Mái Tóc Rượu Vang

Chuyện Ngắn Lê Thị Huệ  

Tiếng máy rầm rầm từ một nơi nào đang lăn về. Trạm xe lửa T Station. Ngứa điên người. Ly nhìn qua bên kia đường rầy. Tấm quảng cáo AT&T vĩ đại trên tường trạm có thể thấy bóng mình nhấp nhoang. Màu bầm sẫm đỏ chát không đủ gần để dội được ánh màu lên trong tấm kiếng to rộng trền tường hầm Boston phố. Thấp thoáng dáng tóc thẳng nghiêng lệch bờ vai. Ngó thì cũng thanh xuân. Nhưng như đang đội một nồi rơm rạ mọc ngàn cái nấm dại trên chân tóc. Như đang ngự trên một cánh đồng chí mén. Biết vậy thì đội mà chi. Phải nãy mang theo cái túi vàng kim Lancôme của Macy's mới tặng Lột mẹ nó xuống nhét vào túi thì yên cái đầu tôm rồi.
Mình có đang dâng sóng tình nhi nhô một cách qúa dạ thời gian không đây. Chứ hẹn ai mà phải sửa sọan điêu thế này. Nhỏ tiệm tóc đã nâng tấm gương bán buôn lên cười một nụ Leyna Nguyen đài truyền hình khen màu tóc làm cho you trẻ ra. Chắc là vì câu look young ấy. Thề. Đây là lần thứ nhất trong đời Ly mua một rượng tóc vói vươn tuổi trẻ để đi gặp một người. Cả đời Ly chả bao giờ ke cái vụ làm cho mình chẻ lợi. Ly mũi dừa có đệm chữ dọc ở phía trước, mắt mí rưỡi, môi thắm tình sầu, ngộ đời và thông minh trên những đồng nữ cần lời cố vấn của những thẩm mỹ viện. Ly yêu đời từng phút giây và cũng chán đời từng phút giây. Giờ cặp mái tóc để hòa đồng tuổi trẻ đi gặp con cháu gái. Vậy đó.

Đọc Thơ Là... Đọc... Thơ

Nguyễn Hưng Quốc

Nói đọc thơ là đọc thơ, tôi muốn nhấn mạnh đến hai yếu tố: đọc và thơ.
Ðọc? Thì ai mà chẳng đọc? Nhận định có vẻ hiển nhiên ấy, thật ra, chỉ hiển nhiên, đối với người phương Tây, trong vòng mấy trăm năm trở lại đây; và riêng đối với người Việt Nam, khoảng trên dưới một thế kỷ. Trước, khi chưa có chữ viết, không ai đọc; khi chữ viết chưa phổ cập, rất hiếm người đọc. Ở Việt Nam, trong cả hàng ngàn năm, hầu hết người ta chỉ nói thơ và nghe thơ. Chữ “nói thơ” ấy rất thông dụng ở miền Nam trước kia. Nói theo kiểu “nói Lục Vân Tiên”. Nói, ở đây, không phải là ứng khẩu hay ứng tác. Mà, thật ra, là đọc. Có điều đó là cái đọc không có văn bản. Đọc từ ký ức. Và, trước đó, để thuộc lòng, người ta thường cũng không đọc. Người ta chỉ nghe ai đó đọc hay nói. Cả người dạy lẫn người học đều châu tuần chung quanh một sinh hoạt có tính chất truyền khẩu. Điều này không những đúng đối với văn học dân gian mà còn đúng với cả văn học thành văn nữa. Cái gọi là văn học thành văn của Việt Nam ngày xưa thực chất là một thứ văn học bán thành văn và bán truyền khẩu. Tác giả: Có. Tác phẩm: Có. Nhưng do tình trạng in ấn lạc hậu và nạn mù chữ cao, hầu hết các tác phẩm ấy đều chỉ được lưu truyền dưới hình thức truyền miệng. Ngay đối với những tác phẩm được xem là kiệt tác như Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng không mấy người được đọc. Phần lớn người ta chỉ nghe ai đó thuộc lòng tác phẩm đọc. Rồi người ta nhớ. Rồi người ta lại truyền tụng tiếp. Cũng bằng miệng.

Ý Nghĩ Của Một Người Sắp Sửa Bất Lương

Ngu Yên

(Đọc bài thơ này ở những nơi có nhiều kẻ bất lương, nhiều kẻ giả hình, nhiều kẻ dỏm...)

Hỡi những người lương thiện
Hãy đi chỗ khác chơi
Thế giới hôm nay không có chỗ cho các người

Thế giới hôm nay thuộc về kẻ ác
Những kẻ giỏi lường gạt vô tâm và bội bạc
Những kẻ giả hình nhân nghĩa
Những kẻ lươn lẹo tình thương

Xin hỏi quí vị
Những danh từ chân thật lương tâm liêm sỉ
Có ý nghĩa gì ?
Nói đi
Có ý nghĩa gì ?

Đường Chiêm Bái

Thi Vũ


Em đi để lại mùi hương
Bóng xa vừa khuất con đường xin theo

1. Lưng chng tri Dharamsala
Người bốc xanh vào lá. Núi dựng thẳm từng dãy chạy theo rừng tùng. Chân trời rơi thỏm vào bên kia nắng. Chiếc xe bus lầm lủi đưa chúng tôi qua các truông đèo bất tận. Mười hai giờ chạy từ thủ đô Tân Đề Li lên Dharamsala dưới nhiệt độ dương 43.
Kéo chiếc cửa gương, gió phả theo hơi nóng tràn vào. Đầu như chiếc gàu múc từ lòng thẳm giếng bao hình bóng cũ nhưng hiện tiền. Trên vùng đất này, bên chênh vênh núi dựng, tỏa xuống khắp lưu vực sông Hằng, thái tử Tất Đạt Đa từng đi qua. Bước chân Người đã viết đậm thao thức mấy nghìn năm trước. Đánh những dấu hỏi thành trời xanh, thành trăng sao xao động, thành tịnh độ mười phương.
Người tôi đầy Phật. Tuổi thơ không mất. Tuổi thơ còn mãi trong đầu và trên đường. Tôi chỉ bước lại, dẫm đúng, miết mải một hành trình.

Hai Đoạn Lục Bát Cho Châu Văn Tùng

Luân Hoán

1
(trả lời sao chưa về thăm nhà)
Tôi đi từ chỗ sẽ về
tôi về lại chỗ chưa hề ra đi
đi về, cũng có đôi khi
bình thân một chỗ, đã đi, đã về
tôi đi từ chỗ sẽ về
tôi về lại chỗ chưa hề ra đi
nghĩa là, tôi mải miết đi
tôi đi mải miết không khi mô về
có đi mà chẳng chịu về
hay là, coi bộ, chưa hề ra đi

Ngựa Nản Chân Bon

Nguyễn Mộng Giác

Gió vi vu làm nền cho lời ca thánh: ...”Nhờ công ơn lân tuất của Chúa ta, Ðấng đã từ cao cho 'Mặt trời mọc' đến thăm viếng. Và soi sáng cho những ai còn ngồi trong u tối và trong bóng chết, để dắt chúng ta trên con đường an lạc. Lạy Chúa xin cho các linh hồn được yên nghỉ muôn đời và được hưởng ánh sáng nghìn thu. Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin ta thì dù có chết sẽ được sống lại, và ai sống mà tin ta thì không phải chết đời đời”.
Vị linh mục đọc kinh Lạy Cha... và rảy nước thánh lên chiếc quan tài đóng vội bằng gỗ ván thuyền. Vợ người quá cố khóc thảm thiết, và lúc bấy giờ lời cầu nguyện lại làm nền cho tiếng khóc. ”Lạy Chúa, xin thương người quá cố này là tôi tớ Chúa. Xin đừng theo việc làm mà phán xét họ, họ vốn một lòng một ý với Chúa. Lại nữa, khi còn sống họ đã ở cùng đoàn thể các tín hữu, với một lòng tin tưởng thành thực. Xin vì lòng nhân từ Chúa, cho linh hồn Giu-se họp đoàn thể cùng các Thiên Thần Chúa trên trời. Nhờ Chúa Ki Tô, Chúa chúng con. Amen”. Quả phụ nín khóc. Dường như một lúc nào đó, tạm quên đau khổ nàng lắng nghe lời ca thánh, và bất chợt nhận thấy lời nguyện chung gần gũi với nỗi lo lắng và niềm mơ ước riêng tư. Hoặc niềm đau xót đã đến chót vót, khiến nàng bàng hoàng ngơ ngác, như người đã lên đến ngọn đỉnh trời, lo âu nhìn vực thẳm quanh mình, không biết làm gì nữa giữa chốn mây khói bàng bạc và gió thổi. Vị linh mục tiến thêm một bước để làm dấu thánh giá trên quan tài... ”Lạy Chúa xin cho linh hồn Giu-se được nghỉ yên muôn đời, và được hưởng ánh sáng nghìn thu. Xin cho linh hồn Giu-se được nghỉ yên. Amen. Mong cho linh hồn này và linh hồn mọi tín hữu, nhờ lòng lân tuất Chúa được nghỉ ngơi bằng an. Amen”.

Hai Người Ðội Mũ

Hoàng Khởi Phong

Mặt trời đã khuất sau những ngọn cây sao của đường Nguyễn Kim. Hàng cây hiếm hoi còn sót lại trong thành phố, bao quanh khu vận động trường có lẽ đã được trồng từ thời Pháp thuộc. Những ngọn cây bên kia đường, ngay trước mặt tiền của sân vận động cao hơn cả khán đài trung ương. Gió chiều thổi lướt dọc trên con đường Nguyễn Kim, vắng tanh không một chiếc xe, không một bóng người.
Gió thổi những cánh hoa sao bay tan tác trên không, trước khi là đà đáp xuống các ngôi mộ của khu nghĩa trang. Nhiều bông hoa bay mãi tới cuối nghĩa trang, đâm sầm vào bức tường thấp bao quanh trước khi rơi xuống đất, hệt như hình ảnh một phi cơ Thần Phong lao thẳng xuống sàn tầu.
Trời đã bắt đầu nhá nhem tối, đột nhiên trong lòng phố vắng vang lên những tiếng động gióng một. Tiếng động gây ra bởi một chiếc nạng gõ xuống lề đường. Người chống nạng đội một chiếc mũ lưỡi trai kéo sụp xuống, anh đứng tần ngần cách bức tường bao quanh khu vực nghĩa trang, nhìn vào những ngôi mộ lô nhô trên mặt đất. Ðó đây một vài chữ thập, chữ vạn nhô hẳn lên cao khỏi những nấm mồ. Gió đột nhiên trở nên dữ dội, những cánh hoa sao bị gió hất tung lên trên không trước khi đổi hướng rơi xuống. Những cánh hoa quay vù vù trên không, trông như những người lính nhẩy dù đang lơ lửng giữa trời cao. Một cánh hoa vô tình đáp xuống nhẹ nhàng trên vành mũ lưỡi trai, khiến người cụt chân nghển cổ, ngoẹo đầu ngó lên. Hàng trăm những cánh hoa bay tan tác trong lòng con phố vắng. Anh nhớ lại lần đầu tiên phóng mình ra khỏi thân tầu. Anh đã được huấn luyện viên căn dặn: Khi phóng mình ra khỏi thân tầu, phải nhìn xuống đôi tay thu trước bụng, đếm nhẩm 331, 332, 333. Ðếm xong ngoái cổ nhìn lên, xem dù lưng có bọc hay không? Nếu không thì phải giựt dù bụng để khỏi rơi xuống đất, thành một đống bầy nhầy không hình dạng. Khi dù lưng đã mở, hai tay phải nắm chắc lấy cái đai để điều chỉnh hướng dù.

Tưởng niệm Nguyễn Đức Lập

Nguyễn Mạnh Trinh

Ngày giỗ Nguyễn Đức Lập. Tôi giở bộ di cảo “Hương Giáo Đề Thơ” ra đọc lại. Bộ sách cả ngàn trang gồm bốn quyển đồ sộ tôi đọc như để tìm một cách ứng xử với đời sống của mình. Tác giả trong ấn bản đầu tiên của Hương Giáo Đề Thơ trong Lời Tựa đã tự giới thiệu: “Là tập thư của vị thầy giáo làng gởi cho đứa học trò (Lê Văn Cui) cả đời không học hết được túi khôn của thánh hiền.” Tác giả mượn chuyện xưa để nói về thời nay để từ lịch sử nhân loại rút ra những bài học trải dài theo những kinh nghiệm xưa cũ. Hình như, trong khi khề khà bàn luận, tác giả như muốn gửi theo những tâm sự của mình, biện luận rành mạch theo kiểu nói có sách mách có chứng để gia tài văn học và lịch sử của tiền nhân thành những biểu tượng có ý nghĩa.
Có lẽ ảnh hưởng từ đời sống gia đình nên Nguyễn Đức Lập đã có phong thái văn chương như vậy. Thân phụ của anh là cụ Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy, một ký giả lão thành của làng báo Việt Nam mà nhà văn Nguyễn Vỹ trong tác phẩm Tuấn Chàng Trai nước Việt bày tỏ lòng tôn kính của lớp thanh niên trẻ đối với ông khi kể lại cuộc viếng thăm Quy nhơn năm 1924. Thân mẫu của anh là nhà văn Tùng Long một bậc từ mẫu đã suốt đời hy sinh cho con cái và là một hình ảnh bà mẹ Việt Nam sáng ngời trong văn học.

Cuộc Tri Âm Của Ngôn Ngữ

đọc Cao Bá Quát  Giữa Hồn Thiêng Sông Núi
của Tường Vũ Anh Thy, Ức Trai xuất bản, 1985

 Lê Thị Huệ

Đây không phải là thế giới quen thuộc của đám đông. Thân thế của Cao Bá Quát không phải là thân thế chung của nhiều người. Cao Bá Quát, một ông quan, một trí thức bị xử trảm, một thi sĩ cuồng tâm, một thiên tài lỡ vận… Thế giới của Cao Bá Quát, con người và thi ca của ông khó để mà chia sẻ bởi độc giả số đông. Con người ấy, thi ca ấy là để ngưỡng mộ, để nghiên cứu, để trang trí văn học.
Bởi vì không phải ai cũng làm cái công việc này. Và không phải ai cũng có thể nghĩ ra những điều như sau:
Thế sự thăng trầm quân mạc vấn
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu
Vắt tay nằm nghỉ truyện đâu đâu
Đem mộng sự mà đấu với chân thân thời cũng thế
Duy giang thượng chi thanh phong, dữ sơn gian chi minh nguyệt
Kho trời chung mà vô tận của mình riêng.

Rêu Phong Mấy Lớp

Võ Kỳ Ðiền

Ðình thụ bất tri nhơn khứ tận,
Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa.


Sáng hôm nay ông Năm nhấp nhỏm ngồi đứng không yên. Hết ngồi xuống lại đứng lên, ông bước chầm chậm lại gần cửa kiếng lớn phía sau nhà, nghiêng mình nhìn xéo qua cái hàn thử biểu để ngoài trời. Ông nhướng mắt rán nhìn cái màu đỏ của thuỷ ngân, coi nó lên xuống tới mức nào. Có thấy gì đâu, cái lằn đỏ nhỏ xíu, lờ mờ. Tức mình ông lẩm bẩm, cằn nhằn cái thằng con trai út, đã biểu gắn sát sát bên trong cho dễ đọc, để tuốt đằng xa ai mà thấy. Cái xứ gì, thiệt tình! Lạnh gì mà lạnh dữ, hổng biết xuống tới bao nhiêu độ rồi !
Nói xong ông đứng áp lại gần cánh cửa để nhìn cho rõ hơn. Cánh tay trái đụng phải khung cửa nhôm lạnh ngắt như một khối nước đá, ông rút tay về, quay lại chậm chạp từng bước, từng bước trở về ngồi trên chiếc ghế thấp. Cặp mắt hấp háy nhìn ra ngoài bầu trời xám xịt. Ông thấy cái sân cỏ xanh đã trở thành một bãi tuyết trắng mênh mông. Có chỗ phẳng phiu trắng xoá, có chỗ được xe xúc tuyết ủi gò cao lên như những đụn cát. Cây cối biến đi đâu mất tiêu hết. Mấy bụi hồng bông đỏ như nhung, mấy bụi mẫu đơn bông lớn bằng cái chén kiểu màu trắng màu hường, cái hàng rào bằng cây trắc bá diệp cao cả thước xanh um của mùa hè vừa qua, tất cả hiện giờ bị chôn vùi dưới những đống tuyết.

Tri Âm

Phạm Quốc Bảo

Nhét miếng thẻ vào lại túi áo và như một phản xạ, tôi nói:
“9.2.4.5.3.8.”
“Thank you.”
Từ phòng kiểm soát cách đến cả 400 thước, tiếng trả lời phát ra và truyền qua máy phóng thanh nghe lơ đãng vật vờ. Ðồng thời, cánh cửa sắt được điều khiển bằng vô tuyến điện tử tự động mở. Tôi bước ra khỏi cổng xưởng.
Gió ngoài bãi đậu xe ập lên người, tôi nhắm mắt lại để tận hưởng bầu không khí trống thoáng. Dường như những gai ốc đang nổi lên cùng người, tôi hứng trọn một khoái cảm gây gây. Trong khi tai tôi vẫn còn như nghe hàng dẫy máy tiện khổng lồ chạy suốt ngày đêm ầm ầm vẫn rung động cả không gian, nơi đó tôi đã chúi mũi trung bình mỗi ngày tám tiếng đồng hồ và mới rời khỏi cách chừng năm phút đây thôi. Vừa đi, tôi vung mạnh đôi tay, vặn mình trong gió, và cảm giác như mình vừa được hồi sinh.
“Làm sao đấy?”

Mùa Thu Thành Phố

Nh. Tay Ngàn

Một sớm thức giấc anh chợt nhớ ra mình đang ở trong một thành phố xa lạ
Anh chợt nhớ ra sau cơn mộng kinh hoàng em đã ngàn trùng mây nước kêu gào vô vọng nhớ thương
Đáng lẽ giờ này em đang nũng nịu trong vòng tay anh, mớ tóc đen mềm mướt, đôi mắt ngái ngủ dịu dàng và bên ngoài nắng ấm dọi qua song
Căn phòng vang tiếng em cười vui bữa ăn sáng mà anh nghe thấy cùng một lúc với giọng chim sẻ ca hát trên những mái ngói
Rồi anh đưa em qua những cửa nhà thân thuộc, một cái dốc một chiếc cầu con sông chợ nhóm, vườn thú có những lùm cây xanh tươi hoa đỏ và anh rẽ tay mặt
Trên đường về nhà qua những con đường bóng mát anh thường huýt sáo
Đâu ngờ đến ngã rẽ cuối cùng bây giờ anh ở đây với bầu trời xám thấp, các cửa kính đóng chặt – đóng chặt ngàn đời, những ống khói đen sầm