Cuộc Tri Âm Của Ngôn Ngữ

đọc Cao Bá Quát  Giữa Hồn Thiêng Sông Núi
của Tường Vũ Anh Thy, Ức Trai xuất bản, 1985

 Lê Thị Huệ

Đây không phải là thế giới quen thuộc của đám đông. Thân thế của Cao Bá Quát không phải là thân thế chung của nhiều người. Cao Bá Quát, một ông quan, một trí thức bị xử trảm, một thi sĩ cuồng tâm, một thiên tài lỡ vận… Thế giới của Cao Bá Quát, con người và thi ca của ông khó để mà chia sẻ bởi độc giả số đông. Con người ấy, thi ca ấy là để ngưỡng mộ, để nghiên cứu, để trang trí văn học.
Bởi vì không phải ai cũng làm cái công việc này. Và không phải ai cũng có thể nghĩ ra những điều như sau:
Thế sự thăng trầm quân mạc vấn
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu
Vắt tay nằm nghỉ truyện đâu đâu
Đem mộng sự mà đấu với chân thân thời cũng thế
Duy giang thượng chi thanh phong, dữ sơn gian chi minh nguyệt
Kho trời chung mà vô tận của mình riêng.
Thế nhưng đọc tác phẩm của Tường Vũ Anh Thy, Cao Bá Quát Giữa Hồn Thiên Sông Núi (Ức Trai xuất bản năm 1985). Những ấn tượng nói trên bỗng thành ra điều ta muốn xét lại. Thế giới thi ca của Cao Bá Quát, con người ấy bỗng trở nên gần gũi với chúng ta. Nhất là giữa bối cảnh chung thân khổ sai tỵ nạn. Tình thế đất nước và định mệnh của nhiều người Việt Nam hiện nay. Người đọc sẽ tìm thấy nhiều tâm tình tưởng là của riêng Cao Bá Quát mà lại hóa ra của cung. Có phần mình trong đấy.
Tác phẩm Giữa Hồn Thiêng Sông Núi mở những cánh cửa vào cuộc đời và thi ca của Cao Bá Quát. Tác giả Tường Vũ Anh Thy đã làm công việc móc nối cái “vô tận của riêng mình” của CBQ vào cái “kho trời chung” của mọi người. Sách chia làm ba phần. Gồm những phân đoạn với những cái tựa rất văn chương như : Mai Hoa Kiếm, Bài Kệ Uống Trà, Thơ Vẫn Bay Giữa Hồn Thiêng Sông Núi, Tim Vẫn Say Trong Sông Núi Hồn Thiêng, Bài Hùng Ca Khập Khễnh, Tiếng Hát Giữa Rừng. Cuối sách có phụ bản phần viết chữ Nho.
Đây không phải là một quyển sách biên khảo thông thường mà là một tập bình thơ đầy sáng tạo. Một lối giảy bày nỗi lòng lên giấy bút rất kiểu Việt Nam. Ở phần bạt, tác giả nhìn nhận là:” Vì chỉ là tiếng lòng đồng vọng nên sách không mang hình thức biên khảo mà chỉ chứa những suy tư, những cảm hứng từ một cõi riêng chung…”
Với lời dẫn lối này, độc giả sẽ đi vào tác phẩm bằng một tinh thần thưởng ngoạn ít ước lê hơn. Độc giả sẽ đọc được hai phần sáng tạo trong một tác phẩm. Một của Cao Bá Quát và một của Tường Vũ Anh Thy.
Ngoài những bài thơ chữ Nôm của Cao Bá Quát đã nổi tiếng, độc giả thông thường có lẽ không quen thuộc với những bài thơ chữ Hán của Cao Bá Quát. Đến đây Tường Vũ Anh Thy đã làm công việc đưa những bài thơ của Cao Bá Quát đến gần với độc giả hơn bằng cách diễn “Nam” ra. Những bài thơ chữ Hán đã được thông dịch lại với lời giảng giải của Tường Vũ Anh Thy. Vì vậy khoảng cách giữa độc giả và tác giả Cao Bá Quát bị phân cách bởi hàng rào Hán học được tháo gỡ. Độc giả sẽ bắt gặp một tâm hồn Cao Bá Quát rất gần gũi ở giọng điệu buồn bực, ngang tàng, bị dồn bị đẩy vào chân tường, liều mạng, cóc cần, dễ nổi giận, và hơn hết có lẽ là lơ mơ thi sĩ.
Tôi gọi là “diễn Nam” vì quả thật phần sáng tác của Tường Vũ Anh Thy là phần khá lôi cuốn của tác phẩm. Tôi gọi là chữ Nam vì nó quả là chữ Nôm cộng thêm thời gian từ thời Cao Bá Quát 1843 cho đến thời Tường Vũ Anh Thy 1985.
Hãy đọc nguyên tác thơ của CBQ thời đấy:
Tạc dạ phong há thiên khuyết
Bạch lộ, thanh sương sảo xâm cốt
Nhan sinh hội ngộ an khả thường
Hữu tửu thả ẩm Trà giang Nguyệt.
Nghe cứ như là tiếng ngoại quốc !
Và hãy nghe tác giả Giữa Hồn Thiêng Sông Núi diễn Nam:
“Hình như từ đêm qua, gió vàng đã thổi hiu hắt từ trời cao. Móc trắng, sương mù vần vũ làm buốt lạnh tận xương gân. Cái mùi lạnh ngai ngái của biệt ly. Người thật dễ dầu gì được gặp nhau luôn. Mây sớm với trăng tà. Cuộc đi biền biệt. Hãy uống. Sẵn rượu đây hãy mời Trăng sông Trà.”
Trong một đoạn suy diễn từ tâm sự của Cao Bá Quát những ngày bị giam cầm. Tác giả Tường Vũ Anh Thy đã cho độc giả đọc được những giòng văn xuôi hấp dẫn như sau:
Suốt đêm, một mình một bóng, ông vẫn ngồi như mọc rễ xuống nhà giam. Đó là cái phàm thai của một người bị khước từ, hay cái xác một nhà thơ vẫn nồng nàn yêu con người, yêu trời đất yêu quê hương? Hồn ông mơ về nơi thành khuyết. Mơ về nội cỏ rừng sâu. Hỡi ơi! Ta là ai giữa rừng sâu trái chín? Ta là ai trong phố cũ hè xưa? Đâu là cái bản lai chân diện mục?  Đâu là cái hình hài không có, có không? Nhìn xuống cái gông cái cùm lại dâng niềm sầu thảm. Khóc cho lệ ứa đầu trăng, cho lệ chan đỉnh núi, cho cạn máu sông dài. Trong tù, thỉnh thoảng cũng có người đến lân la quán khách. Cũng biết ngâm biết đọc, biết tọc mạch tò mò ông trời xanh với bà trời trắng. Thường đến hỏi chữ hỏi nghĩa ông. Một người đang bị tù vì chữ nghĩa !”
Chữ nghĩa dồn dập. Tâm sự uẩn. Đâu là cái lôi cuốn của đoạn văn trên. Tâm sự của Cao Bá Quát hay cái khả năng phô diễn chữ nghĩa của Tường Vũ Anh Thy.
Hơn tất cả, ở đây là một cuộc tri âm ngôn ngữ. Một hồn thơ nầy đối ẩm với một hồn thơ khác. Cõi thi ca nầy gặp gỡ cõi thi ca khác.”Đời mấy kẻ tri âm” Đời có bao người hiểu được nỗi lòng tác giả gửi gấm trong tác phẩm. Không phải Bá Nha vào cũng gặp được Tử Kỳ. Tìm cho được một tri kỷ. Đập gương xưa tìm bóng chính là đây. Thấp thoáng đâu đấy trong tác phẩm ta bắt gặp nỗi niềm kẻ trước người sau hội nhập. Nỗi niềm của “những hồn thơ bị vây khốn”. Nỗi niềm thoát thai thành những chữ là chữ. Thơ vần hay văn xuôi thì tác phẩm Cao Bá Quát Giữa Hồn Thiêng Sông Núi cũng đã được đạt đến tận cùng men nồng văn chương của chính nó.
Tâm sự của Cao Bá Quát giống tâm sự của những ai trong chúng ta?
Ngày xưa có một người bị cuồng chân vì cửa quyền. Ngày nay cả một dân tộc bị cùm gông vì Cộng Sản. Ngày xưa có người kẻ sĩ quẩn chí. Ngày nay trí thức tỵ nạn lơ láo ở xứ người có cảm thấy cùng quẩn không? Người xưa ức quá chỉ biết làm thơ giải bầu tâm sự. Người nay há cũng thẩn thơ thơ thẩn vài hàng lên giấy cho vơi sầu đấy ư?
Thơ đã tràn ra lai láng. Tâm hồn thi sĩ đã được giải tỏa. Nhưng những tiếng la hống ấy có trả lời cho được thứ trách nhiệm tinh thần mà cõi thơ CBQ đã xoải mình thao thức. Thứ thao thức của những kẻ biết lẽ ra mình phải làm một điều gì đó cho đời. Cho những kẻ mà Cao Bá Quát đã kinh bạc xếp dùm túm lại trong cái “bồ” kia.
Chí làm trai ở trong trời đất
Không phơi gan bẻ cột giúp đời
Khoanh tay nhìn quỷ giết người
Mai về áo mũ bẩn đường quê hương
Cũng không chịu đối đầu tư tưởng      
Bút mài gươm quỷ dám ho he
Loanh quanh sớm tối nhà xe
Chết già gối vợ chèo queo xứ người.
 (Tiển Bạn Đi Nhậm Chức ở Thường Tín)
Ở cuộc tri âm ngôn ngữ này. Không có tiếng trả lời cho câu hỏi trên.
Nhìn vào hiện tình tiếng Việt tỵ nạn hiện nay. Mặt sáng tác có vẻ khá náo nhiệt. Nhưng phía nghiên cứu hãy còn phôi thai. Những công trình giá trị còn rất hiếm hoi. Những tác phẩm này vì vậy được đón nhận với rất nhiều mong đợi từ giới cầm bút. Nhất là những công trình biên khảo có tính cách tự lực và độc lập bằng tiếng Việt lại càng cần được cổ vũ hơn. Cao Bá Quát Giữa Hồn Thiêng Sông Núi của Tường Vũ Anh Thy được đón nhận trong tinh thần mong mỏi trên.
 
Lê Thị Huệ

Đọc thêm Lê Thị Huệ tại