Cà Mau Ly Rượu Giã Từ

Võ Kỳ Điền

Thế rồi ngày chờ đợi cũng đã đến. Sau bữa cơm, mọi người đang lim dim trong giấc ngủ trưa thì Hủ Tiếu khệ nệ vác cái bụng nước lèo, khệnh khạng đi vào nhà mặt hí hửng báo tin lịnh trung ương đã chánh thức cho phép các ghe của tỉnh Minh Hải khởi hành. Hắn nói:
-- Ngày mai, lúc sáu giờ sáng tụi mình đi xuống Cà Mau bằng xe đò, rồi từ Cà Mau mới đi ghe ra biển. Nhớ nghe, đi xuống đó tay không, không được cầm theo gì hết. Hành lý có xe chở đi trước... nhớ sơn tên họ rõ ràng để khỏi lộn.
Như một phát pháo lịnh vừa được châm ngòi, cả nhà bừng bừng vui ngày hội lớn. Một nỗi mừng vụt đến, tôi ngây ngất bàng hoàng. Ghe đã được đi! Ghe đã được đi! Công trình của gần hai tháng trời héo hắt đợi chờ. Tôi nhìn chỗ nào cũng thấy đáng yêu hết sức. Nắng hừng hực giữa trưa, nắng long lanh ngoài ngõ, nắng xôn xao trên những lá rau muống bên kia đường, nắng chói lòa niềm vui. Mọi người lăng xăng dọn dẹp, thu xếp, chuẩn bị. Tư Trần Hưng Đạo đi chợ mua sơn để ghi tên họ trên các bao hành lý, đồ đạc anh đem theo nhiều quá, gần tới cả chục cái xách tay. Anh ngồi trong góc nhà, cầm cây cọ nhỏ chấm vô sơn vàng, cẩn thận viết từng chữ cái.
Tôi nói với anh:
-- Anh mua hộp sơn lớn quá, viết có mấy cái xách tay làm sao cho hết!
-- Tiệm không còn thứ nhỏ, thôi kệ, miễn có mà viết. Xong rồi, anh em lấy mà dùng khỏi mắc công mua nữa.
Tôi soạn lại xách tay, sắp xếp lại quần áo, cái để mặc đi đường, cái chở theo bằng xe hơi, cùng các đồ dùng cần thiết.
Duyên kế bên cũng rộn ràng:
-- Mình phải mua thêm bình nhựa đựng nước đem theo để uống đi đường, cái bình một lít của Bi nhỏ quá không đủ đâu, em cũng phải mua thêm một cái nồi để nấu nướng...

Thiếu Nữ Chờ Trăng Lên

Lê Thị Huệ 

Ban đầu chúng tôi nằm cạnh nhau . Tôi tựa đầu lên chiếc gối lam nhìn ra bầu trời phía Tây Bắc ngang vòm cửa sổ. Bầu trời đục mây, những đám mây xám di chuyển nhanh và gần qua chóp những cao ốc; những cao ốc dựng ngược, đâm thẳng lên trời, án ngữ gần hết diện tích cửa sổ phòng. Lấm tấm trên mặt diện tích ấy là những vệt sáng vừa thắp. Những chấm sáng hòa với một thứ màu dị hợm của hoàng hôn úa đọng lung linh lên màu hồng máu trên cánh cửa kính. Chiếc đầu rồng của một cao ốc phố T. lộ ra chút vòm sững phía tay phải cửa sổ, trông xa và mờ đi vì sức ép của những khối hình thẳng dựng ngược và vì những tảng mây xám xiên ngang. Trời đang giữa mùa thu, tuy mới bốn giờ chiều nhưng không gian u ám. Tin từ máy phát thanh cho biết mây đang kéo mưa về. Người ta tiên đoán cơn mưa sẽ xuất hiện vào đầu đêm nay, sẽ tạnh, và sau đấy trời sẽ trong sáng.
Hai chúng tôi vừa trải qua một ngày la cà ngoài phố, di chuyển đến mấy địa điểm để tìm những thứ mà khách sạn không có. W tìm quyển báo thể thao có bài phê bình sốt dẻo về trận banh chiều naỵ Chàng cũng hối hả tìm mua ít dao cạo râu, một khẩu súng săn làm quà sinh nhật cho bố chàng. Tôi rủ W đến rạp A xem phim G, cuốn phim được giải điện ảnh năm vừa quạ Phim mô tả đời sống của một người đàn ông tranh đấu cho lý tưởng bằng phương thức bất bạo động. Rồi tạt qua phố T mua một ít bánh dẻo và bánh nướng.

Địa Chấn Ở Cali

Vũ Quỳnh Hương

Nàng đang ngủ giấc ngủ đầy ánh sáng
giấc ngủ đầy thinh âm
khi địa cầu cựa mình lên tiếng than dài
mặt đất vỡ ra những vùng đầy bóng tối
những giòng sông vặn mình bối rối
những chiếc cầu xô lệch đến chân mây
khói tím bay mù qua đầu núi
núi bàng hoàng với hỏi vầng trăng
cố nhớ lại mình bao nhiêu tuổi

Con Tàu Chở Đất Nước Tôi

Phan Ni Tấn

Con tàu chở đất ra khỏi nước
Lá mục khóc buồn cạnh bờ sông
Nhiều đêm nằm vắt ngang nỗi nhớ
Vẫn thấy người đi vớt biển Đông

Con tàu chở nước ra khỏi đất
Nghe buồn như tiếng máu chảy khô
Đời biết bao lần thôi lỗi hẹn
Giọt lệ trào ra nuốt ngược vô

Con tàu chở gió xa bờ cát
Thổi giọt trời mưa ướt bóng người
Chèo chưa qua hết thời của biển
Đã nghe hốc mắt ứa ngậm ngùi

Hội An, Nơi Chôn Cuống Rún Thơ

Luân Hoán

Lâu năm trở lại Faifo
nghe hồn Phố Hội dạt dào cỏ cây
Chiêm, Hà, Bồ, Pháp, Tàu, Tây...
còn vương trong hạt bụi bay hững hờ
chỉ giùm ta vạt đất nào
đã chôn cuống rún trổ thơ thành chùm
...

Hội An, Hội An, với tôi là một tên gọi đằm thắm, thân quen như tên một người yêu chung tình.
Trong hơn sáu mươi năm tiêu xài cuộc sống, tôi đã trôi dạt đến nhiều nơi trên mặt đất,dòng máu trong tim tôi bây giờ không biết đã hao hụt bao nhiêu, đậm nhạt thế nào. Nhưng có một điều chắc chắn, chúng vẫn đỏ, và vẫn nồng nàn khi nghĩ về những địa danh ở quê nhà, nhất là nơi đã chôn giữ cuống rún bé nhỏ của mình.
Nhớ về Hội An, viết về Hội An, nơi chôn cuống rún tôi, không thể không lấy lòng ra để sờ mó, nhìn ngắm lại một vóc dáng, một nhan sắc của một con đất kỳ diệu thuộc xứ Quảng Nam. Thịt da của đất đá, của cỏ cây, của con người ở chốn trầm hương này đã dần dần trưởng thành từ thế kỷ 16. Khuôn mặt kinh tế, khuôn mặt văn hóa đã có thời phương phi, rạng rỡ, có thể là một vùng sống hợp chủng đầu tiên, được gọi bởi nhiều mỹ danh. Nhưng cho dù là Hải Phố,Hoài Phố, Hoa Phố, Faifoo, hay gọn nhẹ, thân mật chỉ một từ Phố, Hội An vẫn là Hội An, với cốt cách, phong thái vừa đủ để mời gọi, vừa đủ để nhớ tưởng.
Cuối năm 1999, tổ chức UNESCO đã chính thức công bố tại thành phố Marakech nước Maroc, tuyển chọn Hội An vào danh sách Những Di Sản Văn Hóa Của Nhân Loại, có là một khẳng định giá trị đích thực của Hội An?

Cầu Tre Lắt Lẻo..

Hoàng Chính.
 
Người hành khất già ngồi bên bờ đất, co ro như một con mèo thiếu ăn. Những nếp da nhăn nheo đùn đầy lên hai đuôi mắt. Hai gò má nhô cao như hai ngọn đồi chênh vênh dòm xuống hai triền thung lũng sâu và hẹp, thuôn thuôn và gặp nhau ở chiếc cằm vênh vẹo như một mảnh bom nhặt được trong thời chiến. Ðôi mắt đục lờ những vẩy cá trắng màu mỡ đông trong những ngày đông giá, nhìn vào thăm thẳm của hư không ở đâu đó phía trước.Toàn thân người hành khất như một đống xương khô bọc ngoài bởi lớp da nhăn nheo khô khốc. Ðống xương bất động như một mô đất, một gốc cây bỏ quên bên lề đường, chỉ có cái miệng và những ngón tay là còn thở ra làn hơi của đời sống. Cái miệng meo méo, nhăn nheo những vết hằn khốn khó; cái miệng hát ra những lời vọng cổ buồn tái buồn tê. Và hai tay ôm hờ hững cần cây đàn guitar cũ kỹ mốc ngời bụi đường. Những ngón tay xương xẩu gỡ ra từ cần cây tây ban cầm những mảnh âm thanh rụng rời cảm xúc. Người hành khất già mê man với tiếng ca trầm buồn như gã phù thủy bị mê hoặc bởi những câu thần chú của chính mình.
          "Ði chưa thầy."
          Con nhỏ học trò thúc cùi chỏ vào cạnh sườn hắn, nhắc nhở, làm hắn bừng tỉnh.
          "Ông già ca hay quá."
          "Bài Xuân này con không về đó, thày biết hôn?"
          Con bé cố không đọc tên bản nhạc thành "Xuân này con hỏng dìa," làm hắn buồn cười.

ơhT

Ngu Yên 1.
Em bé mù hỏi: Mặt trăng?
Tôi nói: Ánh trăng đẹp nhưng người dẫm lên

Em hỏi: Mặt Trời?
Tôi nói: Ánh nắng sáng nhưng tim núp trong ngực tối

Em hỏi: Tấm lòng?
Tôi nói: Không có

2.
Tôi là người lớn mù
Mở mắt càng to càng không thấy

Vặn Mình

Hoàng Xuân Sơn

cứ vặn vẹo        nhé
tang tình
bóng thì đứng thẳng
mà hình thì
        x
           i
                ê
                       u
đêm hôm
cơn mộng rất thiều
âm âm hố nhạc
dỗ        điều thuơng tâm
mình đứng.  đi
lúc mình nằm

Đọc... Chơi Vài Bài Ca Dao

Nguyễn Hưng Quốc

Ca dao, ai cũng biết là hay. Tuy nhiên, có nhiều bài ca dao chúng ta đọc đi đọc lại cả trăm lần, mơ hồ cảm nhận là chúng hay, mà chả hiểu chúng hay ở chỗ nào cả. Chỉ đến một lúc nào đó...
Ví dụ bài ca dao rất quen thuộc này:
Mình nói dối ta mình hãy còn son,
Ta đi qua ngõ thấy con mình bò.
Con mình những trấu cùng tro,
Ta đi xách nước tắm cho con mình.
Tôi thuộc bài ca dao này từ nhỏ. Nhưng chỉ gần đây, tôi mới bắt đầu loé thấy một ít cái hay của nó. Trước hết, chúng ta biết ngay bài ca dao này được làm theo thể lục bát. Bình thường, trong thơ lục bát, câu sáu chữ nằm trên câu tám chữ, lục rồi mới đến bát. Tuy nhiên, trong bài này có điểm lạ: là thơ lục bát, nhưng thay vì mở đầu bằng một câu lục thì nó lại mở đầu bằng một câu bát phá thể. Hệ quả là gì? Hệ quả là hơi thơ của câu thứ nhất dài hẳn ra. Dài và thiết tha vô hạn: tấm lòng của anh thanh niên mở ra bao la với những nguyên âm ‘o’ và nguyên âm ‘a’ rộng rãi và khép lại ở nguyên âm ‘i’ thầm thì trong chữ ‘mình’, một chữ được dùng để gọi người yêu, lặp lại đến hai lần ở câu thứ nhất. Thành ra ở đây, ngay câu thứ nhất, đã có một nghịch lý: ý câu thơ là tố cáo một sự dối trá (‘Mình nói dối ta...’) mà giọng thơ thì lại rất mực ngọt ngào và ấm áp: anh thanh niên biết mình bị lừa mà lại sẵn sàng chấp nhận bị lừa, sung sướng để chịu bị lừa.
Hay nhất trong bài ca dao vẫn là chữ ‘mình’. ‘Mình’ là cách xưng hô đầy âu yếm để gọi người mình yêu. Chữ ‘mình’ ấy lại lặp đến lại năm lần, mang hai ý nghĩa hoàn toàn khác nhau: bốn lần đầu, ‘mình’ là em, chỉ người con gái, ngôi thứ hai số ít: ‘con mình’ là con của em, là ‘your child’. Đến lần thứ năm, cũng là ‘mình’, nhưng ‘mình’ ở đây lại là ta, là chúng ta, ngôi thứ nhất số nhiều, bao gồm cả người con trai lẫn người con gái: ‘con mình’ ở câu cuối là ‘our child’. Người thanh niên chấp nhận đứa con riêng của người yêu làm con của mình.

Ẩn Giữa Trời Xanh

Phan Ni Tấn

Buổi sáng thức dậy
Nghe người gọi đò đưa xuống phố
Tiếng gọi đò đưa làm ướt đẫm hồn tôi

Ai người buôn tràm ra chợ sớm
Xin nhắn giùm tôi đệ ở thành
Mai mốt có về sơn cốc cũ
Nói thầy tôi ẩn giữa trời xanh

Đường vô chỗ tôi qua nhiều chuyến
Chuyến đò chuyến bắc chuyến gian nan
Trăm phương ai biết phương nào đến
Chỗ tôi ẩn giữa nước mây ngàn

Vải Bao cát

Cao Xuân Huy

Toàn mơ màng, suy nghĩ. Đã nhiều lần anh chàng tự nhủ, ừ, tại sao lại không, tại sao lại không nghĩ nhỉ. Không có gì quý hơn độc lập tự do, thì tại sao lại không tận hưởng cái quyền độc lập và tự do không giới hạn này, nghĩ. Nghĩ thế, Toàn cứ một mình tiếp tục ung dung suy nghĩ, đố đứa nào báo cáo, chúng mày có giỏi thì kiểm thảo xem. Nghĩ, miên man hết chuyện này sang chuyện khác. Chuyện giày cao gót, chuyện giày saut, chuyện dép râu, rồi thì chuyện củ sắn củ khoai… Kể cả chuyện một mai anh trở về dang dở đời em…
Ấy thế mà, cái phần gia tài duy nhất ấy rồi cũng cạn dần theo năm tháng. Toàn bây giờ như phiến đá, như cây rừng. Thôi ngủ yên đi con, ngủ cho qua cơn mộng dữ này. Đừng vui, đừng buồn, đừng hy vọng thì lấy gì mà tuyệt vọng.
“Toàn, mày tiếc bữa ăn sáng phải không?”
Lại cái thằng Phương lý tài, Toàn dấm dẳn:
“Tiếc cái con củ cải tao ấy, càng đỡ phải nhịn đi cầu.”
“Không tiếc thì tại sao lại cứ thừ người ra như vậy?”
“Thừ với thiếc cái mẹ gì. Có bốn cái khoái trên đời…”
“Áp-phe thì phải vậy chứ. Muốn được cái nọ thì phải bỏ cái kia. Bỏ cái khoái thứ nhất đổi lấy cái thứ ba, lời thêm được cái thứ tư, cái đỡ phải nhịn… còn than gì nữa?”
“Cái khoản thứ ba ấy à, cái khoản này, mẹ, ’nhìn’ còn không có, có chi ‘chi’. Tao với cái khoản ấy đã ly tán từ cơn gió bụi này rồi.”
“’Ly tán’? Sắp ‘tha hương ngộ cố tri’ chứ.”
“Ừ thì ‘ngộ cố tri’.”
Không muốn nói chuyện thêm với Phương, Toàn quay đi. Nhưng cái vụ “ngộ cố tri” cứ lẩn quẩn trong đầu.
Đã bao năm rồi không thấy nó,
Mà ta vẫn sống, có lạ không?

Pháo Nổ Biên Giới

Võ Kỳ Điền

Khoảng mùng sáu Tết mấy em về Bình Dương và vài gia đình về Sài Gòn ăn Tết cũng đã lục tục trở xuống. Nhà đã đông đúc, ấm cúng trở lại phảng phất đâu đây cái không khí mùa xuân nơi quê cũ. Các đòn bánh tét, đầu heo, tôm khô, củ kiệu ở nhà gởi xuống ăn hết ngay ngày hôm sau. Ăn lại các món quen thuộc gia đình nhứt là bánh tét, nhớ thương má tôi hết sức. Bà đã trên bảy mươi rồi mà vẫn còn bận bịu, lận đận vì con. Bây giờ suốt ngày chờ đợi tin con cháu chừng nào đi được, để yên tâm mà mừng. Ôi! Tình cha mẹ thương con nói sao cho hết.
Vẫn chưa có lịnh cho đi.
Bạc Liêu tháng giêng trời nắng gắt, lại ở gần biển nên nhiều gió cát. Đêm đêm giấc ngủ chập chờn, bứt rứt. Cái nóng của thời tiết cộng thêm cái nóng chờ đợi nó làm ai nấy đâm cau có, gắt gỏng. Tôi ngày nào cũng thả rểu ở chợ Bạc Liêu đứng hàng giờ dưới gốc cây sao già xem biểu diễn quảng cáo Sơn đông hoặc đi ăn hàng ở các quán nước. Gần nhà trọ có một nhà hàng cũ bị trưng thu biến thành cửa hàng ăn uống quốc doanh, bán giá chính thức. Một tô hủ tiếu giá một đồng, ba mươi xu một chả giò làm theo lối Tàu, hai mươi lăm xu một chai xá xị ướp đá lạnh. Tụi con nít trong nhà, thằng Lĩnh mập, Chí ròm, Xuân Lan, Trung, Dung là những khách hàng quen thuộc của tiệm nầy. Một ngày tụi nó chạy đi chạy về mua xá xị, nước cam con cọp không biết bao nhiêu bận. Uống hoài nên miệng đứa nào cũng đầy râu xanh, râu đỏ. Tối tối nhiều đứa đái dầm, cả sàn ướt chèm nhẹp, bị mẹ đánh khóc um sùm giữa khuya.

Tim tôi nhỏ lệ

Paul Verlaine
Bắc Phong
dịch từ nguyện tác Il pleure dans mon coeur

lệ nhỏ trong tim tôi
như mưa rơi trên phố
nỗi sâu xa buồn khổ
trong tim có nghĩa gì?
tiếng mưa rơi nhẹ hạt
trên mái nhà trên đường
trong trái tim chán chường
như dạo lên sầu khúc
vô cớ mà lệ rơi

Thời Tiết

Nguyễn Hàn Chung

Thời tiết
Gió đâu có biết buồn vui
có khi thành bão giết người
như chơi
Mưa đâu có phải của trời
có khi trần trụi buông lời
phù vân
Sấm đâu có phải là thần
có khi đánh xuống mộ phần

Phảng Phất Hương Trà Cũ

Chuyện ngắn Nguyễn Đức Lập

Tôi không thể nhớ chính xác được là tôi bắt đầu thích uống trà vào lúc nào. Điều có thể xác quyết được là tôi bắt đầu làm quen với trà từ hồi tôi còn học tiểu học. Tôi quen với trà vì thầy tôi uống trà. Gia đình tôi, theo tập quán bên nội, con cái gọi cha bằng thầy.
Thầy tôi uống trà một ngày hai cữ, sáng sớm mới thức dậy và buổi xế, khoảng 2 giờ. Thầy tôi có thói quen hay sai và sai theo kiểu "thấy mặt đặt tên". Khi cần một điều gì đó, ông đảo mắt ngó quanh, đứa con nào lớ ngớ trước mặt ông, đứa đó lãnh đủ.
Có một lần, ông đi đâu đó, đem về một cây bông nguyệt quới. Ông tìm chỗ hạ thổ cho cây, trên cái sân trước rộng không đầy hai chiếc chiếu. Đám xây-lô-cố trong nhà tò mò bu lại coi. Sáu đứa cả thảy chớ ít ỏi gì sao, hai gái bốn trai. Vậy mà không đủ cho ông sai. Đứa nầy chạy đi mượn cây cuốc. Đứa kia vô nhà lục lạo kiếm cái bay. Đứa nọ xách cái ky vô bếp lấy tro. Đứa khác thì kiếm xô xách nước... Sáu đứa chạy như cờ-lông-công. Cây nguyệt quới trồng xong, ông xoa tay sung sướng, tuy rằng từ đầu tới cuối, ông không mó tay vô một chuyện gì hết, ngoài việc rước cái cây bất nhơn đó về nhà.
Lần đó, má tôi phải nói:
- Chắc tôi phải đẻ thêm chừng mươi đứa nữa cho ông sai mới đủ.
Thầy tôi, như vậy đó, đụng ai sai nấy, thấy đâu sai đó, nhưng có một việc không bao giờ ông sai con gái. Đó là việc hầu trà. "Nam trọng nữ khinh" chăng? Tôi không biết. Nếu thiệt phải như vậy, "trọng" theo kiểu đó, không sướng ích cho đám con trai tụi tôi một chút nào.

Đưa Đò

Luân Hoán

đưa người tha thiết đưa người
lạ quen qua lại ngược xuôi mỗi ngày
dòng nước chảy ngày hôm nay
khác hôm qua khác mai này ra sao ?

miên man gió thở rì rào
vi vu gió hát nắng đào mưa bay
đôi bờ chim hót trong cây
bình yên hoa nở lá dày cành xanh

người chậm chạp kẻ tinh nhanh
cùng chung vẻ đẹp hiền lành bao dung
con đò từ tốn khiêm cung
tay dầm khua nước vui chung với lòng

Cưỡng Ký Ức

Hoàng Chính 

1

Người đàn ông nhìn qua khung kính. Cổng bệnh viện nhộn nhịp người ra kẻ vào. Con mắt hắn dừng lại ở một bóng người. Dáng nhỏ, vạt tóc ngang trán, khuôn mặt trẻ thơ, hai má bầu bĩnh dụ dỗ những ngón tay thích nựng. Con mắt láo liên như mắt chú gà con khi biết có diều hâu bay lượn trên cao. Cô gái nhớn nhác trên lề đường. Cái gói thuôn dài quấn khăn trắng ôm thật chặt trong tay, như sợ nó biến đi. Đèn đỏ ở hai đầu, Không có chiếc xe nào chạy trên đường nhưng cái bóng ấy vẫn chần chừ trên phần lề lát gạch.
Người đàn ông đặt tay lên ngực, chỗ túi áo. Rồi những ngón tay luồn vào lòng túi, moi ra mảnh giấy hình chữ nhật. Đưa tấm giấy ra trước mặt, người đàn ông nhìn chăm chăm vào con số ghi trong một ô vuông. Rồi đưa cổ tay trái lên, xem đồng hồ. Nhét mảnh giấy vào lại túi áo, người đàn ông nhìn qua khung kính. Cái bóng nhỏ bé kia vẫn còn đó, thấp thoáng ở cổng bệnh viện. Có lúc cô lẫn vào đám đông, nhưng ngay sau đó lại hiện ra, trên lề đường. Dáng mười lăm mười sáu. Trán giồ, con mắt to và đôi vú đội căng ngực áo. Dù cái gói cô ôm trong tay đã che bớt đi cái căng tròn phơi phới. Túi vải mầu hồng lợt đeo xệ một bên vai. Hai con mắt lại ngó dọc hai đầu đường. Đại lộ chính trong thành phố. Bên kia là bệnh viện bên này là nhà ga xe lửa. Đèn đỏ, xe đọng lại ở hai ngã tư. Người đàn ông cũng hồi hộp nhìn hai đầu. Đường vắng. An toàn, có thể băng qua. Cô gái và cái bọc cuốn tròn trong tay. Tim người đàn ông đập nhanh khi cô gái đặt một chân xuống mặt đường.
Con mắt nhớn nhác. Cái đầu xoay qua xoay lại làm bện tóc lắc lư. Một mảng tóc xỏa xuống trán, che đi một con mắt đen tròn. Cánh tay ôm cái gói tròn sát vào ngực. Người đàn ông thở phào khi cô gái qua được đến bên này đường. Đôi chân lại rón rén trên mặt đá xám.
Người đàn ông ngả người ra lưng ghế dựa. Đưa tay nâng chiếc ly giấy nằm trơ vơ trên mặt bàn gỗ sơn vàng. Chiếc ly nhẹ tênh. Mùi cà phê phảng phất. Người đàn ông đặt lại xuống bàn nhưng những ngón tay vẫn bám quanh vành ly.

Bài Ca Vạm Vỡ

Hoàng Xuân Sơn

Khi anh cất tiếng hát
những viên sỏi xanh cổ súy trận mưa rào
trên mái rêu
hồn ngói nâu bật dậy
nhấp nhổm ký ức nóng tình yêu chúng mình
đẵn ngàn cưa xẻ
những lưỡi cây
những rễ cây xoắn xít lưới thuỳ đan diệu

Cùng vào cõi thơ với Ngu Yên:
“Ý Thức Sáng Tác Thơ”

Trần Doãn Nho.

Ngu Yên làm việc không biết mệt mỏi, vừa sáng tác vừa nghiên cứu về sáng tác.
Về nghiên cứu, sau Ý Thức Về Dịch Thuật (578 trang), Ý Thức Sáng Tác Truyện Ngắn bộ 1 (86 trang) và bộ 2 (824 trang), anh vừa cho ra đời một tác phẩm mới, Ý Thức Sáng Tác Thơ, dày dặn không thua gì những tập trước, 600 trang. Đây là một tác phẩm đa dạng: vừa biên khảo, nhận định, lý luận, vừa phân tích, sáng tác, dịch thuật, và lại vừa thử nghiệm về thơ; và đa dụng: giúp độc giả tìm hiểu thêm về thơ, về cách làm thơ, cách thưởng thức thơ và có thể cả …bối rối với (quá nhiều) cách làm thơ và những bài thơ mà anh giới thiệu.
Theo tôi, tập sách vừa công phu lại vừa là một nỗ lực rất lớn của anh: cố gắng đơn giản hóa và cụ thể hóa những vấn đề trừu tượng bằng một lối viết khá trong sáng, rõ ràng, kèm theo dẫn chứng và ví dụ, để độc giả thuộc nhiều trình độ khác nhau có thể nắm bắt nội dung. Mặt khác, nó lý thuyết mà không hoàn toàn là lý thuyết; nó thực hành dù chẳng phải dễ thực hành. Nhưng chắc chắn nó cung cấp cho người đọc rất nhiều điều. Trước hết là kiến thức nhiều mặt: thi ca, triết lý, ngôn ngữ…Sau là kích thích sáng tác và kích thích đọc thơ. Trong lời đề từ, anh nhấn mạnh: cuốn sách không tìm cách trả lời cho cả người sáng tác lẫn người thưởng ngoạn về cách làm thơ cho có giá trị và cách nhận biết một bài thơ hay. Theo anh, “Cuốn sách này thành hình với mục đích minh bạch với bản thân về sáng tác thơ và những hệ lụy của nó.” Vì sao? Vì “Tôi làm thơ với cảm giác của người mặc cảm,” do đó, cách duy nhất thoát khỏi mơ hồ và mặc cảm, theo ông, là cứ “viết xuống.” Để tránh mọi sự hiểu lầm, anh còn cẩn thận nói rõ, “Nếu bạn nghĩ rằng tôi đang hướng dẫn các người khác làm thơ, đây là một suy nghĩ lầm lẫn. Tôi chỉ có ý định kể lại những tư duy và thử nghiệm trong hành trình tìm hiểu nghệ thuật sáng tác thơ.”
Trong phần I, Sáng Tạo Bằng Trải Nghiệm, trước hết, Ngu Yên đề cập đến bản tính và bản sắc của thơ. Nó cung cấp cho tôi, một kẻ làm thơ tơ-lơ-mơ, khá nhiều khái niệm thú vị. Chẳng hạn, Ngu Yên phân biệt giữa “làm mới thơ” và “làm thơ mới”. “Làm mới thơ” là sáng tác hoàn toàn mới từ hình thức đến nội dung, từ cấu trúc đến cách diễn đạt trong lúc “làm thơ mới” là sáng tác theo thi pháp mới. Từ đó, anh cho rằng “làm thơ cũ” khác với và “làm cũ thơ”. Nếu “làm thơ cũ” là sáng tác theo kiểu cũ thì “làm cũ thơ” là cố sáng tác theo kiểu mới nhưng không thành công vì thiếu cẩn thận và thiếu học thuật. Chẳng hạn, anh cho rằng “Nghệ thuật thơ là một sinh vật.” Sinh vật đó “tự sinh, tự phát, tự lập”; nó “không thể nhốt trong chuồng” và “sản xuất ra nhiều con cái.” Và con cái lớn khôn theo “thực phẩm thơ” mà nhà thơ đã cung cấp và nuôi dưỡng.”

Những Chiếc Ghe Lạ

Võ Kỳ Điền

Từ khu dựng lều của người Việt nhìn về cuối đảo là một vách đá xám đen sừng sững chắn bít chơn trời, nhô hẳn ra biển xanh. Những khối đá đồ sộ to cao hàng mười, mười lăm thước nằm ngang nằm dọc gồng mình ra đón những đợt sóng hung bạo từ ngoài khơi xa xăm đập thẳng vào nghe ầm ầm, ầm ầm suốt ngày đêm. Những con hàu già cỗi rong rêu xanh xám bám dầy dưới chưn đá từng lớp lớp. Đá xanh đen thi gan cùng biển cả nằm lỳ ra đó cả triệu triệu năm. Bên kia vách đá là làng đánh cá của ngư phủ Mã Lai. Mỗi sáng từng đoàn ghe thức dậy một lượt với mặt trời, nổ máy dòn dã xình xịch ra khơi. Ghe đánh cá Mã tương đối nhỏ nhưng hai bên hông to bè ra, khác với ghe Việt thon mà dài. Mới ngó là phân biệt được liền. Ghe mình giống một cô gái ốm cao và chưa chồng. Ghe Mã là một bà bầu lùn thấp được trang điểm sặc sỡ từ đầu đến chưn. Chiếc nào cũng còn mới được sơn phết đủ thứ màu, hầu như không thấy dấu vết đen đúa cũ kỹ hư mục. Những tảng màu xanh đỏ vàng trắng được sơn xen kẽ nhau lằn nhỏ lằn to vòng quanh thân ghe, tạo được cái vẻ xinh tươi đẹp đẽ. Những ngư dân đánh cá ở mặt trước đảo, họ dùng lưới nhỏ và ít người bạn phụ việc vì có lẽ nơi đây còn quá gần bờ. Những ghe lớn có dàn lưới to hơn chắc ở tận ngoài khơi. Ngoài mấy ghe đánh cá còn có những chiếc chuyên chở hàng óa, những loại trái cây thổ sản giống y bên mình. Những ghe chở dừa, chuối, thơm, mía... được chất khẩm đầy khoang, ghe lướt êm đè sóng mà đi từng đoàn bốn năm chiếc. Buổi chiều mặt trời mỏi mệt vừa nghiêng xuống gần mặt nước thì những đoàn ghe đánh cá xình xịch trở về đi ngủ. Trên ghe thấp thoáng người dân Mã quấn khăn trên đầu mặc xà rông thong dong ngắm trời mây. Đời sống họ trông có vẻ an nhàn sung túc. Nhìn vẻ thoải mái của họ mà tôi sướng lây. Cả ngày không việc gì làm tôi bồng con nhỏ sáng sáng chiều chiều đón ghe đánh cá đi, về để cho qua thì giờ khắc khoải chờ đợi. Mãi cho đến một buổi chiều khoảng bốn, năm giờ, ánh nắng còn chói gay gắt trên mặt biển, từ thiệt xa có một chiếc thuyền Mã chạy thẳng ngay vô đảo. Tôi mắt kém nên không để ý làm chi. Mỗi ngày có hàng hai ba chục chiếc đi ngang qua đảo là thường. Ngoài ra có chiếc của tụi lính liên lạc với đất liền hàng ngày, đó là không kể những chiếc tàu sắt đồ sộ thường ghé đậu cặp cầu tàu. Chiếc thuyền nhỏ như cái tô lần lần lớn như con bò mộng... rồi bằng cái xe hơi. Tôi cũng thấy gì khác hết. Anh Tư Trần Hưng Đạo nhìn thấy là lạ rồi đi sấn ra bờ cát. Bỗng dưng anh la lớn:
-- Thuyền tiếp tế, bà con ơi!

Vợ Chồng

Nguyễn Hàn Chung


Gái nói em hay khờ dại
Trai bảo anh mới dại khờ
Em nguýt dài anh một cái
Anh bèn ông ổng đọc thơ
Mấy chục năm rời gồng gánh
Họ quên nhắc lời ban đầu
Hai người có người khờ dại
Thế nào cũng có người đau
Cuối chiều hỏi ai khờ dại
Hai người không ai nói đâu!

Nguyễn  Hàn  Chung

Chân Mang Giầy Số 6

Song Thao

Hạo nằm ngửa trên cát hai tay vòng làm gối dưới đầu. Cát nhuyễn và nóng. Lưng anh ấm áp dễ chịu. Ánh nắng sỗ sàng tràn vào mắt anh. Ngực và hai chân anh râm ran như có cả một đàn kiến đang tới lui nhộn nhịp. Anh chong mắt nhìn lên. Bàu trời sà xuống thấp. Mây xanh mây trắng trộn lẫn nhau như có ai cắc cớ đổ tràn lan từng vạt sữa chua để lâu ngày. Anh thả hồn lơ lửng trên những tầng mây rắc nắng óng ánh xà cừ. Giữa khoảng không gian bao la bàu trời có vẻ thân mật gần gũi. Gần đến nỗi khuôn mặt Thùy được cài vào mây nằm gọn gàng trước mắt anh. Anh nhắm mắt muốn xua đi hình bóng đang muốn quên. Ánh nắng được lọc qua mí mắt trải ra một màu đỏ chói chang. Vòng môi Thùy nhếch thành một nụ cười thách thức như trêu chọc anh. Anh kéo chiếc khăn lông, quay người nằm úp mặt trốn chạy. Thùy vẫn tinh quái nằm trong mắt anh. Hạo tự nhủ lòng. Thùy đã là quá khứ. Bỏ vào hộp cất kỹ đi. Nhưng Thùy chẳng chịu nằm yên trong hộp. Từng lúc Thùy vẫn cứ lơ lửng lượn lờ trong anh. Xếp một mối tình như dìm một chiếc phao xuống nước. Cách gì nó cũng trồi lên được.
Tiếng con gái ồn ào cười nói bên cạnh anh. Mặt Hạo chôn chặt trong chiếc khăn tắm nhưng hai tai anh như muốn vểnh lên hết cỡ. Anh chăm chú phân biệt từng giọng nói.Cũng chẳng dễ dàng gì. Giọng nào cũng lanh chanh nhảy nhổm lên nhau lẫn lộn. Những tiếng chửi thề gối đầu nhau phát ra dẻo quẹo. Chắc toàn những chiếc miệng chửi nhau có bằng cả. Hạo nghe léo nhéo một hồi rồi mặt cát bên cạnh anh rung động những bước chân chạy thình thịch. Anh mơ màng trong cái êm ả vừa được trả lại. Cả thân người anh được thả lỏng tận hưởng những giây phút thanh thản.

Cơm Rau Đầu Tuyến

Bắc Phong

* Phỏng ý truyện bữa cơm có chút rau của Trung Hậu

chặt đầu đuôi đánh vẩy
kho tiêu cá lù đù
ăn một mình nhớ bạn
thuở tạp dịch biên khu

tân binh đi chôn xác
lính sinh bắc tử nam
bẻ cây dựng thánh giá
làm dấu tích mộ phần

bạn cầm xẻng đào hố
ngậm ngùi đời chiến binh
mình chôn người ta trước
sau người ta chôn mình

'Thơ Con Cóc': Một bài thơ hay

 Nguyễn Hưng Quốc

Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi

Yêu thơ, thuộc khá nhiều thơ, tôi có thói quen hay đọc thơ, khe khẽ, một mình, nhất là vào những buổi chiều, đi làm về, nhìn nắng ngẩn ngơ vàng, lòng bỗng dưng, nói như Xuân Diệu, ‘hiu hiu khẽ buồn’. Những lúc ấy, dù không mong, thơ vẫn hiện về, thầm thì, như một lời đồng điệu. Thường là thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử và nhiều nhà thơ khác, trước năm 1945; những bài thơ ngọt ngào vô hạn, đọc lên, ngỡ có hương thơm thoang thoảng quanh mình và ngỡ lòng mình, giống như Hồ Dzếnh ngày nào, hoá thành rừng, thành mây, đầy một niềm chiều.
Thế nhưng, lạ, dễ đã mấy năm rồi, không hiểu tại sao, càng ngày tôi càng mất dần cái thói quen thơ mộng ấy. Tôi vẫn đọc thơ nhưng hầu như bài thơ nào đang đọc dở dang cũng đều bị cắt ngang bởi một bài thơ rất vô duyên: ‘Thơ con cóc’. Từ đâu đó, tận trong tiềm thức, bài ‘Thơ con cóc’ nhảy chồm ra, giành giật, chen lấn, xô đẩy, cuối cùng, thật oái oăm, bao giờ nó cũng thắng thế.

Góc Nhà

Luân Hoán

ta đã nhiều năm xa tổ quốc
nhưng nào tổ quốc có xa ta
sờ tay lên ngực nghe còn ấm
hơi thở cỏ cây ở quê nhà

vẫn gặp bình minh trên ngọc tóc
mỗi lần tay chải ngọn bâng khuâng
gió từ bờ ruộng qua bụi chuối
mang tiếng chìa vôi, thoảng hương bần

Dịch Thơ: Tái Sáng Tạo. Ngoạn Mục và Thú Vị.

Ngu Yên

Ý Thức Sáng Tác Thơ. Tập Một

1 
Dịch Thơ: Tái Sáng Tạo.
Ngoạn Mục và Thú Vị.

Ila Kaminsky, chủ biên tuyển tập thơ thế giới: The Ecco Anthology of International Poetry, ấn hành bởi Harper Collins Publisher, 2010, trình bày về việc dịch thơ cho toàn bộ tác phẩm dày 540 trang với 309 thi sĩ từ hầu hết các dân tộc trên toàn cầu: “Theo George Steiner, một bài thơ gốc hiện diện tĩnh lặng như một ý nghĩa cao đẹp và người dịch nỗ lực truyền tải toàn bộ ý nghĩa và thẩm mỹ này sang ngôn ngữ thứ hai. Vì hai ngôn ngữ không bao giờ ăn khớp hoàn chỉnh với nhau, một bản dịch không bao giờ hoàn toàn thành công, luôn luôn có điều gì thất thoát. Nếu dịch không thể nào phục vụ hoàn hảo như tấm gương soi, chúng ta chỉ có thể đưa ra giả thuyết rằng dịch có hiệu quả riêng thay thế cho bằng chứng hoặc dấu vết của những lời thơ (tiếng nói) cao kỳ. Đôi khi chỉ những dấu vết như vậy đã đủ, như Garcia Lorca và Anna Ankhmatova, ngay cả những bản dịch sang Anh ngữ đã ảnh hưởng đến những nhà thơ Hoa Kỳ trong thế kỷ 20. Tương tựa như chim phượng hoàng, những bài thơ của các bậc tôn sư được tái sinh từ đống tro tàn của bản dịch.” (trang x1, Introduction.)
Ông nhận định, một bản dịch thành công thể hiện văn bản gốc trải qua một quá trình biến đổi với sự  tái sinh trong một mô hình sống động mới. Thỏa thuận với khái niệm này, nhà thơ Pauk Celan viết: “Ngôn ngữ mà tôi sáng tác thơ không liên quan gì đến lời thơ ở đây (trong tuyển tập) hoặc ở những nơi khác.” (x1) Nhà thơ Mahmoud Darwish đề nghị,một bài thơ dịch nên phát triển vào khả năng bao la của ngôn ngữ dịch.

Bài Ca Chí Lớn

Nguyễn Đức Lập

Dăm đứa bạn bè từ bốn phương
Gặp nhau rượu đắng trắng đêm trường
Ô hay!
Chí lớn trong thiên hạ
Nhắc lại càng thêm nỗi chán chường
Cạn chén này đi chén nữa thôi
Ta say! Quên hết chuyện buồn vui
Thế nhân còn mấy người xanh mắt
Thất thểu mình ta giữa chợ đời
Có phải ngươi vừa khóc đấy chăng?

Du Côn Hữu Dụng

Phan Ni Tấn

Tôi là Côn. Lớn lên trong một tu viện trên phố núi. Ra đời hành tẩu giang hồ chưa đầy một năm người trong phó nói tôi lá thằng du côn hữu dụng. Các Sơ cười hề hề nói đáng lẽ phong tôi là "hiệp khách hành" mới đúng, tôi nghe cũng chỉ cười hề hề.
Hai mươi năm trước, các Sơ bác ái lượm tôi ở bãi rác công cộng đem về nuôi cho ăn học. Năm học vỡ lòng lớp mẫu giáo tôi rụt rè như con gái. Lên tiểu học tự nhiên tôi đổi tánh thành đứa âm binh nghịch ngợm phá phách nhưng được cái là tôi học hành rất tấn tới, năm nào cũng nhảy lớp, có năm tôi nhảy liên tục hai lớp. Mười lăm tuổi tôi đậu tú tài (diplôme de bachelier) toàn phần. Hồi đó thi tú tài có năm hạng: Tối ưu, Ưu, Bình, Bình thứ và Thứ, tôi đậu Ưu. Thay vì xuống Sài Gòn thi vô đại học tôi bỏ học ra Quy Nhơn tầm sư học đạo. Đao đây là võ đạo, là võ của võ sĩ. Năm năm sau tôi xuống núi quy hồi cố hương chẳng nghề ngỗng gì ngoài nghề đấm đá túi bụi với bọn du đàng ngoài đường phố.
Ở tu viện mỗi sáng thức dậy tôi thường đọc Kinh Tin Sáng "Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, Amen" xong ra sân dợt vài đưởng quyền cho giãn gân giãn cốt. Dù các Sơ không giao cho tôi việc gì nhưng ngày ngày tôi vẫn lui cui quét dọn trong ngoài, lau chùi phòng ốc, thay nến trên bàn thờ Chúa như một con chiên ngoan đạo.  Riêng việc bếp núc, cuốc đất trồng rau đã có các Sơ trẻ chăm lo, tôi không phải đụng tới. Thật ra, trong nhà thờ ai cũng biết tôi - vai năm tấc rộng thân mười thước cao - chưa từng biết sợ cái chi trên đới này, ngoài việc sợ… con trùng đất ngo ngoe. Hehe.

Bàn Chân Thở Với Bàn Tay


Hoàng Xuân Sơn

Chỗ khả dĩ để thở

xuống câu bất tận hằng hà
nụ
bông
hôm nào em xanh với đồng
nôn nao với gió
bế bồng theo mây
hôm nao đủ ngón bàn tay

Hương Bài Thơ Cũ

 Luân Hoán

bốn mốt năm xa chợt sáng nay
hương bài thơ cũ gợn chân mày
tiếng vàng thỏ thẻ reo hồn nhạc
đánh thức tình vui mở cánh bay

đứng lại trên hè ngã tư xưa
một thời chờ đợi run tay đưa
đôi câu viết vội trên bao thuốc
tim đập liên hồi quên gởi thưa

kịp nhớ bàn tay rất thẹn thùng
giấu ngay vào vạt áo rung rung
quay mình thả bước nhanh theo bạn
nhưng gót chừng như vướng nhớ nhung