Nhà Bè Nước Chảy Chia Hai

Nguyễn Đức Lập

Đại đa số người Việt Nam đều biết câu ca dao:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.

Nhà Bè là một quận thuộc tỉnh Gia Định, và nằm ở phía Nam Sài Gòn. Sông Đồng Nai chảy từ Phước Thành, theo hướng Bắc Nam, xuống Gia Định, đến làng Thạnh Mỹ Lợi của quận Nhà Bè, chia ra làm hai nhánh. Một nhánh là sông Nhà Bè, đổ ra cửa Soài Rạp và một nhánh là sông Lòng Tào, chảy ra cửa Cần Giờ.
Từ việc sông Đồng Nai chảy đến Nhà Bè, chia làm hai nhánh như vậy, nên mới có câu ca dao “Nhà Bè nước chảy chia hai” như đã nêu trên. Nhưng tại sao địa danh đó lại mang tên Nhà Bè?
Nhà Bè có nghĩa là cái nhà cất trên cái bè, nổi trên mặt nước.

Chong Ngọn Ngậm Ngùi

Luân Hoán
@

ngày đi tới tôi đi lui
khoảng trống cách biệt nhân đôi mỗi giờ
nhìn lui thấp thoáng tuổi thơ
nhìn tới chập choạng lờ mờ tương lai

sống - không còn cho ngày mai
hôm nay - như đã nằm ngoài tầm tay
lặng nhìn mình mất mỗi ngày
những thân quí nhất dần bay khỏi mình đời

Họp Mặt Lớp

Nguyễn Hàn Chung  
Ông lão tìm về trường cũ
sục bàn tay tìm quá khứ
quá khứ mịn màng lem vết mực
làn da muôn trùng sóng lan

Ông ngồi úp mặt vào bàn
chín lựng tiếng cười khúc khích
âm vọng thời gian trầm tích
chiều nay mồn một hiện về

Nhà Văn... Không Là Ai?

Nguyễn Hưng Quốc
Liên quan đến chuyện “viết cho ai?”,[1] tôi nghĩ, có một vấn đề khác cũng cần được đặt ra: Nhà văn là ai?
Câu trả lời chắc chắn không đơn giản. Khái niệm nhà văn thay đổi theo thời gian: ngày xưa, ở Việt Nam, bất kể ở những tài năng lớn hay nhỏ, tư cách nhà văn đều bị chìm khuất, thật mờ nhạt, đằng sau tư cách của những ông quan, ông đồ, ông cử hay ông tú.[2] Khái niệm nhà văn cũng thay đổi theo thể loại: trong ý nghĩa này, nhà văn chỉ là tên gọi chung cho nhiều loại người khác nhau, từ một nhà thơ đến một nhà tiểu thuyết, một nhà tuỳ bút, một nhà viết kịch hoặc một nhà phê bình và lý luận văn học. Khái niệm nhà văn còn thay đổi theo phương pháp sáng tác người ta sử dụng: một nhà cổ điển, một nhà lãng mạn, một nhà hiện thực, một nhà siêu thực, một nhà hiện đại chủ nghĩa hoặc một nhà hậu hiện đại chủ nghĩa... Khái niệm nhà văn cũng thay đổi theo những mục tiêu mà người ta, qua động tác viết, nhắm tới: có người viết để độc giả tiêu khiển, có người viết để tuyên truyền cho một quan điểm và để kích động tâm lý của quần chúng, có người viết để thoả mãn lòng say mê đối với chữ nghĩa, cũng có người viết để chỉ gửi lòng mình vào thiên cổ, với hy vọng, may ra...
Lặn sâu vào những sự đa dạng và phức tạp ấy để tìm hiểu vấn đề “nhà văn là ai?” hẳn là một điều vô cùng thú vị.[3] Tuy nhiên, trong bài này, tôi chọn một góc độ khác không kém thú vị nhưng lại thực tế hơn: nhà văn không là ai?

Vây Hãm Của Cô Đơn


Nh. Tay Ngàn
 
Một hôm đứa bạn thình lình hỏi: mày có một lý tưởng nào để bám víu mà sống? Tôi cười ngất, cười đổ nước mắt mũi và ngạc nhiên vì vô số âm thanh giống kim nhọn châm lùng bùng hai tai.

Trong một quán ăn tồi tàn về đêm ở chợ Mouffetard, một người đứng tuổi bảo tuổi trẻ bây giờ sa đọa và quên mọi bổn phận làm người; tôi làm thinh ăn hết tô phở, tô phở nhiều tiêu ớt cay bừng trong khi hắn hăng say chỉ dạy thương hại phương cách thành công cuộc đời – không có gì khó cả; tôi đứng dậy bắt tay và cám ơn, hắn nói mến tôi, tôi hao giống đứa con hắn – thằng ngu đần đó đã tự tử vô cớ. Ra đường tôi sặc khói thuốc tới lợm giọng, tôi cáu giận thốt chửi hết sức tục tĩu. Con lộ tường vách xiêu vẹo tối đen; tôi vấp phải một tên say nằm lăn vệ hè, hắn nhè nhè mời tôi uống hết chai rượu và hút hết gói Gitanes.

Thế Giới Và Những Giấc Mộng
Trong Truyện Của Vũ Quỳnh Hương

Bùi Vĩnh Phúc

Trong khoảng mười năm nay, kể từ truyện ngắn đầu tiên, Vận Tốc Trung Bình, của Vũ Quỳnh Hương, xuất hiện trên nguyệt san Văn (số Xuân Giáp Tý 1985), nhà văn này chỉ viết thêm hai hoặc ba chuyện ngắn khác, trong đó có hai truyện nổi bật là Miền Vĩnh PhúcNẻo Quyên Ca (đăng trên nguyệt san Văn Học, theo thứ tự, số tháng 10, 1986 và số Xuân Tân Mùi, tháng 1&2, 1991). Ba truyện ngắn này (đặc biệt Miền Vĩnh Phúc có thể xem là một truyện vừa, nếu in thành sách thì khoảng 70 trang) đã để lại một ấn tượng thật đẹp về thế giới văn chương của Vũ Quỳnh Hương trong tâm hồn người đọc. Mặc dù suốt trong mười năm, Vũ Quỳnh Hương chỉ cho phổ biến vài truyện ngắn và truyện vừa, những câu truyện được kể đã làm cho tác giả được nhiều người đánh giá là một nhà văn nữ có đầy nét sáng tạo.
Ba truyện được kể ở trên đều có những nét đặc sắc của nó, nhưng Miền Vĩnh Phúc có thể nói là tác phẩm đã ghi được những dấu ấn thật đậm nét vào trí nhớ người đọc. Tôi sẽ nói nhiều hơn về truyện vừa này sau khi giới thiệu Vận Tốc Trung BìnhNẻo Quyên Ca.
Vận Tốc Trung Bình là một câu truyện của một thiếu nữ yêu một người đàn ông trung niên, hơn nàng 15 tuổi. Người đàn ông này sống lủi thủi với cô con gái của mình trong một thành phố Mỹ điển hình. Người vợ còn ở Việt Nam và đã sống với một người đàn ông khác, và đó cũng chính là lý do để người đàn ông phải dắt con ra đi. Câu truyện rất giản dị, chỉ có vậy; nhưng cách kể lại câu truyện, cách phân tích tâm lý của nhân vật chính một cách vừa hết sức đời thường vừa hết sức thơ mộng, cách tác giả nhào lộn với những ý nghĩ của mình, cách tác giả tung ném những ý nghĩ đó rồi bày chúng ra trên mặt giấy – tất cả đã cho người đọc thấy được cái tài của nhà văn nữ này.

Còn Đó Bóng Hình

Song Thao

Nhã đã có vẻ bồn chồn không yên. Nàng rướn người lên quay qua quay lại liên hồi đôi mắt xao xác tìm kiếm. Chung quanh người nào cũng nhấp nhỏm láo liên nhìn ngược nhìn xuôi. Ai cũng muốn bắt cho được khuôn mặt người thân nổi trôi trong đám đông lổn nhổn phía dưới. Tôi kiễng chân ghé cặp mắt qua những chiếc đầu phía trước nhìn muốn xuyên thủng tấm kính trước mặt. Phía dưới xa những con người tất tả đổ xô từ hàng chục chiếc cửa được mở ra cùng một lúc dành giật một chỗ đứng xếp hàng trước những chiếc hộp kiếng vuông vứt nhốt một nhân viên Sở Di Trú ở trong. Sau những chiếc hộp này là những chiếc vòng tròn di động đội từng hàng va ly diễu hành trước những cặp mắt căng cứng của đám hành khách đang chờ lấy hành lý. Vài ông nhân viên quan thuế dẫn những chú chó đánh hơi quanh đám va ly đang chờ chủ. Tôi đảo mắt nhìn quanh một cách vô vọng. Làm sao lôi được khuôn mặt của cô cháu chưa bao giờ gặp ra khỏi đám nhân gian lố nhỏ bên dưới. Nhã ném cặp mắt lo lắng qua phía tôi:
- Làm sao mà kiếm được nó đây anh?
Tôi nhún vai chẳng biết phải làm sao. Cả chục cánh cửa phía dưới lại mở ra. Từng đoàn người lại vội vã tiến vào. Chắc chịu thua rồi. Những thân người lúc nhúc bên dưới giỡn cợt với đôi mắt đã có chiều thất vọng của tôi.
Tôi lầm bầm bên tai vợ:
- Bực mình cái con nhỏ này thiệt!

Phiên Tòa

Hoàng Chính

Thật là vớ vẩn mấy cha nội này. Mấy cha làm như thể mấy cha là cháu đích tôn của ông Khổng Tử vậy. Không đúng. Tụi nó đang bôi lọ đức Khổng Tử vì ba cái điều "Thần bất tử bất trung" ngài dạy đệ tử. Mấy cha ngu thấy mồ; mấy cha không biết áp dụng một số điều đức Khổng tử dạy học trò vào thực-tế trong nước. Chẳng hạn ngài nói "Trung thần bất sự nhị quân" thì có khác quái gì cái sự "Trung với đảng, hiếu với dân" vân vân và vân vân... mà mấy cha nội vẫn lải nhải tối ngày trong lớp học? Tụi bay ngu thấy mẹ, cỡ tao phải được gửi đi học tại trường đảng Nguyễn Ái Quốc mới phải. Tội nghiệp đất nước này đang mất dần đi những tài năng. Vậy mà mấy cha làm như thể mấy cha là cháu đích tôn của Bác không bằng. Mà có bao giờ thấy Bác ngồi làm chánh án phiên tòa nhân dân nào đâu. Cả đến mấy ông Các Mác, Lê Nin cũng chẳng bao giờ ngồi chủ tọa phiên tòa nào cả. Chỉ có mấy cha nội mới bày ra tòa nọ, tòa kia; thật cứ như bọn phong kiến dã man hay bọn tư sản giẫy chết vậy.

Trăng Ở Halfmoon Bay

Vũ Quỳnh Hương


Hãy tới hãy tới hãy tới Halfmoon Bay với anh
Ở một nơi trăng biếc gió xây thành
Ðêm và mộng và anh cùng ước hẹn
Ở Halfmoon Bay màu trăng rất xanh  

Hãy bước khẽ hãy ngồi đây với anh
Ðêm nguyệt tận bầy chim bay không về
Em muốn thấy sao khuya làm hôn lễ
Nghiêng lòng xuống và ở đây với anh

36 Kiểu Làm Thơ

Luân Hoán

1
thọc tay vào túi quần
thảnh thơi nhìn trời đất
hồn vía thật bình thường
chỉ lòng không sống thật

2.
tay quay hờ volant
luồn giữa cõi hồng trần
mờ mờ nhân ảnh động
bụi chạm lòng thoáng ngân

Mái Tóc Rượu Vang

Chuyện Ngắn Lê Thị Huệ  

Tiếng máy rầm rầm từ một nơi nào đang lăn về. Trạm xe lửa T Station. Ngứa điên người. Ly nhìn qua bên kia đường rầy. Tấm quảng cáo AT&T vĩ đại trên tường trạm có thể thấy bóng mình nhấp nhoang. Màu bầm sẫm đỏ chát không đủ gần để dội được ánh màu lên trong tấm kiếng to rộng trền tường hầm Boston phố. Thấp thoáng dáng tóc thẳng nghiêng lệch bờ vai. Ngó thì cũng thanh xuân. Nhưng như đang đội một nồi rơm rạ mọc ngàn cái nấm dại trên chân tóc. Như đang ngự trên một cánh đồng chí mén. Biết vậy thì đội mà chi. Phải nãy mang theo cái túi vàng kim Lancôme của Macy's mới tặng Lột mẹ nó xuống nhét vào túi thì yên cái đầu tôm rồi.
Mình có đang dâng sóng tình nhi nhô một cách qúa dạ thời gian không đây. Chứ hẹn ai mà phải sửa sọan điêu thế này. Nhỏ tiệm tóc đã nâng tấm gương bán buôn lên cười một nụ Leyna Nguyen đài truyền hình khen màu tóc làm cho you trẻ ra. Chắc là vì câu look young ấy. Thề. Đây là lần thứ nhất trong đời Ly mua một rượng tóc vói vươn tuổi trẻ để đi gặp một người. Cả đời Ly chả bao giờ ke cái vụ làm cho mình chẻ lợi. Ly mũi dừa có đệm chữ dọc ở phía trước, mắt mí rưỡi, môi thắm tình sầu, ngộ đời và thông minh trên những đồng nữ cần lời cố vấn của những thẩm mỹ viện. Ly yêu đời từng phút giây và cũng chán đời từng phút giây. Giờ cặp mái tóc để hòa đồng tuổi trẻ đi gặp con cháu gái. Vậy đó.

Đọc Thơ Là... Đọc... Thơ

Nguyễn Hưng Quốc

Nói đọc thơ là đọc thơ, tôi muốn nhấn mạnh đến hai yếu tố: đọc và thơ.
Ðọc? Thì ai mà chẳng đọc? Nhận định có vẻ hiển nhiên ấy, thật ra, chỉ hiển nhiên, đối với người phương Tây, trong vòng mấy trăm năm trở lại đây; và riêng đối với người Việt Nam, khoảng trên dưới một thế kỷ. Trước, khi chưa có chữ viết, không ai đọc; khi chữ viết chưa phổ cập, rất hiếm người đọc. Ở Việt Nam, trong cả hàng ngàn năm, hầu hết người ta chỉ nói thơ và nghe thơ. Chữ “nói thơ” ấy rất thông dụng ở miền Nam trước kia. Nói theo kiểu “nói Lục Vân Tiên”. Nói, ở đây, không phải là ứng khẩu hay ứng tác. Mà, thật ra, là đọc. Có điều đó là cái đọc không có văn bản. Đọc từ ký ức. Và, trước đó, để thuộc lòng, người ta thường cũng không đọc. Người ta chỉ nghe ai đó đọc hay nói. Cả người dạy lẫn người học đều châu tuần chung quanh một sinh hoạt có tính chất truyền khẩu. Điều này không những đúng đối với văn học dân gian mà còn đúng với cả văn học thành văn nữa. Cái gọi là văn học thành văn của Việt Nam ngày xưa thực chất là một thứ văn học bán thành văn và bán truyền khẩu. Tác giả: Có. Tác phẩm: Có. Nhưng do tình trạng in ấn lạc hậu và nạn mù chữ cao, hầu hết các tác phẩm ấy đều chỉ được lưu truyền dưới hình thức truyền miệng. Ngay đối với những tác phẩm được xem là kiệt tác như Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng không mấy người được đọc. Phần lớn người ta chỉ nghe ai đó thuộc lòng tác phẩm đọc. Rồi người ta nhớ. Rồi người ta lại truyền tụng tiếp. Cũng bằng miệng.