần đầu tiên ra ngoại quốc, đi xa tận Á châu. Đi cho biết. Thoắt một vài hôm sau, tôi gặp lại chị ở Dharamsala. Lần này miệng tươi cười nhí nhảnh, không rụt rè mấy hôm trước. Đi với một đoàn bạn người Âu vừa gặp. Chị bó người trong bộ trang phục Tây Tạng mộc mạc, gợi cảm. Cứ như người vừa về lại quê hương. Dọc đường tôi làm quen với một chị người Gia Nã Đại. Chị kể ba mươi tuổi đời rồi, hồi trước ngày nào như ngày ấy đến công sở làm việc. Một hôm tôi tự nghĩ, chả lẽ cả đời mình cứ đều đặn nhàm chán như quả lắc đồng hồ sao ? Thế là tôi ngưng hết mọi sự, bỏ việc và quyết định lên đường. Thoạt qua xứ Népal, leo núi tuyết Hy Mã, đi khắp miền Bắc Ấn, nay về ở Dharamsala. Cộng lại ba năm rồi. Hỏi đời sống tiện nghi, ăn uống dư thừa bên Bắc Mỹ không gây khó khăn gì cho chị ở đây sao ? Chị bảo hoàn cảnh nào con người cũng sống được, miễn tự mình biết vui thích. Thức ăn ở Ấn lúc đầu khó hợp, nhưng lâu riết cũng quen. Duy phải cẩn thận với nước uống thiếu vệ sinh ở đây. Có lần vì nước tôi bị kiết lỵ xuýt chết ở Népal. Bác sĩ, y tá đều bảo khó qua khỏi, thế rồi bỗng dưng lành sau ba tháng nằm bệnh viện. Một thanh niên Thụy sĩ, tôi gặp ở Bodhgaya sau này, cũng có cảm nghĩ tương tự. Anh bảo ôi chào ăn uống ở đây khó tránh bệnh lắm. Có tránh cũng chẳng khỏi. Mà không ai tránh được bệnh đâu, cứ bừa đi khắc quen. Đau thì đau có sao đâu, đau lâu cũng hết, tôi chẳng kiêng kỵ gì !
 Một hôm vào hạ tuần tháng sáu, tất cả các chùa Tây Tạng đều thỉnh đại hồng chung và thắp đèn sáng rực. Các chùa vừa được tin một người Pháp ở Paris tự thiêu cúng dường cho Tây Tạng sớm được giải phóng dưới sự lãnh đạo của Đức Dalai Lama. Mọi người cầu kinh siêu vãng. Hôm sau tất cả các hiệu buôn Tây Tạng ở Dharamsala đều đóng cửa ghi ơn và nguyện cầu.
Vào chánh điện trang nghiêm chùa Tsuglak Khang nằm đối diện dinh thất Đức Dalai Lama, tôi quán niệm trước vạc tường madala «Bánh xe thời gian» (Kalachakra). Bỗng thoáng lên trong đầu câu thơ của Vũ Hoàng Chương «Thơ cháy lên theo với lời Kinh» (1). Thơ không viết xuống, thơ không ngâm lên, thơ không in ấn... Thơ cháy lên ! Và cháy lên theo với lời Kinh !
Thơ là Kinh.
Và Kinh là Ánh sáng. Ánh sáng huy hoàng của thế kỷ XX bùng lên vào ngày 20 tháng Tư năm Quí Mão (11.6.63) tại thủ đô Saigon.
«Không khí vặn mình theo
«khóc òa lên nổi gió !
...
«Ôi ngọn lửa huyền vi
«Thế giới ba nghìn phút giây ngơ ngác... (1)
Ấy cũng bởi nước không còn : nước mất ; nước khô theo trái tim không máu, biến sông Hằng lung linh thành cơn lốc cát :
«Sông Hằng kia
«bởi đâu mà cát bay ? (1)
Cát bay đưa sa mạc lấn chiếm trần gian kiều diễm ? Kẻ tỉnh thức  - Bồ tát -  làm gì trước cuồng phong đang hái rụng từng chùm nhân thế ?
«Gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ
«Phật Pháp chẳng rời tay. (1)
Để làm gì ? Để làm gì ? tiếng kêu vọng từ bên kia trời phương Tây thực dụng. Bên này bờ Đông phương không đáp,
«Ngọc hay đá,
«tượng chẳng cần ai tạc
«Lụa hay tre,
«nào khiến bút ai ghi.
«Chỗ Người ngồi :
«một thiên thu tuyệt tác
«trong vô hình
«sáng chói nét Từ Bi (1)
Nghệ thuật đã vượt nghệ thuật bước vào dòng Linh thức luân sinh, hóa thân thành Từ Bi lân mẫn. Lịch sử sụp đổ, vì lịch sử là chuỗi vô thường biến động kéo lôi người vào thác loạn, khổ đau
«Rồi đây,
«rồi mai sau còn chi ?
«Ngọc đá cũng thành tro
«Lụa tre dần mục nát
«với Thời gian lê vết máu qua  đi...  (1)
Thời gian hủy diệt. Thời gian như Thần chết, cái ngốn ngấu tất cả. Thời gian còn bị siết trong vòng tay của Thánh Mẫu Kâli đen. Thời gian chưa tái tạo. Thời gian chưa là nguồn dưỡng nuôi sự vật, động cơ phiếu diễu của Niềm Người, dòng chảy mát Luân Sinh.
Trên hỗn độn của lịch sử, tưởng mọi sự sẽ hư vô. Nhưng không
«Còn mãi chứ !
«còn Trái-Tim-Bồ-Tát
«gội hào quang
«xuống tận ngục A Tỳ. (1)
Giông bão lắng, khi Trái tim Bồ tát siêu thăng. Thơ theo môi bật tiếng. Dù người thơ biết «vần điệu của thi nhân chỉ còn là rơm rác» (1). Nhưng thi sĩ
«chỉ nguyện được là rơm rác !  (1)
Ai biết làm rơm rác, kẻ ấy thành đại ngàn. Bởi
«THƠ cháy lên theo với lời Kinh !1
Thơ không lưu vết. Thơ là Kinh. Kinh là Ánh sáng, khiến «muôn vạn khối sân si vừa mở mắt»(1). Kinh không xin, không cầu, không nguyện ước cho riêng mình. Kinh để
«tụng cho Nhân loại hòa bình
«trước sau bền vững tình Huynh đệ này».  (1)
 
 
2.
Sau ngày hồng quân Trung cộng vào xâm lấn Tây Tạng năm 1959, Đức Dalai Lama cùng với chính phủ của ngài sang lánh nạn trên đất Ấn ở Dharamsala. Công việc đầu tiên họ thực hiện là bảo tồn nền văn hóa truyền thống. Xây dựng đoàn kịch múa dân tộc ; thiết lập xưởng vẽ, xưởng mộc, xưởng đúc... để bảo lưu nền nghệ thuật tôn giáo. Phật giáo Tây Tạng theo tông Kim Cương thừa (Vajrayana), cũng gọi là Mật tông, một tông phái Đại thừa phát triển sau thời Bát Nhã và Pháp Hoa. Mật tông dùng phép tu huyền bí như linh phù, mật chú, ấn quyết. Nên những bích họa Mạn Đà La (Mandala) trên tường chùa hay trên các bức vải treo (Thangka) là một nghệ thuật hội họa sống động và linh thiêng. Các biểu đồ muôn hình vạn trạng này tập trung trong các khối vuông, tròn, thể hiện trí năng và hoạt dụng tràn lan vũ trụ, giúp thị giác thiền định và khai mở Giác ngộ. Tôi dám nghĩ rằng hội họa hiện đại và tiên tiến của Tây phương, như trường phái Kandinsky, đã chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật siêu linh Mandala của Tây Tạng. Hệt như trường phái Ấn tượng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã chịu ảnh hưởng của hội họa Nhật Bản.
Sự thác loạn trong mỗi tâm hồn người sẽ được lắng yên và cường dũng khi đối diện trong quán niệm Mandala hay Thangka. Chúng là những bậc cấp dẫn lộ, tiếng thức tỉnh gọi kêu lên đường trong thế giới thụy miên. Dù lắm khi ta gặp các hình ảnh địa ngục, các bộ mặt Târa dữ dằn như Quỷ sống. Thế nhưng Târa  - Kẻ cứu độ -  đều là hóa thân từ giọt nước mắt của đức Quán Thế Âm. Tùy cơ, tùy lý mà Târa tùy hình hiện thân cứu độ, như ông Thiện ông Ác ở các chùa viện nước ta. Târa có cả thảy 21 hóa thân qua các thuộc tính, tư thế thân thể và màu sắc rực rỡ khác lạ.
Nghệ thuật vẽ tranh Tây Tạng chi ly nhưng siêu thực, linh thiêng mà hiện đại. Nó là cỡ cách của tâm hồn trong bao bì thân thể.
Cơ hồ như thu dẹp hết mọi Mandala, Thangka, thì giống nòi Tây Tạng sẽ diệt vong. Chắc vì thế mà khi vừa đặt bước chân đầu lưu vong, Đức Dalai Lama mở ngay các xưởng vẽ để lưu truyền sắc màu bí ẩn cùng tinh ba của trí tuệ.
Lưu vong không là chiếc túi cẩm nang, mà là bộ nhớ teo dần theo năm tháng. Tựa da mặt người người lưu xứ đổi thay trước gương soi tuổi tác. Chẳng mong chi các thế hệ kế tiếp chịu sao chép thần trí hay tinh hồn dân tộc. Hơn thế, chả lẽ văn hóa chỉ là bản sao một sự dừng đứng, thoái trào về quá khứ ? Quá khứ vàng son thế nào chăng, vẫn là quá khứ, cái qua rồi, một thời đã liệt sức bình sinh.
Bài học Tây Tạng dạy chúng ta sức sống hiện tiền và oanh liệt của một giống dân. Vừa giữ bản sắc truyền thống, vừa phát huy trong sinh lực mở đường theo xu thế hướng thiện của toàn cầu.
Tôi thầm phục lúc đến thăm Norbulingka, trung tâm bảo lưu nền văn hóa tâm linh qua các xưởng vẽ, xưởng mộc, xưởng đúc, xưởng may dệt, thủ công nghệ. Có người nói với tôi nền nghệ thuật này đang dần dà hủy diệt trên quê hương Tây Tạng trước làn sóng duy vật tràn theo gót Hồng quân xâm lược.
Bảo lưu chưa đủ, còn phải đào luyện thế hệ trẻ. Tôi gặp rất nhiều thanh niên Tây Tạng tốt nghiệp từ những đại học nổi danh Âu Mỹ. Họ thu thái nền học thuật tiên tiến của thế giới. Nhưng với căn bản văn minh Tây Tạng, họ thực hành tài tình cuộc dung hóa Đông Tây để đẩy xã hội cổ truyền trên đỉnh tuyết xuống hòa nhập với cuộc sống mới của nhân loại. Chẳng những thế, Phật giáo Tây Tạng đang là động lực khai thị cho thế giới loạn tưởng ở phương Tây. Sau thời kỳ dẫn nhập của Phật giáo Nhật Bản, Phật giáo đang hoằng dương ở phương Tây ngày nay là Phật giáo Tây Tạng.
Ít khi nhân loại chứng kiến sự thuyết phục ôn hòa và quyến luyến như khi nhìn nụ cười và nét mặt sáng rỡ của Đức Dalai Lama. Một Tăng sĩ có danh hiệu Phật sống, người đã đắc pháp, có trình độ tu chứng nhẫn nhục, tinh tấn và hoàn mãn. Lời ngài thuyết giáo lắm khi không quan trọng bằng pháp thân ngài tỏa chiếu một làn sóùng diệu hiền khai ngộ vào tâm thức ta. Ngài không nuôi mộng lập giáo hay làm tổ sư. Ngài có đủ một cách tự nhiên cái nằm ngoài những danh hão ấy. Ở ngài, thân giáo, khẩu giáo, ý giáo giao hòa thành bài thuyết pháp bình dị nhưng siêu thần. Ít Tăng sĩ Á châu nào có pháp lực cao cường, đạt sức thu hút và thu phục những đệ tử Tây phương nổi danh trong mọi lĩnh vực điện ảnh, văn nghệ sĩ, triết gia, khoa học, đại học như thế. Non trăm cuốn sách của các tác giả quốc tế viết về những vấn đề nhân sinh nóng bỏng sau cuộc chuyện trò đối thoại với ngài. Ở ngài, không còn là những cuộc Pháp thoại rù rì kinh viện, làm dáng cải lương, nói năng theo luân lý sơ đẳng của thiện - ác, hạnh phúc - khổ đau thường tục, a dua cùng thị hiếu của thiểu số trưởng giả phương Tây, những kẻ đi tìm sự an tĩnh chốc lát cuối tuần hay các kỳ lễ nghỉ. Nhưng lại đánh mất yếu tính giải thoát tối hậu của Đạo Phật trong tâm linh và giữa cõi đời.
Đạo Phật Tây Tạng thẩm thấu và hoán chuyển tâm thức Tây phương như ngọn kiếm trí năng của Bồ tát Văn Thù vừa chặt đứt từ gốc rễ thác loạn ; như ngọn hải triều hùng vĩ cuốn phăng những đợt sóng lăn tăn ẻo lả.
Anh Tsultrim Palden, tốt nghiệp đại học Havard, trình bày cho chúng tôi nghe về cuộc đấu tranh giải phóng Tây Tạng. Anh không mất thì giờ đề cập sự vô nhân và độc tài của chế độ cộng sản Mao-ít, điều ngày nay chẳng còn ai cần thiết nghe chứng minh. Anh trình bày sự khai thác lâm sản của Trung quốc làm ô nhiễm môi sinh ở Tây Tạng. Anh trưng các số liệu thống kê. Người nghe đau đáu tâm can trước hiện trạng thú hiếm bị tiêu diệt, nạn phá rừng nguy kịch đang thay đổi toàn bộ sinh thái trong lành quê hương anh. Chi tiết làm rùng mình kinh hãi nhưng ít nghe ai nhắc nhở : 85% nguồn nước mà nhân dân châu Á dùng, 47% nguồn nước phục vụ toàn thế giới, đều đổ xuống từ thượng nguồn Tây Tạng. Hãi thật. Điều này có nghĩa rằng, người cầm quyền sinh sát nhân dân châu Á và nhân dân thế giới là người chủ chiếm đóng Tây Tạng ngày nay  - Trung cộng. Một nắm độc dược, các phế thải hóa chất, v.v... vứt trên nguồn nước chót vót trời cao kia sẽ gây nhiễm hay chết chóc các trường giang, sông lạch mà 85% người Á châu đang uống,  45% nhân loại đang dùng !
Chính nghĩa thôi chưa đủ cho mọi cuộc đối kháng, vì còn cần nội dung văn hóa và kiến thức. Hóa ra phương trình «Giác ngộ phá Vô minh» thật gọn và minh xác.
Tất cả những người Tây Tạng tôi gặp, từ Tăng sĩ đến Cư sĩ, từ tiểu thương đến cụ già nội trợ, chỉ cần thốt lên với họ hai chữ Free Tibet ! (Giải phóng Tây Tạng) là ta mở toang cánh cửa tâm hồn đóng kín tận thâm tâm. Trên các bộ mặt trông như đá tảng nghìn năm, liền nở nụ cười hân hoan chất phác như một vòng tay huynh đệ siết lấy ngực ta. «Giải phóng Tây Tạng», mật ngữ mang thần lực tập họp và kết đoàn người Tây Tạng. Khác xa với từ ngữ «Chống Cộng» hay «Bọn phản cách mạng» trong xã hội người Việt.
Kể cũng lạ. Một dân tộc sống trên đỉnh tuyết miên viễn, cách biệt nghìn trùng với thế giới, với kỹ thuật. Mười mấy thế kỷ ròng vùi mình giữa bùa chú, linh phù, tiếng chập chõa với tù-và xương quyển... Thế mà bỗng dưng  họ thích ứng tài tình với thời thế. Vừa làm chính trị hay, vừa truyền đạo giỏi. Truyền đạo giỏi vì họ tu thật ? Làm chính trị hay vì họ không làm chính quyền ? Họ tu và họ sống. Họ hiện hữu để sống Chân Thật và bảo vệ tính Chân Thật.
Phải chăng họ thấm nhuần đạo Phật hơn những giống dân khác ? Họ nắm bắt Tính Không như chỏm núi quơ mây ? Họ đặt đúng bước chân vào con đường Trung Đạo ?
Trong khi hầu hết mọi người hiểu «Không» (Sunyata) trên phương diện thời gian, người Phật tử Tây Tạng hiểu chữ «Không» tuyệt đối theo truyền thống Đại thừa ?
Người Việt hay quen miệng ta thán : Có đó rồi không đó ! Câu ta thán rủ rê theo một loạt chán chường, tụ thủ, ù lì, bất lực. Đời như giấc mộng lớn, có đó rồi không đó, làm chi cho mệt ! (Xử thế nhược đại mộng, hồ vi lao kỳ sinh). Câu viết của một hiền nhân Tàu ghi ra trong một tâm thế khác, trong một tri thức khác, lại được người Việt ta biến chất đem dùng để khoe chữ và che giấu sự ươn hèn).
Phải lắm. Thân ta bây giờ đang hiện hữu, nhưng mai kia sẽ chết. Hiện tại có, tương lai không. Có đó rồi không đó. Tính Không (Sunyata) được giải thích như vậy chỉ là «Không» trên phương diện thời gian. Chứ chưa là «Không» tuyệt đối trong Đại thừa giáo. «Không» tuyệt đối (Sunyata) là «không» ngay ở nơi hiện hữu. Bởi vì mọi hiện hữu chỉ là giả hợp. Mọi danh xưng chỉ là giả danh. Mọi hiện hữu, mọi cái có mà ta thấy, sờ mó hay cảm nhận, đều được lập thành từ nhiều yếu tố (duyên). Không có tự thể nào riêng biệt, vĩnh hằng. Đống cát kia do những hạt cát kết nối làm nên. Cuồng phong thổi qua, đống cát không còn là đống cát, đống cát tan bay. Xuống tới một hạt cát lẻ loi cũng vậy, thuyết vật lý nguyên tử cho biết chẳng có phân tử nào cô lập, riêng biệt mà hiện hữu. Kinh Kim Cang (Vajrachedikasutra) diễn tả thơ mộng qua bài kệ : «Mọi sự tồn tại (các pháp hữu vi) đều như mộng, như huyễn, như bọt nước, như bóng, như sương móc, như điện chớp. Hãy quan sát như thế!».
Đừng quên câu cuối rất quan trọng : Hãy quan sát như thế ! Hãy quán chiếu như thế, hãy lắng sâu vào đáy thức bất tận, để đặt trái bom hạch nhân làm nổ tung lối suy nghĩ trói tay, lối suy nghĩ tù trí, lối suy nghĩ thường tục, kẹt lối, nhị nguyên vô vọng. Nói theo ngôn ngữ nhà văn Mỹø Salinger, là «Hãy mửa quả táo ra !». Mửa ra khỏi lòng dạ mọi mặc cảm tội lỗi hay vô minh che ám. Quan sát, quán chiếu, lắng sâu vào sự thật hiển nhiên : «Mọi sự tồn tại (các pháp hữu vi) đều như mộng, như huyễn, như bọt nước, như bóng, như sương móc, như điện chớp».
Quán triệt được như thế, một sinh thức mới, một hành động mới hiện lên trên chân trời Giác Ngộ.
Không chịu quán chiếu, mà chỉ giải thích bâng quơ, rằng mọi sự là «không», mọi vật đều «giả danh», mọi sự đều mộng, huyễn, bọt nước... dễ đưa tới tác phong vô vi, lánh đời, tụ thủ bàng quan. Quán chiếu (quan sát rốt ráo) là vượt thắng cái nghĩa đen tiêu cực chưa khai mở của sách vở, để bước chân vào đường lớn của Trung Đạo.
Căn bản tuy «không», tuy «giả hợp» và «giả danh», nhưng kẻ đạt tới Trung Đạo là người dấn thân làm hết mọi việc. Kẻ ấy không chấp trước (cột dính vào) quả báo khi hành động -- bởi các tướng đều hư vọng. Hành động như thế là bộc lộ ý nghĩa thâm huyền của Kinh Kim Cang: «Ưng vô sở trú như sinh kỳ tâm» (không bám víu vào bất cứ đâu hay chỗ nào khi phát tâm).
Từ đó, làm tất cả mọi việc mà không thấy mình làm. Cứu độ muôn loài mà chẳng thấy ai được cứu độ. «Không thấy mình làm», «chẳng thấy ai được cứu độ», nói lên tinh thần Vô Ngã. Chứ không là vấn đề chính danh hay số lượng toán học.
Tuyết thiên thu và đạo Phật khai phóng đã tôi luyện nên giống nòi Tây Tạng trên bước đường Trung Đạo chăng ? Dù sao, căn bản văn-tư-tu đạo Phật nghìn đời liên tục của người Tây Tạng đáng cho ta suy gẫm về hiện trạng dao động, loạn tưởng, thất tán của nhiều Phật tử Việt ngày nay.
Mỗi buổi sáng tinh thơ tôi ghé thị trấn McLeod Ganj vào tiệm Amdo Cha-chung gọi một cốc trà gừng.  Nhớ Huế. Nhớ bát chè Truồi vàng trong như sắc vàng tranh Lê Phổ. Huế mà cũng là Quy Nhơn. Thuở nhỏ có thời tôi ở Cầu Đôi nơi căn nhà ông bà Ngoại. Nơi đó có núi, con tàu suốt, có lò gạch và lò đường. Những táng đường màu nâu sẫm ngọt xớt tính thèm thuồng trẻ nít. Nước bọt không đủ làm tan cơn khắc họng. Con tàu suốt từ Huế vào, chạy xình xịch cuối bìa vườn của Ngoại. Tiếng vọng va vào núi thẳm, đến cùng với tiếng còi thúc giục gọi không gian tránh xê ra. Trên con tàu suốt ấy chúng tôi chỉ đợi một người. Người ấy là dượng Pháp. Lũ trẻ chúng tôi tuôn cỏ nhảy tràn về phía con tàu đang quay bánh thản nhiên. Như một nghi thức, mỗi chuyến tàu qua dượng Pháp nhoài người vất xuống một bó chè Truồi xanh ngắt, trùng điệp vào cỏ lá cây đồi. Nhưng bó lá rong du vô cảm kia gây sóng sảnh tâm hồn ngây dại chúng tôi.
Bây giờ Huế có còn không những bà bán nước chè Truồi cho những bác phu xa và kẻ qua đường khi hè tới ? Bát chè bốc khói dưới nắng nung trên từng hạt mồ hôi lăn ngọc, đậm vị giải khát và tăng cường cơn sảng khoái. Nhưng rất dễ say mòng với ai chưa quen, như số người lần đầu hút điếu thuốc vấn Cuba khổng lồ.
Tiệm Amdo Cha-chung nằm trên tầng thượng lộ thiên. Nắng gắt bổ xuống đầu. Tôi chọn chiếc bàn đối diện dãy Hy Mã Lạp sơn tuyết phủ, hiện sửng trên nền trời sau rặng núi chập chùng quanh Dharamsala. Vài nõn mây trắng leo hoài lưng chừng sườn không thấu đỉnh. Dưới thung lũng những chỏm nhà mái đỏ ẩn vào sương sớm. Trên cao trời xanh ngắt. Những con ó bay lượn kiếm mồi, chốc chốc lao sà xuống trũng sâu quắp chuột.
Chợt nhớ câu thơ Huy Cận cực hay : «Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa». Sa là rớt, là rơi. Nhưng không rơi đứng mà xế nghiêng, vì cánh chim chao nghiêng như thi sĩ báo hiệu. Không khí cùng gió thường đỡ thân chim bay bổng dưới cánh đập. Song chiều buông sa, hoàng hôn nặng bóng đè lên cánh. Sức nặng của bóng tối thật u trầm. Chim cố đỡ vẫn khó trả về cho đất mảng nắng trưa nồng cháy. Đêm tan loảng vừng hào quang người.
Chim, cánh, tư thế trên màn chiều..., những chữ nghĩa thơ. Song thơ không ở riêng đấy. Thơ hiện ra trong chớp mắt nơi Bóng chiều với tất cả dáng vóc của nó. Chẳng phải chiều đâu, mà là bóng của chiều. Bởi thế mới có sa, có ngã xuống, xế nghiêng từ lòng trời chạng vạng.
Bây giờ mỗi sáng, đàn ó chao lượn duới mắt tôi không nặng cánh hoàng hôn, mà cứ lênh trên tầng gió. Chim sà theo ý lực kiếm mồi, không là cánh chim thi sĩ sa theo bóng chiếc chiều hôm.
Cốc trà gừng là giọt nắng đọng giữa trùng núi bạt ngàn. Ba khối vàng tươi quấn quyện. Đáy cốc một lớp mật ong óng ả. Màu nước chè trong suốt bên trên. Thêm đôi lát gừng đập dập. Người dọn bàn lẳng lặng đưa tới, nhưng khách chủ đều hội ý cho động tác khuấy nhanh thành cốc nắng mượt mà.
Vị ngọt chen qua hớp đầu vừa ngụm, tới thanh quản bốc mùi gừng, vào đến bụng trà khởi sự tọa thiền. Từ phổi thở ra niềm vui thanh thoát. Cứ thế từ từ, ung dung hớp đến cạn ly. Người lâng tỏa ra mây, ra gió, ra hư không thi thiết. Người ngút vào lòng núi. Âm thanh, màu sắc đổ rót vào nhau đón mừng.
Cảm từ mỗi hạt máu trong người những triêu dương chuyển động.
(trích đọan)
 
Thi Vũ
 
1.      Lửa Từ Bi, thơ Vũ Hoàng Chương, trích từ "Chúng ta Mất Hết, chỉ còn Nhau", NXB Rừng Trúc, Paris 1974
 
Đọc thêm của Thi Vũ tại http://www.gio-o.com/ThiVu.html













.