Trích Từ Vở Nháp: Đi Tìm Thơ Hay

Ngu Yên 

  Đã nhiều lần tôi tự hỏi: Làm thế nào để làm một bài thơ hay? Đã nhiều lần tôi bỏ cuộc, không rốt ráo tìm câu trả lời. Điều gì đã khiến tôi dừng lại nửa chừng? Có lẽ nào một đầu bếp giỏi lại không biết thế nào là món ăn ngon? Nếu một bác sĩ giải phẫu mà không biết vị trí của ruột gan tim phổi ở đâu thì số phận các bệnh nhân sẽ ra sao? Tôi làm thơ đã gần 20 năm, đọc biết bao là sách viết về thi ca, về các thi sĩ nổi tiếng trên thế giới, sao tôi lại không có một câu trả lời dứt khoát, tự tin, thế nào là thơ hay?
Đúng, Sai thuộc về Chân. Xấu, Tốt thuộc về Thiện. Dở, Hay thuộc về Mỹ. Có người thợ nề già kinh nghiệm và tài năng thiên phú. Ông đo đạc bằng mắt rất chính xác. Chỉ cần nhìn thoáng qua, ông có thể cho biết chiếc tòa lầu chọc trời kia cao bao nhiêu, căn nhà nọ rộng bao nhiêu. Vậy mà ông không thể biết lòng sâu của biển. Dở, Hay thuộc về khả năng thẩm định mỹ học. Nhưng chính cái Mỹ lại là cái không một ai biết chắc chắn. Cái đẹp mơ hồ trong không gian, di động theo thời gian, khác nhau trong mỗi người, thay đổi theo từng thế hệ. Người ta biết có gió nhưng chưa thấy gió bao giờ. Chưa thấy gió nhưng người ta biết dùng gió trong nhiều lãnh vực, kễ cả việc thoải mái như hóng gió. Một người bỏ cả đời để đi tìm cái đẹp, được gọi là nghệ sĩ. Còn người bỏ đời đi tìm gió, gọi là ai?
Dùng đẹp để đo lường giá trị của thơ ca cũng giống như dùng không khí để đo lường sức nặng. Biết là có không khí nhưng làm sao dùng không khí làm đơn vị cân đo sức nặng của một người dù vẫn biết nếu không có không khí, sức nặng kia sẽ tan thành cát bụi. Dùng đẹp để thẩm định thơ hay hoặc dở là chuyện tương đối và chủ quan. Người ta có thể lên cung trăng rồi đến Hỏa Tinh. Sẽ tìm ra trăm ngàn ngõ ngách trong vũ trụ nhưng sẽ không bao giờ tìm được phương pháp vẹn toàn để xác định giá trị của nghệ thuật.
Mỗi ngày có trăm triệu người khen người khác hay và vài tỷ người chê người khác dở. Hay nằm trong cuống cổ. Dở nằm ngay đầu môi. Hay và dở cứ như thế tuôn ra một cách đại khái, tương đối, giả dối, vô trách nhiệm. Một bài thơ hay trăm bài thơ dở cũng được an bài như vậy. Sở dĩ hay ít hơn dở là vì người ta dễ đồng ý với nhau về dở nhưng khó thỏa thuận khi khen hay. Con người là sinh vật hẹp lòng với lý do chính đáng.
Nhà nào cũng có nóc. Nóc cao sẽ có nóc cao hơn. Trời thì cao vô tận, không ai biết ở đâu? Hay và dở ở trần gian chỉ tương đối thôi. Không cần phải nghĩ về cách nói đại khái, giả dối, giao tế, vô trách nhiệm và tối dạ. Hay và dở tương đối thường phát xuất từ lòng thành thật. Đáng tin cậy khi phát ra từ người có trình độ thâm cứu và có tài năng nhận xét phê bình. Làm thế nào để tìm ra người đáng tin cậy? Giống như tìm một người vừa là bác sĩ giỏi vừa là luật sư có lương tâm.
Lời nói là nguồn cội của thơ. Thơ là lời nói có nghệ thuật. Nói khoa học hơn, thơ là ngôn ngữ có kỹ thuật thơ ca để diễn đạt cảm xúc. Một người muốn nói hay, trước hết phải có điều gì hay để nói. Điều hay thì không cần kích thước, không cần trọng lượng. Chỉ cần thú vị, hấp dẫn, thuyết phục được người nghe. Muốn thuyết phục người nghe trước hết phải thuyết phục được chính mình. Người sáng tác phải thấy hay trước khi kể lại cho người thưởng ngoạn. Thơ cũng vậy. Có lắm bài thơ nằm nghiêng ngửa trên mặt giấy, rên la mà không nói được gì. Thậm chí không diễn tả được nỗi đau khiến thi sĩ rên la. Không có gì nói, đừng nói. Phim tàu bộ có câu rất hay: "Không nói, đừng sợ người ta nghĩ mình câm".
Nói hay là biết nói vừa đủ. Biết bắt đầu từ đâu, biết chi tiết nào đáng nói, biết lúc nào nên dừng. Nói ít quá như thơ Hài Cú, người sáng tác cần một trực giác bén nhạy, cảm xúc mạnh và cách diễn tả xúc tích. Nói nhiều quá như thơ trường ca, cần có sức rung động liên tục, dai dẳng kết hợp với  trí tuệ, tổ chức tư tưởng và cảm tình. Nhiều nhà thơ tây phương đồng ý với nhau, một câu thơ tiêu biểu là câu thơ dài bằng hơi thở bình thường. Một bài thơ viết  vừa phải, dài chừng một trang giấy. Nhưng có khi gặp nhau chỉ cần chào là đủ. Hai kẻ yêu nhau tha thiết không cần nói lắm lời. Một đề tài sâu sắc, trình bày vài tiếng đồng hồ vẫn thiếu. Thơ hay là thơ vừa đủ. Đôi khi thiếu vài điều cố ý, không nên dư, trừ phi cố tình.
Nói hay là nói với cả tấm lòng. Nói bằng đam mê. Nói vì lửa bốc cháy từ  trái tim, đun sôi tri thức. Người nói hay thường say sưa với điều họ đang nói. Chính sự đam mê ấy đã lôi cuốn người nghe. Nghe càng tán thưởng, kể càng say men. Bài thơ thiếu lòng đam mê  thường lộ liễu sự sắp đặt. Tình tứ không tự nhiên và sức giả dối lem nhem vào hình ảnh hoặc câu truyện thơ.
Người nói đam mê là người tin vào điều minh phát biểu. Sự phát biểu trơn tru nhờ kiến thức vững chắc. Sự phát biểu chính xác nhờ kinh nghiệm trải qua. Sự phát biểu sâu sắc nhờ tư duy lâu ngày. Bài thơ hay có một phần đời người hoặc có hình ảnh của một đời người sáng tác. Bởi vậy, thơ hay phát triển theo tuổi tác. Có người làm thơ hay lúc hai mươi rồi thơ không theo kịp tuổi đời, khiến cho lúc đã sáu mươi, vẫn làm thơ như thuở ba mươi lăm. Bệnh chậm tiến này thường thấy ở những nhà thơ quá yêu hình bóng cũ của minh. Hoặc sợ mất đi sự ngưỡng mộ của người đọc trẻ ngày xưa. Họ quên rằng người đọc cũng già theo họ. Tôi vẫn thường bật cười khi đọc bài thơ yêu đương kiểu trẻ do một cụ già mày mò làm theo tưởng tượng. Khác nào bà ca sĩ quá lục tuần vút lên tiếng hát...Em như cô gái vẫn còn xuân.....
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Không phải dễ gì viết một câu thơ bất hủ như vậy. Thời nào câu ấy vẫn đúng, vẫn hay, vẫn ngậm ngùi. Có bị cuộc đời đá lăn hộc máu, có bị tình trường hãm thân tuyệt địa, mới viết được câu Chữ tài liền với chữ tai một vần. Thơ hay mang kinh nghiệm se sắt của đời người. Không những là kinh nghiệm sống, còn là kinh nghiệm sáng tác. Những loại kinh nghiệm chung, đã là người trước sau gì cũng vấp, được nghệ thuật hóa vào thơ, sẽ trở thành công ngôn.
Thơ hay đi trước thời đại. Khi kinh nghiệm sống được tư duy đưa thành phóng ảnh, được cảm xúc thẩm thấu thành ý tứ thơ. Thơ ấy thuộc vào tương lai. Trực giác là mũi nhọn của cảm xúc. Người ta phải mất gần hai ngàn năm mới lên đến cung trăng nhưng trực giác đã dẫn chú Cuội đến đó từ lâu. Bài thơ chỉ quẩn quanh với quấn quít mân mê tà áo, với thương nhớ ơ hờ, với yêu ai yêu cả một đời, với những rung cảm nhai lại, với những cảm xúc thiếu trực giác, thơ ấy hay cũng vậy thôi. Đã nhiều thơ hay như vậy rồi.
Có lẽ quan trọng nhất là cách nói. Nói hay phần lớn tùy vào cách nói. Mỗi nhà hùng biện có mỗi cách chinh phục khác nhau. Không những mỗi nhà thơ hay có mỗi cách nói hay mà mỗi bài thơ hay đều có mỗi cách diễn đạt hay. Cũng một câu truyện, một ý tưởng, có người kể lại hay, có người kể rất tồi. Cũng câu truyện đó, cũng người kể hay đó, mỗi lần kể lại khác nhau. Thông thường gọi là tùy hứng. Hứng là tiếng nôm na của trực giác châm ngòi  cảm xúc.
Điểm khác biệt giữa lời nói và thơ là nhạc điệu tiết tấu. Những cây đàn hay phát âm khác nhau, nghe đều hay. Những điệu Bolero, Tango, Bossa Nova, Cha Cha Cha, Jazz, Rock.......khác nhau, nghe đều muốn cử động. Lời nói thường có thể chinh phục được lòng người nhưng không làm cho họ nhẩy múa. Họa hoằn là lời nói xách động, biểu tình. Nhạc điệu đi thẳng từ âm thanh vào bản năng. Ngôn ngữ thơ là lời nói có nhạc điệu. Khai thác âm nhạc trong thơ là một công việc khó ngang ngửa với việc tìm tòi ngôn ngữ trong ca khúc. Đã có lần người ta xem trọng nhạc trong thơ và đã dẫn đến thơ Ấn Tượng. 
Nhạc trong thơ không giống nhạc trong khoa âm nhạc. Không có do re mi fa. Không có đen trắng móc gạch. Nhạc trong thơ được cấu tạo bởi âm sắc của chữ, bởi trường âm của chữ, bởi âm độ của chữ, bởi thanh vần, bởi vị trí của chữ, bởi dấu ngắt, phẩy, chấm, xuống hàng và cuối cùng , quan trọng nhất là liên hệ tương quan giữa các hình thức và nội dung của chữ. Thơ ít nhạc trở gần văn xuôi. Văn nhiều nhạc trở gần tùy bút.
Có cách nói dựa vào tiếng nói. Có cách nói dựa vào công lực. Có cách nói, nói theo ngoại hiếu. Tháng Ba năm Hai ngàn lẻ hai, tôi phỏng vấn bốn ca sĩ tiêu biểu cho nền ca nhạc ở hải ngoại: Tuấn Ngọc, Vũ Khanh, Ý Lan, Khánh Hà, trên cùng một sân khấu, trong chương trình nhạc Tứ Quí "Bạn và Nghệ Sĩ 13", do Viet Art Production tổ chức tại Houston. Mỗi ca sĩ tôi đều hỏi chung một câu hỏi: Thế nào là một giọng hát hay? Trong khi Tuấn Ngọc và Khánh Hà đặt nặng về phẩm chất của tiếng ca, kỹ thuật và nghệ thuật hát. Ý Lan nghiêng về thái độ trình diễn, nghệ thuật nhìn và nghe, thưởng ngoạn âm nhạc, vóc dáng, nhan sắc, cử điệu cùng một lúc. Vũ Khanh nói rằng, một giọng hát hay là giọng hát có nhiều khán giả. Câu trả lời này, càng nghĩ càng thấm thía quan niệm, thưởng ngoạn định hướng nghệ thuật.
Thơ trong quan niệm cổ điển định giá bằng phẩm chất và kỹ thuật lúc nào cũng đúng. Đúng nhưng chưa đủ. Nghệ thuật hiện đại là nghệ thuật toàn diện. Phim ảnh là nghệ thuật tổng hợp nhạc, kịch, thơ, văn, âm thanh, ánh sáng,......Nghe một ca khúc không còn chỉ chú ý nghe lời ca mà nghe nhạc, nghe hòa âm, nghe sáng tạo. Nghe toàn bộ một ca khúc trong dạng nhạc phẩm. Càng ngày người thưởng ngoạn càng gần gũi với truyền hình, video, sân khấu, nghệ thuật ca hát gắn liền với diễn xuất, nhan sắc và thời trang. Thơ sính theo quan niệm của Ý lan không phải không đúng. Thơ Cụ Thể chẳng hạn. Trong thơ Việt, không thiếu gì thi sĩ dùng thời trang, diễn xuất ngôn ngữ, trình diễn thể thơ.....nhất là những thi sĩ hiện tân. Quan niệm thơ sính theo Vũ Khanh là quan niệm giá trị thơ thuộc về người thưởng ngoạn. Không có người đọc, thơ bỏ vào quên lãng. Nếu nhìn về mãi lực tài chánh, người mua bao giờ cũng có lý cho người bán tồn tại.
Mười lăm năm trước, tôi mở tiệm buôn âu phục. Mỗi năm bốn mùa đi New York, Chicago, News Orlean, Dallas mua và đặt hàng may. Tôi lựa áo quần sang trọng, phẩm chất cao, Họ may tên tuổi. Mỗi món hàng có một phần hồn tôi đặt vào với một số vốn và lòng kiêu hãnh. Năm năm sau, tôi đóng cửa tiệm. Mang thêm món nợ và một bài học không hiểu nổi. Trong một dịp đọc sách giải sầu, tôi đọc cuốn Những Nhà Buôn Trẻ của Arkla Monker thấy ông viết rằng: Hãy để người mua chọn trước món hàng họ thích. Người bán sẽ biết nên mua hàng gì để làm giàu.
Như tôi đã nhắc qua, nghệ thuật hôm nay là nghệ thuật kết hợp nhiều diện hoặc toàn phần. Khiến các diễn giả ngày nay trước khi diễn thuyết trước công chúng thường phải tập dợt trước gương hoặc trước các thành phần chuyên viên sửa chữa bộ điệu, lời nói, cách phục sức. Dù một nụ cười, một đưa tay, một dừng nghỉ đều được chú trọng tỉ mỉ, đều mang một ý nghĩa nào đó bổ túc lời nói. Thơ hôm nay cũng vậy. Thơ hay không phải chỉ có một phần hay. Càng nhiều yếu tố hay càng hay hơn. Như một cuốn phim hay, càng nhiều phương diện hay càng lãnh nhiều giải thưởng Oscar. Để phối hợp những nghệ thuật khác nhau từ âm nhạc, văn bản, âm thanh, ánh sáng, diễn xuất, y trang, cảnh tượng ....v...v...cần có một đạo diễn tài ba. Đạo diễn của một bài thơ để kết hợp mọi yếu tố, ý,  nhạc, lời, thể thơ, cảm xúc, kỹ thuật.......chính là tài năng.
Tài năng như một ngọn đèn. Người ta cảm nhận được cái đầu tiêm mọc lên trong hồn nhưng không ai biết cái đuôi tiêm ở đâu. Chỉ biết cái tiêm ngâm vào một bình dầu vô hình. Không biết có bao nhiêu dầu và khi nào cạn. Khi thôi thúc như một dây sét đốt lên ngọn đèn. Ánh sáng tỏa ra khiến mọi vật bình thường bỗng hiện hình mỹ thuật một cách riêng. Trong ánh sáng ấy thi sĩ đam mê làm thơ, nghệ sĩ miệt mài sáng tác. Chính thiên thần cũng không biết lúc nào ngọn lửa ấy tắt. Hãy quên đi những câu hỏi: Tài năng là gì? Từ đâu đến? Làm sao để đo lường? Làm sao để thu thập? Cứ làm việc trong bóng tối như người mù tự học đời bằng cảm giác. Hoặc làm việc như người tù mò mẫm trong đêm khi xà lim sập xuống chấn song để viết một lá thư tình mà không biết sẽ gửi cho ai. Khi đã làm quen với bóng tối, ánh sáng sẽ bất chợt đốt lên. Ngọn đèn tài năng không như cây đèn thần. Chà chà sẽ có kỳ tích xuất hiện. Những nhà thơ chuyên chà sẽ bị thần thoại Ba Tư 1001 đêm bịt mắt dẫn về ảo ảnh công danh. Thơ hay phát ra từ tài năng hay. Thơ lớn phát ra từ tài năng lớn. Tài năng lùn không sinh ra thơ cao. Tài năng cao mà thiếu dinh dưỡng cũng chỉ sinh ra thơ lùn. Mặc dù không ai biết rõ về tài năng nhưng người ta biết rằng tài năng có thể bồi dưỡng và nó có thể mập mạp tươi tốt hơn lúc mới về cư ngụ trong đứa trẻ thi sĩ.
Rốt ráo, thơ hay dù ít nhưng trải qua bao thế kỷ, thế giới đã sản xuất nhiều thơ hay. Thơ hay có nhiều loại, nhiều đảng, nhiều trường phái. Và nhân loại sẽ tiếp tục làm thơ hay cho đến khi trái đất nổ tung. Xét về mặt thuần túy của nghệ thuật làm thơ, không rờ đến tư tưởng, không rờ đến cái đẹp, thơ hay và thơ có giá trị  sáng tác có chỗ khác nhau.   
Những người đẹp tuy khác nhau nhưng có những số đẹp giống nhau. Mắt mũi môi răng cân đối, sắc sảo. Tay chân thân thể đều đặn, thanh tú. Đã là người đẹp đương nhiên phải có một số điểm tương đồng vì phát sinh từ nét đẹp chung. Thỉnh thoảng Thượng Đế sinh ra một người hơi lạc quẻ. –m nhom, cao như sậy, cả người chỉ có đôi mắt là lớn. Nhưng nhìn thấy là tê tái cả hồn. Ôi chao đôi mắt ấy hoang dã chiêu mời ta quì xuống van xin tình ái. Nét lạc quẻ ấy nổi bật ra khỏi đám đẹp thường hằng kia. Lúc bấy giờ, Thượng Đế mới thật sự ban bố sự sáng tạo.
Sáng tạo là chất men làm cho nho thành rượu. Là chất quan trọng nhất, cần thiết nhất để nghệ thuật có giá trị sáng tác. Sáng tạo làm nên thơ hay. Nhưng sáng tạo lâu lâu mới đến một lần. Khiến thơ hay tạo nên thơ đồng dạng, cũng hay. Bởi thơ hay gồm nhiều yếu tố nên không nhất thiết phải có sáng tạo, chỉ cần sáng kiến là đủ. Khi tài năng đốt lên ngọn đèn sáng. Ánh sáng tỏa ra. Nhà thơ bắt đầu câu thơ đầu tiên. Sức nóng của cái tiêm trong hồn kia là sức sáng tạo. Nó đốt sôi sục chữ nghĩa, ý tưởng, đam mê, hình ảnh, cảm xúc........nhộn nhạo. Mất hết hình thể lúc ban đầu của kiến thức, kinh nghiệm.  Bốc hơi, lắng đọng thành một chất sáng ký khác hẳn chất liệu lúc ban đầu. Bao lâu sức nóng còn đốt, ánh sáng còn sáng, sáng tác còn nhảy múa.
Sáng tạo trong sáng tác là bất chợt nẩy sinh trong lúc sáng tác một con đường sáng tác khác hẳn những con đường đã đi. Ít khi là một đường riêng biệt chưa hề có ai đặt chân đến như ông André Breton và con đường Siêu Thực. Thường khi là những con đường khai phá giữa những lối đi của người khác như Hàn Mặc Tử với Ave Maria, Lý Bạch với trăng ngâm rượu, Bùi Giáng với ngôn ngữ và cuộc chơi thơ.......Sáng tạo trong sáng tác có khi nằm trong ngôn từ, có khi nằm trong câu cú, có khi nằm trong hình thể, có khi nằm trong ý tứ, có khi nằm trong chủ đề, có khi nằm trong tiến trình, có khi nằm trong nhạc điệu, có khi nằm trong cách diễn đạt, có khi nằm ngoài không khí....  Sáng tạo trong sáng tác làm tác phẩm có giá trị riêng, nét hay riêng giữa những cái hay đang ngự trị.   
Tôi đi tìm thơ hay như kẻ đi chơi ham vui lục lọi trong phố xá, thị tứ rồi lần lựa vào khu rừng già. Mới đầu thấy dễ ợt. Nhiều lần tưởng mình đã túm được cái đuôi con thơ, chỉ cần kéo mạnh, nó sẽ tuột ra khỏi hang. Nhưng khi kéo ra, lại là cái ống quần của cổ nhân chôn theo dĩ vãng. Càng tìm càng cảm giác vô vọng. Có một người bỏ cả đời từ lúc mười lăm làm lụng đổ máu mòn xương cho đến lúc năm mươi mới thành triệu phú. Ông tưởng mình đã giầu. Gặp người bạn cũ, anh nói, giầu gì mà khổ quá vậy. Có tiền mà lo lắng đêm ngày. Đi chơi, không vui. Ngồi không, áy náy. Lúc nào cũng nghĩ cách bảo vệ tiền. Như vậy là giầu sao? Có tiền mà hay thì mới là kẻ giầu sang đúng nghĩa. Ở đời mấy kẻ giầu mà hay.
Thơ cũng như tiền. Một bên mua được vật chất. Một bên mua được khoan khoái. Thơ hơn ở chỗ không bị mất. Tiền hơn ở chỗ được kính trọng. Cũng như tiền, nhiều thơ không phải giầu. Thiếu hay dù triệu phú thơ cũng chỉ là kẻ có tiếng mà không có miếng.
Ngu Yên 

Bài tác giả gửi, đọc thêm từ trang Ngu Yên