Chiến Tranh, Như Một Thi Pháp

 Nguyễn Hưng Quốc

Ðã có vô số người viết về chiến tranh Việt Nam. Hầu hết đều tập trung nhìn từ góc độ lịch sử và chính trị. Từ góc độ lịch sử, người ta xem chiến tranh như một cái gì đã kết thúc, ở đó, người ta đã biết rõ ai thắng ai bại; vấn đề chỉ còn là tìm hiểu nguyên nhân, mức độ và ý nghĩa của những sự thắng bại đó mà thôi. Từ góc độ chính trị, người ta nhìn chiến tranh Việt Nam như một cái gì đang tiếp diễn, ở thì hiện tại, ở đó, họ vẫn là chiến sĩ, đứng hẳn trong một chiến tuyến nhất định, lòng sôi sục thù hận, như cái thời trước 1975, với ngòi bút (hay bàn phím computer) trong tay, cứ nhắm thẳng quân thù mà... chửi.
Tiếc, cho đến nay, rất hiếm người nhìn chiến tranh Việt Nam từ góc độ văn hoá. Mà, theo tôi, đó mới chính là góc nhìn cần thiết và thú vị nhất, từ đó, chúng ta có thể thấy được ít nhất hai khía cạnh quan trọng của chiến tranh: một, những động lực âm thầm đằng sau các quyết định và các cách ứng xử trong chiến tranh; và hai, vô số các cuộc chiến tranh khác về cuộc chiến tranh đã kết thúc ấy: những cuộc chiến tranh trên sách báo, phim ảnh, đủ loại phương tiện truyền thông và, quan trọng hơn cả, trong chính tâm hồn những người từng tham dự, một cách trực tiếp hay gián tiếp, vào cuộc chiến tranh ấy. Khía cạnh thứ nhất chính là văn hoá chiến tranh trong khi khía cạnh thứ hai là văn hoá hậu chiến.
Trong văn hoá chiến tranh, có ba điều, theo tôi, đáng kể nhất: chủ trương phi-nhân hoá kẻ thù, mỹ học về bạo động và đạo đức học về sự phá hoại.