Tri Âm

Phạm Quốc Bảo

Nhét miếng thẻ vào lại túi áo và như một phản xạ, tôi nói:
“9.2.4.5.3.8.”
“Thank you.”
Từ phòng kiểm soát cách đến cả 400 thước, tiếng trả lời phát ra và truyền qua máy phóng thanh nghe lơ đãng vật vờ. Ðồng thời, cánh cửa sắt được điều khiển bằng vô tuyến điện tử tự động mở. Tôi bước ra khỏi cổng xưởng.
Gió ngoài bãi đậu xe ập lên người, tôi nhắm mắt lại để tận hưởng bầu không khí trống thoáng. Dường như những gai ốc đang nổi lên cùng người, tôi hứng trọn một khoái cảm gây gây. Trong khi tai tôi vẫn còn như nghe hàng dẫy máy tiện khổng lồ chạy suốt ngày đêm ầm ầm vẫn rung động cả không gian, nơi đó tôi đã chúi mũi trung bình mỗi ngày tám tiếng đồng hồ và mới rời khỏi cách chừng năm phút đây thôi. Vừa đi, tôi vung mạnh đôi tay, vặn mình trong gió, và cảm giác như mình vừa được hồi sinh.
“Làm sao đấy?”

Mùa Thu Thành Phố

Nh. Tay Ngàn

Một sớm thức giấc anh chợt nhớ ra mình đang ở trong một thành phố xa lạ
Anh chợt nhớ ra sau cơn mộng kinh hoàng em đã ngàn trùng mây nước kêu gào vô vọng nhớ thương
Đáng lẽ giờ này em đang nũng nịu trong vòng tay anh, mớ tóc đen mềm mướt, đôi mắt ngái ngủ dịu dàng và bên ngoài nắng ấm dọi qua song
Căn phòng vang tiếng em cười vui bữa ăn sáng mà anh nghe thấy cùng một lúc với giọng chim sẻ ca hát trên những mái ngói
Rồi anh đưa em qua những cửa nhà thân thuộc, một cái dốc một chiếc cầu con sông chợ nhóm, vườn thú có những lùm cây xanh tươi hoa đỏ và anh rẽ tay mặt
Trên đường về nhà qua những con đường bóng mát anh thường huýt sáo
Đâu ngờ đến ngã rẽ cuối cùng bây giờ anh ở đây với bầu trời xám thấp, các cửa kính đóng chặt – đóng chặt ngàn đời, những ống khói đen sầm

Không Khánh Thành Cuộc Nhân Sinh

Lê Giang Trần

Tòa lâu đài khởi sinh
từ viên gạch đầu tiên
tượng trưng cho công trình xây cất
Khuôn sườn vươn cao như sức sống
từng bộ phận tháp vào như mầm sống nẩy thêm
thiết trí như kinh nghiệm
sơn phết như khôn ngoan
thời gian công trình kéo dài như đời sống

Miss Baby Racou

Đỗ Kh.

Người con gái mặc áo tắm một mảnh màu trắng nằm duỗi người trên cát. Một tay nàng chống cằm, một chân nàng co lên đằng sau bụng sấp trên khăn tắm, bàn chân trần ưỡn cong như vẫn mang một chiếc giày cao gót tưởng tượng, trông mang máng như một tấm hình pin-up nào của bốn mươi năm về trước, hay là năm mươi năm không chừng, khi mà đảo san hô Bikini ở Nam Thái Bình Dương chưa nổi tiếng nhờ những thí nghiệm phản ứng dây chuyền hạt nhân hình nấm khổng lồ cuồn cuộn khói. Khi mà áo tắm hai mảnh nguyên tử chưa ra đời trên những bãi đá sạn của bờ Ðịa Trung bên này nước Pháp. Nàng mặc áo tắm một mảnh trắng trinh nguyên hơi làm chói mắt, dáng Marilyn, không phải, hay là dáng B.B. nũng nịu, dáng B.B. phụng phịu, nàng nhìn hắn cười duyên.
Hắn cười lại.
Kính mát Ray-Ban gọng nhựa Wayfarer, quần đùi Mỹ kẻ ca-rô, dép Bình Trị Thiên.
Bãi biển này gia đình, vào lúc trưa nghẹt người, trẻ con ôm banh nhựa chạy đuổi nhau lòng vòng, mấy bà mẹ vú sồ xề để trần nằm đọc Philippe Djian, các ông bố đồ latex đen, mặt nạ, bình dưỡng khí, chân vịt và dao găm chơi trò người nhái nhại tuồng năm nay nổi tiếng La Grande Bleue. Cát ở đây không được mịn, nước ở đây không được trong nhưng vẫn là nghỉ hè tháng tám miền Ðịa Trung, xa xa có những cao ốc nghỉ mát bình dân Merlin rẻ tiền, ngoài biển có vài du thuyền trung lưu tàng tàng, lắm cánh buồm wind-surf lật lên lật xuống và xe gắn máy thổi nước ầm ầm sùi bọt lượn lại lượn qua.

Tháng Giêng

Vũ Quỳnh Hương

Lũ bồ câu trắng tỉa sâu trên cành
đàn vịt xám quẫy nước giữa mặt hồ River Park
mưa rắc hạt ngọt ngào xuống lớp lá vàng rã mục mùa thu
hãy ngủ yên và trở thành phân bón của đời
bây giờ là mùa xuân

Buổi sớm mai bàng hoàng thấy hoa đào nhuộm hồng
hết hàng cây bên đường
một sớm xuân
phả hương thơm vào trí nhớ mệt nhoài
đánh thức dậy những tà áo cũ

Nguyễn Xuân Hoàng,
Vài Nét Về Tác Giả Và Tác Phẩm

Nguyễn Mạnh Trinh

Thời đại của Nguyễn Xuân Hoàng là một thời thế đặc biệt. Ở đó, đầy những biến cố từ thuở kháng chiến chống Pháp, đến thời đệ nhất, đệ nhị Cộng Hòa, từ những cuộc di cư đến ngày di tản, từ cuộc vượt tuyến di cư vào Nam đến vượt biển tị nạn xứ người. Những biến cố ấy tạo cho cả một thời đại những nét chung mang nhưng lại là những điều riêng biệt trong ký ức mỗi người.
Ðọc sách viết về thời kỳ ấy hay viết để kể lại, cái nét chung ấy nhiều khi chuyển thành riêng biệt. Trong văn chương, lấy cái chung làm cái riêng của mình chẳng phải là dễ dàng. Nguyễn Xuân Hoàng là một tác giả mà trong tác phẩm của mình đã mang độc giả đi qua những cảm giác tiền chế của cái chung để đi vào cái riêng của mình một cách rất nghệ thuật. Chính cái nét sống động, của những mảnh đời thật, của biến cố thực, của cảm giác thực đã làm độc giả đi vào một thế giới với sự tò mò qua nhiều câu hỏi. Nguyễn Xuân Hoàng? Trần Lâm Thăng của Người Ði Trên Mây và Bụi và Rác? Là tôi trong Tự Truyện Một người Vô Tích Sự, trong Ngôi Nhà Ngói Ðỏ?
Hay là tôi của Mang Mang với thi sĩ Hoang Vu hoặc trong câu thơ “Nha Trang Hang Ðộng Tuổi Thơ”? Nhà văn? Nhà giáo? Nhà thơ ? Nhà báo? Don Juan hết thời? Người đi trên mây?…

Thục Nữ

Luân Hoán

Em Thục Nữ đời đời là quỷ dữ
với tâm xà khẩu phật mặt mày hoa
vuốt trong mắt nanh trong môi óng ả
hồn tinh khôi em huyễn nhiệm ranh ma
thân mỏng mảnh, viện bảo trì núi lửa
giọng mượt mà, kho dự trữ kim dao
lòng bát ngát, nghĩa địa tim hóa thạch

Viết, Như Một Cách Tự Hoạ

Nguyễn Hưng Quốc

Tại sao viết?
Trả lời câu hỏi tương tự, một lần, trên tạp chí Thế Kỷ 21, tôi đặt vấn đề: tại sao người ta thích hỏi nhà văn là tại sao anh (hay chị) viết văn? Tại sao không ai hỏi cái câu hỏi tại sao ấy với những hạng người khác, với các chính khách, các bác sĩ, các luật sư, kỹ sư, hay với các nhạc sĩ, các ca sĩ, chẳng hạn? Có phải với những nghề ấy, vấn đề đã quá hiển nhiên? Đó là những nghề hoặc có tiền hoặc có danh hoặc có cả hai, đôi khi lại thêm quyền lực nữa. Người ta chỉ hỏi các nhà văn: tại sao anh/chị viết văn? Dường như người ta tò mò: Tại sao anh/chị biết, như Nguyễn Vỹ từng than, nhà văn An Nam khổ như chó, vậy mà anh/chị vẫn cứ mơ mộng làm văn sĩ? Tại sao anh/chị biết, như Nguyễn Minh Châu từng thú nhận, con đường văn chương là một con đường nhục nhằn, đau xót, đầy bất trắc,[1] vậy mà anh/chị cứ đeo đuổi mãi? Tại sao anh/chị biết, như Nguyễn Du từng ngậm ngùi, thơ văn chả có ích lợi gì, nhất sinh từ phú tri vô ích, vậy mà anh/chị cứ lầm lũi viết lách? Tại sao? Cái câu hỏi tại sao ấy, từ phía độc giả, như một sự lạ lùng; về phía nhà văn, cứ như một niềm nhức nhối.
Tại sao anh/chị viết văn? Hỏi. Ừ, thì hỏi. Nhưng hầu như người cầm bút nào cũng biết là mình bị văn chương chọn hơn là chính mình chọn văn chương. Lý do đơn giản: cái viết nào cũng khởi phát từ một cảm hứng mà cảm hứng thì lại nằm ngoài tầm kiểm soát của người cầm bút. Không có người cầm bút thực sự nào không sáng tác như một phiêu lưu. Điều này, có lẽ phần nào giải thích được hiện tượng vì sao các nhà văn hay có tật nói khoác: anh/chị ta lúc nào cũng ngạc nhiên trước tác phẩm của mình. Một kỹ sư không ngạc nhiên đến thế khi nhìn cái máy do mình chế tạo ra: anh/chị ta đã hình dung được nó từ trước, ngay trong dự án. Với nhà văn, trong công việc sáng tác, tình hình lại khác. Ngay cả khi viết xong điều đắc ý, anh/chị ta vẫn chưa chắc đã hiểu trọn những gì mình đã viết, hơn nữa, dù hiểu, vẫn bàng hoàng: anh/chị ta cần lời khen của người khác hoặc của chính mình để tự tin vào mình.


Chớp Mắt Ngoái Lại

Song Thao

Ngày cưới, Nghĩa không có được niềm vui trọn vẹn. Chẳng phải vì đám cưới có gì trục trặc. Mọi việc diễn tiến hoàn hảo đúng như dự trù của anh. Cũng chẳng phải vì anh bị ép buộc gì. Anh và Diệu yêu nhau, lấy nhau giữa sự vui mừng của cả hai gia đình. Cái khoảng hụt hẫng của anh chính là vì thiếu sự hiện diện của hai người bạn nối khố từ những ngày mài đũng quần ở trường tiểu học.
Vũ đang dạy ở trường Võ Bị Đà Lạt một hai đoan quyết thế nào cũng về. Tao mà không có mặt thì đám cưới mày đâu có thành được. Vậy mà cái lệnh cấm trại trăm phần trăm đã níu chân anh. Khoác vào người bộ đồ lính thì cuộc sống có gì là chắc chắn kể chi tới cái phép đã cầm trong tay mà giờ chót lại trở thành tờ giấy lộn. Sáng sớm ngày cưới, đoàn người đi rước dâu chưa ra khỏi cổng, một bó hoa hồng đỏ au tươi rói gửi về từ Đà Lạt đã thay Vũ nói lời chúc mừng với người bạn thiết. Kèm theo bó hoa là một cánh thiệp đẹp và trang nhã. Gửi tới hai đứa mày những lời chúc mừng đẹp đẽ nhất. Tao đã dành sẵn một phòng tại Palace cho tuần trăng mật của tụi mày. Thằng Tước có về làm phép cưới cho mày không?
"Thằng" Tước nay đã là một linh mục. Nhưng, với Vũ, bạn bè ngày cũ muốn làm gì thì làm, vẫn cứ là thằng hết. Ba thằng học chung lớp với nhau suốt năm năm tiểu học tại trường nhà thờ Hàm Long ở Hà Nội. Tại sao thân với nhau thì chỉ có trời biết. Vì trời sinh ra ba đứa tính tình khác hẳn nhau. Tước củ mĩ cù mì luôn nhường nhịn và nhỏ nhẹ với bạn bè nhưng có tính khôi hài lạnh rất tới. Nghĩa thì tròn như hòn bi chẳng có cái gai nào của cuộc đời có thể chích làm anh mưng mủ được. Vũ bộc trực chẳng có điều gì nằm ở trong bụng anh lâu quá được một phút, lại có cái miệng nói năng thẳng băng chẳng ngán thằng tây nào cả. Học ở trường đạo dĩ nhiên Hiệu Trưởng là một linh mục. Một bữa, trong giờ ra chơi, Vũ đứng há miệng nghe lén cha Hiệu Trưởng nói chuyện với bà mẹ già tới thăm ở ngoài sân. Nghe cho đã xong, Vũ hộc tốc đi tìm Nghĩa và Tước.

một đoạn trong thánh kinh

Hoàng Chính 

“Ma sơ à.”
“Gì con?”
“Ma sơ đừng đọc Thánh Kinh nữa được không?”
“Được chứ. Thôi thì dì để cuốn Kinh Thánh đây, lúc nào buồn con mở thử một trang đọc xem sao nhé. Một đoạn cũng được nữa. Nghe Tâm.”
Dì phước ra về. Cuốn Kinh Thánh nằm lại trên mặt chiếc bàn gỗ cạnh đầu giường. Cuốn sách bìa đen, cạnh giấy mạ vàng có sợi chỉ đỏ để đánh dấu đoạn đang đọc. Sợi chỉ đỏ nằm ở trang nào hắn cũng không buồn để ý tới. Dì phước dặn thì cũng cố ngoan ngoãn gật đầu cho bà vui chứ thời buổi này làm gì có ai làm phép lạ mà mơ tưởng. Ngày nào dì phước cũng lại, quanh quẩn bên những giường bệnh, giúp đỡ lặt vặt đám người đã mang bản án tử hình. Nhưng hôm nay dì phước không đến. Mà trời thì cứ mưa rả rích. Mẫu đối thoại hôm qua cứ chạy đi chạy lại trong đầu hắn như đoạn băng nhựa cũ kỹ. Ma sơ đừng đọc Thánh Kinh nữa được không? Được chứ. Thôi thì dì để cuốn Kinh Thánh đây, lúc nào buồn con mở thử một trang đọc xem sao nhé. Một đoạn cũng được nữa. Nghe Tâm. Hắn thở dài âm thầm, rồi thở dài ra tiếng cũng chẳng ai đoái hoài. Trời ơi, mưa gì mà mưa hoài. Chán bỏ mẹ! Chả lẽ mở thử cuốn sách bìa đen ấy ra, đọc một đoạn cho đỡ buồn. Hắn nhoài người ra trước, lật những trang sách, rồi mở hẳn cuốn Thánh Kinh, đặt ngửa trên mặt bàn ngủ, bên cạnh chiếc ly thuỷ tinh mẻ và cái bình thuỷ màu xanh lá mạ.

Những Thừa Số Tính Sai

Lê Giang Trần

Tôi bước đi
bằng đôi chân chập chững
hồn thơ ngây xác nhẹ thiếu cân bằng
nên vấp ngã thành quen
điều ngạc nhiên là những viên sỏi nhỏ
ám ảnh muôn đời đứa bé mới tập đi
Tôi bước đi
bằng con tim rung động
yêu đương nồng nàn và ngã quồ như không
điều ngạc nhiên là ngàn hoa vẫn nở

Cao Bá Quát,
Con Người Phẫn Nộ, Một Tuyên Ngôn Thơ

Thi Vũ

 Bãi cát dài tiếp bãi cát dài
Đi một bước lại lùi một bước
 
Phóng mắt về trước. Không gian dàn trải mênh mông. Mênh mông càng thêm mênh mông, khi mênh mông có đường nét và thể khối. Như bãi cát. Nếu không, mênh mông sẽ mù. Bãi cát tiếp bãi cát, những đường nét, thể khối có giới hạn bỗng biến thành vô tận. Đi hoài không thấy tới. Càng đi càng thụt lùi. Bởi trời đất vô cùng, lòng người giới tuyến theo từng cái chột dạ.
Tả sự mênh mông của trời đất với con người bé nhỏ như hạt sương, như cái kiến… phải khen là tài tình :
Bãi cát dài tiếp bãi cát dài
Đi một bước lại lùi một bước
Nguyên bản chữ Hán, cô đọng hơn:
Trường sa phục trường sa
Nhất bộ nhất hồi khứ
Tả cái mênh mông trời đất trong nền thi ca tiền chiến « mênh mông trời rộng nhớ sông dài », tưởng không ai hơn Huy Cận: